Cá trê suối Phú Quốc: loài cá mới của Việt Nam và thế giới |
Tác Giả: TS. Nguyễn Xuân Niệm | |||||
Thứ Bảy, 26 Tháng 11 Năm 2011 06:22 | |||||
Trong khuôn khổ đề tài Khoa học & Công nghệ tỉnh Kiên Giang do ThS. Đặng Khánh Hồng làm chủ nhiệm, một sản phẩm giao nộp độc đáo đó là định danh loài cá mới cho Việt Nam và thế giới có tên cá trê suối Phú Quốc, với tên khoa học Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011, vì trước đó chuyên gia Ng (chuyên gia phân loại cá trê) cùng cộng tác viên thuộc Viện Bảo tàng nghiên cứu sinh học Raffles thuộc Trường Đại học Singapore còn được tìm thấy ở Campuchia, nên không thể đặt tên loài đặc hữu phuquocchinensis cho loài cá này, vả lại mà đặt tên loài gracilentus vì tiếng Latin là mảnh mai. Như vậy, cá trê suối Phú Quốc sẽ bổ sung vào Danh mục “cá trê” Việt Nam, nay đưa lên con số là 8 loài, còn bổ sung vào Danh mục “Clarias” thế giới, lên con số 114 loài. Vị trí phân loại cá trê suối Phú Quốc trên thế giới như sau: Loài cá trê suối Phú Quốc Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011 Cá trê suối Phú Quốc rất giống với C. nieuhofii, nhưng cá trê suối Phú Quốc có thân mảnh mai và dài hơn so với C. nieuhofii. Cá trê suối Phú Quốc cũng có thể phân biệt với C. nieuhofii bởi vây lưng và vây hậu môn không bao giờ dính với vây đuôi. Cá trê suối Phú Quốc có nhiều hàng đốm trắng nhỏ ở hai bên thân hơn C. nieuhofii (15–21 và 12–18). Cá trê suối Phú Quốc khác C. pseudonieuhofii (một loài khác có hình thái tương cận cá trê suối Phú Quốc và C. nieuhofii) về khoảng cách giữa mấu xương chẩm và vây lưng; chiều rộng tấm răng tiền hàm và chiều rộng tấm răng lá mía; chiều dài đầu; và chiều dài vây bụng. Bên cạnh, đề tài cung cấp những đặc điểm hình thái phục vụ cho định danh, đề tài còn cung cấp các đặc điểm sinh học cá trê suối Phú Quốc như: Lược mang cá trê suối Phú Quốc có hình que, phân bố trên các đôi cung mang, cung mang thứ nhất có 17 – 20 lược mang, các lược mang ít phát triển so với cá dữ như cá lóc . Cá có miệng rộng, với nhiều răng nhỏ và nhọn. Tấm răng tiền hàm và xương lá mía hình vòng cung liên tục. Vì vậy, đây là loài cá ăn tạp thiên về động vật. Cá trê suối Phú Quốc có thực quản ngắn, hình ống. Vách thực quản dày và ranh giới giữa thực quản và dạ dày không rõ ràng. Dạ dày rất phát triển, co giãn lớn. Ruột ngắn (< 1, thích hợp ăn động vật), gấp khúc và có vách tương đối dày. Phân tích mẫu thức ăn trong dạ dày tìm thấy các loại thức ăn phổ biến là cá (tần số xuất hiện 88,33%); cua (43,33%); côn trùng (kiến, mối, nhện,…) (35%) và một ít thực vật (5%). Chỉ số độ no có từ cấp 3 trở lên chiếm 80% và chỉ số no đầy chung là 148,2. Điều này cho thấy cá trê suối Phú Quốc là loài ưa thích ăn động vật và cường độ ăn rất lớn. Phương trình tương quan giữa chiều dài (biến động 8,8 – 46,0 cm) và khối lượng (biến động 2,6 – 420 g) là W = 0,0037 L3,0747 với hệ số tương quan R2 = 0,9835, tương quan rất chặt chẽ. Khi cá còn nhỏ ( 25 cm) tăng trưởng nhanh về khối lượng. Cá trê suối Phú Quốc dễ dàng phân biệt giới tính. Đối với cá đực, gai sinh dục dài hình tam giác, phía đầu mút nhọn. Đối với cá cái, không có gai sinh dục, lỗ sinh dục tròn, khi thành thục sinh dục có bụng