Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Luận ngữ Tân thư : Chuyện đời cong, thẳng và trong, đục…

Luận ngữ Tân thư : Chuyện đời cong, thẳng và trong, đục… PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Lưu Vũ   
Thứ Năm, 29 Tháng 7 Năm 2010 10:09

Tóm lại, việc đời thường tuân theo quy luật quân tử khởi xướng, tiểu nhân a dua, quân tử thiệt thân, tiểu nhân thủ lợi. Cho nên cái triết lý "đầu voi đuôi chuột” dẫu chẳng ra gì, vẫn luôn tỏ ra đúng với mọi thời đại.

Chuyện đời cong, thẳng và trong, đục… , Vô tích sự , 

 
Trong kiệt tác kiếm hiệp kiêm chính trị cổ điển Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung tiên sinh từng ca ngợi cây dâu cổ thụ mọc trong sân nhà anh thợ đóng dép Lưu Bị là linh mộc, là hiện thân của phong thuỷ, đến nỗi bịa ra một ông thầy, đi qua nhìn thấy cái cây ấy bèn phán: "Cây dâu này mọc thẳng tắp, tán xoè như cái ô. Nhà ở dưới gốc cây này ắt sinh quý nhân." Quý nhân ấy chẳng phải Lưu Huyền Đức thì còn ai vào đây nữa. Cây dâu đó là cái ô Trời, là bản mệnh sự nghiệp của Lưu Bị sau này. Quả là về sau, Lưu Bị nhờ có cái bản mệnh ấy mà gặp được khối người ngay thẳng. Trong số đó, người quan trọng số 1 phải kể đến là vị quân sư Gia Cát Lượng (Khổng Minh). Thế nhưng La Quán Trung tiên sinh đã "lờ" đi không chép việc cái “ô” vĩ đại ấy rồi cũng đến lúc đổ kềnh. Số là một hôm, trời nổi bão giông. Cây dâu cổ thụ bỗng nghiêng ngả, quay cuồng rồi đổ sập xuống, đè nát đúng bàn thờ nhà Lưu Bị. Lúc ấy Lưu Bị đã lên ngôi hoàng đế bên đất Thục. Giá như ông thầy kia lại nhìn thấy, chắc thể nào cũng bảo vị quý nhân nhà này có nhẽ sắp đến lúc… toi. Quả nhiên một thời gian ngắn sau đó, Thục chủ Lưu Bị gặp hạn ở thành Bạch Đế rồi “toi” luôn tại đó. Trước khi chết, ngài không ngại nước Ngụy của Tào Tháo, cũng chẳng thèm ngại nước Ngô của Tôn Quyền. Ngài chỉ ngại mỗi… quân sư Khổng Minh mà thôi. Vì thế ngài đã phải triệu Khổng Minh đến tận giường bệnh mà chơi bài ngửa, tiếng là gửi gắm con côi, song lại "thòng" một câu rùng rợn rằng nếu nó bất tài, thì hay là ông thay nó, làm chủ quách nước Thục đi! Lưu Bị nói thế là có ý muốn "đe” Khổng Minh, rằng ta biết tỏng ông là người như thế nào rồi. Trước khi gặp ta, ông có tiếng là một người ngay thẳng. Ông bắt ta phải ba lần hạ cố mới chịu ra, giả vờ không thèm màng đến danh vọng. Có thật ông không thèm màng danh vọng? Sao ở lều tranh mà ông theo dõi việc thiên hạ kĩ thế? Lại còn lặn lội đi gài sẵn "thạch trận" ở những đâu đâu. Giờ ta mới biết ông rất có tài ảo thuật, dễ dàng mê hoặc được lòng ngưỡng mộ của thiên hạ không chỉ trong một vài đời. Ông mẹo vặt có thừa, song bụng dạ lại hẹp hòi. Trong thiên hạ, bất cứ ai tài hơn, ông cũng tìm cách chiêu nạp về rồi nghĩ kế trừ đi. Đã mượn tay Trương Nhiệm giết ngóm một Bàng Thống ngây thơ cả tin, kẻ "học giỏi gấp mười ông" (ý này do chính ông từng nói ra), lại còn định chém Ngụy Diên ngay trước mắt ta. Ham hố danh tiếng như ông thì sau khi ta chết đi rồi, dẫu có làm chuyện thoán nghịch cũng chẳng có gì lạ… Khổng Minh lúc đó sợ toát mồ hôi, vội vàng sụp xuống dập đầu thề lấy thề để (thề cá trê chui ống). Màn chơi bài ngửa này tuy chỉ có Lưu Bị và Khổng Minh biết, song khó mà che được cặp mắt thế gian. La Quán Trung về sau nhân đó cũng “lờ” đi cho văn vẻ sạch sẽ, sử sách trơn tru. Ấy là cái truyền thống chép sử xưa nay nó thế. Sử sách vốn chỉ ưa chép những chỗ thơm mà giấu nhẹm đi chỗ thối. Và La Quán Trung đã tỏ ra là một người chép sử khéo, song lại là một tay kể chuyện tồi, bởi ông vẫn để lộ những chỗ thối của lịch sử ra. Lưu Huyền Đức quả có con mắt tinh đời. Về sau, chỉ vì ghen tài mà Khổng Minh đã quyết không thực hiện diệu kế của Ngụy Diên, lại còn dùng lời lẽ ngụy biện để chê bai, dè bỉu. Rốt cuộc cả 6 lần đem binh ra Kì sơn đều công cốc, đến nỗi thân phải bỏ ở gò Ngũ Trượng. Thế mà trước khi chết vẫn còn nghĩ kế để giết Ngụy Diên cho bằng được. Vị quân sư ngay thẳng ấy thù dai hay sợ Ngụy Diên sau này được đắc dụng thì sẽ thành công hơn mình? Vì thân mà hy sinh béng cả cơ nghiệp của chúa như thế, chẳng trách nước Thục do Lưu Bị tốn công gây dựng chẳng bao lâu cũng mất toi về tay cha con Tư Mã Ý, không để lại được chút hơi hám gì. Vậy thì cái điềm cây dâu cổ thụ kia bị đổ, làm nát cả bàn thờ nhà Lưu Bị quả là nghiệm lắm. "Mệnh" trời quả không thể xem thường. Tuy thế, song những màn "ảo thuật," những "mẹo" vặt của Khổng Minh vẫn được người đời thích thú, tôn sùng, đã lưu truyền được danh tiếng lẫy lừng của ông cho đến tận bây giờ. Danh tiếng ấy bao đời nay át cả Lưu Bị, đến mức bất cứ ai nghe thấy cũng phải trợn mắt thán phục. Thế thì có thể nói rằng Khổng Minh mới chính là người đã "vớ" được Lưu Bị, còn Lưu Bị, là người đã "vớ" phải Khổng Minh vậy.

