Thực phẩm 'organic' đắt, nhưng liệu có bổ hơn 'non-organic'? |
Tác Giả: Ngọc Lan | |||||||
Thứ Hai, 10 Tháng 9 Năm 2012 08:08 | |||||||
"Không hề có sự khác biệt về số lượng vitamin có trong trái cây rau củ hay các loại thịt 'organic' và loại thông thường..." WESTMINSTER (NV) - “Không hề có sự khác biệt về số lượng vitamin có trong trái cây rau củ hay các loại thịt 'organic' và loại thông thường, ngoại trừ điểm khác biệt duy nhất là trong các sản phẩm 'organic' hơi có nhiều chất phốt-pho hơn.” Ðó là khám phá mới của một nhóm nghiên cứu thuộc trường Ðại Học Stanford và Hội Chăm Sóc Y tế Cựu Chiến Binh Palo Alto, do bà Crystal Smith-Spangler làm trưởng nhóm. Nghiên cứu này dựa trên 200 kết quả nghiên cứu so sánh về tình hình sức khỏe của những người ăn thực phẩm “organic” và thực phẩm thường, ở các loại trái cây, rau củ, ngũ cốc, thịt, trứng gia cầm và sữa. Xoay quanh việc nên hay không nên sử dụng thực phẩm “organic,” cũng như sự khác nhau giữa thực phẩm “organic” và “non-organic” như thế nào trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt cũng có khá nhiều điều thú vị.
Thực phẩm hữu cơ (organic foods) là gì? Thực phẩm hữu cơ (organic foods), còn được gọi là thực phẩm tự nhiên (natural foods) hay thực phẩm lành mạnh (healthy foods), là vấn đề mà nhiều người quan tâm và thảo luận từ lâu. Theo Bộ Canh Nông Hoa Kỳ, nông sản hữu cơ là nông sản do nuôi trồng mà không dùng hoặc dùng rất ít chất phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, chất điều chỉnh sự tăng trưởng hay thức ăn phụ thêm cho gia súc. Nói một cách rõ ràng hơn, thực phẩm động vật hữu cơ (meat organic) lấy từ súc vật được nuôi ở các vùng riêng biệt, với thức ăn nước uống không chứa bất kỳ loại hóa chất nào, không có thuốc trừ sâu trên đồng cỏ và cỏ cũng không được bón bằng hóa chất. Người ta không dùng các chất kích thích tăng trưởng nhân tạo cho gia súc, ngoại trừ thuốc kháng sinh để chữa bệnh cho chúng 90 ngày trước khi làm thịt. Những gia súc “organic” này cũng không được nuôi bằng thịt các loại động vật khác. Còn thực phẩm thực vật hữu cơ thì phải là rau trái được chăm bón bằng phân thiên nhiên lấy từ phân xác động vật trộn với các loại cây cỏ mục nát chứ không phải hóa chất; diệt trừ sâu bọ bằng cách tự nhiên như dùng chim bắt sâu hay người chăm sóc tự bắt sâu. Có lẽ chính từ điều này, mà theo nghiên cứu của bà Crystal Smith-Spangler, “mọi người chọn mua thực phẩm hữu cơ vì nhiều lý do khác nhau, và một trong những lý do đó là người ta cảm nhận được lợi ích về mặt sức khỏe.” Ông Andy Nguyễn, một cư dân ở Los Angeles, có cùng suy nghĩ này khi ông cho rằng, “Dùng thực phẩm 'organic' sẽ tránh được phân bón hóa học và vị ngon hơn, lại không có chất 'hormone' trong thịt cá.” Với ông Khương Diệp, đang sống tại Tampa, Florida, lý do gia đình ông chọn dùng thực phẩm “organic” từ năm 2006 là vì “năm 2006 là năm đỉnh của vụ 'organic,' báo chí nào cũng đề cập đến vấn đề đó hết. Tôi nghe có lý vì tôi rất sợ dính vô thực phẩm có chất hóa học nên quyết định dùng thực phẩm hữu cơ, như trứng, sữa và một số loại trái cây.” Tuy nhiên, là một người làm “test pesticide” mỗi ngày, cô Hoàng Nguyễn, hiện đang sống tại Anaheim, nêu thắc mắc, “Nếu không dùng thuốc trừ sâu thì làm sao diệt được cỏ và sâu bọ? Nếu nói là con người đi bắt sâu thì làm sao thực hiện được nếu cánh đồng trồng trọt quá rộng lớn? Còn nếu sử dụng chất tự nhiên thí dụ như dấm pha loãng để trừ sâu thì vẫn là hoá chất