Chuyện World Cup - Sợ lỡ chuyến bay |
Tác Giả: Song Thao | |||
Thứ Ba, 27 Tháng 7 Năm 2010 21:42 | |||
Phôn reo. Tiếng ông Luân Hoán. Anh đang làm chi vậy? Mắt tôi không rời màn hình. Đang coi đá banh. Giọng ông Luân Hoán trùng xuống. Tôi cũng đang coi, coi một mình buồn quá anh ạ! Buồn thật! Bóng đá là môn thể thao đồng đội, coi bóng đá cũng phải đồng…coi mới thú vị. Vậy mà chúng tôi mỗi người một cái ti vi chỉ có hai con mắt trên cùng một khuôn mặt dán vào. Thế có chán không! Chán vậy nên ông Luân Hoán mới mời mọc. còn hai bữa đến ngày World Cup Vậy là ta lại mình ta. Tôi ngồi trân mình trước màn ảnh mặt phẳng 42 inches, ông Luân Hoán ngồi buồn trước khung màn ảnh 50 inches. Nỗi buồn của ông Luân Hoán hơn tôi đến 8 inches. Bởi vậy nên ông mới quơ quào lung tung. Thấy không ăn thua chi với bạn bè cùng thành phố, ông ới vọng đi…quốc tế! chẳng lẽ gọi thầy Nam Dao Québec, Tôi hiểu nỗi lẻ bạn của ông Luân Hoán bởi vì trước kia chúng tôi đâu có vậy. Trái bóng World Cup lăn là chúng tôi lăn vào nhau. Những buổi tối cà phê hào hứng anh nào cũng tranh nói về những pha bóng của các cầu vương quốc tế vừa diễn ra trong ngày. Những buổi tụ họp nhau cùng la hét vang trời, khi nhà này khi nhà khác. Nhớ nhất là mùa World Cup năm 1994. Năm đó, chúng tôi bỗng nổi hứng làm một số báo đặc biệt về World Cup trên tờ Nắng Mới của ông Lưu Nguyễn. Bỏ thơ, bỏ văn, chúng tôi tất cả trở thành…Huyền Vũ. Trận chung kết, chúng tôi chúi đầu vào chiếc ti vi chỉ có 20 inches mặt cong trong nhà một anh bạn ở khu có đông người Việt Côte des Neiges. Nếu có ti vi màn hình rộng như cái ti vi to tổ chảng ở nhà ông Luân Hoán không biết tiếng la hét của chúng tôi lớn thêm gấp bao nhiêu…inch nữa! Tôi nhớ có Lưu Nguyễn, Lê Quang Xuân, Luân Hoán, Hồ Đình Nghiêm, tôi và nhiều thân hữu khác. Có cả một bóng hồng là Liên Chi, bà bác sĩ mê thể thao hơn mê kim chích. Coi xong là tất cả phải nộp bài cho số báo đặc biệt để báo kịp ra mắt sớm. Một số báo không giống ai. Toàn những tay từ trước tới giờ chỉ biết viết thơ viết truyện bỗng nổi hứng viết về bóng đá! Bài viết của tôi trong báo Nắng Mới đặc biệt, số 35, phát hành vào tháng 8/1994 là bài “Bên Lề Sân Cỏ”. Thử trích một đoạn coi xem người viết tay ngang múa bút ra sao. “Khi trái banh lăn trên sân cỏ là chuyện may rủi khóc cười bắt đầu nổi trôi. Chỗ tôi làm hình như tụ tập toàn những dân nghiền bóng tròn. Khổ một nỗi là họ không cùng một dòng giống. Ngày khai mạc World Cup chỗ làm việc biến thành chợ trời. Mỗi nơi mỗi chỗ đều có một lá cờ. Mỗi chiếc áo thung trên người là một...lá phiếu. Và mỗi cái mũ trên đầu là một....lập trường. Hy Lạp, Ba Tây, Á Căn Đình, Đức, Nigeria, Mễ Tây Cơ, Ái Nhĩ Lan, Ý.... Cờ xí bay loạn xạ. Anh nọ nghênh anh kia. Cứ như là không phải tranh đua thể thao mà là...