Tóm lại, việc đời thường tuân theo quy luật quân tử khởi xướng, tiểu nhân a dua, quân tử thiệt thân, tiểu nhân thủ lợi. Cho nên cái triết lý "đầu voi đuôi chuột” dẫu chẳng ra gì, vẫn luôn tỏ ra đúng với mọi thời đại. Cái “ô Trời” ấy ở nhà Lưu Bị ban đầu dẫu có mang cái “lý” của một “con voi,” thì cuối cùng, "con voi" ấy vẫn phải có lúc đổ kềnh. Và một khi nó đã đổ, thì kết quả bao giờ cũng vô cùng thảm hại. Việc của Trời Đất còn như thế, huống hồ là việc của con người. Một cây cổ thụ còn như vậy, huống chi những loài cỏ lác. Vậy mà có kẻ vẫn còn muốn bền vững muôn năm? Có biết đâu rằng cái tử tế mãi chính là cái đáng nghi nhất trên đời. Cứ xem những sự khởi đầu và kết thúc của mọi cuộc đổi thay trên thế gian này thì biết. Sự thật rốt cuộc chẳng mang tí dáng dấp nào của những bản tuyên ngôn kinh điển viển vông. Tuy rằng cây dâu kia ở nhà Lưu Bị (có vẻ) chẳng liên quan gì đến Khổng Minh. Song việc mọc thẳng của nó hoá ra lại là một cái "triệu" bất tường. Thật chẳng biết rồi nó sẽ đổ về phía nào để mà đề phòng vậy. Giá như nó đừng đứng thẳng, mà cứ cong hẳn về một phía, để ông cha Lưu Bị cất nhà ở bên phía ngược lại, thì bàn thờ nhà ông đâu đến nỗi bị đập nát, và duyên trời biết đâu đã chẳng dun rủi cho ông gặp phải con người cũng có tiếng ngay thẳng là Khổng Minh? Tưởng gặp phúc mà thành ra vô phúc, tưởng kì duyên mà lại hoá vô duyên. Chắc chỉ có giời mới đùa nổi kiểu ấy. Trên đời, có ai lại ngu đến mức không tự nhận mình là người ngay thẳng, nhất là những hạng được coi là kẻ sĩ. Thế nhưng so với cái trò đùa ghê gớm ấy của cơ trời, thì sự dối trá kinh niên của con người xem ra chẳng thấm tháp vào đâu.

