Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Giày Dép Còn Có Số...

Giày Dép Còn Có Số... PDF Print E-mail
Tác Giả: Chu Thập   
Thứ Hai, 04 Tháng 6 Năm 2012 20:25

 Mới đây, trong cơn sốt của cuộc xổ số mà lô độc đắc lên đến 70 triệu Úc kim, tôi cũng bon chen sắp hàng để bỏ ra 5 đồng mua cho bằng được một tấm vé số.

Mua cho vui để nuôi một chút hy vọng “viễn vông”, chớ tôi biết chắc là tôi không có “số” trúng số hay có may mắn trong các trò chơi may rủi. Tôi cũng đã có dịp dừng chân ở hai thành phố cờ bạc nổi tiếng Reno và Las Vegas bên Mỹ hay Casino Crown ở Melbourne trước là để thăm thú cho biết sau là thử thời vận. Nhưng cái túi tiền của tôi chưa bao giờ đủ để tôi có thể “mua vui được một trống canh” nào ở những nơi ấy cả. Tôi cũng đành tự an ủi: giày dép còn có số huống chi là con người. Số tôi là số chẳng bao giờ trúng số hay “đỏ bạc” cả! Mà cho dẫu có “đen tình” thì cũng chưa chắc đã “đỏ bạc”.
 
Biết là chẳng bao giờ được thần tài gõ cửa, nhưng khi cầm tấm vé số trên tay, tôi cũng cho phép mình bắt chước cô bán sữa trong một chuyện ngụ ngôn của thi sĩ Pháp Jean de la Fontaine để thả hồn “phiêu diêu” vào cõi mộng mơ. Không quen nuôi chí lớn cho nên giấc mơ của tôi sao mà tầm thường quá. Tôi chỉ mơ có được một nông trại nhỏ (hobby farm) loại để giải trí chứ không phải để thực sự làm ăn : tôi sẽ tha hồ trồng trọt và chăn nuôi cho thỏa chí...tuổi già! Tôi cũng mơ có thật nhiều tiền để làm việc thiện. Hình ảnh của hằng triệu đứa trẻ da bọc xương ở Vùng Sừng (Horn of Africa) miền Đông Phi Châu lúc nào cũng ám ảnh tôi. Sắm sửa một vật gia dụng, tuy cần thiết nhưng hơi đắt tiền một chút hoặc thỉnh thoảng cũng chén thù chén tạc với bạn bè, tôi lại thấy như mình đang nhắm mắt làm ngơ trước “nỗi khổ của người đồng loại để chỉ chăm sóc cho bộ da riêng của mình”. Nói đâu cho xa, nhìn về quê hương Việt nam, tôi thấy mình vẫn còn bao nhiêu người thân mỗi ngày chưa chắc đã kiếm được 1 Úc kim 25 xu, tức lằn mức nghèo cùng do Ngân Hàng Thế Giới qui định. Mỗi năm gia đình tôi vẫn cố gắng gởi chút đỉnh quà cáp về để gọi là chữa cháy. Chúng tôi cũng đóng góp một chút rất tượng trưng cho các tổ chức xã hội và từ thiện ở Úc này. Nhưng một chút ấy thì có khác nào bỏ muối vào biển! Thành ra, tôi vẫn cứ mơ ước làm sao có thật nhiều tiền để giúp đỡ những người nghèo đói.

Tôi cứ ước thầm: giá như tôi có nhiều tiền như bà Gina Rinehart! Hôm 23 tháng 5 vừa qua, bà Rinehart đã chính thức trở thành người phụ nữ giàu nhứt thế giới, với tổng tài sản có được từ việc khai thác quặng sắt lên đến gần 29 tỷ Úc kim. Đúng là người đàn bà Úc 58 tuổi này có số giàu! Chỉ ngồi không rung đùi mà mỗi giây đồng hồ cũng kiếm được 600 Úc kim. Với nhu cầu về quặng sắt ngày càng gia tăng, có lẽ không bao lâu nữa, tài sản của bà Rinehart sẽ vượt qua con số 70 tỷ để mang danh hiệu “người giàu có nhứt trên trái đất” về cho bà. Nhưng tôi tin chắc là người phụ nữ giàu có nhứt này sẽ chẳng bao giờ hài lòng với núi tài sản hiện có của mình đâu! Nếu đã hài lòng với những gì mình đang có thì làm gì có chuyện mẹ con bà phải lôi nhau ra tòa cho mệt!

