Áo Dài Và Tết Ở Xứ Người. |
Tác Giả: Trần Thu Miên | |||
Thứ Năm, 26 Tháng 1 Năm 2012 22:22 | |||
Tết đang đến và con gái tôi sắp sửa mười lăm tuổi. Gần đây con hỏi, “Khi nào bố dẫn con đi may áo dài?” Câu hỏi ngắn gọn đơn sơ ấy như cơn gió mát thổi qua lòng người xa xứ.
Thủa mười lăm, mỗi độ Tết về tôi đâu có xin bố mẹ mình mua giầy mới, hay quần áo mới. Bởi vì có xin cũng không được. Nhà nghèo lại đông anh em, bố mẹ tôi làm gì có tiền để may sắm cho hết mọi đứa con một lần. Ðã nhiều lần tôi hỏi vợ, “Khi nào mình dẫn con gái may áo dài?” Dĩ nhiên là vợ tôi muốn con gái mặc áo dài trong những ngày đại lễ. Lúc chúng tôi còn ở Cali, may áo dài là việc rất dễ làm nhưng con gái còn bé. Bây giờ con đang trở thành thiếu nữ và cũng đến lúc mang áo dài cho ra vẻ con gái Việt Nam, nhưng nơi chúng tôi đang sinh sống, tìm ra chỗ may áo dài không phải là việc dễ làm. Vợ giao trách nhiệm cho tôi đi “lùng” chỗ may áo dài cho con gái. Tôi nghĩ ngay đến các chị trong ca đoàn nhà thờ. Những ngày đại lễ, chị nào cũng diện áo dài đẹp, thế nào họ cũng biết chỗ may. Sau lễ Chủ Nhật, tôi lên chỗ ca đoàn, lâu quá rồi không lên chỗ ca đoàn đứng nên hơi “nhột.” Ngày xưa còn sinh viên độc thân, tôi và mấy đứa bạn vẫn thường hiên ngang lên đứng chung hay sau lưng ca đoàn để “chọc gái.” Lì đến độ ca trưởng và nam ca viên phải hết năn nỉ rồi dọa nạt, chúng tôi vẫn léng phéng đến “tán tỉnh” các em. Bây giờ nhiều ca đoàn trong các cộng đồng công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ không còn “các em” nữa, nhưng phần lớn là các “mẹ” trung niên hay các chị đã lớn lắm rồi. Tôi hỏi một chị đứng đầu hàng ghế, - “Chị biết chỗ nào may áo dài không?” Tôi hơi nản. Chắc các chị trong ca đoàn đã rủ nhau về Việt Nam may áo nên trông áo ai cũng na ná như nhau. Nhất định không bỏ dở dang “công trình” điều nghiên về nơi may áo dài trong vùng này, tôi tiếp tục “thu thập” dữ kiện. Hỏi tùm lum, hỏi không ngại là bí quyết điều nghiên hay nhất. Cuối cùng tôi tìm ra được một chị vẫn còn yêu nghề may vá trong một tiệm bán tạp hóa từ băng nhạc đến dầu cạo gió xanh. Phải đưa con gái đến tiệm ngay, nhỡ chị lại bỏ nghề đi làm “nêu” thì phiền lắm. Về Việt Nam hay sang Cali may chiếc áo dài là việc không tưởng. Ðứng trong tiệm nhìn con chọn vải may áo rồi tưởng tượng về tương lai của con. Không biết mai này ra sao? Chiếc áo dài không đủ làm con trở thành cô gái Việt Nam. Mình không có quyền bắt con mình trở thành người Việt Nam. Quê hương của mình là Việt Nam nhưng nơi chôn nhau cắt rốn của con mình là Hoa Kỳ. Con mình được nuôi dưỡng bằng huyền thọai và lịch sử Hoa Kỳ chứ không như mình lớn lên bằng những giấc mơ Quang Trung, bằng huyền sử Hùng Vương và niềm kiêu hãnh của Trần Hưng Ðạo của Lê Lợi. Nhưng dù sao, nó vẫn có một phần gốc rễ Việt Nam bằng di truyền văn hóa-di truyền nhân chủng. Nỗi lo âu của mình cũng là nỗi lo âu của hàng triệu người di dân tha hương khắp trên địa cầu này. Mình tha hương nhưng con mình đâu có tha hương. Nó sinh ra và lớn lên ở quê hương này làm sao mình bắt nó phải “nhận” quê hương cũ của mình là quê hương của nó được. Vả lại chính trong trái tim mình quê hương cũ của mình cũng đang lu mờ. Nói vậy có nhiều người “yêu nước’ ảo tưởng lại kết tội mình là vong thân vong bản, nhưng sự thật vẫn là sự thật. Cả ngàn năm nay những người di dân như mình khi trở lại quê cũ đều mang cảm giác “khách lạ” ngay trên quê hương cũ của mình. Ðúng là xa mặt cách lòng. Bây giờ mình muốn làm người Việt Nam thật sự, mình phải trở lại quê nhà học sống như người Việt Nam. Những Việt Kiều như mình có nhớ thương quê nhà cách mấy vẫn mang con tim khách lạ khi về thăm quê nhà rồi lại vội vã ra đi. Sự gắn bó của mình với quê hương cũ bây giờ là sự gắn bó linh thiêng. Mình cũng chỉ mong là con mình cũng có được sự gắn bó linh thiêng với tổ tiên của bố mẹ nó ở một nơi gọi là Việt Nam, nơi con mình biết đến vì học lịch sử hay địa lý và kỷ niệm của những chuyến đi xa ngắn ngủi theo bố mẹ về Việt Nam; nơi thiếu nữ còn mặc áo dài đi học và phụ nữ còn mặc áo dài đi lễ hội. Biết đâu khi mang chiếc áo dài trên mình, sự liên hệ linh thiêng với Việt Nam sẽ dần già nẩy nở trong trái tim con. Biết đâu khi mặc áo