Home Đời Sống Pháp Luật Mặt trái của nghề luật sư

Mặt trái của nghề luật sư PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Hải   
Thứ Bảy, 10 Tháng 9 Năm 2011 06:50

Có ai tưởng tượng nổi tình trạng một luật sư túng thiếu đến độ phải ăn mì gói qua ngày. 


   Tuần qua Toà án hành chánh tiểu bang (State Administrative Tribunal: SAT) tại Nam Úc đã công bố kết luận của một vụ kiện, trong đó một phụ nữ bị buộc tội “cậy thế luật sư” để hù doạ hàng xóm.

Hiện SAT vẫn còn xem xét và chưa công bố quyết định xử phạt bà này, tuy nhiên theo nhiều người thì toà có thể tước bằng hành nghề luật sư của bà. Nhân vụ của bà này chúng ta cũng bàn đến các khía cạnh khác của nghề luật sư
 
Xưng “luật sư” là láng giềng sẽ sợ!
 
Trong phán quyết công bố ngày 2.9.2011, SAT đã đồng ý với những cáo buộc từ Ủy ban Khiếu nại Luật sư (Legal Profession Complaints Committee: LPCC), theo đó thì những hành động của nữ luật sư Lynette Patricia Quinlivan đã xâm phạm vào những quy chuẩn và hạnh kiểm nghề nghiệp.

Theo phán quyết của toà thì sự vi phạm của bà luật sư này thể hiện trên hai phương diện. Thứ nhất, trên phương diện cá nhân và quan hệ xã hội, bà đã liên tục phô trương danh hiệu luật sư của mình để doạ nạt hàng xóm.

Thứ hai, trên phương diện pháp lý, khi ra toà thì lại cố tình không khai rõ nghề nghiệp để những hành động sai trái của mình không bị “nghiêm trọng hoá”.

Sự vụ khá là nhỏ nhặt, xuất phát từ những tranh chấp trong việc sử dụng và bảo trì giếng khoan chung với nhà hàng xóm là vợ chồng Mark và Carmel Norris.

Để giải quyết những tranh chấp, Luật sư Quinlivan đã nên trực tiếp gặp mặt bàn thảo với hàng xóm, nếu không xong thì khiếu nại lên ra hội đồng thành phố hay kiện ra toà theo luật dân sự. Thay vào đó bà đã liên tục gởi thư cho hai vợ chồng này yêu cầu phải làm thế này thế kia theo ý mình.

Nhưng thay vì viết thư thông thường với tính cách cá nhân, bà lại sử dụng giấy có in logo và tên của văn phòng luật sư của bà để in thư. Hình thức là của “văn phòng luật sư”, nội dung lá thư cũng nhấn mạnh rằng bà “là luật sư” và muốn “giải quyết những mâu thuẫn giữa hai bên”.

Cùng với việc gởi thư cho hàng xóm, bà cũng đã liên tục gởi thư cho Cảnh sát địa phương, cho công ty khoan giếng và Hội đồng thành phố Cambridge. Thư cũng gởi trong tư cách của một công dân bình thường nhưng sử dụng hình thức thư trao đổi của một văn phòng luật sư.

Riêng với vợ chồng hàng xóm Norris thì kiểu “gởi thư” này làm họ cảm thâý bất an nên nhiều lần “hồi âm” với bà, cho biết là kiểu thư từ này đã “đe doạ” họ, kiện ra kiện, nói chuyện cá nhân ra chuyện cá nhân, không nên nửa nạc nửa mỡ. Nhưng bà Quinlivan vẫn tiếp tục gởi thư. Những lá thư như vậy đã được bà liên tục gởi cho gia đình hàng xóm trong khoảng thời gian từ ngày 24.9.2004 đến ngày 1.5.2006.

Chịu không nổi, vợ chồng hàng xóm Norris khiếu nại lên LPCC và sự vụ được chuyển lên SAT.

Ra toà, Luật sư Quinlivan biện hộ rằng bà viết thư như thế chỉ với mục đích “giữ mức độ chuyên nghiệp cao chứ không có ý gì khác”. Bị chất vấn về lý do, bà giải thích là “chỉ muốn hàng xóm của mình thấy được tầm quan trọng của vấn đề khi biết rằng họ có thể bị kiện ra toà.”

Tuy nhiên SAT bác bỏ lập luận này. Theo toà thì hành động của bà mang tính doạ nạt, do đó đã xâm phạm vào quy tắc nghề nghiệp của một luật sư.

SAT cũng xác nhận cáo buộc của LPCC rằng luật sư Quinlivan đã có hành động không minh bạch trong vấn đề pháp lý trong phiên xử vào tháng 11 năm 2008.

