Sầu riêng |
Tác Giả: Nguyễn Tầm Thường, sj. | |||
Chúa Nhật, 14 Tháng 11 Năm 2010 13:43 | |||
Khi đau buồn một mình, người ta gọi đó là sầu riêng. Sầu riêng là cô lẻ của một bóng hình. Nó ảm đạm và vàng úa Tôi là trái sầu riêng. Người ta gọi tôi như thế. Tôi xin kể đôi lời về tâm sự của trái sầu riêng. Tôi hiểu rất thấm thía thế nào là sầu riêng vì tên gọi của tôi là vậy. Tôi sinh ra là một trái xanh giữa cuộc đời. Nơi tôi không có nỗi sầu. Rồi một ngày có một bờ môi đặt lên da thịt tôi. Bờ môi nhè nhẹ tìm đường, lần mò mút trên da thịt tôi. Một cảm giác thơm tho dâng lên từ tâm hồn. Chất ngọt rịn ra thấm trên đôi môi ấy. Tôi là một nỗi vui riêng. Cũng ngày định mệnh đó, một bờ môi khác cúi xuống. Nhưng chuyện không ngờ xảy đến. Một bờ môi gằn gằn. Toàn thân tôi nhày nhụa. Ở bờ môi kia không rịn ra hương ngọt. Tôi là một nỗi nồng tanh. Bạn thân mến, Như thế đó. Hai bờ môi, hai cảm xúc khác nhau. Tôi ngỡ ngàng vì tôi vẫn là tôi. Tôi chỉ là một loài trái xanh giữa rừng xanh cuộc đời. Tự nơi tôi không là nỗi vui riêng, chẳng là nỗi sầu chung. Tất cả là do bờ môi con người. Tình yêu cũng vậy, tự tình yêu, nó không là nỗi sầu, không là niềm vui. Nó tuỳ thuộc ở trái tim nuôi nấng nó. Hạnh phúc với người này có thể là đau khổ với người kia. Ngọt ngào với bờ môi này có thể là cay đắng với bờ nuôi nọ. Cũng như đau khổ, có thể là “hoa trái đau thương lừng hương” với tâm hồn này, là bất hạnh với cõi lòng kia. Có phải chăng tất cả hệ tại ở mỗi tấm lòng không? Có những chiều tôi nghe lời ca văng vẳng từ giáo đường: Dẫu rằng đời con lầm than sức hèn con ngã nhiều phen, nhưng con luôn trông đến ngày tàn phai mùa đông, ánh vàng sự rỗi reo mừng. Lời ca lúc chiều về, tiếng hát nhẹ nhàng gởi vào cõi đời, tôi thấy êm đềm làm sao. Cho dù đời con lầm than, con vẫn cậy trông có một ngày mùa đông sẽ tàn phai. Cho dù sức hèn lắm có ngã nhiều phen, nhưng tâm hồn lời ca này vẫn nhìn thấy một ngày kia, sự cứu rỗi đẹp như những ánh vàng nhảy múa rực rỡ. Cũng là cuộc đời mà sao có người nhìn đời đẹp như thế. Rồi cũng trong lời ca ấy. Có những lúc như rưng rưng, gởi một tấm lòng rất thiết tha: “Hoa trái đau thương lừng hương”. Trong đau thương mà tâm hồn lời thơ lại nếm thấy hương ngọt thơm lừng. Tâm hồn lời ca rủ đời đi tìm “ngọt trong sầu than”, đi tìm “mạnh mẽ trong nguy nan”. Ở đời làm sao tránh hết đau thương. Nó là mảnh vườn nhân thế mà. Bước vào vườn là vướng vai góc khổ lụy. Ở đời làm sao tránh hết nguy nan. Sinh ra là chào cuộc đời bằng tiếng khóc mà. Nhưng lạ quá, lời ca cứ nhẹ ru đời, rủ đời đi tìm sức mạnh trong nguy nan. Tôi nghe lời ca mà thấy cuộc đời có nhiều kỳ diệu. Và tâm tư tôi, thoang thoảng một tấm lòng của lời người nhạc sĩ ấy. Tôi vẫn lấp lại đôi lúc chiều buông: Ban ơn cho con biết tìm ngọt trong sầu than, biết tìm mạnh trong nguy nan, biết có xuân trên đông tàn. (Hùng Lân: Mẹ Là Mùa Xuân Ánh Sáng). Trở lại câu chuyện của trái sầu riêng. Lúc tôi gặp hai bờ môi, hai cõi lòng khác nhau tôi vừa kể trên. Tôi chỉ là một trái xanh trong vườn xanh cuộc đời. Nhưng tâm trạng con người khác nhau