Home Biến Cố CG SJ Sách Tiếng Lương Tâm Tiếng Lương Tâm (Phần 7)

Tiếng Lương Tâm (Phần 7) PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Văn Hiến   
Thứ Năm, 03 Tháng 12 Năm 2009 18:53

 

61-  CHA TỊNH VÀ ÔNG ĐẠT BỊ OAN!

 Vào cuối tháng 7-1987 cuộc tranh đấu của giáo dân VN, San Jose đã gặp một biến cố có tầm mức khá quan trọng. Đó là việc ông Trương Tiến Đạt công khai nhảy vào vòng chiến đánh phá giáo dân và đả kích Cha Tịnh.

 Đọc mấy bài ông viết trong Công Giáo Thời Luận do ông chủ trương và mấy bàiông thuyết trình được đăng tải trong Tín Hữu do Liên Lực Lượng, nhóm Cha Dương, thực hiện, tôi ngạc nhiên, sửng sốt vô cùng vì cường độ của sự công kích của ông đối với Cha Tịnh, và cũng vì tôi biết là trước kia Ông Đạt đã bị nhóm Đức Tin của Cha Dương ghép cho ông tội làm tay chân cho Cha Tịnh, ra báo CGTL làm bình phong cho Cha Tịnh núp bóng đằng sau giật dây tranh đấu để ở lại chức vị chánh xứ Họ Đạo. Hồi đó, họ đã công khai lên tiếng đánh phá Ông Đạt và CGTL không tiếc lời liên tiếp trong mấy số Đức Tin (tháng 11 và Giáng Sinh 86). Họ đã đưa ra nhiều điều trong Giáo Luật, Hiến Chế và các kiểu phân tích, lập luận để kết luận rằng CGTL là mạo danh, là tiếm vị, là trá ngôn. Tôi không muốn bàn đến mấy điều này ở đây vì không liên hệ đến bài này. Nhóm Đức Tin còn đi xa hơn nữa. Họ đả kích thành phần nhân sự của CGTL, nhất là Ông Đạt. Tôi xin trích lại đoạn sau đây để độc giả thấy là họ khinh miệt Ông Đạt như thế nào. Trong tiểu đề 5 của bài ‘Bức Thư Ngỏ’ (Đức Tin, Giáng Sinh 86, trang 84) họ viết như sau:

 “Ban chủ biên CGTL: Các ông chủ nhiệm, chủ bút và thư ký là những ai? Riêng ông chủ bút (Ông Đạt), ông là Luật gia thuộc Toà Thượng Thẩm nào? Miền Nam Việt Nam (trước năm 1975) có hai Toà Thượng Thẩm là TTT Huế và TTT Sàigòn, Hà Nội không có Toà Thượng Thẩm, họ chỉ có Toà Án Nhân Dân nhóm họp tuỳ theo hoàn cảnh và nhu cầu. Không có tên trong danh sách của hai Toà Thượng Thẩm phía nam vĩ tuyến 17, vậy ông từ đâu đến?”

 Tôi không phải là người ngưỡng mộ Ông Đạt, nhưng tôi cũng thấy là đả kích Ông Đạt trong chức vụ chủ bút mà đòi hỏi ông cho biết là Luật sư của Toà Thượng Thẩm nào thì thật là vô lý, không ăn nhập vào đâu cả. Cách viết trên đây đã tỏ ra tác giả mất bình tĩnh vì giận ghét, nên đã trở thành nguỵ biện.

 Sau khi khinh miệt, mỉa mai Ông Đạt, tác giả quay sang đả kích Cha Tịnh, quả quyết là hai người đồng loã với nhau. Tác giả viết:

 Cũng theo tinh thần Giáo Luật và Sắc Lệnh Inter Marifica, thì đáng lý ra một số cơ quan ngôn luận của (hoặc tự xưng là) Công Giáo phải do hàng Giáo Phẩm có phẩm trật cao trong hệ thống tổ chức Giáo Hội đứng ra khởi xướng và giáo hữu tham gia. Đàng này, ngược lại, thì hàng Tu Sĩ núp trong bóng tối để cung cấp phương tiện và tiền bạc xúi tín hữu ra làm bung xung.” (Đức Tin, Giáng Sinh 86, trang 82).

 Tuy không nói rõ tên Cha Tịnh nhưng ai cũng nhận thấy là tác giả ám chỉ Cha Tịnh vì cách họ đả kích Cha Tịnh đã quá rõ rệt trong nhiều bài trước và sau đó, chẳng hạn Đức Tin ngày-11-86, trang 78, trong bức thư gửi Đức Giám Mục Du Maine, tác giả đã nêu đích danh Cha Tịnh như sau: “Qua bức thư ngỏ của chúng con đề ngay-2-86, sau khi chúng con phanh phui kế hoạch dùng tờ báo Công Giáo Thời Luận như một phương tiện đấu tranh mới, Cha Tịnh đã chuyển qua một kế hoạch khác bằng cách vội vã thành lập Đoàn Liên Minh Thánh Tâm . . . “

 Thật quá rõ ràng là nhóm Đức Tin đã cố tình dùng những lời lẽ sai lầm, nguỵ luận để buộc tội Ông Đạt là tay chân của Cha Tịnh, là Cha Tịnh đã bỏ tiền ra mua chuộc Ông Đạt làm báo cho Cha.

 Bây giờ Ông Đạt đã để lộ bộ mặt thật của ông. Ông lên tiếng đả kích và vu cáo Cha Tịnh đủ điều trong các bài viết của ông về Cha. Dĩ nhiên không ai có thể tin được những điều ông vu cáo cho Cha. Mục đích của bài này không phải là bào chữa cho Cha Tịnh; và Cha cũng chẳng cần ai bênh đỡ, vì mọi sự đã rõ như ban ngày rồi. Bây giờ nhóm Cha Dương mới nhận ra được chính Ông Đạt là đồng minh của họ, là cánh tay phải của họ trong việc đánh phá Cha Tịnh. Cái oan của Ông Đạt và của Cha Tịnh là “Oan Thị Kính”!

 Theo bài thuyết trình của Ông Đạt, thì ông đã bắt đầu chống lại Cha Tịnh ngay từ khi Cha Tịnh còn ở San Jose, trước khi nhóm Cha Dương tố cáo sai lầm về ông. Vậy quý vị trong nhóm Cha Dương nghĩ gì về sự oan ức này của Ông Đạt? Cha Tịnh cũng bị quý vị nghi oan vì Ngài chẳng những không hề dùng Ông Đạt và tờ Công Giáo Thời Luận của ông làm “phương tiện đấu tranh” như quý vị đã có ác tâm vu oan cho Ngài mà Ngài còn bị Ông Đạt đả kích thậm tệ nữa. Thế mà quý vị quả quyết là Ngài cung cấp phương tiện và tiền bạc cho Ông Đạt ra báo!

 Theo sự công bằng, phần đời cũng như phần đạo, khi gây oan uổng cho ai thì mình phải minh oan cho người ta, sau đó còn phải xin lỗi và đền bù thiệt hại cho họ nữa. Đó mới là người chính trực, mới khỏi lỗi phép công bằng. Trong thư gửi ĐGM Pierre Du Maine ((Đức Tin, ngày 15-11-86, trang 78), quý vị đã sai lầm trình lên Đức Cha là Cha Tịnh dùng Ông Đạt và CGTL để tranh đấu chống lại Đức Cha. Bây giờ quý vị có định trình lại Đức Cha về việc sai lầm này để rửa tiếng cho Ông Đạt và cho Cha Tịnh không? Quý vị cần xin sự tha thứ của Ông Đạt và của Cha Tịnh thì Chúa mới tha cho quý vị. Bài báo mà quý vị viết để vu oan cho Ông Đạt và Cha Tịnh, đã được gửi bản sao cho 11 cơ quan khác (Đức Tin, Giáng Sinh 1986, trang 85). Bây giờ quý vị có định gửi thư cải chính cho 11 cơ quan này để minh oan cho Ông Đạt và Cha Tịnh không? Độc giả đã đọc bài của quý vị vu oan cho hai người này. Bây giờ quý vị có định viết bài minh oan cho họ và xin lỗi độc giả vì đã bị quý vị “hướng dẫn sai lạc” không? Tôi nghĩ là một người công giáo ngay thẳng thì phải làm những việc kể trên mới khỏi lỗi phép công bằng trước mặt Chúa và cộng đồng giáo dân. Quý vị có định làm như thế không?

 Nhưng chưa hết đâu. Chuyện này xảy ra chuyện khác, vì sau khi biết rõ vụ này, rồi đọc trong Đức Tin và Tín Hữu những tin tức mà bây giờ mọi người mới biết là quý vị bịa đặt, xuyên tạc (như tôi đã có dịp trình bày trong 2 bài ‘Tôi đọc báo Tín Hữu’ đăng trong Chính Nghĩa số 11 và 13, bộ mới), tôi chắc là độc giả đã hoàn toàn mất tin tưởng ở sự loan tin của quý vị.

 Xin quý vị suy nghĩ rồi can đảm làm một việc nhận lỗi và sửa sai công khai thì mới mong được lòng tin và sự kính nể của độc giả. Bằng không thì chẳng những quý vị bất công đối với ông Đạt, Cha Tịnh mà còn cả với Đức Cha, các cơ quan, đoàn thể và độc giả vì họ cảm thấy bị quý vị lừa dối.

 Họ sẽ cho là quý vị chỉ là những kẻ nói láo, không hơn không kém.

Monterey ngày 7-4-88

62-  NGU SI VÀ ĐỘC ÁC

 Cộng đồng Việt Nam, San Jose vừa trải qua một cuộc ác chiến trên một vài tờ báo chuyên cãi cọ, nói xấu lẫn nhau thật ra cũng chẳng hiếm gì nơi báo chí các nước; nhưng thông thường nó chỉ giới hạn trong phạm vi cá nhân của những kẻ chống đối nhau. Vì vậy, tôi rất sửng sốt khi đọc bài ‘Ông Trời có . . . mắt’ của ông Trần Văn Ba đăng trong mục Đối Thoại, Dân Việt số 169 ngày 21-1-88 trang 11. Trong bài này ông Ba đã đưa ra chuyện một em bé bị tàn tật để cố tình bêu xấu cha mẹ em.

 Đọc bài này những ai còn chút lương tri và liêm sĩ không khỏi mũi lòng đối với em bé và căm phẫn đối với luận điệu độc ác, sai lầm của ông Ba. Tôi xin nói thẳng với ông Ba rằng, theo bất cứ tín lý, triết lý hay lý thuyết của một tôn giáo hay học thuyết nào đi nữa thì cách lý luận của ông cũng quá sai lầm vì nó ngược lại với mọi sự giáo huấn của các tôn giáo và học thuyết.

