Chứng đau dây thần kinh |
Tác Giả: Bs Hồ Văn Hiền, MD, FAAP | ||||
Thứ Năm, 27 Tháng 9 Năm 2012 06:28 | ||||
... chứng nhức đầu mãn tính, phía sau đầu, kèm theo đau trong miệng và có lúc méo miệng trong lúc cơn đau. LTS: Chuyên gia phụ trách giải đáp thắc mắc y học kỳ này là Bác sĩ Hồ Văn Hiền, chuyên khoa nhi và y khoa tổng quát, có phòng mạch và đang làm việc cho các bệnh viện ở Bắc Virginia. Ông Ðỗ Văn Hiền ở Amsterdam, Hà Lan, có thắc mắc về chứng đau dây thần kinh chẩm, thần kinh lưỡi hầu, thần kinh chia ba. Chúng tôi đã chuyển thắc mắc cho bác sĩ Hồ văn Hiền, và sau đây là phần giải đáp của bác sĩ Hiền: Đau dây thần kinh chẩm, thần kinh lưỡi hầu, thần kinh chia ba (Occipital, glosso-pharyngeal and trigeminal neuralgia) Cũng như mọi khi, vì thính giả sống ở Âu châu, với đầy đủ bác sĩ và phương tiện để chẫn đoán, chữa trị cho mỉnh, tôi chỉ xin nhân cơ hội để chúng ta cùng học hỏi về một số hoàn cảnh y khoa tương tự, hoàn toàn với tính cách thông tin. Hôm nay chúng ta sẽ bàn đến 3 chứng neuralgia của vùng đầu cổ: 1) Occipital neuralgia: Dây thần kinh chẩm phụ trách vùng phía sau đầu, trở xuống vùng sau ót, cổ, là 2 nhánh của dây thần kinh cổ số 2 ( hai dây thần kinh chẩm, lớn và nhỏ, đi từ dưới cỗ ngược lên đỉnh đầu/greater and lesser occipital nerves). Nếu 2 dây thẩn kinh chẩm này bị viêm, gây ra đau, người bệnh bị chứng occipital neuralgia (hay Arnold neuralgia) làm đau đầu mãn tính về phía sau ót, sau cổ, và luôn cả sau hốc mắt (retro-orbital pain), đau rát mắt. 2) Glosso-pharyngeal neuralgia :đau dây thần kinh lưỡi-hầu (tk sọ số IX; IX th cranial nerve), phụ trách vận động các cơ vùng hầu (throat, pharynx), đem về óc cảm giác từ vùng sau của họng,vùng hạch a-mi- đan, 1/3 sau của lưỡi. Do đó, đau thẩn kinh lưỡi- hầu gây ra những cơn đau buốt, rát bỏng vủng sau họng, vùng a mi đan và và 1/3 sau của lưỡi.Thường xảy ra ở đàn ông trên 40 tuổi. 3) Trigeminal neuralgia: Đau dây thần kinh chia ba (thần kinh sọ số V, trigeminal nerve/ Vth cranial nerve), phụ trách về cảm giác một số vùng trên mặt và 2/3 trước của lưỡi, điều khiển chức năng hoạt động của một số cơ phụ trách động tác nhai. Dây thần kinh này (TK sọ số V) đi từ trong não bộ ra ngoài, ngang hai tai, ra trước về phía gò má và chia làm ba, bởi vậy tiếng Anh mới gọi là trigeminal nerve, "dây thần kinh sanh ba": nhánh trên phụ trách vùng chung quanh mắt (V1; ophthalmic branch), nhánh giữa vùng mũi và hàm trên (V2; maxillary, nhánh dưới vùng hàm dưới (V3, mandibular branch). Nhánh nào bị đau thì cơn đau sẽ xảy ra trong vùng tương ứng. Đau dây thần kinh này gây ra những nhức nhối như dao đâm (stabbing pain) ở môi, nướu răng, má (thường đau một bên đầu, có thể cả hai bên nếu 2 thần kinh trái và phải cùng bị bệnh).Các cơn đau có thể chỉ vài giây, kéo dài vài phút; có thể khởi động do động tác nhai, do sờ đúng vào một điểm phát khởi nào đó (trigger point) trên mặt. Trong những trường hợp đau thần kinh chỉa ba không điển hình (atypical trigeminal neuralgia/ATN), cơn đau có thể rất khó tả, có thể chỉ đủ làm cho bệnh nhân khó chịu từ trên xuống dưới một bên mặt, làm bs nghĩ lầm với chứng migraine (đau nửa đầu), đau viêm xoang, đau răng vv. Cơn đau ATN củng có thể ở sau đầu, sau cổ như occipital neuralgia. Định bệnh: Một số người liên hệ chứng đau dây thần kinh (neuralgia) với bệnh do vi trùng như bệnh Lyme, bệnh virus herpes.