Còn Tình Đâu Nữa 2010…! |
Tác Giả: hoanghaithuy | |||
Chúa Nhật, 04 Tháng 7 Năm 2010 06:11 | |||
Trong trận đấu Banh Tròn Thế Giới năm 2010, có hai đội banh của Hàn Quốc tham dự: Ðội Banh Nam Hàn và Ðội Banh Bắc Hàn. Thấy người trạnh nghĩ đến ta: năm 1945 khi kết thúc Trận Thế Chiến, có hai nước bị chia đôi: Ðức quốc và Hàn quốc. Từ đấy trên thế giới có 4 nước Ðông Ðức, Tây Ðức, Nam Hàn, Bắc Hàn. Năm 1954 thêm nước thứ ba bị chia cắt làm hai: nước Việt Nam. Từ đó trên thế giới có Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam. Lời Cám Ơn Năm 2010 Tôi không biết rõ xong cứ theo cái biết có thể không đúng của tôi thì những nước bị chia đôi – như Ðức, Hàn, Việt Nam – không được có đại biểu – hay có tư cách hội viên – trong Liên Hiệp Quốc. Tôi cũng không biết trước năm 1954 nước Việt Nam có đại sứ đại biểu trong Liên Hiệp Quốc hay không, hay Việt Nam “được, bị” Pháp quốc đại diện “cho” trong Liên Hiệp Quốc. Tôi biết từ năm 1956 Quốc Gia Việt Nam Cộng Hoà chỉ có đại diện ở Liên Hiệp Quốc. Vị đại diện này chỉ được dự thính những phiên họp của Liên Hiệp Quốc, không có tư cách hội viên, không có quyền quyết định, quyền bầu cử. Dường như trong thời gian ông Trần Văn Chương làm Ðại sứ Việt Nam Cộng Hoà ở Hoa Kỳ, bà Trần Văn Chương là đại diện Quốc Gia VNCH ở Liên Hiệp Quốc. Vị Ðại Diện Quốc Gia VNCH cuối cùng ở Liên Hiệp Quốc là ông Phạm Huy Ty, ông đã qua đời ở Virginia, USA. Thời gian qua.. Kết thúc cuộc Chiến Tranh Lạnh, Khối Cộng tan rã, Ðông Ðức, tên thứ hai là Ðức Cộng, đổ theo Nga Cộng, Quốc Gia Nam Hàn, tự xưng là Hàn Quốc, đứng vững, Nam Việt Nam tiêu vong! Tháng Sáu 2010, nhìn thấy hai đội banh tròn Bắc Hàn, Nam Hàn cùng đến World Cup, tôi bùi ngùi nhớ đến đất nước bị tiêu vong của tôi. Thế rồi trên Nhật Báo The Washington Post có nguyên một trang những người Hàn ngỏ lời cám ơn những người Mỹ: THANK YOU United States of America 60 YEARS OF COMMITMENT 60 YEARS OF FRIENDSHIP The years 2010 marks the 60th Anniversary of the Outbreak of The Korean War. The Peace, Prosperity and Liberties that we cherish today are built on your selfless sacrifices and contributions. Korea is forever indebted and we will continue to build the trust and frienship between our nations. REPUBLIC OF KOREA Phỏng dịch: CÁM ƠN Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ 60 năm liên kết 60 năm thân hữu Năm 2010 là Năm Kỷ Niệm thứ 60 Ngày Bùng Nổ cuộc Chiến tranh Cao Ly. Nền Hoà Bình, Sự Thịnh Vượng và những Tự Do chúng tôi được hưởng hôm nay là do những hy sinh bất vị kỷ và những đóng góp của các vị. Cao Ly mãi mãi mang nợ và chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng Sự Tin Cẩn và Tình Bạn giữa hai đất nước chúng ta. CỘNG HÒA CAO LY. o O o Còn TÌNH đâu nữa ...! Trông Hàn lại nghĩ đến Ta.. Cảm khái cách gì! Dân tộc tôi không được may mắn như dân Cao Ly. Những năm 2000, nhìn ảnh những người Cựu Quân Nhân Mỹ trở lại Việt Nam, cụng ly nhậu, ôm eo ếch, cười toe với những người lính Bắc Việt Cộng, tôi cay đắng nghĩ: “Còn