dài, niềm hãnh diện về nguồn gốc của con mình sẽ được cưu mang. Biết đâu khi mặc áo dài, dấu ấn Việt nam sẽ nhẹ nhàng in vết lên tâm hồn con. - “Cháu đừng chọn màu này, già quá, không hợp với tuổi cháu đâu.” Cô thợ may vừa nói vừa kéo xấp vải màu vàng ra. Con gái tôi lắc đầu. Nó đâu có bao giờ đọc được thơ Nguyên Sa “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc” như bố mẹ nó mà thích áo dài vàng. Hay làm sao cảm được thơ Phạm Thiên Thư “Mùa xuân em mặc áo da trời” để mà yêu áo dài xanh. Tiệm may này nhỏ nên ít mặt hàng. Cô thợ may chỉ có một số vải thích hợp cho thế hệ phụ nữ Việt Kiều khác chứ không hợp nhãn mấy cháu gái người Mỹ gốc Việt như con gái tôi. Tôi nghĩ thầm, “Chọn đại một màu đi con, mẹ có trách cũng muộn. Chờ lần sau may áo khác. Sắp Tết rồi, may cho kịp mặc áo đi lễ Tết.” Nghĩ thế nhưng không dám nói. Tôi vẫn vui mừng kiên nhẫn chờ con đắn đo trước khi lựa chọn. Cuối cùng thì con chọn được một mẫu vải. - “Con không thích mấy, nhưng không có màu khác.” Con tôi nhìn tôi giải thích. Nói thế, nhưng có phải đưa con gái lại đây mười lần để thử áo dài tôi vẫn đưa một cách vui vẻ hân hoan. Như thế là con gái tôi sẽ có áo dài. Ngày con còn bé, vợ tôi mua áo dài cho con mặc vài lần. Nhưng đó là quyết định của mẹ. Bây giờ thì khác. Chính con đã đi chọn màu vải để may chiếc áo dài lần đầu trong đời mình. Có lẽ bố xôn xao chờ áo may xong hơn là con. Chiếc áo dài không làm con trở thành thiếu nữ Việt Nam thuần túy, nhưng bố tin là khi con mặc áo dài, cái “hồn” Việt Nam từ trái tim bố mẹ sẽ được in dấu lên tâm hồn lên trái tim của con. Sự hãnh diện về nguồn gốc mình là hành trang tâm linh để con vào đời trong xã hội đa chủng Hoa Kỳ và thế giới mở rộng ngày nay. Chờ con mặc áo dài đi lễ Tết, nhưng lòng mình không thấy Tết, không nhớ, không đợi tết. Thời mới viễn hương, có lần tôi nói với người bạn thân, “Linh hồn Việt Nam sẽ bị tẩy khỏi tâm thức mình một ngày nào đó khi mình suy nghĩ bằng ngôn ngữ của xứ người.” Câu nói vớ vẩn của mình thời trẻ là lời tiên tri cho chính thân phận mình. Cũng may mỗi lần ngồi viết lách lăng nhăng bằng ngôn ngữ mẹ đẻ mình vẫn còn gắn bó với quê cũ bằng sợi giây linh thiêng và còn suy nghĩ bằng ngôn ngữ mẹ đẻ mặc dù cách mình viết lách đã lai căn lâu rồi. Cái hiểm họa mất gốc đang xảy ra cho chính mình. Bây giờ Tết không còn là ngày linh thiêng hay quan trọng trong đời sống người viễn hương nữa. Ở chợ búa Việt Nam nơi tôi đang cư ngụ, người ta cũng bầy bánh, kẹo, mứt, hạt dưa và nhiều món hàng ngày Tết, nhưng chúng không gợi cho mình cảm giác về Tết. Cách đây hơn ba mươi năm, tôi ăn Tết tha hương lần đầu với khoảng hai chục đồng hương ở Biloxi, Mississippi. Người đứng ra tổ chức là Anh Sơn. Gia đình anh có bốn cha con. Bố anh để lại vợ ở quê nhà còn chính anh Sơn, theo lời anh kể, cũng để lại Sài Gòn hai cô vợ. Hai người em của anh một người trạc tuổi tôi và một đứa khoảng mười tuổi. Bốn cha con anh ở trong căn nhà do một nhà thờ bảo trợ nên rộng rãi khang trang. Và có lẽ nhà chỉ toàn phái nam nên dễ tổ chức họp mặt. Ðồng hương có gia đình đã mang theo các món ăn họ có thể làm được trong điều kiện rất eo hẹo, nhất là không có chợ thực phẩm Á Châu. Có người đã sang New Orleans tìm mua thức ăn Á Châu, hay nhờ bà con ở những nơi có đông người Á Châu gửi những gia vị để làm chả giò, hay món các món quen thuộc khác. Tết đầu tiên của tôi ở Biloxi không có bánh chưng-bánh tét. Không có mứt-không có hạt dưa. Nhưng mọi người đã mừng rỡ gặp nhau. Có người mang biếu gia đình anh Sơn chai nước mắm của Phi như món quà Tết quí nhất. Một vị đàn anh, cựu sỹ quan Hải Quân thì phải, vỗ vai tôi thân thiện, “Chú mày phải nhớ là nước mắm còn là văn hóa Việt mình còn đấy.” Không ngờ nước mắm lại được đánh giá ngang hàng với “Truyện Kiều.” Tôi nghĩ thầm vị đàn anh nói giỡn, nhưng nghe cũng có lý vì văn hóa bao gồm mọi mặt đời sống con người, từ thực phẩm đến tâm linh. Bà con bàn về các món Tết họ có thể làm dễ dàng nhưng thiếu gia vị, thiếu các “thực liệu” cần thiết nên đành bó tay. Họ hứa là Tết sang năm phải có bánh chưng. Anh Sơn mang theo được mấy băng nhạc Việt Nam trên đường di tản và anh đã tổ chức khiêu vũ trong phòng khách-phòng