Nghe muốn độn thổ |
Tác Giả: Tạ Phong Tần | |||
Thứ Năm, 27 Tháng 5 Năm 2010 12:52 | |||
Hồi nhỏ, nhà tôi có cái máy hát dĩa nhựa và một chồng dĩa lớn nhỏ đủ loại. Dĩa nhỏ thường màu đen, đường kính chừng một gang tay là tân nhạc. Dĩa lớn đủ màu sắc xanh, đỏ, vàng, cam, đường kính chừng gang rưỡi là dĩa tuồng cải lương. Mỗi lần hát thì cha tôi bỏ bốn cục pin Con Ó bự chảng vào máy, mở nắp máy ra, gắn cái dĩa vô, để cây kim vào đường rãnh ngoài cùng của cái dĩa rồi nhấn nút là máy hát lớn ông ổng, âm thanh cực rõ, cực hay. Bà ngoại tôi thích nghe tuồng cải lương Tuyệt Tình Ca lắm, hễ có mặt bà ngoại tôi thì y như rằng trong nhà, máy hát tuồng này. Tuồng còn có một tên khác “bình dân học vụ” hơn là “Ông Cò quận 9,” kêu theo tên nhân vật ông Cò (Cảnh sát trưởng quận 9) do cố nghệ sĩ Út Trà Ôn thủ diễn. Nghệ sĩ Bạch Tuyết đóng vai Lê Thị Trường An - đứa con gái thất lạc của ông Cò. Nghe nói tuồng này được trình diễn trên sân khấu Dạ Lý Hương khoảng năm 1965. Lúc đó, tôi “bị nghe” cải lương chớ không phải “được nghe,” thành thử tôi không hiểu mấy về các nhân vật trong tuồng, không hiểu tại sao bà giáo Lan (vợ bé ông Cò) không đi lấy chồng khác phức cho rồi. Tôi lại nhớ “ấn tượng” nhất cái giọng chanh chua, the thé và đầy chất hợm tiền của bà Sa lúc bà đi đánh ghen và bắt quả tang chồng bà đang tò tí với cô nhân tình trẻ: “Ông thừa phát lại đâu rồi? Ổng đâu rồi, ổng đây nè” (nắm đầu ông chồng lôi ra), “Ông thừa phát lại, nhờ ông lập vi bằng...” Cho đến tận những năm 90, tôi chẳng hiểu chức vụ “thừa phát lại” là để làm cái giống gì. Sau ngày 30 tháng 4, 1975, tôi lại thấy “cán bộ cách mạng” ở quê tôi chận đường để cắt tóc dài, rọc quần ống loe và áo sơ mi bó chim cò của thanh niên thành phố. Quần Jean bị coi là “đồ Mỹ,” “tàn dư của Mỹ-Ngụy,” cấm dùng. Thay vào đó, từ cán bộ đến dân đều diện quần ống túm màu xanh lá cây may bằng vải ni-lông dù, áo sơ mi vải xanh hay nguyên bộ bà ba đen và dép râu. Cá biệt, có ông Ba Linh giữ chức vụ cao trong chính quyền mới nhưng đi làm luôn luôn mặc bộ quần áo bà ba đen bằng vải thường và đi chân đất. Những năm 80, thiên hạ quê tôi lại rùng rùng rủ nhau may quần tây kiểu phía trên thì ôm đùi, phía dưới ống thì rộng loe ra, kêu là quần ống “pát.” Ðến khoảng năm 1995 trở về sau, đâu đâu cũng thấy người ta “chơi” quần Jean ống “pát” đầy đường. Ôi thôi, “tàng dư của Mỹ-Ngụy” nhan nhản khắp “hang cùng ngõ hẻm” quê tôi. Tôi còn nhớ trong tuồng cải lương cách mạng tên “Khách Sạn Hào Hoa” gì đó, tuần nào cũng phát trên ti vi, trên sóng phát thanh, có nhân vật cách mạng nhắc đến “ca sĩ phòng trà” với hàm ý chê bai là hạng gái “bán bông.” Tất nhiên, Việt Nam lúc đó không có cái phòng trà nào. Sau mấy chục năm, bây giờ tôi thấy “ngôi sao ca nhạc,” “thần tượng giới trẻ,” “nghệ sĩ ưu tú,” “mầm non đang lên,” v.v... toàn biểu diễn trong phòng trà không hà. Còn đất Sài Gòn thì số lượng phòng trà (có giấy phép hẳn hoi) đếm mệt nghỉ. Hồi trước, cũng thời “tàn dư của Mỹ-Ngụy,” đâu có thi hoa hậu nhiều như bây giờ. Tôi có quen với mấy anh chị “văn công giải phóng” lớn tuổi, kể cho tôi nghe rằng mấy anh chị lên sân khấu được phổ biến nguyên tắc bất di bất dịch là khi biểu diễn không được xoay mông về phía khán giả (dù ăn mặc rất kín đáo và kín mít). Trong lúc diễn, nghệ sĩ nào diễn hứng quá mà quên “nguyên tắc” thì lập tức bị phê bình, kiểm điểm là tư cách “đồi trụy,” “khiêu dâm.” Giờ thì ôi thôi, lên sân khấu biểu diễn, chẳng những xoay mông ra khán giả mà còn ăn mặc hở hang đến mức không thể hở hơn