thôi.” Cũng do công việc đang làm cho Cơ Quan Bảo Vệ Môi Sinh Hoa Kỳ (EPA) mà kinh nghiệm của cô Ngọc là “Người ta chỉ có thể xài thuốc trừ sâu ở giới hạn cho phép của EPA, nên mình ăn vô không có sao, vả lại nếu dùng thuốc trừ sâu dư nhiều quá sẽ thấm sâu xuống đất làm hại mạch nước ngầm.” Ðắt nhưng không bổ dưỡng hơn Trong khi cô Hoàng Nguyễn cho rằng “chưa bao giờ dùng 'organic' vì không hiểu rõ lắm” thì cô Vân Nguyễn ở Arizona, cô Ngân Ðoàn ở Texas, hay cô Tứ Hải Nguyễn ở Garden Grove, đều không dùng thực phẩm “organic” với lý do đầu tiên là “đắt quá!” Theo Annals of Internal Medicine, nhiều nghiên cứu trước đây cho thấy không hề có tiêu chí căn bản cho việc xác định cái gì làm nên thực phẩm “organic,” nhưng điều trước mắt ai cũng thấy là loại thực phẩm này đắt gấp hai lần thực phẩm thông thường. Ðó là lý thuyết. Trên thực tế, đi một vòng quanh các chợ chuyên bán thực phẩm “organic” và các chợ Mỹ, chợ Việt Nam thông thường sẽ nhận ra rằng sự chênh lệch giá cả giữa hai loại thực phẩm hữu cơ và không hữu cơ là rất lớn. Trong cùng ngày Thứ Tư, 5 Tháng Chín, nếu ở chợ Á Ðông, Westminster, bán loại cà chua có cả cuống với giá 33cents/pound, chợ Stater Bros bán $1.99/pound, thì tại chợ Whole Foods Factory, nơi chuyên bán thực phẩm “organic,” giá loại cà chua này là $2.99/pound. Một bó hành lá tại Whole Foods Factory là $1.49, tại Stater Bros là 89 cent, và tại chợ Thuận Phát giá chỉ có 33 cents. Một pound mướp Nhật mua tại chợ Thuận Phát là 79 cents, ở Stater Bros là 99 cents, và nếu muốn mua mướp này loại “organic” tại Whole Foods Factory, góc đường Beach và Edinger, thì người mua phải trả giá cao gấp hai rưỡi hay gấp ba lần, tức khoảng $2.49/pound. Trong khi người tiêu dùng có thể trả $1.79 cho một pound thịt gà nạc ức “non-organic” tại chợ Á Ðông, thì cũng với loại thịt đó nhưng “organic” được bán với giá $6.99 tại Whole Foods Factory. Một pound sườn “cốt lết” tại các chợ Việt Nam quanh vùng Orange County được bán với giá trên dưới $2, thì tại chợ Whole Foods Factory, thịt này có giá $8.99/pound. Tương tự như vậy, những người chuộng thực phẩm “organic” phải bỏ ra $4.99 cho một pound dâu tây (strawberries), $5.99 cho một hộp “blueberries” nhỏ xíu chưa đầy nửa pound, hay phải mua sườn non với giá $12/pound. Giá đắt, nhưng liệu đó có phải thực sự là đồ “organic” không cũng là vấn đề khiến người tiêu dùng băn khoăn. Cô Tứ Hải Nguyễn nói, “Mỗi tuần tôi đi chợ Ðà Lạt, giảm giá cái gì tôi ăn cái đó chứ không đi tìm đồ 'organic.' Nhưng mới đây trên mạng phanh phui ra đồ 'organic' ở Whole Foods toàn là 'made in China' không hà, thành ra tôi khỏi ngó đến đồ 'organic' luôn.” Với cô Vân Nguyễn thì “giá thực phẩm 'organic' đắt hơn nhiều so với thực phẩm không 'organic,' nhưng mình đâu có biết là nó có 'organic' thiệt hay không.” Ngay cả ông Andy là người ủng hộ chuyện dùng thực phẩm “organic” cũng khuyên “tùy loại mà dùng, chứ không phải cái gì 'organic' cũng xài, vì nhiều khi đó là giả nhãn hiệu 'organic.'” Kết quả nghiên cứu của bà Smith-Spangler và các cộng sự của bà cho thấy ngoài việc ít thuốc trừ sâu và vi khuẩn kháng sinh, thực phẩm “organic” không chứa vitamin và chất dinh dưỡng nhiều hơn thực phẩm “non-organic.” Nếu hơn một phần ba các sản phẩm thông thường được phát hiện có dư lượng thuốc trừ sâu thì chỉ có 7% các sản phẩm “organic” bị trường hợp này, và khả năng nhiễm khuẩn của thịt heo thịt gà thường cao hơn 33% so với loại thịt heo thịt gà “organic.”