ăn. Các vị cựu quan quyền, các chị lấy chồng Mỹ, và các vị dân thành phố quen khiêu vũ, đã dìu nhau khiêu vũ say mê. Tôi xuất thân từ ruộng đồng, lại được ăn học với các vị khổ tu Châu Sơn nên chân tay cứng ngắc đành đứng góc nhà nhìn thiên hạ nhấc chân, nghiêng người, lắc mông, xoay vai theo các điệu nhạc từ tỉ tê nát ruột đến dập dồn vó ngựa. Trong một hai người “đứng bên lề” có cô gái tên Vân khoảng mười tám mười chín. Cô được các vị độc thân từ loại bất đắc dĩ đến độc thân “chân chính” như tôi để ý. Tất cả quí vị nam nhi trong phòng đều chìa tay mời cô nhảy, chỉ có tôi là không. Không phải là không thích, nhưng không biết khiêu vũ. Có vài chị lấy chồng Mỹ thuộc loại khiêu vũ chuyên nghiệp đã lôi tôi ra nhảy với họ. Tôi bị đẩy vào thế kẹt nên cũng rung mông, đá chân tùm lum theo điệu nhạc. Mọi người ăn tết vui vẻ. Lúc mọi người ngồi xả hơi sau khi khiêu vũ, vị cựu sỹ quan Hải Quân đề nghị làm văn nghệ bỏ túi cho vui. Nhà anh Sơn có cây đàn Ghita nhà thờ cho đứa em của anh và anh đã mang ra kêu gọi mọi người ca hát. Anh Sơn thuộc lọai tài hoa (thảo nào có đến hai cô vợ trẻ còn kẹt lại Sài Gòn), đã đệm đàn cho mọi người hát mấy bản nhạc mừng xuân. Tôi bị vị đàn anh “ca ngợi” nước mắm chỉ mặt bảo hát một bài cho vui. Chưa kịp trả lời mọi người đã vỗ tay tản thưởng ý kiến ấy. Dĩ nhiên là tôi hát không cần phải mời, dù tôi thuộc loại người chơi đàn không bao giờ đúng nhịp và hát luôn luôn sai cung. Tôi đã hát bài “Làng Tôi,” hát say sưa, hát rơi nước mắt. Có nhiều người cũng hát theo tôi và cũng khóc theo tôi dù chưa chắc họ đã sống ở làng quê “Có cây đa cao ngất từng xanh” hay “Có sông sâu lờ lững vờn quanh.” Tôi tin rằng cái Tết đầu tiên của dân Việt tha hương tại Hoa Kỳ hay bất cứ nơi nào trên mặt đất đã có nhiều người khóc và cũng có nhiều người hát bài nhạc ấy. Nhờ hát bài trúng tâm trạng mà mình đã gây được thiện cảm với mọi người. Lúc ra về, tôi được một bác gái gói cho một gói những món ăn còn dư để mang về. Sướng quá. Tôi nhận không ngại ngùng. Về nhà lại được ăn chả giò, giò thủ và dưa cải. Sướng hơn nữa là cô Vân đã đến nói nhỏ với tôi “Anh hát hay quá làm Vân khóc hết nước mắt.” Tôi cảm ơn Vân. Ra về sau tiệc Tết đầu tiên thấy lòng vừa mang mang nỗi nhớ quê nhà vừa lâng lâng cảm giác lưu luyến đồng hương. Có lẽ Tết năm 1976 ở Biloxi là cái Tết tha hương có ý nghĩa nhất đối với tôi. Lúc ấy người Việt tha hương còn “yêu mến nhau.” Gặp nhau tay bắt mặt mừng. Ai cũng còn nghèo giống nhau, ai cũng còn nhớ nhà giống nhau. Sau này tôi vẫn nói với bạn bè đó là “thuở người Việt tha hương còn yêu mến nhau còn cần nhau;” mỗi lần gặp nhau là mỗi lần gặp được niềm vui lớn. Bây giờ mỗi lần người Việt tụ họp là mỗi lần có nhiều vấn đề nhiêu khê căng thẳng từ lễ Tết ở nhà thờ nhà chùa đến các hội chợ trong các cộng đoàn. Thật ra thì đó cũng là điều tự nhiên. Cộng đồng người Việt đã trưởng thành trên mọi hình thức nên có nhiều “tiếng nói,” có nhiều “ý thức hệ,” và có nhiều “chính kiến” khác nhau. Còn hai tuần nữa Tết. Tôi đang có mặt tại New Orleans, thành phố đã cho tôi nhiều dấu ấn kỷ niệm. Con đường Bourbon, nơi 33 năm trước, nhiều đêm cuối tuần tôi và một người bạn đã lái xe từ Ocean Springs sang để rảo bộ trên đường không có mục đích gì cả. Không vào quán rượu nghe Jazz hay xem vũ khỏa thân vì không có tiền. Chúng tôi chỉ muốn trốn chạy sự cô độc của người di dân còn lạ lẫm với đời sống chung quanh. Tiếng nhạc Jazz, tiếng cười, tiếng la hét của khách du chơi dưới ánh đèn đêm rực rỡ tạo nên một không khí buông thả truy lạc lôi cuốn. Ðã có đêm chúng tôi cứ rảo bộ từ đầu đường đến cuối rồi đi vòng lại tới khuya rồi tình cờ gặp vài di dân Việt Nam sống trong thành phố cũng lang thang vô định cho “hết đêm hoang vu” cô độc và những người đồng cảnh ngộ này đã rủ chúng tôi về phòng trọ uống bia rồi nằm ngủ co ro trên nền phòng trọ và buổi sáng chúng tôi chia tay hẹn găp lại nhau trên phố Bourbon những đêm cuối tuần cô độc. New Orleans bây giờ đã đổi thay. Trận bão Katrina hằn lên khuôn mặt thành phố những tàn phá chưa sửa chữa xong sau ba năm ròng rã. Cộng đồng di dân Việt Nam ở đây cũng đã thay đổi hoàn toàn so với hơn ba mươi năm trước. Vùng này đã bị trận bão Katrina