 Ông Ba đã sai khi ông nói rằng vì cha mẹ em đó không có đức nên em mới bị tàn tật như vậy. Cha mẹ em đó có đức hay không, điều đó không ai có quyền phán đoán, như Chúa đã dạy: “Đừng phán đoán để khỏi bị phán đoán”. Ở đây tôi xin nói với ông Ba về thuyết “quá báo” mà ông đã dùng để làm căn bản cho lập luận của ông. Cách lập luận này đã tỏ ra chẳng những ông là người ngu lại còn độc ác nữa. Tôi không biết ông Ba theo tôn giáo nào. Nhưng nếu nói về tôn giáo thì ở Việt Nam có hai tôn giáo lớn là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Những điều quyết đoán của ông Ba đã đi ngược lại những điều giáo huấn của những tôn giáo này. Tôi xin trình bày như sau:

 1. Theo Phật Giáo, Phật Giáo chủ trương thuyết luân hồi. Thuyết này dạy rằng sinh vật chết rồi vẫn còn đầu thai kiếp khác, mãi mãi như thế, đến bao giờ tu thành Phật mới hết. Thuyết này liên quan đến thuyết quả báo. Vậy quả báo là gì? Theo Phật Giáo, quả báo là sự báo lại điều ác phạm trong kiếp trước bằng điều ác mình phải chịu trong kiếp này hoặc sự báo lại điều thiện đã làm trong kiếp trước bằng điều thiện được hưởng trong kiếp này. Như vậy, theo Phật Giáo, điều bất hạnh xảy ra cho một người trong kiếp này là hậu quả của công việc mà chính người đó đã làm trong kiếp trước. Tuy nhiên, nếu người đó biết dùng điều bất hạnh này để làm nó trở thành điều thiện thì kiếp sau sẽ được hưởng kết quả tốt. Như vậy, điều bất hạnh của một người đâu có phải do lỗi của cha mẹ người đó. Tôi không phải là Phật tử, và không tin theo thuyết luân hồi, quả báo; nhưng tôi kính trọng tín ngưỡng của người khác. Sở dĩ tôi đề cập đến thuyết này vì chính ông Ba đã nguỵ luận về thuyết này và tôi muốn nói với ông Ba rằng, nếu ông là Phật tử thì ông phải hổ thẹn vì đã cắt nghĩa sai lạc sự dạy bảo của Đức Phật. Ông có ác tâm thay vì từ tâm mà Đức Phật đã truyền dạy chúng sinh.

2. Thiên Chúa Giáo. Thiên Chúa Giáo dạy rằng mọi việc xảy ra trên đời này đều do Thánh Ý nhiệm màu của Thiên Chúa mà loài người không thể hiểu hết được. Trong Phúc Âm, Thánh Gio-an (5. 1-3) kể lại một chuyện liên hệ đến điều này như sau: Chúa Giê-su vừa đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Ngài: “Thưa Thầy, vì tội ai, vì tội hắn hay cha mẹ hắn mà hắn sinh ra mù loà như vậy?” Chúa Giê-su đáp: “Đó chẳng phải tại hắn hoặc cha mẹ hắn đã phạm tội; nhưng cốt cho việc Thiên Chúa được bày giãi, biểu lộ ra trong mình hắn.” Vậy nếu ông Ba là tín hữu Thiên Chúa Giáo thì ông cũng phải hổ thẹn, vì đi đạo mà không hiểu đạo hoặc hiểu mà cố tình cắt nghĩa ngược lại những lời giảng dạy của Chúa chỉ vì lòng thù ghét người khác.

Tôi không thể hiểu được một người đã cầm bút viết cho báo chí mà lại có thể lý luận một cách nông cạn, sai lầm như thế. Cách lý luận về “quả báo”, “Trời phạt” của ông đi ngược lại với ý nghĩa của nó và ngược lại những điều tin tưởng của mọi người, trừ những người có ác ý như ông. Nếu thuyết “Trời phạt” đúng như nghĩa ông nói thì xin ông cắt nghĩa tại sao ta thấy có những kẻ gian ác mà vẫn sống trong cảnh giàu sang, sung sướng – đến cả đời con cháu - , còn những kẻ tốt lành thì có khi bị tai hoạ đau khổ, bất đắc kỳ tử, chết bất ngờ chẳng hạn như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ Nhất, Đức Cha Phan Đình Phùng, Cha Vũ Thanh Tường v.v. . . và biết bao nhiêu đồng hương tỵ nạn của ta đã bị bức tử, bị hãm hiếp, bị hành hạ đánh đập, bị tàn sát dã man trên đường đi tìm tự do . . . Ở nước Colombia, năm ngoái khoảng 400 người đang dự lễ trong nhà thờ, gặp lúc trời mưa to gió lớn, một tiếng sét đã đánh đổ tháp chuông làm sập nhà thờ và chôn sống khoảng 200 giáo dân và cha xứ . . . Chỉ trong vòng một năm trời, hai ngôi chùa Phật, một ở Seaside, một ở Carmel gần thành phố tôi ở, tự dưng bị cháy rụi, chưa ai biết nguyên nhân tại đâu . . . Trên đây chỉ là mấy ví dụ quen thuộc. Còn cả hàng triệu ví dụ khác tương tự không sách báo nào kể ra cho hết được. Xin hỏi ông Ba: những nạn nhân kể trên là những người thánh thiện, hiền lành cũng bị“Trời phạt” sao? Biết bao nhiêu gia đình thật hiền lành phúc đức (Việt Nam cũng như khắp nơi trên thế giới) có những em bé tàn tật cũng do “Trời phạt” sao? Ông thử nhìn lại trong họ hàng xa gần nội ngoại của ông xem có ai bị bất hạnh, tật nguyền không? Những người đó cũng bị “Trời phạt” sao? Thưa ông Ba, ông ăn nói dại dột quá, sai lầm quá. Ông làm mất lòng hết mọi người còn luơng tri, liêm sỉ biết suy nghĩ. Ông hãy xin sự tha thứ của mọi người và ăn năn hối cãi để tránh sự oán giận của mọi người.

3. Có lẽ ông vẫn còn cãi rằng triết lý bình dân Việt Nam tin theo thuyết “Trời phạt” qua những câu nói chẳng hạn như: Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó. Cha nào con nấy. Xem quả thì biết cây v.v. Nếu ông nghĩ thế ông càng sai hơn nữa. Những câu trên đây làm sao có nghĩa là “Trời phạt”? Những câu trên đây có nghĩa rằng nếu cha mẹ ăn ở hiền lành hay độc ác thì con cái sẽ học theo những gương tốt, xấu của cha mẹ mà trở thành người tốt, xấu như cha mẹ, như câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng”. Em bé kia tàn tật về thể xác hoặc tinh thần từ khi mới sinh ra thì làm sao hiểu biết gì mà bắt chước những hành động tốt, xấu của cha mẹ em?

4. Là người Công Giáo, tôi tin theo lời Chúa dạy trong Phúc Âm: những kẻ tàn tật hay bất hạnh đau khổ không phải tại lỗi của họ hay cha mẹ họ. Đó là Thánh Ý Chúa được giãi bày, biểu lộ nơi họ. Đó là Thánh Giá Chúa gửi cho ta để lập công và hưởng phần thưởng Chúa dành cho ta sau này. Vì vậy ta chấp nhận những sự bất hạnh đó một cách sẵn sàng, không mặc cảm để làm sáng Danh Người.

5. Sau khi đọc bài của ông Trần Văn Ba trong số Dân Việt kể trên tôi chắc có nhiều người căm phẫn về cách ăn nói bừa bãi, vô ý thức và độc ác của ông. Nhưng may thay! Sau đó vài ngày độc giả được đọc bài ‘Vài dòng gửi bé’ của ông Thằng Hề đăng trong mục hí trường, Việt Nam Nhật Báo số 393 ngày 23-1-88, những sự căm giận kia đã được giảm bớt vì những lời nói đầy tình thương, trắc ẩn và hiểu biết của ông Thằng Hề. Ông nói là ông viết nhân có kẻ đem kẻ tật nguyền ra diễu cợt một cách vô liêm sỉ”. Ông đã có những lời an ủi em bé rất cảm động và có những nhận xét nghiêm chỉnh.  Tôi xin nhắc lại vài điểm chính trong bài  “Vài dòng gửi bé” trong trường hợp độc giả không có dịp đọc bài đó: “Này em ạ, em đừng buồn, cũng đừng bận tâm, vì bên em là cả nhân loại, trong đó gồm có những người đầy tình thương, trìu mến . . . chia sẻ với em điều bất hạnh như là rủi may của thân phận con người . . .  Ở đây những bóng ma kia (kẻ diễu cợt em bé tật nguyền) là lũ vô thần . . . Chúng đã đem thân xác tật nguyền của em ra mà diễu cợt hả dạ hận thù . . . (Chúng sẽ phải nghe) lời nguyền rủa của Thượmg Đế: các ngươi  đừng dùng lý lẽ thế gian mà thách thức ta! . . . Em ơ! Lũ quỷ bất lương kia tuy chúng có thân xác lành lặn, nhưng lương tri chúng tật nguyền, ung nhọt, lở loét . . . hết thuốc chữa rồi em ạ.”

Thật ra tôi không muốn nhắc lại bài của ông Ba vì nó có tính cách độc ác, gây oán giận trong lòng nhiều người. Nhưng vì thấy sự sai lầm và độc ác của ông quá to tát, nên tôi muốn gióng lên một tiếng chuông cảnh giác để đồng bào ta đừng bị ảnh hưởng bởi những kẻ ăn nói bừa bãi, nguỵ biện, làm dơ bẩn những tư tưởng đạo đức tốt đẹp của đạo giáo và truyền thống của dân tộc ta.

6. Nhân tiện, tôi xin có lời khuyên ông Ba và bất cứ ai: quý vị nên cẩn thận khi gửi bài đăng trong Dân Việt, vì nếu sau này vì một lý do nào đó Dân Việt không thích quý vị nữa, Dân Việt lại moi móc bài của quý vị ra để bắt bẻ như trường hợp bài thơ “Đêm ba mươi Tết” của Đốc Gàn. Nếu bài thơ này Đốc Gàn làm sau khi từ giả Dân Tộc và bây giờ Dân Việt chế diễu thì tôi còn hiểu được. Đàng này, Đốc Gàn đăng bài thơ này trong Dân Tộc khi còn là thành viên thân tín của ban biên tập, phụ trách mục phiếm luận của Dân Tộc mà bị quý vị trong Dân Việt chế diễu thì tôi không thể nào hiểu được. Dân Tộc đăng bài của người trong ban biên tập của mình, rồi lại lôi bài đó ra mà chê mà chửi thì tức là công nhận bài trong báo của mình kém cỏi. Như vậy là Dân Việt tự chê mình, chửi mình. Mình còn chê mình, chửi mình thì người khác chê mình, chửi mình thì đúng quá rồi.

Theo quan điểm của tôi, làm thế là Dân Việt đã phản bội người cộng tác thân tín với mình. Nếu sau này ta thấy Ông Phác, ông Đạo, ông Cuồng Danh, ông Thằng Cù . . . và các vị trong bản quản trị Dân Việt chửi bới nhau, moi móc những chuyện thầm kín nhất trong khi làm báo với nhau thì ta cũng không lấy gì làm ngạc nhiên cả, vì chữ “TÍN” đâu có còn nghĩa gì đối với quý vị báo Dân Việt!