Lúc đó bà Quinlivan đưa vợ chồng hàng xóm Norris ra toà để xin lệnh “VRO” tạm thời, tức lệnh cấm bị can lại gần vì hành vi bạo lực (violence restraining order). Bà cáo buộc rằng ông Norris đã cố tình dụ con trai bà chạy ra một đoạn đường đông đúc xe cộ, có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Đưa ông Norris ra toà, luật sư Quinlivan đã cung cấp lời khai hữu thệ của một nhân chứng, nói là đã chứng kiến sự việc. Thế nhưng khi ra toà thì nhân chứng này cho hay bà không hề thấy gì cả.

Với luật pháp thì hành động này sẽ bị xem như là “ngăn cản công lý” tuy nhiên đó không phải là công việc của SAT. SAT chỉ xem xét bản chất pháp lý trong hành động của bà Quinlivan khi giấu nhẹm, không cho toà biết rằng mình là luật sư.

Theo SAT thì bất kể là trong phiên toà sơ thẩm ấy, bà Quinlivan đã thuê luật sư đại diện cho mình, tuy nhiên bà đã cố tình che giấu nghề nghiệp. SAT cho rằng nếu biết bà là luật sư thì trong phiên toà ấy viên chánh án sẽ xem xét việc sử dụng “tờ khai của nhân chứng” trên nghiêm trọng hơn và sẽ trừng phạt nặng hơn.

Lẽ đơn giản bà ta là luật sư, bà ta phải biết rõ thế nào là “nhân chứng”, thế nào là “ngăn cản công lý”.

SAT tuyên bố rằng bà ta đã cố tình qua mặt toà sơ thẩm và do đó điều này cũng đã vi phạm tiêu chí hạnh kiểm nghề nghiệp.

Tuy nhiên trong phán quyết vào tuần qua SAT bác bỏ tính “vi phạm tiêu chí nghề nghiệp” trong cáo buộc thứ ba liên quan đến hành động sách nhiễu hàng xóm thứ ba.

Trong vụ này bà Quinlivan làm đơn trình với cảnh sát rằng ông Norris đã xâm nhập vào gia cư của bà một cách bất hợp pháp. Sau đó cảnh sát tiến hành điều tra, phỏng vấn các hàng xóm khác và nhận thấy lời trình báo trên không có cơ sở. Cuối cùng cảnh sát bỏ cuộc, không truy tố sự vụ ra toà.

Theo cáo buộc trên thì vì việc trên này bà Quinlivan đã có hành động sách nhiễu khi la hét với hàng xóm “rách việc” nói trên, thậm chí còn sao bản in biên bản lấy cung hàng xóm này bỏ vào hộp thơ của họ.

Theo toà thì hành vi trên không nằm trong quy định cấm của nghề nghiệp luật sư.
 
Trạng sư trốn thuế
 
Trước bà Quinlivan, đầu tháng Tám vừa qua Toà án Sơ thẩm Liên bang (Federal Magistrates Court) tại Sydney lại mở hồ sơ vụ án phá sản của ông Stephen John Archer, từng là một trạng sư nổi tiếng tại Sydney.

Liên tục trong 14 năm trời ông không chịu đóng thuế với tiền nợ lên đến trên 3 triệu Úc kim. Để tránh thuế ông đã khai phá sản bốn lần và bây giờ ông ta có thể phải khai phá sản lần thứ tư chỉ vì số nợ 45,492 Úc kim. Đó là chi phí pháp lý ông không thể trả nổi vì sạch tiền sau vụ kiện kéo dài 7 năm với Trạng sư đoàn NSW (NSW Bar Association).
Sau nhiều năm không chịu nộp thuế, năm 1991 ông nhận giấy báo nợ thuế của Sở Thuế với số tiền lên đến cả triệu Úc kim. Nhưng thay vì trả nợ thuế, ông chọn cách khai phá sản còn bao nhiêu tài sản của gia đình thì đều đứng tên bà vợ Sarah. Khi ông hiện nguyên hình là kẻ “trên mũ dưới giày”, Sở Thuế đành chịu thua.

Nhưng kể từ đó ông vẫn không chịu nộp thuế. Đến năm 2002 thì “kịch bản” cũ lập lại: Sở Thuế gởi thư đòi nợ và ông khai phá sản. Thế là huề. Năm 2007 chuyện cũ cũng lập lại: nhà nước báo nợ và ông khai phá sản. Thế nhưng trận này không thể xem là… huề vì báo chí vào cuộc.