tàn phá nặng nhất so với những khu vực khác thuộc New Orleans. Di dân Việt Nam đã định cư tại khu vực này từ giữa thập niên bảy mươi. Khu phố Việt Nam nằm sát quốc lộ 90 hay còn gọi là xa lộ Ðầu Bếp Menteur. Thời đó người Việt sống xen lẫn với các dân da màu nhất là da đen trong chung cư có tên Versailles. Dạo ấy chưa có tiệm ăn Việt Nam, một số đồng hương đã bán thức ăn Việt ngay trong phòng khách nhà mình để kiếm thêm tiền vào cuối tuần. Có nhiều sáng thứ bảy hay chủ nhật, tôi đã từ Ocean Springs, Mississippi mò mẫm đến những nơi ấy để ăn phở, ăn bún, hay bánh ướt. Tối qua tôi gặp ba người trẻ Việt Nam, Minh, John Nguyễn và Vy. Minh, mới xong Ðại Học ngành Thị Trường Học, nhưng lại đam mê phục vụ cộng đồng. Anh đang quản trị một trung tâm phục vụ giới trẻ nằm ngay trong trung tâm cộng đồng Việt Nam miền Ðông của New Orleans. John đang học năm cuối ngành Á Châu học tại UCLA và tình nguyện sang đây phục vụ đồng bào Việt Nam qua chương trình hồi phục cộng đồng hậu Katrina. Cuối hè tới John sẽ trở lại Cali để hoàn tất chương trình cử nhân rồi sửa soạn nộp đơn theo cao học ngành Nhân Xã Vụ Học (Social Work) hay một ngành khác. Tôi gợi ý cho John là sẽ tìm cách giúp đỡ để John theo học tai Boston College, nơi tôi đang làm việc. Cả Minh và John đều hăng say và lý tưởng. Tôi nhìn thấy trong mắt họ sáng lên những hy vọng và nhiệt tâm của tuổi thanh niên. Trái tim họ đầy ắp những giấc mơ đẹp, giấc mơ phục vụ và làm đẹp cuộc đời. Vy đang chuẩn bị trình luận án Tiến Sĩ Xã Hội Học tại Ðại Học Tulane, một đại học tư nằm ngay trong thành phố New Orleans. Vy muốn trình luận án về cộng đồng di dân Việt Nam tại New Orleans và vùng vịnh Gulf Coast của Mississippi. Trong ba người này, Vy có vẻ kín đáo và ít nói. Có lẽ cô đã lớn và trưởng thành hơn hai người kia. Cả ba đều không nói được tiếng Việt xuôi chảy, nhưng qua công việc và những dự tính tương lai, cả ba đều đang tìm lại với cái gốc Việt Nam của mình. Tôi mong cho con gái mình sau này có tâm hồn như ba người bạn trẻ này. Tôi cũng gặp một người trẻ Việt nam rất tài hoa. Cô ta sinh ra và lớn lên sau cuộc chiến tại Việt Nam. Người bạn trẻ này đang sửa sọan trình luận án Tiến Sĩ Nhân Xã Vụ Học tai Ðại Học, danh tiếng, Chicago. Có lẽ đây là lần đầu tiên một người Việt Nam “chính gốc” theo học tiến sĩ về ngành này tại Hoa Kỳ. Cô ta còn là một nhà văn đã có tác phẩm được giải thưởng văn học tại Việt Nam. Tôi hân hạnh được cô tặng cho tiểu thuyết đầu tay của mình. Sáng thứ bảy, tôi một mình lái xe từ New Orleans sang Biloxi để ghé thăm thầy Thích Thiện Trí, một nhà sư trẻ tôi có duyên gặp gỡ ba năm trước trong một chuyến “tham quan” sửa sọan cho một dự án nghiên cứu cộng đồng Việt Nam tại vùng này. Nhà sư trẻ dáng người nhỏ bé, hai mắt sáng, giọng miền miền Nam nhỏ nhẹ, và nụ cười rất kín đáo. Vị sư trẻ này làm thơ lục bát rất hay. Ông gửi tặng tôi vài bài thơ trong đó có một bài về xuân và tôi đã cho anh bạn tôi – (Nhất Chi Vũ – một nhạc sỹ thánh ca) – đọc và anh đã soạn thành một ca khúc rất công phu. Thầy Thiện Trí xưng tên mình và gọi tôi bằng chú. Lần nào gặp nhau thầy cũng chắp tay “Mô Phật” mỉm cười hiền lành chào tôi. Và tôi cũng bắt chước thầy làm như thế. Thầy trụ ở chùa Vạn Ðức lúc trận bão Katrina tàn phá cả vùng vịnh này. Lần đầu tôi gặp thầy, chùa đang được sửa sang. Càng ngày Chùa càng khang trang và ngăn nắp hơn. Tôi cũng hẹn đưa Vy đến gặp thầy để xin thầy hỗ trợ cho công trình tìm dữ kiện trong cộng đồng Việt Nam tai Biloxi để cô hoàn thành luận án tiến sĩ. Khi tôi dẫn Vy vào chùa, sân chùa ngập nắng vàng, và mùi nhang từ chính điện tỏa ra nhẹ nhàng rồi tan ngay vào gió biển. Chùa nằm không xa bờ vịnh nên thầy Thiện Trí kể khi nước biển đã dâng lên gần ngập nóc chùa trong trận bão Katrina, thầy và một số tín đồ đã ngồi trên nóc chùa niệm Thần Chú chờ chết, may quá, mọi người đã được cứu kịp thời. Chúng tôi vào chùa, thầy Thiện Trí đang ngồi làm việc với ba tín đồ để sửa soạn cho lễ Tết sắp đến. Thầy vui vẻ đứng lên “Mô Phật” chào tôi và thầy tưởng Vy là con gái tôi nên cũng niềm nở đón tiếp. Chúng tôi ngồi uống trà trong phòng tiếp khách mới xây xong ngay sau Chính Ðiện. Tôi hỏi thăm thầy Thiện Trí về một nhà