Home Biến Cố CG SJ Sách Cuộc Tự Vệ VH Việt tại SJ Chương 2 - Hội Nhập Văn Hóa Và Tội Ác Văn Hóa

Chương 2 - Hội Nhập Văn Hóa Và Tội Ác Văn Hóa PDF Print E-mail
Tác Giả: Phạm Kim Vinh   
Thứ Hai, 12 Tháng 10 Năm 2009 10:37

 

 

“Culture Clash” là tựa của một trong các cuốn sách Anh ngữ xuất bản tại Mỹ, viết về cuộc định cư của người tỵ nạn Việt Nam. Sách do nhà Intercultural Press tại Chicago xuất bản năm 1982. Tác giả là cặp vợ chồng Mỹ Ben Matthews và Ellan Matthews, ngụ tại tiểu bang Maryland. Hai người này đã bảo trợ một gia đình tỵ nạn Việt Nam năm 1975.

Trong cuốn sách này, vợ chồng Matthews đã định nghĩa văn hóa Việt Nam một cách liều lĩnh, đơn giản và độc ác. Thí dụ ở phần đầu của cuốn sách, bà Ellen viết rằng năm 1975, chính phủ Mỹ phân tán mỏng trên 100.000 người tỵ nạn VN đi nhiều tiểu bang khác nhau của Mỹ là để tránh không cho họ trở thành “một sự nhắc nhở quá lộ liễu về cuộc chiến tranh VN.” Rồi từ sự suy đoán này đến sự suy đoán khác, bà ta viết rằng gia đình tỵ nạn VN do vợ chồng bà ta bảo trợ đã không mang theo nhiều thứ khi phải rời khỏi VN. Họ chỉ mang theo rất ít quần áo, và lại mang theo một số băng nhạc cassette, một số đĩa hát, và một tập hình chụp các người trong gia đình. Tại sao họ không mang theo những thứ khác để giúp họ phấn đấu cho sự sống còn, mà lại mang theo hình ảnh, đĩa hát và băng nhạc? Đặt câu hỏi rồi lại chính bà ta trả lời theo ý của bà ta. Câu trả lời là: gia đình VN kia không chịu mang theo tiền bạc, hoặc đồ đạc, áo quần gì hết vì họ nghĩ rằng nước Mỹ rất giầu có, giầu đến nỗi không bao giờ hết tiền bạc, của cải!

 Đối với bất cứ người tỵ nạn VN nào thì sự việc chỉ mang theo băng nhạc, đĩa hát và hình ảnh chẳng có gì là khó hiểu, chẳng có gì là tính toán. Đâm đầu vào chỗ chết để tìm sinh lộ vào giờ thứ 25, trong cơn hoảng hốt cùng cực, họ chỉ có một ý nghĩ: mang theo những gì mà họ nghĩ là sẽ không thể mua được ở xứ người.

 Nhưng đối với dân tộc Mỹ, câu trả lời của bà Ellan Matthews nghe có nhiều phần hữu lý: dân tỵ nạn VN chưa gì đã tính chuyện ăn bám vào nước bảo trợ. Suy suy đóan ấy về sau càng được tăng cường khi báo chí bản xứ lâu lâu lại loan tin người tỵ nạn VN gian lận trợ cấp xã hội. Tâm lý người Mỹ rất giản dị, lười suy nghĩ thì chỉ suy nghĩ được ở dưới mức trung bình. Hầu như các cơ quan hữu trách liên hệ của nứơc Mỹ không chịu giải thích cho người dân Mỹ biết rằng có rất nhiều người tỵ nạn VN đã phải làm tới hai việc có khi ba việc trong một ngày để có thể sớm thoát khỏi sự nhờ vả trợ cấp xã hội, và để sớm có nhà, có xe và những tiện nghi khác mà họ đã từng có ở VN.