Monterey ngày 24-2-1988

63-  HỌC HỎI BỨC TÂM THƯ CỦA ĐỨC ÔNG TRẦN VĂN HOÀI,
VỊ ĐẠI DIỆN PHỤ TRÁCH VỀ NGƯỜI CÔNG GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI

 Ngày 25-10-87, Đức Ông Trần Văn Hoài đã gửi một tâm thư cho các Linh Mục, Tu Sĩ nam nữ, chủng sinh và giáo dân VN hải ngoại. Bức thư đã minh định vai trò và bổn phận của Vị Đại Diện, Tu sĩ và giáo dân VN trong hoàn cảnh sống xa quê hương là : “Cùng nhau hợp tác, xúc tiến hoạt động xây dựng, để ý nguyện của Toà Thánh được thể hiện cho lợi ích của Giáo Hội VN hải ngoại và Giáo Hội quê nhà cũng như cho toàn thể Quê Hương, Dân Tộc chúng ta.”

 Những điều Ngài giảng giải trong bức thư xoay quanh 3 điểm chính sau đây:

 1. Lòng ưu ái hiền mẫu của Giáo Hội đối với một triệu người VN, trong đó có độ 270.000 người công giáo, vì hoàn cảnh đất nước, phải phân tán khắp bốn phương trời . . .”

 2. Theo Giáo Luật, người công giáo bất cứ thuộc dân tộc nào mà định cư trong một giáo phận, thì thuộc pháp quyền lãnh thổ của Đấng Bản Quyền giáo phận.”

 3. Đấng Bản Quyền có bổn phận đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của người ấy, và ngược lại người ấy có quyền lợi đòi hỏi nhưng đồng thời cũng có bổn phận chu toàn đối với Đấng Bản Quyền như một người thuộc về giáo phận.”

 Bây giờ chúng ta cùng nhau học hỏi bức tâm thư này qua 3 điểm chính nêu ra trên đây.

 Về điểm 1. Với việc bổ nhiệm Vị Đại Diện phụ trách chung, bức tâm thư viết: Toà Thánh muốn đem lại cho các cơ cấu căn bản (mục vụ và truyền giáo) một sinh lực mới và tạo nên một Giáo Hội VN hải ngoại thống nhất và cường thịnh.” Ngài kêu gọi sự hợp tác chặt chẽ giữa mọi cấp bậc liên hệ: Đấng Bản Quyền, Linh Mục, Tu Sĩ và giáo dân, để thực hiện được ý nguyện của Toà Thánh. Chúng ta vô cùng biết ơn Toà Thánh, vì lòng thương vô biên đối với những người tỵ nạn xấu số như chúng ta, đã rất mực quan tâm, qua giáo luật và các huấn dụ, cho chúng ta được có phương tiện để sống đạo, đồng thời bảo tồn được dân tộc tính trong hoàn cảnh khó khăn, xa Giáo Hội Mẹ VN.

 Về điểm 2 và 3, Vị Đại Diện nói về khía cạnh pháp lý mà chúng ta phải tuân theo trong cuộc sống đạo của mình. Vậy chúng ta thử áp dụng 2 điểm này vào cuộc tranh đấu để biết chúng ta đang đứng ở đâu trên phương diện pháp lý.

 Về điểm 2: “Theo Giáo Luật, người công giáo bất cứ thuộc dân tộc nào định cư trong một giáo phận thì thuộc pháp quyền lãnh thổ của Đấng Bản Quyền giáo phận.” Ta nhận thấy là giáo dân VN cũng như các sắc dân khác đều đang sống dưới quyền của các ĐGM cai quản các giáo phận theo một trong ba mô thức sau đây:

 a. Hoàn toàn đồng ý vào giáo xứ Mỹ, nghĩa là có một cuộc sống đạo như một thành viên trong xứ Mỹ về mọi mặt.

 b. Gia nhập các giáo xứ Mỹ, nhưng họp lại với nhau thành cộng đoàn để thỉnh thoảng hay mỗi ngày Chúa Nhật giáo dân có Thánh Lễ tiếng Việt Nam. Về điểm này ta cần biết thêm là, vì lệ thuộc vào giáo xứ Mỹ nên những nghi lễ hay Thánh Lễ tiếng Việt chỉ được phép tổ chức trong những ngày, giờ mà giáo xứ Mỹ đó không cần nhà thờ hay hội trường mà thôi. Ví dụ các Thánh Lễ cho ngày Chúa Nhật thường được tổ chức vào lúc 6, 7 giờ tối ngày thứ bảy hoặc 2, 3 giờ chiều ngày Chúa Nhật; vì những ngày giờ này người Mỹ không dùng nhà thờ và phải được Cha Sở Mỹ cho phép.

 c. Gia nhập giáo xứ thể nhân. Có người đã hiểu lầm rằng giáo xứ thể nhân không thuộc giáo phận, không thuộc quyền cai quản của ĐGM, hoàn toàn độc lập như một “Giáo Hội” trong Giáo Hội. Nghĩ như thế là hoàn toàn sai lầm. Giáo xứ thể nhân của bất cứ sắc dân nào: Ý, Bồ Đào Nha, Y Pha Nho . . . và trong toàn cõi nước Mỹ hiện nay có đến 20 Giáo xứ thể nhân VN, tất cả đều thuộc quyền cai quản của các ĐGM tại các giáo phận địa phương.

 Vậy giáo dân VN không bao giờ nghĩ rằng lý do xin lập Giáo xứ thể nhân là để tách rời ra khỏi giáo phận hay không ở dưới quyền của ĐGM. Họ rất am tường khía cạnh pháp lý về điểm này của Giáo Luật, và họ biết họ “có bổn phận chu toàn đối với Đấng Bản Quyền như một người thuộc về giáo phận.”

 Về điểm 3: Đấng Bản Quyền có bổn phận đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của người di dân và ngược lại người ấy có quyền đòi hỏi...”

 Đây chính là điểm mà giáo dân VN, San Jose đang tranh đấu.
 
Theo họ thì những quyết định của ĐGM về chính sách mục vụ của Ngài không “đáp ứng những nhu cầu thiêng liêng của họ.” Họ tin là chính sách này, được hoạch định trong bức thư Ngài gửi các Linh Mục VN San Jose đề ngày 31-5-84, sẽ dần dần đồng hoá họ vào các giáo xứ Mỹ. Những giáo dân tranh đấu này không hề chống lại những giáo dân đồng hương nào mà muốn đồng hoá hoặc gia nhập các xứ Mỹ; nhưng họ cũng không muốn bị bắt buộc làm như những người đó. Họ xin có một giáo xứ thể nhân như các sắc dân khác để họ sống đạo được ích lợi hơn, bảo tồn được phong tục, ngôn ngữ và dân tộc tính của họ như Giáo Luật đã cho họ được hưởng quyền lợi này; và chính Đức Thánh Cha cũng khuyên nhủ họ như vậy. Tại Miami ngày 11-9-87, Đức Thánh Cha đã nói trước hàng trăm ngàn người tỵ nạn Cuba rằng: “Là người tỵ nạn, chúng con hãy cố gắng gìn giữ những phong tục, tập quán cổ truyền, những lễ nghi đạo giáo đáng yêu của quê hương và coi đó như là những di sản đặc biệt mà Thiên Chúa đã ban thưởng cho mỗi dân tộc.” (AP, Miami ngày 11-9-87)

 Bức tâm thư này cũng nhắc lại khoản 4 trong huấn dụ của Toà Thánh khi bổ nhiệm Đức Ông Hoài trong chức vụ Đại Diện Phụ Trách như sau: “Vị phụ trách phải nổ lực hỗ trợ các Đấng Bản Quyền liên hệ để đáp lại các nhu cầu thuần tuý thuộc tâm trạng người Việt Nam.”

VỀ VIỆC HỘI NHẬP

 Khoản 7 của huấn dụ đề cập đến việc này như sau: “Vị phụ trách tìm cách giúp đỡ anh chị em VN vừa hội nhập vào các giáo hội địa phương và đồng thời bảo tồn được dân tộc tính của mình.” Để tránh sự hiểu lầm, tôi xin nhắc lại là huấn dụ đề cập đến việc hội nhập vào các giáo hội địa phương, tức là các giáo phận hay địa phận (theo từ ngữ cũ). Câu này không nhất thiết có nghĩa là phải gia nhập các giáo xứ địa phương. Ở đây ta cần phân biệt từ ngữ “giáo hội địa phương” với từ ngữ “giáo xứ địa phương”. Nói cách khác, các cộng đoàn thì thuộc về giáo xứ địa phương, còn giáo xứ thể nhân thuộc về giáo hội địa phương. Như vậy, việc xin lập giáo xứ thể nhân được xác định một lần nữa bằng bức tâm thư này là một việc làm hợp với đường lối và lề luật của Giáo Hội, theo đúng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, vì giáo xứ thể nhân “vừa giúp giáo dân hội nhập Giáo Hội địa phương và đồng thời bảo tồn được dân tộc tính của mình” như khoản 7 của huấn dụ đã qui định.

 Bức tâm thư còn chứa đựng câu sau đây có thể làm cho nhiều giáo dân VN bị hoang mang nếu không hiểu rõ ý nghĩa của nó. Câu đó như sau: “Về mặt pháp lý, các Đấng Bản Quyền có mọi thẩm quyền trên người công giáo VN cũng như trên mọi hoạt động thiêng liêng, được thi hành trong lãnh thổ của Ngài. Làm một việc gì, dù có lợi cho người công giáo VN mà không có sự thoả thuận của Đấng Bản Quyền là bất hợp pháp. Có lẽ vì hiểu sai ý nghĩa câu này nên có người hiểu rằng sự thành lập và đăng ký của Cộng Đồng Công Giáo VN là một tổ chức công giáo về mặt xã hội, không thuộc thẩm quyền của ĐGM, chẳng khác gì như Hội Hướng Đạo Công Giáo VN v.v. . . Để chứng minh điều này, tôi xin trích lại những câu hỏi của cô Thanh Dung và những câu trả lời của ĐGM trong buổi họp báo của Ngài và hai ông Thiện, Bài ngày 12-5-87 đăng trong Chính Nghĩa số 44, trang 1, bộ cũ (dịch từ cuốn Video của buổi họp báo), có liên quan đến vấn đề này như sau:

 Cô Thanh Dung: Xin Đức Cha cho biết ý kiến về việc đăng ký của Cộng Đồng Công Giáo VN với trên 3.000 hội viên?

 ĐGM: Cộng Đồng Công Giáo VN đã được thành lập trước khi giáo phận San  Jose được thành lập. Đối với bất cứ hội đoàn tôn giáo nào, việc đăng ký là một việc rất hệ trọng và cần thiết cho công việc duy trì và phát triển văn hoá, phong tục của họ. Riêng đối với một Họ Đạo, việc đăng ký còn có ảnh hưởng sâu rộng hơn cho những mục đích kể trên.Tuy nhiên, vì những công việc của cộng đồng thiên về phương diện xã hội nhiều hơn, nên Cộng Đồng không bị sự quản trị của Giáo Phận.

 Cô Thanh Dung: Xin Đức Cha cho biết việc thành lập này có đi ngược lại với Giáo luật hay không?

 ĐGM: Giáo luật không có một điều khoản nào nói về sự việc này.

 Cô Thanh Dung: Vậy thì tại sao Linh Mục Dương tuyên bố rằng việc thành lập Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam là đi ngược lại với Giáo Luật?