nên tôi là hương thơm cho người này mà không là hương thơm cho người kia. Lạ quá nhỉ. Trong hôn nhân, nỗi sầu riêng là nỗi sầu dư thừa. Đời tôi không mang một chút gì sầu riêng. Tôi chỉ là một trái xanh trong vườn xanh cuộc đời. Tôi bị gọi tên là sầu riêng nên tôi biết rõ cái tên gọi dư thừa này thế nào thì sầu riêng trong hôn nhân cũng dư thừa như thế. Nếu đã là hôn nhân sao lại có sầu riêng? Họ đi chung một con đường, chèo chung một con đò sao lại có nỗi sầu riêng? Sầu riêng là tâm trạng của tâm hồn không có ai tâm sự. Sau đó, Đức Giêsu và các môn đệ đến một thửa đất gọi là Giếtsêmani. Người nói với các ông: “Anh em ngồi lại đây, trong khi Thầy cầu nguyện”. Rồi Người đem các ông, Phêrô, Giacôbê và Gioan đi theo. Người bắt đầu cảm thấy hãi hùng xao xuyến. Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức”. Người đi xa hơn một chút, sấp mình xuống đât mà cầu xin cho mình khỏi phải qua giờ ấy, nếu có thể được. Người nói: “Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn”. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: “Simon, anh ngủ à? Anh không thức nổi một giờ sao?” Người lại đi cầu nguyện, kêu xin như lần trước. Rồi Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ (Jn. 14:32-40). Đó là nỗi sầu riêng. Gần mà xa quá đỗi. Cõi lòng vắng lạnh trong phút cuối mùa hương khói. Như cây nhang gắng gượng vào phút cuối đời, lãng đãng làn khói tàn hơi. Nó là vắng vẻ của buổi chiều lá rụng. Khi bên nhau mà không có nhau thì nỗi sầu trở thành của riêng nhau. Như tiếng mõ tụng kinh da diết trong sân chùa của chuyện tình Lan và Điệp. Nỗi vắng của Đức Kitô là: “Si-mon, anh ngủ à? Anh không nổi với Thầy một giờ sao”. Phêrô có thức được một giờ hay cả đêm thì cũng không cứu được Đức Kitô. Ngài phải chết. Vậy Đức Kitô kêu tiếng gọi ấy làm gì? Không ai có năng lực hoá giải được khổ đau. Tôi không cứu được con tôi khỏi tù. Cũng như bà mẹ sinh con. Không ai sinh dùm bà được. Bà phải đi một mình. Nhưng khi biết được có kẻ muốn đi với mình thì khác lắm. Nó là năng lực mầu nhiệm vì ơn thánh không phải là để cất nhắc hết nghịch cảnh, nhưng biến đổi tâm hồn kẻ mang nghịch cảnh thế nào thì đau khổ cũng thế. Cùng nhau đau khổ không có năng lực cất hết những khó khăn của đời nhau, nhưng có năng lực làm cho nhau bớt khổ đau. Đau khổ thành sầu riêng khi không ai muốn đau khổ với mình. Khi đau khổ mà phải sầu riêng thì nó hắt hủi. Không ai sinh con dùm bà mẹ được. Nhưng nếu có lời: - Anh đi cùng em. Em luôn có anh bên đường. Trong giờ sinh con ấy, nàng có đau nhưng không có khổ. Cái khổ làm người ta đau chứ chưa hẳn cái đau làm người ta khổ. Đức Kitô không sợ đau, nhưng Đức Kitô biết “tâm hồn Thầy buồn đến chết được”. Nỗi buồn đó của Đức Kitô, nó là sầu riêng. Vì, Người trở lại, thấy các môn đệ vẫn ngủ. Đau của Đức Kitô ở đây là không ai biết mình đau. Nó là bơ vơ. Trong tình yêu mà đau một mình thì không còn là tình yêu. Người ta chỉ có thể vì tình yêu mà đau một mình chứ không thể trong tình yêu mà lại phải một mình đau. Bài thơ đầu anh viết tặng em Là bài thơ anh viết về đôi dép Vật tầm