Lỡ sinh ra làm phụ nữ |
Tác Giả: Trịnh Thanh Thủy | ||||
Thứ Tư, 23 Tháng 3 Năm 2011 05:20 | ||||
Ngày 8 tháng 3 vừa qua là ngày kỷ niệm 100 năm quốc tế phụ nữ . Ngày mà chúng ta thấy hàng triệu triệu người phụ nữ được hưởng những quyền lợi như đi làm, đi bầu, cắp sách đi học, tham gia chính trường và ít bị kỳ thị hơn xưa. So với 100 năm trước, người phụ nữ quốc tế ngày nay khác hơn nhiều. Ở Hoa Kỳ có khoảng 48% phụ nữ hiện có việc làm và 20 % phụ nữ có những địa vị lãnh đạo. Tuy nhiên ở Việt Nam và Đông Nam Á, họ vẫn còn là những thân phận bọt bèo trôi nổi rất thương tâm. Họ từ từ được tham chính nhưng con số phụ nữ đứng vào hàng lãnh đạo vẫn còn là con số rất khiêm nhường. Theo một bản phân tích báo cáo của chương trình phát triển phụ nữ Liên Hiệp quốc “The United Nations Development Programme (UNDP) and UN Women”, sự hiện diện của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo ở nông thôn, thành thị và các vùng phụ cận còn rất thấp. Những nơi cần có các cấp lãnh đạo phái nữ phải gia tăng như Bangladesh, India, Pakistan và Việt Nam. Năm 2009, số phụ nữ toàn cầu được tham chính vào khoảng 18.4 %. Ở Đông Nam Á, con số ấy rất tệ. Bangladesh chỉ có 1.37 % phụ nữ được bổ nhiệm vào các vị trí cao cấp. Riêng ở VN, trong kỳ bầu Đại hội đảng kỳ thứ XI, có 175 ủy viên chính thức được bầu, có 15 gương mặt nữ đắc cử. Chúng ta có tỷ lệ vào khoảng 8 %. Ngoài ba vị trí của địa phương là bí thư tỉnh Điện Biên, Hà Nội và Vĩnh Long còn phần lớn các vị trí khác thuộc về toàn quốc trong các lãnh vực xã hội, y tế, thương binh, dân vận và liên hội phụ nữ.v..v. Từ nghìn xưa, vai trò người phụ nữ chỉ đứng sau người đàn ông và vị trí lãnh đạo là của nam giới. Tuy nhiên ngày nay vai trò của họ đã thay đổi. Ngoài việc chăm sóc và quan tâm đến gia đình là bản chất chính của người phụ nữ, họ còn phải trau dồi kiến thức, giáo dục, bươm chải kiếm sống, và thăng tiến trong nghề nghiệp và địa vị xã hội. Theo thời gian đã biết bao nhiêu người phụ nữ thành công không chỉ trong lãnh vực gia đình, nghề nghiệp mà cả trên lãnh vực lãnh đạo. Là một người phụ nữ, tôi muốn nhắc nhở tới ngày phụ nữ quốc tế. Đây là dịp tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với những nỗ lực của người đi trước đã làm việc, tranh đấu, bảo vệ và giúp đỡ cho cuộc sống phụ nữ ngày nay được khá hơn. Nhìn lại chặng đường mình đã đi qua từ thời thơ ấu ở Việt Nam cho tới lúc trưởng thành. Ở Mỹ, tôi đi học đi làm và được sống đủ đầy, thực hiện được nhiều ước mơ bằng chính công sức và tiềm năng riêng của mình. Tuy không phải điều gì cũng toàn hảo, nghĩa là tôi cũng có những thất vọng, buồn chán và đôi lúc cảm thấy bị kỳ thị vì mình là phụ nữ. Nhưng nói chung tôi vẫn cảm thấy mình hạnh phúc và may mắn hơn nhiều phụ nữ khác, nhất là những phụ nữ còn ở VN. Ngày nào tôi về nước chơi, ra chợ nhìn những người phụ nữ Việt ngồi chồm hổm ngoài chợ buôn vài mớ rau, bán vài con cá, mồ hôi ướt thẫm bờ vai chua lét mà thấy lòng mình nao nao. Đêm nằm, tôi nghe tiếng những người đàn ông say rượu đánh vợ ồn ã vang rền đêm vắng. Nhìn những thiếu nữ trẻ bị bỏ mặc, lạc lõng tìm người thông dịch ở phi trường xứ người, tôi thấy chua xót. Họ bị đám con buôn ngụy trang dưới lớp “dịch vụ hôn nhân” gạt người một cách hợp pháp lấy gần hết số tiền công mai mối, rồi “đem con bỏ chợ”, làm sao thì làm, tự lo liệu lấy, biết tiếng Anh hay không mặc kệ. Không biết mấy mươi năm nay, con số phụ nữ VN chọn con đường lấy chồng ngoại quốc qua loại dịch vụ hôn nhân lên tới bao nhiêu mà ai cũng biết là rất nhiều. Tôi có theo dõi nhiều bài báo, các phóng sự và tin tức thì nguyên nhân các thiếu nữ bỏ quê hương, mái nhà êm ấm thân yêu của mình ra ngoại quốc không chỉ thuần lý do nghèo, mong có cuộc sống khá hơn mà còn có một nguyên nhân sâu xa là họ chán đàn ông Việt. Hình ảnh phái nam trong