Home Đời Sống Suy Tư Dòng Đời Lênh đênh chiếc lá...

Lênh đênh chiếc lá... PDF Print E-mail
Tác Giả: Tạ Phong Tần   
Thứ Năm, 11 Tháng 3 Năm 2010 22:14

Chị là chủ nhân xe hủ tíu bình dân ở ven đường.

 
 

 Một xe bán hủ tiếu dọc theo lề đường ở Sài Gòn. 

Chỉ vài chiếc bàn, ghế nhỏ bằng nhựa, một tấm bạt ni lông sọc hai màu xanh đỏ đã rách bươm lổ chổ đủ che khi nắng, còn mưa thì mạnh ai nấy bưng tô chạy, nhưng cái giá bèo ba ngàn rưỡi đồng một tô, lại ăn ngon miệng nên xe hủ tíu của chị luôn đông khách. Ban đầu, ai cũng tưởng cô con dâu độc nhất của một quan chức đầu tỉnh nổi tiếng bán hủ tíu cho vui. Ðến ăn quen rồi, người ta mới biết cái xe hủ tíu đó là nguồn sống của chị và hai đứa con nhỏ. Ba mẹ con họ tự làm tự sống, chồng và gia đình chồng có cũng như không.

Vốn mồ côi, văn hóa lớp 2 trường làng, từ nhỏ tới lớn sống với người chị ruột, làm ruộng đắp đổi qua ngày... Chị không da trắng tóc dài, không môi hồng má đỏ, không mắt bồ câu mày lá liễu, không chân dài người mẫu, không hình dáng thướt tha; nhưng chị có một nước da bánh ít ưa nhìn, đôi mắt sáng, gương mặt hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, hay lam hay làm, thân hình chắc lẳn tràn đầy nhựa sống của một cô gái nông thôn quen lao động tay chân. Nếu lập gia đình với một anh lực điền chân chất, hẳn chị cũng trở thành một người vợ, người mẹ nông dân với cái hạnh phúc bình dị như bao nhiêu người phụ nữ ở làng quê chị lúc bấy giờ. Sự đời nhiều khi xoay chuyển làm người ta đến không ngờ. Ðùng một cái, làng trên xóm dưới từ ngỡ ngàng đổi sang vui mừng cho chị khi biết chị được mối mai gả làm dâu cho một gia đình danh giá chốn thị thành. “Nó đổi đời rồi”, ai cũng nghĩ vậy mà mừng giùm cô thôn nữ.

Lấy chồng không biết mặt chồng,
Ðêm nằm tơ tưởng nghĩ ông láng giềng
”.

Chị chưa hề gặp mặt, chưa một lần trò chuyện, chưa yêu anh bao giờ, nhưng chị cũng đòi bà mai cho chị “xem mắt” anh rồi. Anh đến nhà chị cùng với bà mối và cha mẹ. Anh ngồi im lặng trên ghế, thỉnh thoảng ai hỏi đến mới trả lời lí nhí, không ai hỏi đến thì thôi. Thấy anh trẻ tuổi, khỏe mạnh, mặt mũi sáng sủa dễ coi, lại hiền lành, chỉ đâu ngồi đó nên chị gật đầu bằng lòng làm vợ anh. Một cô gái nông thôn thất học như chị lấy được người chồng thành thị con nhà “danh giá” là ước mơ của biết bao cô gái làng quê.

