Có một thương gia cực kỳ say mê hội họa, tiền có được từ việc kinh doanh, ông đều đổ hết vào niềm đam mê sưu tầm tranh... Ông đã sở hữu được một bộ sưu tập đồ sộ với nhiều tác phẩm hết sức giá trị... Ông góa vợ và chỉ có duy nhất một đứa con trai, nên ông đã truyền lại niềm đam mê của mình cho con, và ông rất tự hào khi cậu cũng trở thành một nhà sưu tập nổi tiếng như ông. Chiến tranh. Như mọi thanh niên khác, cậu con trai phải đi lính và ra mặt trận... Một hôm, ông nhận được một phong bì màu xám gửi về từ mặt trận, thông báo rằng : Con trai ông đã mất tích. Khó có thể hình dung nỗi đau khổ tận cùng của ông, và khủng khiếp hơn khi ông không biết điều gì đã xảy ra với con. Vài tuần sau, ông chết lặng khi lại nhận được một phong bì màu xám giống như lần trước...Trong nỗi buồn tuyệt vọng, tuy không muốn, nhưng ông vẫn từ từ bóc bao thư ra...Lá thư khá dài, với nét chữ nắn nót, kể lại ngày cuối cùng của con trai ông ...Trận đánh đã diễn ra ác liệt, con trai ông đã rút về phía sau an toàn...nhưng ngoài trận địa vẫn còn rất nhiều thương binh đang nằm lại...Anh ấy đã quay lại, và đưa về từng người một...cho đến người cuối cùng, khi về gần đến nơi, anh ấy đã trúng đạn và hy sinh... Một tháng sau, đêm Noel...Ông không bước chân ra khỏi nhà, lặng lẽ ngồi ngắm nhìn những bức tranh và nhớ đến con trai. Ngoài trời, tuyết rơi trắng xóa. Bỗng chuông cửa vang lên trong không gian u tịch. Đứng trước cửa là một chàng trai, mặt tái xanh vì lạnh, tay ôm một gói to...Chàng trai nói: - Thưa bác, bác không biết cháu, nhưng cháu là bạn con trai bác và là người cuối cùng được anh ấy cứu trước khi hy sinh...Anh ấy thường kể về bác, kể về niềm đam mê hội họa của bác và của cả anh ấy...cháu không phải họa sĩ, nhưng cháu đã vẽ lại chân dung con trai bác để tưởng nhớ anh ấy. Cháu không giàu có, nên không biết phải có quà gì để đến thăm bác ngày hôm nay, vậy cháu xin tặng lại bác bức tranh này...! Người cha mang bức tranh vào nhà, hạ bức đắt giá nhất treo bên trên lò sưởi - chỗ trang trọng nhất trong căn phòng và treo bức chân dung với nét vẽ thô vụng của chàng trai lên chỗ đó...Nước mắt rưng rưng, ông nói với chàng trai: - "Đấy là bức tranh giá trị nhất mà ta có...!" Đêm Noel đó, chàng trai ngồi lại với ông đến sáng. Rồi hai người chia tay. Một năm sau, ông lâm bệnh nặng và qua đời. Tin về việc ông qua đời lan đi rất xa, nhưng người ta chỉ quan tâm đến bộ sưu tập tranh tuyệt đẹp của ông...Giáng Sinh năm đó, người ta tổ chức buổi bán đấu giá bộ sưu tập của ông. Các nhà sưu tập, đại diện các bảo tàng và cả các thương gia giàu có đều háo hức kéo đến tham dự. Phòng đấu giá chật ních. Người điều khiển đứng lên và nói : - Tôi xin trân trọng cảm ơn quý vị đã có mặt hôm nay...Phiên đấu giá sẽ bắt đầu bằng bức tranh này...! Hàng trăm cặp mắt chăm chú hướng về bức tranh nhỏ phủ kín đặt trên giá...Tấm vải