nước hiện nay không còn là một hình ảnh đẹp như như mơ trong trí phái đẹp nữa. Nào là họ không biết tôn trọng phái nữ, ăn nhậu say xỉn, cờ bạc, đánh vợ, đập con và ăn hiếp người đàn bà chân yếu tay mềm. Việc bỏ đi lấy chồng ngoại quốc của phụ nữ trong nước có phải là một cuộc cách mạng ngầm để vượt thoát? Không phải tất cả người ra đi đều gặp bất hạnh mà người thành công trở về thì giàu có hạnh phúc, khoe chồng ngoại quốc giỏi, thương vợ, chiều và trọng vợ. Điều này đánh bóng cho những phụ nữ cam đảm đã lên đường, và biết bao người theo vết chân họ để tiếp nối. Tôi tuy ở hải ngoại nhưng vẫn thường xuyên đọc báo chí trong nước qua mạng. Tôi theo dõi tin tức, thời sự, văn học xã hội, phim ảnh và cả việc xem phim bộ nữa. Tôi thấy được người phụ nữ trong nước ngày nay đã bước những bước khá dài, để đuổi cho kịp phụ nữ quốc tế. Họ lên mạng, tìm bạn, chit chat, chơi game, theo đuổi thời trang, quan tâm đến giáo dục, nghề nghiệp, nghĩa là làm mọi thứ mà phái nam có thể làm. Thậm chí trong những phim bộ tôi đã xem qua, hình ảnh một người phụ nữ lý tưởng ngày nay trong óc phụ nữ VN là người thích độc thân, lo tới tương lai sự nghiệp và học vấn trước khi nghĩ tới hôn nhân. Không phải là phim bộ chỉ có những hư cấu, nó không ít thì nhiều cũng thể hiện được đời sống, tư duy và môi trường sống của các tầng lớp con người trong xã hộị. Họ cũng buôn bán, cạnh tranh nghề nghiệp, thích vai trò lãnh đạo và không ít phụ nữ đã thành công và giàu có nhờ tài khéo của mình. Việt Nam là một nước đang phát triển, luồng gió mới nào thổi vào cũng có cái độc và cái lành. Phụ nữ phần nào cũng được hưởng những làn gió lành tươi mát trong trận cuồng phong ấy. Tôi thấy những báo mạng trong nước cũng nhắc nhở nhiều tới ngày phụ nữ quốc tế và ngày phụ nữ VN. Thật là một điều đáng khích lệ. Nỗi mừng luôn đi đôi với nỗi lo. Chuyện những em gái bị bắt cóc, bị bán hay đem giao cho các động mãi dâm khắp nơi trong nước và ngoài nước vẫn còn là mối thương tâm rỉ máu hoài không dứt. Có ai thấu nỗi đau, sợ, nhục nhằn của các em trong các cảnh vô luân ấy?. Có ai nhìn được vết thương xé lòng của các bà mẹ mất con, khi tưởng tượng đến các đứa bé tuổi mới 9, 10 mà đã làm những công việc nô lệ tình dục một cách thành thục và vô cảm?. Chắc tất cả các phụ nữ ấy ai cũng oán cho số kiếp làm con người nữ tội nghiệp của mình. Tôi có một người bạn vẽ một bức tranh tặng các bạn nữ cho ngày quốc tế này. Anh vẽ một người phụ nữ có nhiều cánh tay hệt như hình tượng Phật Quan Âm ngàn tay. Anh cảm thông được những vai trò và các trách nhiệm của người đàn bà trong cuộc sống tất bật hàng ngày. Người phụ nữ không những cần nhiều cánh tay mà còn cần nhiều đôi chân cũng như nhiều bộ óc. Một người bạn gái phê bình “Em cảm ơn bác đã nhớ đến chị em chúng em. Sao bác không vẽ bức tranh cổ động các bác trai giúp đỡ chị em phụ nữ nhỉ? Để thực hiện các thiên chức, Chị em chúng em chỉ cần hai tay thôi nhưng rất cần những người biết trợ giúp và san sẻ.”. Đó có phải là điều khó khăn lắm không khi phụ nữ chúng tôi cần san sẻ? Sự thông cảm chỉ là ý nghĩ nhưng trợ giúp và san sẻ mới thực sự là hành động. Các ông có lẽ sẽ la lên “Đòi hỏi chi quá lắm thế, các mợ này? Nào là đòi đối xử công bằng, học hành tương đương, vị trí lãnh đạo xứng đáng, tôn trọng nhân phẩm, có việc làm như người nam và cả bình đẳng tình dục nữa. Thật là đàn bà nhiều chuyện và đòi hỏi quá nhiều”. Nhưng các bạn phái nam ơi, các bạn nghĩ lại đi, những người phụ nữ ấy là mẹ, là con gái, em gái và người phối ngẫu của các bạn. Bạn phản đối và giận dữ., bỏ bê hay đối xử không đẹp với họ thì ai sẽ là người giúp đỡ, hỗ trợ tinh thần và thương yêu họ đây. Nếu bạn làm cha, làm anh thì bạn sẽ khuyên con, em gái bạn như thế nào khi chúng hỏi bạn về những nỗi bất hạnh của việc sinh ra làm người phụ nữ?. Trịnh Thanh Thủy
|