 Ellen Matthews không phải là người Mỹ duy nhất có cái nhìn văn hóa VN một cách thiếu sót và độc ác như vậy. Ta hãy nghe lời thú tội của một người Mỹ khác cũng bảo trợ một gia đình VN tại vùng New York. Đó là một giáo chức Mỹ tên là Ellyn Bache. Ngày 10-6-1978, nhật báo The New York Times đăng một nhận xét của bà Bache về sự dị biệt giữa lối sống của người Mỹ và lối sống của người tỵ nạn VN. Bài báo ấy không thuận lợi cho phía người tỵ nạn VN mà chỉ muốn nêu ra sự dị biệt khi hai nền văn hóa khác nhau chạm trán nhau trước ngưỡng cửa nhà bà ta. Tựa của bài báo ấy có tính cách dằn mặt người Việt rõ rệt: “Những Con Đường Của Nước Mỹ Không Lát Vàng”. Vì không đựơc giáo dục về đời sống của người VN tại VN trứơc năm 1975, bà Bache đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy gia đình tỵ nạn VN kia đã dùng số tiền tự túc đầu tiên kiếm được để mua một chiếc máy truyền hình cỡ bự. Ít lâu sau đó thì gia đình tỵ nạn ấy bỏ về một vùng khác có nhiều đồng bào của họ hơn. Bà Bache viết:

 “Trong năm 1976, nhiều người tỵ nạn VN đã dời đến những thành phố có những cộng đồng người Việt đông đảo. Chính sách quốc gia của chúng ta là phân tán họ ra khắp xứ, trong khi họ không có đựơc sự yểm trợ của những nhóm đồng hương đến trước họ như trường hợp các sắc tộc di dân trước kia. Có lẽ chúng ta đã góp phần gây ra sự tàn ác đó.”

 Là quốc gia do các di dân lập nên, nước Mỹ hình thành chính sách di dân trên căn bản đồng hóa những người mới tới càng mau càng tốt. Đối với những di dân tìm đến nước Mỹ vì đói ăn, ít ra cũng đã có hai tác giả Mỹ gửi họ lời nhắn thật hàm xúc. Thomas Wheeler viết: “Cơ hội tại nước Mỹ đòi hỏi người ta phải vong bản”. Còn Oscar Hindlin thì nhắn: “Lịch sử di dân là lịch sự của sự chối bỏ, với tất cả hậu quả của sự chối bỏ ấy”.

 Nếu nhà cầm quyền Mỹ áp dụng một cách máy móc chính sách “gấp rút đồng hóa” thì không tránh được phạm vào tội độc ác văn hóa với những lớp di dân mới tới.

 Khi còn là một Nghị sĩ, ông John Kennedy là một trong số ít người Mỹ đã sớm nhận ra nguy cơ của tội độc ác văn hóa ấy. Từ sau thế chiến II tới nay, những sự cải cách hoặc tiến bộ trong luật lệ về di trú của nước Mỹ đều có dấu vết của sự đóng góp tư tưởng của ông John Kenedy. Năm 1958, ông ta đã cho xuất bản cuốn sách của ông ta, tựa là “Một quốc gia của những người di dân”, trong đó, ông ta ghi nhận rằng mỗi lớp di dân đến nước Mỹ đều để lại những dấu vết thật rõ trong đời sống của xã hội Mỹ. Nói về tiến trình đồng hóa các di dân, ông ta viết: “Định cư và đồng hóa không nhất thiết cứ phải có nghĩa là chấm dứt lý lịch và các truyền thống nguyên khởi của các di dân”.

 Sách ấy được sửa chữa nhiều đế tái bản, nhưng chưa in xong thì tác giả đã bị ám sát vào cuối năm 1963. Giới thiệu ấn bản mới của cuốn sách ấy vào năm 1964, bào đệ của tác giả là bộ trưởng tư pháp Mỹ Robert Kennedy viết: “Sách này được viết để tri ân các di dân đã mang lại những đóng góp lớn lao cho nước Mỹ. Chính sách di dân của nước Mỹ trưởng thành nhờ hiểu được điều ấy. Sách này cũng giúp mọi người hiểu được sự đóng góp của các di dân, vì có hiểu được các đóng góp ấy thì mới tránh được sự kỳ thị và những sự tàn ác trong các luật lệ về di trú”.

