Dân thiểu số ở Mỹ trông đợi vào học vấn để vươn lên |
Tác Giả: Lê Tâm | |
Thứ Hai, 22 Tháng 10 Năm 2012 13:45 | |
Giáo dục từ lâu nay vẫn đi liền với truyền thống “Giấc Mơ Mỹ Quốc-American Dream”
Hinh minh họa (Internet)
HOA KỲ - Giới soạn thảo chính sách cũng như các nhà kinh tế vẫn thường ca ngợi học vấn là một trong những đầu tư lâu dài tốt đẹp nhất để giảm thiểu khoảng cách giàu nghèo giữa các gia đình da trắng và cộng đồng thiểu số, cũng như cho giới trẻ thuộc mọi chủng tộc cơ hội để thành công. Và căn cứ theo kết quả một cuộc thăm dò mới đây, đó cũng là điều được nhiều người, đặc biệt là trong thành phần thiểu số, đồng ý. Theo bản tin của National Journal, kết quả cuộc thăm dò mới nhất do Apollo Group/National Journal Next America thực hiện cho thấy có nhiều người da đen và Hispanic hơn là người da trắng cho rằng bằng cử nhân là điều cần phải có cho sự thành công trên đường đời. Giới thiểu số thường cũng nói rằng cha mẹ họ khuyến khích và trông đợi họ vào đại học. Và người Mỹ gốc Phi Châu cũng như Hispanic tin tưởng mạnh mẽ, hơn cả người Mỹ da trắng, rằng nếu họ đi học lâu hơn thì sẽ dễ dàng thành công và giàu có hơn. Vẫn theo bản tin, các kết quả này cho thấy học vấn đại học vẫn thu hút được phần lớn người dân Mỹ - đặc biệt là trong giới thiểu số - dù rằng đang có tình trạng học phí gia tăng và những than phiền cho rằng các trường đại học không chuẩn bị được đầy đủ cho người sinh viên để đáp ứng với sự thay đổi nhanh chóng trong việc làm của xã hội hiện nay. Nhưng cuộc thăm dò cũng cho thấy rằng không phải người dân Mỹ nào cũng cho rằng học vấn là giải pháp hay nhất để giải quyết các vấn đề đời sống. Có nhiều người cho rằng điều trước tiên phải đạt được là làm sao có được sự tin tưởng vào học vấn. Họ than phiền rằng ở Mỹ có tinh thần không ưa người có học thức cao. Một số bậc cha mẹ trong thành phần lao động còn cảm thấy ngượng ngùng khi có con được coi là có sự thông minh thiên phú. Giáo dục từ lâu nay vẫn đi liền với truyền thống “Giấc Mơ Mỹ Quốc-American Dream,” trong đó thế hệ cha mẹ hy sinh cuộc đời mình để bảo đảm con cháu mình có được một nền học vấn tốt đẹp. Và các thế hệ sau này sẽ có nhiều cơ hội để thăng tiến và đạt được chỗ đứng trong giới trung lưu ở Mỹ. Có tới hơn 2/3 (khoảng 68%) những người trả lời phỏng vấn nói rằng cha mẹ họ trông đợi họ vào đại học và 61% nói rằng giới trẻ ngày nay cần có bằng bốn năm để có thể thành công. Vẫn theo bản tin, cuộc thăm dò kết luận rằng giáo dục được đặt ở tầm mức quan trọng hơn đối với người thiểu số, so với người da trắng. Có khoảng 66% người Mỹ da trắng nói rằng cha mẹ họ khuyến khích và trông đợi họ vào đại học, trong khi 67% người gốc Hispanics và 77% người da đen cho biết điều này. Có 57% người da trắng tin rằng người trẻ cần có bằng bốn năm để đạt thành công, so với 67% người da đen và 73% người Hispanics. Một lý do giải thích điều học vấn đại học có tầm mức quan trọng đối với các gia đình thiểu số có thể là vì trong các cộng đồng này không có nhiều người tốt nghiệp đại học. Kết quả của cuộc thăm dò tại New Jersey cũng xác nhận điều mà nhiều người từng nghe nói đến - đó là trình độ học vấn thay đổi lớn lao tùy theo sắc dân. Có hơn 1/3 người da trắng trả lời cuộc phỏng vấn (khoảng 35%) nói rằng họ có bằng đại học, so với con số 13% từ phía người Hispanics và 18% người da đen. Các con số này trùng hợp với dữ kiện của cuộc thống kê dân số, theo đó cho thấy vào năm 2010 có khoảng 30% người da trắng ở Mỹ có ít nhất một bằng đại học, so với con số 13% người Hispanics và 18% người da đen. Trên thực tế, mục tiêu vào đại học là điều dễ dàng đạt được hơn rất nhiều nếu người lớn chung quanh đứa trẻ đã từng vào đại học. Có gần một nửa số sinh viên tốt nghiệp (49%) nói rằng có cha hay mẹ có bằng đại học, và 61% trong số này nói rằng phần lớn người thân hay người quen với gia đình có bằng đại học bốn năm. (L.T.)
|