Một ngày như mọi ngày |
Tác Giả: Huy Phương | |||
Thứ Hai, 19 Tháng 10 Năm 2009 17:36 | |||
Chúng ta vẫn thường dửng dưng khi nghe nói: “Hôm nay là ngày thứ 236, còn 129 ngày nữa là hết năm”. Thực sự chúng ta có mong đợi để phải đếm từng ngày cho hết năm như người vẫn thường có thói quen “countdown” cho đến ngày khai mạc thế vận hội, ngày bầu cử tổng thống Mỹ hay đếm giờ đợi New Year không? Không đợi, không chờ, kim đồng hồ vẫn nhích đi từng nhịp một, và bóng nắng đang xê dịch dần dần ngoài kia. Cũng như một cái máy chạy đều, mỗi sáng thức dậy, lo con cái, hấp tấp đến sở làm, chiều về vội vã cơm nước, sinh hoạt với gia đình, xem lại đồng hồ báo thức trước khi lên giường, rồi thiếp đi trong giấc ngủ để chờ sáng mai thức dậy tiếp tục một ngày mới. Vui khi thấy đã hết ngày Thứ Sáu và chừng như nghe nặng nhọc phải thức giấc vào mỗi sáng Thứ Hai “Black Monday”. Chúng ta không mong đợi cho mỗi ngày chóng qua, nhưng vẫn thấy vui khi nghĩ đến những ngày cuối tuần, có khi còn mệt hơn cả ngày thường, nhưng được nằm nán trên giường buổi sáng, được làm những việc khác với năm ngày làm việc đã qua. Hai ngày cuối tuần kết hợp với một ngày lễ, đôi khi còn đón được một người bạn ở xa, tổ chức cho gia đình một chuyến đi ngắn. Những ngày lễ Thanksgiving, Giáng Sinh hay Tết Nguyên Ðán là những trạm nghỉ (rest area) trên xa lộ dài hun hút, với phong cảnh hai bên đường tẻ nhạt của cuộc đời. Những ngày lễ như thế cùng với những ngày Hiền Mẫu hay Nghiêm Phụ hằng năm, anh em một nhà có cơ hội sum họp, gặp gỡ, ngồi lại với nhau, nghĩ đến nhau. Chúng ta thử tượng tượng nếu không có ngày Thứ Bảy, Chủ Nhật, không có những ngày lễ lạt, mỗi tuần 7 ngày thứ hai, mỗi tháng 30 ngày đều đặn, mỗi năm 365 ngày tẻ nhạt thì cuộc đời buồn nản biết chừng nào! Robinson Crusoe đắm tàu và trôi giạt đến một hoang đảo xa xôi trong vùng biển Caribbean, ông ta đã sống ở đó 28 năm ròng rã. Robinson đánh dấu mỗi ngày qua bằng cách dùng dao khắc lên một cây thánh giá bằng gỗ, vẫn nuôi hy vọng một ngày nào đó được giải thoát. Tuy hoàn toàn tuyệt vọng, Robinson, mỗi ngày vẫn đi quanh hòn đảo, hướng mắt ra biển cả mênh mông, hy vọng nhìn thấy một con tàu xuất hiện ở cuối chân trời. Nếu không có một niềm tin hay một nguồn hy vọng nào đó, làm sao Robinson có thể sống cho đến lúc được cứu vớt bởi một chiếc tàu buôn Anh Quốc. Những người tù mang những bản án năm, mười năm, vẫn còn nuôi được hy vọng bằng cách đếm thời gian mỗi ngày cho đến lúc xong bản án, và còn mong được tha về sớm. Ngay như những người tù không bản án bị tập trung trong chế độ Cộng Sản không biết đến ngày về cũng có thể sống bằng những hy vọng gần trong tầm tay, dù chỉ là những hy vọng nhỏ nhoi làm cho con người có thể sống còn qua bao nhiêu nỗi đau đớn nhọc nhằn. Khi người ta không thể có những hy vọng hão huyền như trong một đêm tối nào đó, có một toán trực thăng biệt kích đến giải thoát cho những người tù thì cũng có những hy vọng nhỏ nhoi, như một ngày Chủ Nhật được để cho tấm thân gầy guộc, mất máu nghỉ ngơi một này, chờ đợi một chuyến thăm nuôi hay một lá thư từ thành phố xa xôi hay tầm thường như một lát thịt trong một ngày lễ lớn của bọn cai tù. Cũng có người mong đêm tối đi qua và một ngày đến đem lại ánh sáng mặt trời, nhưng cũng có trường hợp những người tù vô vọng muốn đêm kéo dài mãi mãi: “như mỗi đêm sợ sáng mai, một ngày nối tiếp một ngày trầm luân”. Con người thế tục, sống vô dụng, và tuổi già như tôi, nhiều khi bất chợt nghĩ, chẳng làm gì ích lợi cho ai thì sáng thức giấc, tối lên giường thì cảm thấy “một ngày như mọi ngày”. Mỗi buổi sáng chúng ta thường thức giấc trước những việc sắp phải làm, phấn khởi trước một ngày mới đang tới, nhưng cũng có những lúc chúng ta buồn nản tuyệt vọng não nề, nó làm thiêu hủy tất cả ý chí và sức mạnh của chúng ta, đó là những lúc bị cơn trầm uất hành hạ. Các bạn già của tôi đã thấm nỗi buồn lúc đến tuổi mà người ta gọi là “xế chiều”, “xế chiều” nghĩa