sư trẻ khác, thầy Ðức Thành, người mà một sáng sớm hè năm ngoái tôi ghé chùa gặp ngay lúc thầy Ðức Thành đang ngồi tụng kinh một mình trước bàn thờ Phật. Thầy mặc áo choàng màu nâu, cúi đầu trước pho kinh lớn, vừa gõ chuông vừa lẩm bẩm ngân nga những bài kệ nghe rất huyền bí. Hình ảnh thầy Ðức Thành tụng kinh sáng đã để lại một ấn tượng rất đẹp và bình an trong trí nhớ tôi. Thầy Thiện Trí bảo thầy Ðức Thành đang trên đường “du đạo.” Thầy đang có mặt bên Pháp rồi sẽ sang Ấn Ðộ. Chúng tôi ngồi uống trà “Thiết Quan Âm” một Phật Tử mới biếu thầy. Trà ngon và thơm tinh khiết. - “Tiếc quá, chú không ở lại chùa ăn Tết năm nay.” Thầy Thiện Trí vừa nói vừa rót thêm trà nóng cho tôi. Chúng tôi chia tay nhà sư trẻ sau vài tuần trà trong chùa. Nắng tháng Giêng vàng lạnh ngoài sân chùa. Trời trong, xanh và cao vời vợi. Ra khỏi sân chùa tôi đi theo xa lộ 90 West để tẽ lên xa Lộ 10 West về lại New Orleans. Con đường tôi vẫn đi qua hơn ba mươi ba năm trước nay đã đổi thay hoàn toàn. Những xưởng đóng hộp tôm, nơi mùa hè 1976, tôi đã làm việc suốt ngày từ 3 giờ sáng đến khuya nay đã được thay thế bằng những sòng bài và khách sạn lớn. Tôi có cảm giác như người đi lạc ngay trên con đường quen thuộc. Chiều thứ bảy, đường vắng thênh thang. Vào xa lộ 10, tôi cho xe lao theo tốc độ qui định để về Khách Sạn trước khi trời đổ tối. Mùa đông trời tối sớm. Xa lộ chạy xuyên giữa hai hàng thông xanh. Ngày xưa, lần nào đi trên xa lộ này tôi cũng nhớ về Ðà Lạt. Bây giờ nỗi nhớ thương ấy không còn nữa cũng như nhiều nỗi nhớ thương khác đã bị chôn vùi trong những nấm mồ ký ức. Về đến phố chính của New Orleans trời nhá nhem tối. Cho xe vào bến đậu của khách sạn rồi lên phòng nằm nghỉ. Có vài đồng nghiệp hẹn đi ăn tối, nhưng tôi từ chối vì muốn có thì giờ một mình đi lại con đường Bourbon. Vừa nằm nghỉ vài phút, điện thoại réo. Người ở đầu giây là Tim (Timothy), một sinh viên cũ của tôi, hiện nay đang dạy tại Ðại Học Montana. Tim chỉ thua tôi hai tuổi nên tôi coi anh như một người bạn chứ không phải là học trò cũ. Lần nào đi tham dự các hội nghị trong nghành Tim cũng tìm cách liên lạc với tôi. - “Trần, anh làm gì sáng mai?” Tim hỏi. Khi giật mình dậy đã thấy mười giờ tối. Bụng đói nên tôi quyết đinh ra phố kiếm gì ăn rồi ghé qua đường Bourbon. Ðịnh ghé vào tiệm Acme Oyster House trên đường Iberville trong phố Tây (French Quarter) nơi mùa hè năm ngoái tôi đã đưa vợ con vào ăn trong chuyến xuôi nam nghỉ hè. Nhưng tiệm ăn đông nghẹt và khách phải xếp hàng dài chờ ngòai đường. Tôi tạt sang nhà hàng Felix’s phía bên kia đường. Tiệm cũng đông nhưng còn chỗ ngồi. Khách đứng chen nhau trước quầy sò sống. Một đĩa 12 con sò sống xấp xỉ hơn 15 đô la. Tương đối rẻ. Tôi chần chừ không biết có nên ăn sò sống hay không. Cuối cùng tôi gọi món súp rùa và một phần ăn thổ địa của New Oleans, món Bayou Platter Sampler, gồm đậu đỏ, cơm trộn xúc xích, và ”cháo đồ biển nấu với lọai tôm thổ sản (crawfish). Ngồi uống chai Abita Amber, một loại beer thổ địa rất nổi tiếng, dễ uống và có vị ngọt chứ không đắng như nhiều loại bia khác, tôi chăm chú nhìn khách ra vào và những người hầu bàn mặt căng thẳng bưng các món ăn còn bốc khói ra bàn trong không khí ồn ào tiếng nói cười và tiếng nhạc Jazz. Ba mươi ba năm trước, nếu tôi có ghé vào tiệm ăn này chắc tôi đã ngồi một cách rụt rè. Hôm nay thì khác. Mình ngồi uống bia chờ thức ăn một cách bình thản, không ngại ai. Sau bữa ăn tối tôi rảo bộ trên đường Bourbon, số người la cà trên đường đã đông nghẹt. Những tay nhạc sỹ lề đường đứng trình diễn ngả nghiêng quay cuồng theo tiếng trống tiềng kèn. Những ban nhạc Jazz nhạc Rock cũng say mê trình diễn trong các vũ trường, các bar rượu. Hình các vũ nữ khỏa thân được phóng lớn dán kín cửa kính của các phòng khiêu vũ khỏa thân. Tiếng còi xe cứu thương, xe cảnh sát, xe chữa lửa cứ thình thoảng rú lên liên hồi. Bảng tên các cửa tiệm, nhà hàng, ba rượu, vũ trường nổi đèn màu đỏ màu xanh chớp lòe rực rỡ. Không ai có thể nói chuyện thì thầm với nhau. Mọi người đều cười to nói to trên quãng đường này. Càng về khuya càng có nhiều tay say rượu cười la nghiêng ngả trên đường. Những tay chiêu khách trước các vũ trường khỏa thân tìm mọi cách mời