Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Suy nghĩ về : Sự thách đố của thế hệ chúng ta (Reflexion on Our Challenge)

Suy nghĩ về : Sự thách đố của thế hệ chúng ta (Reflexion on Our Challenge) PDF Print E-mail
Tác Giả: Đoàn Thanh Liêm (California, tháng Hai năm 2012)   
Thứ Ba, 14 Tháng 2 Năm 2012 17:34

Trong bộ sách đồ sộ - gồm trên 10 cuốn dài đến 10,000 trang chủ yếu viết về về sử học có nhan đề là “The Study of History” (Nghiên cứu Lịch sử) được xuất bản vào giữa thế kỷ XX - học giả người nước Anh là Arnold J.

Toynbee có đưa ra một nhận định rất đáng chú ý về quá trình thịnh suy của các nền văn minh. Nhận định này đại khái có thể tóm lược như sau : Sự suy tàn của một nền văn minh – cũng như của một quốc gia – thì tùy thuộc vào cái lối xã hội đó đối phó với sự thách đố (the challenge) mà nền văn minh đó gặp phải. Nếu họ vượt qua được, thì nền văn minh có cơ được duy trì và tiếp tục phát triển. Ngược lại, nếu họ không vượt qua nổi cái sự thử thách quá ư khó khăn này, thì nền văn minh đó sẽ lần hồi rơi vào cảnh thóai hóa suy tàn.

Tác giả Toynbee còn ghi thêm chi tiết này : Động lực chính yếu để làm cho một quốc gia phát triển, đó là nhờ vào cái “Thiểu số Sáng tạo” (Creative Minority) tích cực ra tay hành động với hiệu quả là thúc đảy cho tòan thể dân tộc tiến lên. Nhưng cũng lại có nguy cơ là cái thiểu số này, một khi nắm giữ được quyền hành rồi – thì lại biến thành một thứ “Thiểu số Áp đảo Thống trị” (Dominating Minority) nắm giữ độc quyền chuyên chế – khiến cho xã hội bị xơ cứng ngưng trệ và dần dần rơi vào cảnh điêu linh tàn tạ. Trong bài này, tôi xin trình bày một suy nghĩ cá nhân - được phát xuất từ nhận định của sử gia Toynbee nói trên đối chiếu với tình hình thực tiễn hiện nay ở Âu châu và đặc biệt ở quê hương Việt nam chúng ta.

1 - Liên hệ đến tình hình thực tế ở Âu châu trong hơn một thế kỷ vừa qua, ta thấy sau khi thế chiến thứ hai kết thúc vào năm 1945, thì giới lãnh đạo của hai nước Pháp và Đức đã hết sức cố gắng để tìm ra được một giải pháp tối hảo là thực hiện được một sự hòa giải và hợp tác giữa hai dân tộc vốn là cựu thù địch chém giết tàn bạo lẫn nhau qua 3 cuộc chiến tranh đẫm máu trong vòng có 70 năm từ 1870 đến 1940. Hậu quả của sự hòa giải và hợp tác này đã đóng góp chính yếu vào quá trình xây dựng được một thực thể chính trị kinh tế và văn hóa xã hội rất thành công, ổn định và thịnh vượng - đó chính là tổ chức Liên Hiệp Âu châu (European Union = EU) mà hiện gồm có 27 quốc gia thành viên – với khối dân số tổng cộng lên đến trên 500 triệu người và tổng số lợi tức GDP vào khỏang 20,000 triệu Mỹ kim (20 trillion) như ta thấy ngày nay. Nhờ đó mà Âu châu đã tránh được sự xâu xé thù nghịch từng kéo dài liên tục từ bao nhiêu thế kỷ trước, đặc biệt là giữa hai dân tộc láng giềng Đức và Pháp.

2 - Riêng đối với dân tộc Việt nam chúng ta, thì kể từ ngày đảng cộng sản nắm giữ được quyền hành tuyệt đối trong tay họ cách nay đã gần 70 năm - thì đã xảy ra bao nhiêu sự khủng bố thù hằn tàn bạo khiến gây ra cái chết đớn đau cho hàng mấy triệu con người xuyên qua cuộc nội chiến dòng dã suốt 30 năm (1945 – 1975). Rồi tiếp theo là chế độ độc tài chuyên chế đảng trị được áp đặt lên tòan thể quốc gia kể từ năm 1975 cho đến ngày nay – khiến gây ra bao nhiêu bất công oan khiên áp bức đối với hàng triệu gia đình bị lấy mất nhà cửa, ruộng vườn, mọi công dân bị ngăn cấm không được tự do kinh doanh làm ăn lương thiện, không được tự do lập hội, phát biểu, ngôn luận, không được tự do hành đạo giữ đạo v.v...
 