 ĐGM: Cha Dương chưa bao giờ trực tiếp trình bày việc này cho tôi nên tôi xin được miễn trà lời và nhường câu trả lời này lại cho chính Cha.

 Vậy ta thấy rõ ràng là Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam không bị sự quản lý của ĐGM; và chính ĐGM đã công nhận như thế.

 Theo tôi, câu trên đây trong bức tâm thư của vị Đại Diện áp dụng cho những trường hợp như cử hành Thánh Lễ, Hôn Phối, Rửa Tội v.v. . . dù có lợi cho giáo dân nhưng không được Đấng Bản Quyền thoả thuận thì cũng không được làm. Giáo dân cũng hiểu khía cạnh pháp lý trong câu này như vậy. Vì các Cha VN không được cử hành Thánh Lễ cho giáo dân nên giáo dân phải dự lễ nhà thờ Mỹ (nhà thờ Chánh Toà), giáo dân phải kéo nhau, bồng bế con cái đến tận San Francisco, Oakland và Carmel để rửa tội. Đây là một cảnh rất buồn. Nhưng về mặt pháp lý, vì ĐGM có quyền nên giáo dân phải chịu. Cũng vì tuân theo điểm pháp lý này mà nhiều em nhỏ và người lớn muốn trở lại Công Giáo; nhưng chưa được rửa tội; nhiều nhi đồng chưa được xưng tội và rước lễ lần đầu; nhiều thiếu niên chưa được chịu Phép Thêm Sức . . . Không hiểu làm sao lòng ĐGM sắt đá đến thế trước sự thiệt hại và đau khổ của giáo dân!

 Trên đây ta đã tìm hiểu về 3 điểm chính của bức Tâm Thư. Còn một điểm nữa cũng được vị Đại Diện nhắc đến. Điểm này cũng quan trọng. Đó là vấn đề truyền giáo và trực thuộc Bộ Truyền Giáo, nên mặc dầu ở  đâu, người Công Giáo Việt Nam vẫn thuộc pháp quyền nhân sự (juridiction personnelle) của bộ này và bộ này có bổn phận lo lắng cho họ về vấn đề mục vụ tông đồ.” Vì vậy, vị Đại Diện “còn được uỷ thác một công tác khác đặc biệt và quan trọng: Đó là đào tạo ơn gọi Linh Mục, Tu Sĩ.” Về điểm này vị Đại Diện nói thêm: “Bộ Truyền Giáo đặt nặng việc cổ võ và hỗ trợ ơn gọi Linh Mục và Tu Sĩ, vì Linh Mục, Tu Sĩ là rường cột cho một giáo hội công giáo. Nhưng Linh Mục, Tu Sĩ này phải được chuẩn bị đầy đủ. Không chuẩn bị để đối phó với hoàn cảnh và đòi hỏi của giáo dân, Linh Mục, Tu Sĩ không còn hữu ích và sẽ trở nên một tai hoạ.”

 Những lời giảng giải trên đây của vị Đại Diện thật là sáng suốt, khôn ngoan. Giáo dân VN, San Jose đang phải chịu một tai hoạ do sự thiếu chuẩn bị của Cha Dương trong chức vụ chánh xứ mà Ngài được bổ nhiệm. Vì vậy, họ mới chống đối Cha kịch liệt đến thế. Ước mong Cha Dương suy nghĩ lại để cho giáo dân và Giáo Hội được nhờ.

 Về phần giáo dân, chúng ta hân hoan đón nhận tin mừng Giáo Hội đã bổ nhiệm vị Đại Diện để trông nom chăm sóc chúng ta. Chúng ta nguyện hợp tác chặt chẽ với Ngài và, trên hết, chúng ta cầu nguyện cho Ngài được dồi dào ơn Chúa và sức khoẻ để làm tròn nhiệm vụ nặng nề, cao cả mà Toà Thánh đã giao phó cho Ngài là giúp đỡ đàn chiên đang phải long đong vì sống xa Quê Hương và Giáo Hội Mẹ

Monterey ngày 23-3-88

64-  LINH MỤC CHÁNH XỨ VÀ GIÁO XỨ THỂ NHÂN

1. Linh Mục Chánh Xứ.

 Trong tuần báo National Catholic Reporter (NCR), ra ngày 15-1-1988 đã đăng một bài phỏng vấn của Cha Andrew Greeley của ông Thomas Box, chủ bút NCR về lý do tại sao tài chính do giáo dân đóng góp cho các xứ đạo đã bị giảm hụt. Cha Greeley đã đưa ra một số lý do trong đó lý do chính là sự lãnh đạo kém của các giới chức quyền trong Giáo Hội, nhất là của vị Chánh Xứ.

 Theo thì khi Bề Trên tỏ ra thiếu nhạy cảm (insensitive) đối với nhu cầu của giáo dân; giáo dân cảm thấy bị coi thường, không được bàn hỏi về những việc liên quan đến họ; họ cảm thấy như nguời xa lạ thì làm sao họ sẵn sàng đóng góp tài chính cho nhà thờ. Cha Greeley nói rằng muốn kéo giáo dân trở lại thì thái độ Bề Trên phải thay đổi, nhất là ở cấp giáo xứ.

 Ta thấy những nhận xét của Cha Greeley thật là hợp lý và dễ hiểu. Một khi giáo dân cảm thấy Bề Trên thực tình quan tâm đến họ, cho họ được dự phần vào các quyết định trực tiếp liên quan đến họ thì mọi sự sẽ trôi chảy dễ  dàng từ tài chánh, mục vụ, tổ chức đến quản lý trong xứ. Nếu không thì mọi việc sẽ bị đình trệ, khó khăn. Đó là trường hợp Họ Đạo Việt Nam, San Jose hiện nay.

 Ta thấy ĐGM Dumaine là người phải chịu trách nhiệm về sự bất an hiện nay ở San Jose. Ngài đã quá ỷ vào quyền lực của Ngài mà bỏ qua quyền lợi và ích lợi của giáo dân VN. Cha Tịnh đang làm được việc, các hội đoàn đang hoạt động hăng hái, giáo dân đang sống đạo sầm uất; thế mà Ngài chỉ cho phép Cha Tịnh làm chính xứ 9 tháng rồi phải ra đi (Lệnh ra đi được ban hành cùng một lúc với lệnh bổ nhiệm). Tuy vậy, giáo dân biết là cha xứ nào thì trước sau cũng phải đổi, nên họ đành chịu. Không một ai thỉnh nguyện cho Cha Tịnh ở lại. Nhưng điều khó hiểu là Cha Dương lại được bổ nhiệm thay Cha Tịnh; vì Cha Tịnh gần gũi, tha thiết với giáo dân bao nhiêu thì Cha Tịnh lại xa cách và chống lại ước mong (giáo xứ thể nhân) của giáo dân bấy nhiêu. Vì thế, sự chống đối Cha Dương trong chức vụ chánh xứ tất nhiên phải xảy ra. Sự chống đối này đã được báo trước trong phiên họp của Hội Đồng Tư Vấn đêm 11-7-86 dưới quyền chủ toạ của vị Tổng Quản Terry Sullivan để bàn về việc “Làm thế nào để đón rước Linh Mục Lưu Đình Dương (về Họ Đạo).” Chính Nghĩa số 2, bộ cũ, trang 27 có ghi lại như sau:

 “ . . . Thành viên (có mặt trong buổi họp) gồm có bảy nhân sĩ và Ma Sơ Ngọc. Bảy thành viên cùng một lập trường là lệnh bổ nhiệm Cha Dương (thay Cha Tịnh) là phi lý, đa số giáo dân không chấp nhận Cha Dương thì bàn chuyện đón rước là mộ việc vô ích. Buổi họp diễn ra suốt ba tiếng đồng hồ trong bầu không khí gay cấn và bế tắc. Lập trường của Toà Giám Mục chỉ được một mình Ma Sơ Ngọc ủng hộ . . .”

 Như vậy, Bề trên cũng biết được là sự chống đối sẽ xảy ra. Nhưng Bề trên cố tình bắt ép giáo dân VN phải một mực phục tùng quyền lực của mình, và có lẽ vì Ngài được nhóm Cha Dương báo cáo là sự chống đối không thể kéo dài được lâu, và rồi giáo dân sẽ phải chịu chấp nhận Cha Dương. Mọi việc đã xảy ra ngược lại với sự ức đoán của ĐGM và nhóm Cha Dương. Tình hình bây giờ quá phức tạp. Với thái độ cố chấp của ĐGM ta thấy cuộc biến động này dường như không có lối thoát.

 Theo nhận xét của mọi người, một lối thoát hợp tình, hợp lý, hợp giáo luật nhất đó là Cha Dương xin từ chức. Nhưng Cha Dương vẫn cứ một mực bám lấy hư vị của mình nên mới ra nông nỗi. Cha Dương sẽ bị lịch sử phê phán là coi “chức tước” của mình hơn lợi ích giáo dân. Một khi giáo dân có lý do để nghĩ về Cha như vậy thì làm sao họ còn kính trọng Cha, làm sao việc mục vụ của Cha còn hữu hiệu đối với họ được. Về phương diện này, Cha Trác đã nêu gương sáng cho Cha Dương. Khi thấy vì mình mà sinh ra bất an, bất hoà trong giáo dân, Cha Trác đã tự ý từ chức chủ tịch Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Có lẽ Cha Dương sẽ tự bào chữa rằng Cha đã xin ĐGM từ chức mà ĐGM không cho phép. Nếu thật như vậy thì xin Cha Dương lên tiếng để giáo dânvà mọi người biệt thiện chí của Cha. Sở dĩ giáo dân vẫn nghĩ Cha tham quyền cố vị là vì giáo dân thường thấy Cha vu cho giáo dân là ly khai, là chống phá Giáo Hội. Nếu giáo dân là ly khai, chống phá giáo hội thì chính Toà Thánh phải phán bảo cho giáo dân biết. Đàng này, Toà Thánh không hề phán bảo gì cả. Tại sao nhóm của Cha lại có thể quyết đoán như vậy? Cha và nhóm của Cha đã sai lầm và có ác ý đối với giáo dân. Giáo dân cũng thường nghe nói rằng khi các Cha VN từ phương xa đến, muốn bàn việc với Cha để cố gắng giúp Cha tìm được giải pháp thoả đáng; nhưng Cha luôn luôn tìm cách tránh gặp các Ngài.  Rồi, báo Tín Hữu số 25, trang 11 lại còn miệt thị các Ngài thậm tệ. Trong tình trạng bi đát này Cha Dương có giải pháp nào để gỡ rối không? Xin Cha Dương lên tiếng để giáo dân được biết ý kiến của Cha. Riêng về phía giáo dân, hộ đã đưa ra nhiều ý kiến xây dựng để tìm cách giải quyết những Cha Dương vẫn ngoảnh mặt làm ngơ.

