ngoài tính thẳng thắn và can đảm, Đức Cha còn cho thấy lòng gắn bó thiết tha với quê hương, đất nước, với người nghèo, người bị áp bức, bóc lột, gắn bó với tiền đồ của tổ quốc
Kính thưa Đức Cha,
|
Đức Giám mục Vincent Nguyễn Văn Long |
Trước khi viết lá thư này, con đã ngần ngại. Đức Cha là linh mục Việt Nam thứ ba ở hải ngoại, và là người đầu tiên tại Úc được bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá. Ngay từ lúc thông tin này được loan tải, Đức Cha đã lôi kéo sự chú ý của công luận, từ phù hiệu của Đức Cha trong đó có lá cờ vàng ba sọc đỏ, đến những lời tuyên bố qua đó Đức Cha công khai nhìn nhận căn cước vượt biên tỵ nạn cộng sản của mình mà có thời bị xem như cặn bã của xã hội. Trong tư thế một ngôi sao đang lên của Đức Cha mà một linh mục ở tuổi về hưu như con, dám mon men ngỏ lời lại chẳng hoá ra “thấy người ta sang bắt quàng làm họ” hay sao, cho dù thực sự Đức Cha cũng như con, đều thuộc dòng họ Phan, con cái thánh Phan-xi-cô Át-xi-di. Nhưng yếu tố cuối cùng đã khiến con mạnh dạn viết thư này, chính là bài giảng của Đức Cha tại một nhà thờ bên Úc nhân ngày 30 tháng 04 vừa qua, ngày mà Đức Cha đau đớn gọi là ngày “quốc nạn”. Thú thật với Đức Cha, con sợ bài giảng của các giám mục lắm. Cứ ý như là có mũ, có gậy rồi, muốn phán gì cũng được, dài bao nhiêu cũng được, có ai dám cãi đâu ! Đến nỗi có anh em linh mục tuyên bố : “Biết ông đó sẽ chủ tế, tôi sẽ không đồng tế nữa !” Có vị khi giảng chỉ nói toàn những chuyện thiêng liêng cao cả trên chín tầng mây, vị khác nữa, chữ nghĩa thì nhiều, ý tứ chẳng bao nhiêu. Sơ sơ vậy để Đức Cha hiểu cho tại sao con dị ứng.
Dám nói thẳng, nói thật
Điểm đầu tiên đáng chú ý trong bài giảng của Đức Cha, theo con, đó là tính thẳng thắn và lòng can đảm. Điều hiển nhiên là Đức Cha không né tránh, không nói vòng vo tam quốc, kiểu ba phải, huề cả làng theo chiêu bài “đối thoại” và “hợp tác” ! Đức Cha đã không ngần ngại gọi ngày 30 tháng 04 năm 1975 là ngày “Quốc Nạn”, khởi đầu cho bao đau thương, bao tai hoạ xảy đến cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Khi đề cập đến “những bế tắc của lịch sử”, Đức Cha không chỉ làm một thứ bảng liệt kê ngắn gọn nhưng đầy đủ các biến cố đau thương khởi đi từ ngày 30 tháng 04 năm 1975, nhưng còn vạch mặt chỉ tên những tác nhân của các biến cố đó. Vì không thể rút gọn hơn được, con xin phép trích dẫn đoạn này : “Biến cố 30 tháng 4 năm 1975 đánh dấu một khúc ngoặt quan trọng trong lịch sử Việt Nam cận đại. Nó cũng đánh dấu một bế tắc dẫn đến một sự băng hoại toàn bộ cho cả đất nước và dân tộc Việt Nam. Khi bao nhiêu bom đạn của cuộc chiến ý thức hệ đã gây chết chóc thương tích và tàn phá trên những người dân vô tội; khi bao nhiêu những chiến sĩ bỏ mình nơi chiến trận, phơi thây không một nấm mồ hay chết dần mòn tức tưởi trong các trại cải tạo; khi những thương phế binh bị ruồng bỏ trong một xã hội vô nhân bản; khi cả triệu người phải bỏ nước ra đi, làm nạn nhân trên biển cả trong bao tủi nhục đắng cay; khi cả khối dân Việt tại quốc nội phải sống trong một xã hội hoàn toàn băng hoại, bị cai trị bởi một chính thể đã bị đào thải trong thế giới tiến bộ; khi những người dân lưu vong tại hải ngoại chưa có cơ hội đóng góp vào tiến trình canh tân đất nước. Đây chẳng phải là những mệnh đề của người nhìn dưới lăng kính của kẻ chiến bại hay một nhóm người còn mang đầu óc hận thù chia rẽ. Nhưng đây là những bế tắc của lịch sử mà chỉ khi được khai thông mới mở ra một kỷ nguyên mới cho dân tộc.”