Tình đâu nữa..!” Dân tộc tôi có số phận bi thảm như dân Tây Tạng. Trong lịch sử dân Cao Ly và dân An Nam có số phận giống nhau: đất nước của hai giống dân này cùng ở sát nách nước Tầu. Ngày xưa người Tầu xâm chiếm nước Cao Ly, đặt là một phủ của nước Tầu “An Ðông Ðô Hộ Phủ,” người Tầu xâm chiếm nước Nam, gọi là “An Nam Ðô Hộ Phủ.” Cuối Thế Kỷ 19, Triều Ðại Mãn Thanh nước Tầu suy yếu, Thực Dân Pháp vào chiếm nuớc An Nam, người Nhật qua biển sang chiếm nước Cao Ly. Hai dân tộc từng bị dân Hán đàn áp, tiêu diệt trong cả ngàn năm, cùng rên siết vì bị ngoại nhân chiếm nước, bị ngoại nhân chặt chém, hành hạ, giam tù trong những năm 1900. Ðến năm 1945 khi Chiến Tranh Thế Giới kết thúc, dân Cao Ly được độc lập nhưng đất nước Cao Ly bị cắt làm hai. Dân An Nam cực khổ hơn, vất vả hơn, từ năm 1940 chịu quốc nạn, chịu bom đạn liên miên, đến năm 1954 bị cắt làm hai, đến năm 1975 bị Bắc Cộng Sản chiếm trọn miền Nam Việt. Những đêm buồn ở xứ người, đọc những trang Kiến Văn Tiểu Lục của ông Lê Quí Ðôn, ghi chuyện sứ bộ nước Nam và sứ bộ nước Cao Ly gặp nhau ở kinh đô Tầu, các ông thân mật với nhau, dùng bút viết chữ Hán nói chuyện với nhau, tôi thấy đó là chuyện tự nhiên: sứ giả của hai nước nhỏ đến triều cống Thiên triều Ba Tầu, tất có cái tinh thần gọi là “tự teo mặc cảm” nên thông cảm nhau, thương nhau. Mời quí vị đọc những trang ngày xưa – năm 1760 – ông Lê Quí Ðôn viết về cuộc Sứ Bộ An Nam gặp những vị trong Sứ Bộ Cao Ly ở kinh đô nước Tầu: Kiến Văn Tiểu Lục. Lê Quí Ðôn. Muà đông năm Canh Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng, (1760. CTHÐ viết thêm) tôi cùng ông Trần Huy Bật và ông Trịnh Xuân Thụ, phụng mệnh sang sứ Trung Quốc. Khi đến Yên Kinh vừa đúng Ngày 30 Tết, chúng tôi gặp các vị trong sứ bộ nước Cao Ly là các ông Hồng Khải Hy, Triệu Vĩnh Tiến, Lý Huy Trung ở Quán Hồng Lô. Hai bên vái chào nhau, cùng ngồi nói chuyện bằng bút, cuộc nói chuyện rất thân mật. Sau đó chúng tôi về quán riêng. Sứ Thần Triều Tiên cho hai vị thiếu khanh mang phẩm vật bản xứ đến tặng chúng tôi. Sang năm mới lại cho con trai các ông là Hồng Tân Hối, Triệu Quang Qui, Lý Thương Phương đến quán chào chúng tôi và chúc năm mới. Chúng tôi ở Yên Kinh hai tháng, thư từ hai bên qua lại khá nhiều, có nhiều thư lời lẽ đáng ghi. Như thư của Sứ Thần Cao Ly gửi chúng tôi đêm Trừ tịch, có đoạn: “Nhân giở bản đồ, biết có quí quốc, hai nước chúng ta Ðông Nam xa cách, thế mà được cùng hội họp nơi Hồng Lô Quán; việc thật ngoài ý tưởng tượng. Sau khi chia tay, nhận được lá thư quí báu của Ngài. Mở đọc, thấy tình ý trịnh trọng, tôi xiết nỗi trân cảm. Những muốn đến ngay nơi cao các để được diện kiến Ngài lần nưã, ngặt vì bận công việc. Tôi không được gặp Ngài, thật là sự đáng buồn, đáng giận. Nay có thứ quạt giấy này là sản phẩm nước tôi, kính dâng Ngài, gọi là tỏ ý kính mộ; tặng phẩm như tấm the nước Ngô, cuốn lụa nước Sở, quá đỗi tầm thường, xin Ngài cười mà nhận cho.” Thư gửi cho chúng tôi Ngày Mồng Một Tết: “Nhận được thư Ngài phúc đáp, tôi đọc