Thời trang kinh tế mùa Thu |
Tác Giả: Quỳnh Giao | |||
Thứ Năm, 23 Tháng 9 Năm 2010 13:35 | |||
Hàng năm, cứ đến trung tuần Tháng Chín là những ai ưa chưng diện lại thấy nôn nao. Vì đấy là lúc các nhà sản xuất y phục tung ra kiểu mẫu thời trang cho mùa Xuân năm tới. Hình minh họa/ sưu tầm trên Internet Trong thế giới thời trang, mùa Thu đâm ra là mùa muôn hồng nghìn tía. Suốt một tuần nhìn hoa nở trên sàn trình diễn, người sành điệu thì đã có thể biết được năm tới màu gì, kiểu gì, thì mới là đúng mốt, có “gu” và hợp thời.... Nhưng, nhiều người biết rồi thì... cũng để đó. Vì tình hình kinh tế xám ngắt hiện nay không cho chúng ta mơ mộng nhiều. Ngày xưa, ở nhà, mấy ông nhà báo tai quái đã phán xuống một câu là “kinh tế mùa Thu” mà không ngờ rằng có ngày lại ứng vào chính mình, dù là mình có ở bên Tây bên Mỹ, bên Úc bên Anh. Khi sinh hoạt kinh tế héo úa như vậy, khi mà vào mấy khu chợ búa trong giờ cao điểm lại đậu xe cứ ngon ơ vì bãi đậu trống trơn, thì còn mấy ai để ý đến thời trang? Ấy vậy mà không phải. Như nhiều phụ nữ khác, người viết cũng thích quần áo đẹp. Nhưng thích một cách vừa phải, thích mà không ham. Chỉ vì đức Thánh Trần ở trên kia nhìn xuống và lắc đầu. Tiền đâu mà ham? Nhưng, gặp mùa thiên hạ giới thiệu thời trang thì cũng tò mò thích thú tìm hiểu... Ði xem chợ hoa ngày Tết, có ai đòi mua hết cả chợ đâu, nhưng ngắm thì vẫn thích. Nhờ vậy mới biết rằng mình là... người phàm. Dân bán hàng thời trang, nào áo nào váy, nào giày nào dép, nào mũ nào khăn, nào ví nào giầy, nhiều lắm, mới thật là người siêu phàm. Từ một cõi nào đó họ nhìn ra và biết tất cả. Họ biết rằng trong hoàn cảnh “kinh tế mùa Thu” này, có những người không thèm ngó đến tiền. Ðấy là thành phần đại gia cự phú hay minh tinh màn bạc cứ đến mùa là mua sắm. Mà không mua chỉ một bộ năm bảy ngàn bạc hay cái ví da ba ngàn. Chỉ liếc qua rồi gật và phất xuống quầy tấm thiệp. Ba địa chỉ khác nhau, xin gửi về mỗi nơi một bộ, một cái! Loại tài tử Hollywood hay phu nhân cự phú này không như chúng ta là cứ phải lích kích lôi theo hành lý mỗi khi di chuyển, nặng nhọc lắm. Một năm bốn mùa họ có ba bốn nơi sống và nơi nào cũng có sẵn áo quần giầy dép thích hợp cho từng nhu cầu, sáng, trưa, chiều, tối. Với họ, kinh tế là nỗi lo của người khác, có khi là của ông chồng. Vì vậy, giá cả không là vấn đề. Trong thành phần này, có rất đông mệnh phụ Á Châu, Nhật Bản, Ðại Hàn, Ðài Loan. Ðôi khi có cả người Việt, nhưng phải là tiêu chuẩn trung ương đảng cơ. Họ không thuộc diện phải đội vali Louis Vuitton lên đầu và xắn váy quai cồng mà bước qua sông Hồng! Người bán hàng thời trang cao điệu có thể yên tâm về loại khách siêu hạng ấy. Trung bình thì họ sắm gấp bốn những người bình thường khác. Song le mấy ai lại có số đẻ bọc điều như vậy? Trông cậy vào thành phần thiểu số ấy thì có ngày đóng cửa vì tính ra thì trăm người mới có được vài người thuộc loại đại gia như thế. Các cửa hàng đều có nghiên cứu và huấn luyện nhân viên về chuyện này để biết