được nhẹ nhàng gỡ ra...Nhiều tiếng "Ồ!" thất vọng, một người la lên : " Hình như là chân dung con trai ông ấy mà, sao không bỏ qua mà bắt đầu bằng những bức thật sự có giá...?" Người điều khiển nói : - Chúng ta hãy bắt đầu bằng bức này...! Ai muốn mua với giá 100$ ? Không có ai trả lời - Ai muốn mua với giá 50$ ? - Ai muốn mua với giá 40$? - Ai muốn mua với giá 25$ ? Căn phòng im phăng phắc... - Không ai muốn trả giá cho bức tranh này sao ? Người điều khiển hỏi. Bỗng, từ tít xa trong góc phòng, một người đàn ông dáng nghèo khổ rụt rè đứng lên nói : - Anh có thể bán với giá 10$ được không ? Anh thấy đấy, tôi chỉ có ngần này, nhưng tôi là hàng xóm của ông cụ và tôi biết thằng bé đó từ ngày nó còn bé tý...Tôi yêu nó, tôi muốn có bức tranh đó. Vậy anh có đồng ý bán không ? Người điều khiển giơ cao chiếc búa gỗ : - 10$ lần thứ nhất ! - ....lần thứ 2. Bán ! Tiếng ồn ào vui vẻ nổi lên, có tiếng xì xào :" Giờ mới có thể thật sự bắt đầu...!" Người điều khiển nói : - Chúng tôi vô cùng vinh hạnh khi có sự góp mặt đông đủ của quý vị, trân trọng cảm ơn sự quan tâm sâu sắc của quý vị đối với bộ sưu tập được giới thiệu hôm nay. Buổi đấu giá hôm nay đến đây kết thúc.! Tiếng la ó giận dữ nổi lên ngắt lời người điều khiển - Thê là thế nào ? - Sao lại như thế được, đã bán được bức nào ra hồn đâu ??? Người điều khiển đợi cho đám đông tạm lắng mới nói : - Thành thật xin lỗi quý vị, nhưng tôi chưa nói xong...Giờ tôi xin phép đọc chúc thư của chủ nhân : “Người nào sở hữu bức chân dung con trai tôi, mặc nhiên sẽ sở hữu tất cả những bức còn lại”. Và đó cũng là lý do kết thúc buổi đấu giá ngày hôm nay. xin cảm ơn tất cả quý vị.! Tặng vật của tình yêu: Người Chồng Chung Tình Những người khách trên xe buýt nhìn với vẻ thương cảm khi người phụ nữ trẻ xinh đẹp lần dò lên chiếc xe buýt bằng cây gậy màu trắng. Cô trả tiền cho bác tài, và dùng tay dò dẫm từng chiếc ghế ngồi, từ từ đi xuống theo lối đi giữa xe và tìm được ghế trống bác tài đã nói. Rồi cô ngồi vào chỗ, đặt chiếc cặp lên lòng và chiếc gậy dựa vào chân. Đã một năm rồi từ ngày Susan, khi ấy mới 30 tuổi, bị mù. Do một chẩn đoán y khoa sai lầm khiến cô thành khiếm thị. Cô đột nhiên rơi vào một thế giới tối đen, phẫn nộ, tuyệt vọng, chỉ còn biết thương thân trách phận. Và cô phải bám chặt vào chồng cô, Mark. Mark là một sĩ quan không lực và anh yêu vợ với cả trái tim bằng lòng chung thủy: một tình yêu mãnh liệt như 5 năm trước mới yêu nhau.