Lúc đó tờ The Sydney Morning Herald mở cuộc điều tra, nhắm vào giới trạng sư trốn thuế bằng cách khai thác luật phá sản, trong đó ông Archer được xem là ví dụ nổi bật. Với phóng sự của tờ báo này, chính phủ ra dự luật mới, theo đó các trạng sư như ông Archer sẽ bị tước giấy phép hành nghề.

Năm 2001 ông Archer trở thành trạng sư đầu tiên bị Trạng sư đoàn NSW tước giấy phép hành nghề. Tuy nhiên, Trạng sư đoàn còn muốn trừng phạt xa hơn, muốn xoá tên ông ra khỏi Roll of Legal Practitioners, nghĩa là không còn dính dáng gì đến nghề luật nữa, hoàn toàn không có hy vọng ân xá để trở lại nghề cũ.

Sự trừng phạt này dẫn đến vụ kiện kéo dài 7 năm và lúc này ông Archer phải rời biệt thự sang trọng của mình tại vùng Paddington để rút về vùng Central Coast.
Tháng Năm năm 2009 Toà án hành chánh NSW (Administrative Decisions Tribunal: ADT) ra quyết định chấp thuận ý kiến của Trạng sư đoàn NSW, cho rằng hành động trốn thuế và tình trạng phá sản của ông Archer không phù hợp với quy chuẩn nghề nghiệp của một luật sư.

Đến tháng Tư năm 2010, toà ADT ra lệnh cho ông Archer phải trả cho Trạng sư đoàn NSW khoản chi phí pháp lý 45,492 Úc kim. Tuy nhiên ông cựu trạng sư đã tảng lờ số nợ này và đến tháng 8 vừa qua vấn đề lại bị mang ra trước Toà Sơ thẩm liên bang, liên quan đến chuyện khai phá sản của ông.

Một trạng sư mà không trả nổi số nợ chưa tới 50,000 Úc kim, dằng dai hơn một năm để bị đưa ra toà, nhân đây chúng ta tìm hiểu về thu nhập của giới luật sư.
 
Luật sư giàu hay nghèo?
 
“Nhất y, nhì luật”, nhiều người Việt tại Úc đều mong muốn cho con mình đạt điểm tú tài cao để học y khoa hay luật khoa vì đây là hai nghề hái ra tiền, con cái rủng rỉnh trong túi thì cha hay mẹ cũng được thơm lây.

Tuy nhiên mới đây báo chí đã lật đi lật lại vấn đề thu nhập của giới luật gia, cho rằng đây là cái nghề căng thẳng, phải làm việc cật lực nhưng không phải ai cũng rủng rỉnh túi tiền cả. Có rất nhiều luật sư giàu nứt đổ vách nhưng cũng có nhiều luật sư “nghèo rớt mồng tơi”.

Cuối năm ngoái, trong số ra ngày 3.12.2010, tờ The Australian đăng bài “Barristers battle for $50k a year” (Các trạng sư chật vật kiếm $50,000 một năm) của Chris Merritt, biên tập viên phụ trách pháp lý.

Bài báo trích dẫn kết quả khảo sát của Trạng sư đoàn Victoria (Victorian Bar) cho thấy thu nhập hàng năm của các trạng sư tại tiểu bang có sự chênh lệch rất lớn, có trạng sư thu nhập thấp hơn mức thu nhập trung bình của người Úc.

Theo Cục thống kê Úc thì mức thu nhập trung bình của người Úc là 57,324 Úc kim một năm mà có những trạng sư phải chật vật lắm mới kiếm ra nổi 50,000 Úc kim.
Theo kết quả khảo sát trên thì có đến 28 phần trăm nữ trạng sư (130 người) và 13 phần trăm nam trạng sư (181 người) tại tiểu bang có thu nhập thấp hơn 50,000 Úc kim một năm. Như vậy thu nhập của các trạng sư này thấp hơn mức lương khởi điểm mà các hãng luật hàng đầu tại Melbourne trả cho sinh viên luật mới ra trường đến 20,000 Úc kim.

Tính ra thì sau khi trừ thuế thu nhập còn lại của họ chỉ vào khoảng 800 Úc kim một tuần. So với các trạng sư hàng đầu, làm việc cho các hãng luật lớn quá bèo: có những trạng sư được trả lương tới 5,000 Úc kim một ngày.

Đó là chưa kể chênh lệnh giữa nam giới và nữ giới trong nghề luật.