((Lyme là một loại bệnh do con tick [bọ chét] nai truyền qua, bắt đầu bằng một vết mẫn đỏ tròn, lan ra, lớn dần, kèm theo viêm khớp xương và một số triệu chứng tim, thần kinh.Ở Hoà Lan, bệnh Lyme tăng nhiều trong những năm gần đây, trên 10000 trường hợp/năm). Cho nên bs có thể cho thử nghiệm để tìm dấu vết chứng minh một số vi khuẩn, virus. Cần loại bỏ khả năng mạch máu bất thường (vascular compression) hoặc u bướu chèn ép dây thần kinh. Bác sĩ có thể dùng chẩn đoán hình ảnh (imaging, "chụp hình")) như CT scan, MRI (cộng hưởng từ trường ) để loại bỏ khả năng này (nghĩa là xem có mạch máu bất bình thường, có u bướu hay không). Chữa trị:Dùng thuốc chống trầm cảm (vd amitriptyline), thuốc chống co giật (vd carbamazepine, gabapentin ) như chúng ta đã bàn trước đây: 1) Thuốc trị trầm cảm chủ yếu tác dụng tăng mức các chất dẫn truyền thần kinh [neurotransmitters] trong não bộ. Norepinephrine và serotonin là 2 chất truyền dẫn thần kinh (neurotransmitter) được tiết ra trong khớp thần kinh (synapse), tạo liên lạc, đưa tín hiệu từ tế bào thần kinh này qua tế bào thần kinh kế tiếp. Thuốc trị trầm cảm thế hệ thứ nhất làm tăng chất norepinephrine trong các khớp thần kinh (synapses). Ví dụ: loại tricyclic antidepressant [thuốc chống trầm cảm 3 vòng], như amitriptylin [“Elavil”]. 2) Gabapentin là một thuốc chống kinh phong, được dùng chữa các cơn đau do viêm dây thần kinh (neuropathic pain) hoặc các hội chứng đau kinh niên. Theo Cochrane, chừng 50% bệnh nhân dùng không hiệu quả, 30% có kết quả ở mức cao. 2/3 bệnh nhân có biến chứng như chóng mặt, buồn ngủ, dáng đi không bình thường (gait disturbances), phù nề (edema). Tuy nhiên chỉ 11% bệnh nhân bỏ cuộc vì những phản ứng phụ này. Những thuốc giảm đau như acetaminophen, NSAID ( vd ibuprofen) có thể có ích ít nhiều. Các chất ma tuý (opioid) có thể gây ghiền vì bệnh theo chu trình tự nhiên có thể thuyên giảm rổi trở lại nặng hơn, làm người bệnh khổ sở, bị trầm cảm. Một số người dùng vitamin, châm cứu, dùng dòng điện kích thích dây thần kinh. Trường hợp occipital neuralgia có thể đắp nóng, lạnh cổ, massage vùng cổ.Bs có thể chích thuốc tê (local nerve block), thuốc corticoid vào vùng dây thần kinh đi qua, có thể cắt đứt dây TK chẩm. Những trường hợp do mạch máu đè lên dây thần kinh, có thể giải phẫu nếu cần (decompression), cần bàn bạc kĩ lưỡng với bs về các cơ nguy và biến chứng phẫu thuật. Tóm lại, cần bác sĩ chuyên về thần kinh (neurologist) xem xét kỹ lưỡng để đi đến định bệnh chính xác. Cần theo dõi đều đặn với bs gia đình của mình, để điều chỉnh trị liệu nếu cần. Bệnh nhân lên cân nhiều, có thể nên nhờ bs gia đình xem lại có khả năng bệnh tiểu đường hay không, đồng thời xét đến sức khoẻ tổng quát, những yếu tố về tâm lý, về sức khoẻ tinh thần có thể chi phối tình huống đau đớn đang kéo dài của mình.
|