Ấy là chuyện cong, thẳng. Thế còn chuyện trong, đục… thì như thế nào?

Có một vị hoàng đế (mà người viết không nhớ rõ cụ thể là ai), vốn được các bầy tôi, lâu la xưng tụng là bậc thánh, đạo đức trong vắt như pha lê, không hề gợn chút dơ đục nào của cuộc đời. Một hôm cải trang vi hành (tất nhiên ngài sẽ đến lầu xanh. Bởi lầu xanh bao giờ cũng là đích cuối cùng của mọi cuộc vi hành trên thế gian này), ngài vớ được một cô gái đẹp lắm, mắt liếc như thu ba, thân hình ngon như đùi gà rán. Bèn tán tỉnh rồi đưa nhau vào phòng trọ. Lâu lắm rồi hoàng đế mới được một phen thoả chí mày mò trên thân xác của một ả thần dân như vậy. Đang lúc hứng đến cao trào, vị hoàng đế bỗng buột mồm ngôn ra một lời dạy mà các thần dân của ngài ai ai cũng thuộc lòng từ thuở lên ba. Ngay lập tức, cô gái kia phát hiện ra chân tướng của ngài và kiên quyết cự tuyệt. Ngài năn nỉ thế nào cũng vô ích. Đành tiếc nuối nuốt nước bọt, mặc quần áo vào rồi than thở, rằng giá ta đừng mang tiếng là một kẻ đạo đức trong suốt như pha lê thì có phải đỡ thiệt thòi. Đằng này… Té ra lũ bầy tôi kia sở dĩ xưng tụng ta như thế đâu phải vì chúng yêu ta, mà chính vì cái lợi ích của chúng…

Sách Phật kể rằng trong một kiếp, Đề Bà Đạt Đa và Phật cùng đầu thai làm con cá chép. Con cá chép là Đề Bà Đạt Đa chỉ thích bơi vào chỗ dòng nước trong vắt để phô bày cái hình dáng tuyệt đẹp của mình. Những giống xấu xí khác như cá mại, cá mè, cả lũ đòng đong cân cấn cứ rùng rùng bám theo, vừa bơi vừa luôn miệng trầm trồ. Trái lại, con cá chép là Phật thì chỉ luẩn quẩn trong những chỗ nước đục, chẳng con nào thèm để ý tới làm gì. Một bữa có con chim bói cá đậu trên cây nhòm xuống. Trong làn nước trong vắt, nó nom rõ con cá chép Đề Bà Đạt Đa, liền lao xuống đớp gọn rồi nuốt chửng vào bụng. Đề Bà Đạt Đa chui vào bụng con bói cá, chẳng bao lâu bị nó tiêu hoá, biến thành một cục phân. Con bói cá bay qua sông, ỉa cục phân đó xuống giữa đàn cá vẫn thường bơi theo Đề Bà Đạt Đa khi trước. Lập tức, từ cá mại, cá mè đến lũ đòng đong cân cấn đều tỏ ra hết sức ghê tởm. Con nào con nấy vội cố hết sức bơi vào chỗ nước đục để lẩn trốn. Sau đây là mẩu đối thoại giữa cục phân Đề Bà Đạt Đa và Phật:

"Ngài thấy tôi bây giờ so với trước thế nào?" - cục phân hỏi.

"Không khác gì cả" - Phật trả lời.

