Cà phê “trị liệu” |
Tác Giả: Huy Phương/Người Việt | |||||
Thứ Tư, 06 Tháng 6 Năm 2012 03:07 | |||||
Quán cà phê thật có quan trọng trong đời sống của những người tha phương, luống tuổi như chúng ta không? Buổi sáng gọi điện thoại lại nhà ông bạn già hỏi thăm, nghe cô con gái trả lời đầu dây là “Ba con đi uống cà phê với bạn chưa về.” Mỗi lúc có bạn ở các tiểu bang xa về Cali chơi, cũng hẹn gặp nhau ở quán cà phê. Quán cà phê thật có quan trọng trong đời sống của những người tha phương, luống tuổi như chúng ta không?
Quán cà phê: “phòng mạch chữa bệnh tâm lý” Ðây là những quán cà phê đông khách, phần đông có một chỗ ngoài trời cho người hút thuốc lá, là nơi thường trực, tụ họp của các nhóm bạn bè, 80% đến đây chỉ uống cà phê hay các thức uống khác hơn là tìm chỗ ăn. Khách của những quán cà phê này không có nhu cầu “rửa mắt” hay “thử thời vận” nên không có tiếp viên ăn mặc hở hang hay máy đánh bạc. Khách đến quán cà phê chỉ là chuyện trò, gặp gỡ. Một trong những quán cà phê loại này ở khu Bolsa là cà phê Factory trên đường Brookhurt. Có thể nói đến một nhân vật gần như có mặt thường trực hằng ngày tại ở Factory là Bác Sĩ Phạm Gia Cổn. Ông là giáo sư về ngành thuốc mê và đau nhức kinh niên tại UCLA về hưu gần hai năm và hiện nay là chưởng môn của Khí Công Hoàng Hạc. Một tuần ba buổi sau giờ dạy Hoàng Hạc, ông có mặt tại đây, bốn ngày khác gần như chỗ hẹn hò với bạn bè xa gần cũng là đây. Ông nói đùa đây là một phòng mạch của ông: “Phòng mạch chữa bệnh tâm lý.” Theo BS Phạm Gia cổn, chúng ta qua đây, sau chiến tranh, di tản, tù đày ai cũng có những vấn đề tinh thần cần giải tỏa, ngồi lại với nhau, chuyện trò tức là đã tổ chức được một nhóm sinh hoạt liệu pháp tâm lý tập thể “group theraphy”. Thường thì mỗi quán cà phê có một nhóm người trạc tuổi, cùng nghề hay chung một giới nào đó có nhu cầu tìm đến nhau, nhưng Factory quy tụ đủ mọi lứa tuổi, mọi nghề nghiệp, đặc biệt không như những quán cà phê thường dành cho đàn ông, ở đây chúng ta gặp rất nhiều phụ nữ đi với bạn trai hay bạn bè. Ðáp câu hỏi vì sao chọn quán cà phê này mà không là nơi khác ông Phạm Gia Cổn, cho biết có lẽ theo thói quen đã nhiều năm, dành cho số người Việt còn có thói quen hút thuốc lá, cần chỗ thoáng ở ngoài trời. Uống cà phê mỗi sáng, nhưng chuyện cà phê ngon hay không cũng không thành vấn đề, chỗ hẹn hò, gặp gỡ nhau và nhất là không phải vất vả tìm chỗ đậu xe mới là quan trọng. “Ðấu láo” để giải tỏa ẩn ức tâm lý? Tuy không phải là chuyên gia tâm lý nhưng Bác Sĩ Phạm Gia Cổn, có chuyên môn về bệnh “đau nhức kinh niên”, một bệnh liên quan đến chứng trầm cảm, nhất là đối với những người lớn tuổi, nên ông đã giải quyết được nhiều trường hợp cho bạn bè tại phòng mạch “hưu trí-ngoài trời” là quán cà-phê. Ðặt câu hỏi của chúng tôi với Chưởng Môn “Cà Phê Trị