Khi vợ bị mất thị lực, thấy cô chìm sâu trong tuyệt vọng, anh xót thương và quyết định giúp vợ lấy lại sức mạnh cũng như sự tự tin – những gì cô ấy cần để có thể tìm lại sự độc lập cho bản thân. Cuối cùng, Susan cảm thấy cô đã sẵn sàng trở lại làm việc, nhưng cô sẽ đi đến đó bằng cách nào? Trước đó cô vẫn thường đi xe buýt, nhưng bây giờ cô quá sợ nên không thể đi lại trong thành phố một mình. Mark tự nguyện lái xe đưa cô đi làm hàng ngày mặc dù nơi làm việc của họ ở hai đầu thành phố.Thoạt đầu, điều này an ủi Susan, và khiến cho Mark thấy dễ chịu vì đã làm được việc bảo vệ người vợ khiếm thị của anh hiện giờ cảm thấy bất an trong mọi chuyện. Tuy nhiên, chẳng bao lâu Mark nhận ra cách sắp xếp như thế không ổn, không giúp được cho Susan tự hòa nhập với hoàn cảnh mới. Anh tự nhủ: Susan cần phải đi xe buýt trở lại. Nhưng cô còn quá yếu đuối, quá bi quan- cô sẽ phản ứng như thế nào với những tình huống trên xe? Đúng như Mark dự đoán, Susan kinh hoàng trước ý kiến đi xe búyt như trước. Cô cay đắng nói: “ Em mù lòa! Lam sao em biết em đang đi đâu? Em có cảm giác anh muốn bỏ em.” Trái tim Mark như vỡ ra khi nghe những lời này, nhưng anh biết mình phải làm gì. Anh hứa với Susan rằng anh sẽ đi xe buýt với cô mỗi sáng và mỗi chiều bao lâu cũng được cho đến khi cô đã quen và tự lo liệu được. Quả đúng như vậy. Trong suốt 2 tuần, Mark, mặc bộ quân phục, đi cùng vợ trên xe buýt đi về mỗi ngày. Anh dạy cô cách dựa vào các giác quan kia, nhất là thính giác, để xác định xem mình đang ở đâu và làm thế nào để thích nghi đượcvới hoàn cảnh mới . Anh giúp cô kết bạn với các tài xế xe buýt nhưng người có thể trông chừng cô và dành cho cô một chỗ. Cuối cùng , Susan quyết định cô đã sẵn sàng để tự mình đi xe buýt. Buổi sáng thứ sáu đó, trước khi đi làm, cô vòng tay ôm Mark, người bạn đồng hành xe buýt, người chồng, người bạn tốt nhất đời cô.. Mắt cô đẫm lệ, những giọt lệ biết ơn về lòng chung thủy, sự kiên nhẫn của chồng cô. Và vì tình yêu của anh nữa. Thứ hai, thứ ba, thứ tư, thứ năm …. Mỗi ngày qua đi với những chuyến xe buýt cô tự lên xuống thành công, và Susan cảm thấy như chưa bao giờ cuộc đời chìm trong bóng tối của cô có thể tốt hơn. Cô đang làm được việc đó. Cô sẽ tự đi làm một mình. Sáng thứ sáu, Susan đón xe buýt đi làm như thường lệ. Khi cô trả tiền vé để xuống xe, bác tài nói: “ Này cháu, bác ghen với cháu đó”. Susan không chắc là bác tài đang nói với mình. Xét cho cùng, còn ai trên đời này lại đem lòng ganh tị với một phụ nữ bị mù phải vật vã tìm hi vọng sống trong một năm qua? Ngạc nhiên, cô hỏi bác tài : ” Tại sao bác nói bác ghen với cháu?” Bác tài đáp: “ Cháu biết đấy, suốt tuần rồi sáng nào một người đàn ông đẹp trai mặc quân phục cũng đứng ở góc đường nhìn cháu xuống xe. Anh ấy chờ đợi cháu băng qua đường an toàn rồi nhìn cháu đi vào tòa nhà văn phòng. Anh chàng gửi cho cháu một nụ hôn gió, vẫy tay chào rồi quay đi. Cháu là một phụ nữ thực may mắn. “ Những giọt nước mắt hạnh phúc tuôn trào trên má Susan. Dù cô không thể nhìn thấy Mark, cô vẫn cảm nhận sự có mặt của anh. Cô thực may mắn, may mắn vô cùng. Vì anh đã tặng cho cô tặng vật quý giá hơn cả thị giác của cô, tặng vật mà cô chẳng cần nhìn thấy mới tin. Tặng vật của tình yêu đã đem ánh sáng đến soi sáng cho nơi chỉ có bóng tối bủa vây. by Huynh Hue (Dotchuoinon) Nguồn : A Gift of Love Chuyện cổ tich Một gã trung niên lang thang vào công viên, tìm đến một ghế đá, ngồi xuống, và khóc nức nở. Chợt thấy một ông già với bộ râu dài, bạc như cước, khuôn mặt hồng hào, phúc hậu, hiện ra trước mặt. Ông cụ hỏi gã trung niên: - Làm sao con khóc? Gã mếu máo: - Thưa cụ, con buồn quá, tức quá, không khóc, không chịu được! Nhưng mà cụ là ai? Ông cụ mỉm cười hiền hậu: - Con quên rồi sao? Ta là người đã xe duyên cho con gặp vợ con, hồi bốn mươi năm trước đó! Gã đàn ông sửng sốt, vội chắp tay: - Vậy ra, cụ là Nguyệt Lão! Vâng, con nhớ rồi. Ông cụ nâng gã đứng dậy, ôn tồn: - Ở nhà con, có chuyện gì vậy? Gã đàn ông kính cẩn: - Cụ hỏi vậy, là cụ biết hết rồi. Nên con không dám giấu gì cụ cả. Con vừa bị vợ con chửi mắng một trận tàn tệ. Con nói một, nàng nói mười...Rồi nàng lại còn chửi con "Anh là thứ người độc ác với vợ con. Tôi thật ngu dại, mới lấy anh. Biết anh tàn tệ như vậy, tôi thà ở lại Việt Nam, chứ không sang đây với anh làm gì!" Nàng còn bảo con "Anh Cút Đi Cho Khuất Mắt Tôi" nữa! Mà con có làm gì nên tội đâu! Con bực mình quá, lái xe phóng tới đây... Cụ già khoát tay: - Con nói vậy, là ta hiểu rồi. Nhưng con làm gì để đến nỗi bị vợ la mắng như vậy? Gã phân trần: - Con có làm gì đâu! Vợ con không thích ăn cá bông lau, chê nó nhớt, nên không chịu mua về. Con thèm ăn cá bông lau kho, nên ghé chợ, xách về một con. Rửa cá xong, con ướp mắm muối, kẹo đắng, cho vào nồi kho với lon CoCo, rồi bưng chậu nước tạt ra bụi cây ngoài cửa. Vợ con bước ra sân, ngửi thấy mùi tanh. Thay vì bảo con xịt nước thêm, cho hết mùi, nàng tự ý ra chùi rửa, rồi vào nhà gây chuyện với con... Nguyệt Lão vuốt chòm râu bạc : - Khi vợ con bắt đầu gây chuyện, thì con phản ứng ra sao? Gã đàn ông nói: - Dĩ nhiên là con trình bày cái lý của con chứ. Con nói là nàng không làm, thì con làm. Con đâu có sai bảo nàng chút xíu việc gì đâu. Còn cái chuyện tạt nước rửa cá ra bụi cây trước nhà, con nhận là lỗi con ẩu, và bảo lẽ ra, nàng chỉ cần nói "anh làm dơ phía trước nhà, anh lo chùi rửa đi". Cớ sao nàng phải tự hành hạ mình, ra ngoài trời lạnh làm công việc đó, để có cớ mà chửi mắng con??? Ông cụ cười nhẹ: - Con nói đến "cái cớ" là có vẻ như con đã hiểu đầu đuôi sự thể rồi đấy! Gã đàn ông tròn mắt: - Thưa cụ nói vậy là làm sao, con chưa hiểu? Nguyệt Lão tiếp: - Con ở với vợ con đã gần bốn mươi năm rồi. Trong suốt thời gian đó, con có nghĩ mình là một người chồng hoàn toàn không? Có bao giờ con làm điều gì cho vợ con phải héo hon, đau khổ chưa? Gã ngần ngừ một vài giây, rồi ấp úng: - Vâng, con phải nhận là mình đã có một số hành động bất xứng, lừa dối vợ, bồ bịch lăng nhăng, vui chơi nhậu nhẹt, say sưa với bạn bè ... Ông lão ngắt lời gã: - Thôi, như vậy cũng đủ rồi. Con nên nhớ là hôm nay, vợ con đã nói năng như thế đối với con, chẳng