Phỏng vấn Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, tân Giám mục giáo phận Qui Nhơn |
Tác Giả: Maria Vũ Loan / VietCatholic | ||||
Thứ Sáu, 06 Tháng 7 Năm 2012 08:22 | ||||
Công việc càng lớn và ảnh hưởng đến nhiều người thì càng phải khôn ngoan và thận trọng, nhất là khi hoàn cảnh luôn thay đổi và hết sức phức tạp. Đức Cha Matthêu Nguyễn Văn Khôi, là Giám mục phó GP Qui Nhơn kiêm chủ tịch Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh trực thuộc HĐGMVN, vừa trở thành Đức Giám Mục Chánh Tòa GP Qui Nhơn, trong dịp này Đức Cha có chia sẻ một chút tâm tư. Xin chia sẻ cùng độc giả Liên Hiệp Truyền Thông Công Giáo - VietCatholic 1/ Kính thưa Đức Cha, ĐTC Bênêdictô XVI đã nhận đơn xin nghỉ hưu vì lý do tuổi tác của ĐGM chánh tòa Phêrô Nguyễn Soạn, nay Đức Cha nhận trách nhiệm lãnh đạo Giáo phận Qui Nhơn, xin Đức Cha chia sẻ cảm nhận về trách vụ mới của Đức Cha? Vâng, mầu nhiệm ơn gọi và việc trao ban sứ vụ trong Giáo Hội bao giờ cũng đem lại cho con người những cảm xúc khó tả: vừa vui mừng vì được góp phần vào công trình của Chúa, vừa lo âu vì khả năng hạn hẹp của mình. Tuy nhiên, khi đọc lại Thánh Kinh, tôi thấy Thiên Chúa thường kêu gọi những người yếu hèn tham gia thực hiện chương trình cứu độ của Ngài, để quyền năng của Ngài được biểu lộ cách rõ ràng hơn. Vì thế, thay vì nhìn vào sức mình để lo âu, tôi nhìn vào quyền năng của Thiên Chúa để hoàn toàn phó thác cho Ngài. Tôi nghĩ: điều quan trọng không phải là con người làm được việc gì cho Chúa, nhưng là con người biết để cho Chúa thực hiện ý muốn của Ngài nơi mình và qua mình, như lời Đức Maria thưa với sứ thần khi được giao nhiệm vụ cao cả nhưng hết sức nặng nề là làm mẹ Đấng Cứu Thế: “Xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Đức Mẹ không hề lo lắng, nhưng tâm hồn tràn ngập niềm vui và tín thác, nhờ đó Mẹ đã hoàn thành sứ mạng cho đến lúc đứng vững dưới chân thập giá. 2/ Gần ba năm qua, kể từ ngày được bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận (31/12/2009), Đức Cha đã quen với một số việc điều hành Giáo phận, xin Đức Cha chia sẻ đôi nét về tình hình hiện nay của Giáo phận Qui Nhơn? Kể từ ngày được bổ nhiệm làm Giám mục phó Giáo phận Qui Nhơn, tôi giúp Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn trong việc điều hành Giáo phận, qua đó tôi được thêm hiểu biết và kinh nghiệm. Giờ đây, khi phải đứng ra điều hành Giáo phận, tôi cảm thấy ít nhiều an tâm như người thợ đã trải qua thời gian tập sự, mặc dù vẫn biết rằng còn có quá nhiều điều mình chưa quen và nhiều khó khăn đang chờ phía trước. Hiện nay Giáo phận Qui Nhơn gồm 3 tỉnh: Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên, gồm 47 giáo xứ và nhiều giáo họ lẻ với tổng số giáo dân là 70.755 người. Trong giáo phận hiện có 95 linh mục, trong số đó có 14 linh mục dòng. Ngày 29 tháng 06 vừa qua, có 8 thầy được phong chức phó tế. Số chủng sinh đang học tại Đại Chủng Viện Sao Biển Nha Trang và đang