Con người ta ít có ai bằng lòng với những gì mình đang có. Càng có càng muốn có thêm. Nhưng minh triết ở đâu và thời đại nào cũng như tôn giáo nào cũng khuyên dạy con người hãy bằng lòng với những gì mình đang có mới mong tìm được bình an và hạnh phúc thực sự trong cuộc sống. Kinh nghiệm cho tôi thấy cái tôi đang có, bình thường tôi không màng tới, nhưng khi đánh mất tôi mới thấy trân quí.

Trong chuyến đi Việt nam dạo tháng 9 năm ngoái, niềm vui lớn nhứt của tôi không phải là được đi thăm nhiều nơi, mà là tìm lại được giấy thông hành (passport) để quên trên một chuyến xe buýt. Sáng hôm đó, tôi và nhà tôi bắt chuyến xe buýt sớm nhứt từ Phú Nhuận về chợ Bến Thành để từ đó ra bến xe Miền Đông đi Cần Thơ. Được nhiều người dặn dò rất kỹ về chuyện đi đứng ở Việt nam, cho nên tôi rất cẩn thận trong việc cất giữ tiền bạc và giấy tờ. Tiền thì chúng tôi không dám rút ở các trạm ATM hay vào ngân hàng; có chút đỉnh tiền mặt, lúc nào tôi cũng nhét trong túi quần Jeans và thủ nguyên một bàn tay trong đó. Riêng giấy thông hành thì tôi cho vào cái túi xách và ôm kè kè trước ngực. Nhưng sơ xuất là chuyện thường tình. Lúc lên xe buýt, một tay cho vào túi quần Jeans, một tay ôm cái xách tay, tôi đành treo cái túi xách vào thành ghế trước mặt. Chả hiểu có phải vì nôn nao quá không mà khi xuống xe tôi lại “gởi” nguyên cái túi xách trên xe. Mười phút sau, nhà tôi mới “tri hô” lên thì ôi thôi chiếc xe buýt đã chạy về bến rồi. Vào quày vé để xin điện thoại với người tài xế của chiếc xe buýt để nhờ trông giùm cái túi xách thì các nhân viên lại nói quanh co đủ điều để tránh giúp đỡ. Tôi đành gọi một anh tài xế xe ôm để đuổi theo chiếc xe. Anh này lại lên giọng ca bài con cá để làm tiền. Thôi thì cũng đành. Ngồi trên chiếc xe ôm, tôi nghĩ đến chuyện xảy ra cho một người bạn hồi năm 1978. Giữa trưa, anh bạn ghé thăm và hớt ha hớt hải xin một ít tiền để thuê xe ôm từ Nha trang chạy vào Cam ranh hầu tìm cho bằng được chiếc xe đò từ Kontum xuống. Anh bạn tôi vừa mới rời chuyến xe đò đó chừng nửa tiếng đồng hồ. Trước đây gia đình đã bỏ ra không biết bao nhiêu cây vàng để lo cho anh đi vượt biên, nhưng cái số của anh không bị gạt thì cũng bị công an bắt, thành ra có bao nhiêu đều mất cả. Cuối cùng, để gọi là đánh một chuyến cuối, bà má anh đã gom góp được trên dưới 10 cây và chọn Nha trang để cho anh thử thời vận. Anh bạn tôi đúng là không có số vượt biên. Khi xe dừng lại ở Nha trang, anh vui vẻ xách hành lý xuống xe, còn cái túi xách trong đó có đựng 10 cây vàng mà, cũng như tôi, anh đã treo vào chỗ dựa của chiếc ghế trước mặt, anh bỏ lại. Khi biết mình quên “bửu bối” thì đã quá muộn. Khi xe ôm chở anh đến bến xe Cam ranh, lên chiếc xe đò để tìm cái túi xách, anh mới biết nó đã không cánh mà bay. Hỏi người tài xế và những người phụ xe thì tất cả đều lắc đầu “không biết”. Thời buổi mà mọi thứ mất cắp đều có thể tìm thấy ở chợ trời, nhưng đào đâu ra vàng để mà chuộc lại vàng. Sau chuyến đó, anh bạn tôi đành giã từ vũ khí và xin mãi mãi chọn Việt nam làm quê hương.