khách ghé vào xem thử. Ngày mới đến Mỹ có đôi lần tò mò ghé vào những vũ trường này, mình đứng rụt rè phía sau xem vì không có tiền mua bia và lúc nào cũng sợ như có người sắp sửa đánh mình bất ngờ. Bây giờ những tò mò thời thanh niên không còn nữa. Bất chợt mình nghĩ về Tết. Những ngày cuối năm lang thang trên con đường mình đã bước những bước chân cô độc thời trẻ. Có những nơi chốn mình đã đi qua tưởng không bao giờ trở về, và khi quay lại mình thấy nhiều đổi thay như giòng đời trôi nổi. Sáng chủ nhật, mình thức dậy sớm. Rất muốn xuống phòng thể dục để vận động chân tay, nhưng khi rời nhà quên mang theo quần áo thể thao nên đành đứng vươn vai uốn người hít đất vài phút trước khi tắm. Thời trẻ ăn nhậu lung tung nên thân xác đã tồn trữ bao nhiêu thứ dư thừa hại sức khỏe. Nay tìm cách vất bỏ những dư thừa có hại khỏi thân xác mình quả là điều vô cùng khó khăn. Ðêm qua không theo dõi tin khí tượng nên không biết là sáng nay trời mưa. Ðứng bên cửa sổ từ lầu 17 của khách sạn Marirott nằm ngay trung tâm New Orleans nhìn mưa rơi mù mù ngang thành phố. Cơn mưa mùa đông miền nam không lạnh như những cơn mưa tuyết và mưa băng đá mùa đông Boston. Bất chợt mình nhớ nắng mùa đông Cali. Nhớ những lần ăn Tết ở thủ đô di dân Việt Nam mà vẫn không thấy lòng mình có hơi ấm mùa xuân. Nhớ mấy cây đào cây mận nở hoa trong sân nhà cũ ở Cali những ngày sắp Tết. Mình có nửa giờ để ăn sáng trước khi vào phòng họp. Hôm nay là ngày cuối cùng của hội nghị nên chắc số người tham dự buổi thảo luận sẽ rất ít. Không sao. Bây giờ mình đã quen và rất thích những buổi giảng bài chỉ có vài sinh viên nên nếu buổi hội thảo vắng người cũng tốt thôi. Ít người tham dự, mọi người đều có cơ hội phát biểu, càng vui. Mà đúng vậy, buổi hội thảo có vỏn vẹn mười người và ai cũng hăng hái tham gia. Tôi và hai đồng nghiệp chịu trách nhiệm điều hợp buổi hội thảo. Mỗi người đến từ một trường Ðại Học khác nhau nên chúng tôi chỉ có giờ gặp nhau bàn qua về buổi hội thảo vài phút trước khi bắt đầu. Một đồng nghiệp chịu trách nhiệm ghi chép ý kiến bằng laptop có máy dọi chữ lên màn ảnh cho mọi người biết những ý kiến đã được phát biểu. Một đồng nghiệp có trách nhiệm giới thiệu tổng quát mục đích của buổi hội thảo và coi giờ để mọi vấn đề chính được đưa ra bàn cãi. Tôi có nhiệm vụ gợi ý cho mọi người đặt câu hỏi. Tim ghé lại lúc buổi hội thảo gần chấm dứt. Thấy anh vào tôi biết mình nên sửa sọan kết thúc chương trình để kịp đi lễ. Cơn mưa vội buổi sáng đã tạnh ráo và mặt trời đang rải nắng vàng nhạt của mùa đông xuống những con đường thành phố. Tôi ”bấm” địa chỉ vào máy dẫn đường (GPS) để đưa Tim đi lễ dù mình đã đến khu Vesailles nhiều lần và mùa hè rồi cũng ghé dự lễ chủ nhật tại nhà thờ này. Ðây là lần đầu tiên Tim đi dự lễ trong nhà thờ Việt Nam. Chúng tôi vào nhà thờ vừa đến phần đọc sách Thánh Thư. Cả tôi và Tim đều ngạc nhiên vì thánh lễ được cử hành bằng cả Anh ngữ và Việt ngữ. Nhà thờ này do linh mục Viễn trông coi. Tôi đã gặp linh mục Nguyễn Thế Viễn vài lần và rất mến mộ ông. Một linh mục trung niên đầy nhiệt huyết và sáng kiến. Trận bão Katrina đã cho ông dịp để chứng minh khả năng lãnh đạo và tinh thần phục vụ của ông. Hôm nay đến dự thánh lễ lại càng mến phục ông hơn. Ða số những người tham dự thánh lễ còn trẻ. Họ là những người sinh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ hoặc di cư sang đây khi còn rất bé. Tôi chưa tham dự thánh lễ chủ nhật nào có nhiều người trẻ như thế. Các bài đọc trong lễ được đọc bằng Anh ngữ và Việt ngữ. Ca đoàn cũng thế. Họ hát bằng hai thứ tiếng và hát rất hay. Ở những cộng đoàn khác, tôi thấy đa số ca viên đã thuộc lứa trung niên. Những người trẻ nhất cũng xấp xỉ 30 mươi. Riêng ca đoàn này có đủ mọi lứa tuổi. Tôi nghĩ có lẽ cách cử hành và dâng lễ kiểu này sẽ trở thành khuôn mẫu cho các cộng đòan Công Giáo Việt Nam tại hải ngoại. Sau lễ Tim nói cảm nghĩ của anh về thánh lễ cho tôi nghe và ý của anh cũng giống ý tôi. Thật là một dịp may cho tôi và Tim vì ngay sau thánh lễ, có chợ hoa Tết trong khuôn viên nhà thờ. Những dẫy lều vải trắng được dương lên để biến khu đất sân nhà thờ thành chợ hoa. Tôi và Tim đi vào ngắm hoa và rất thích thú được nhìn thấy những chậu