phục vụ tại các giáo xứ gồm 26 thầy. Ngoài ra còn có hơn 40 chủng sinh đang theo các lớp tiền chủng viện tại Qui Nhơn. Về các dòng tu nam, có Dòng Ngôi Lời, vốn là Dòng Thánh Giuse được thành lập tại Giáo phận Qui Nhơn trước đây, Dòng Chúa Cứu Thế và Dòng Đức Mẹ Đồng Công. Về các dòng tu nữ có Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã hiện diện từ thời Đức Cha Lambert de la Motte và hiện có nhà mẹ tại Qui Nhơn với 54 cộng đoàn tại 7 giáo phận trong nước, 2 giáo phận ngoài nước và một tỉnh dòng tại Mỹ; ngoài ra còn có một cộng đoàn Dòng Phan Sinh Thừa Sai Đức Mẹ đã hiện diện lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1932 để phục vụ các bệnh nhân phong tại Qui Hòa, 4 cộng đoàn Dòng Thánh Phaolô thành Chartres. 3/ Trong chức vụ mới, xin Đức Cha nói về thách đố của Giáo phận Qui Nhơn và Đức Cha có dự định mục vụ gì đặc biệt, những việc gì cần làm ngay? Qui Nhơn là một Giáo phận bị chiến tranh tàn phá hết sức nặng nề. Do chiến tranh kéo dài, nhiều giáo dân tại các giáo xứ miền quê di cư đến các tỉnh khác và không trở về. Vì thế, nhiều giáo xứ lâu đời và đông đảo giáo dân đã bị xóa sổ, nhiều nhà thờ đã bị phá hủy. Tỷ lệ giáo dân trong toàn giáo phận quá thấp so với tổng số dân, khoảng 1,8%, phần lớn là dân nghèo. Vì thế, khó khăn lớn nhất hiện nay là sự thiếu hụt nhân lực và tài lực để phục hồi những gì đã bị tàn phá do chiến tranh và đẩy mạnh công cuộc truyền giáo. Giáo phận đang cố gắng phục hồi dần dần các giáo xứ đã mất và xây dựng lại các nhà thờ đã bị sụp đổ để làm cơ sở cho việc truyền giáo. Giáo phận Qui Nhơn đã được diễm phúc đón nhận Tin Mừng từ năm 1618, tính đến năm 2018 vừa tròn 400 năm. Để mừng kỷ niệm thời điểm hồng phúc này, từ năm 2008 Giáo phận đã lên chương trình chuẩn bị 10 năm. Sau 4 năm chuẩn bị xa, bắt đầu từ năm 2012 này Giáo phận bước vào thời gian chuẩn bị gần, mỗi năm theo một chủ đề, vừa mang chiều kích thiêng liêng, vừa theo định hướng truyền giáo, nhằm mục đích giúp mọi thành phần Dân Chúa củng cố đức tin và đời sống đạo đức của mình để có thể tiếp nối bước chân các vị thừa sai và tiền nhân trong việc rao giảng Tin Mừng và làm chứng nhân Nước Trời. Sau 6 năm chuẩn bị gần theo lược đồ và khuôn mẫu 6 ngày trong công trình tạo dựng trời đất, năm 2018 sẽ là năm sabát, toàn Giáo phận sẽ cử hành Đại Năm Thánh để tạ ơn Thiên Chúa, tri ân các bậc tiền nhân và tiếp tục đẩy mạnh công cuộc truyền giáo với một năng lực mới. 4/ Trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, một số Đức Giám mục còn đảm nhiệm thêm công việc của các Ủy Ban; là chủ tịch Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh, công việc này có ảnh hưởng nhiều đến việc mục vụ của Đức Cha không? Trong cương vị chủ tịch Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh, hiện nay tôi thay mặt toàn thể Ủy Ban để nhận nhiệm vụ do Hội Đồng Giám Mục Việt Nam giao là thiết kế các đồ án xây dựng Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang. Cha