Vỏ Và Ruột PDF Print E-mail
Tác Giả: Thanh Tâm   
Thứ Ba, 27 Tháng 4 Năm 2010 07:54

 “Còn tốt mà”, đó là câu trả lời của em nhưng thực tại là nó đã gãy và nó oằn ống nước xuống...

Thi thoảng có chuyện tôi mới đi vòng ra đàng sau hè của dãy phòng ở. Chẳng hiểu sao hôm nay tôi lại ngước mắt nhìn lên bồn nước và đường dẫn nước xuống các phòng. Nhìn lên thấy sợ quá vì khúc cây mà người ta dùng để nẹp đỡ đường ống nước đó gãy đôi tự thuở nào, tôi vội vã nhờ người quen đến thay khúc cây bị gãy bằng cây gỗ khác chắc chắn hơn.
   
Khi mang khúc cây xuống dưới đất, thì hỡi ôi, tôi nhận thấy phần vỏ của khúc cây đó còn rất tốt nhưng bên trong đã mục tự lúc nào. Người thay khúc gỗ cũng chính là người lấy khúc cây đó gá ống nước vào cho chắc quả quyết rằng “em mới thay cái cây này và rõ ràng nhìn cây còn tốt mà”.
   
“Còn tốt mà”, đó là câu trả lời của em nhưng thực tại là nó đã gãy và nó oằn ống nước xuống, chỉ một chút nữa là ống nước bị gãy theo và phải thay dàn ống khác.
  
Nhìn khúc cây bên ngoài còn tốt mà bị mối mọt ăn bên trong đã gãy đó, tôi lại nhớ đến bộ salon thật đẹp ở phòng khách của gia đình kia mà mình đã được đến thăm viếng. Thường tình ghế salon nào cũng có tay ghế để người ta ngồi tỳ tay vào đó cho khoẻ. Hôm ấy khá mệt nên tôi tỳ tay vào phần dựa ấy. Khi tôi vừa để tay lên thì nghe một cái “rốp” và rồi phần tỳ tay ấy bị bể. Hoá ra là bên trong của nó đã bị rỗng còn bên ngoài thì vẫn sáng màu sơn mới.
   
Khúc cây để gá đường ống nước bị gãy, phần để tỳ tay của ghế salon bị bể làm người viết nhớ lại câu nói của ông bà ngày xưa: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn !”.
   
Học thì ít, hiểu thì cũng kém, ông bà nói “tốt gỗ hơn tốt nước sơn” là muốn nói rằng nước sơn bên ngoài của cái cây thì ai ai cũng biết là cần tốt, cần đẹp nhưng chuyện quan trọng là bên trong, cái ruột của cái cây chứ không phải là cái vỏ bọc bên ngoài, là cái nước sơn bóng bẩy.
   
Chuyện cũng thường thôi là ai ai cũng thích cái đẹp, đi tìm cái “mỹ” cả nên cái cây bên ngoài sơn màu đẹp và bóng bẩy thì ai ai cũng thích. Thế nhưng thật sự cái chất, cái ruột của cái cây của khúc gỗ vẫn hơn là cái vỏ bên ngoài. Điều này cũng hết sức tự nhiên vì chẳng ai muốn mình sử dụng đồ dỏm, đồ giả, ruột dỏm, ruột giả mà bên ngoài bóng bẩy cả. Nhiều người đã hơn một lần có cái kinh nghiệm khi dùng phải đồ mã, đồ có cái vẻ bên ngoài đẹp mà bên trong thì dỏm và rỗng tuếch. Cần cái vỏ ấy thật, nhưng cái ruột vẫn cần hơn.
   
Chuyện cái cây gãy, chuyện cái chỗ tỳ tay bị bể ấy cũng có thể làm ta liên tưởng đến một tập thể, một cộng đoàn. Nhìn bên ngoài, tập thể này, cộng đoàn kia có vẻ là bóng bẩy lắm, là sầm uất lắm, là tốt lắm nhưng bên trong có khi chỉ là rỗng tuếch, chỉ là như cái xác không hồn thôi.
   
Lần nọ, tôi nói chuyện với một cha đã có tuổi. Ngài nói về đời tu của dòng và ngài chua chát bảo rằng dòng của ngài bây giờ bị nhiều người cho là chỉ còn cái áo! Tâm tình của cha già ấy sao mà chua xót quá, sao mà đau đớn quá! Có lẽ đau lắm cha mới buông ra lời ấy. Lời của cha già không phải là “vạch áo cho người xem lưng” như nhiều người nghĩ nhưng đó là vấn nạn của đời tu, của ơn gọi ngày hôm nay. Cha già còn cho biết ấy là tại vì dòng của ngài nhiều phe nhóm quá, nhiều bè cánh quá! Ngài cảm thấy ngao ngán khi nhìn lại lối sống của các tu sĩ ngày hôm nay. Ngài nói là tinh thần thế tục hoá đã len lỏi vào cả những nơi được gọi là thánh thiêng, được gọi là “nhà Chúa”.
   
“Chỉ còn cái áo!”. Đó là lời nhận xét rất thật mà ít ai dám can đảm nhận xét như Cha già. Không phải vô cớ mà Cha già nói như vậy. Cha già nói như vậy vì lẽ có quá nhiều vấn đề trong dòng của ngài, trong cộng đoàn của ngài.
 
  “Chỉ còn cái áo!” Lời của Cha già phải chăng là lời cảnh tỉnh để nhà dòng của Cha già phải sám hối, phải ngồi lại với nhau để duyệt xét lại tôn chỉ của nhà dòng, duyệt xét lại tinh thần của nhà dòng, duyệt xét lại đời sống cộng đoàn của anh em tu sĩ.
 
  “Chỉ còn cái áo!” là lời tiên báo cho một nhà dòng, cho một cộng đoàn chỉ còn cái hình thức bên ngoài, cái dáng bề ngoài như cái cây gỗ bị gãy và miếng gỗ tỳ tay của bộ ghế salon kia. Nếu như không thay, nếu như không sửa thì đến một lúc nào đó nó sẽ gãy và tai hoạ như thế nào thì ai ai cũng biết.
   
Mỗi thành viên là tế bào của gia đình, mỗi thành viên là tế bào của cộng đoàn. Nếu như họ không ngồi lại với nhau, không chấn chỉnh lại đời sống của mỗi cá nhân thì chẳng chóng thì chầy gia đình, cộng đoàn ấy sẽ bị sập, sẽ bị gãy dẫu rằng nhìn bên ngoài nó cũng có vẻ thành công đấy, có vẻ đầm ấm đấy.
   
Thật bi đát cho gia đình, cho cộng đoàn nào đó nếu như nhìn bề ngoài các hoạt động, các phong trào thật hoành tráng nhưng bên trong mỗi thành viên của gia đình, của cộng đoàn như là một hòn đảo, chẳng còn ai có thể tin nhau, chia sẻ với nhau và sống thật với nhau. Khổ lắm rồi với cái bệnh thành tích! Khổ lắm rồi với cái bệnh phô trương! Khổ lắm rồi với cái bệnh đánh bóng tên tuổi!
   
Đi xa hơn một chút nữa, một giáo xứ, một giáo phận, một Giáo Hội mà không nhìn lại mình để chấn chỉnh, để sửa chữa thì một lúc nào đó cũng sẽ tan nát dẫu bên ngoài được trang bị, được gắn cho mình những tên gọi thật hoành tráng và hô hào những khẩu hiệu thật là to. Hãy làm điều gì đó cho cộng đoàn, cho giáo xứ, cho giáo phận, cho Giáo Hội khi còn có thể làm được.