 Ý thức đựơc thân phận thiệt thòi của các di dân, hội nghị của tổ chức Văn Hóa Quốc Tế (gọi tắt bằng Anh ngữ là UNESCO) trong phiên nhóm 1956 tại thành phố Hanava, thủ đô của Cuba (lúc ấy, Cuba chưa bị cộng sản cai trị) đã đưa ra nhiều khuyến cáo gửi cho các quốc gia tiếp nhận di dân. Có hai khuynh hướng chứa đựng rất nhiều ý nghĩa đối với người tỵ nạn VN. Thứ nhất là tránh sự phân tán mỏng, nếu khối di dân ồ ạt tới đông đảo cùng một lúc. Thứ hai là dành cho thiểu số trí thức của họ sự đãi ngộ đặc biệt để bớt làm tổn thương đến danh dự tập thể của họ. Cũng tại hội nghị này, một chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về hội nhập văn hóa là ông Eisenstadt khuyến cáo các nước tiếp nhận di dân: “Người ta vẫn lơ là cái khía cạnh giáo dục tâm lý cho dân bản xứ ở những quốc gia tiếp nhận di dân. Tuy khía cạnh ấy thật là sinh tử, nhưng chính quyền và các cơ quan hữu trách liên hệ lại ít chú ý tới nó!”

 Trong số các nứơc Tây phương tiếp nhận nhiều người tỵ nạn VN từ năm 1975, Pháp là nước đầu tiên, và có thể là quốc gia duy nhất, đã có lòng nhân đạo và mã thượng áp dụng hai khuyến cáo trên của Liên Hiệp Quốc. Trên đất Pháp, người tỵ nạn VN có thể đã không nhận được trợ cấp xã hội nhiều bằng trợ cấp của nứơc Mỹ, nhưng về tinh thần, nứơc Pháp đã không phạm vào tội độc ác văn hóa với người tỵ nạn VN tới đông đảo cùng một lúc. Tội ác ấy được ghi trong ngôn ngữ của Mỹ, và được gọi là CULTURAL TYRANNY. Tội độc ác văn hóa này là cái tội mà bà Ellyn Bache nói tới khi bà ta thú nhận rằng việc phân tán mỏng người tỵ nạn VN đi khắp nước Mỹ, trong khi họ chân ướt chân ráo, không có lý do nào để bào chữa.

Hoàn toàn không được chuẩn bị về tâm lý để đương đầu với nền văn hóa trả góp của xứ người, mỗi gia đình tỵ nạn VN đã tùy theo trình độ hiểu biết riêng, tùy theo mức độ nhạy cảm, mức độ tự vệ văn hóa để chọn một trong hai cách đối phó. Một là hăng say lao mình vào sự vong bản, hai là cố gắng trong giới hạn của mỗi cá nhân, gia đình, ráng giữ lấy những nét cao đẹp trong văn hóa cổ truyền của dân tộc VN.

 Thành phần hăng hái lao vào sự vong bản đã tỏ ra rất hãnh diện khi được hỏi rằng trong gia đình họ dùng ngôn ngữ nào hằng ngày và thành phần ấy vênh váo khoe rằng “tòan dùng Anh ngữ”. Cái thái độ “bảo hòang hơn vua” ấy có thể đã làm kinh ngạc các nhà xã hội học cố vấn cho tổ chức Văn Hóa Quốc Tế, vì rằng trong một phúc trình dầy trên 300 trang do cơ quan ấy xuất bản tại Pháp tiếp theo hội nghị Havana năm 1956, các cố vấn của tổ chức ấy ghi rằng: “...dầu có muốn gấp rút đồng hóa những người mới tới đến đâu thì quốc gia tiếp nhận cũng chỉ có hội nhập các di dân chứ không thể nào đồng hóa những người mới tới với dân bản xứ”.

 Thành phần thứ hai của khối người tỵ nạn VN cố gắng thích nghi để khỏi lạc lõng tại xứ người, nhưng họ vẫn cố gắng gìn giữ và bảo vệ các truyển thống cao đẹp của văn minh VN. Đó là phản ứng tự nhiên của họ để bảo vệ nếp sống dân tộc Việt trước sức công phá văn hóa xứ người.

 Như vậy dầu cho chính quyền của quốc gia tiếp nhận có muốn gấp rút đồng hóa đến đâu cũng phải nhìn nhận rằng quả thật đang có MỘT NẾP SỐNG VIÊT NAM trên đất Mỹ. Nếp sống Việt ấy tồn tại được bao lâu thì còn tùy thuộc nhiều yếu tố, nhưng có những người tỵ nạn VN đã sớm hiểu rằng họ phải trả giá thật đắt nếu còn muốn giữ được nếp sống ấy tại xứ người.

