Home Đời Sống Tôn Giáo Chân Dung Nhà Lãnh Đạo Công Giáo Hoa Kỳ: Đức Hồng Y Timothy Dolan

Chân Dung Nhà Lãnh Đạo Công Giáo Hoa Kỳ: Đức Hồng Y Timothy Dolan PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Mạnh Trác (24.02.2012)   
Thứ Bảy, 25 Tháng 2 Năm 2012 11:23

Khi ngài lãnh mũ Hồng Y, nhiều người đặt câu hỏi: ''Phải chăng đây sẽ là vị Giáo Hoàng tương lai?''

Hàng ngàn người Mỹ đã bay sang Roma để tham dự lễ phong tước HY cho ngài; mỗi bước ngài đi kéo theo một đoàn phóng viên đông đảo; máy quay phim luôn bám sát từng cử chỉ của ngài đều được diễn giải thành một ý nghĩa nào đó.
 
Thông thường, người ta nghĩ rằng sẽ không có một người Mỹ nào có thể được bầu làm Giáo Hoàng vì cùng một lý do là sẽ không có người Mỹ nào được bầu làm Tổng Thư Ký Liên Hợp Quốc. Vì, như vậy, sự quân bình chính trị sẽ bị phá vỡ, giới lãnh đạo thế giới muốn có một sân chơi bằng phẳng cho mọi quốc gia, chứ không phải là một sân chơi dành riêng cho một siêu cường.
 
ĐHY Dolan luôn luôn coi ý kiến có thể làm Giáo Hòang là một câu chuyện thần thọai không tưởng; nhưng, nếu giả thử ngài không phải là một HY Mỹ thì việc ngài có khả năng kế vị ĐGH Benedict là một việc suy đoán nghiêm túc. Ngài có nhiều kinh nghiệm làm việc ở La Mã, đã nghiên cứu học hỏi nhiều năm tại thành phố vĩnh cửu, và đã hướng dẫn một Chủng Viện Mỹ ở đó. Kể từ năm 2009, ngài làm tổng giám mục của một giáo phận phức tạp nhất thế giới là New York, và được bầu làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ. Các Hồng Y khác kính trọng ngài, và nếu có hai hoặc ba vị HY đang đứng cạnh nhau, mà không biết phải nói chuyện gì với nhau thì chỉ cần nhắc tới tên Timothy Dolan là mọi người đều có một giai thọai nào đó để mà hí hửng kể cho nhau nghe.
 
Trong lúc hình ảnh của Giáo Hội Công Giáo có nhiều vấn đề, ĐHY Dolan là một nhà truyền thông có tài, biết nắm vững vấn đề và biết đâu là điểm quyết định. Trong cuộc tranh đấu với Obama về pháp lệnh cuỡng chế ngừa thai vừa rồi, ngài tuyên bố hùng hồn rằng: "Người Amish không mua bảo hiểm y tế. Chính quyền tôn trọng nguyên tắc của họ. Những người theo phái khoa học Kitô giáo muốn chữa lành bằng lời cầu nguyện mà thôi, thì Bộ Luật Cải Tổ Y Tế cũng tôn trọng họ. Người Quakers chống việc giết người, kể cả lúc chiến tranh, và chính quyền cũng tôn trọng nguyên tắc đạo lý ấy. Nhưng chính phủ này, qua quyết định vừa rồi, đã không tôn trọng thỏa đáng vấn đề lương tâm của người Công giáo và của nhiều người khác là không coi việc mang thai là một căn bệnh.
"
Ngài đã thành công trong việc chỉ rõ ra đây là một vấn đề không đơn giản, nó lớn hơn là ngừa thai, và lớn hơn cả Giáo Hội Công Giáo nữa. Đó là lý do tại sao các nhà lãnh đạo của 40 tổ chức ngoài Công Giáo, Do Thái, Chính Thống Giáo, Tin Lành, Mennonite, đã cùng ký một lá thư phản đối tới Tòa Bạch Cung.
 
Những tôn giáo và tổ chức từ thiện, mặc dù không bị ảnh hưởng vì sắc lệnh, và mặc dù không chia sẻ quan điểm về ngừa thai của Công Giáo, đều đồng ý với ĐHY Dolan về điểm này là nếu Công Giáo có thể bị xô đẩy đến chỗ phải cúi mình xin xỏ đặc ân của chính phủ, một đặc ân mà khi chưa có sắc lệnh thì mọi người đương nhiên đã có, thì một ngày nào đó chính phủ sẽ xô đẩy tới phiên họ.
 
