Những giai đoạn trong việc kiện cáo tại toà Hoa Kỳ |
Tác Giả: 3G McKeno | ||||
Thứ Tư, 21 Tháng 12 Năm 2011 07:21 | ||||
Tìm hiểu về thủ tục tố tụng theo dân luật Hoa Kỳ sau đây là chi tiết 'đáo tụng đình' tức là ra tòa án thưa kiện giữa hai bên dân sự mà người đi kiện được gọi là nguyên đơn (plaintiff) và người bị kiện được gọi là bị cáo (defendant). Khởi sự một vụ kiện, trước hết luật sư của nguyên đơn thảo đơn thưa (complaint) là một văn kiện để nộp lên tòa theo đó người đi kiện buộc lỗi bị cáo gây thiệt hại cho mình và xin tòa xử bắt bị cáo bồi thường thiệt hại. Kèm theo đơn thưa là trát đòi (summons), một văn kiện của tòa ra lệnh cho bị cáo trả lời về các tội bị buộc (charges). Nguyên đơn phải tống đạt trát đến bị cáo (service of process) qua biện lý hay thừa phát lại (process server) hoặc có thể qua bưu điện tùy theo thủ tục ấn định tại mỗi tòa. Trong đơn thưa luật sư phải xác định rõ các nguyên đơn và các bị cáo là ai, sự tình xẩy ra như thế nào, liên can đến sự việc ra sao cùng các hậu quả do sự việc gây thiệt hại cho nguyên đơn, cuối cùng kết luận bằng câu 'bởi các lẽ đó' (wherefore) xin tòa bắt bị cáo bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn bằng tiền. Nội dung những điều kể trên trong đơn thưa được dùng làm căn bản cho tòa xác định thẩm quyền tài phán xem có quyền xử không. Ngoài ra đơn thưa cũng là văn kiện thông báo cho bị cáo biết đang bị kiện cùng lý do tại sao bị kiện. Khi được tống đạt bản sao đơn thưa kèm theo trát đòi hầu tòa, người nhận coi như được thông báo chính thức là mình bị kiện. Lúc này bị cáo (là người bị kiện) có vài cách phản ứng. Phản ứng thứ nhất là có thể lờ đi không trả lời. Trong một vụ án hình sự nếu bị cáo không trả lời trát tòa thì cảnh sát hay nhân viên công lực sẽ truy nã và câu lưu. Trong một vụ án dân sự thì không ai bị bắt giam nhưng sẽ bị tòa xử khiếm diện (default) theo đó người bị kiện sẽ mất hết quyền phản kháng, tòa xử phạt đền tối đa theo lời xin của nguyên đơn mà bị cáo phải gánh chịu hoàn toàn không cãi lại được. Trong những vụ đền nhỏ nhặt nếu lờ đi có thể lợi vì nhiều khi nguyên đơn ngại tốn phí nặng hơn số tiền lấy về được nên bỏ qua. Phản ứng thứ hai là nộp đơn xin bãi bỏ (motion to dismiss) nếu người bị kiện nêu được lý do kiện không hợp lý hay kiện nhầm vì sự việc không liên can đến mình, hoặc nêu được lý do tòa không có thẩm quyền tài phán. Phản ứng thứ ba là xin bãi bỏ do thiếu yếu tố pháp lý (motion to dismiss for failure to state a claim). Nếu không theo ba cách trên thì phải chuẩn bị ra tòa. Trong một vụ kiện thủ tục tìm hiểu sự kiện phía đối phương gọi là truy cứu (discovery). Trước kia kiện tụng chỉ cần đôi bên khai trước chánh án để vị này căn cứ đó mà quyết định, nhưng thời nay luật sư hai phía đều có nhiều cơ hội moi móc mọi yếu tố đối nghịch bằng nhiều cách. Trước hết là dùng thủ tục vấn đáp có tuyên thệ gọi là chất vấn (deposition) hay là trả lời các câu hỏi viết sẵn gọi là cung từ (interrogatories) hoặc yêu cầu địch thủ trưng các bằng cớ. Dùng phương cách chất vấn không cần chánh án hiện diện nhưng phải có luật sư đôi bên. Luật sư có quyền đặt ra những câu hỏi trước một thư ký tòa án có tuyên thệ chứng kiến cùng ghi lại những câu trả lời. Chất vấn có lợi điểm là dễ tìm được sơ hở qua các lời khai thiếu đồng nhất của nhân chứng, nhưng cũng bất lợi là rất tốn kém vì phải trả tiền lệ phí cho cả đôi bên luật sư cùng có mặt lẫn tiền công thư ký tòa án. Với thủ tục truy cứu cả hai bên nguyên bị đều dò dẫm được đối phương mạnh hay yếu hoặc dùng lý lẽ quanh co ra sao để thu hẹp vấn đề lại cho dễ đối phó. Tuy nhiên tòa cũng hạn chế không cho phép xử dụng một vài loại dụng cụ hay phương cách truy cứu mà tòa thấy không cần thiết hoặc có tính cách vi phạm quyền riêng tư cá nhân. Ịôi khi một vụ án có thể được bãi bỏ (dismissal) trước ngày xử nếu chánh án thấy mọi yếu tố và sự kiện đủ rõ ràng theo lời khai của đôi bên và ăn khớp không có mâu thuẫn, bên bị không kháng cáo nên chỉ việc tuyên án. Thủ tục này gọi là phán quyết tổng quát (general judgment) theo đó tòa có thể bãi bỏ cả vụ hay chỉ xử một phần thôi. Trong vài vụ kiện quan trọng có thể chánh án cho tiền thẩm (pre-trial) là cho một buổi họp trước ngày xử để đôi bên kiểm điểm lại