 Như văn hào lưu vong Vladimir Bukovsky đã nhận xét rất chí lý rằng: “Tự do có những điều bất hạnh của nó”, người tỵ nạn VN quả thật đã tìm được tự do tại xứ người, nhưng đồng thời, họ đã phải hy sinh, từ bỏ nhiều thứ thiêng liêng mà họ hằng ấp ủ, yêu mến tại quê hương của họ. Mỗi sự tự do mà họ được hưởng tại xứ người là một truyền thống xa xưa phải chối bỏ. Thế hệ thứ nhất chấp nhận mọi sự cay đắng tủi nhục để thế hệ thứ hai có thể ngạo nghễ ngẩng mặt nhìn lên. Lý lịch của họ đã bị hy sinh để đổi lấy tiện nghi xứ người. Quốc gia tiếp nhận quả thật đã cho người tỵ nạn nhiều thứ, nhưng những thứ ấy không thể nào đủ để đền bù những gì mà những người tỵ nạn VN đã phải hy sinh, phải chối bỏ. Từ một người có quốc tịch, có quê hương, có tổ quốc, có văn hóa riêng để trở thành một người tỵ nạn vô tổ quốc, người tỵ nạn VN đã phải mất bao nhiêu nước mắt. Và đến ngày họ vĩnh viễn từ bỏ quốc tịch cũ để trở thành công dân xứ người, lại mất bao nhiêu nước mắt sẽ nhỏ xuống.

 Người ta vẫn được đọc trên bản tin của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc rằng “người tỵ nạn VN đã thích nghi rất tốt đẹp vào đời sống mới.” Chúng ta không thể chối cãi rằng với đa số người tỵ nạn VN, quốc gia tiếp nhận đã cho họ nhiều hơn những gì họ có tại VN, nhưng điều bất hạnh cũng không thể chối cãi được là sự dồi dào dư thừa ấy chỉ là dồi dào, chỉ là dư thừa về vật chất.

 Thông thường, sự im lặng của người tỵ nạn VN được người bản xứ suy diễn là người tỵ nạn ấy “đã hội nhập tốt đẹp vào đới sống mới” của quốc gia tiếp nhận. Nhưng ở nhiều chặng của tiến trình hội nhập ấy, chúng ta đã thấy những bất hạnh của sự tự do. Những bất hạnh ấy được nhận rõ nhất tại Mỹ. Có những người Mỹ ngạc nhiên, nhiều khi còn pha lẫn tức giận nữa, khi thấy rằng vẫn còn nhiều người Việt “chưa được đồng hóa”, và rằng vẫn có những người tỵ nạn VN “không tỏ vẻ sung sướng khi được sống trên đất Hoa Kỳ”.

 Làm thế nào cho những người Mỹ ấy hiểu rằng người tỵ nạn VN đã mất nhà, mất nước, thế có nghĩa là họ đã đoạn tuyệt với đời sống bình thường mỗi ngày của họ. Họ đã mất việc làm, mất địa vị xã hội của họ, thế có nghĩa là họ mất đi sự tin tưởng của họ rằng họ còn hữu ích cho thế giới chung quanh họ. Họ không được dùng tiếng mẹ đẻ nhiều như trước nữa, thế có nghĩa là họ phải lúng túng bỡ ngỡ, khó chịu mỗi khi phải diễn đạt tư tưởng và tình cảm của họ trong đời sống hằng ngày. Họ phải bỏ lại tại VN rất nhiều người thân, trong số đó, có nhiều người đã bị giết, thế có nghĩa là đời sống tình cảm của họ đã bị cắt đứt. Quan trọng hơn nữa là sự khác biệt rất lớn giữa một người tỵ nạn chính trị và một di dân. Người di dân có thể tìm về xứ sở nguồn gốc của mình nếu cuộc sống di dân tại xứ người làm cho họ thất vọng. Người tỵ nạn không có sự chọn lựa tốt hậu ấy: cơ hội trở lại quê hương cũ đã mờ mịt, và càng ngày càng mờ mịt hơn nữa!