rõ khách hàng, thân chủ, và những ai mới là người đem lại cơm áo cho mình. Họ chú ý đến thành phần ở thấp hơn một chút. Những người họ gọi là “đang muốn lên thang.” Ðây là loại khách hàng trung lưu, đông đảo hơn thành phần thượng lưu đắc thời ở trên đầu thang. Giới trung lưu này biết thưởng thức cái đẹp, mà không quên chiều dày của tập chi phiếu. Họ thích mua sắm, nhưng trong phạm vi vừa phải, vì chỉ mua khi thấy đích đáng. Vào thời buổi kinh tế phát đạt ngày xưa, họ biết xòe tiền rất đẹp mà mua rất mạnh tay nên làm giàu không ít cho những nhà Prada, Hermès. Họ ra vào Saks Fifth hay Neiman Marcus như đi chợ. Bây giờ thì họ dửng dưng. Khi kinh tế vào Thu thì họ giữ thế thư thả, cứ như người cưỡi ngựa xem hoa mà thôi. Các nhà phân phối loại hàng thời trang mà chúng ta gọi là phù du xa xỉ rất chú ý đến loại trung lưu ấy. Họ nghiên cứu kỹ thói quen của loại thân chủ vãng lai ít còn thấy lai vãng. Sau đây là một số kết luận của họ: Thành phần trung lưu này tiêu xài kỹ hơn. Khi vào các cửa hàng xa xỉ, giới trung lưu vẫn biết thưởng thức cái đẹp và vì đẹp nên đắt. Nhưng đắn đo rồi, khách chọn loại vừa đẹp, vừa bền và rất nền để sang năm vẫn không bị lỗi thời. Kinh tế khiến cho mỹ quan, quan điểm về thẩm mỹ, của khách hàng trở thành cổ điển hơn. Mà giá cả phải đi đôi cùng phẩm chất. Từ loại vải lót ở trong tới mấy lớp lụa là gấm vóc hay hạt trai kim tuyến bên ngoài, tất cả đều phải thực hiện rất kỹ. Và dù là ví Chloé hay giầy Cole Haan, khi nhìn thấy “Made In China” là khách buông xuống, nghĩ lại và soi lên tường tận trước khi... lại cân nhắc. Không phải là vào quầy bán thịt mà mình cũng lại nghĩ đến chữ “của rẻ là của ôi”! Ðứng ở tuyến đầu, như người trình diễn trên sân khấu và bắt mạch được khán giả trước mặt, giới bán hàng bật tín hiệu cho hậu phương, ở hậu trường, về “địch tình,” tình hình của đối phương, của thị trường. Những tin tức ấy liền được nhà sản xuất suy ngẫm rồi đưa qua các nghệ sĩ sáng tác, là người vẽ kiểu. Nhà thiết kế thời trang là những nghệ sĩ sáng tạo, nhưng phải sáng tạo ra tiền thì mới là sáng. “Kinh tế mùa Thu” vì vậy đã len vào phòng vẽ, lan qua hệ thống sản xuất vải vóc nguyên liệu và đưa tới một số thay đổi của thời trang năm tới. Dù có diêm dúa lòe xòe, kiểu áo năm tới phải làm bằng loại hàng bền, cắt may tỉ mỉ công phu. Màu sắc có thể sẽ nền hơn, với phong cách gọi là “basic,” “mặc được.” Mục đích là để mặc nhiều lần vẫn là hợp cách chứ không quá đẹp mà thành dị. Và qua mùa sau vẫn phải thấy đẹp. Cái thời mua áo quá hào nhoáng để chỉ mặc cho một lần đám cưới rồi thôi, thời ấy hết rồi! Hai phần ba sản phẩm thời trang của năm tới sẽ phản ảnh nghệ thuật “người khôn của khó.” Ba phần tư các khách hàng được thăm dò cho biết là họ sẽ mua hàng thời trang, nhưng phải là loại qua được một mùa mà không hết “mốt.” Chúng ta sẽ thấy chứng nghiệm một chuyện lạ là “thời trang vượt thời gian.” Hình như là “kinh tế mùa Thu” có giúp cho chúng ta biết điệu - nhưng cũng biết điều hơn.
|