 2. Giáo xứ thể nhân.

 Giáo xứ thể nhân là một thực thể trong Giáo Hội. Trong tuần báo National Catholic Reporter ra ngày 8-1-88 có đăng bài phỏng vấn Đức Ông Mai Thanh Lương. Phần lớn bài phỏng vấn này đã được dịch đăng lại trong Chính Nghĩa số 27, bộ mới, trang 3. Trong bài đó Đức Ông Lương đã đưa ra những lý do thiết thực và chính đáng trong Giáo Luật để cổ võ việc thành lập giáo xứ cho người VN;  vì trong giáo xứ thể nhân giáo dân được sống đạo sốt sắng hơn, đồng thời bảo tồn được dân tộc tính của mình.

 Nguyệt san Dân Chúa số 134, tháng 3-88, trang 42, trong mục “Sinh hoạt Dân Chúa khắp nơi” có loan tin về việc dạy giáo lý và chữ Quốc ngữ cho con em trong giáo xứ thể nhân ‘MARIA, NỮ VƯƠNG VIỆT NAM” do Đức Ông Lương làm Cha sở. Vì trường sở không đủ phòng ốc và vì sĩ số quá đông nên phải tổ chức lớp học mỗi ngày. Hiện giờ ngôi truờng giáo lý và Việt ngữ đầu tiên của VN đang được xây cất và, theo Đức Ông Lương, “chỉ vài tháng nữa ngôi trường này sẽ hoàn thành để dùng ngay cho việc giảng dạy giáo lý và chữ Quốc ngữ cho khoảng hai ngàn học sinh.” Sinh hoạt trong xứ của Đức Ông Lương sầm uất, sốt sắng và lợi ích biết bao cho giáo dân VN thuộc các lớp tuổi, già, trẻ, lớn bé. Nếu không có giáo xứ thể nhân thì làm sao có thể tổ chức được như thế. Trongmột câu trả lời cho phóng viên báo National Catholic Reporter, Đức Ông Lương đã nói: “Sinh lực của giáo xứ thể nhân VN chẳng những tốt cho cộng đồng VN mà còn cho Giáo Hội nữa.” Bằng chứng là có ít giáo xứ nào trong Hoa Kỳ có thể sánh kịp với giáo xứ Maria, Nữ Vương Việt Nam về phương diện ơn gọi tu sĩ. Hiện nay giáo xứ của Ngài đã dâng hiến cho Giáo Hội 35 chủng sinh học làm Linh Mục và 35 phụ nữ chuẩn bị khấn trọn đời trong các Dòng. Nguyên điều này, Đức Ông nói tiếp, cũng làm cho các Đức Giám Mục phải suy nghĩ về việc chấp thuận cho những người di dân được có ý thức về cộng đồng của họ, căn cứ trên kinh nghiệm sống đạo.” Nói cách khác, các Đức Giám Mục nên cho giáo dân có giáo xứ thể nhân để họ được sống đạo theo truyền thống của họ, trong cộng đồng của họ, vì điều đó đem lại nhiều lợi ích cho họ và cho Giáo Hội.

 Cũng theo chiều hướng và kết luận như trên, trong bài “Nhà Thờ Việt Nam” đăng trong Đồng Vọng, bản Thông Tin của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ số 15 đã có nhận định như sau: “Theo kinh nghiệm của chính giáo dân tại Hoa Kỳ, Cananda, Úc Châu, những gia đình Việt Nam qui tụ thành giáo xứ riêng vẫn có cơ hội tiến bộ và sống đạo dễ dàng, sâu xa hơn những gia đình sống chung với giáo xứ Mỹ.”

 Càng ngày ta càng thấy rằng giáo xứ thể nhân là một điều cần thiết vì nó có nhiều lợi ích cho giáo dân và cho Giáo Hội, nó hợp tình, hợp lý, hợp giáo luật.

Monterey ngày 20-4-88

65-   “SỐNG CHẾT MẶC BAY” HAY “LẠY CHÚA, CHÚNG CON BIẾT ĐI VỀ ĐÂU?”

 Cuộc tranh đấu cho hai thỉnh nguyện của giáo dân VN, San Jose kéo dài gần hai năm rồi. Không ai ngờ là nó sẽ kéo dài như vậy, nhất là những người trong nhóm Cha Dương. Có lẽ khi làm cố vấn cho ĐGM, họ đã tâu với Ngài là nhóm chống đối, hoạ may, kéo dài được hai tháng là cùng. Họ đã lầm. Chẳng những khối giáo dân này không tan rã mà còn đoàn kết với nhau hơn. Tại sao vây? Vì họ không phải là những người a-dua, khúm núm, xu thời. Ngược lại, họ có tự trọng, hiểu biết rõ rệt những điều họ làm là điều phải. Họ kiên tâm (đó là đặc tính của người VN) vì càng ngày họ càng thấy rõ thái độ cố châp và “bất cần” của ĐGM. Đây là một thái độ rất nguy hiểm. Có ai hiểu được thái độ của ĐGM không?

 Sở dĩ tôi dùng từ ngữ “bất cần” là vì ĐGM cứ để mặc cho tình hình này muốn ra sao thì ra, “sống chết mặc bay”. Như thế đâu có phải là cách làm việc đúng đắn của người lãnh đạo. Trước đây, trong Bản Thông Cáo chung, ĐGM tuyên bố thành lập và duy trì Uỷ Ban Hoà Giải để hai bên trao đổi ý kiến, hy vọng dần dần đi đến hoà giải thực sự đẻ có giải pháp cho cuộc biến động. Nhưng từ nhiều tháng nay, Ngài đã ngưng, không triệu tập Uỷ Ban này nữa mà cũng không thèm tuyên bố lý do tại sao. Ngài cấm các Linh Mục không được làm các nghi lễ hay bí tích ở nhà thờ Họ Đạo; tức là giáo dân bắt buộc phải đi nhà thờ Mỹ. Giáo dân không muốn dự lễ do Cha Dương hay Cha Kỷ làm vì lòng trí họ không được bình an, không ích gì cho họ. Nên họ đi dự lễ Nhà Thờ Chánh Toà.

 Trước kia, Cha Largent, cựu chánh xứ Nhà Thờ Chánh Toà, cho giáo dân VN dâng của lễ, đọc thánh thư, kinh Lạy Cha và hát một bài bằng tiếng Việt sau giáo dân Mỹ. Nhưng Ngài bị ĐGM (do phe Cha Dương cố vấn) làm áp lực và phải đổi đi nơi khác. Cha chánh xứ Nhà Thờ Chánh Toà bây giờ là Cha Mervyn Sullivan, cũng do áp lực của ĐGM, không cho giáo dân đọc kinh hay hát tiếng Việt nữa. Giáo dân in các bài đọc và Phúc Âm của buổi lễ bằng tiếng Việt để theo một cách âm thầm khi nghe giáo dân Mỹ đọc tiếng Anh; nhưng cũng bị Cha Sullivan cấm luôn. Ai mà hiểu nổi sự cấm cách, chèn ép cùng cực này. Bây giờ giáo dân dự lễ, như câm, như điếc. Nào đã hết đâu! Mới đây, tôi được biết là Cha Sullivan đã thân hành đến Trung Tâm Họ Đạo để đe doạ giáo dân là Ngài sẽ chỉ mặt từng người và đuổi ra khỏi nhà thờ nếu họ không chịu đóng tiền cho nhà thờ của Ngài. Ai ai cũng biết là giáo dân quyết định không đóng tiền, không phải vì họ keo kiệt, hẹp hòi với Giáo Hội, nhưng là vì họ muốn dùng biện pháp hợp pháp, tiêu cực này để tỏ sự bất mãn đối với hành động đàn áp, bất công của ĐGM. Nếu cha xứ Nhà Thờ Chánh Toà đuổi họ ra khỏi nhà thờ, không cho họ dự Lễ Chúa Nhật, thì “LẠY CHÚA CHÚNG CON BIẾT ĐI VỀ ĐÂU?” Không ai là không phẫn uất trước hành vi bắt ức và những lời nói nạt nộ này của Cha Sullivan và của ĐGM. Không lẽ Bề trên chưa học được bài học đắc giá trước đây, khi dùng cảnh sát và chó săn đàn áp giáo dân sao? Không lẽ ra vạ tuyệt thông, rồi lại phải giải vạ tuyệt thông vô điều kiện mà cũng không làm cho Bề Trên nhận thấy sự bất cẩn của mình sao?

 Hai việc trên đây, tuy là những lỗi lầm nghiêm trọng nhưng cũng sẽ nghiêm trọng bằng việc ra lệnh chỉ mặt từng giáo dân VN ngồi trong nhà thờ phải đứng lên ra khỏi nhà thờ không được dự Lễ Chúa Nhật. Nếu việc này xảy ra, chắc chắn hậu quả mà Bề Trên phải hứng chịu sẽ thảm hại hơn nhiều. Trong lịch sử của mọi tôn giáo khắp hoàn vũ, ta chưa hề nghe thấy một việc nào như thế xảy ra. Dù ngay cả bọn cộng sản có đủ mọi quyền hành, thù ghét tôn giáo mà cũng chỉ mới dám tìm cách ngăn cản một cách gián tiếp giáo dân đi nhà thờ bằng cách tổ chức những buổi mít-tinh hay bắt giáo dân đi làm công tác vào giờ giáo dân đi lễ, hoặc chúng làm khó dễ các Cha để các Cha không có cơ hội cử hành Thánh Lễ cho giáo dân. Cộng sản dù khôn ngoan quỷ quyệt cũng không dám công khai đuổi giáo dân ra khỏi nhà thờ như Cha Sullivan đã đe doạ. Bề trên đã lầm lỗi nhiều rồi. Ta hy vọng là Bề trên đừng phạm thêm lầm lỗi nữa kẻo ố danh sự đạo.

 Tôi thật không hiểu: một người lãnh đạo, nhất là lãnh đạo tôn giáo (vì tôn giáo dùng tình thương mà giáo hoá, dẫn dắt tín đồ mà lại có thể để cho một biến cố tai hại như thế xảy ra, rồi sau khi xảy ra, lại không tìm cách giải quyết cho đến nơi đến chốn, lại dùng bí tích, Thánh Lễ, của ăn tinh thần, để bắt chẹt giáo dân. Cha mẹ nuôi con phải tìm mọi cách để kiếm đồ ăn cho con. Nếu nghèo quá thì chính mình nhịn ăn, nhường cho con vì con cần đồ ăn cho cơ thể lớn mạnh. Cha mẹ không bao giờ dùng đồ ăn mà bắt chẹt con cái, trừ khi muốn làm hại con. Có cha mẹ nào nỡ lòng làm như thế không? Chức vụ ĐGM đòi hỏi Ngài phải tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay. Không tìm cách giải quyết là vô trách nhiệm.