Trong bài báo “Life in the firm still no picnic for women” đăng trên tờ The Australian ngày 9.6.2011, nữ luật sư kiêm nhà báo Emma McDonald đã dẫn lời bà Caroline Kirton, chủ tịch đầu Hội đồng Bình đẳng của Luật sư Đoàn Victoria, theo đó thì tình trạng trên là có thật. Theo bà thì nhiều nữ luật sư có thu nhập rất khiêm tốn, nhất là những người thụ lý hồ sơ liên quan đến án hình sự hoặc các vụ tranh tụng do quỹ Trợ giúp Pháp lý (Legal Aid) tài trợ: đây là chương trình giúp người nghèo nên tiền công rất thấp.

Ngoài ra, những luật sư mới ra trường hoặc những luật sư làm việc tại các khu lao động cũng thuộc về nhóm có thu nhập thấp. Nhiều luật sư còn chật vật chạy tiền thuê văn phòng, tiền lương cho thư ký, chi phí gửi trẻ nếu đã có gia đình. Thậm chí nhiều luật sư tại các khu vực sắc tộc còn làm việc từ A đến Z vì không có tiền thuê thư ký.

Theo khảo sát của Victorian Bar thì các trạng sư tại tiểu bang Victoria thường trả lương cho các thư ký ở mức 4 phần trăm thu nhập của mình. Còn các luật sư trên làm ra chưa đủ ăn thì tiền đâu trả thư ký!
 
Có thật vậy không?
 
Kết quả khảo sát trên đã thu nhận những phản ứng trái ngược của người “trong giới” hay “ngoại cuộc” trên diễn đàn Internet.

Tom Lancing, một sinh viên luật năm cuối đang tập sự tại một văn phòng luật ở Melbourne, đã tỏ ý đồng tình với kết quả cuộc khảo sát. Anh cho biết trước khi học luật đã làm nhân viên thu ngân ở ngân hàng và còn kiếm được nhiều tiền hơn hiện tại.

Một trạng sư tên Danny Denuto thú nhận trên báo chí rằng thu nhập của mình chỉ là 37,000 Úc kim một năm. Anh chấp nhận làm việc khổ nhọc trong vài năm nhưng cuộc sống luôn chật vật. Danny chán nản kết luận: “Quý vị đừng nghĩ giới trạng sư kiếm bộn tiền. Chỉ có nhóm trưởng giả điều hành văn phòng luật thôi”.

Một luật sư tên Michael từ Adelaide khẳng định luật sư không giàu như mọi người nghĩ: “May mắn lắm thì một luật sư mới ra trường tại Adelaide mới nhận được mức lương 40,000 Úc kim. Một số người thậm chí còn chấp nhận giảm lương để được đưa từ vị trí phụ tá lên luật sư văn phòng và chấp nhận làm việc ít nhất 12 tiếng mỗi ngày.”

Một người tên John Burton nêu câu hỏi rằng có ai tưởng tượng nổi tình trạng một luật sư túng thiếu đến độ phải ăn mì gói qua ngày. Anh dẫn chứng trường hợp em gái mình, sau khi tốt nghiệp ngành luật, ra trường đi làm tại Sydney thì tiền lương “chỉ đủ ăn mì gói!”.

Các ý kiến của giới “ngoại” cuộc cho rằng nghề luật cũng như bao nhiêu nghề khác, cũng “thượng vàng hạ cám”, tức có những luật sư nhiều việc, đếm tiền không hết và các luật sư ế, đào không ra khách.

Theo họ thì nghề luật sư có sự cạnh tranh rất gay gắt: sự cạnh tranh giữa các công ty và sự cạnh tranh giữa các luật sư làm việc trong cùng một công ty. Ý kiến này cho rằng không khí làm việc của các công ty luật rất căng thẳng, thường xảy ra sự ganh đua và loại trừ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp đúng kiểu “đạp lên đầu người khác để tồn tại” (rat race) và để thăng tiến nghề nghiệp.

Tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến bất đồng. Phần đông đều không tin rằng các luật sư phải sống trong tình cảnh túng thiếu, khó khăn về tiền bạc, nhất là các trạng s: họ không thể có thu nhập thấp hơn mức trung bình của nước Úc.

Các ý kiến cho rằng các luật sư hay trạng sư là người thành thạo luật pháp và nghề của họ là nghề luồn lách luật pháp, tìm ra kẽ hở của luật pháp. Nhờ vậy, họ tìm đủ cách để khai thấp bớt thu nhập của mình để giảm tiền thuế thu nhập đến mức tối đa.

Một số ý kiến cho rằng giới luật sư hay trạng sư có cách chạy thuế và kiếm tiền rất tài tình. Đa số các luật sư hay trạng sư đều có công ty riêng hoặc lập quỹ tín thác cho con cháu trong gia đình với mức đóng thuế rất thấp.