phải vì chuyện con tạt thau nước rửa cá ra sân trước đâu. Phản ứng của vợ con là kết quả tích tụ lâu ngày của biết bao nhiêu cay đắng, buồn giận, đau khổ, mà nàng đã phải cắn răng chịu đựng từ khi về chung sống với con đấy. Nhất là người phụ nữ khi gần bước vào tuổi sáu mươi, thấy mình đã có những triệu chứng già nua, nhan sắc bắt đầu phai nhạt. Họ đầy mặc cảm, và rất dễ tủi thân. Ta tưởng con là người học rộng, hiểu nhiều, lẽ ra con phải biết điều ấy chứ ? Gã đàn ông chợt thả hồn về những ngày tháng hoa mộng hơn bốn mươi năm xưa ở thành phố Saigon thân yêu, khi gã vừa ngoài hai mươi, gặp người thiếu nữ kiều diễm đó, say mê theo đuổi nàng, và đã vượt qua nhiều trở ngại để được kết hôn với nàng. Nàng đã sinh cho gã những đứa con ngoan, thay gã dạy con sống ngay lành, và giữ lòng chung thủy trọn vẹn với gã suốt hàng chục năm, mà vì chinh chiến, tù tội, vượt biên, gã phải sống xa cách nàng. Gã không thể quên những ngày bệnh hoạn, đói khát trong tù, nàng đã lặn lội cả trăm dặm đường, đi xe lửa, xe thồ, lội bộ, vác những bao đồ ăn, thuốc men, giúp hắn sống sót. Rồi vừa được thả, hắn đã vượt biên ngay, để nàng ở lại tiếp tục vất vả nuôi đàn con dại. Tới ngày vợ chồng đoàn tụ, vì gã chỉ là anh thợ lắp ráp điện tử, lương tối thiểu, để phụ giúp gã, nàng đã phải đi làm ở mấy hãng may trong suốt mười năm, cả ngày hít thở bụi vải, khói thuốc lá, nghe những lời chọc ghẹo, tiếng chửi thề của đám thợ đàn ông cùng hãng, buổi trưa đem theo hộp cơm hay gói mì, để mỗi tuần đem về một vài trăm góp vào tiền nhà, tiền xe...với gã. Mười mấy năm ở Mỹ trôi qua thật nhanh. Bây giờ con cái đã lớn, có gia đình, công việc làm, sống xa vợ chồng gã. Vợ gã đã thôi đến shop may, vì bụi vải và khói thuốc, cùng công việc lao lực đã gây cho nàng bệnh đau bao tử nặng nề. Hắn cũng sắp về hưu, chỉ còn làm part-time cho một hãng tiện. Hai vợ chồng già tưởng sẽ sống nốt những ngày tháng êm đềm bên nhau. Nhưng lắm khi, chỉ vì mấy chuyện không đâu, đã có những trận đấu khẩu kịch liệt, mà rốt cuộc, vợ hắn xách gối qua ngủ phòng bên cạnh, gài chốt cửa lại, còn hắn thì tự ái, cũng chẳng chịu qua gõ cửa làm lành! Gã chợt mở mắt ra. Ông lão vẫn còn đứng đó. Giọng ông ôn tồn: - Con thấy đó, còn được cãi nhau với người mình thương yêu, là con vẫn còn hạnh phúc đấy! Nhưng cãi cọ, dù dữ dội thế nào đi nữa, chính con là người sẽ phải làm lành với vợ con. Con hãy luôn tâm niệm mình là người may mắn, vì một số bạn con đang sống trong cô đơn, đau đớn, tiếc nuối, nhớ thương người bạn đường của họ đã rời khỏi trần gian này quá sớm. Con đừng bao giờ dùng lý lẽ để hơn thua với vợ con hết. Nếu lỡ có lúc nào nàng nóng giận, lớn tiếng la rầy, hay thậm chí, mắng chửi con, đuổi con ra khỏi nhà, con cũng đừng bao giờ phản ứng nông nổi, trả đũa, nói lại những lời xúc phạm tương tự, vì mình là đàn ông, phải độ lượng và tha