Còn chút gì để nhớ để thương |
Tác Giả: Nguyễn Kim Ngân | |
Thứ Tư, 29 Tháng 9 Năm 2010 06:40 | |
Tưởng niệm chị Cêcilia Tina Võ thị Bạch Tuyết (1963-2010) Không dưng trong một hai năm gần đây, tôi đã đi dự đám tang của vài ba người đã giã từ cuộc sống khi còn rất trẻ: một người cháu họ, ở độ tuổi ngoài 30, vì bệnh ung thư; một chú em họ, ở tuổi ngoài 40, vì chứng trụy tim; một người quen cũng ở độ tuổi như chú em vừa nói nhưng vì tai biến mạch máu não. Trong tuần này, tôi dự một lượt hai đám tang, hai người phụ nữ, đều ở lứa tuổi 50, như vậy chỉ mới hưởng dương mà thôi. Đó là hai người vợ trẻ, hai người mẹ còn đang bận rộn nuôi con: cô láng giềng để lại hai người con, một đang ở đại học, một sắp tốt nghiệp trung học; còn người kia, vợ của anh bạn, để lại ba cô con gái, đều trong lứa tuổi “teen.” Hai người phụ nữ nằm xuống, dù một đã được chờ đợi và chuẩn bị từ lâu, còn một thì hoàn toàn bất ngờ như sét đánh, nhưng cả hai đều để lại muôn vàn thương tiếc cho người ở lại, nhất là cho đám con thơ, và cho hai anh chồng, cứ đi ngẩn vào ngơ, và đôi mắt đỏ hoe, cay xè những dòng lệ khô. Ngoài cái chết giữa tuổi đời vẫn còn xanh, với hai căn bệnh hiểm nghèo như nhau, để lại cha và mẹ già còn sống, bỏ lại hai mái gia đình dở dang và hai người bạn đường từ nay bơ vơ, đứt gánh giữa đàng, cả hai cùng giống nhau ở chỗ đều tìm được niềm tin vào Thiên Chúa trong cuộc sống, khởi đi từ một gia cảnh và một dòng tộc thấm nhuần đạo lý của Đức Phật Từ Bi. Cho dù ban cho con người có toàn quyền tự do, muốn làm gì tùy ý, nhưng sinh tử, sống chết là chuyện Chúa dành cho riêng Ngài. Do đó, không ai biết cho đến khi mình được sinh ra, và cũng chẳng ai hay được ngày giờ mình chết, và chết như thế nào, vào lứa tuổi nào. Đó là thân phận con người. Đó cũng là định mệnh của kiếp nhân sinh. Và đó cũng là huyền nhiệm của cuộc sống thế nhân. Chị Tina Tuyết Võ thật là một mẫu sống hết mình, nhất định không đầu hàng thần chết. Bẩy năm trước đây, khi mới khám phá ra chứng ung thư quái ác, các bác sĩ đã tiên báo rằng chị chỉ còn 6 tháng nữa để đi nốt phần đời làm thân con người. Trong thâm tâm chị chỉ mong được sống thêm vài năm để cháu gái út lớn lên một chút, đến tuổi 12 (không ngờ nay cháu đã 17 tuổi). Từ đó, từng ngày, từng giờ, từng phút, đúng ra là từng giây, chị dành giật từng mạch sống với thần chết; chị tiếp tục sống như sẽ không bao giờ chết. Chị đã chiến thắng liên tục trong cuộc tranh đấu để sống còn. Đến độ nhiều người cứ tưởng là chị đã hết bệnh. Nhưng rồi, chị mỗi ngày cảm thấy một yếu đi. Một cách âm thầm, sức sống của chị, như một dòng âm ỉ thoát dần ra khỏi xác thân chị. Thì ra đó là chiến lược của thần chết. Dầu sao, đến lúc này , người ta mới thấy rõ hơn tinh thần minh mẫn và sự lạc quan yêu đời của chị. Nó vẫn luôn ngời sáng, nơi chị, nơi gia đình, nơi những người thân thuộc, tỏa ra cho những bạn bè, cho hàng xóm láng giềng, những ai đến thăm hỏi chị. Chị đã động viên tinh thần bà cụ tôi khi bà vừa thoát khỏi cơn hiểm nghèo của cái chết trước mắt. Khi chính mình còn đang trong nguồn cơn bối rối, chị cứ vẫn bình tĩnh giúp đỡ bà cụ tôi trong giai đoạn hồi phục. Cái tinh thần bất khuất trước cái chết của chị thật đáng khâm phục. Chính trong sự lạc quan ấy, chị đã tìm được đức tin nơi Chúa cách đây 5 năm. Với tinh thần vui tươi, chị gia nhập nhóm Canh Tân Đặc Sủng, tham gia tích cực các sinh hoạt tinh thần và làm các công tác tông đồ, trong đó phải kể đến những nghi lễ phụng vụ và những buổi cầu nguyện chan hòa tiếng hát và lời kinh. Chính trong khung cảnh ấy, thánh nữ Cêcilia đã được chị nhận làm thánh Bổn Mạng trong ngày nhận bí tích Thanh Tẩy. Tôi biết chị Maria Tuyết Mai lần đầu tiên khi được anh bạn mời đi dự đám cưới, vào những ngày tháng tôi tham gia ban kèn đồng, có mục đích là làm nổi đình nổi đám những dịp hội hè, lễ lạc và rước sách tại Đền Thờ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, San Jose. Nghĩ lại cũng thấy vui vui, và tình anh em gắn bó, qua những buổi tập dượt hàng tuần, những lần hội họp nội bộ, nhất là những buổi hòa nhạc tại địa phương, hay những lần “mang chuông đi đấm xứ người,” tại Sacramento, hay khánh thành kỳ đài tại vùng đất được Thị Trưởng thành phố San Jose ưu ái dành cho VN ta, trên đường Capitol Expressway, đối diện với sân football trường Andrew Hill hiện nay. Ôi những ngày xưa thân ái. Xin xem hình ảnh Đại Lễ Rước Đất Thiêng: http://www.saigonecho.com/main/hinhanh/category/139-leruocdatthieng.html Vui nhất là trong đám cưới anh bạn, điều dường như chưa bao giờ có, và có lẽ cũng sẽ không bao giờ được lặp lại: đó là toàn ban kèn đồng mang đầy đủ đồ nghề, chẳng cần biết có cồng kềnh công kênh ra sao, với mũ áo cân đai đồng phục đại lễ, lên sân khấu trình diễn một bản đại hòa tấu, để gọi là mừng cô dâu chú rể (hội viên thường trực) được trăm năm hạnh phúc. Buổi hòa tấu “vô tiền khoáng hậu” thành công vượt bậc, bất chấp sự ngạc nhiên đến thích thú của nhà hàng, của quan khách, và nhất là sự “thất sắc” của cư dân địa phương, không hiểu có lễ nghi quân cách gì mà kèn trống linh đình đến thế. Nhưng rồi, trải qua những nổi trôi của thời thế, ban kèn đồng rồi cũng im tiếng, các đoàn viên chia tay mỗi người đi về mỗi ngả. Bẵng đi cả mười mấy năm, dù thỉnh thoảng vẫn tiếp xúc với anh bạn, nhưng phu nhân của chàng thì không hề…cho mãi tới lúc nhận được tin sét đánh là chị đã lâm vào cảnh hôn mê sau một cơn xuất huyết não. Sau khi ban kèn rã đám, anh bạn gia nhập ca đoàn Chứng Nhân, kéo theo luôn cả phu nhân. Nghe nói nàng vừa hát hay, lại còn chăm sóc chu đáo cho toàn thể các ca viên, trong những lúc tập dượt và nhất là trong các dịp hội hè, lễ lạc. Lần cuối cùng gặp nhau là dịp đưa cụ cố Tiên Sinh đến nơi an nghỉ cuối cùng, khi anh bạn rỉ tai tôi, nhưng lại cố tình để cho nhiều người nghe thấy: “Cho nhà hiếu hôm nay phải trả tiền mệt nghỉ, vì ca đoàn Chứng Nhân tăng cường một hơi đến hai vị Ca Trưởng (ý nói LS Bá và tôi).” Anh em đi hát đám ma mà vẫn cứ cười xòa, vui vẻ như đi đám…cưới. Đứng trước cái chết, nhất là của những đợt măng non đầy nhựa sống, vấn đề của người ở lại là học theo cách sống của những người đã nằm xuống trước, như nhị vị nữ lưu vừa ra đi tuần qua. Thông điệp của chị Tina Bạch Tuyết—và chắc chắn cũng là của chị Tuyết Mai--thật tuyệt vời: hãy cứ yêu đời luôn, cho dù cuộc đời có mang mầu sắc nào chăng nữa. Hãy cứ lạc quan nhìn vào những vùng trời chan hoà ánh sáng, chứ đừng ngồi đó mà nguyền rủa bóng tối. Hãy sống hết mình, vì từng phút từng giây trong đời đều là vô giá. Hãy sống quên mình, và luôn sớt chia, để làm vơi đi nỗi đau của người khác. Thiên đàng cũng chỉ là như thế mà thôi. Bởi vì Thiên Đàng là nơi có Chúa, nhưng ở đâu có tình yêu thương, thì ở nơi đó Thiên Chúa đang hiện diện. Tâm trạng của chị Tina Tuyết Võ vài tháng trước ngày ra đi được chị cô đọng lại trong bài thơ CẢM ƠN ĐỜI sau đây. Nếu ai nói cuộc đời đầy khổ lụy Còn ai bảo cuộc đời đầy chán nản Ai bảo tôi tháng ngày dài trống rỗng Đừng bảo tôi cuộc đời nhiều tẻ lạnh Cảm ơn đời mầu nắng vàng rực rỡ Hãy cùng tôi thắp lên ngàn ngọn nến Ai bảo tôi cuộc đời đầy tù ngục Trong những ngày cuối đời, tự đặt mình dưới lòng huyệt lạnh, chị Tina đã nhắn nhủ người ở lại những lời tha thiết sau đây: “Đừng Khóc Cho Tôi.” DON’T CRY FOR ME Don’t stand at my grave and weep. If you think of me in the fall If you miss me in the winter morning’s husk If you think of me at night If you miss me in the rainy day Don’t cry for me please. So please Phải, thưa chị Tina và Tuyết Mai, chúng tôi sẽ đứng lặng trước nấm mồ của hai chị, để tận hưởng mọi phút giây vô giá của cuộc sống này mà Thiên Chúa còn đang tặng ban cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ sống hết mình như hai chị để rồi sẽ không phải hối tiếc chi khi đến lượt mình, đặt bước lên chuyến tầu suốt đi vào thiên thu. Thân tặng anh Phương, hai cháu Kha và DiAn Ngày lập thu 2010
|