là nắng sắp tắt và bóng tối sẽ buông xuống. Như cuộn chỉ thời gian sắp kéo hết gần đến lõi chỉ, chúng ta còn bao ngày nữa với thế gian, nên mỗi ngày đi qua là mang đến một nỗi buồn. Mỗi buổi tối tôi thường làm việc kéo những tấm màn che cửa sổ lại, và cứ mỗi lần như thế, tôi không khỏi làm sao xua bỏ được ý nghĩ là một ngày đã qua, và thời gian giữa những lần làm việc ấy, tôi thấy hình như quá ngắn ngủi, dường như không hề hiện hữu. Có người nhận thấy một ngày đã trôi qua khi họ thức dậy đánh răng mỗi sáng, tắt đèn khi lên giường vào ban tối hay làm một việc nhỏ nhặt gì đó đều đặn mỗi ngày. Cũng có người thấy một tuần lễ đã trôi qua quá nhanh khi đẩy cái thùng rác ra đường và thầm nhủ: “mới đó lại Thứ Ba (hay Thứ Tư) rồi!” Các nhà tâm lý học khuyên tuổi già muốn sống vui và sống lâu phải có những cái “thêm”, đó là: - thêm bạn, - thêm công việc và, - thêm những chuyến du lịch. Thêm bạn là thêm những buổi chuyện trò, chuyện trò thường giải tỏa được ẩn ức, thêm những tràng cười bất tận khi nhớ lại thời niên thiếu với một người bạn cố tri, gọi lại được tiếng “mày, tao”, quên được một vài giờ với nghi lễ hay những mối ràng buộc của đời thường. “Uống cà phê” là thời khắc giao tiếp của những người bạn dù trẻ hay già, nhưng đối với tuổi già, “giờ cà phê” là môn thuốc bổ dễ kiếm, thơm ngon dễ nuốt. Có những ông bạn già mỗi sáng như thói quen, dù hẹn không hẹn với bạn bè vẫn có mặt ở quán cà phê, có người để nói chuyện hay cười đùa, tiền ai nấy trả, ngồi cho đến giờ cơm trưa. Nếu không có những lúc tranh cãi mất hòa khí, hay ngồi nhàn tản nói chuyện thị phi, thì chuyện “đi uống cà phê” là một sinh hoạt gặp gỡ bạn bè rất tốt. Xin quý bà thông cảm cho chuyện này. Chúng ta may mắn là ở đất Mỹ này, không phải tất cả quán cà phê đều có “tiếp vĩ ngữ” theo sau, nó làm cho xấu đi hình ảnh của bằng hữu bạn bè ngồi nhâm nhi ly cà phê. Quý bà có cái thiên chức đậm đà với con cháu, công việc gia đình, có thể không có những cơ hội tụ tập uống trà như những nhà quý tộc nước Anh, không thường xuyên đi ra ngoài mà vẫn giữ được niềm vui. Chúng ta có thể không ai thích đi dự những buổi tiệc cưới mất nhiều thời gian, ồn ào và nhiều khi lố lăng, nhưng không đi dự tiệc cưới làm sao gặp được bà con, bạn bè có khi là những người năm mười năm chưa gặp. Dự tiệc cưới cũng là lúc ăn mặc, chưng diện, trang điểm cho thấy mình trẻ lại. Ngày dự tiệc cưới cũng là cái mốc thời gian trước mặt cho cuộc đời đỡ đi một chút nhàm chán. Thêm công việc vì càng bận bịu càng thấy thời gian qua nhanh. Thử nghĩ một buổi sáng thức giấc thấy không cần phải ra khỏi giường ngay, vì không có công việc gì làm. Nhiều người sợ về hưu vì nghĩ là nhàn hạ sẽ đem lại nhàm chán, nhưng cũng nhiều người cho về hưu là thời gian còn bận bịu hơn cả. Cuộc đời cũng thêm vui với việc đưa cháu đi học, chạy lo một chuyện giấy tờ, gặp bạn cũ, đọc tờ báo mới hay làm bất cứ chuyện gì mình thích. Người ta phân biệt tuổi đi làm và tuổi hưu là lúc trẻ mình phải làm những chuyện không thích và về già được làm những chuyện mình ưa thích. Thêm những chuyến du lịch, cũng có nghĩa là ra khỏi nhà để thay đổi một khung cảnh sống, thay đổi những thói quen và những việc làm quá đều đặn quá nhàm chán mỗi ngày. Du lịch là để gặp những người mới, đi những đoạn đường mới, ăn những thức ăn mới, cảm nhận được những điều mới. Bạn đã biết hạnh phúc khác nhau giữa những người còn lái xe được và những người không còn khả năng lái xe, thì chắc chắn bạn đã biết nỗi buồn “một ngày như mọi ngày” của bạn khác hẳn với nỗi buồn “một ngày như mọi ngày” của người đang nằm trong nursing home và cả những người đã mất hết cảm giác buồn vui trong bệnh viện với những dụng cụ trợ sinh trên người. Thôi thì cứ bắt chước như ông Trịnh Công Sơn, mỗi này ráng kiếm một niềm vui để thấy cuộc đời còn đáng sống, “mặc thời gian dìu đôi cánh biếc, mặc dòng sông dịu hiền luyến tiếc, mà chiều thu buồn như gối chiếc...” (nhạc Hoàng Nguyên)
|