Home Đời Sống Lời Hay Ý Đẹp Ngày Lễ Tri-Ân Cha-Mẹ - Của Người Việt

Ngày Lễ Tri-Ân Cha-Mẹ - Của Người Việt PDF Print E-mail
Tác Giả: GS Trần Thủy Tiên – M.S., M.A.   
Thứ Hai, 18 Tháng 7 Năm 2011 06:39

Ân cha nghĩa mẹ chưa đền, Bậu mong ôm gối, cuốn mền theo ai?

 

Sắp đến Ngày Tri Ân Cha Mẹ, tức là  Ngày lễ Vu Lan, vào Rằm Tháng Bẩy, âm lịch, năm nay, nhằm vào ngày Chủ Nhật, 14.8.2011, dương lịch. Hãy tìm hiểu tổng quát, về ý nghĩa, nghi thức, và cách thực hành trong ngày lễ có tính cách quốc gia rộng lớn này, tjeo lịch sử của dân tộc Việt, từ xưa đến nay.

Trước hết, hai chữ Vu Lan có nguồn gốc từ một Kinh Phật, Ullambana Sutra, Tiếng Việt dịch chữ Ullambana thành Vu Lan;  vậy Lễ Vu Lan có ảnh hưởng sơ-khởi từ Phật giáo. Trong kinh Mục Liên Sám Pháp hoặc Kinh Vu Lan (Ullambana Sutra), có ghi chép rằng, thời xưa khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế, Phật đã chỉ dạy đệ-tử Mục Liên phải thực hành dâng-cúng thức ăn chay và hương, hoa, trà, trầm, lên chư  Phật mười phương, và đến các vị sư chân chính ở chùa, trong ngày Rằm Tháng Bẩy âm lịch; để các vị sư, các Phật tử, và công chúng, tức là cần số đông người biết đoàn kết với tấm lòng thành, cùng nhau tập trung lời cầu nguyện tha thiết của họ, tạo nên một sức mạnh tinh thần mãnh liệt của Lòng Nhân Ái, được phù trợ thêm bằng uy lực từ bi của chư Phật, nên đã giải cứu được mẹ của ông Mục Liên, một vong nhân đang bị hành hình, ra khỏi một đại địa ngục. Sau khi được giải thoát lên cõi Trời, hưởng phước, tiếp tục tu sửa và thực hành đạo Phật, bà Thanh Đề cũng trở thành một vị Phật sau đó.

Vậy Ý Nghĩa đầu tiên của Lễ Vu Lan là Ngày Xá Tội Vong Nhân từ các địa ngục. Vì  tin rằng ngày này, linh hồn các tù nhân được tạm thả ra, người Việt thường nấu cơm, cháo, xôi, chè, thức ăn chay; mua hoa quả, nhang đèn... mang đến chùa hoặc bầy cúng tại nhà, tặng cho các vong nhân, và mở rộng luôn đến các vong hồn cô đơn, không nơi nương tựa, vì không có cha mẹ con cháu chăm sóc họ, nay được đến thọ hưởng.

Ý Nghĩa thứ nhì là Ngày Của Mẹ, vì nhà sư Mục Liên chí hiếu đã cầu cứu Phật, sau khi thất bại trong mọi cách để cứu giúp mẹ ra khỏi con đường ác và đường khổ, tức là Địa Ngục Vô Gián, nơi người có tội bị hành hình liên tục không phút nào ngơi. (Vô gián là Không ngừng nghỉ). Từ sự tích Mục Liên- Thanh Đề cứu mẹ, Phật giáo cũng dạy chúng ta thương yêu và cứu giúp cha nữa, vì mẹ và cha cùng là hai bậc sinh thành ra con, và cả hai đều cố gắng dạy dỗ con nên người. Vì vậy, Ngày Của Mẹ cũng là Ngày Cha Mẹ - Ngày Phụ Mẫu.

Nhưng tại sao phải là Ngày Rằm Tháng Bẩy? Theo nhiều Kinh Phật khác nhau, khi  Phật Thích Ca giảng dạy Phật Pháp ở Ấn Độ, các môn đồ của Phật phải học tập thiền định trong rừng, dù phải chịu khó khăn và nhẫn nhục liên tục, trong các tháng mưa dài của mùa Hè. Ba tháng sau, vào ngày thứ 15, của Tháng Bẩy âm lịch, các vị sư  vui vẻ tiến bước ra khỏi các khu rừng, để ăn mừng sự hoàn tất của việc học và hành của họ, theo lời Phật dạy, cũng như thưa trình với Phật những tiến-triển của mình. Vì số lượng các môn đồ đạt được sự  Giác Ngộ bản thân và tự Giải Thoát (khỏi chu kỳ oan nghiệt của sinh tử) rất cao, trong Ngày Rằm Tháng Bẩy mỗi năm, Đức Phật vô cùng hoan hỉ. Do đó, Ngày Rằm Tháng 7 âm lịch được xem là Ngày Vui của Phật và là Ngày Đoàn Tụ của các vị sư.  Khi vui, lòng người cởi mở và tha thứ. Cho nên, Phật Thích Ca đã chỉ dạy cho cao tăng Mục Liên và mọi người hãy làm lễ dâng cúng các chư tăng, vào Ngày Rằm Tháng 7, cũng như làm các việc phước đức thực tế; để cứu giúp ông bà, cha mẹ, người thân, rộng ra đến tất cả chúng sinh, hiện tiền và quá khứ trong nghìn kiếp, còn hay mất, đều được lợi ích. Một cách dí dỏm, ca dao Việt Nam cũng nhắc con cái đừng vội chạy theo bạn trai, bạn gái, hoặc vợ chồng, mà bỏ rơi cha mẹ:
Ân cha nghĩa mẹ chưa đền,
Bậu mong ôm gối, cuốn mền theo ai?

