Bằng cấp đại học Hoa Kỳ vẫn còn giá trị nhất thế giới? |
Tác Giả: Lê Tâm | |||
Thứ Hai, 07 Tháng 6 Năm 2010 17:43 | |||
Không ai có thể bác bỏ ý kiến cho rằng có được mảnh bằng từ các đại học ở Hoa Kỳ vẫn còn là ước mơ của nhiều sinh viên trên thế giới. Nhưng các chỉ dấu thời gian gần đây cho thấy thế độc tôn của đại học Hoa Kỳ về giá trị bằng cấp và nghiên cứu nay đang bị lung lay rất nhiều. Nguyên do chính là vì các quốc gia khác trên thế giới nay cũng đang tìm cách thu hút giáo sư giỏi từ Hoa Kỳ về dạy tại trường của họ và quan trọng hơn nữa là giữ các sinh viên ưu tú- một trong những lý do chính khiến các trường đại học Mỹ nổi tiếng- ở lại học trong nước hoặc từ các quốc gia khác đổ về. Đại học Massachusetts Institute of Technology (MIT). (Hình minh họa) Hiện ngày càng có nhiều giáo sư hàng đầu của Hoa Kỳ trong mọi ngành học, đang về dạy tại đại học National University of Singapore (NUS) cũng như các trường khác ở Á Châu và Trung Ðông. Ðây là một chiều hướng giúp nâng cao giá trị của các trường đại học quốc tế trong bảng sắp hạng thế giới và cũng tạo ra sự nghi ngờ về giá trị thực sự của nền giáo dục đại học Hoa Kỳ hiện nay. Từ sau Ðệ Nhị Thế Chiến, giáo dục đại học Hoa Kỳ vẫn được coi là tiêu chuẩn vàng của thế giới. Nhưng sự cạnh tranh từ các nền giáo dục ngoại quốc, việc tăng học phí, ngân sách cắt giảm, mức độ tốt nghiệp ngày càng thấp hơn và những khiếm khuyết trong chương trình học hiện nay đã khiến cái nhìn về giá trị học hành và khả năng nghiên cứu của các trường đại học Hoa Kỳ sút giảm nhiều. Các chuyên gia giáo dục cảnh cáo rằng nếu Hoa Kỳ không sớm nhận ra vấn đề để chú trọng trở lại vào nền giáo dục đại học của mình, quốc gia này sẽ mất đi lợi thế kỹ thuật và khoa học cũng như sẽ tạo thêm nhiều rủi ro cho nền kinh tế của mình trong tương lai. Nhưng điều khó để thuyết phục các giới chức thẩm quyền và dư luận quần chúng là ngay lúc này các sinh viên ngoại quốc vẫn có vẻ tiếp tục đổ dồn vào Hoa Kỳ. Với hệ thống đại học gồm 4,500 trường, kể cả các trường hai năm và bốn năm, cũng như các trung tâm nghiên cứu và truyền thống tự do trong đại học, Hoa Kỳ vẫn thu hút được các bộ óc thông minh nhất và nhiều năng lực nhất của thế giới. Ngay cả khi con số sinh viên ngoại quốc có giảm sút trong thời gian bốn năm sau vụ khủng bố 9/11 vì giới hạn visa, con số này nay tiếp tục tăng đều và có tới 670,000 sinh viên ngoại quốc theo học ở Hoa Kỳ trong niên khóa 2008-2009, tăng hơn 20% so với niên khóa 2000-2001. Và dù trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn, con số sinh viên ngoại quốc nộp đơn xin vào các ngành học sau cử nhân cũng tăng khoảng 7% trong năm nay. Họ không chỉ mang theo bộ óc đến Hoa Kỳ nhưng cũng đóng góp tài chánh, vào khoảng $18 tỉ cho niên khóa 2009-2010, theo ước tính của tổ chức National Association of International Educators. Con số này tương đương với 60% ngân sách Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ dành cho đại học năm 2008 và nhiều hơn số tiền dành cho trợ giúp tài chánh sinh viên. Ðiều quan trọng hơn nữa là sự đóng góp của sinh viên ngoại quốc vào các phát kiến khoa học và kỹ thuật: có đến 70% tất cả sinh viên lãnh bằng tiến sĩ ngành kỹ sư năm 2006 là người sinh ra ở nước ngoài. Trong các ngành về khoa học vật lý, con số này vượt quá 50%, theo National Science Foundation (NSF). Ðiều này có nghĩa là phần lớn các bộ óc đang có những phát minh đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của Hoa Kỳ cũng như những người đang dạy cho sinh viên bậc cử nhân, là những người đến từ nước ngoài. Trong cuộc cạnh tranh kinh tế của các quốc gia ngày hôm nay, sự đóng góp của thành phần chuyên gia ưu tú là điều không thể thiếu. Và hàng tỉ dollars đang được đầu tư ở Á Châu và Trung Ðông để hình thành các nền giáo dục đại học cạnh tranh với Hoa Kỳ và cũng để ngăn chặn việc thất thoát chất xám. Từ trường đại học Tsinghua University ở Bắc Kinh, đến Institute of Technonlogy in Chennai, Ấn Ðộ, sang đến University of Tokyo, các sinh viên giỏi giang nay có nhiều lựa chọn gần nhà hơn thay vì phải sang tận Hoa Kỳ. Cũng giống như Singapore, trường đại học Seoul National University của Nam Hàn và King Abdullah University of Science and Technology (KAUST) cũng có các tiến sĩ tốt nghiệp từ Hoa Kỳ dạy và điều hành và thường xuyên tuyển mộ các giáo sư Hoa Kỳ sang dạy. Trong khi đó tình hình ở Hoa Kỳ ra sao? Năm 1995, Hoa Kỳ là quốc gia có tỉ số sinh viên tốt nghiệp đại học đứng hàng thứ nhì trên thế giới, nhưng sang năm 2007, tụt xuống hàng 17, theo tài liệu của tổ chức Organization for Economic Cooperation and Development (OECD). Và một thống kê mới nhất cho thấy trong số 50 tiểu bang ở Hoa Kỳ, chỉ có hai tiểu bang mà số người trẻ có bằng đại học nhiều hơn con số không có bằng. Do tình hình phát triển kinh tế ở Á Châu cũng như ở các nơi khác trên thế giới, con số sinh viên ngoại quốc đến Mỹ sẽ không giảm, mà còn có thể gia tăng nhiều hơn. Vậy sự khác biệt là gì? Theo lời ông Robert Berdahl, đứng đầu tổ chức Association of American Universities, một nhóm gồm 63 trường đại học hàng đầu, có chương trình nghiên cứu, ở Hoa Kỳ và Canada, thì một giáo sư đại học nổi tiếng ở Trung Quốc đã nói với ông “Các ông trước đây lấy hết sinh viên giỏi của chúng tôi; nay chúng tôi giữ được sinh viên giỏi của mình.”
|