Thời sự dưới ánh sáng Lời Chúa
Ngày 30 tháng 04 thường rơi vào Mùa Phục Sinh là thời gian Giáo Hội mừng Chúa Ki-tô sống lại. Cũng như các cộng đoàn Do-thái lúc bấy giờ, cộng đoàn Ki-tô hữu tiên khởi tiếp tục đọc Lời Chúa, nhưng từ nay, đọc dưới ánh sáng Chúa Ki-tô phục sinh. Câu thánh vịnh “Tảng đá người thợ xây loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 117,22) không chỉ là một câu nói văn vẻ, nhưng qua cuộc thương khó của Chúa Ki-tô, rồi đến việc Ngài từ cõi chết phục sinh thì các Ki-tô hữu đã hiểu ra ai là thợ xây, ai là tảng đá. Đến lượt Đức Cha hôm nay cũng vậy, Đức Cha không chỉ đọc Lời Chúa và dừng lại đó, nhưng đã đem Lời Chúa chiếu soi các câu chuyện thời sự để nhận ra ai là thợ xây, ai là tảng đá. Con không có khả năng rút gọn mà chỉ xin phép trích dẫn nguyên văn : “Trong bối cảnh của đất nước chúng ta hôm nay, ‘người thợ xây’ là ai nếu không phải là chế độ phi nhân vong bản; ‘người thợ xây’ là ai nếu không phải là những công cụ đàn áp cưỡng chiếm đất đai của người dân vô tội như công an, cảnh sát cơ động và côn đồ. Và ‘phiến đá bị họ loại bỏ’ là ai nếu không phải là những người đấu tranh cho công lý và sự thật, là người giáo dân Thái Hà với lá cây vạn tuế, là Đồng Chiêm với một cây thánh giá, là Cồn Dầu với một nghĩa trang thiêng liêng, là anh Việt Khang với một bài ca ái quốc, hay là dân oan với chỉ những tiếng kêu than vô vọng…”
Thán phục lòng yêu nước
Chắc hẳn sau bài giảng của Đức Cha, sẽ có không ít người kể cả trong hàng giáo phẩm Việt Nam, trề môi bảo : “Ông ấy không sống tại Việt Nam, muốn nói gì mà chẳng được !” Trước hết, theo con biết, trong số các linh mục và giám mục Việt Nam hải ngoại, rất ít người công khai lên tiếng về hiện tình đất nước. Còn giả sử hôm nay Đức Cha đang sống ở trong nước, trong tư cách một giám mục, liệu Đức Cha có nói năng thẳng thắn và mạnh mẽ như Đức Cha đã làm không thì không ai biết.
Nhưng điều không thể hoài nghi là qua bài giảng của Đức Cha, ngoài tính thẳng thắn và can đảm, Đức Cha còn cho thấy lòng gắn bó thiết tha với quê hương, đất nước, với người nghèo, người bị áp bức, bóc lột, gắn bó với tiền đồ của tổ quốc. Nếu vì chịu áp lực quá nặng mà các giám mục sống tại Việt Nam không dám mạnh mẽ lên tiếng bênh vực công lý, bênh vực tự do dân chủ, thì ít ra người dân cũng có quyền chờ đợi nơi các ngài nếu không phải là một sự dấn thân mạnh mẽ thì ít là một sự thông cảm, một sự nâng đỡ, đặc biệt đối với nạn nhân của bất công, tham nhũng, một sự gắn bó với tiền đồ của tổ quốc. Khi hoạ mất nước như thanh gươm treo lơ lửng trên đầu mỗi người Việt Nam mà Giáo Hội Công Giáo chỉ lo xây cất với lễ lạc, không mảy may có chút ưu tư với sự sống còn của dân tộc, liệu chúng ta có xứng đáng nhận mình là người Việt Nam ? Chính lòng yêu tổ quốc, yêu đồng bào cùng với lòng tin của người Ki-tô hữu đã khiến Đức Cha thốt lên : “Như Thiên Chúa đã thực hiện qua sự khổ nhục, sự chết và sự sống lại của Đức Kitô, Ngài cũng sẽ thực hiện nơi những ai đứng về phía của công lý và sự thật. Chúng ta hãy vững tin và liên đới với nhau trong cùng một lý tưởng, một giấc mơ, một mục đích là ngày khải hoàn của chân thiện mỹ trên quê hương mến yêu.”
Xin cám ơn Đức Cha đã cho con tấm gương xán lạn của người mục tử dám hy sinh vì đoàn chiên, một chứng nhân kiên cường của công lý và sự thật, một người Việt Nam dù sống nơi xứ lạ quê người, vẫn nặng lòng với đồng bào, với quê cha đất tổ.
Kính thư,
Sài Gòn, ngày 04 tháng 05 năm 2012 Pascal Nguyễn Ngọc Tỉnh ofm
|