Sách ĐẠO VÀO ĐỜI - Bài 6 - Nhẫn Mẹ, Nhẫn Con |
Tác Giả: * Tiến Sĩ TRẦN AN BÀI | |||
Thứ Ba, 21 Tháng 10 Năm 2008 03:46 | |||
Vào năm 1884, linh mục Giuse Sarto được vinh thăng Giám Mục thành Mantua, Ý Đại Lợi. Ngài trở về căn nhà tồi tàn gặp bà mẹ già nua quê mùa. Đức tân Giám Mục đưa bàn tay có chiếc nhẫn Giám Mục ra khoe với mẹ: - Mẹ xem này, chiếc nhẫn Giám Mục của con có đẹp không? Bà mẹ quê giơ bàn tay gầy guộc nhăn nheo lên cầm lấy tay con: - Con à! Chiếc nhẫn của con đẹp lắm. Nhưng nếu không có chiếc nhẫn cưới xấu xí của ngón tay mẹ đây thì làm sao có chiếc nhẫn Giám Mục đẹp đẽ của con được? Đức Giám Mục Sarto sau này là Đức Thánh Giáo Hoàng Piô X (1835-1914), Đấng đã phong Chân Phước cho 28 vị Tử Đạo Việt Nam. Bạn thân mến, Bạn cho mình là đẹp, là khôn, là giỏi, nhưng bạn có biết rằng: nếu không có chiếc nhau từ lòng của mẹ ban truyền sức sống cho, thì bạn không có gì cả. Nnhững gì bạn có hôm nay đều là nhờ mẹ ban cho. Ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ, bởi vậy, bao la như trời biển. "Công cha như núi Thái Sơn, Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra". Nhiều người lúc mẹ còn sống thì phiền trách, bỏ đói bỏ khát. Đến khi mẹ chết mới làm văn tế với mâm trái cây đầy ắp. Không biết hoa trái ấy để cho người chết hay người sống hưởng dùng đây? Ngoài ra, yêu mến mẹ mình mà thôi chưa đủ, còn phải kính trọng mẹ người khác nữa. Những lối nói, kiểu chửi Việt Nam mà ta thường nghe như: "Tao là mẹ mày đây, con!", hoặc "Một lũ đàn bà lau nhau vô học" hay xổ tiếng "Đan Mạch" với mẹ người khác, tức là một hình thức vô phép với mẹ mình. Chửi rủa mẹ người khác tức là phỉ báng chính mẹ mình vậy.
|