Do đó dù là người không Công Giáo, họ đã nhận ra ngay sự nguy hiểm của một vị tổng thống đang chế biến thêm pháp luật để ép buộc công dân phải lựa chọn giữa sự tuân phục chính phủ hoặc tuân theo Thiên Chúa của họ.
Và vì vậy mà một sự "thích nghi" (accommodation) mà Obama tuyên bố sau đó cũng không đủ vì bản chất vẫn là lấy đi một quyền đã có để làm cớ ban phát ân huệ, một ân huệ mà chính phủ sẽ tùy tiện bố thí.
 
ĐHY Dolan nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama "cần phải bãi bỏ pháp lệnh."
 "CHÚNG TÔI SẼ KHÔNG NGỪNG cho đến khi TỰ DO TÔN GIÁO ĐƯỢC PHỤC HỒI.''
ĐHY Dolan không lựa chọn cuộc chiến, ngài bị bắt buộc phải tham chiến một cách miễn cưỡng, nhưng khi đã đụng trận thì ngài tỏ ra là một thiên tài.
 
Obama phân bua và lên giọng dậy đời: "Sống trong xã hội, mọi người đều phải thỏa hiệp chứ!"
Câu trả lời của Ngài là:"Chúng tôi không hề được chính phủ tham khảo!"
Đúng vậy, nếu nói tới "thỏa hiệp" mà không có tham khảo với nhau thì còn có ý nghĩa gì đây? Obama từ đó hoàn toàn im tiếng.
 
Nhưng không phải lúc nào ĐHY Dolan cũng có một bộ mặt nghiêm nghị như thế; cái tinh thần hài hước và phong cách thoải mái của ngài đã trở thành huyền thọai; các phóng viên thích ngài vì thế. Tác giả John L. Allen Jr kể lại có lần ông hỏi ĐHY là có khi nào mà người ta có thể gặp ĐHY nằm xấp mặt và giang tay trước bàn thờ vào nửa đêm giống như ĐGH Gioan Phaolo II không!
 
Câu trả lời của ngài: "Không, trừ khi tôi bị rớt ra khỏi giường vì uống bia nhiều quá." (Ngài uống bia.)
Mới đây, trong buổi tiếp tân tại Roma, người ta hỏi ngài có cảm tưởng gì khi quì trước ĐGH để được được đội mũ trong buổi lễ. Ngài nói: "Trong cả thời gian, tôi chỉ lo không biết mình có bị té xỉu mất không."
Khi đi dự lễ lần đầu tiên là một Hồng Y với ĐGH, ngài đến sớm nhất, hăng hái ban phép lành cho mọi người thân sơ và cho cả...các vệ binh Thụy Sỹ.
 
Trở về New York, ngài cho các phóng viên biết rằng ngài ngạc nhiên vì thời điểm thăng chức sao mà khéo thế, ngay cả hai nhân viên hốt rác vào ngày thứ bảy ở gần nhà cũng biết ngài là Hồng Y. "Phải ông là Hồng Y mới không?" họ hỏi ngài như thế.

Khác với các giám mục thường có chuyên môn về Thần Học hay là Giáo Luật, ĐHY Dolan chuyên về khoa sử học. Trong diễn văn nhậm chức chủ tịch Hội Ðồng Giám Mục, ĐHY (lúc đó là TGM) Dolan đã chứng tỏ một bản lĩnh trầm tĩnh không hoang tưởng của những người thông hiểu những bài học lịch sử. Sau khi liệt kê những thách thức phải đối diện, ngài nói: "Tôi nhớ tới Đức ông John Tracy Ellis thường nói câu này để giới thiệu khóa học về lịch sử của Giáo Hội: 'Thưa quý vị, hãy sẵn sàng mà khám phá ra rằng Nhiệm Thể của Chúa Kitô có rất nhiều mụn ghẻ."

