Ngày Thương Binh |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Chúa Nhật, 25 Tháng 7 Năm 2010 07:40 | |||
Không quên anh em, không bỏ bạn bè “Bây giờ tướng, tá, úy, con lai, sở Mỹ, H.O., vượt biển, ‘cải tạo’ ai cũng ra đi nước ngoài. Chỉ còn lại những thương phế binh, cô nhi quả phụ và sau cùng là tử sĩ. Xin đừng quên chúng tôi, đã 25 năm rồi.” Ðây là những lời kêu gọi thống thiết trích trong bản báo cáo của Thương Phế Binh-Biệt Khu Thủ Ðô đưa ra năm 1999. Mười một năm sau, bây giờ đã là năm 2010, đã có biết bao nhiêu thương phế binh đã qua đời trong ngậm ngùi, xót xa, mang mặc cảm của những người hoàn toàn bị bỏ quên. Ðơn vị, chiến hữu, các chỉ huy bây giờ ở đâu? Huy chương, tưởng lục và những lời khen tặng, những lá thư hậu phương, tình nghĩa em gái thăm tiền đồn, những lời nhạc ve vuốt, những vòng hoa chiến thắng còn lại những gì cho hôm nay. “Không bỏ anh em, không bỏ bạn bè,” nhưng khi rút lui khỏi chiến trường, cấp chỉ huy rời bỏ đơn vị, chúng ta đã bỏ lại hàng chục nghìn thương binh trên quê hương, có khác chi bỏ anh em đang chảy máu lại giữa vùng đất địch. Khi kẻ thắng trận thu dọn chiến trường, những người thương binh này nếu không nhận được “phát súng ân huệ” để có được cái chết tức thì, khỏi chịu đựng những nỗi đau đớn thì cũng chịu mang vết thương tật, không hề được cứu chữa. Trong cuộc sống còn ngút lửa hận thù, đối xử phân biệt, sự sống của người thương binh cũng như là xác chết còn hơi thở, trong khi người lành lặn còn bị khinh miệt, cuộc sống vất vả thì người phế tật, đi đứng khó khăn chỉ còn là kiếp sống thừa mang gánh nặng cho những người thân thuộc trong gia đình. Chúng ta đi gọi là “mang theo quê hương” nhưng bỏ lại biết bao anh em, bạn bè chiến hữu. Họ nhìn theo bước đi của chúng ta may mắn được ra khỏi nước và nhìn lại hoàn cảnh mình, chấp nhận với số phận ngặt nghèo nhưng vẫn còn đặt niềm tin vào những người một thời đã là chiến hữu, một thời sống chết có nhau. Việc ra đi của hằng triệu người vượt biển, bảo lãnh, bán chính thức, con lai, H.O. đã gây ra nhiều tâm lý thất vọng cho những người không đủ điều kiện, nhất là cho thành phần thương binh, giờ đây trọn đời đành sống trong hoàn cảnh tăm tối vô vọng. Nhiều người đã lập luận cho rằng một thương binh mù hai mắt, hay cụt hai chân chắc hẳn đáng thương và xứng đáng để được người Hoa Kỳ cưu mang hơn là một sĩ quan ở tù “cải tạo” ba hay bốn năm. Nhưng trong hoàn cảnh này, chúng ta làm gì hơn được. Vài năm sau khi miền Nam mất, các chiến hữu, tù nhân “cải tạo” đang nằm trong nhà tù và nhân dân miền Nam mong chúng ta trở về quang phục lại quê hương, giải thoát cho họ khỏi cảnh nô lệ lầm than. Nhưng chuyện ấy không bao giờ thực hiện được. Các chiến hữu của chúng ta ở lại mong các đàn anh, các tướng lãnh, các vị chỉ huy cũ có cơ hội may mắn ra đi, sẽ nghĩ lại tình đồng đội, chiến hữu để tìm cách giúp đỡ cho họ, như là một niềm an ủi cuối đời cho những người thiếu may mắn. Nhưng chúng ta đã làm gì để đáp ứng với lòng mong đợi ấy? Từ năm 1975 đến nay, ở hải ngoại chúng ta chưa thấy một tướng lãnh hay một sĩ quan cao cấp nào có lời kêu gọi hay hành động cụ thể gọi là “không quên anh em, không bỏ bạn bè,” mà chỉ đóng vai dự khán bên lề, coi mình như người ngoại cuộc. Trong một bức thư