Giữ gìn "nỏ thần" đất Việt |
Tác Giả: TS. Phạm Gia Minh | |||
Thứ Bảy, 11 Tháng 2 Năm 2012 17:30 | |||
Từ câu chuyện Mỵ Châu - Trọng Thủy và chiếc nỏ thần trong lịch sử, để nhìn về sự phát triển và dựng xây Việt Nam hôm nay, gìn giữ nỏ thần, mài sắc mũi tên và cảnh giác với những Trọng Thuỷ hiện đại.
Bài học lịch sử
Lịch sử là một phương thuốc tuyệt vời khi nó cho ta những bài học thấm thía về những thất bại trong quá khứ nhưng đồng thời nó cũng an ủi, khích lệ động viên và củng cố hy vọng cho ta bước tiếp. Mỗi lúc bối rối khi phải đối mặt với hiện tại khắc nghiệt và tương lai đầy bất định thì có lẽ một phương pháp hiệu quả đến không ngờ là đắm mình vào quá khứ sâu thẳm của giống nòi để nhận được từ đấy những ngọn nguồn năng lượng và ý chí bất khuất, dẻo dai của một dân tộc có sau lưng mấy ngàn năm lịch sử rất oai hùng nhưng cũng lắm đau thương. Hình ảnh An Dương Vương và Mỵ Châu được tái hiện trong kịch. Ảnh: Tuổi trẻ Truyện kể lại rằng Thục Phán An Dương Vương được thần Kim Quy giúp đỡ, sau rất nhiều cố gắng đã xây nên thành Cổ loa kiên cố vòng trong, vòng ngoài với quân đội hùng mạnh được trang bị nỏ thần, trong một thời gian dài đã đẩy lui hàng vạn quân ngoại xâm tinh nhuệ của cả nhà Tần lẫn Triệu Đà, nhưng sau đó lại bị nhiễm thói chủ quan, khinh địch, suốt ngày tiệc tùng say sưa. Triệu Đà bèn dùng kế thông gia, xin cầu hòa và phái con trai là Trọng Thủy sang cầu hôn với Mỵ Châu là con gái An Dương Vương với gian kế là vô hiệu hóa vũ khí nỏ thần. An Dương Vương đã trúng kế Triệu Đà mặc dù các lương thần như Cao Lỗ đã hết lời can ngăn. Trọng Thủy lợi dụng tình yêu chân thành và hồn nhiên của Mỵ Châu nên đã nắm được bí mật của nỏ thần Kim Quy nằm ở cái lẫy nỏ - một kết cấu cơ khí thông minh cho phép bắn một phát đồng thời hàng trăm mũi tên. Khi đã có nội ứng, bên ngoài Triệu Đà trở mặt mang quân vây đánh Cổ Loa, bên trong Trọng Thủy phá hỏng lẫy nỏ thần, đội quân của An Dương Vương đại bại và kết cục lịch sử bi thương sau đó chắc ai trong chúng ta cũng đã thuộc lòng… Thế giới ngày nay không thiếu những Triệu Đà, Trọng Thủy, nhưng ở hình thức tinh vi, thâm độc và có tri thức hơn. Điều đó buộc Việt Nam phải cảnh giác, tinh tường hơn và ý thức sâu sắc hơn về việc gìn giữ vũ khí nỏ thần - lòng yêu nước của mình. Nếu so sánh và liên tưởng tới cuộc sống hiện đại của thế kỷ XXI thì vũ khí nỏ thần chính là lòng yêu nước của dân tộc Việt. Cái lẫy làm từ móng thần Kim Quy đó là Lòng Tin của quần chúng vào những người lãnh đạo, có vai trò như là ngọn nguồn cho mọi sự đồng thuận trong xã hội theo tinh thần của những “hội nghị Diên Hồng”, tướng sĩ trên dưới một lòng “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…” giúp nhà Trần lãnh đạo toàn dân 3 lần đánh thắng quân Nguyên - Mông lúc đó đang cực thịnh, bá chủ lục địa Á - Âu, hay “đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công“ của hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc gần đây. Những mũi tên sắc bén vun vút bay đi trúng mục tiêu chính là những lĩnh vực mà chúng ta đang phấn đấu nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong quá trình hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa như: quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, giáo dục, bảo vệ tài nguyên, môi trường, y tế v.v…
Quả là đáng lo ngại khi thanh thiếu niên ta thuộc sử nước ngoài hơn sử Việt, sùng bái các “sao” ngoại tới mức cuồng tín và tỉ lệ phạm tội đang có chiều hướng gia tăng. Trong lĩnh vực khoa học - công nghệ phỏng Việt Nam đang sở hữu được bao nhiêu công nghệ nguồn hay chủ yếu là đi theo đuôi, cóp nhặt những giải pháp không còn là bí mật có sức cạnh tranh của thiên hạ? Nhìn sang lĩnh vực tài nguyên - môi trường một thực trạng đáng buồn là chúng ta đang trở thành bãi rác chứa đựng những công nghệ khai thác, chế biến gây ô nhiễm với mức tiêu hao cao. Hơn thế nữa, chúng ta đang chủ yếu xuất tài nguyên dưới dạng thô để rồi sau đó lại phải nhập khẩu các thành phẩm bao gồm giá trị gia tăng cao. Đó là thực trạng của các nước châu Phi chậm tiến nhưng đang diễn ra với Việt Nam - đất nước tự hào có ngàn năm văn hiến và đang ra sức phấn đấu để không bị thua kém trong một nền kinh tế tri thức toàn cầu! Các lĩnh vực vừa nêu trên ví như các mũi tên của nỏ thần đang có xu hướng bị làm cùn đi hay bị bẻ cong, mất sức chiến đấu. Nhưng điều đáng được quan tâm hơn cả đó chính là cái lẫy nỏ - bộ phận chủ chốt giúp tạo nên sự đồng thuận “một phát bắn đi vạn mũi tên” hay chính là Lòng Tin. Qua những dự án có vốn đầu tư nước ngoài chẳng hạn như Vedan, khách sạn Novotel on the park trên nền đất của công viên Thống Nhất hay hàng loạt các sân golf chiếm ruộng mầu của dân và còn nữa là việc xuất khẩu lậu khoáng sản, gỗ quý và nhập thiết bị, công nghệ lạc hậu với giá “trên trời” để về đắp chiếu v.v… thì lòng tin của người dân vào các cơ quan công quyền có nguy cơ ngày một suy giảm. Những vụ việc như khách sạn Novotel on the park, sân golf chiếm đất công viên... khiến lòng tin của người dân vào cơ quan công quyền có nguy cơ suy giảm. Thời khắc lịch sử mà bên ngoài Triệu Đà mang quân bao vây phối hợp với Trọng Thủy bên trong phá hỏng lẫy nỏ thần Kim Quy có xảy ra hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào bản lĩnh của những người lãnh đạo và sự đoàn kết một lòng của toàn dân. Mà để xây đắp nên khối thống nhất đó không có cách nào khác là phải luôn luôn tỉnh táo nâng cao cảnh giác và củng cố lòng tin trong nhân dân bằng những hành động và việc làm thiết thực, chân thành và cụ thể. Mỗi người chúng ta hãy nhớ lấy bài học lịch sử về nỏ thần Kim Quy của đất Việt!
|