Nghĩ đến chuyện của anh bạn, tôi thấy tay chân bủn rủn và mồ hôi vã ra như tắm. Thật ra, du khách đến Việt nam mất giấy tờ tùy thân không phải là chuyện ngàn năm một thuở. Nhưng nghĩ đến những thủ tục rắc rối khi phải đến trình diện ở tòa tổng lãnh sự Úc, tôi thấy lo vì không biết chuyện gì sẽ xảy đến. May quá, khi đến trạm cuối của tuyến đường xe buýt, chỉ mất vài phút, tôi đã nhận diện được chiếc xe và tìm lại được cái túi xách với giấy tờ còn nguyên vẹn trong đó. Thật là một phen hú hồn hú vía. Trong suốt chuyến đi Việt nam, đây là ngày vui nhứt của tôi và nhà tôi. Bây giờ, ngồi nghĩ lại, tôi vẫn còn thấy vui.

Ngẫm nghĩ về chuyện “mất và tìm lại được” này, tôi mới hiểu được niềm vui của người đàn bà được Chúa Giêsu kể lại trong sách Tin Mừng: chỉ mất có một “đồng quan” thôi , nhưng sau khi đã tìm lại được, người đàn bà vui mừng đến độ làm tiệc mời hàng xóm đến để chia sẻ niềm vui của mình!

Trong cuộc sống, tôi thấy mình có không biết bao nhiêu “đồng quan” mà bình thường tôi không màng tới lắm. Như lục phủ ngũ tạng và sức khỏe chẳng hạn. Có một lần gặp vấn đề mình mới thấy sức khỏe là vàng. Trong một tháng vừa qua, ngày nào thức dậy, thử máu, tôi cũng thấy vui vì biết mình đã có thể trở về giai đoạn kiềm chế được bệnh tiểu đường mà không cần dùng thuốc. Trước kia, ở cái thời còn sung sức, tôi xem thường sức khỏe và coi những lời khuyên về “điều độ” được dành cho ai khác chứ không phải cho mình. Ngày hút hai gói thuốc Malborough, nhậu cỡ nào cũng tới bến, chẳng cần phải kiêng với cữ gì cả. Khi bao tử bắt đầu có vấn đề, đường ruột bị rối loạn, tim mạch đập loạn xà ngầu, mỡ trong máu cao đến độ phải dùng thuốc, đường trong máu đã lên đến mức báo động...lúc bấy giờ tôi mới cảm nhận được tại sao người ta bảo sức khỏe là vàng. Mình có cả một mỏ vàng trong người mà chỉ khi đánh mất mới nhận ra giá trị của nó. Bây giờ tôi có thể vui vẻ ăn uống đạm bạc theo phương pháp dinh dưỡng dành cho người bị tiểu đường mà không còn sợ bị “sa chước cám dỗ” như trước đây. Không phải vì bây giờ vị giác của tôi tê liệt mà vì tôi thực sự ý thức và chấp nhận rằng không có gì quan trọng hơn sức khỏe. Sức khỏe mà tôi còn lại trong những ngày này, nếu so sánh với túi vàng sức khỏe mà cha mẹ tôi cho tôi thì chắc chẳng còn bao nhiêu. Còn lượng vàng nào thì tôi cắc củm trân quý lượng đó. Kể như là số tôi vẫn còn hên.

Có người vui vì tìm lại được sức khỏe. Nhưng không phải ai cũng được sự may mắn ấy. Không thiếu người phải suốt đời đồng hành với bệnh tật. Liệu chúng ta có thể vừa chấp nhận bệnh tật mà vừa hài lòng với cuộc sống không?

