Tản mạn của một nông dân |
Tác Giả: Tu Tran | |||
Thứ Sáu, 08 Tháng 1 Năm 2010 21:21 | |||
Tôi là một nông dân. Tôi tự hào với những gì mình làm ra, nó nuôi sống gia đình tôi, dù còn rất chật vật, và góp một chút sản phẩm nhỏ nhoi cho xã hội. Rất nhiều lần tôi đã tự hỏi: Tại sao nông dân Mỹ chỉ chiếm 2% dân số, nhưng sản phẩm họ làm ra đủ nuôi cả nước và còn dư để xuất khẩu, đời sống nông dân Mỹ sung túc; trong khi Việt Nam với hơn 90% dân số là nông dân, thì nông dân Việt Nam lại rất vất vả với nghề nghiệp của mình? Tôi cho rằng hiện nay ở Việt Nam, nghề nông dù được nhà nước và các phương tiện truyền thông đề cao, nhưng thực tế cho thấy đó là cái nghề mạt hạng. Vì sao? Xin thưa rằng vì ở Việt nam hiện nay, hầu hết nông dân thất học, họ không biết định hướng cho nghề nghiệp, không biết nên trồng cây gì, nên nuôi con gì và nên làm như thế nào cho có hiệu quả. Họ cũng là thành phần bị bóc lột nhiều nhất và chính nhà nước là người bóc lột họ thậm tệ nhất. Này nhé: Các Tổng công ty lương thực miền Bắc và miền Nam đều đạt doanh thu trên 2.000 tỷ trong khi các Tổng công ty đó không làm ra một hạt lúa nào và cũng không hề có một hành động nhỏ nào để giúp đỡ nông dân. Khi giá café hạ xuống chỉ còn 4.000/kg, dân tình điêu đứng, thì nhà nước vẫn thản nhiên, thậm chí trách ngược nông dân – ai biểu trồng chi cho cố! Giá dầu tăng, giá phân tăng, phân bón giả tràn lan… Dân kêu thì cũng chỉ nghe trả lời: cái này là tình hình chung… Rồi xong. Huề! Thậm chí còn có ý định phạt nông dân nếu phát hiện nông dân… xài lầm phân bón giả! Bò sữa dỏm, heo gà dịch… ai chịu? Nông dân chứ ai. Người ta bảo bần cùng sinh đạo tặc. Nông dân không sống được với đất thì họ phải phá rừng, lúc đầu phá ít, sau phá nhiều, phá riết thành quen. Không tham gia phá rừng thì phải chuyển nghề. Đâu có ai thống kê bao nhiêu phần trăm nông dân “chuyển nghề” bán vé số, mua ve chai, đạp xích lô, đi làm mướn, làm công nhân… để mưu sinh? Đất đai miền Trung và miền Bắc khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, diện tích ít, người đông, nên đa số nông dân rất khốn đốn. Miền Tây và miền Đông có đỡ hơn, nhưng ngoại trừ một số ít thuộc dạng địa chủ có nhiều đất, nhiều vốn, nhiều “chất xám” thì còn phát triển và làm giàu. Chứ phần đông còn lại vẫn phải chạy ăn từng bữa. Nhưng ai là “địa chủ”? Ai là người nắm trong tay dăm vài chục mẫu cao su? Ai có hàng chục hecta hồ cá? Ai có hàng trăm đìa tôm? Rừng bị phá nát. Ai đứng đằng sau? Ai có hàng đoàn xe chở gỗ lậu? Ai có cơ sở chế biến lâm sản? Xin thưa đó là “mấy Ổng”. Nhân đây tôi xin bàn sơ về cái gọi là “chống phá rừng” của “mấy Ổng”. Cả một lực lượng hùng hậu, Ban này Ban kia, Bộ này Bộ nọ mà năm nào số diện tích rừng mất đi cũng rất lớn. Vậy là sao? Cây gỗ bự “chà bá” chứ có phải là cây tăm đâu. Gỗ hạ về phải có nơi tiêu thụ, chứ không thì người ta hạ về làm gì? Gỗ cũng đâu có xuất khẩu vì Việt Nam vẫn phải nhập gỗ thêm. Thế thì ai sử dụng số gỗ này? Chỉ cần vào các công ty, xí nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản… “hỏi thăm” số gỗ chất như núi kia ở đâu ra là biết ngay chứ gì. Đơn giản quá mà. Sao “mấy Ổng” lại ngại? Chỉ có Trời và “mấy Ổng” biết. Và với cách làm vậy thì còn khuya mới hết nạn phá rừng. Hôm đi Singapore về, tôi cứ bần thần mãi. Tôi thấy xấu hổ và nhục nhã cho đất nước mình quá. Singapore chỉ bé như “cái lổ mũi”, mà sao dân họ sướng vậy không biết!? Trong khi 40 năm trước họ đâu có hơn gì mình! Tôi tức và buồn không chịu được. Nước Nhật hoang tàn sau chiến tranh, lại còn bị người Mỹ chiếm đóng, nhưng chỉ 15 năm sau, họ đàng hoàng đứng dậy và làm cho người Mỹ và thế giới phải nể phục. Nước ta sau chiến tranh, khu vực từ Sài Gòn về miền Tây hạ tầng cơ sở còn y nguyên. Khu công nghiệp Biên Hòa là khu công nghiệp đầu tiên của Đông Nam Á khi ấy vẫn còn nguyên vẹn. Nếu so về mọi mặt thì ta vẫn hơn Nhật và Đức sau chiến tranh rất nhiều. Vậy mà mỗi khi bào chữa về sự phát triển chậm chạp của đất nước, “mấy Ổng” hay đem chiêu bài “nước ta bị chiến tranh tàn phá nặng nề” ra để “đỡ đạn”, nói riết thành quen nên không còn biết ngượng nữa. Tôi còn nhớ một câu nói: Bạn không biết chấp nhận cái nghèo đã là điều xấu hổ, nhưng không biết đuổi nó đi bằng lao động thì còn xấu hổ hơn. Tôi tin rằng “mấy Ổng” đi nước ngoài nhiều, cũng thấy được nhiều, chắc cũng biết xấu hổ, nhưng có lẽ vì “cái nồi cơm” lớn quá nên KHÔNG THỂ VÀ KHÔNG MUỐN THAY ĐỔI. Đâu ai chịu đập bể hay chịu nhường “nồi cơm” của mình cho kẻ khác. Một nông dân HO Mạng Bauxite Việt Nam biên tập
|