to, mềm đều, lỗ sinh dục phồng to và có màu ửng hồng. Cá đực thường có kích thước và trọng lượng lớn hơn cá cái. Tuyến sinh dục của cá trê suối Phú Quốc cái bao gồm 2 buồng trứng có dạng túi, hình ống hơi dài, phần đầu buồng trứng phình to và thuôn nhỏ dần về phía ống dẫn trứng. Bên ngoài có nhiều mạch máu phân bố. Đoạn cuối của các buồng trứng nhập lại với nhau thành ống dẫn trứng và mở ra ngoài lỗ huyệt. Trứng phát triển qua 6 giai đoạn. Noãn sào phát triển đồng pha, đẻ một lần trong năm. Tuyến sinh dục đực là hai dải nhỏ có hình chữ V, màu trắng xám nằm sát vào thành xoang bụng. Hai buồng của tinh sào không đều nhau với các thùy hình răng cưa, được kết hợp với nhau ở một đầu thành ống dẫn tinh và mở ra ngoài ở lỗ niệu-sinh dục. Tinh sào phát triển qua 6 giai đoạn. Độ béo Fulton (F) thay đổi theo từng giai đoạn phát triển tuyến sinh dục. Đạt giá trị cao nhất (0,88) khi tuyến sinh dục ở giai đoạn II và giảm dần theo sự phát triển của tuyến sinh dục, vì cá không cần nhiều chất dinh dưỡng cho sự phát triển tuyến sinh dục nên dinh dưỡng chủ yếu tập trung tích lũy ở các cơ quan khác. Lúc cá có tuyến sinh dục phát triển đến giai đoạn III và IV thì lúc này các chất dinh dưỡng lại được huy động cho việc hình thành và hoàn thiện các sản phẩm sinh dục, chính vì vậy hệ số độ béo ở trong giai đoạn này là thấp nhất. Độ béo F cá cái giảm dần từ tháng 3 (0,82) đến tháng 5 (0,65). Điều này cho thấy chất dinh dưỡng cần thiết được huy động từ tháng 3 đến tháng 5 cho quá trình phát triển và hoàn thiện các sản phẩm sinh dục. Kích thước và khối lượng thành thục sinh dục tối thiểu của cá cái và cá đực là (43 cm, 399 g) và (38 cm, 270 g) theo tuần tự; và lớn hơn cá trê vàng. Sức sinh sản của cá trê suối Phú Quốc cái thay đổi theo trọng lượng cá cái, dao động từ 17.733 trứng/kg ở cá 400 gr và 21.418 trứng/kg ở cá 900 gr, trung bình đạt 19.687 trứng/kg ở cá có khối lượng 660 gr. Rất thấp so với cá trê trắng 64.840 trứng/kg. Đường kính trứng dao động từ 1,5-1,7 mm, trung bình đạt 1,6 mm. Lớn hơn so cá trê trắng 1,0-1,2 mm. Một kết quả nữa từ đề tài mang lại là kích thích cho cá sinh sản Nuôi vỗ cá bố mẹ bằng thức ăn viên 30 đạm. Lượng thức ăn chiếm 3% trọng lượng cá theo thời gian nuôi vỗ và mỗi tuần bổ sung thức ăn tươi sống 1-2 lần. Sau đó kích thích cho cá sinh sản bằng HCG. Kết quả tỷ lệ cá rụng trứng là 100% và tỷ lệ nở đạt từ 50-65%. Thời gian ấp trứng dao động từ 32-36 giờ. Nhiệt độ lúc đó dao động 27-290C và pH dao động 7,0-7,5. Cá bột sau khi nở 2 ngày, ương trong thùng mốp 15 ngày tuổi với mật độ 3.000-5.000 con/m2. Thức ăn là sữa bột kết với trứng nước (Moina), trùn chỉ (Limnodrilus hoffmeisteri) và thức ăn viên, tùy theo giai đoạn tuổi cá bột. Tỷ lệ sống sau 30 và 45 ngày tuổi là 18 và 8% theo tuần tự. Với đặc điểm thịt cá trê suối Phú Quốc thơm ngon, béo, dai,… nên giá hiện nay 150.000-200.000 đồng/kg (6-8 USD/kg) mở ra hướng nuôi thương phẩm giúp người dân xóa đói giảm nghèo, đồng thời phục vụ du khách khi đến Phú Quốc, hòn nhất xinh đẹp và lớn nhất Việt Nam. Cá trê suối Phú Quốc Clarias gracilentus Ng, Dang & Nguyen, 2011 là một trong những dấu ấn đẹp cho sự nghiệp nuôi trồng thủy sản của ThS. Đặng Khánh Hồng./.
|