Tôi nghĩ đến gương của nam tài tử nổi tiếng một thời là Michael J.Fox. Khó có thể quên được người tài tử với nhân dáng thấp bé, nhưng nhanh nhẹn và có duyên trong phim “Back to the future” (trở về tương lai) và phim tập truyền hình “Families ties” (quan hệ gia đình). Những người hâm mộ anh cứ tưởng sự nghiệp diễn xuất của anh sẽ lên như diều gặp gió. Nào ngờ năm 1991, ở độ tuổi 30, anh bị chẩn đoán mắc bệnh Parkinson (loại bệnh mãn tính về thần kinh hệ khiến cho cơ thể run lẩy bẩy và yếu dần).

Trong cơn tuyệt vọng, chàng tài tử nổi tiếng chỉ còn biết mượn rượu để giải sầu. Vài năm sau, anh giải thích rằng uống rượu là để “nếu không quên vấn đề thì cũng quên chính mình hay ít nhứt không phải ý thức về điều đang xảy ra”. Song song với việc uống thuốc là để chữa trị các triệu chứng, anh uống rượu để đánh lừa cảm xúc.

Thế rồi một ngày nọ, khi Tracy, vợ anh, bắt đầu tỏ dấu thất vọng về anh, Michael J.Fox mới nhận thức được rằng mình đang đi lầm đường và quyết tâm bỏ rượu. Trước kia, anh hy vọng thuốc men có thể chữa trị căn bệnh của mình. Anh luôn sống trong hy vọng. Nhưng càng hy vọng anh lại càng cảm thấy bất an. Trái lại, kể từ lúc chấp nhận sống với bệnh tật, anh cảm thấy thanh thản. Anh nhận thấy cần phải sống lạc quan và tích cực.

Cách đây 10 năm, Michael J.Fox đã thực thi tinh thần lạc quan và tích cực đó bằng cách sáng lập một Sáng Hội nhằm quyên tiền để trợ giúp cho cuộc nghiên cứu cách chữa trị bệnh Parkinson.

Anh tâm sự rằng kinh nghiệm sống với một căn bệnh bất trị, một khi được nhìn nhận và chấp nhận, đã mang lại cho anh một cái nhìn thông thoáng hơn về cuộc sống. Anh nói rằng những năm tháng làm việc với Sáng hội giúp nghiên cứu về bệnh Parkinson mang lại cho anh nhiều niềm vui hơn lúc còn làm một tài tử điện ảnh. Một trong những niềm vui lớn nhứt của anh là có được một mái ấm gia đình hạnh phúc bênh cạnh vợ và 4 người con. Tháng 8 tới đây, Michael J.Fox sẽ cùng với người con trai trưởng thành của anh viếng thăm Úc. Anh sẽ chia sẻ về cuộc sống, sự nghiệp và kinh nghiệm sống với bệnh Parkinson (x.The Sydney Morning Herald số ra cuối tuần 26-27/5/2012).

Tôi không có “số” trúng số hay thắng cờ bạc. Nhưng có rất nhiều thứ “số” mà tôi thừa hưởng do di truyền, từ thể lý đến tinh thần. Có cố gắng và vẫy vùng đến đâu thì tôi cũng chẳng thay đổi được “phần số” ấy. Có bôn ba cũng chẳng qua thời vận là như thế. Chợt nhớ lại câu nói tạo nhiều cảm hứng và an ủi của ông Dale Carnegie trong cuốn sách nổi tiếng “Quẳng gánh lo đi mà vui sống” (bản dịch của Nguyễn Hiến Lê): “Số mệnh chỉ cho bạn một trái chanh còm, bạn hãy tìm cách làm thành một ly nước giải khát”. Hoặc lắng nghe lời nhắn nhủ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Đời cho ta thế, cứ hãy cất bước đi mọi nơi...Đời cho ta thế, hãy cứ sống tới như mọi ai” và quyết tâm “mỗi ngày tôi chọn một niềm vui, chọn những bông hoa và những nụ cười”.ậ