Liệu”: “Câu chuyện hằng ngày tại bàn cà phê lúc quý vị gặp nhau là gì,” BS Phạm Gia Cổn cho biết đề tài chỉ là chuyện đưa đẩy, có thể nói đây là nơi “đấu láo” hay nói chuyện “bá vơ” cũng được. Có người than thở chút chuyện gia đình cho nhẹ người, cũng có bạn đưa thông tin về sức khỏe một người bạn ở xa. Ðề tài có thể là chuyện thời sự, chính trị hay thể thao, lan man từ chuyện này sang chuyện kia, nhưng ông chưa hề thấy ai tọc mạch chuyện nhà người khác hay nói xấu người vắng mặt. Ðó là câu chuyện của những người tử tế chỉ muốn gặp gỡ nhau để giải tỏa một chút nhàm chán hay phiền muộn trong cuộc sống. Những bác sĩ tâm lý chữa bệnh thường gợi ý cho bệnh nhân vận dụng trí nhớ, hồi tưởng để nói hết những chuyện vui buồn trong cuộc sống nhất là những chuyện khó khăn đang đè nặng lên tâm lý bệnh nhân, mà đây là lúc, gọi nôm na là “trút bầu tâm sự,” được nói ra cho nhẹ nỗi lòng. Trong các tờ báo thường có mục “Giải Ðáp Tâm Tình”, “Nỗi Lòng Biết Nói Cùng Ai!” cũng chỉ nhắm mục đích cho độc giả xem tờ báo hay người phụ trách cột báo là người có thể tin tưởng để cho mình giãi bày tâm sự. Ðược nói ra bằng lời hay bày tỏ trên giấy bằng cách viết nhật ký, làm thơ, viết văn xuôi... là những cách để “giải tỏa... stress,” thì quán cà phê cũng là nơi để trị loại bệnh này. Ai lại không có những ẩn ức về chiến tranh, gia đình hay đời sống hiện tại. Không chỉ là nơi gặp gỡ nhau để tự chữa bệnh, trong câu chuyện hằng ngày bên ly cà phê hay trong khói thuốc lá với những người bạn cũ hay mới gặp, khách hàng của những buổi quây quần tại quán cà phê có khi được gặp lại những người bạn cũ thất lạc đã trên 50 năm hay chợt nghe về tin tức một người bạn mà mình đang cố tìm kiếm. Ông Phan Văn N., HO. 5, ở thành phố Irvine, mỗi ngày phải thức giấc vào lúc 4:00 sáng để đến sở làm, nhưng cũng dành những sáng Thứ Bảy, Chủ Nhật xuống Bolsa sớm để gặp gỡ bạn bè, uống ly cà phê để cho “đời sống đỡ căng thẳng.” Trong khi đó, ông cụ Trần Ð., một cựu quân nhân khác, về hưu đã 10 năm nay, ngoài những giờ phải đưa đón các cháu nội ngoại, cũng “tranh thủ” gặp bạn bè ở quán cà phê vì “không có bạn bè, đời sống rất tẻ nhạt”. Ý kiến của quý bà ra sao? Bà vợ ông H.O. Ðặng Trần H. cho ý kiến: “Ðối với tôi là đạo trung dung, đàn ông ru rú ở trong nhà cũng không được, lâu lâu phải ra ngoài gặp bạn bè cho đỡ buồn, nhưng đàn ông ngày nào cũng ngồi ở quán cà phê suốt buổi tôi cũng không bằng lòng. Công việc của người đàn bà trong gia đình không bao giờ hết, người chồng phải biết chia sẻ và thông cảm với người vợ!” Một “phu nhân” khác: “Cà phê ở những nơi mà ông nói, không phải là cà phê bên Saigon bây giờ, thì đâu có gì đáng sợ. Tôi cũng biết bạn bè của ông ấy toàn là bạn lính, bạn tù, nhưng cũng ‘một vừa hai phải,’ thôi nhé, sa đà suốt ngày là không được với tôi đâu!”
|