lại nhiều lần. Mới hay một khi tinh thần đã gặp thì dù nước Yên với nước Việt cũng không lấy gì làm xa. Chúng tôi từ nước chúng tôi đến đây chẳng qua chỉ 3.000 dặm đường, thế mà trước cảnh đất khách gặp xuân sang, lòng ngẩn ngơ nỗi nhà, tình nước. Huống chi các ngài, qua non, vượt biển, đi hàng tháng, hàng năm mới tới nơi đây thì trước cảnh xuân này, các vị trông về cố quốc, nén lòng sao nổi. “Tôi vẫn muốn đến tôn quán, mượn ngòi bút hỏi về văn hiến phương Nam. Song vì bận việc công nên chưa đến được. Thực là ở ngay bên nhau mà không được gặp nhau, đáng giận, đáng giận. Phẩm vật quí báu các ngài ban cho, chúng tôi xin vâng lĩnh và trân trọng cảm tạ.” Thư của Quan Thượng Thư họ Hồng gửi đến Quan Chánh Sứ họ Trần có đoạn: “Chốn lữ thứ vẫn mang lòng ngưỡng vọng không lúc nào nguôi. Bài thơ Ngài gửi cho thắm vẻ thịnh tình. Rửa tay sạch mới dám mở thơ ra đọc. Cảm thấy răng và miệng tự phát ra mùi hương thơm. Tôi lúc trẻ cũng có tập về thơ văn, đến nay tuổi già, tinh thần hoang phế đã lâu. Bỗng được ban Thơ Tiên, chẳng khác chi có khúc sáo thần thổi vào hang đá lạnh. Xin có bài thơ nhỏ này kính đáp, để tỏ tình xa nhau muôn dặm mà gần nhau như trước mặt.” Thư các ông trong Sứ Bộ gửi cho tôi có bài tiểu dẫn: “Thơ Tiên đến tay, như đêm tối có luồng sáng. Thơ Ngài ban cho, tứ sâu dài, văn điệu tươi đẹp, khiến người đọc đi, đọc lại trăm lần không chán, chẳng khác chi người nghèo được viên ngọc bích. Tôi vốn lười về Luật Thơ, chẳng thế mà đường đi 3.000 dặm tôi không làm được bài thơ nào. Nay được Ngài có thịnh ý ban tặng Thơ, không lẽ để cô phụ thịnh tình, bèn quên vụng về, kinh gửi bài nối điêu này, chắc sẽ bị các vị dưới trướng Ngài cười cho.” Thư của vị Sứ thần họ Trịnh có đoạn: “Dưới ngọn đèn lẻ loi nơi đất khách, cứ ngâm nga mãi Thơ của Tiết Ðạo Hạnh, Châu Cao Thục, đang buồn hiu bỗng nhận được Thơ Tiên. Mở tờ hoa tiên ra thưởng thức, như người được trăm lạng vàng. Nay xin bắt chước nhăn mày, có bài thơ xoàng kính đáp.” Thư của ông Chánh Sứ họ Trần có đoạn: “Chúng ta bút mực qua lại, lòng đã hiểu lòng, không còn có thể nói nhà gần mà người xa. Còn như mai đây bèo hợp, mây tan, việc đó chẳng cần để ý. Tôi bân việc công không kịp huy động cán bút lạnh, nên họạ thơ Ngài có điều hơi chậm. Thực là một đằng thông minh, một đằng ngu độn, đúng là hơn nhau ngàn trùng. “Cổ nhân ví văn thơ đến mức tuyệt vời như Tương Linh gẩy đàn sắt trên sông mùa thu, gẩy trọn khúc mà những người nghe tiếng đàn không trông thấy người gẩy đàn. Nay Tôn ông đem nét bút hư không miêu tả ra một áng văn thần, ban cho tôi mà không ngại phí phạm. Tôi đọc đi, đọc lại, thấy như là phép Phật phảng phất trong lúc nhập định. Vẫn biết văn Huyền Án không thể trọng bằng phú Tam Ðô, khúc Hạ Lý khó lòng sánh với khúc Dương Xuân. Song không dám cô phụ tấm thịnh ý, xin kính hiến bài thơ thô mọn này, mong Tôn ông cười mà nhận cho, chúng tôi rất lấy làm hân hạnh.” Thư của ông Lý Học-sĩ trong Sứ Bộ Cao Ly gửi chung cho ba chúng tôi có lời dẫn: “Mỗi người một phương mà