đại chiến thế giới! Mỗi ngày tranh đua qua đi trận chiến càng sôi nổi. Anh thua nhận được một ngón tay cái chỉ ngược xuống đất, mặt cúi gầm xuống hẹn... trận sau. Anh thắng mặt vênh lên, cánh tay đưa thẳng lên trời với hai ngón giữa và ngón trỏ vênh váo đan thành hình chữ V. Rồi lời qua tiếng lại. Đấu khẩu kịch liệt. Tay chân múa vung vẩy. Tiếng nói cuối cùng là... chiếc ví tiền. Lòng yêu nước cho phép người ta coi đồng tiền như cỏ rác. Biết là đội tuyển nước mình dưới chân nước người ta mà vẫn cứ vung tiền ra bắt cá. Tình yêu quê hương bị tổn thương bằng những đồng tiền thua lỗ. Thua thì thua quyết níu lấy...tự hào dân tộc. Rồi đâu có để các đội bóng nước mình tranh đua đơn độc được. Phải ủng hộ chứ măc dù có gào thét mấy đi chăng nữa thì các cầu thủ trên màn ảnh TV cũng chẳng nghe thấy. Đội Ý đá thì mấy anh Ý nghỉ làm ra về đi...chữa răng hết. Đội Đức đá thì mấy anh Đức răng cũng ê ẩm phải đi nha sĩ. Rồi Ba Tây, Ái Nhĩ Lan, Á Căn Đình, Nigeria, Cameroon, Hy Lạp... Cứ nước nào có trận đá là dân nước đó bấm thẻ ra về có hẹn với mấy ông chuyên bẻ răng. Mấy ông nha sĩ trở thành mấy cái bung xung cho người ta đi...yêu nước. Nước được yêu nhiều nhất có lẽ là nước Ý. Bởi vì dân Ý lềnh khênh khắp nơi. Cái dân gì mà không biết tới hạn chế sinh sản! Mỗi lần Ý thắng là xe cộ mang cờ Ý chạy nhung nhăng khắp phố phường. Trông mà phát mệt. Tôi có một anh bạn ở nhằm vào một khu Ý. Một tháng đá banh anh mất toi đi gần 5 kí lô. Lý do là tối ngày nhức đầu nhức óc với những tiếng còi xe, tiếng la hét, tiếng kèn tiếng trống và tiếng TV mở lớn hết cỡ oang oang chung quanh. Anh bị stress đến phát khùng phát điên. Mẹ chúng nó chứ! Mỗi một bàn thắng chứ không cần đến một trận thắng cũng làm mình vất vả như điên. Cầu trời cho chúng nó bị loại phứt đi cho khỏe!” Năm nay, mùa cúp của 16 năm sau khi tôi viết những dòng trên, tôi lại được sống lại cái không khí quốc tế đó. Lần này ở tuốt bên Cuba! Ba ngày sau khi trái banh bắt đầu lăn trên sân cỏ xứ Nam Phi, tôi có mặt ở Varadero của anh râu xồm nay đã…rụng râu Fidel Castro. Khách sạn tôi ở có dành riêng một phòng máy lạnh trang bị một chiếc ti vi mặt phẳng thuộc loại đã…quá cố nặng như cái cối đá lỗ, loại ti vi bây giờ ít thấy ở Canada. Cũng mặt phẳng đó nhưng dày cộm chứ không mảnh mai thanh cảnh như thứ chúng tôi đang dùng bây giờ. Trong phòng là vài chục chiếc ghế, khi thì kín người, khi thì trống vắng tùy trận đấu. Trận nào có đội Ý thì khán giả đứng vòng trong vòng ngoài, khuôn mặt căng thẳng, hơi thở