Về nhà chồng sống với anh một thời gian, chị mới phát hiện một sự thật hết sức phũ phàng: Chồng chị là một người không bình thường. Nói đúng hơn, trước khi lấy chị, anh cũng là người bình thường, cao ráo, đẹp trai, học giỏi, nhanh nhẹn, thích đùa. Nghe nói anh đã yêu một cô bạn học xinh xắn, dịu dàng. Cha cô bạn gái này là sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, nên cha mẹ, anh chị em của anh quyết liệt ngăn cản cuộc hôn nhân, vì theo họ cuộc hôn nhân đó sẽ làm cản trở con đường công danh sự nghiệp có tương lai xán lạn của anh. Sau đó, không biết vì lý do gì, cả gia đình cô bạn gái anh bỏ đi biệt xứ không ngày trở lại. Bị cú sốc tình cảm quá lớn, anh tuyệt vọng nên đã uống thuốc độc tự tử. Gia đình vội vàng chở anh đến bệnh viện, cứu được mạng sống của anh nhưng tâm thần anh không còn bình ổn nữa.

Lúc tỉnh táo, anh cũng hiền lành, cũng tỏ ra biết thương vợ, biết giúp vợ những việc lặt vặt khi buôn bán. Khi lên cơn, anh rượt đánh chị ghê gớm như để hả một cơn giận hờn ẩn uất chất chứa trong lòng mà chỉ có anh mới hiểu: “Hồi đó kêu cưới con nhỏ ốm kia không chịu, đi cưới con nhỏ này bây giờ nó mập thù lù thấy mà ghê”. Láng giềng không ít lần đã chứng kiến cảnh anh cầm cây rượt chị chạy lòng vòng trong xóm. Mỗi lần lên cơn, gia đình lại đưa anh lên bệnh viện tâm thần Biên Hòa hơn sáu tháng mới về. Cũng không ít lần, người ta nghe tiếng mấy cô em chồng “trí thức” to tiếng chì chiết chị: “Anh tao mà không khùng thì thứ mày ai thèm cưới”. Không nghe tiếng chị trả lời. Chị ngồi ngoài sân nhà ôm mặt rưng rức khóc. Tôi thấy mủi lòng thương cho chị.

“Làm dâu khó lắm ai ơi,
Nhịn ăn nhịn mặc nhịn lời mẹ cha.
Làm dâu khổ lắm ai ơi,
Vui chẳng dám cười, buồn chẳng dám than”.

Mỗi buổi sáng, nhìn chị vừa luôn tay bốc hủ tíu vào tô, xắt thịt, trụng hủ tíu... quát đứa con gái lớn chạy tới chạy lui bưng tô, còn chồng chị thỉnh thoảng lại nhắc ghế ra ngồi nhìn chầm chập vào mặt khách, nếu không phải khách quen biết rõ hoàn cảnh gia đình chị thì khách đã chạy mất dép vì sợ cái “ông kẹ” kia. Tôi vừa thấy oái oăm, vừa thương cho chị.

Có khi nghe chị than não ruột: “Buôn bán lời không bao nhiêu, làm chuyện gì nặng cũng phải mướn người khác bởi tui làm không nổi, phải chi trong nhà có đàn ông thì đỡ biết mấy...” Tôi hỏi: “Chồng bà không biết làm sao?” Chị nói: “Ổng không vác cây rượt tui là may lắm rồi chớ ổng mà làm cái gì”.

Tôi trêu chọc: “Sao bà không về quê lấy chồng khác? Giờ còn trẻ không đi, đợi già khú đế mới đi ai thèm lấy. Kiếm ông chồng làm ruộng ổng nuôi bà ăn ở không, ai biểu ham chức vụ bự làm chi, giờ bán hủ tíu cực như trâu, than vãn cái gì”. Chị cười, ánh mắt nhìn ra xa bâng quơ, rồi chị chậm rãi buông từng tiếng: “Cũng muốn về, nhưng ở đây mấy đứa nhỏ đi học được, tui đi rồi tụi nó ở với ai”.

Câu trả lời của chị làm tôi tự nhiên cụt hứng với cái kiểu “giỡn chơi” của mình. Tôi thì nghĩ thương thân phận chị, muốn chị nhanh chóng “tháo cũi sổ lồng” cuộc đời mình, chị thì chỉ nghĩ tới những đứa con. Phải rồi, tụi nó cũng có một thân phận. Thân phận ấy bây giờ đang non tơ và trông chờ tất cả vào xe hủ tíu mà chị quán xuyến hàng ngày. Chị bỏ đi, có nghĩa là trở lại với cảnh mồ côi, lớp 2 trường làng... rồi một ngày lại mối lái và một bước đường không có lối ra như chị ngày xưa hay sao chớ...?