giao tình thân mật, đâu phải chuyện tầm thường. Ðược gặp các vị rồi trở về nằm nơi quán rỗng, khắc khoải ngày đêm. May được chư Tôn ông hạ cố, ban cho những bài thơ thần. Chúng tôi được nghe lời vàng ngọc phương Nam, thực là một cuộc kỳ ngộ ở nơi đất khách bên trời. Ngâm vịnh xong chúng tôi sẽ đem Thơ về phương Ðông, cất vào hộp, vào cháp. Song thiết nghĩ có xướng mà không có hoạ là việc có sự thiếu sót. Vậy xin gửi các Ngài thư này, lời vắn, ý dài, kính ghi tình bạn thần giao.” Ngưng trích Kiến Văn Tiểu Lục. Quí vị vưà đọc mấy đoạn Văn Áo Thụng Vái Nhau. Tôi thấy các vị trong Sứ Bộ Cao Ly, Sứ Bộ An Nam, có quyền mặc áo thụng vái nhau vì các vị đều là những nhà khoa bảng, thi đỗ, được Vua ban áo mũ. Áo của các vị là áo thụng, tay áo rộng lùng thùng. Nghe nói những năm 1980 trong giới văn nghệ sĩ Việt lưu vong ở Kỳ Hoa có một số ông làm cái việc xưng tụng nhau theo kiểu áo thụng vái nhau. “Áo thụng vái nhau” ở Kỳ Hoa là một đề tài khác. o O o Tôi gọi ông Nguyễn Thượng Hiền là người Việt Nam Yêu Nước Thứ Nhất làm cuộc lưu đầy tự nguyện bỏ nước đi sống và chết ở nước người. Khoảng năm 1920 ông sống trong một ngôi chùa ở Hàng Châu, ông viết một bài bằng chữ Hán, đăng trên báo Tầu, kể tâm sự của ông. Trong bài này ông Nghè Nguyễn kể chuyện ông gặp một ông người Cao Ly lưu vong, hai ông nói chuyện về tình cảnh dân Cao Ly bị Nhật áp bức, dân An Nam bị Pháp đô hộ. Nguyễn Thượng Hiền. Bài viết Giọt Lệ Biển Dâu. Trích: Tôi là người Việt Nam đi khỏi nước đã 6 năm nay, những công việc mưu tính để làm trăm việc chẳng được một, mình gầy, mặt võ, ngửa mặt lên trời hỏi Trời, Trời chẳng trả lời cho, cúi đầu xuống đất kêu Ðất, Ðất không thèm nói với. Một mình trơ trọi trong khoảng mênh mông, bốn bề hiu quạnh, bực bội tôi đi khắp nơi, mong tìm xem có ai là người thân thế cũng giống như mình để kết làm bạn, kể lể cùng nhau những niềm uất hận. Mãi sau tôi mới gặp được một người nước Hàn là ông Man. Một hôm chúng tôi lên ngọn núi nhỏ, lấy cỏ làm chiếu, lấy máu làm rượu, lấy mật làm thức ăn, đua gươm mà nói chuyện, cùng thổ lộ cho nhau biết những nỗi cay đắng trong lòng. Ông Man nói với tôi: “Chúng ta mỗi người ở một nước, tiếng nói, y phục khác nhau, nhưng tình cảnh thì giống nhau: chúng ta cùng là người mất nước. Than ôi..! Ông Nguyễn ..! Cái thảm họa mất nước ông với tôi đều phải chịu, nhưng nuớc Hàn tôi đối với giống người Lùn vì hai nước Hàn Nhật quá gần nên chúng tôi bị áp lực nặng và cực khổ hơn các ông nhiều. Chúng tôi như người già yếu phải sống cùng chỗ với bọn cường bạo, không kể nắng mưa, ngày đêm, lúc nào chúng cũng có thể tra khảo chúng tôi để lấy của, đâm chém, giày vò chúng tôi cho đến chết. Còn như nước ông, nghe nói bị người Pháp chiếm nhưng nước Pháp ở xa mà nước Pháp lại giầu, chắc họ không làm hại, làm khổ nước ông, dân ông quá lắm!” Tôi nói với ông: “Chao ôi..! Ông còn cho nước tôi, dân tôi là may mắn hay sao? Tiếc rằng ông chưa đặt chân đến nước tôi lần nào nên ông không biết đấy. Ở đời bao giờ có giống hổ dữ mà