 Chỉ khi nào người dân Mỹ được giáo dục về những mất mát vô cùng lớn lao trên đây của người tỵ nạn VN thì họ mới hiểu rằng tại sao, người tỵ nạn VN vẫn giữ một nét buồn man mác trên mặt ngay cả khi những người tỵ nạn ấy nồng nhiệt nói tới những hy vọng và những ước mơ của họ tại quốc gia tiếp nhận.

 Sự kém hiểu biết như thế nơi dân bản xứ làm cho người ta nhớ lại lời thú nhận muộn màng của cựu Nghị sĩ Mỹ William Fullbright, kẻ đã từng gọi Nam Việt Nam trong thời còn chiến tranh là “Ổ điếm khổng lồ”. Tuần báo Mỹ Newsweek đề ngày 30-7-1979 đăng một bài của Fullbright tựa là “Lưỡi chúng ta bị bó chặt” để nhận định về văn hóa của dân tộc Mỹ. Trong bài, Fullbright nhìn nhận sự kém cỏi của dân Mỹ về mặt văn hóa, và thú nhận rằng dân tộc Mỹ mắc hai bệnh về văn hóa là bệnh CẬN THỊ NGÔN NGỮ và bệnh MÙ VỀ VĂN HÓA, là hai bệnh tự cao tự đại khiến cho dân Mỹ không chịu học hỏi văn hóa của các dân tộc khác, để đến bây giờ, nước Mỹ “mất bạn, mất kiếm chác kinh doanh, và mất cả sự kính nể của thế giới”. Fullbright còn kể lại rằng tại các hội nghị quốc tế, trong khi các phái đoàn khác tung hoành bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau để trò chuyện, trao đổi ý kiến thì phái đoàn Mỹ chịu chết ngồi một chỗ vì phải chờ thông ngôn dịch lại những gì các phái đoàn kia nói ra.

 Cũng nên nhớ lại sự nhục nhã của Tổng Thống Carter khi chính thức viếng thăm Ba Lan. Ông ta đã mất mặt vì người thông ngôn chính thức của ông ta dịch sai những gì mà Carter nói ra. Vụ mất mặt ấy làm cho cộng đồng quốc tế cảm thấy tội nghiệp cho đại cường quốc Mỹ vì đã không có khả năng để đào tạo được một người thông dịch xuất sắc cho bộ ngoại giao Mỹ!

 Khi bàn về sự hội nhập văn hóa, người ta có thói quen chỉ nhìn những gì ở bề mặt để kết luận vội vàng rằng sự hội nhập văn hóa đã thành công. Đó chưa kể là có kẻ còn chủ trương dùng sự áp đặt theo kiểu thực dân để cưỡng bách đồng hóa.Cơ quan văn hóa của Liên Hiệp Quốc thật đã rất sáng suốt và nhìn xa khi khuyến cáo các nứơc tiếp nhận di dân là chỉ có thể “hội nhập” chứ không thể “đồng hóa” di dân với người bản xứ. Nhưng tại các nứơc tiếp nhận di dân, có nhiều khôn ngoan để nghe lời khuyên hữu lý ấy không? Sẽ không thiếu gì kẻ bị mờ mắt vì cám dỗ của quyền lực và bạo lực để hàm hồ nghĩ tới việc “cưỡng bách đồng hóa”, mà chiến thuật thông thường của bọn thực dân mới ấy là khai thác thế kẹt của người di dân để bắt chẹt họ, dồn họ vào thế cúi mặt quên gốc.

 LHQ lại cũng sáng suốt khi khuyến cáo các nứơc tiếp nhận di dân là không nên phân tán mỏng di dân nếu họ tới đông đảo cùng một lúc. Thực ra, di dân ít khi có thể rủ nhau tới đất Mỹ hàng trăm ngàn người. Chỉ mới thấy có trường hợp của dân tộc Cuba năm 1960 kéo nhau tới trên nửa triệu bằng đường biển tới tiểu bang Florida sau khi Fidel Castro cướp được chính quyền tại đó, và trường hợp mấy trăm ngàn người tỵ nạn VN tới Mỹ năm 1975 một cách ồ ạt.

