Tôi vào nhà vừa kịp nhìn thấy mẹ tôi thở hắt hơi cuối cùng.
Vu lan năm nay tôi không lên chùa, trời Houston tháng 8 nắng đổ lửa, công việc bận rộn và những chuyến đi xa qua các thành phố khác, đã làm tôi quên mất ngày Vu Lan. Tôi tự hỏi phải chăng đời sống trong xã hội máy móc đã biến tôi thành một người máy, chạy theo dòng thời gian quên cảnh thiên nhiên. Con người đi Hướng Đạo ngày còn trẻ, nhiều đêm nằm đất nhìn lên trời ngắm trăng sao, nay đã quên một vầng trăng rằm tháng bảy, cho đến buổi sáng chúa nhật ngày Vu Lan, 6 giờ lái xe ra khỏi nhà chợt bàng hoàng nhìn thấy vầng trăng dịu dàng đằng sau sân nhà.
Trăng theo tôi trên xa lộ 45, xuôi về hướng nam. Mấy năm nay mỗi ngày tôi lái xe đi làm ở nhà thương mới, qua trung tâm thành phố, ngang con đường College vào chùa Phật Quang, ngôi chùa Việt Nam đầu tiên ở Houston. Ngôi chùa bao nhiêu năm chỉ thay đổi chút ít, không còn đông người đến khi cộng đồng người Việt đã đổ về vùng Tây Nam thành phố. Ngôi chùa Phật Quang cũng giống như những ngôi chùa khác ở Houston dù có vĩ đại hơn cũng không có được cảnh đẹp như trong hai câu ca dao :
“Một dòng nước chảy thanh lam Một ngôi chùa nhỏ nằm ngang lưng đồi”
Nhưng ngôi chùa nhỏ trong những năm sau này, đối với tôi trở nên thân thiết với tro cốt của cha mẹ, thầy cũ, những người bạn già và các cô bác. Mùa Vu Lan đến chùa với những bông hồng cài áo, những bông hồng “sáng tạo của Trời với mùi hương ngọt ngào từ thiên đình” (hai câu thơ của thi sĩ ấn độ Gaffur thế kỷ 18). Những bông hồng trắng được cài trên áo dù tuổi đã trên 60 vẫn cảm thấy lòng ngậm ngùi. Không gài trên áo thì những đóa hồng cũng đến trong mùa Vu Lan:
“Vu Lan dâng một cành hoa Cầu cho Cha Mẹ thác đà siêu sinh”
Hai câu ca dao như vậy nhưng Vu Lan từ chuyện tích Mục Liên Thanh Đề đã trở thành ngày của Mẹ và con thì hình như lúc nào cũng yêu mẹ hơn cha. Từ ngày còn nằm trong bụng mẹ, trẻ đã được ru bằng tiếng nước vỗ về trong tử cung, những tiếng ru như dòng suối, dòng sông, những âm thanh nhịp nhàng như những tiếng sóng của biển dội vào bờ.
Mỗi lần đến chùa, nhìn các bà làm công quả, chân tay bận bịu, miệng cười, mặt mày vui vẻ, là tôi lại nhớ đến mẹ tôi. Bà có sáu người con trai, lúc nào cũng quấy rầy và làm phiền lòng bà nhưng hàng xóm cũ nhắc đến bà lúc nào cũng nhớ đến một người vui tính, vui vẻ. Bà không đi hướng đạo nhưng bà thực hành được lời khuyên “mỗi ngày làm một việc thiện và nụ cười lúc nào cũng nở trên môi”. Cảnh yên tĩnh và trầm mặc của những ngôi chùa ở Sài Gòn những ngày cũ đã đem đến hạnh phúc cho bà. Bận bịu công việc nhà cả ngày cả tháng nhưng đến mùa rằm bà vẫn đến chùa làm công quả. Vu Lan cũng là ngày bà lên chùa, để quên các cậu con trai nghịch ngợm và nhớ đến các cô con gái đã xuống trần gian với bà vì “Trời đã đánh lầm tên vào sổ đời”. Hơn 20 năm trước khi ông anh cả tôi đem tro của cha mẹ tôi qua từ Việt Nam, những lần đến bảo tháp đi lẫn thẫn nhìn vào ngày tháng những người đã mất, tôi mới thấy năm tôi sinh ra là năm buồn vui lẫn lộn của mẹ tôi. Tháng 7 sanh ra tôi chắc bà theo tục lệ dị đoan, thấy cậu con trai có 6 ngón tay là một điềm xui và hơn một tháng sau, tháng 8 năm ấy chị tôi mất vì bệnh. Hơn 61 năm, mỗi lần lên chùa Phật Quang nhìn hình chị tôi, tôi lại cảm thấy bâng khuâng thương mẹ.