cảnh, những chậu hoa rực rỡ được bày lên sạp hàng. Chợ có hoa cúc vàng, hoa mai, và nhiều thứ hoa cảnh rực rỡ khác. Nếu không ở quá xa, tôi đã chọn mua vài chậu hoa cảnh mang về làm quà Tết. Cơn mưa buổi sáng đã rửa sạch bầu trời nên khi chợ Tết mở cửa trời quang đãng và nắng vàng mềm dịu sưởi ấm sân giáo đường. Bên ngoài chợ tết có mấy quầy bán thức ăn và tôi thích nhất là quầy bán bắp nướng. Tự nhiên thấy nhớ những hàng bán bắp nướng bên lề đường quanh chợ Ðà Lạt năm xưa. Dạo đó có những chiều rảo bộ muốn ăn một cái bắp nướng mà túi không tiền nên hình ảnh những cái bắp nướng vàng ngậy mỡ thỉnh thoảng vẫn còn lãng đãng trong ký ức. Tôi và Tim đã có chương trình ăn trưa nên dù những cái bắp nướng trông hấp dẫn thật, chúng tôi không ăn. Vài năm trước đã có dịp coi chợ Hoa ở Little Saigon, nam Cali, nhưng không khí thiếu ấm cúng như chợ hoa trong sân nhà thờ khu Versailles. Hình như dân Việt Mình ở New Orleans vẫn còn mong đợi Tết về. Các nhà thờ, nhà chùa đều chuẩn bị những chương trình đón Tết. Buổi tối tôi ghé khu Việt Nam ở quanh giáo xứ Lê Thị Thành bên mạn Tây của New Olreans. Chủ đích đến thăm linh mục nhà văn Trần Cao Tường dù biết cuối tuần ông rất bận. Mà đúng thế. Tôi ghé lại thăm ông đúng lúc ông đang có buổi họp với một số bạn trẻ. Tôi mở cửa rất nhẹ vào nhà để khỏi làm gián đọan buổi họp của ông. Ðứng nép trong phòng bếp vài phút nghe lóm phiên họp rồi lại lẳng lặng ra đi. Ðịnh bụng sẽ điện thoại hay i-mêu (e-mail) ông khi về khách sạn. Thay vì trở lại Khách Sạn ngay, tôi lái xe sang sân nhà thờ xem có sinh họat gì không. Tôi đã đi lễ nhà thờ này hai năm trước, lúc đó cha Hân chưa về hưu, nhưng không có dịp quan sát sinh hoạt của bà con. May quá là sân nhà thờ còn xe đậu và có dấu hiệu bà con đang họp mặt trong hội trường nhà xứ. Ðây là một ngôi thánh đường khang trang có cơ sở sinh hoạt cộng đoàn thuận tiện. Ngay trong khuôn viên nhà thờ có một khán đài đồ sộ nơi có lẽ dùng để cho những sinh hoạt văn nghệ lớn ngoài trời của cộng đoàn. Hình như mỗi giáo xứ Việt Nam ở vùng này đều có một khán đài Văn Nghệ hay lễ đài ngoài trời. Tôi đã có dịp ghé qua một số nhà thờ Việt Nam ở Texas và vài nơi khác, nhưng chưa thấy nơi nào có những công trình kiến trúc khán đài và lễ đài ngoài trời qui mô như bà con mình ở New Orleans. Ở chốn thiên tai bão tố này đã trổ lên những bông hoa văn hóa quí trong cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Cái đẹp của văn hóa không phải là sự hào nhoáng nhộn nhịp bên ngoài, nhưng là vẻ đẹp tâm linh phát xuất ra từ những sinh hoạt cộng đồng còn đậm mối thân tình đồng hương. Cái nét Việt Nam dù khó diễn tả vẫn còn in dấu trên những công trình kiết trúc từ chùa đến nhà thờ. Những kiến trúc chùa, nhà thờ này có thể không theo khuôn mẫu cố định nào nhưng chắc chắn đã phát sinh ra từ sự tưởng tượng đậm tình Việt Nam của những người có công khởi dựng lên. Ðẹp hơn nữa là từ những ngôi chùa và ngôi nhà thờ quanh đây hàng ngày vẫn còn vọng lên tiếng kinh kệ Việt Nam. Hè năm ngoái tôi có dịp dâng lễ cầu siêu (tôi nhớ mang máng thế) và đứng tụng kinh với một số chư vị đạo hữu trong chùa Vạn Hạnh tọa lạc ngay bên xa lộ 90 gần khu phố Việt Nam. Mình đứng ngân nga đọc kinh kệ, niệm nam mô trong mùi nhang khói và tiếng mõ gõ giữ nhịp cho bài kinh. Ðó là lần đầu tiên trong đời tôi đứng tụng kinh niệm Phật cung kính như thế dù Phật Giáo không phải là tôn giáo của mình, nhưng có lẽ cái hồn Phật Giáo từ ngàn năm xưa của tổ tiên mình vẫn còn dấu ấn trong vô thức nên mình đã hòa vào tiếng mõ tiếng ngân nga và mùi nhang khói thật dễ dàng thật hồn nhiên. Như vậy ở New Orleans, không chỉ có khu phố Tây nhộn nhịp, không chỉ có Cafe Du Monde, bánh chiên Beignet, súp rùa, cháo crawfish, thịt cá sấu chiên, hay mấy món cơm cháo tạp vị, nhưng còn có linh hồn Việt Nam ẩn hiện dưới sân chùa, trên mái nhà thờ, qua lời kinh kệ. Tôi cho xe đậu rồi lững thững đi về phía cửa trước nhà thờ, định bụng nhìn cho kỹ lại ngôi giáo đường đã được dựng lên từ những tấm lòng Việt Nam – rất Việt Nam – trên mảnh đất xa lạ này. Vừa bước được vài bước tôi thấy có người đi về phía tôi. Trời đã nhá nhem tối nên phải lại thật gần mới nhìn ra được mặt. Vừa chạm