Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Chữ “Danh” thời quá độ

Chữ “Danh” thời quá độ PDF Print E-mail
Tác Giả: Sea Free   
Thứ Năm, 02 Tháng 9 Năm 2010 04:31

Kể từ lúc loài người từ bỏ lối sống bầy đàn trong các hang động thời công xã nguyên thủy,

 sự tiến hóa của bộ não làm phát sinh một khái niệm song hành cùng mỗi cá nhân giữa cộng đồng xã hội, đó là chữ danh. Thời cổ đại, người ta đã biết dùng vòng nguyệt quế để vinh danh người chiến thắng trong các trận chiến hoặc trên vận động trường. Vòng nguyệt quế không phải đồ trang sức quý hiếm hay vật liệu đắt tiền, mà chỉ mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tôn vinh.

Trong văn hóa Việt, chữ danh đi vào ca dao thành ngữ như một lẽ thường tình:

Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng
Một miếng giữa làng hơn một sàng xó bếp
Tốt danh hơn lành áo
...
Chữ danh gắn liền với thành công của cả một đời người, chẳng thế mà người ta hay dùng công danh ‒ sự nghiệp liền nhau như một từ kép. Sự coi trọng chữ danh giúp con người ta hướng đến những giá trị tốt đẹp trong đời sống. Thậm chí, trong một số cộng đồng, chữ danh có thể quyết định cả tánh mạng con người. Chẳng hạn, trường phái Harakiri (hay Seppuku ‒ 腹切り) của người Nhật: Mổ bụng tự sát khi danh dự bị chà đạp!

Lịch sử Việt Nam cũng ghi lại nhiều điển tích kiêu hùng tương tự. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, Hai Bà Trưng trầm mình xuống sông Hát để tránh rơi vào tay quan quân nhà Hán. Lúc tướng Mông Nguyên chiêu hàng, Trần Bình Trọng khẳng khái, “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc.” Tổng đốc Hoàng Diệu tự vẫn khi thành Hà nội thất thủ dưới sức công phá mãnh liệt của cả một nền văn minh Tây phương...

Cuộc sống hiện đại đề cao sự sống của con người, nên các hành động tuẫn tiết để bảo vệ danh dự trở thành khan hiếm. Tuy nhiên, không vì thế mà người ta coi nhẹ danh dự cá nhân. Văn hóa từ chức, tạ lỗi thích hợp hơn trong giai đoạn hiện nay.

Ngoại trừ ở một vài đất nước, sự tôn sùng vật chất quá độ không chỉ làm hoen ố chữ danh trong đời sống, mà nó gần như thủ tiêu khái niệm liêm sỹ của con người.

Người có công lớn, mở đầu cho cuộc cách mạng đạp danh dự xuống bùn đen này, có lẽ, đó là nhân vật đình đám nhất trong xã hội Việt Nam suốt nửa cuối thế kỷ XX. Con người vẫn được tôn sùng là “tấm gương đạo đức” cho các em học sinh lẫn công nhân viên chức thời nay học tập, lại là một người dùng bút danh khác để viết sách tự ca ngợi mình!

 
                                     Nhân tình, vợ của Hồ Chí Minh 

Chưa hết, họ còn nguệch ngoạc quẹt vào văn hóa Việt Nam hai từ “đấu tố”. Đất nước Ngàn Năm Văn Hiến cúi gằm mặt khi chứng kiến cảnh con tố cha, vợ tố chồng, anh em tố nhau trước bàn thờ Đỏ. Có lẽ chưa bằng lòng khi vết nhơ chỉ mới lem luốc nửa miền đất nước, họ xé bỏ hiệp định vừa đặt tay ký chưa ráo mực, nhân danh “giải phóng” để hòa tan vết ố trên toàn cõi Việt Nam.

Suốt bốn nghìn năm lịch sử, dân tộc Việt lần đầu tiên từng đoàn lũ lượt rời bỏ quê cha đất tổ, liều mình băng rừng vượt biển xin tỵ nạn nơi xứ lạ quê người. Mẹ Việt Nam xé lòng nhìn những đứa con tản mác bốn phương trời; lại càng tủi hổ hơn khi những đứa ở lại cam lòng “sống chung với lũ”, tạm gác chữ danh lại để tồn tại qua ngày.

Chữ danh bây giờ ở đây quá rẻ mạt, người ta đâu cần phải bỏ ra ba vạn mới có. Xin đừng máy móc hiểu “ba vạn” theo nghĩa đen nhé! Kẻo có người lại phản đối:

- Bây giờ muốn mua cái bằng Tờ-thờ-sờ, mua một chức danh tốn cả trăm triệu chứ ba vạn mà được à?
- Xin thưa rằng, “ba vạn” là để chỉ sự nhọc nhằn bền bỉ của cả một quá trình kết hợp vói thiên chất sẵn có.