 Hãy xem hành động của Toà Giám Mục các giáo phận Buffalo, Hartford, Connecticut. Bề Trên đã lên tiếng công khai xin lỗi giáo dân vì đã bỏ rơi, làm phật lòng giáo dân và xin giáo dân hãy trở về với Giáo Hội và giáo phận (Tin Buffalo, N.Y., AP, CN 16). Đàng này, giáo dân VN xin giáo xứ như giáo luật cho phép để được giữ đạo tốt hơn, để thuộc về giáo phận như các xứ Mỹ mà không được, lại còn bị nạt nộ, đe doạ bị đuổi ra khỏi nhà thờ. Như vậy Bề Trên có quan tâm đến đời sống đạo của giáo dân không? Nào đã hết đâu, những kẻ xu nịnh được Bề Trên nâng đỡ để chống lại giáo dân, lại còn muốn đẩy giáo dân ra khỏi Giáo Hội bằng cách gọi giáo dân là ly khai. Những kẻ này có lòng thương Kitô hữu không? Giáo Hội trông nhờ gì ở những kẻ này? Vì, là giáo hữu, ngoài việc giữ đạo, còn phải làm việc tông đồ nghĩa là lôi kéo thêm người vào đàn chiên Chúa. Đàng này, họ lại muốn đẩy giáo dân ra khỏi đàn chiên Chúa. Thật là ngược với điều Chúa và Hội Thánh dạy. Thế mà họ dám tự xưng là “bảo vệ Đức Tin”, “bảo vệ Giáo Hội”! Những kẻ này viện lẽ rằng vì giáo dân làm sai, “chống đối giáo hội” như tờ Chân Lý của Cha Dương thường nói. Nếu vậy, tại sao khi giáo dân đề nghị, yêu cầu những người này, từ trên xuống dưới, ra đối diện tranh luận với giáo dân để xem ai phải, ai trái thì họ lại cứ lẩn tránh để rồi ăn nói, viết lách bậy bạ? Càng ngày ta càng thấy họ sai lầm. Họ chỉ dựa thế ĐGM; ngoài ra họ chỉ là con số không.

 Về phần giáo dân tranh đấu, thay vì được nâng đỡ để sống đạo trong một hoàn cảnh khó khăn do sự khác bịêt về tiếng nói, phong tục, truyền thống và vì thảm hoạ du cư thì lại bị cấm cách, chèn ép, đe doạ. Đối với giáo dân Mỹ, nếu họ không thích một cha xứ hay cách làm việc trong xứ của họ thì họ bỏ xứ đó và gia nhập xứ khác rất dễ dàng. Còn giáo dân VN thì bị kẹt cứng, biết chạy đâu bây giờ? Có người nói với tôi: Vì Bề Trên biết rằng giáo dân VN rất sùng đạo nên dù bất cứ trong trường hợp khó khăn nào, giáo dân VN cũng sẽ không bao giờ bỏ đạo, nên mới bắt ức giáo dân VN như vậy. Nhìn xem cách làm việc của Bề Trên, ta có lý do để nghĩ rằng câu nói này đúng. Giáo dân VN đã, đang và sẽ mãi mãi kiên trì giữ đạo trong mọi hoàn cảnh. Nhưng Bề Trên có nên lợi dụng sự mộ đạo của giáo dân mà bắt bí giáo dân không? Nếu thế thì thật sự là sai lầm, đáng tiếc, là một sự đau buồn cho Giáo Hội.

 Trong đoạn cuối bài “Tôi viếng Nhà Thờ Nữ Vương La-Vang” (CN 1, bộ mới), cụ Nguyễn Đức Hiệp có kể lại cuộc đàm thoại giữa cụ và Cha John Rebold về vụ San Jose (Cha Rebold đang cố gắng giúp đỡ giáo dân VN ở Albuquerque, tiểu bang New Mexico xây dựng một nhà thờ VN, tuy số giáo dân VN rất ít). Cụ nói với tôi là cụ hỏi Cha Rebold có cho phép cụ trích dẫn lời của Cha trong bài cụ sẽ viết không. Cha Rebold trả lời là chẳng những Cha cho phép mà còn yêu cầu cụ viết ra nữa. Đại ý Cha Rebold nói là Cha theo dõi vụ San Jose khá kỹ. Theo Cha, đồng hoá giáo dân VN vào giáo xứ Mỹ sẽ không bao giờ thành công . . . và Cha thấy là ĐGM San Jose đã nhầm. Ngài dùng cảnh sát và chó săn để đàn áp giáo dân thì mất hết tình nghĩa cha con . . . Cha Rebold phàn nàn là các cố vấn của Đức Cha quá tầm thường nên còn làm phiền Ngài nhiều.”

 “Thấy người lại nghĩ đến ta.” So với giáo dân VN mọi nơi, ta thấy số phận giáo dân VN San Jose thật là hẩm hiu từ ngày ĐGM Du Maine lên cai quản giáo phận. Nhưng càng gặp khó khăn, chúng ta càng kiên trì, bền vững. Đó là bản tính của con người Việt Nam, một con người biết tự trọng, biết giữ phẩm giá và dân tộc tính của mình.

Monterey ngày 4-3-88


66-  KÍNH GỬI GIÁO DÂN TRANH ĐẤU, SAN JOSE.

Monterey, ngày 4 tháng 8 năm 1988

 Kính thưa quý cụ, quý ông bà, anh chị em thân mến,

Tôi có vài lời ghi vội ra đây xin gửi đến quý vị. Tôi không biết ăn nói văn hoa, ý tưởng lại rất đơn sơ mộc mạc, nghĩ sao viết vậy. Tôi không dám dài dòng vì nhận thấy thì giờ của quý vị rất quý báu nên xin vào đề ngay.

Sau đây là nhận định của tôi.

Đề tài mà cộng đồng chúng ta đang gấp rút thảo luận bây giờ là vấn đề tài chánh để giữ lại được mảnh đất và ngôi nhà đầy thương yêu, đầy tình tự của cộng đoàn ta.

1. Chúng ta có biết bao nhiêu lý do phải giữ lại ngôi nhà này. Đây là nơi chôn nhau cắt rốn của cộng đồng ta. Nơi này đã chứng kiến bao nhiêu cảnh vui buồn, sướng khổ của ta. Nơi này là ngôi nhà của tổ tiên ta là các Thánh Tử Đạo VN. Nơi này là chốn ta họp nhau thờ phượng, con cháu ta học hành đạo nghĩa . . . Một khi đã hiểu như vậy rồi thì ta thấy có bổn phận phải giữ gìn nơi này cho bằng được, bằng mọi cách, bằng mọi giá. Người ta đang cố tình đuổi tổ tiên ta và chúng ta ra khỏi ngôi nhà này. Lẽ nào chúng ta ngồi yên để họ tự do thi hành thủ đoạn độc ác đó? Không. Bằng mọi cách chúng ta phải giữ gìn ngôi nhà này.

2. Vậy ta đặt câu hỏi: Ta phải làm gì bây giờ? Dĩ nhiên câu trả lời là “tiền”. Thưa quý vị, đối với một nhóm người nhỏ thì số tiền kia thật là to tát, nhưng đối với con số đông thì đó là một việc ta có thể làm được. Ta chỉ cần có lòng. Hoàn cảnh của chúng ta bây giờ giống như những người anh chị em trong một gia đình chung nhau mua căn nhà cho cha mẹ ở. Con nào có khả năng tài chánh nhiều thì đóng góp nhiều hơn, đỡ cho những anh chị em thiếu khả năng. Bỏ tiền ra mua nhà cho cha mẹ ta, cho ta, và cho con cháu chúng ta sau này thì làm sao ta tiếc được. Vả lại, tiền mua nha đi đâu mà mất, vì miếng đất, ngôi nhà tổ tiên ta còn đó. Số tiền này còn lợi ích và chắc chắn hơn số tiền ta bỏ ra để mua căn nhà cho chính ta.

Rồi khi có cơ sở này, có số giáo dân đông đảo, với nhu cầu sống đạo cấp bách của ta, dĩ nhiên ta có lý do rất chính đáng để tiếp tục tranh đấu cho Giáo Xứ Thể Nhân. Bây giờ ta tranh đấu mà không phải nơm nớp lo sợ bị người ta đuổi ra khỏi nhà nữa. Ta yên trí hơn, dễ thở hơn và chắc chắn cuộc tranh đấu có hiệu quả hơn. “Quan nhất thời chi quan; dân, vạn đại chi dân”. Bề Trên, kẻ đi, người đến. Còn ta và con cháu ta ở nơi này mãi mãi. Với thời gian, chắc chắn ta sẽ thành công.

3. Sau khi được giáo xứ rồi và ta không còn phải lo trả tiền hàng tháng cho ai nữa, lúc đó số tiền thu được hàng tháng như các giáo xứ khác sẽ dùng để từ từ trả lại cho những người đã đóng góp vào việc mua ngôi nhà này. Và với các sinh hoạt khác của cộng đồng, chẳng hạn như các bà, các cô với lòng hy sinh cao cả và tài nấu nướng thành thạo sẽ kiếm cách mang thêm tiền vào quỹ chung. Không mấy chốc mà ngôi nhà của tổ tiên ta sẽ trang trải xong món tiền do con cháu đóng góp. Sau đó quỹ chung của Giáo Xứ ta sẽ càng ngày càng lớn và mở mang thêm mãi cho con cháu chúng ta được nhờ sau này.

Thưa quý vị, nơi này là niềm hãnh diện của ta, là danh dự của ta, là biểu hiện lòng tự trọng, tình đoàn kết của ta trong việc bảo vệ dân tộc tính và sự sống đạo của ta. Ta không thể để mất đi được.

4. Bề Trên đã lầm nhiều rồi và bây giờ Bề Trên vẫn còn lầm. Ta chỉ mượn Bề Trên đứng tên tài sản mà ta đã bỏ tiền ra mua, thế mà Bề Trên cũng lấy của ta 160.000 đồng. Tên Họ Đạo của ta là tên tổ tiên của ta, các Thánh Tử Đạo, mà Bề Trên cũng đang tâm gạch bỏ đi. Thật hết chỗ nói. Đâu là công lý. Ta chỉ thấy nghiệt ngã và chèn ép! Và bây giờ có thể Bề Trên còn tưởng là ta đào đâu ra số tiền 400.000 đồng để trả Bề Trên; vì thế, sẽ mất ngôi nhà này và không còn ngo ngoe gì được nữa. Chúng ta hãy tỏ cho Bề Trên biết là Bề Trên đã lầm. Đám người con Giáo Hội này giữ vững đức tin, giữ vững dân tộc tính, đầy lòng nhiệt thành, đoàn kết, biết lo lắng cho sự sống đạo của mình, không thể mắc vào rọ, vào lưới của Bề Trên được.

5. Tuần trước, thấy vấn đề tài chánh có vẻ gay go, tôi muốn biết phản ứng của bà con mình ra sao; nhà tôi và tôi gọi cho một bà bạn. Chúng tôi nói chuyện khá lâu và trước khi gác điện thoại, bà bạn ấy nói một câu thật cương quyết làm cho chúng tôi vui mừng, phấn khởi. Bà nói: “Nói thật cho hai bác biết, dù cộng đồng này còn một gia đình thì đó là gia đình tôi”.

Tôi và nhà tôi đã suy nghĩ và quyết định rằng: tuy bây giờ chúng tôi cần chiếc xe hơi mới thật; nhưng thôi, tạm gác lại, giữ xe cũ đi tạm, dùng số tiền “down”  xe để đóng góp vào việc mua nhà cho Chúa, cho tổ tiên và cho chính mình và con cháu mình trước đã. Chúa cho mình kiếm ra tiền, bây giờ Nhà Chúa cần thì mình đóng góp là phải quá rồi. Chúa thương mình, tại sao mình lại hẹp hòi với Chúa?