 Thử ktểm điểm kết quả “đồng hóa” trên nửa triệu người Cuba lưu vong tại Florida xem sao. Tiểu bang Florida, nhất là thành phố Miami ngày nay mang nặng ảnh hưởng của văn minh Cuba! Có những vùng thương mại trong đó, đa số là doanh nhân Cuba. Nhiều cửa tiệm còn không thèm trưng bảng hiệu bằng Anh ngữ nữa. Người Cuba lưu vong bảo nhau sản xuất thật rẻ để đè bẹp các doanh nhân Mỹ trong vùng. Khỏi nói cũng có thể đoán đựơc rằng các khía cạnh khác của văn hóa Cuba cũng được bảo vệ rất kiến hiệu, như ngôn ngữ, tôn giáo, v.v ...Cuộc tự vệ văn hóa của người Cuba lưu vong đã dẹp tan mọi mưu toan cưỡng bách đồng hóa theo lối thực dân.

 Trường hợp tự vệ văn hóa của người tỵ nạn VN đã diễn ra quyết liệt không kém, còn có thể nói là quyết liệt hơn cả sự tự vệ văn hóa của người Cuba lưu vong nữa, vì rằng sự cách biệt giữa văn hóa VN và văn hóa Mỹ rất lớn. Người Cuba vẫn là người da trắng, và ngừơi Mỹ vẫn coi người Cuba là gần gũi với họ hơn là người Á Châu. Còn nhiều điều khác nữa làm cho cuộc chiến đấu tự vệ văn hóa của người Việt lưu vong càng thêm khó khăn. Một điều thiết yếu có thể được ghi ngay ở đây là dân tộc nào càng kiêu hùng thì khi lưu vong, cuộc tự vệ văn hóa của dân tộc ấy càng dũng mãnh quyết liệt. Đó chính là trường hợp của khối người Việt lưu vong tại Mỹ.

 Người tỵ nạn VN tại Mỹ nên cảm tạ Thượng Đế đã ban cho nước Mỹ một số người khôn ngoan và thật sự bác ái như Đức Tổng Giám Mục Địa Phận Detroit Edmund C. Szoka và Linh mục Kenneth, O.S.B., thuộc tu viện Benedict Abbey, tiểu bang Oregon.

 Chúng tôi được biết TGM địa phận Detroit qua câu chuyện “tang điền thương hải” của Lm Vincent Nguyễn An Ninh. Vì một độc giả trẻ tuổi người Việt cho tôi xem bài viết tựa là “Không Chọn Nơi Này Làm Quê Hương”, ký tên Lm Nguyễn An Ninh mà một kẻ trần tục theo đạo Phật như tôi đã bắc được nhịp cầu tri âm với một linh mục trẻ tuổi, đầy lòng yêu nước và vô cùng tha thiết với công cuộc bảo vệ văn hóa Việt Nam tại xứ người. Mặc dầu hai chúng tôi theo hai văn hóa khác nhau, nhưng chúng tôi đã rất gần gũi nhau, có lẽ vì chúng tôi đã chung nhau ý nghĩ này: dù muốn hay không thì còn là người Việt, chúng ta còn phải chia sẻ mọi nỗi buồn hoặc tủi nhục của người Việt quanh chúng ta.

 Là người theo đạo Phật, tôi chưa ý thức đựơc những khó khăn mà một linh mục người Việt lưu vong phải đương đầu khi sống nhờ tại xứ người. Tôi bắt đầu hiểu được một phần những khó khăn ấy khi được biết Lm Nguyễn An Ninh đã chịu rất nhiều áp lực ghê gớm để có thể làm hai việc mà trên thực tế rất nghịch nhau: làm đầy đủ bổn phận của một linh mục dưới hệ thống điều khiển của tôn giáo (tôi kinh hoàng nhận ra rằng hệ thống chỉ huy này còn khắt khe và độc đoán hơn cả hệ thống chỉ huy trong binh nghiệp), đồng thời, vẫn cố dành thời giờ để phục vụ và giúp đỡ giáo dân Việt tỵ nạn nào cần đến sự giúp đỡ ấy, mặc dầu Lm Ninh đã được chỉ thị rõ rệt là “không được lo cho người Việt”! Khi biết có thứ chỉ thị này, tôi ngậm ngùi nghĩ rằng những điều cao đẹp hằng được nghe nhiều vị tu hành lập đi lập lại như công bằng, bác ái, tình nhân loại, v.v... đã nhiều khi bị chôn cho chìm sâu vào sự kỵ thị chủng tộc, độc tài chính kiến, thiển cận và cố chấp...

