Home Đời Sống Danh Nhân Hùng khí phương Nam qua thơ Lý Thường Kiệt

Hùng khí phương Nam qua thơ Lý Thường Kiệt PDF Print E-mail
Tác Giả: Viên Linh   
Thứ Hai, 04 Tháng 7 Năm 2011 21:14

Trong Việt Sử Tiêu Án, sử gia Ngô Thời Sĩ viết về Nhà Lý (1010-1225): “Thánh hiền nhiều, bình trị lâu, từ xưa về trước chưa từng có hơn thế.”


 
Ðền miếu thờ phụng Quốc Công Lý Thường Kiệt được xây dựng tại nhiều nơi trên đất Bắc, như ở Thăng Long, Hưng Yên,... mà đây là một.

Trong bộ sách Lịch sử Tư tưởng Việt Nam, học giả Nguyễn Ðăng Thục viết về nhà Lý: “Cái đặc sắc... là ý thức dân tộc sâu rộng và cao siêu như bốn câu thơ bất hủ đã toát yếu khúc chiết cái quan niệm quốc gia dân tộc Việt Nam”
 
Sông núi nước Nam, quyền vua Nam
Hiển nhiên Thiên định hẳn không lầm.
Giặc bay trái mệnh đòi xâm chiếm
Thảm bại trông kìa, hỡi lũ tham.
(Nguyễn Ðăng Thục dịch)
 
Bốn câu thơ này, như một lời truyền, đã do đại nguyên soái Lý Thường Kiệt sai người dùng loa đọc lên giữa đêm khuya, phát đi từ một ngôi đền thiêng bên sông Như Nguyệt, làm rúng động quân sĩ cả ta lẫn địch, trong trận đánh giữa quân Nam và quân xâm lược nhà Tống từ phương Bắc tràn qua. Trận đánh đã kéo dài hơn một tháng chưa phân thắng bại. Nguyên văn 4 câu thơ:
 
Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại Thiên thư.
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.
Lý Thường Kiệt (1019-1105)
 
Lời thơ đã khiến quân Nam bừng bừng hùng khí, cùng lúc ấy cũng khiến quân Bắc táng đởm kinh hồn. Giặc nao núng không còn muốn đánh, bỏ chạy, quân ta toàn thắng, đuổi giặc khỏi lãnh thổ, và từ đó Ðại Việt không còn triều cống vua Tống nữa.

Ðời sau coi 4 câu thơ trên là bản tuyên ngôn chủ quyền của Việt Nam mà không cần dựa trên các điều khoản chính trị, kinh tế, quyền lợi, mà vừa “thuộc về điều kiện thiên nhiên (Nam quốc sơn hà), vừa thuộc về siêu nhiên (Thiên thư định phận), quả là quan niệm thuộc về nhân bản toàn diện có khuynh hướng tâm linh tôn giáo hơn là duy vật hay duy tâm như các chủ nghĩa dân tộc ngày nay.” (Ng Ðăng Thục, LSTTVN, q.3.)

Cũng từ nhà Lý, nước Việt đổi quốc hiệu thành Ðại Việt, trước đó đã đổi cả kinh đô và tên kinh đô là Thăng Long. Tại Thăng Long, một đại học đầu tiên của quốc gia gọi là Quốc Tử Giám được thành lập. Ðó là một nước Việt Nam độc lập toàn diện với Bắc phương. Thánh hiền nhiều, tướng sĩ giỏi, người dân trọng tín nghĩa, xã hội văn hóa ổn định trong cuộc sống tam giáo đồng nguyên đã khiến Việt Nam trở nên một nước duy nhất ở phương Nam chặn đứng quân xâm lược phương Bắc. Lịch sử còn ghi nguyên soái Lý Thường Kiệt còn kéo quân qua đánh Tầu, chiếm Châu Ung, Châu Liêm, đi đến đâu truyền bá rao giảng đại cáo kể tội Tầu tàn ác đến đấy.

Lý Thường Kiệt (1009-1105) họ Nguyễn, (họ Lý là do vua yêu kính mà tặng cho họ vua), quê ở Phường Thái Hòa, Thăng Long; cha là An Ngữ, Lang tướng trong triều. Lúc 13 tuổi, cha mất, người chú họ tên là Tạ Ðức hỏi chí hướng, ông nói sở nguyện của ông là muốn trở thành một tướng tài, “xông pha vạn dặm để lập công, lấy ấn phong hầu, làm vẻ vang dòng giống.” Năm ông 18, ông được sung vào chức Kỵ mã Hiệu úy. Ðời Lý Thánh Tông, từ 1054, ông được phong chức cực lớn, là Kiểm hiệu Thái bảo, rồi đi dẹp loạn phía Tây, vùng Thanh Nghệ, “bình được 5 châu, 6 huyện, 3 nguồn, 24 động.” (Theo sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn). Sau đó lên chức Dũng võ uy Thắng công, như một đại tướng, được vua ban Tiết Việt (có quyền sinh sát trước, báo cho vua sau.) Rồi lên Phụ quốc Thái úy, Thiên tử nghĩa đệ (em kết nghĩa của vua). Khi nghe tin nhà Tống bên Tầu có ý nhòm ngó Ðại Việt, ông tâu với vua Lý Nhân Tông, vừa lên ngôi: “Ngồi chờ quân địch đến, chi bằng đánh trước.” Vua y lời tâu, LTK thống lĩnh ba quân kéo qua đánh phá ba châu Ung, Khâm, và châu Liêm. Ði đến đâu, ông ra đại cáo (gọi là Lộ Bố) kết tội tể tướng nhà Tống là Vương An Thạch bách hại dân Tầu, ông vâng lệnh vua Nam qua cứu nhân dân Tầu đang bị khổ ải vì chính sự Vương An Thạch quá tàn ác. Lộ bố của LTK kết tội Vương An Thạch đã bày ra “tân pháp,” khống chế xã hội bằng các kế hoạch “Thanh miêu,” “mộ dịch” và quân thâu.” Tại châu Ung thái thú Tô Giám chống cự 40 ngày mới chịu thua, hôm ấy là 1 tháng 3, 1076. Y nhục nhã phát cuồng, giết chết 36 gia nhân rồi tự tử chết. Quân Nam vào thành, giết hại không nương tay. Tống sử chép: “Quân Lý xếp đầu người thành đống, mỗi đống 100 đầu, có 580 đống, vậy là 5 vạn 8 ngàn người bị giết.” (Theo NÐT, sđd, quyển 3.) E rằng Sử Tống nói quá. “Trong trận đánh 3 châu, ta giết và bắt người ba châu Ung, Khâm, Liêm độ chừng 10 vạn.” (Việt Sử Lược, Trần Quốc Vượng dịch và chú giải, nxb Văn Sử Ðịa, Hà Nội - trích lại của Nguyễn Ðăng Thục.)