6. Trong đời, tôi đã tham dự 3 cuộc tranh đấu: 1. Cuộc tranh đấu của quân Tự Vệ của Đức Cha Lê Hữu Từ và Đức Cha Phạm Ngọc Chi, chống cộng sản. 2. Cuộc tranh đấu của quân đội miền Nam dưới sự lãnh đạo của T.T Ngô Đình Diệm chống lại lực lượng Bình Xuyên và 3. Cuộc tranh đấu của giáo dân San Jose chống lại chính sách đồng hoá của ĐGM Du Maine. Rất nhiều quý vị chẳng những đã tham dự những cuộc tranh đấu này mà còn cả cuộc tranh đấu tàn khốc chống Việt Cộng và quân đội Bắc Việt trước năm 1975 nữa. Trong những cuộc tranh đấu đó, biết bao nhiêu bạn bè, họ hàng của chúng ta đã hy sinh tính mạng, tài sản bị tàn phá. Chẳng những thế, nhiều người trong chúng ta vẫn còn mang thương tích trên mình. Vậy mà chúng ta còn sẵn sàng hy sinh, huống chi trong cuộc tranh đấu này. Ta không phải lo gì về tính mạng phải hy sinh, tài sản bị tàn phá. Ta chỉ góp công, góp của mà Chúa đã ban cho để dùng vào việc giữ gìn nhà Chúa, nhà của Tổ Tiên, để làm lợi cho sự sống đạo của ta và bảo vệ được dân tộc tính như Giáo Hội cho phép và khuyên nhủ ta.

7. Thưa Quý vị, ta đâu có khờ dại gì mà không hiểu là Bề Trên có quyền; nhưng ta cũng đủ thông minh để biết rằng dù Bề Trên có quyền đến đâu đi nữa thì cũng không ở trên Giáo Luật được. Chúng ta cứ kiên trì đoàn kết thì rồi sớm muộn chúng ta sẽ thành công vì cuộc tranh đấu của chúng ta có chính nghĩa, hợp tình, hợp lý, hợp Giáo Luật.

Thưa Quý vị, “của mua là của được”, huống chi là mua nhà thờ để thờ phượng Chúa, tôn vinh Tổ Tiên Tử Đạo, lợi ích cho sự sống đạo của ta và con cháu ta, thì đáng được Chúa thưởng công. Vì chẳng lẽ Chúa thua kém ta về lòng rộng lượng sao? Không bao giờ Chúa chịu thua đâu.

Bằng nhiều cách, Chúa sẽ đền bù lại gấp bội.

Xin kính mến chào quý vị,

ĐỖ VĂN HIẾN

67-  CUỘC TRANH ĐẤU CỦA GIÁO DÂN SAN JOSE SẮP KẾT THÚC?

Tuần qua, tôi được đọc và nghe nhiều tin tức rất sôi nổi về những biến cố dồn dập và quan trọng liên quan đến cộng đồng Công Giáo Việt Nam, San Jose. Tôi vui mừng phấn khởi nhưng cũng không tránh khỏi băn khoăn. Tôi xin trình bày như sau.

Về bức thư của Cha Dương đề ngày 6 – 8 – 88 gửi giáo hữu Việt Nam. Tôi phải thú thực là tôi được khích lệ bởi lá thư đó. Tuy vậy, đi đôi với sự khích lệ, bức thư đó cũng làm cho tôi phải băn khoăn suy nghĩ.

Trước hết, Cha Dương nói rằng Ngài viết thư này vì Ngài “muốn mọi người hiểu rõ sự thật . . .” rồi Ngài kể lại sự thật như sau: “ . . . Hơn bao giờ hết Đức Giám Mục đoan hứa hỗ trợ và nâng đỡ Họ Đạo Việt Nam chúng ta . . .” Ngài viết tiếp, “ . . . Từ lâu Giáo phận am tường rằng Trung Tâm cũ trên đường Singleton quá chật hẹp cho Họ Đạo chúng ta, do đó, việc giải quyết này (bán trung tâm) cũng liên hệ đến ý của Đức Cha muốn chúng ta có một cơ sở khang trang hơn, và từ đó Họ Đạo sẽ trở thành một giáo xứ thể nhân”.
Cứ đọc thấy những chữ “GIÁO XỨ THỂ NHÂN” là tôi vui mừng rồi, vì đó là mục tiêu tranh đấu của chúng ta. Ai cũng biết rằng lý do giáo dân phải tranh đấu là vì chính sách mục vụ của ĐGM chống lại giáo xứ thể nhân là đồng hoá giáo dân VN vào các giáo xứ Mỹ. Sự kiện này đã rõ rệt trong các văn thư và hành động của Toà Giám Mục trước đây. Nay ĐGM đã thay đổi chính sách mục vụ và chấp thuận cho lập giáo xứ thể nhân thì ai cũng nhận thấy rằng đó là kết quả của cuộc tranh đấu, của những lời cầu nguyện của giáo dân và của những người quan tâm đến việc này. Theo thư Cha Dương, bây giờ ta biết chắc được một điều là ĐGM đoan hứa hỗ trợ Họ Đạo và từ Họ Đạo sẽ trở thành giáo xứ thể nhân.

Một khi quy chế Giáo Xứ Việt Nam được chấp thuận thì địa điềm của nhà thờ giáo xứ sẽ không còn phải là một vấn đề nữa. Các tổ chức lớn hết sức quan trọng mà cũng còn có thể thay đổi địa điểm trụ sở của họ, phương chi là một giáo xứ. Ngay tại tiểu bang California này, trước kia, thủ phủ là Monterey nhưng bây giờ là Sacramento. Thủ đô VN cũng được thay đổi nhiều lần: Huế, Hà Nội, Sài gòn. Vậy thì nhà thờ của Giáo Xứ Việt Nam không cứ gì phải ở trung tâm ở đường Singleton.

Tuy vậy, như tôi đã nói ở trên, đi đôi với sự vui mừng về việc ĐGM đoan hứa cho giáo xứ thể nhân và mua cho Họ Đạo một cơ sở khang trang, là nỗi băn khoăn của nhiều người mà Ông Đốc Gàn đã “lạm bàn” trong mục ‘Vẽ voi’ (CN, số 52, ngày 6-8-88).

Cha Dương nói, “Đức Cha muốn chúng ta có một cơ sở khang trang hơn” trung tâm ở Singleton. Tôi muốn bàn thêm về điều này. Theo sự đánh giá của những người chuyên về địa ốc, dựa vào giá thị trường hiện nay, thì khu trung tâm phải được trị giá ít nhất là một triệu đô la. Và nếu để cho các người Hoa từ Hồng Kông hay Đài Loan tranh nhau trả giả thì có thể đếnmột triệu rưỡi. (Ở đây tôi xin mở một dấu ngoặc: Nhiều người lo là Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam kiếm đâu ra 175 ngàn để đặt trước cho Toà Giám Mục, số còn lại là 225 ngàn sẽ trả góp trong 5 năm? Xin quý vị đừng quá lo vì chẳng những cộng đồng có thể trả 175 ngàn mà họ cũng có thể trả ngay 400 ngàn một lúc cho Toà Giám Mục. Theo tôi, hai lý do sau đây đã thúc đẩy họ làm như thế:

1. Về mặt tinh thần: Họ rất đoàn kết, họ coi nơi đây là niềm hãnh diện của họ nên họ muốn giữ cho bằng được.

2. Về mặt vật chất: Của đáng giá hơn một triệu mà mua có 400 ngàn thì ai dại gì không mua cổ phần để chung quyền làm chủ. Nếu sau này cần tiền thì có thể bán lại cổ phần cho thành viên trong cộng động theo thời giá. “Nhất cử lưỡng tiện” ai mà không muốn làm, vì mua cổ phần chỉ có lợi chứ không có hại gì cả. Vì thế, ban điều hành, sau nhiều buổi hội hộp, lĩnh ý của toàn thể cộng đồng đã đi đến quyết định là chia đều số cổ phần cho mỗi gia đình. Không gia đình nào được mua quá số cổ phần đã định. Tuy nhiên, gia đình nào vì hoàn cảnh đặc biệt mua ít hơn số đã ấn định thì số cổ phần còn lại mới dành cho thành viên muốn mua thêm. Xin đóng ngoặc).

Vậy nếu Toà Giám Mục muốn có một cơ sở khang trang hơn trung tâm thì chắc là giá phải độ 2 triệu. Vì nếu độ một triệu thì làm sao bằng trung tâm hiện nay được?

Theo bản tin (News Release) của Toà Giám Mục ngày 1-8-1988 thì “giáo dân thì giáo dân sẽ tiến hành ngay việc tìm mua một cơ sở khác cho Họ Đạo Việt Nam . . .” Như vậy, ta có thể hiểu là Toà Giám Mục sẽ dùng số tiền 400 ngàn (bán Trung Tâm) để “down” cho cơ sở mới của Họ Đạo với ý định là sẽ trở thành Giáo Xứ Việt Nam.

Câu hỏi đặt ra ở đây là : giả như cơ sở mới chỉ giá 1 triệu 400 ngàn đô la thôi, thì sẽ phải vay nợ một triệu. Và dù có trả trong 10 năm thì với lãi xuất hiện nay của Toà Giám Mục là 5.5%, mỗi tháng cũng phải trả trên 10 ngàn đô la cho cơ sở này (thực tế là $10,852.63). Đó là chưa kể những chi phí khác. Liệu Cha Dương có kham nổi 10 ngàn đô la mỗi tháng không? Có người ngây thơ nghĩ rằng Toà Giám Mục sẽ tha món nợ này cho Họ Đạo. Làm sao có chuyện kỳ lạ này được. Vì, ngược lại, Toà Giám Mục phải nhờ vào sự đóng góp hàng năm của các giáo xứ cho sự điều hành các công việc trong giáo phận. Tôi nghe nói hiện ở Giáo Phận San Jose, quỹ đóng góp của một xứ kia do Toà Giám Mục giữ lên cả hơn một triệu. Nay xứ đó cần sửa chữa trong xứ, làm đơn xin TGM để lấy ra mà cũng chưa lấy ra được. Vậy thì làm gì có chuyện giáo phận tha món nợ tiền triệu này cho Giáo Xứ Việt Nam. Ngoài ra các giáo xứ Mỹ có để cho ĐGM làm như thế không?