Nếu có tiền, nên dùng 'organic' một cách chọn lọc Tuy chưa ngã ngũ vấn đề thực phẩm “organic” có thật sự cần thiết hay không, nhưng nhiều người vẫn cho rằng “thực phẩm 'organic' có vẻ ngon hơn.” Cô Vân Nguyễn chia sẻ, “Nếu mua đồ 'organic' thì tôi sẽ chọn mua thịt cá. Vì thực phẩm mà người nuôi sử dụng để cho gia cầm ăn sẽ có tác dụng lên chất lượng của miếng thịt miếng cá. Hay nhà tôi có trồng cây hồng giòn, mặc dù trái nhỏ nhưng rất thơm và ngọt, ăn trái hồng 'organic' này ở nhà rồi đến khi ăn trái hồng mua ở ngoài chợ thấy không ngon bằng. Hoặc là có lần ngoài chợ giảm giá chuối 'organic,' mua về ăn thấy ngọt hơn.” Với ông Khương Diệp thì “trái cây 'organic' không để lâu được, rất là mau hư so với những loại rau trái thường. Nhưng với thịt thì tôi thấy có vẻ ngon hơn, nhất là thịt gà, nó dai hơn đôi chút chứ không có bở bột như gà thường.” Do suy nghĩ “sức khỏe quan trọng hơn tiền bạc,” nên dù biết là đắt, gia đình ông Khương vẫn dùng thực phẩm “organic.” Tuy nhiên, hiện tại gia đình ông Khương không còn sử dụng thực phẩm “organic” nữa bởi vì “tình cờ đọc một bài báo có nói về thực phẩm hữu cơ và thực phẩm hóa học cũng không khác nhau về mặt dinh dưỡng, hơn nữa vấn đề thực phẩm có cơ quan FDA kiểm soát, nên không còn ngại như lúc trước.” Thế nhưng, ông Khương lại cho rằng, “Nếu giá cả hơn nhau chút đỉnh thì có thể tôi sẽ nghĩ lại, đổi qua thực phẩm hữu cơ cũng không chừng.” Ông Andy Nguyễn thì cho rằng “nếu điều kiện kinh tế khá thì nên xài 'organic.'” Hiện tại, những thứ “organic” mà ông Andy thường mua về cho gia đình dùng là trái cây, rau xà lách, cá “wild caught,” gà đi bộ, sữa và đậu hũ. Trong khi đó, cô Tứ Hải Nguyễn vẫn nhất định, “Không tin được đồ nào thật đồ nào giả thành ra không nghĩ tới, chỉ quan tâm là đồ ăn lành mạnh và không phải sản xuất tại Trung Quốc mà thôi.” Cô Vân Nguyễn cho rằng, “Thực phẩm 'organic' không cần thiết, đồ ăn nào cũng vậy, ăn vừa phải, đừng lạm dụng thì sẽ tốt cho sức khỏe. Dùng đồ 'organic' mà ăn uống không đúng cách thì cũng sinh ra bệnh tật thôi, mặc dù một số đồ ăn 'organic' có thể sẽ ngon hơn.” Chính từ suy nghĩ này mà cô dứt khoát “nếu điều kiện kinh tế khá giả thì tôi cũng chỉ mua đồ 'organic' nếu như ăn thấy ngon hơn đồ không 'organic,' còn nếu ăn thấy ngon như nhau thì vẫn mua đồ không 'organic' thôi.” “Ngay cả khi điều kiện kinh tế đầy đủ, tôi vẫn không nghĩ dùng 'organic' là cần thiết, bởi theo nghiên cứu y khoa, vẫn chưa có gì rõ ràng chứng tỏ thực phẩm 'organic' là tốt hơn các loại thông thường.” Cô Ngân Ðoàn khẳng định.
|