Lòng yêu quê hương Việt Nam và yêu mến đồng bào Việt nơi Lm Nguyễn An Ninh được loan truyền đi rất xa, đến tận tiểu bang xa xôi lạnh giá Michigan. Đức TGM Detroit là Edmund C. Szoka là người dành cho người tỵ nạn Việt nói riêng, một tình yêu thương bao la. Thấy rõ và hiểu rõ là giáo dân Việt tại Michigan khao khát có được một Lm Việt giúp đỡ, Ngài đã kiên trì thuyết phục bằng được để Lm Ninh chịu tới Michigan giúp đồng bào Công giáo tại đó.

 Ít lâu sau khi Lm Ninh nhận nhiệm sở mới tại Michigan, Đức TGM Szoka rất vui mừng thấy rằng sự thuyết phục của Ngài đã mang lại nhiều kết quả rất tốt đẹp. Ngài đã đích thân viết một bài đặng trên tờ The Michigan Catholic đề ngày 4-10-1985 để ca ngợi Lm Nguyễn An Ninh, đồng thời ca ngợi người tỵ nạn VN tại Michigan. Nhờ bài báo ấy mà người ta mới biết rằng cho tới năm 1984, những người Công giáo VN tại Michigan vẫn chưa có một linh mục Việt để lo giúp họ.

 Trong bài báo, Đức TGM Szoka viết rõ rằng Ngài biết người Việt tại Michigan rất khao khát có một linh mục “chia sẻ chung cái lý lịch chủng tộc cùng với họ”. Và Ngài nói rằng Ngài mời Lm Ninh tới là để giúp khối người tỵ nạn VN “gìn giữ được ngôn ngữ, phong tục và văn hóa Việt Nam”. Ngài hoan hỉ ghi nhận rằng mỗi chiều chúa nhật, Lm Ninh làm lễ bằng tiếng Việt cho người Việt, và còn giúp được giáo dân Việt rất nhiều việc khác nữa.

 Sau khi nồng nhiệt ngợi khen cộng đồng Việt tại Detroit, Đức TGM Zsoka cảm tạ Thượng Đế đã mang lại cho Detroit một cộng đồng tỵ nạn VN, và Ngài gọi khối người Viết ấy là “món quà tặng lớn lao nhất cho mọi người chúng ta”.

 Trong khi nhều người Mỹ với sự tự cao tự đại bệnh hoạn mà cựu Nghị sĩ Fullbright đã gọi là bệnh Cận Thị Ngôn Ngữ và Mù Văn Hóa cứ khăng khăng muốn người tỵ nạn VN phải nhắm mắt, cúi đầu ca tụng nước Mỹ thì Lm Kenneth, O.S.B. thuộc tu viện St Benedict Abbey ở tiểu bang Oregon đã tỏ lòng thương xót và lo lắng cho khối người tỵ nạn VN trên đất Mỹ. Là người không mù quáng nhìn bề ngoài, Ngài đã gửi cho người tỵ nạn VN sống trên đất Mỹ lời cảnh cáo rất chân thành và báo động về sự sa đọa trong hệ thống giáo dục Mỹ. Trong lá thư ngỏ gửi cho người tỵ nạn VN sống trên đất Mỹ, có đoạn Ngài viết: “Hãy hướng dẫn con em quý vị, và đừng phó mặc chúng cho hệ thống trường công. Hệ thống ấy đang ở mức độ sa sút nhất vì đang dùng hình thức tự do dưới ý nghĩa tội lỗi. Tự do đã bị hiểu lầm ra là một nhãn hiệu, là một thứ bằng hành nghề để làm một điều gì đó! Kết quả là tự do không còn nữa!”

 Lá thư của Lm Kenneth chấm dứt bằng lời kêu gọi các gia đình tỵ nạn VN “đừng chối bỏ các truyền thống tốt đẹp của văn hóa Việt Nam”.