Trước năm 1975, tôi được xem phim “10 điều răn” của Charlton Heston đóng vai Moses, rồi qua đây mỗi năm đều được xem lại, trong 10 điều răn có một điều khuyên giản dị “yêu hàng xóm láng giềng như yêu mình”. Mỗi lần xem phim tôi nhớ đến mẹ tôi và các bà mẹ Việt Nam. Các ông chỉ lo chuyện đất nước, các bà sống với láng giềng. Khổng Tử dạy chữ “Nhân”. Mẹ tôi không đi học, không biết chữ, không đọc sách, không xem phim, bà chỉ thuộc một chữ “Tâm” từ cha tôi khi ông ngâm nga hai câu Kiều
“Nửa vành trăng khuyết ba sao giữa trời” “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài”
Bà cố giữ thiện tâm của nhà Phật, sống để làm gương cho con, tôi nghĩ bà lúc nào cũng lo xa nhưng không lo điều mà hàng xóm láng giềng lúc nào cũng nói “con trai có đức nhờ mẹ”.
Năm 1995, tôi có dịp về xóm cũ, hàng xóm vẫn nhắc bà đã chia xẻ với mọi người từ dưa mắm, củ hành, lon gạo đến chai nước mắm, ai thiếu gì bà vui vẻ giúp. Năm Mậu Thân, cả nước không ăn Tết vì tổng tấn công của Việt Cộng, nhà tôi thành một trạm tị nạn, 4,5 gia đình từ Tân Sơn Nhất, từ trung tâm Sài Gòn, từ các xóm không an ninh đổ về, mấy chục người ở trong nhà, sống lo vì giặc nhưng nghèo mà vui. Gặp ai bà cũng đon đả mời về nhà, bà cứ tưởng nhà bà chắc chắn như pháo đài nhưng bà nói với tôi “mình cứ giữ tâm thiện, chẳng ai làm gì được”. Các bà mẹ nhà quê lúc nào cũng dễ tin!.
Năm 1975 lại một lần giặc giã. Bà chạy qua chạy lại bên hàng xóm, giúp mọi người đóng vali dọn đồ đạc đi Mỹ, bà mặc quần áo cho con hàng xóm, khóc đưa tiễn như tiễn người nhà. Mẹ và các cậu con trai như mặt trăng và mặt trời. Trong cái xóm đầy anh hùng hảo hán ở khu Vườn Chuối Bàn Cờ, bà dạy chúng tôi những câu thật là trái tai như “một câu nhịn chín câu lành”, trong khi chúng tôi say mê đọc truyện Tàu như Binh thư Tôn tử dạy “tiên hạ thủ vi cường”, thấy địch thủ đứng “nghinh” là phải đánh trước hoặc “thế thiên hành đạo” thấy chuyện bất bình phải ra tay can thiệp. Chữ “Nhẫn” bà dạy có thể học nhưng chữ “Nhịn” khó hơn đối với các cậu con của bà, mẹ rầy cũng phải chịu. Sau này tôi có đọc được một câu thơ của đại thi sĩ Alexander Pope ông viết câu thơ đúng như dành cho các bà mẹ Việt Nam, những người bình thường (small people) “yêu mình, yêu người tạo ra không khí bình yên, rồi như hòn sỏi ném vào sông, những ngọn sóng đưa đẩy, bạn bè, hàng xóm đến đất nước rồi nhân loại hòa bình”. Những người thật nhỏ chứ không phải là những nhân vật chính trị, với những lời tuyên bố vĩ đại. Thơ của Pope, cũng như đạo Phật mẹ tôi theo, làm cho các cậu con bà nhức đầu. Bà sống giống như câu trong cuốn 101 truyện cổ Phật Giáo: “Đạo và đời tương phản nhau, cái mà đạo cho là sung sướng và quý giá thì đời lại cho là thấp hèn đáng ghét. Những gì khoái lạc hôm nay chính là gốc rễ phiền hà về sau, những khoái lạc huyền hão”. Đời sống mẹ tôi chỉ giới hạn, loanh quanh lẩn quẩn với hàng xóm láng giềng và với chồng con. Khi tôi nhớ về bà những năm 1970 và khi tôi trở về lại thăm Việt Nam, cảm tưởng của tôi là mới 60 mà sao các bà, các cụ già như vậy! Hoặc đời sống cơ cực, hoặc chiến tranh, hoặc lo cho tương lai vô định, hoặc chỉ biết lo cho chồng cho con, những bà “mẹ Việt Nam không son không phấn”. Trong hơn 20 năm sống với bà mẹ vợ tôi ở Mỹ tôi lại bắt được hình ảnh của mẹ tôi những năm xưa. Mẹ tôi ăn mặc tiện tặn, để dành thức ăn không dám phí phạm, dấu hiệu của một người đã đi qua cảnh đói của thời chiến tranh năm 1945, dấu hiệu của những người đã sống ở vùng Nghệ An cơ cực. Sau này khi nhà khá giả hơn, các anh tôi đã ra đi làm và lập gia đình, bà bớt lo gánh nặng tiền bạc nhưng bà vẫn giữ thói quen tiện tặn không đổi. Xã hội như ngọn sóng lúc nào cũng đẩy đưa đến đằng trước nhưng mẹ tôi vẫn đứng một chỗ với cái tâm định. Cuộc đời như một chu trình, mấy mươi năm sau bỗng nhiên tôi được các con tôi khuyên như ngày nào anh em chúng tôi đã khuyên mẹ “con biết bố mẹ đã qua cảnh khổ vượt biên nhưng bố mẹ nên quên đi, bố mẹ đang ở Mỹ!”