được. Thậm chí còn gây nên cuộc tranh luận tốn nhiều giấy mực báo chí là: Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương: Hở bao nhiêu là vừa? Ở trường học, lúc nhỏ chúng tôi được giáo dục “đả thực, bài phong” là thành tích, “thắng lợi của dân tộc ta.” Nghe nói, đình chùa, miếu mạo là “mê tín dị đoan” cần phải xóa bỏ. Quê tôi có cái đình thờ thần bổn mạng của làng, tục kêu là Ðình Ông Bổn, bị chính quyền cách mạng “trưng dụng” gần hết diện tích chánh điện làm hai lớp học 8 và 9. Trước đó, trong đình chỉ có tượng “hạc đứng trên lưng quy” thôi, sau khi có lớp học chễm chệ trong đình, trên lưng hạc thường xuyên có thêm đứa học trò ngồi. Tội nghiệp con quy bị “hai tầng áp bức.” “Tàn dư thực dân phong kiến” còn bị dẹp sạch bằng cách bỏ hết các tên trường Tiểu học, Trung học, các danh hiệu Tú Tài, Cử nhân đi, thay vào đó bằng tên trường cấp 1, cấp 2, cấp 3, còn đại học thường bị gọi đùa bằng “cấp 4.” Học xong ra rồi thôi, chẳng có danh hiệu gì hết. Ðến khoảng năm 1991 trở về sau thì “thực dân phong kiến” “đội mồ sống dậy,” trường Tiểu học, Trung học, các cô Tú, cậu Cử đâu đâu cũng có. Lại còn thêm cái màn làm lễ tốt nghiệp bắt buộc phải mặc bộ đồ dài lòng thòng màu đen, màu xanh dương đậm hay màu đỏ ké, đội cái mũ cùng màu áo hình vuông vuông có cọng dây dài lòng thòng, kiểu giống mấy ông quan Tòa trong phim “Ba Người Lính Ngự Lâm” của Pháp quá chừng. Tôi thầm trách sao mình không sinh ra muộn chừng chục năm để lúc tốt nghiệp cũng mặc bộ đồ lòng thòng đó chụp hình “giải quyết khâu oai.” Ðùng một cái, mấy năm gần đây, tôi lại thấy “cán bộ ta” xây chùa rần rần, “phát pháo đầu tiên” phải kể đến “Ðại Nam Quốc Tự” của đại gia Dũng Lò Vôi ở Bình Dương nổi tiếng trong và ngoài nước với “thành tích” để tượng Phật Thích Ca, vua Hùng và ông Hồ Chí Minh vào chung một chỗ. Nghe “giang hồ đồn đại,” đại gia Dũng Lò Vôi tên thật là Huỳnh Phi Dũng, nguyên đại biểu Quốc Hội, bà con gì đó với ông Nguyễn Minh Triết (?). Cách đây mấy năm, cán bộ công chức vô cùng vui mừng khi được Nhà nước ta cho phép nghỉ ngày giỗ tổ Hùng Vương. Vừa rồi, nguyên dàn các vị lãnh đạo ở trên còn chi ngân sách để tổ chức và tham gia cúng tổ Hùng Vương rầm rộ. Thật là phúc cho dân ta quá, sau mấy chục năm dài toàn thờ ai đâu không, giờ người dân Việt mới được chính thức thờ cúng lại ông Tổ Hùng Vương của mình, công khai quay về nguồn cội. Sáng nay, đọc báo Tiền Phong ngày 23 tháng 5, 2010 thấy báo ta “chơi” nguyên hàng tít thật giựt gân: “TPHCM: Lập 5 văn phòng Thừa Phát Lại đầu tiên tại Việt Nam” đầy hãnh diện như một “phát kiến vĩ đại,” mà tôi tưởng chừng như “báo ta” đăng thông tin Christopher Columbus vừa tìm ra Châu Mỹ vậy. Theo Tiền Phong, ngày 21 tháng 5, 2010, Sở Tư Pháp thành phố HCM trao quyết định thành lập và giấy đăng ký kinh doanh cho 5 văn phòng Thừa Phát Lại đầu tiên tại TPHCM và trên phạm vi cả nước. Chức năng quy định tại giấy đăng ký kinh doanh, các văn phòng Thừa Phát Lại được phép tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự, lập vi bằng (ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác); xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự... Chữ “đầu tiên” và chữ “cả nước” được nhấn mạnh bằng cách lặp đi lặp lại. Tưởng gì, cái vụ “thừa phát lại” này ở Việt Nam nó đã có từ năm 1965 trở về trước rồi mấy cha nội, cũ rích hà, nói “đầu tiên ở Việt Nam” nghe mà mắc cỡ muốn chết. Của người ta có sẵn, tự dưng đi phá sập, rồi bây giờ đi nhặt lại dựng lên, rồi vỗ ngực tự hào là “thành tựu,” nghe thiệt muốn độn thổ luôn á!
|