 Sau hết, nếu nước Mỹ có những kẻ nặng đầu óc thực dân, chỉ muốn dùng bạo lực tinh thần để ép người tỵ nạn VN vào đường vong bản, và những kẻ ấy mắc bệnh MÙ VĂN HÓA trầm trọng đến nỗi không hiểu rằng cuộc tự vệ văn hóa của người tỵ nạn VN đã diễn ra rất mãnh liệt thì người tỵ nạn VN có thể tìm được an ủi trong cảm nghĩ của những người Mỹ khôn ngoan và sáng suốt. Điển hình là lá thư ngỏ dưới đây của bà Barbara Moran, nữ ký giả của nhật báo The San Diego Union. Lá thư đề ngày 18-2-1986, và được bà Moran gửi cho nhật báo Người Việt tại nam California để yêu cầu tờ báo ấy phổ biến lá thư đến người tỵ nạn VN trên đất Mỹ. Lá thư ngỏ ấy viết:

 Thưa quý báo,

 Vợ chồng tôi đến dự Hội Chợ Tết VN năm nay tại trường Đại Học San Diego State, và rất vui thích nhận đựơc sự đón tiếp nồng hậu của quý vị. Tôi mê món ăn VN lắm!

 Nhưng Hội Chợ Tết năm nay có một điều làm chúng tôi thất vọng, so với những năm trước. Năm nay, có quá ít người tham dự, và có rất ít phụ nữ tham dự mặc áo dài cổ truyền mà chúng tôi từng chiêm ngưỡng mấy năm trước. Là người Mỹ, chúng tôi tham dự Hội Chợ để học hỏi mọi điều về VN, về lịch sử cũng như phong tục cổ truyền VN.

 Tôi biết rằng có những người Mỹ chẳng hề quan tâm đến điều ấy. Họ cảm thấy sợ hãi trước bất cứ những gì khác với họ. Theo chúng tôi, họ chẳng biết gì hết. Đối với một số người Mỹ khác, đến dự Hội Chợ Tết là cả một cơ hội để học hỏi.

 Hoa Kỳ là quốc gia không có nguồn văn hóa riêng của mình. Hoa Kỳ được pha trộn bằng đủ mọi sắc dân khác nhau, nhưng mỗi sắc dân đều giữ nguyên nguồn gốc của mình, mặc dầu nền văn hóa của họ đã hòa đồng, tạo nên nước Hoa Kỳ giầu mạnh.

 Tổ tiên của tôi đều tứ Ái-Nhĩ-Lan tới. Mẹ tôi kể rằng hồi bà còn nhỏ, người Ái-Nhĩ-Lan phải cố gắng hết sức để không bị nhận diện là ngưới Ái-Nhĩ-Lan, vì các cửa tiệm, các chợ đều gắn một tấm bảng ghi “Cấm người Ái-Nhĩ-Lan”. Kết quả là phần lớn nền văn hóa của chúng tôi bị thất truyền. Chỉ còn một điều được giữ lại là mỗi năm một lần, dân Mỹ mừng ngày Thánh Patrick bằng cách mặc đồ mầu xanh để nhớ tới nguồn gốc Ái-Nhĩ-Lan.

 Là thế hệ thứ tư của người Ái-Nhĩ-Lan tại xứ này, tôi phải thú nhận với quý vị là tôi rất buồn khi biết quá ít về nguồn cội của mình. Và những người có thể chỉ dậy cho tôi về gốc rễ của tôi nay không còn ở trên đời này nữa. Tôi sẽ mãi mãi ân hận rằng dân Ái-Nhĩ-Lan đã cảm thấy nhục nhã chỉ vì họ khác biệt với dân bản xứ.

  Tới Hội Chợ Tết, tôi vui thích được nghe nói tiếng VN, học hỏi về chuyện dã sử, thưởng thức âm nhạc Việt, nếm món ăn Việt, và được ngắm y phục cổ truyền Việt. Tôi cảm thấy như đó là một ngày vinh dự cho toàn thể nước Mỹ.

 Tôi hy vọng rằng tôi không xúc phạm đến quý vị khi tôi muốn hỏi rằng tại sao mỗi năm, Hội Chợ Tết lại có vẻ Mỹ hóa hơn? Như thế thì nét đẹp và sự quan trọng của nền văn hóa VN sẽ bị chìm trong quên lãng theo ngày tháng chăng? Nếu đúng như thế thì đó sẽ là một mất mát to lớn vô cùng.

Trở về  MỤC LỤC    *   Chương 3