“Làm điều lành tránh điều ác”, mẹ tôi hầu như nhắc nhở anh em tôi mỗi ngày. Chắc bà xem các anh em chúng tôi “dữ như tướng cướp”! Nhìn lại suốt cuộc đời trong hơn 27 năm sống với bà, tôi đã thấy mẹ tôi giữ được lời bà khuyên. Có thể bà theo lời Phật dạy hoặc có thể bà sợ xuống địa ngục, địa ngục mà Mục Kiền Liên đã xuống thấy mẹ đói đưa chén cơm cho mẹ ăn mà bà không ăn được, đi lên trần thế, gặp Phật giảng, thiết lập trai đàn và nhờ tăng chúng cầu nguyện cho mẹ từ đó có ngày Vu Lan.
Tôn giáo nào cũng dạy làm điều lành, tránh điều ác cũng nói về địa ngục. Địa ngục nào cũng giống nhau, chỉ có Niết Bàn khác Thiên Đàng của Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo. Địa ngục của Dante có 9 tầng, đầy lửa, hãi hùng, các hỏa ngục ấy có trên trần gian đi từ tham lam, giận dữ, dâm dục, dối trá, gian lận, phản bội, v.v… Các địa ngục của Dante trong trần gian là phần đầu bài thơ khôi hài “Divine comedy”. Nhưng người Công Giáo không thích hài hước. Địa ngục của cha Arnall nổi tiếng nhất, qua bài giảng trong sách “chân dung người nghệ sĩ trẻ tuổi”. Địa ngục ấy hãi hùng không khác gì địa ngục Mục Kiền Liên đi qua. Địa ngục qua lời giảng của cha Arnall: “người xuống địa ngục bị nhốt trong tù với bức tường dày 4.000 dặm! Mùi hôi thối không chịu được, sống dưới địa ngục thiên thu bất tận, không thoát ra được bức tường dày lại còn núi cát cao một triệu dặm mỗi một triệu năm mới có một con chim bay đến cho một hạt gạo! Những người xuống địa ngục bị phạt, phải đi ngược đầu, uống nước tiểu và ăn phân người”. Thế kỷ 17, ông Jeremiah Drexel vẽ ra một địa ngục khác, trong đó “một triệu linh hồn bị nhét vào một diện tích nhỏ một dặm vuông, nhốt chặt như nho đóng hộp, các linh hồn không có chỗ thoát, không có chỗ để thở kêu lên như heo!” Hỏa ngục nóng như vậy, thì như Tobias Swinden, chỉ có thể ở trên mặt trời, nơi ấy lửa lúc nào cũng cháy không tắt.