Đặc biệt, trong Quyển Hai, Kinh Mục Liên Sám Pháp (Sàigòn, năm Giáp Thìn, 1964, in lại ở Taiwan, Tháng 9 2007), Đức Phật cũng nhắn nhủ chúng ta hiểu rõ rằng, hai đường Thiện Ác đều do tại Tâm. 

Thế nào là Thiện? - Lễ kính chư Phật, khuyên người hiếu hạnh, thấy người làm phải, thường hay ngợi khen, mong người thành tựu; thấy người bị khổ, đau lòng thương xót, tìm cách giúp đỡ, ấn tống kinh sách, giữ gìn năm giới; hoặc tu Tịnh Độ, niệm Phật Di Đà, nguyện được vãng sinh...

Thế nào là Ác? - Thấy người làm thiện, sinh lòng ghen ghét, chỉ muốn làm hại, mới được vừa lòng, xa những bạn lành, nói lời độc ác, không sợ báo ứng, bất hiếu cha mẹ, cậy có quyền thế, ức hiếp dân lành, nhận của hối lộ, lấy tiền phi nghĩa, muốn có thật nhiều, không biết chán đủ, không chịu tham gia, những việc công ích; vì ở kiếp trước, có chút duyên lành, nên trong kiếp này, được hưởng quả tốt, nhưng khi hết phước, thân mạng chết rồi, chịu khổ vô cùng, dù có ăn năn, cũng không kịp nữa... 

Do vậy, can đảm Sám Hối tội lỗi để Báo Ân Phật, cha mẹ, thầy cô hoặc các nhà giáo dục, anh chị em, họ hàng, ân nhân, người thân quen..., là bổn phận của chúng ta. Nhưng nên nhớ, thú vật còn biết nuôi cha mẹ, huống là con người. Vậy không nuôi cha mẹ là thua kém súc vật và nuôi dưỡng cha mẹ chỉ là một phần của sự Hiếu. Phần còn lại là cách nuôi dưỡng và cư xử với cha mẹ già ra sao? Khi các cụ già người Mỹ lẫn người Việt phải đi chợ, đi ra bưu điện gửi thư và quà cho con cháu hoặc bạn già ở xa, đi mua sắm, hoặc đi du lịch xa xôi một mình, chân bước không vững; chúng ta có thể tự hiểu là con cháu của họ bận đi học, đi làm, bận kiếm tiền, hoặc bận vui chơi với bè bạn... Khi thấy các cụ già cô đơn buồn tủi trong các Nhà Dưỡng Lão, cuối tuần hoặc ngày lễ, trông chờ con cháu đến thăm, ta có thể tự hiểu là có lẽ con cháu nghĩ rằng họ đã trợ cấp đủ tiền giúp cha mẹ được vào ở đó, là đầy đủ rồi. Nhưng con người, nhất là người già, thường có tâm lý bị bỏ rơi ở cuối đời, nên dễ hờn tủi và chạnh lòng. Con trai, con gái, và dâu rể cần kiên nhẫn khi chăm sóc cha mẹ già, nên thay nhau thăm viếng, và khéo léo cư xử nữa, vì nhu cầu tình cảm và tinh thần cũng quan trọng không kém đối với người già, song song với nhu cầu vật chất. 

Ở hải ngoại, sau năm 1975, các chùa Phật Giáo thường tổ chức Đại Lễ Cầu Siêu và Ngày Tri Ân Cha Mẹ cho mọi người, không riêng cho Phật Tử, vào dịp Rằm Tháng 7 âm lịch, tức là Tháng 8 dương lịch, mỗi năm. Một số các nhà sư từ bi cũng đã không ngại khó nhọc, đi đến tận các đảo xa như Paulo Bidong và Galang ở Malaysia, để làm lễ cầu siêu cho những người Việt tỵ nạn CS kém may mắn, đã mất trên các đảo này, sau khi vượt biển gian nguy, thoát khỏi nước Việt Nam CS. Lại có những chùa Phật Giáo, như chùa Đạo Quang ở Texas, thực hiện lễ Cầu Siêu cho các chiến sĩ trận vong của VNCH đã hy sinh trong chiến tranh Việt Nam (1955-1975) chống lại CS Miền Bắc bạo tàn, hoặc các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH, đã phải bỏ mình trong các Trại Tù Tập Trung Khổ Sai của VC, sau năm 1975.