Chị chỉ là một phụ nữ quê mùa, dốt nát, tứ cố vô thân... cả gia tài chỉ là chiếc xe hủ tíu và một người chồng tâm thần. Và cái mà chị có thể cho những đứa con của mình là tuổi thanh xuân. Ðơn giản, vì chị là mẹ của chúng mà thôi...

“Rạm đồng nấu với bẹ môn,
Ðói no mẹ cũng nuôi con nên người”.

Thỉnh thoảng, tôi hay nghĩ về góc đường có người mẹ để tuổi xuân của mình trôi đi từng ngày bên xe hủ tíu ở giữa dòng đời trong đục, rủi may...

...

Tôi khăn gói lên Sài Gòn học suốt một năm 2005 theo sự điều động của cơ quan. Tốt nghiệp, trở về quê nhiều ngày mà không thấy bóng dáng chị cùng chiếc xe hủ tíu quen thuộc. Hỏi thăm những người hàng xóm, họ nói rằng chị đã rời bỏ ngôi nhà sang trọng mà lạnh lẽo tình người, dẫn hai con ra mướn nhà ở khu lao động gần nhị tì Quảng (nghĩa địa người Hoa). Sáng sáng chị vẫn bán hủ tíu, chiều bán vé số kiếm tiền nuôi con ăn học. Chồng chị ở nhà cha mẹ ruột, anh vẫn vô tư với thế giới nội tâm của riêng mình, hình như anh quên rằng anh đã từng có một người vợ hiền và hai đứa con xinh xắn. Còn cha mẹ anh thì nay “định cư” ở một căn nhà khác chăm sóc vuông tôm trù phú thuộc khu đất biển đắt địa ở ngoại thành nổi tiếng về du lịch.

Thỉnh thoảng, cha anh lọ mọ về nhà cũ thăm con trai, anh con trai lại đóng cửa không cho vô nhà, ông phải ra quán cà phê gần nhà ngồi nghỉ mệt. Anh còn chạy theo ra quán cà phê đứng “chống nạnh hai quai” trước mặt ông quát nạt um sùm: “Ông về đây làm gì? Ở đây đâu còn chuyện gì cho ông làm nữa mà về?” Không ai dám lên tiếng bênh vực người cha vì ai cũng sợ ông con “nổi cơn” nhào vô đánh đá lung tung, bởi lẽ anh “tưng tưng” thật nhưng sức vóc lực lưỡng của người đàn ông mới hơn ba mươi lăm tuổi thì anh không hề kém cạnh ai. Ông thì im lặng nhìn con, ông cũng sợ nói tới nói lui với nó một hồi thì “thằng con quý tử” của ông nổi khùng lên vác cây đập luôn cả ông. Hàng xóm láng giềng thấy cảnh ngộ của hai cha con ông chỉ biết thương cảm lắc đầu, chép miệng, người nói “Quả báo nhãn tiền”, kẻ bảo “Oan gia nghiệp chướng”.

Rồi tôi lại lên Sài Gòn, lần này không phải để đi học, mà là đi “phiêu bạt giang hồ”. Mấy năm liền tôi chưa trở về quê lần nào. Nhiều lúc, tôi tự hỏi chị bây giờ có tìm được cho mình một bến đậu bình yên, hay vẫn còn thân phận lênh đênh như chiếc lá giữa dòng? Bất chợt tôi nhớ đến hai câu thơ tôi đã đọc hơn hai mươi năm về trước:

“Nước ròng thương bãi bơ vơ,
Xuồng ai xa lắc xa lơ hỡi xuồng”.