100 năm trước Công nguyên, triết gia Lucretius, người đầu tiên nói về nguyên tử atom, lập ra trường phái Atomist ông làm thơ nhưng thơ ông như những lời giảng vật lý về nguyên tử. Con người cũng như các hành tinh cấu tạo từ nguyên tử, khi chết các nguyên tử ấy tan đi, bất diệt, tạo thành linh hồn có ngày các nguyên tử ấy lại tạo nên con người hay sự vật. Thuyết của Lucretius giúp con người không sợ chết lo cho kiếp sau nếu có địa ngục nguyên tử có thể tồn tại trên mặt trời với sức nóng 15 triệu độ C so với trung tâm trái đất 7.000 độ C. Sách của Lucretius có 100 năm trước Chúa giáng sinh sau bị giáo hội tịch thu, cấm và đốt vì trái với lời dạy có đời sống sau của giáo hội, khi thánh Gabriel thổi tiếng còi phán xét cuối cùng. Địa ngục được mô tả kỹ nhưng chỉ có ông Emanuel Swendenborg năm 1745 mô tả lại sau khi đi thăm cả hai cảnh thiên đàng và địa ngục. | Mẹ tôi cũng như các bà tin có địa ngục. Đôi khi tôi tự hỏi địa ngục của tôn giáo để dạy làm điều lành tránh điều ác hay để người hiền lành tự an ủi và an phận. Tôn giáo quả có khác đời sống thật như ở trong địa ngục cộng sản những nhà lãnh đạo luôn sống trong cảnh thiên đàng. Giáo điều cộng sản chỉ nói đến thiên đàng có lẽ tại vì mọi người đều sống trong cảnh địa ngục mà đến khi chết những người lãnh đạo quen làm tờ thú tội khai gian kiểu Đặng Tiểu Bình chắc gì họ xuống địa ngục? Chỉ có một địa ngục của dân Babylon trong sách Gilgamesh (có trước Thánh Kinh) có thể răn dạy các lãnh tụ, địa ngục “là một chỗ bụi bặm, trong đó ngay cả vua chúa và tu sĩ cũng nằm co quắp trong bóng tối”
Năm sinh nhật 50 tuổi, các con tôi bắt bố viết trả lời câu hỏi: “bố đã học điều gì hay nhất từ bà nội”. Mãi đến sinh nhật năm 60 tuổi tôi mới viết trả lời. Có lẽ trong 6 người con, tôi là người thân nhất với mẹ tôi, nhất là từ đầu năm 1975, khi các anh tôi đã lập gia đình và đứa em kế đã đi làm ít về nhà. Tôi thường ăn cơm trưa với bà khi về từ bệnh viện Bình Dân nghỉ trưa. Một hôm mẹ tôi khóc khi đang ăn, tôi hỏi lý do, bà nói: “Ba mày dặn, từ nay bà không nên gọi nó là mày mà hãy gọi là cậu bởi vì nó sắp ra bác sĩ.” Tôi buồn cười với ông bố tôi hay học cách xã giao của ông bạn Bắc kỳ! Mẹ tôi, cũng như các bà mẹ khác nhất là các bà mẹ Việt Nam ở Mỹ lúc nào cũng xem con còn nhỏ hay nấu ăn, săn sóc. Trên 21 tuổi, bà vẫn xem chúng tôi còn nhỏ, có nhiều lần bạn bè hướng đạo hay sinh viên đến nhà họp, cậu con là lãnh tụ, trưởng hướng đạo nhưng trước khi ra khỏi nhà nhìn cậu con quần áo nghiêm chỉnh, khăn quàng, leo lên xe đạp dẫn các cậu đoàn sinh là bà phải dặn dò cẩn thận: “Các anh nhớ xem chừng em cho tôi nhé, nó còn nhỏ!”
Sau 30/4/1975, nhà vắng vẻ, các anh lớn người đã đi Mỹ, người trong trại học tập, chỉ còn tôi và hai người em, tương lai không thấy, bà an ủi tôi và khuyên: Con đừng lo, “còn người, còn của”. Sông có khúc người có lúc, còn người còn của, những lời giản dị tôi không bao giờ quên. Viết trả lời cho con vào đúng lúc kinh tế Hoa Kỳ suy thoái, thất nghiệp, lời khuyên ấy như của mẹ tôi cho các cháu. Năm 1977, mẹ tôi mất. Ngày bà mất, buổi sáng tôi mới đọc xong cuốn “Câu chuyện của dòng sông” của Herman Hess với anh chàng chèo đò Tất Đạt, với cuộc đời là dòng sông, tâm hồn thanh thản, tôi đạp xe từ nhà vợ về thăm mẹ trên con đường Phan Đình Phùng với hai hàng cây yên tĩnh. Đến nhà, nghe cô cháu bước ra khóc “chú vào xem bà nội”, quăng chiếc xe đạp, tôi vào nhà vừa kịp nhìn thấy mẹ tôi thở hắt hơi cuối cùng. Dòng sông êm đềm của anh em tôi đã ngừng chảy.
34 năm sau, nếu còn sống mẹ tôi 100 tuổi, thế mà, Vu Lan năm nay tôi không lên chùa thăm mẹ.
|