mặt, tôi buột miệng chào không suy nghĩ, - ”Chào cha Hân.” Khoảng 30 giáo dân ngồi quanh ba bàn tròn có bày nhiều thức ăn và những chai bia đã cạn được để ngổn ngang trên bàn. Thế kỷ 21, hút thuốc không còn là hình ảnh lãng mạn nữa và đã bị cấm trong các nơi công cộng, nhưng giáo dân ở đây vừa nhậu vừa thả khói thoải mái. Hai ba giáo dân vội vã bưng lên những thức ăn còn bốc khói lên tiếp cha Hân và tôi. Có thịt nai xào lăn, lòng heo luộc, cháo lòng, gà rừng áp chảo, và cá trê kho để ăn cơm. - “Mời cha! Mời anh! Thịt nai và gà rừng mới săn về đấy! Cha và anh dùng ngay đi cho nóng.” Người đàn ông trung niên ngồi bên phải cha Hân vừa mời chúng tôi ăn vừa kể tên người săn nai và người bắn được gà rừng. Tôi được bà con cứ vồn vã mời dùng thêm thịt nai và thịt gà rừng áp chảo dù bụng đã no. Ngồi uống rượu nghe bà con bàn tính việc cần phải làm để sửa sọan ăn mừng Tết mà thấy lòng mình cũng vui lây. - “Này sáng mai đi chặt mía đấy.” Một vị trung niên quay sang bảo người bạn ngồi bên cạnh mình. Tôi ngồi thêm một lúc để nghe câu chuyện về ăn Tết trong họ đạo di dân này rồi xin phép xuống nhà bếp coi các bà các chị gói bánh chưng. - “Ngày xưa ở nhà quê Việt Nam, người ta dùng những sợi dây “lạt” được chẻ ra từ thân cây tre để làm dây buộc. Sang đây có dây nhựa như thế này vừa tiện vừa dễ buộc anh ạ.” Trong ký ức của tôi không có hình ảnh rõ ràng về những ngày Tết ở quê nhà và những nồi bánh chưng mẹ tôi luộc thời thơ ấu. Tôi ở một làng nông dân Công Giáo di cư từ Bắc vào Nam trong cuộc di cư 1954. Nông phẩm chính trong làng tôi thời ấy là lúa gạo. Nhà nào cũng trồng lúa để có gạo ăn chứ không phải để bán lấy tiền. Người ta chỉ bán lúa khi thặng dư hay khi cần tiền để làm việc gì khẩn cấp. Mẹ tôi có năm phải bán lúa đi để lấy tiền đóng tiền cho tôi đi học. Làng tôi ở chỉ có vài năm thanh bình khi tôi còn bé và dân làng đã thức đêm luộc bánh chưng chờ Tết. Sau này vì giặc dã nên không ai dám thức đêm đốt bếp luộc bánh chưng như tôi đọc trên báo chí hay tiểu thuyết. Trong vài năm thanh bình ấy, những bữa ăn Tết của nhà tôi cũng không có gì sang trọng nhưng hình như ngon hơn nhiều gia đình khác trong làng vì anh em tôi được ăn thịt heo thỏa thuê. Mẹ tôi thường giết heo để ăn Tết. Nhiều người trong làng đến đặt mua thịt và mẹ tôi tính xem phải “hạ” mấy con “lợn” mới đủ chia phần cho khách. Chính vì thế mà anh em chúng tôi được ăn những thứ mà mẹ tôi cho là ngon nhất của con lợn. Bố tôi thì bao giờ cũng làm hai món chính khi con heo vừa được giết xong: Tiết Canh và Nem. Món tiết canh heo của bố tôi thật đặc biệt vì bố lấy những miếng thịt có “sụn’ như cổ heo để trộn với tiết nên khi ăn nghe sồn sột trong miệng. Còn món Nem theo kiểu nhà quê của bố tôi là thịt heo luộc có da, thái thật mỏng rồi trộn với thính. Chỉ có thế thôi nhưng đó là món ăn truyền thống trong nhà tôi. Bây giờ hàng năm giỗ bố, tôi cũng làm món Nem này nhậu lai rai trong ngày giỗ với gia đình và bạn bè. Còn món tiết canh heo thì tôi chưa bao giờ làm và từ ngày sang Mỹ đến giờ, tôi cũng chưa bao giờ ăn và có lẽ sẽ chẳng bao giờ ăn nữa. Thêm vào hai món truyền thống đó là giò thủ do chính tay bố tôi “bó.” Gọi là bó vì thịt đầu heo cắt miếng bằng hai ngón tay đem xào lên rồi gói lại hay bó lại thật chặt bằng lá chuối như người ta gói bánh Tét. Ngoài mấy món thịt heo này ra tôi không còn nhớ được gì nữa. Có những món ăn mà phải sang tới Mỹ tôi mới được ăn lần đầu hay ăn dư thừa như chả giò, giò lụa, giò bì vân vân. Ngày tôi còn bé, nhà tôi chưa bao giờ ăn dưa “món.’ Mẹ tôi chỉ biết làm dưa cải thôi. Bây giờ lang bạt tha hương tôi mới được ăn dưa món ngày Tết kể từ ngày lấy vợ. Cũng may vợ tôi thích học hỏi nấu nướng và làm các món nhậu nên Tết đến dù trái tim tôi không còn những rung động quê nhà, vợ tôi vẫn phải mua và làm những món ăn Tết được gọi là truyền thống của gia đình hay từ những ảnh hưởng bên ngoài. - “Nhà anh có nấu bánh chưng không?” Người đàn bà gói bánh hỏi làm tôi giật mình. Tôi đi quanh quẩn trong bếp nhìn các bà trong giáo xứ Lê Thị Thành hăng say vui vẻ gói bánh chưng bánh Tét cho hội chợ Tết mà cũng thấy vui lây. Ngày mai trở về Boston không biết ý nghĩ ăn Tết còn trong đầu mình nữa không!
|