thường cũng trở nên rất đẹp Khi lòng ta da diết một nỗi nhớ Hai chiếc dép kia gặp gỡ tự bao giờ Mà yêu quá chẳng rời nhau nửa bước Cùng gánh vác những nẻo đường xuôi ngược Lên thảm nhưng xuống cát bụi cùng nhau Cùng bước cùng mòn không kẻ thấp người cao Cùng chia sẻ sức người chà đạp Dẫu vinh nhục không đi cùng người khác Số phận chiếc này phụ thuộc ở chiếc kia Nếu ngày nào một chiếc dép mất đi Mọi thay thế sẽ trở thành khập khiễng Giống nhau lắm nhưng người đi sẽ biết Hai chiếc này chẳng phải một đôi đâu Cũng như mình trong những phút vắng nhau Bước hụt hẫng cứ nghiêng về một phía Dẫu bên cạnh đã có người thay thế Mà trong lòng nỗi nhớ cứ chênh vênh Đôi dép vô tư khắng khít bước song hành Chẳng thề nguyền mà không hề giả dối Chẳng hứa hẹn mà không hề phản bội Lối đi nào cũng có mặt có đôi Không thiếu nhau trên những bước đường đời Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải, trái Anh yêu em bởi những điều ngược lại Gắn bó đời nhau bởi một bước đi chung Hai mảnh đời thầm lặng bước song song Sẽ dừng lại khi chỉ còn một chiếc Chỉ còn một là không còn gì hết (Không rõ tác giả) Tiếng thở dài của hôn nhân là không ai khổ chung với mình. Khổ của hôn nhân là phải sầu riêng, khi đáng lẽ mục đích của hôn nhân là có ai phải sầu riêng thì ta nhận đó là nỗi sầu chung. Lạ lùng của tình yêu là khi sầu chung thì người ta thấy “hoa trái đau thương lừng hương”. Và rồi lời ca rủ đời đi tìm “ngọt trong sầu than”, đi tìm “mạnh mẽ trong nguy nan”. Và rồi họ thấy “có xuân trên đông tàn”. Lạy Mẹ Maria, có những chiều con nghe lời ca văng vẳng từ giáo đường: “Dẫu rằng đời con lầm than sức hèn con ngã nhiều phen, nhưng con luôn trông đến ngày tàn phai mùa đông, ánh vàng sự rỗi reo mừng”. Mẹ là Mùa Xuân Ánh Sáng. Mẹ đã tìm thấy ngọt trong sầu than trên đường Ai Cập vì thánh Giuse chung khổ với Mẹ. Thánh Giuse đã gặp mạnh mẽ trong nguy nan vì Mẹ thương thánh Cả trong những ngày không tìm được chỗ trọ cho Mẹ sinh con. Thánh Giuse không mang mặc cảm bị Mẹ Maria trách là không đủ khả năng tìm cho Mẹ một chỗ hạ sinh. Hôm nay, nhiều nỗi sầu riêng vì trong gia đình có khi vợ coi thường chồng vì mình kiếm nhiều tiền hơn chồng. Trong mọi hoàn cảnh Mẹ thương thánh Giuse. Nơi Mẹ Maria và thánh Cả Giuse không có sầu riêng. Đau khổ và thiếu thốn thì có. Trong bóng đêm đường sang Ai Cập, cả hai cùng dìu nhau đi. Cô cực trong ngày tìm chỗ trú, cả hai chẳng ai trách ai. Và ngay từ đầu chưa về chung sống, thánh Giuse đã kính trọng mẹ như thế nào. Con hiểu khi nỗi sầu riêng mà là của riêng thì tình yêu thành đau đớn. Không thiếu nhau trên những bước đường đời. Dẫu mỗi chiếc ở một bên phải, trái. Anh yêu em bởi những điều ngược lại. Phép lạ của tình yêu là như đôi dép, khác lắm, một bên là phải, một bên là trái, chỉ một điều giống nhau là bởi một bước đi chung. Phép lạ của tình yêu là khi nỗi sầu riêng gặp nhau, không làm cho nỗi sầu đó thành đau đớn hơn, mà đau đớn chung ấy lại đưa họ đến tình yêu. Anh yêu em bởi những điều ngược lại. Gắn bó đời nhau bởi một bước đi chung. Vâng, Lạy Chúa, bởi một bước đi chung.
|