thứ.. Gã lắng nghe, như muốn uống lấy những lời ân cần, yêu thương, của vị thần đã kết tóc xe tơ cho vợ chồng gã. Gã vừa định nói thì ông lão đã vẫy tay: - Thôi, ta nói ít, mong con hiểu nhiều. Lúc nào con có việc cần, cứ lại đây tìm ta. Gã vừa toan quì xuống, chào từ giã ông cụ, thì thấy cánh tay mình hất phải thành ghế xi măng phía sau. Thì ra, hắn vừa tỉnh giấc sau một thoáng mơ màng trong công viên thành phố. Nhìn quanh, gã thấy cảnh sắc mùa Thu chiều nay có vẻ ấm áp hơn. Gã ngồi đấy, lim dim, nhớ lại biết bao nhiêu điều tốt đẹp nơi vợ hắn, và thấy cơn nóng giận vừa qua của nàng chẳng đáng gì để hắn phải chấp nhất, buồn phiền. Gã nhớ lại cuốn phim "Love Story", đã đi xem với nàng ở Rạp Minh Hiển, Long Xuyên, hồi hai đứa mới lấy nhau, trong đó nhân vật chính nói một câu mà thiên hạ đã trích dẫn cho đến mòn đi rồi "Love Is Never Having To Say You're Sorry!" Bây giờ, mái đầu đã bạc quá nửa, gã mới nhận ra một điều quan trọng trong cuộc sống lứa đôi, là lắm khi cần phải sửa câu nói trên thành ra "Love Is Always Being The First To Say I Am Sorry!" Gã tâm đắc với một lời khuyên đã đọc ở đâu đó: "Nếu bạn thật sư yêu một người nào đó, thì dù bạn có lỗi hay không, nếu người ấy giận bạn, bạn hãy cứ nhận lỗi trước đã." Gã khoan khoái đứng dậy, miệng lẩm bẩm câu ca quen thuộc thuở xưa thường hát cho nàng nghe, khi hai đứa mới thương nhau "Anh yêu nhất đôi môi hồng Yêu đôi mắt say mơ Anh yêu tóc em buông dài Yêu em tình ngất ngây. Anh yêu mãi đôi tay mềm Yêu em lúc em đan Anh yêu tiếng ca êm đềm Khẽ hát câu dịu dàng Chiều chiều bên nhau nhìn trăng vàng Tay cầm tay ta cùng mơ màng Xây đắp mộng đẹp cho tương lai Thương yêu nhau mãi mãi...."
Gã mở máy xe, lái đến ngôi chợ Mỹ gần nhà, vào gian hàng bán táo Fuji, thứ táo vợ hắn ưa thích nhất, mua cho nàng một bọc táo thật to... Gã mở cửa, bước vào nhà. Trong bếp, vợ gã đang đứng rửa cái thớt, con dao, tô nhựa ướp cá, gã dùng ban nãy, hãy còn bỏ trong bồn rửa chén đĩa. Gã đặt nhẹ gói táo lên counter bên cạnh vợ, rồi vòng tay choàng quanh người nàng, không cho nàng kịp vùng vẫy. Miệng gã ấp úng: - Anh xin lỗi em. Đừng giận anh nữa! Vợ gã nhìn gói táo: - Hôm nay, bao nhiêu một pound? Gã đáp: - Một đồng. Vợ gã tiếc rẻ: - Vậy mà hôm qua, ở chợ Việt Nam, họ bán có 69 xu, em không mua! Tự nhiên, gã thấy thương vợ gã quá! Tội nghiệp, nàng chẳng bao giờ đua đòi, sắm sửa như một số phụ nữ khác. Lúc nào nàng cũng sống giản dị, tằn tiện, luôn dành những cái tốt nhất cho chồng, cho con. Vẫn ôm chặt nàng trong tay, gã hỏi: - Em hết giận anh rồi chứ? Nàng cười: - Sao mà anh cù lần thế? Còn giận anh, ngu gì người ta đứng rửa chén đĩa cho anh, như thế này! Gã thấy trong lòng hân hoan, tưng bừng như mở hội. Gục đầu lên vai người vợ, gã say sưa hít hà mùi hương bồ kết tỏa ra từ suối tóc nàng. Gã thấy mắt mình bỗng cay, và môi mặn ướt! 4 tháng 12, 2009
|