Vương An Thạch nổi giận, phong Triệu Triệt, Quách Quỳ hai tướng với đại binh, liên kết với hai nước sau lưng ta là Chiêm Thành, Chân Lạp, cùng tiến đánh Ðại Việt. Lý Thường Kiệt đem quân dàn trận vùng sông Như Nguyệt, đánh nhau hơn một tháng không phân thắng bại. Một đêm, LTK cho quân sĩ vào đền Trương Hống Trương Hát, dùng loa ngâm bốn câu thơ gọi hồn nước, lại ra vẻ như lời của thiên thần vọng xuống đầu giặc, như đã kể bên trên.

Trong thời Hán học thịnh trị, các nhà Nho của các triều đại trước ít đưa bài thơ này vào các sách văn học, có thể vì Lý Thường Kiệt không phải là một nhà Nho; ông là con nhà Phật. Các Thi tuyển Việt Nam của Ngô Tất Tố (Văn học đời Lý); Trần Trọng Kim (Việt thi), Bùi Kỷ (Quốc văn cụ thể), Trần Trung Viên, Hư Chu, (Văn Ðàn Bảo Giám),... không thấy có bài thơ này! Thế mà bài thơ đã được Lý Tế Xuyên đưa vào Việt Ðiện U Linh Tập từ năm 1329 trong truyện Trương Hống và Trương Hát!

Học giả Nguyễn Ðăng Thục còn viết về bài thơ: “Ðây là cả một ý thức quốc gia dân tộc toát yếu vào mấy yếu tố cơ bản thiết thực trong đó biểu lộ một quan niệm dân tộc có tính cách tôn giáo linh thiêng thuộc về tâm linh thần bí. Sách Việt Ðiện U Linh sau khi kể lại chính thần nhân đã đọc bài thơ trên, có chép tiếp: ‘Ðang đêm nghe tiếng vang trong đền đọc bài thơ ấy quân ta đều phấn khởi. Quân Tống sợ táng đởm, không đánh đã tan.'” (sđd, trang 114)

“Như thế là Thường Kiệt giải quyết xong vấn đề Quốc thể Ðại Việt đối với thế lực phương Bắc rồi vậy. Không những ông đã phá được mưu đế quốc của Tầu muốn đô hộ lại nước Giao Chỉ,... ông còn biểu dương cả một cuộc chiến thắng giữa hai ý thức hệ: ý thức hệ tâm linh dân tộc của nhân dân Việt Nam chống với ý thức hệ xã hội khống chế của chủ nghĩa kinh tế chính trị của Vương An Thạch...” “Từ đây người Tầu không dám coi thường chúng ta.” (Ngô Thời Sĩ, Việt Sử Tiêu Án)

Tinh thần độc lập từ đời Lý, qua đời Trần, Lê, đã khiến Việt Nam là nước duy nhất trong các nước Bách Việt ở phía Nam sông Dương Tử không bị Hán hóa. Một người Nhật từng tuyên dương hùng khí phương Nam của Việt Nam trước cả người Tầu, trong câu chuyện học giả Hoàng Văn Chí kể lại sau đây: “Sau cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) và sau khi nhường chức tổng thống cho Viên Thế Khải, ông Tôn Văn sang viếng Nhật Bản,... được ông Khuyển Dưỡng Nghị đảng trưởng Quốc Dân Ðảng Nhật thế tiệc khoản đãi. Nhân được hỏi về chuyến đi Hà Nội, ông Tôn Văn đáp: “Người Việt Nam vốn nô lệ căn tính... Dân tộc ấy không có tương lai.” Ông Khuyển Dưỡng Nghị không đồng ý, nói rằng: “Xét trong lịch sử thì trong số Bách Việt, chỉ có Việt Nam không bị Hán hóa.” Ông Tôn Văn không nói gì nữa. (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản.)

Bài thơ của Lý Thường Kiệt, và tinh thần dân tộc Việt khởi từ lịch sử Nhà Lý, chính là khởi đầu một hùng khí phương Nam trước giặc phương Bắc. Không bao giờ hơn lúc này,
chúng ta cần ôn lại những trang “Sử thi Chính khí” của dân tộc để khơi lại dòng máu anh hùng quật cường đang sa đà vào vào một đại tối tăm có thể là tồi tệ chưa từng thấy hiện nay.