“Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác chủ nghĩa MACKENO!” Tối ba mươi tết, trên đường Hà Nội, có một người đàn ông cỡi chiếc Honda Cub chạy vào thành phố. Giờ này ai cũng lo chuẩn bị đón giao thừa, chỉ những người quá bận hoặc quá rảnh mới rong ruổi ngoài đường. Đường tối và vắng lắm, lại là con đường mất an ninh, thường xảy ra những vụ cướp giật, trấn lột. Người đàn ông hiểu rằng chuyện gì cũng có thể xẩy ra trên xa lộ không đèn này nên cố mở mắt thật lớn để cảnh giác. Ước chi những cột đèn cao áp hai bên đường không bị mất bóng. Xe qua cầu Rạch Chiếc, chỉ còn một cây số, qua khỏi ngã ba Cát Lái là có thể yên tâm. Nhưng kìa, có chuyện gì lạ ở phía trước rồi? Dưới ánh đèn pha sáng quắc, người đàn ông thấy rõ ràng trên mặt đường có một cái nón lá một chiếc guốc và một giỏ xách văng tung tóe. Sát bên lề đường là một cô gái nằm sóng sượt. Người đàn ông rùng mình tự hỏi: Chạy thẳng hay dừng lại! Và anh quyết định rất nhanh, rú ga vượt qua hiện trường, bánh xe cán bẹp dúm luôn chiếc nón lá. Cũng trong cái thấp thoáng của ánh đèn xe, anh ta vừa nhận thấy cánh tay cô gái máy động run rẩy đưa lên cầu cứu. Trong trường hợp này, chỉ có loại đàn ông hạng bét mới cam tâm chạy thẳng. Thế là anh ta quàng xe, dừng lại, đến bên người bị nạn. Đang nằm như một xác chết, nạn nhân bỗng mở mắt, toét miệng cười nói tỉnh queo: “Em biết thế nào anh Hai cũng quay lại, chứ đâu nở bỏ em nằm một mình. Vậy mới là đàn ông chớ”. Người đàn ông chợt hiểu, vụt đứng dậy thì hai bóng đen từ sau gốc cây đã xuất hiện. Bốp! Một vật cứng giáng vào đầu khiến anh ta gục xuống bất tỉnh. Mãi gần đến sáng mới có xe tuần cảnh phát hiện, đưa anh ta vào bệnh viện. Nạn nhân được cứu sống nhưng xe Honda và tư trang mất sạch.
Câu chuyện kể trên xảy ra hồi tết năm ngoái. Người đàn ông bị nạn là bạn thân của tôi, làm nghề dạy học. Khi tôi vào bệnh viện thăm thì bạn tôi đã tỉnh táo, đang được truyền dịch để hồi sức.
Tôi vừa nghe anh ta kể chuyện, vừa ghi chép lia lịa vào sổ tay. Thấy thế bạn tôi hỏi:
- Ghi làm gì? Bộ tính đăng báo hả?
Tôi gật đầu:
- Bọn lưu manh gài bẫy kiểu nầy quá độc, phải cho mọi người biết để cảnh giác.
Người bệnh lắc đầu mệt mỏi:
- Đừng, xin anh đừng đưa lên báo,cũng đừng kể cho nhiều người nghe chuyện này.
- Sao vậy?
- Nếu ai cũng biết chuyện này, tôi e rằng từ nay về sau, dẫu có người bị tai nạn thật, nằm chờ chết giữa đường cũng không ai còn có lòng cứu giúp.
Tôi cãi lại:
- Vậy chứ anh không nhớ câu của Phu Xích trong quyển sách “Viết dưới giá treo cổ: “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác”. Vừa qua, anh thiếu cảnh giác một chút mà suýt mất mạng, không phải là chuyện nhớ đời ư?
Bạn tôi mỉm cười :
- Phu Xích viết câu đó mang những ý nghĩa lớn lao khác. Các anh học được câu đó, không biết dùng vào chỗ nào lại đem đại danh của Phu Xích “dẫn mối” cho ba chuyện hình sự lặt vặt, có khác gì dùng dao mổ trâu để thiến gà. Tôi thường đọc các tin vụ án nên cũng biết được khá nhiều chuyện cảnh giác. Biết vậy, nhưng nếu đêm hôm ấy, tôi vì cảnh giác mà cứ bỏ mặc cô gái bên đường, phóng xe chạy thẳng thì tuy không mất xe, nhưng tư cách làm người liệu có còn được chăng?
Trong khi tôi cắn bút phân vân thì bạn tôi nói tiếp:
- Nếu túi khôn của loài người không chứa đựng điều gì lớn lao hơn là những mẩu chuyện cảnh giác sau cùng là: Đến một lúc nào đó, lòng vị tha, nhân ái trong trái tim sẽ phải đội nón ra đi, để nhường chỗ cho cái gọi là “chủ nghĩa Mackeno”.
Rồi bắt chước di phong của Phu Xích dưới giá treo cổ, anh bạn tôi ngửa mặt nhìn chiếc giá treo bình sérum lơ lửng trên đầu, vui vẻ hô một câu khẩu hiệu lạ hoắc: “Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác chủ nghĩa MACKENO!”
(MACKENO = mặc kệ nó.)
|