“Ba vạn” của Albert Einstein ‒ đó là Lý thuyết tương đối;
“Ba vạn” của Mark Twain/Ernest Hemingway ‒ đó là những trang tiểu thuyết làm say mê hàng triệu con tim;
“Ba vạn” của GS Hoàng Tụy ‒ đó là Lý thuyết tối ưu toàn cục;
“Ba vạn” của Khoa học gia Dương Nguyệt Ánh ‒ đó là Công thức chế tạo bom áp nhiệt;
“Ba vạn” của GS Ngô Bảo Châu ‒ đó là Bổ đề cơ bản;
“Ba vạn” của Nghệ sỹ Bạch Tuyết ‒ đó là Lá thắm chỉ hồng, Đoạn tuyệt, Đời cô Lựu, Tuyệt tình ca, Tần Nương Thất...;
“Ba vạn” của Lý Tiểu Long/Thành Long ‒ đó là những vai diễn võ thuật điêu luyện và hài hước;
“Ba vạn” của cầu thủ Maradona ‒ đó là những màn đi banh lắt léo và những bàn thắng đẳng cấp siêu hạng;
“Ba vạn” của tay vợt Roger Federer ‒ đó là 16 danh hiệu Grand Slam và 5 lần vô địch Wimbledon;
...
Chữ danh chỉ là hão tưởng khi nó không được bảo chứng bằng “ba vạn” vàng ròng như vài điển hình nêu trên.

Chuyện nực cười thời XHCN là người ta ưa cái danh “ba vạn” của mình được xướng lên theo nguyên tắc “càng dài càng có giá”, kiểu như thế nầy:

- Xin long trọng giới thiệu đồng chí Giáo sư-Tiến sĩ XXX, nguyên Ủy viên TW, nguyên Trưởng Ban M, Phó Ban N, nguyên Chủ tịch Hội Y, Phó chủ tịch Hội Z, Huân chương KC hạng K, Huân chương LĐ hạng L, Huy chương HCM...

Trên lãnh vực sân khấu điện ảnh, thi thoảng lại xuất hiện cụm từ Ngờ‒sứt (NSƯT ‒ Nghệ sĩ ưu tú) hoặc Ngờ‒sờ‒dê (NSND ‒ Nghệ sĩ nhân dân) đứng trước một cái tên mà công chúng trong mọi tầng giới cố vắt óc cũng không thể nhớ nổi một vai diễn hay một tác phẩm của họ!

Ở xứ này, chữ danh thời nay đã rẻ mạt mà người ta lại háo danh quá sức.

Thời quá độ này không có khái niệm từ chức hay cách chức, mà chỉ có “đình chỉ chức vụ” để luân chuyển công tác. Tức là cái xấu ở đây tự nhiên sinh sôi, nhưng không hề mất đi mà nó chỉ luân chuyển từ chỗ này sang chỗ khác!
Chưa có thời nào mà bằng giả, đạo văn lại trở nên đại trà đến mức phổ cập như thời này. Người ta tấm tắc tôn sùng tấm bằng Tiến sĩ, mà không cần biết người sở hữu nó có được công trình nghiên cứu gì, học thuật ra sao. Người ta cúi đầu trước địa vị quyền cao chức lớn, bất chấp phải đi qua con đường nhơ nhớp đen tối thế nào. Người ta ra sức gây lạm phát chữ danh để rồi bon chen sơn phết lên mặt mình mà tự sướng với nhau.

Chưa có thời nào người ta rầm rộ tổ chức thi đua khen thưởng lẫn nhau bằng đủ mọi hình thức, trên mọi lãnh vực, với mọi phương tiện như cái thời quá độ này. Từ nhà ra ngõ thì có “Gia đình văn hóa” rồi “Khu phố văn hóa”, đến cơ quan làm việc lại có “Anh hùng lao động” rồi “Chiến sĩ thi đua”, còn chưa kể đến những cuộc thi đua được phát động theo phong trào vào mỗi dịp kỷ niệm 15 năm này, 25 năm nọ... Còn chưa tính đến những cuộc thi đua “2/3/4 không với cái nọ cái kia” do một vị lãnh đạo ngành nào đó bốc đồng phát động. Dường như thế còn chưa đủ, chờ chực có một dịp bá vơ nào đó là người ta lại rình rang lệ bộ tổ chức “Lễ đón nhận cái nọ”, rồi “Lễ trao tặng cái kia”, “Lễ công bố cái kìa”, “Lễ chào mừng sự kiện ấy”...

 
                          Đạo đức Hồ Chí Minh Nguồn: TDT

Và tai ương chướng mắt nhất vẫn là cuộc thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức HCM”. Tinh hoa của nền văn hiến mấy ngàn năm không đáng để học hỏi so với một cá nhân ư?

Danh dự của một dân tộc đang từng ngày bị gặm nhấm suốt nửa thế kỷ nay. Danh dự không còn, tiền đồ đất nước rồi sẽ ra sao?