Tiền bạc và hạnh phúc |
Tác Giả: Lê Mạnh Hùng | |||
Thứ Hai, 23 Tháng 1 Năm 2012 00:32 | |||
Một bức tranh hí họa nếu vẽ hay có thể đạt được một ảnh hưởng lớn hơn nhiều so với một bài viết về cùng một đề tài.
Thành ra trong bức tranh hí họa ngày hôm nay trên nhật báo Daily Mail tại Luân Ðôn, họa sĩ Pugh đã thu được một cách tuyệt vời cuộc tranh luận từ xưa đến nay về quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc: một ông bác sĩ nói với bệnh nhân, “Nếu viên thuốc Prozac này không có hiệu quả, anh hãy cầm lấy đồng 5 bảng Anh này.” Bức tranh đó là kết luận mà họa sĩ rút ra từ một bản phúc trình dầy 250 trang của hơn một chục giáo sư đại học do Viện Nghiên Cứu Các Vấn Ðề Kinh Tế (Institute of Economic Affairs - IEA) ở Luân Ðôn công bố có tựa đề là “...And the pursuit of Happiness: Well-being and the Role of Government” nhằm lật tẩy chính phủ của ông David Cameron muốn dùng cái gọi là “Chỉ số Hạnh phúc Tổng quát” (General Wellbeing Index) để bổ túc và còn có thể thay thế Tổng sản lượng Quốc nội (GDP) như là thước đo sự thành công của mình. IEA chọn ngày Thứ Hai vừa qua là ngày để phát hành phúc trình này vì viện biết rằng trong vòng mấy năm qua, báo chí Anh có thói quen là hay đăng những bài dựa trên ý tưởng rằng ngày Thứ Hai của tuần thứ ba của Tháng Giêng được người Anh coi như là “ngày buồn chán nhất của năm.” Ý tưởng này được Cliff Arnall, một người tự nhận là sư phụ trong việc “mưu cầu hạnh phúc” đưa ra vào năm 2005 trong một cuốn sách đầy những lý luận giả khoa học chứng minh rằng ngày Thứ Hai này bao giờ cũng là ngày nhiều buồn chán nhất đối với người Anh. Dù rằng sau này Arnall đã rút lại kết luận đó, nhưng nó đã trở thành thói quen trong báo chí Anh và Viện IEA như đã nói trên đã lợi dụng để kéo sự chú ý của mọi người đối với cái họ gọi là “nghị trình hạnh phúc” của ông David Cameron. Mọi chuyện bắt đầu vào năm ngoái, khi theo lệnh của phủ thủ tướng, Cơ Quan Thống Kê Quốc Gia Anh mở một cuộc khảo sát hỏi hàng trăm ngàn gia đình người Anh rằng họ “có hạnh phúc hay không” và những câu hỏi tương tự. Và cuộc khảo sát này được đưa ra sau bài diễn văn của ông Cameron năm 2010 chỉ trích rằng “Tổng sản lượng Quốc nội đo đủ thứ trừ việc đo những cái làm cho cuộc đời đáng sống” và ông nhấn mạnh với tư cách là thủ tướng ông sẽ tập trung vào “GWB (General Wellbeing) thay vì GDP.” Có ít nhất là hai lý do khác nhau giải thích tại sao vị lãnh tụ đảng Bảo Thủ lại theo đuổi nghị trình hạnh phúc này. Thứ nhất là nếu chính sách của ta đã là thắt lưng buộc bụng và giảm chi tất cả, thì đương nhiên là ta phải tìm một cái gì khác hơn là tăng trưởng kinh tế như là thước đo của sự thành công. Và thứ hai là ông Cameron từ trước tới nay vẫn tìm cách giải độc đối với dân chúng vốn vẫn cho rằng đảng Bảo Thủ chỉ gồm những kẻ vị kỷ ham làm giầu cho mình. Vấn đề là sở dĩ GDP được dùng như một thước đo thành quả chính là vì người ta có thể đo nó được. Trong khi đó hạnh phúc là một cái gì không thể chuyển đổi thành ra một con số được. Tại chính chỗ này, nơi mà kinh tế đụng chạm với tâm lý, nếu có một kết luận chính trị nào có thể đưa ra được thì đó chính là lý luận của cánh tả nói rằng một mức độ bất công kinh tế cao dẫn tới tình trạng thiếu hạnh phúc của đa số dân chúng, và chính phủ có bổn phận phải làm một cái gì để giảm thiểu tình trạng bất công đó qua những biện pháp thuế vụ. Nhưng rõ ràng lại tại Anh các chính phủ đã làm chuyện đó rồi với hàng triệu người nghèo không phải đóng thuế trong lúc những người giầu ở trên phải chịu thuế lợi tức đến 50%. Nhưng lý luận rằng bất công kinh tế làm người ta thiếu hạnh phúc cũng không hoàn toàn đúng. Như Giáo Sư Paul Ormerod đưa ra trong phần đóng góp của ông ở phúc trình của IEA, có một sự khác biệt giữa sự bất công hiện hữu nói chung giữa thành phần giầu nhất và nghèo nhất của đất nước và sự khác biệt giầu nghèo tương đối giữa những người sống gần bên nhau. Tuy rằng khác biệt giầu nghèo gia tăng nói chung trong xã hội được người ta chú ý tới nhiều, nhưng chính cái khác biệt giầu nghèo tương đối giữa những người sống cạnh nhau mới là nguồn tạo ra thiếu hạnh phúc chính. Như Ormerod viết: “Khác biệt về thu nhập tương đối tạo ra những cái nhìn ghen tỵ qua hàng rào vườn của hai nhà, trong khi bất công kinh tế nói chung đòi hỏi người ta phải có một khái niệm trừu tượng về những kẻ giầu có ở xa.” Nhưng nếu Ormerod nói đúng thì chính phủ đâu có thể làm được gì ngoài việc khuyên người ta rằng đừng nên ganh ghét, xấu lắm. Còn về vấn đề muôn thuở là liệu tiền bạc có làm cho con người hạnh phúc hơn không thì ta không thể nào qua mặt được câu kết luận của hai Giáo Sư Blanchflower và Oswald “Tiền bạc mua được hạnh phúc. Người ta ai cũng muốn có tiền.” Và cũng như là một cô thiếu nữ người Hoa trên chương trình dating của truyền hình Trung Quốc: “Tôi thích khóc trên chiếc xe BMW hơn là cười trên chiếc xe đạp.”
|