mọi sự kiện chuẩn bị sẵn sàng ra tòa hoặc khuyến khích cho đôi bên có dịp dàn xếp với nhau. Sau khi đã qua hết các giai đoạn trên cả hai bên chỉ việc chờ ngày ra tòa. Hàng ngày trên truyền hình cũng như qua các phim chiếu bóng trình chiếu rất nhiều vụ xử kiện sôi nổi với nhiều màn được thêm thắt cùng bi kịch hóa cho hấp dẫn với các lời buộc tội hay biện hộ hùng hồn của các luật sư hoặc những cuộc thảo luận gay go của bồi thẩm đoàn trong việc quyết định bị cáo 'có tội' hay 'vô tội'. Trong một vụ xử có bồi thẩm đoàn việc đầu tiên là tuyển lựa bồi thẩm viên. Sau khi chọn được từ sáu đến mười hai người thì chánh án bắt đầu giới thiệu vụ án rồi đến lượt luật sư đôi bên nói mở đầu (opening statement) lược thuật nội vụ theo khía cạnh bên mình. Tiếp theo luật sư nguyên đơn trình bầy bằng chứng để trợ giúp lý lẽ đã đưa ra. Dĩ nhiên phía nguyên đơn bao giờ cũng phải khai mào trước vì theo căn bản luật pháp không ai bị trách nhiệm trước khi có chứng cớ buộc trách nhiệm lên mình và muốn thắng bên nguyên đơn phải trưng được bằng cớ để thuyết phục chánh án và bồi thẩm đoàn. Sau đó đến lượt phía bị cáo, luật sư mời nhân chứng ra hỏi những điều có lợi cho bên bị. Tiếp theo lại đến lượt luật sư của nguyên đơn đối chất lại những vấn đề bên bị đã chống, lần này có thể gọi thêm nhân chứng khác tăng cường. Khi tất cả đôi bên trình bày xong thì đến phần kết luận (closing statement) tóm tắt lại vụ án. Phần lớn các chứng cớ trình bày tại tòa lấy từ khẩu cung (testimony) của các nhân chứng. Nhân chứng ra trước tòa phải dơ tay tuyên thệ 'nói hết sự thật và chỉ có sự thật', sau đó luật sư đặt một loạt các câu hỏi để hướng dẫn cung từ đồng thời luật sư phía bên kia có quyền giám định (cross-examine). Nếu thấy câu hỏi nào có vẻ bất lợi cho thân chủ mình thì luật sư có quyền phản đối (objection) yêu cầu chánh án cho nhân chứng không trả lời câu hỏi đó. Ngoài ra các luật sư còn đưa ra các bằng cớ khác như tài liệu, giấy tờ hoặc những hiện vật, đôi khi còn có thể dùng các trợ dụng cụ như hình chụp, đồ bản, hay phim ảnh chẳng hạn để làm mạnh thêm lý lẽ phía mình. Tuy nhiên theo luật chứng cớ cũng chỉ được dùng hạn chế với những tài liệu có liên quan trực tiếp đến nội vụ để tránh phí thời giờ với những sự việc không liên can (irrelevant). Trước khi kết thúc chánh án ra chỉ thị hướng dẫn bồi thẩm đoàn quyết định về tội gì và áp dụng điều luật nào rồi cho phép bồi thẩm đoàn thảo luận kín với nhau trước khi nộp phán quyết (verdict). Thông thường bồi thẩm đoàn lấy phiếu bầu kín theo đa số quyết định bị cáo vô tội hay có tội. Phần đông các vụ tố tụng dân sự ngày nay được xử với án quyết của bồi thẩm đoàn do Tu Chính Thứ Bảy của Hiến Pháp ấn định trừ phi đôi bên đồng ý yêu cầu xử do chánh án tuyên án quyết định trực tiếp của mình (bench trial). Các bồi thẩm viên là các công dân trong cộng đồng được tuyển từ danh sách cử tri để thi hành nghĩa vụ bồi thẩm (jury duty). Thường thì họ được gọi tới tòa trình diện trong một ngày, sau đó qua thủ tục tuyển lựa do luật sư hai bên phỏng vấn để chọn những người vô tư không biết trước bất cứ điều gì về vụ án sắp xử. Sau khi vụ án đã xử xong chưa hẳn đã hết chuyện. Cả hai bên thắng lẫn bại đều có quyền xin chống án lên tòa cao hơn. Không hẳn phía thua bao giờ cũng muốn chống án mà còn tùy theo ý kiến của luật sư xem có đủ lý lẽ vững chắc để xin xét lại và cũng tùy đương sự có kham nổi tốn kém thêm nữa không. Ít ra quyền chống án cũng cho bên thua kiện có cơ hội để được tòa trên tái xét nội vụ nếu cảm thấy bị oan uổng. Một vụ án quan trọng có thể được đưa lên Tòa Kháng Án và nếu vẫn không thỏa mãn với kết quả xử lại thì còn có quyền kháng cáo thêm một lần nữa lên tòa cao nhất là Tối Cao Pháp Viện. Nếu chống án vì vấn đề áp dụng luật không đúng thì tòa kháng án xử lại từ đầu rồi ra phán quyết riêng rẽ mà không ngả theo quyết định ở tòa dưới. Nếu chống án vì các sự kiện xử không công minh thì tòa kháng án không ra phán quyết riêng mà chỉ cứu xét thận trọng lại tường trình phiên xử ở tòa dưới với đầy đủ lời biện luận của luật sư đôi bên, mà không cần xét đến các bằng cớ hay lời khai của các nhân chứng. Do đó tòa kháng án thường ngả theo các quyết định dựa trên các sự kiện nhất là quyết định của bồi thẩm đoàn.
|