Vinh Sơn Phạm Trung Thành, Bề Trên Giám Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, Tổng Thư Ký Ủy Ban Nghệ Thuật Thánh, trực tiếp phụ trách mời các kiến trúc sư và các nhà thiết kế mỹ thuật để thực hiện các đồ án này với sự hướng dẫn và đôn đốc thường xuyên. Tôi có trách nhiệm xem xét và cho ý kiến. Vì thế, công việc này cũng không ảnh hưởng đến chương trình mục vụ và điều hành Giáo phận bao nhiêu. Ngày 15 tháng 08 sắp tới sẽ có thánh lễ đặt viên đá đầu tiên để xây dựng Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ La Vang, để đáp lại sự mong chờ quá lâu của cộng đồng Dân Chúa trong cả nước. Đó là công trình đầu tiên và quan trọng nhất trong toàn bộ quần thể kiến trúc sẽ tiếp tục được xây dựng trong những năm kế tiếp. 5/ Trong cương vị chủ chăn, Đức Cha Phêrô với sự khôn ngoan và thận trọng đã chăm sóc giáo phận về nhiều mặt và được phát triển tốt đẹp; Đức Cha cần nhiều sự chia sẻ và cộng tác như thế nào từ các thành phần dân Chúa trong giáo phận? Tôi đã học được rất nhiều từ Đức Cha Phêrô, vị tiền nhiệm của tôi, trong việc điều hành Giáo phận, nhất là sự khôn ngoan và thận trọng. Công việc càng lớn và ảnh hưởng đến nhiều người thì càng phải khôn ngoan và thận trọng, nhất là khi hoàn cảnh luôn thay đổi và hết sức phức tạp. Cũng chính sự khôn ngoan thận trọng ấy đòi hỏi tôi phải biết lắng nghe và đón nhận các góp ý của mọi thành phần Dân Chúa trong giáo phận, đặc biệt các linh mục là những cộng tác viên gần gũi nhất. Tôi tin rằng mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận đều sẵn sàng cộng tác vào công việc chung, miễn là họ được tin tưởng, hướng dẫn, động viên, và phân công hợp lý. Để đẩy mạnh công tác truyền giáo, vai trò của người giáo dân rất quan trọng và cần thiết, vì họ chiếm đa số và, do môi trường sống và nghề nghiệp, họ là những người ở tuyến đầu, nơi tiếp giáp giữa Giáo Hội và anh chị em lương dân. 6/ Thánh lễ nhận nhiệm vụ mới của Đức Cha dự định sẽ tổ chức như thế nào ạ? Theo giáo luật, Giám mục phó có quyền kế vị (điều 403) và khi tòa Giám mục khuyết vị, Giám mục phó tức khắc trở thành Giám mục của giáo phận (điều 409). Vì thế, vào lúc 17 giờ ngày 30 tháng 06 năm 2012, khi Tòa Thánh công bố quyết định của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI chấp nhận đơn xin nghỉ hưu của Đức Cha Phêrô, thì tôi là Giám mục phó của ngài ngay tức khắc trở thành Giám mục chính tòa của Giáo phận Qui Nhơn. Trước đó 5 ngày, Đức TGM Leopoldo Girelli, Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam có gọi điện thoại cho tôi để báo tin về quyết định của Đức Thánh Cha và ngài bảo tôi cho công bố trong các nhà thờ của Giáo phận vào ngày Chúa nhật hôm sau, 01 tháng 07, để mọi tín hữu biết tôi là Giám mục của họ. Vì thế sẽ không có nghi thức nhậm chức nào nữa. Xin cảm ơn Đức Cha và cầu chúc Đức Cha được tràn đầy ơn Chúa Thánh Thần để chu toàn nhiệm vụ chủ chăn của mình. Xin kính chào Đức Cha
|