Điều tệ hại nhất là đạo đức luân lý của xã hội bị suy đồi, nạn lừa lọc dối trá đã trở thành phổ biến trong nhiều tầng lớp dân chúng - nhất là chuyện nhiều cán bộ đảng viên đâm ra tha hóa biến chất thành những tham quan nhũng lại chuyên môn sách nhiễu bóc lột dân đen một cách tàn tệ như chưa từng thấy trong lịch sử nước nhà. Và cái nguy cơ Việt nam bị Trung quốc xâm lấn mỗi ngày càng thêm trầm trọng do sự tiếp tay của nhóm người đan tâm hợp tác với ngọai bang – họ rõ ràng đang hành động như là thứ giặc nội xâm mà đồng lõa cấu kết với kẻ thù ngọai xâm vậy.

Rõ ràng là cái tập đòan thống trị là đảng cộng sản này mỗi ngày càng thêm ngoan cố lộng hành sa đọa - với những thủ thuật dùng đòn bạo lực để trấn áp bất cứ cá nhân hay tổ chức nào mà có hành động hay ý chí muốn đóng góp vào công cuộc xây dựng nếp sống tự do dân chủ, bảo vệ sự công bằng xã hội và đề cao nhân phẩm nhân quyền của người dân. Đây chính là một sự thách đố nghiêm trọng đặt ra cho tất cả mọi người dân Việt nam chúng ta - đặc biệt là cho lớp người trẻ - trước sự tồn vong của đất nước và sự an vui hạnh phúc của dân tộc trong thế kỷ XXI lúc này.

3 – Sự đáp ứng nhiệt thành của thế hệ người trẻ Việt nam hiện nay.
Phải ghi nhận rằng trong mấy năm gần đây, giới trẻ con em chúng ta ở trong nước cũng như ở hải ngọai đã rất năng nổ hăng say trong việc tố cáo những hành vi sai trái của chánh quyền Hanoi, cụ thể như trong vụ nhượng đất nhượng biển cho tập đòan bành trướng bá quyền Trung quốc. Điển hình như trường hợp của Phạm Thanh Nghiên, một cô gái yếu đuối mới ở tuổi 30 ngụ tại thành phố Hải phòng, mà dám căng biểu ngữ và ngồi tọa kháng để phản đối hành vi xâm lược của Trung quốc. Hay như Đỗ Minh Hạnh ngay từ lúc mới có 18 tuổi mà đã hăng say đứng ra bênh vực những người dân oan bị cướp mất đất mất nhà và dân lao động bị khai thác bóc lột. Còn một cô gái trẻ nữa, mà cũng rất sắc sảo chững chạc trong các bài viết gần đây được phổ biến rộng rãi trên internet, đó là cô Huỳnh Thục Vy ái nữ của nhà tranh đấu Hùynh Ngọc Tuấn hiện ở Quảng Nam Đà Nẵng. Gần đây, thì mấy bài hát nồng nàn tình yêu nước của Việt Khang lại được rất nhiều bạn trẻ yêu thích đua nhau hát và phổ biến cùng khắp trên mạng lưới thông tin tòan cầu.

Những bạn trẻ này vừa có sự dũng cảm hiên ngang (Courageous), vừa có lòng nhân ái mẫn cảm (Compassionate) trước những khổ đau nhục nhằn của số đông nạn nhân – và đặc biệt lại có tinh thần sáng tạo tháo vát (Creative) trong phương thức tranh đấu kiên trì mà bất bạo động – kiên quyết chống lại cái guồng máy độc tài chuyên chế vừa ngoan cố vưà tàn bạo của đảng cộng sản. Dù mới chỉ là một thiểu số, nhưng nhóm người trẻ như thế đó hiện đang làm cho giai cấp cầm quyền thống trị ở Việt nam rất lo sợ mà cuống cuồng ra tay trấn áp, kể cả phải dùng đến những côn đồ để hành hạ đánh đập những thanh niên vô tội này. Người viết xin gọi đây là một tập thể “Thiểu số có đày đủ ba tính cách Nhân, Trí và Dũng” của tầng lớp Sĩ phu Quân tử trong truyền thống từ ngàn xưa của dân tộc chúng ta.(Trong tiếng Anh, ta có thể viết ngắn gọn thành ra : “3C Minority” : Compassionate – Creative – Courageous).

Lớp người trẻ như thế hiện đang mỗi ngày thêm năng nổ sáng tạo và xông xáo, họ đang kêu gọi lẫn nhau cùng dấn thân nhập cuộc với lời nguyện “Đáp Lời Sông Núi” vang rền khắp nơi trên lãnh thổ quê hương Việt nam chúng ta. Và chính họ mới là niềm hy vọng rất ư phấn khởi cho dân tộc chúng ta vậy./