chân tình cách đây vài năm trong mục “Chuyện Trò Cùng Ðồng Ðội” trên báo Người Việt, một thương binh VNCH trong một bức thư gọi là gửi các niên trưởng đã than thở rằng các anh rất vui mừng khi thấy các niên trưởng ra khỏi nhà tù, lại vui hơn khi thấy các niên trưởng được xuất ngoại, hy vọng họ sẽ làm một điều gì đó cho đất nước và cho đồng đội, nhưng quả là đau lòng khi ngày nay, lại thấy các niên trưởng trở về ăn chơi, hưởng thụ bên cạnh những cảnh đời khổ đau đen tối của những đồng đội cũ. Trong hàng chục nghìn lượt về nơi chốn mà ngày trước các anh đã bươn bả ra đi, đã có mấy ai nghĩ chuyện viếng san sẻ chút vật chất hay cho một đồng đội thương binh ngày trước hoặc bỏ chút thì giờ thăm viếng, thắp nén nhang trước mồ tử sĩ tại Nghĩa Trang Quân Ðội Biên Hòa. Cùng là đồng đội, chúng ta là những kẻ may mắn đối với người bất hạnh, chúng ta là kẻ nhanh chân đối với người chậm chân ở lại, còn cư xử với nhau như thế, mong gì ở những kẻ chiến thắng lòng thương xót hay sự đối xử công bằng, không phân biệt đối với người chiến bại cụt què. Những cố gắng của đồng bào hải ngoại ở khắp nơi cố gắng san sẻ cho thương binh ở quê nhà, từ một buổi cơm gây quỹ cho đến một buổi trình diễn văn nghệ, không hấp dẫn và kiếm tiền dễ dàng bằng một buổi gây quỹ của một người từ trong nước ra như trường hợp Tim-Aline Rebeaud hay các cuộc gây quỹ cho nạn nhân bão lụt. Những mùa từ thiện ở hải ngoại luôn luôn là nỗi vui mừng, không phải chỉ đối với các nạn nhân mà còn đối vối nhà cầm quyền Cộng Sản vì chúng ta chia công việc với họ, trong khi thương binh VNCH không bao giờ là mục tiêu cứu trợ của bất cứ một cơ quan nào dưới chế độ Cộng Sản. Những buổi ca nhạc ngoài trời nhắm mục đích gây quỹ giúp thương binh trong mấy năm gần đây, tuy số tiền thu được mỗi năm khá cao, nhưng so với số tiền gởi về qua hàng trăm hội đoàn gọi là bác ái của người ngoài nước giúp người khó khăn trong nước, chỉ là con số nhỏ nhoi, khiêm nhường. Số tiền năm chục hay một trăm đô la đến với người thương binh bất hạnh chỉ là cơn gió “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống.” Ba mươi lăm năm nay, người thương binh trẻ nhất cũng đã 55 tuổi, những người già đã qua đời hay bệnh hoạn, tất cả đều mang mặc cảm bị bỏ rơi sau cuộc chiến. Một người tàn tật què cụt đã đáng thương, một người lính hy sinh một phần thân thể trong lúc chiến đấu không những để cho chúng ta đem lòng thương hại mà còn cho chúng ta sự kính trọng và mang ơn. Ba mươi lăm năm qua, người lính lành lặn đi ra nước ngoài đã có một đời sống no đủ ấm êm, con cái có cơ hội học hành, nhưng người ở lại, với tấm thân tàn phế, trong một chế độ thiết lập nên bởi những người thắng trận kiêu căng, vô cảm, cuộc sống họ sẽ ra sao? 400,000 anh em cựu tù nhân chính trị và gia đình thừa sức nuôi đủ 20,000 thương binh với chỉ $1.00 mỗi tháng. Chúng ta mất hết rồi, không còn chính phủ, không còn Bộ Cựu Chiến Binh, không còn đơn vị, chỉ còn chút tình với những người thua thiệt. Ra hải ngoại chúng ta còn mang theo Ngày Giỗ Tổ, Ngày Quân Lực, Ngày Quốc Hận, cả Lễ Trung Thu để tiêu thụ bánh nướng của Tàu, có thêm Ngày Mẹ, Ngày Cha và cả ngày Haloween quỷ quái, nhưng không có nỗi một Ngày Thương Binh cho xứng với truyền thống đạo nghĩa của người Việt Nam.
|