Theo lịch sử, Sách Đại Việt Sử Ký Toàn Thư của Ngô Sĩ Liên có ghi: “Đời nhà Lý, Mùa Thu Tháng 7, năm 1118, ngày lễ Vu Lan Bồn của Linh Nhân Hoàng Thái Hậu.” Đây là Ỷ Lan Thái Phi, một Phật tử thành tâm, đã tu sửa và xây dựng hơn 100 ngôi chùa, trước khi mất vào ngày 25.7.1117, và được con trai là vua Lý Nhân Tôn (1066-1127) làm lễ Vu Lan Bồn cho mẹ, năm sau, tức là năm 1118. Mười năm sau, vua Lý Thần Tôn làm lễ Vu Lan Bồn cho cha (1128). Tiếp tục truyền thống của Nhà Lý, Vua Lê Thái Tôn đã tổ chức đại lễ Vu Lan cho vua Lê Thái Tổ vào năm 1434. Đến triều Nguyễn, các vua Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883) đều làm lễ Vu Lan rất trang nghiêm ở chùa Thiên Mụ, Huế. Vào Rằm Tháng 7 năm 1878, khi Bộ Lễ muốn làm đại trai đàn để Chúc Thọ vua Tự Đức, vua đã khuyên dạy: ”Chúc một người sống lâu không bằng cứu vớt muôn người chết oan.”Rồi vua Tự Đức triệu tập chư Tăng từ trong Nam ra Huế, mở Hội Vu Lan ở chùa Thiên Mụ. Trước đó, vua cũng đã yêu cầu 7 chùa ở Thừa Thiên khai kinh cầu siêu cho các tướng sĩ trận vong của 3 miền Nam Trung Bắc, liên tục trong 30 năm (1848-1878), vào ngày Rằm Tháng 7.

Như vậy, do Lòng Bác Ái bao la của Phật giáo, vượt ra ngoài huyết thống gia đình, qua lễ Vu Lan; lại được các vị vua xưa, biết trọng đạo nghĩa của dân tộc Việt, bảo vệ và khai phóng, nên Ý Nghĩa thứ ba của Ngày Lễ Vu Lan là bầy tỏ lòng tri ân đối với các chiến sĩ trận vong và tình thương đến tất cả những người đã mất. Vậy ngày Xá Tội Vong Nhân hoặc mùa Vu Lan báo hiếu không những là một phong tục Phật giáo, mà còn là một mỹ tục của toàn dân tộc Việt. Dù là Phật tử hay không, cũng cần báo hiếu cha mẹ, cần ghi nhớ các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ lãnh thổ quê hương và mang lại bình yên cho mình và gia đình mình được sống tự do, và sau cùng, thể hiện tình thương đến mọi người quá cố.
Kết Luận: Việc báo hiếu cha mẹ bằng cách ăn ở nhu hòa, nói năng lễ phép, tiếp xúc thâm tình... với ông bà,  cha mẹ, hằng ngày, hằng tuần... là  cách thực hành kiên nhẫn, đều đặn, và liên tục, như một nếp sống quen thuộc, phát xuất từ đạo đức gia đình và tấm lòng trung hậu của con cháu, chứ không phải chỉ là hình thức phô diễn bề ngoài trong mùa Vu Lan mà thôi. Sau cùng, đừng làm tủi nhục tổ tiên ông bà bằng cách trở về Việt Nam vui chơi khi đồng bào mình đang bị áp bức và bóc lột, bị cướp nhà đất và tài sản hằng ngày, bị công an VC đánh đập tàn nhẫn, chỉ vì họ muốn bảo vệ lãnh thổ đất Việt, chống lại Tầu Cộng xâm lăng, qua các cuộc biểu tình can đảm và bất ngờ, vào các ngày 5, 6, 12 Tháng 6, 2011 vừa qua ở Sàigòn và Hà Nội.

Tinh Thần Báo Ân trong Ngày Rằm Tháng 7 cần được thể hiện bằng sự đoàn kết của người Việt hải ngoại và sự hỗ trợ quốc nội bằng mọi hình thức, để giúp đồng bào trong nước chống lại Đảng CS Hà Nội, những kẻ vô ân bạc nghĩa với tổ tiên và dân tộc. Việt Cộng (VC) đã để cho Tầu “dùng người Việt trị người Việt”. VC đã gom nhận chức quyền và tài sản tham nhũng do ngoại bang Tầu điều khiển trong nhiều năm qua, nên đã chịu làm tôi tớ cho Tầu, phục vụ quyền lợi cho Đảng CS Tầu, và bán dần lãnh thổ Việt Nam cho Trung Cộng.

Viết cho Rằm Tháng Bẩy, TRI ÂN PHỤ MẪU, năm Tân Mão 2011.
GS Trần Thủy Tiên – M.S., M.A.