Chơi đu – nét duyên ngày Tết |
Tác Giả: Nguyễn Khải Hoàn | |||
Thứ Năm, 03 Tháng 2 Năm 2011 16:00 | |||
(VOV) - Chơi đu là trò chơi mang tính phổ biến và dân dã ở nhiều vùng nông thôn, không phân biệt đẳng cấp, giới tính, lứa tuổi… mà ai đều cũng có thể tham dự. Chơi đu ngày xuân (ảnh KT) Khen ai khéo dựng đu này Câu ca dao ấy đã thể hiện lòng say mê, thích thú của những đôi nam thanh nữ tú ở các làng bản nông thôn Việt Nam đối với trò chơi đu-một trò chơi dân gian phổ biến ở nhiều vùng miền nước ta như: Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Hà Tĩnh…. Chơi đu chủ yếu diễn ra vào mùa xuân. Trong các ngày lễ hội đầu xuân ngoài phần nghi lễ tế thánh tôn nghiêm thì phần hội là phần sôi động nhất, bên cạnh các trò chơi mang tính thể thao, khéo léo, nhanh nhẹn như: vật võ, đánh cờ, cướp cầu… thì chơi đu là phần được đông đảo nhân dân và thanh niên nam nữ tham gia nhất, góp phần làm cho không khí ngày hội thêm vui nhộn và náo nhiệt hơn. Ở các làng bản có truyền thống chơi đu thì từ những ngày trước Tết, khoảng 27-28 tháng Chạp, làng cử một nhóm trai đinh khoẻ mạnh đi tìm chọn những cây tre to, đẹp nhất và không bị sâu bệnh về để dựng cột đu. Cây đu thường được dựng ở khu bãi đất rộng trước sân đình, chùa của làng. Cây đu được cấu tạo gồm 4 cây tre lớn tạo thành 2 trụ đu, bàn đu và thượng đu. Thượng đu làm bằng thanh tre ngang nối 2 phần trụ đu với nhau. Tay đu là 2 cây tre già nhỏ vừa với tay cầm và được chốt rất chắc chắn để người đu cầm được khi đu, bàn đu là chỗ để người chơi đặt chân đứng lên đó. Có nhiều cách đu nhưng phổ biến nhất vẫn là đu đơn và đu đôi; đu đơn là đu một người, đu đôi là đu hai người. Đu đơn nữ thường thể hiện sự nhịp nhàng, nhẹ nhàng và duyên dáng của người chơi, đu đơn nam thường thể hiện sự khoẻ mạnh, bay bổng và thường đu cao tít lên. Đu đôi gồm có đôi nam, đôi nam nữ. Tuy nhiên đẹp nhất, hấp dẫn và thích thú nhất vẫn là chơi đu đôi nam nữ, bởi giữa đất trời mùa xuân, vạn vật, hoa cỏ đang khoe sắc đua hương, những đôi trai gái đang độ tuổi xuân thì đều phơi phới đam mê muốn kết duyên, tìm bạn. Chơi đu đôi nam- nữ thể hiện rất rõ quan niệm cổ xưa có âm -dương, trời- đất, núi- sông, nam- nữ giao hoà… khiến cho cảnh vật, không khí ngày xuân thêm bay bổng, nhịp nhàng và hứng khởi hơn. Hai người lên đu quay mặt vào nhau, dùng tay vịn thân đu, dùng sức nhún từ đôi chân đẩy cho đu bay bổng, càng vượt cao càng hay và giật giải treo trên ngọn đu. Càng nhún mạnh, đu càng lên cao, cần đu đưa lên vun vút, bên nọ sang bên kia. Cần đu lên ngang với ngọn đu là hay nhất, nhiều khi đu bay ngang ngọn đu một vòng. Nhiều nơi treo giải thưởng ở ngang ngọn đu để người đu giật giải. Nhún đu cũng là một sinh hoạt giao đãi tình cảm của trai gái. Chơi đu ngày xuân (ảnh KT) Trò chơi đu yêu cầu người chơi phải thật bình tĩnh, có sức khoẻ và một chút dũng cảm, bởi đây là trò chơi có tính mạo hiểm khi người đu hưng phấn lên thì có thể điều chỉnh đu bay lên cao tít. Nếu không bình tĩnh và không có sức khoẻ thì rất dễ gây nguy hiểm đến người chơi. Chơi đu là trò chơi mang tính phổ biến và dân dã ở nhiều vùng nông thôn, không phân biệt đẳng cấp, giới tính, lứa tuổi… mà ai đều cũng có thể tham dự. Chính vì vậy, trò chơi này luôn thu hút đông người tham gia, cổ vũ làm không khí ngày xuân ở những làng quê thêm sôi động, vui tươi. Chơi đu còn thể hiện nét văn hoá rất riêng của những đôi nam nữ thanh niên đang đi tìm bạn tình, nhiều đôi đã nên vợ nên chồng sau những cuộc chơi đu như thế này. Bên cạnh đó chơi đu cũng khiến con người ta cởi mở hơn, thư giãn và gần gũi hơn sau những vụ mùa lao động vất vả. Mặc dù phần thưởng dành được trong những cuộc chơi đu ngày Xuân có giá trị kinh tế chẳng đáng là bao nhiêu, nhưng những người chơi, cặp chơi nào cũng cố gắng hết sức để giành được giải thưởng cao nhất, vì theo quan niệm nếu giành giải thưởng đầu xuân năm mới thì sẽ gặp được nhiều điều may mắn trong năm đó. Vì vậy, mọi người rất hào hứng, vui vẻ thi nhau đua tài, tranh sức, quyết giành cho được vận may đầu năm./.
|