"Thế tại sao lũ mạt hạng kia giờ lại xa lánh tôi?" - cục phân hỏi tiếp.

"Bởi bây giờ chúng mới nhìn rõ ngài thực ra là cái gì" - Phật trả lời.

"Ôi! Giá như ta đừng chọn chỗ nước trong” - cục phân than thở.

Câu chuyện chỉ đơn giản thế. Vậy mà có một số học thuyết rất đứng đắn đã căn cứ vào đó để chứng minh một cách đầy thuyết phục, rằng Đề Bà Đạt Đa nếu không là thuỷ tổ của cả loài người nói chung, thì ít nhất cũng là thuỷ tổ của cái giống mũi tẹt da vàng.

Chuyện khác: trong một lần giảng giáo lý Đại thừa, một vị Tổ của thiền tông kể rằng kiếp trước ông từng là một con sáo. Một bữa đang bay lượn, chợt bắt gặp một quả bầu rất to. Bèn khoét một lỗ rồi chui vào. Bảy bảy bốn chín ngày nằm trong đó, chén hết già nửa ruột bầu thì bỗng ngộ ra ba nghìn thế giới. Mừng vì đắc đạo, vị thiền sư (con sáo) bèn chui ra khỏi quả bầu rồi bay mãi, bay mãi... Bầu trời trước mắt ông như khác hẳn, rộng bao la và thơm ngát mùi hương. Tất cả, từ một sợi lông cho đến những quả núi, cánh rừng… đều được thu vào cặp mắt chỉ bé bằng hai hạt tấm của ông. Mới hay sự đắc đạo là vô cùng thoả chí. Có lẽ ông sẽ bay mãi như thế, tự do tự tại, như lai như ý không gì câu thúc, không cần phải xác định phương hướng… nếu ông không vô tình bay qua một dòng suối. Dòng suối trong veo, nhìn thấu tận đáy. Nước suối ấy có thể rửa sạch mọi thứ. Có ai ngờ nó lại “rửa” luôn cả cái tâm Phật vừa mới được nhen nhúm trong ông. Soi mình xuống dưới, thiền sư bỗng thấy mình rõ ràng đang là một… con nhặng. Vậy mà vẫn không hề kinh ngạc (đã là thiền sư thì không bao giờ kinh ngạc). Có điều đôi cánh của con nhặng lúc đó dường như cứ bị hút về một phương nào đấy không thể cưỡng nổi. Lại bay mãi, bay mãi… Cuối cùng té ra ông lại trở về đúng cái quả bầu ấy. Bấy giờ nó đã thối nhủn từ bao giờ. Con nhặng là ông bị cái mùi thối ấy hấp dẫn, lập tức lao vào thò vòi ra hút lấy hút để… Thế là toi một kiếp tu hành. Toi từ lúc nào? Thiền sư hỏi rồi tự trả lời: không phải vì ông hút phải cái thứ ruột bầu thối tha ấy. Mà toi vào đúng cái lúc ông thấy mình là một con nhặng. Kể đến đây, thiền sư chép miệng: giá như dòng suối kia đừng có trong vắt như thế, mà nó đục ngầu, thì ông đã đắc đạo ngay từ kiếp đó rồi. Và câu chuyện ấy đã giải thích tại sao con người hiện đại ngày nay không thể trở thành thiền sư.

Cũng vẫn vị Tổ ấy, một hôm muốn truyền lại y bát, bèn hỏi đệ tử thứ nhất:

"Trước mắt con là hai cốc nước, một trong, một đục. Con chọn cốc nào?"

Đệ tử thứ nhất trả lời:

"Con chọn cốc nước trong."

Sư nhắm mắt không nói gì. Để tử thứ nhất lui ra. Đệ tử thứ hai vào. Thiền sư vẫn hỏi câu ấy. Đệ tử thứ hai trả lời:

"Con chọn cốc nước đục.”

Sư lại nhắm mắt không nói gì. Đến lượt đệ tử thứ ba. Nghe xong câu hỏi, đệ tử thứ ba lặng im hồi lâu. Sư hỏi:

"Sao con không trả lời?"

Đệ tử thứ ba bảo:

"Con không thể nào phân biệt được thế nào là trong, thế nào là đục…”

Sư liền trao ngay y bát.