không ăn thịt người, có con chim non bị diều hâu bắt mà xương thịt còn toàn vẹn. Núi Hương Sơn của chúng tôi cao chừng bao thì xương của dân nước tôi cao như thế; sông Nhị Hà nước tôi dòng nước cuồn cuộn chừng nào thì máu dân nước tôi chẩy nhiều như thế. Tình cảnh ấy ông chưa biết đấy.” Ông Man nói: “Những việc hung tàn của người Pháp làm ở nước ông xưa nay tôi chưa được nghe ai nói. Xin ông kể, tôi lắng nghe.” Ngưng trích. Chuyện ông Lê Quí Ðôn và các ông Sứ Thần Cao Ly áo thụng vái nhau xẩy ra năm 1760.. Chuyện ông Nguyễn Thượng Hiền và ông người Hàn lưu vong thương khóc dân nước ở trên đất Tầu xẩy ra năm 1920.. Ðây là chuyện gần hơn, xẩy ra năm 1964 ở Sài Gòn. Chuyện do người anh em cùng vợ với tôi là H2T kể: H2T: Khoảng năm giờ một buổi chiều, với tư cách phóng viên nhà báo tôi lên phi trường Tân Sơn Nhất xem cuộc tiễn Bộ Truởng QP Robert McNamara về Mỹ. Khi ấy nhật báo Sàigònmới đã bị đóng cửa, tôi dạt sang làm tờ nhật báo Ngày Nay của anh Hiếu Chân. Những tháng giữa năm 1964, tình hình Sài Gòn còn rất an ninh, thường dân ra vào phi trường Tân Sơn Nhất tự do, đường ra vào không một trạm kiểm soát. Một trung đội binh sĩ Nhẩy Dù dàn chào, một bục gỗ được dựng lên trước toà nhà phi cảng, người đến dự khoảng một trăm mạng. Bộ Trưởng McNamara đến cùng với TT. Nguyễn Khánh. Ông Khánh bận đồ Dù, tay cầm cây gậy chỉ huy, BT McNamara không mặc com-lê mà mặc veston hàng tweed khác mầu với quần, ông đeo kính trắng gọng vàng, tóc có brillantine chải rẽ ngôi ở giữa đầu. Năm ấy ông ngoài bốn mươi tuổi. Hai ông đứng bên nhau trên bục, ông Khánh nói vài câu, ông McNamara đọc một tuyên cáo ngắn, đại khái nói hai bên Mỹ Việt đã thảo luận và đã đồng ý với nhau về nhiều vấn đề, mọi chuyện đều tốt. Ðọc xong bản tuyên cáo, ông McNamara nắm tay ông Khánh, vừa giơ lên vừa hô: “Việt Nam muôn năm..!” Ông hô ba câu “Việt Nam muôn năm!” Buổi chiều nắng vàng mùa hạ năm 1964 ở trước toà nhà phi cảng Tân Sơn Nhất, Sài Gòn, Việt Nam, buổi sáng đầu thu nắng vàng năm 2000 ở Rừng Phong lòng vòng Hoa Thịnh Ðốn, Hoa Kỳ..! Bốn mươi năm đã trôi qua cuộc đời. Tôi thấy lại hình ảnh ông Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert McNamara 40 năm xưa khi ông nắm tay ông Nguyễn Khánh giơ lên với tiếng ông hô “Việt Nam muôn năm..!” Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ hô “Việt Nam muôn năm..!” Tốt thôi. Nhưng… Buồn thay! Lời chúc lành không đi đến đâu! Mười một năm sau buổi chiều Bộ Trưởng Robert McNamara hô “Việt Nam muôn năm” ở phi trường Tân Sơn Nhất, một chiếc phi cơ do Nga Sô chế tạo bay từ Hà Nội đến, đổ xuống phi trường Tân Sơn Nhất bọn đầu xỏ Việt Cộng: Lê Duẩn, Lê Ðức Thọ, Phạm Hùng, Tố Hữu… o O o Dân Việt liên kết với Mỹ lâu, chặt, nặng hơn bất cứ giống dân nào trên thế giới. Nhưng thương thay, Cuộc Tình Mỹ Việt chỉ có thủy mà không có chung. Thù thì không hẳn là Thù nhưng Tình thì sau năm 1975 Mỹ Việt.. .. còn Tình đâu nưã! Tôi không còn có thể “cảm khái cách gì” mà tôi buồn quá chời, quá đất. Tôi chấm dzứt ở đây.
|