Lịch sử cung cấp nhiều bài học. ĐHY Dolan đã viết luận án tiến sĩ về Đức Tổng Giám Mục Edwin O'Hara của Oregon, bàn về những năm 1920 khi phải đối phó với một đề nghị của nhóm Ku Klux Klan là nên hỗ trợ việc mọi trẻ em phải học tại các trường công cộng, có nghĩa là sẽ đóng cửa mọi trường học Công giáo. ĐGM O'Hara hiểu rằng nếu ngài lên án đề nghị đó là chống Công giáo, thì nhiều người lúc đó sẽ coi đó là một lời khen. Vì vậy, thay vào đó, ngài gọi đó là một cuộc tấn công vào tự do tôn giáo, một thái độ phi Hoa Kỳ (Unamerican). Phải chăng bài học đó đang giúp ĐHY Dolan trong cuộc tranh đấu ngày hôm nay?
 
Ông John L. Allen Jr, trong cuốn sách "A People of Hope" (Một Dân Tộc Hy Vọng) kể lại những cuộc cuộc phỏng vấn dài với ĐHY Dolan cho rằng muốn hiểu về ĐHY Dolan thì phải dùng cái chìa khóa là "kiến thức lịch sử". "Ngài có ba con người", Allen nói. "Một là một người vừa mới nói chuyện điện thoại với một nhân vật tân bảo thủ Công giáo. Một người khác là người tin rằng việc truyền giáo tốt nhất xảy ra ở một bữa ăn BBQ ở sân sau nhà. Và thứ ba là một người có quan điểm lâu dài và không bối rối vì những thăng trầm của những sự kiện trong ngày."
 
ĐHY Dolan đang nhanh chóng trở thành khuôn mặt của đạo Công Giáo ở Mỹ. Nhiều hy vọng đã ló dạng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Giáo Hội Hoa Kỳ, toàn thể 180 giám mục của 180 địa phận Công Giáo đã công khai lên tiếng chống lại pháp lệnh của Obama. Chưa bao giờ người ta thấy các Giám Mục Hoa Kỳ đoàn kết như thế.
 
CÁC TÔN GIÁO KHÁC CŨNG LẦN LƯỢT NHẬP CUỘC!!!
Phát biểu tại Hội Nghị Quốc Gia các Đài Truyền Hình Tôn Giáo ở Nashville, vị Chủ tịch Tony Perkins cho biết hơn 2.500 mục sư và các nhà lãnh đạo truyền giáo Tin Lành đã ký một lá thư cho Tổng Thống Obama yêu cầu ông đảo ngược pháp lệnh.
 
Mục sư Bryant Wright, Chủ tịch Southern Baptist Convention và các cộng sự viên cũng chính thức lên tiếng ủng hộ lập trường của Công Giáo. Như vậy hầu như tất cả các giáo hội Kitô và Do Thái đã lên tiếng nhập cuộc.
Các Thống kê mới nhất cho biết số ủng hộ lập trường của Giáo Hội gia tăng, Rasmussen cho biết 65% dân Công Giáo đi bầu chống pháp lệnh của Obama. Còn thống kê của Pew Forum on Religion thì cho bíêt 55% dân chúng Mỹ ủng hộ cuộc tranh đấu của các Giáo Hội.
 
Cuộc tranh đấu giành lấy con tim đang trên đà chiến thắng.
Trở lại chuyện bầu cử Giáo Hoàng, người ta chưa có lý do gì để bàn thêm bởi vì Đức Thánh Cha Benedicto trông còn khỏe mạnh lắm. Tuy nhiên, càng ngày, người ta càng so sánh với những nỗ lực tranh đấu cho tự do tôn giáo rất cam go của Giáo Hội ở bên Đông Âu mà kết quả là cả một hệ thống cai trị sắt máu đã xụp đổ.
 
Giống như ngày xưa, một vị hồng y có tên là Wojtyła (ĐGH JP II) đã phải đương đầu với một chính thể vô thần cộng sản coi Tôn Giáo là thuốc phiện. Nhưng, nhờ những nỗ lực kiên trì và khôn ngoan của Ngài mà thế giới Vô Thần Cộng Sản đã phải xoay chiều.
 
ĐHY ''Dolan ngày nay'' đang bảo vệ Giáo Hội bị vây bủa bởi Chủ Nghĩa Thế Tục cực đoan, coi Tôn Giáo là cổ hủ, lỗi thời. Phải chăng Chúa Thánh Thần cũng đang dùng các biến cố để tác động xoay chiều một thế giới duy Thế Tục, Duy Lợi Nhuận này chăng?