bị treo theo những bước chân của các cầu thủ áo xanh. Dân Ý vẫn…bầy đàn như tôi đã biết 16 năm về trước. Thường những trận có anh Ý chơi, tôi không thể chịu nổi mùi của đám đông vừa chạy vội từ bãi biển lên, mình trần trùng trục, nước còn nhỏ giọt trên người, nên lỉnh về phòng coi một mình. Chiếc ti vi trên phòng nhỏ xíu, nhỏ ngang cỡ chiếc ti vi chúng tôi tụ tập coi trước đây tại nhà anh bạn trong khu Côte des Neiges. Coi chán ngắt! Vậy mà hồi đó sao coi cũng thú vị tình thâm ra phết. Có lẽ qua 16 năm già đi, mắt mũi kém cỏi hẳn, nên bây giờ phải cần những màn hình lớn coi mới đã! Phòng bóng đá khách sạn có không khí hơn ngồi chóc ngóc một mình trên phòng riêng. Dân tứ xứ đổ về đây tắm biển nghỉ hè nên quốc tế dễ sợ. Thường là dân Canada, dân Nam Mỹ và khắp các nước bên Âu Châu. Chỉ thiếu dân Mỹ vì ông Obama vẫn còn không thèm nhìn mặt ông Raoul Castro. Mỗi trái bóng lọt lưới là một lần bất đồng cử chỉ. Anh thì nhẩy cẫng lên, anh thì mặt mày thiểu não, anh thì ngơ ngác ngó quanh. Tôi hiểu ngay anh nào thuộc nước nào, anh nào trung dung. Các bậc nữ lưu vỏn vẹn trên người hai mảnh bikini cũng nhẩy cẫng lên múa may làm rung rinh những trái banh nặng nhọc. Banh này banh kia, biết coi bên nào! Trái banh như có quốc tịch. Nó lang bang khi dạt vào nước này, khi đậu ở nước kia. Một buổi tối trời có trăng, tôi ngồi chơi trên bãi biển. Khi trở lên phòng, tôi bỗng nghe thấy điệu nhạc hùng tráng của bài quốc ca Pháp La Marseillaise. Bài này tôi thuộc từ nhỏ, với lời Việt rất khôi hài. Thầy đồ ngày xưa quen thói nuôi móng tay dài, quần trễ tai hồng đỏ đen mực son... Nhờ thứ lời Việt mang vẻ nhạo báng của người dân thuộc địa này tôi mới thuộc phần nhạc của bài hát. Tôi vội bước vào tiền sảnh khách sạn. Một bầy thanh niên thiếu nữ đang gân cổ hát hăng say giữa sự cổ võ của mọi người. Tôi hiểu họ là dân Tây! Yêu nước xa quê nhà hàng chục ngàn cây số quả có thêm phần nồng nàn. Nhưng sao họ...yêu nước khơi khơi giữa bá quan thiên hạ...quốc tế như vậy? Vì ngày hôm sau Pháp sẽ đá trận thứ hai với Mexico sau khi hòa với Uruguay ở trận đầu. Dù các cô cậu Pháp có gân cổ tới đâu chăng nữa, ngày hôm sau Pháp cũng phơi áo với tỷ sổ 2-0! Banh đang là thứ ám ảnh, đúng hơn là một thứ bệnh dịch, trên khắp thế giới. Trên đường ra phi trường ở Montreal, anh tài xế taxi người Haiti đen trùi trũi cùng tôi bàn bạc về bóng đá khiến đoạn đường bỗng ngắn đi một cách bất thường. Phòng đợi ở phi trường ngổn ngang những tấm áo đầy màu sắc mách lẻo người mang nó là dân nước nào. Chiếc ti vi treo tuốt trên cao thu hút mọi cặp mắt. Điệu này có anh sẽ lỡ chuyến bay vì không nghe tiếng máy phóng thanh gọi!
|