Lại có người quá lo xa nghĩ rằng: Nếu Giáo Xứ Việt Nam không trả tiền hàng tháng cho Toà Giám Mục được thì ĐGM càng có cớ mà hủy bỏ Giáo Xứ Việt Nam. Sự việc đâu có giản dị như vậy. Phải tìm xem tại đâu mà sinh ra nông nỗi này. Tại Cha Dương chứ tại ai. Cha Dương chưa muốn hoà giải với giáo dân tranh đấu. Vì vậy, họ vẫn chống Ngài, và dù họ có đi lễ đông chật nhà thờ “của Ngài” họ cũng vẫn không góp tiền. Như vậy tại sao ĐGM không bỏ Cha Dương mà lại bỏ Giáo xứ? ĐGM còn lấy lý do gì mà không thuyên chuyển Cha Dương để bổ nhiệm một Cha khác có thể hoà giải được các phe nhóm, để cha con mọi phía đoàn két với nhau, cùng nhau làm việc, hàn gắn, xây dựng lại cộng đồng dân Chúa? Và nếu lúc đó Giáo Xứ Việt Nam vẫn không chịu nổi số tiền 10 ngàn mỗi tháng thì cha con sẽ trả lại “cơ sở khang trang” cho Toà Giám Mục rồi kéo nhau trở về Trung Tâm Họ Đạo ở Singleton, đùm bọc lấy nhau, “làm ăn theo kiểu nhà nghèo” như Ông Đốc Gàn đã nói. Chúa đâu có đòi hỏi lầu son gác tía. Chính Chúa đã dạy ta và làm gương cho ta sống trong cảnh nghèo nàn. Còn nơi nào cơ cực hơn hang lừa hôi hám? Trung Tâm còn ở trong tay giáo dân ta, chứ nếu lọt vào tay kẻ ngoại thì rồi khi cần, muốn mua lại, ít nhất họ cũng “hát” một triệu rưỡi mà còn kể công là vừa bán vừa làm ơn cho ta.

Cuộc tranh đấu của giáo dân đầy cam go, đau buồn, nhưng đồng thời nó cũng là một bài học quý giá cho mọi người liên hệ. Cuộc tranh đấu này đã làm sáng tỏ lòng trung kiên, niềm hãnh diện, tính tự trọng, tình đoàn kết của người Việt Nam và nhắc nhở cho đồng hương, đồng đạo xa gần của ta rằng không có gì phải sợ sệt tự bi, vì đó là di tích tàn tệ của sự tự ti mặc cảm của những kẻ nhút nhát, cam phận cúi đầu trước sự hống hách, doạ nạt của bọn thực dân Pháp trước kia.

Chúng ta đâu có dám được thua gì với Bề Trên. Chúng ta là con cái chỉ xin Bề Trên hoà giải và cho chúng ta được hưởng quyền lợi chính đáng mà Giáo Hội ban cho chúng ta qua bàn tay của Bề Trên. Ta chỉ năn nỉ Bề Trên hãy mở tay ra mà ban cho chúng ta những quyền lợi đó vì nó có lợi cho sự sống đạo của chúng ta, của con cháu chúng ta để chúng ta được giữ đạo sốt sắng theo truyền thống của ta, giữ được dân tộc tính, làm rạng rỡ và an ủi Giáo Hội Mẹ Việt Nam đang phải sống trong cảnh đàn áp, bắt bớ dưới chế độ bạo quyền cộng sản.

Tôi thành thật tin tưởng rằng với lòng đoàn kết keo sơn và với ƠN TRÊN, cuộc tranh đấu cho hai thỉnh nguyện chính đáng của chúng ta đang tiến tới thành công.

Monterey, ngày 12-8-1988


68-  MÂU THUẨN VÀ XUYÊN TẠC

Trong bài “Cuộc tranh đấu của giáo dân Việt Nam, San Jose, Sắp Kết Thúc?” (CN 54) tôi đã viết là tôi đã được khích lệ bởi bức thư của Cha Dương đề ngày 6-8-88, vì trong đoạn đầu, Cha Dương nói là, “Đức Giám Mục đoan hứa hỗ trợ và nâng đỡ Họ Đạo Việt Nam chúng ta . . . “, “và từ Họ Đạo sẽ trở thành một Giáo Xứ Thể Nhan”. Giáo dân ai cũng sung sướng khi nghe tin này, thấy rằng những lời cầu nguyện và sự tranh đấu của mình đã đem lại kết quả.

Nhưng sau đó và nhất là khi đọc bản tin của Toà Giám Mục dịch sang tiếng Việt kèm theo lời “chú thích quan trọng” của Cha Dương, tôi thấy có nhiều mâu thuẫn và xuyên tạc không đúng sự thật. Vậy mà Cha Dương đã nói ngay từ đầu thư là nói để “cho mọi người hiểu rõ sự thật”. Tôi xin trình bày như sau:

Trước khi vào đề tôi muốn nói rằng tôi xin chịu trách nhiệm về những điều tôi viết.

1. Về Trung Tâm.

Cha Dương đã viết, “Những sở hữu chủ của cơ sở nêu trên (Trung Tâm) sẽ không được phép sử dụng danh xưng Công Giáo . . .”. Nhìn lại những hành động và lời nói của Cha và của phe nhóm Cha, tôi nhận thấy rằng Cha Dương đã tự mâu thuẫn khi nói như trên.

Tôi xin đưa ra một vài thí dụ ngay trước mắt và xin Cha Dương giải thích.

a. Báo Công Giáo Thời Luận do ông Trương Tiến Đạt chủ trương, dùng danh xưng Công Giáo. Theo chỗ tôi được biết thì Công Giáo Thời Luận không có phép của giáo quyền; vì vậy, ông Uyển Ngữ, người của Cha Dương, trong đặc san Đức Tin số Giáng Sinh 86, trang 82, đã khinh miệt ông Đạt thậm tệ và đả kích lên án báo này là phạm giáo luật. Vậy, nếu nói rằng Công Giáo Thời Luận xuất bản không có phép của giáo quyền là phạm giáo luật thì những người viết cho báo đó, như Sư Huynh Stephanô Kế, LM Nguyễn Văn Tề, LM Huy Bằng, LM Thành Tín, LM Tân Việt, Tân LM Zéro và nhiều Linh Mục khác cùng những giáo dân như Luật sư Nguyễn Công Bình v.v . . . cũng liên hệ phạm giáo luật cả sao? Điều đáng chú ý nhất ở đây là Uyển Ngữ, sau khi đả kích ông Đạt và báo Công Giáo Thời Luận như kể trên thì chính ông Uyển Ngữ lại cho đăng bài thơ của ông ta “Ai qua xóm đạo” trong Công Giáo Thời Luận số 13, tháng 5, năm 1987. Tại sao có sự mâu thuẫn kỳ lạ vậy? Tôi tự hỏi không biết Cha Dương và phe nhóm của Cha có biết là mình đang tự mâu thuẫn không?

b. Hội Nhân Sĩ Công Giáo Việt Nam, San Jose trong Hội Đồng Giáo Dân của Cha Dương có được phép của giáo quyền để thành lập không? Hội này cũng dùng danh xưng Công Giáo. Nếu Cha Dương nói là hội này có được phép, thì tại sao một người phạm giáo luật một cách công khai như ông Trương Tiến Đạt lại có thể đứng đầu Hội Đoàn Công Giáo đó. Và nếu được phép thì hội này phạm giáo luật à? Tại sao Cha Dương có một hội đoàn phạm giáo luật trong tổ chức của Cha? Cha Dương có thấy tự mâu thuẫn không?

c. Về Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam. Cha Dương và phe nhóm của Cha Dương lớn tiếng đòi  Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam phải giải tán, vì trái giáo luật. Thế nhưng chính ĐGM Dumaine đã tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 12-5-87 là Cộng Đồng Công Giáo không bị sự quản trị của giáo phận và do đó, không trái giáo luật. Vậy thì tại sao Cha Dương lại nói Cộng Đồng Công Giáo không được dùng danh xưng “Công Giáo” để gọi Trung Tâm của mình? Cha Dương có thấy là Cha mâu thuẫn với lời tuyên bố của Đức Giám Mục hay không?

2. Về lời “chú thích quan trọng” của Cha Dương trong bản tin của Toà Giám Mục ngày 1-8-88.

a. Trong “Lời chú thích quan trọng” thứ nhất, Cha Dương nói rằng, “Giáo phận bán trung tâm có nghĩa là Toà Án công nhận Toà Giám Mục có chủ quyền đối với Trung Tâm”. Cha Dương muốn ám chỉ là giáo dân không có chủ quyền? Nếu như vậy thì Cha Dương đã nói sai. Đây chỉ là một vụ điều đình chuộc lại sự đứng tên của Toà Giám Mục. Vì nếu sự thật Toà Giám Mục có chủ quyền đối với trung tâm này thì tại sao Toà Giám Mục không bán trung tâm này cho người khác với thời giá là 1.500.000 đô la? Biết bao nhiêu người muốn mua khu đất rộng rãi này. Tại sao Toà Giám Mục phải sang lại cho Cộng Đồng Công Giáo với giá không bằng 1/3 giá thị trường? Như thế tức là Cộng Đồng Công Giáo có chủ quyền thật sự. Toà Giám Mục chỉ đứng tên hộ giáo dân. Thế mà Toà Giám Mục bắt giáo dân phải trả 400.000 đô la để sang tên lại cho. Điều này đã làm cho nhiều người phẫn nộ và chê trách Toà Giám Mục.

Những điều hiển nhiên như vậy mà Cha Dương còn không nhận thấy thì làm sao Cha nhận thấy những điều khác sâu sắc hơn?

b. Trong “Lời chú thích quan trọng” thứ hai, Cha Dương nói rằng, “ . . . Họ (Cộng Đồng Công Giáo) phải gỡ bỏ tất cả những gì chứng tỏ cơ sở này là một giáo đường như Thánh giá, tượng ảnh, bản tên nhà thờ v.v . . . “. Lời chú thích này còn ấu trĩ hơn nữa. Tại sao phải bỏ Thánh giá, tượng ảnh? Một nhà tư còn được Giáo Hội khuyến khích đặt Thánh giá, tượng ảnh trong nhà, huống chi là một Trung Tâm của Cộng Đồng Công Giáo? Càng ngày ta càng thấy sự nông cạn của Cha Dương.

Trong tuần báo Chính Nghĩa, đã nhiều lần tôi viết rằng: “Nếu Cha Dương và phe nhóm của Cha thật sự nghĩ rằng những hành động và lời nói của họ là đúng và của giáodân tranh đấu là sai thì tôi yêu cầu Cha và phe nhóm Cha hãy gặp đại diện giáo dân trong một cộc hội thảo công cộng hoặc trên tivi để tranh luận và cho dân chúng chất vấn, nhận định.” Thế nhưng phe nhóm Cha Dương không hề lên tiếng nhận lời.

Trước đây độ một tháng, trên tivi, đài CNN, trong chương trình “chất vấn” của ông Larry King, tôi thấy hai Linh Mục Công Giáo tranh luận với nhau về một số vấn đề mà hai Linh Mục này bất đồng ý kiến. Người Mỹ, giáo dân Mỹ và ngay cả giáo chức mỹ đều tán thưởng cuộc tranh luận đó. Vậy thì Cha Dương và phe nhóm của Cha còn đợi gì mà không chấp nhận gặp đại diện giáo dân tranh đấu để tranh luận? Chỉ có kẻ thấy mình sai quấy mới sợ công luận, còn kẻ làm phải thì mong có dịp trình bày cho công luận biết. Người Mỹ có câu: “Put up or shut up” tạm dịch là “ Hãy tranh luận, nếu không dám thì im đi”.

3. Về bản tin (News Release) của Toà Giám Mục.

Trong Chính Nghĩa số 54, bài “Những xuyên tạc chung quanh việc giao hoàn cơ sở Họ Đạo”, kèm theo đoạn trích nguyên văn của bản án thoả hiệp đã vạch rõ sự xuyên tác của LM. Tổng Quản Sullivan. Trong suốt 2 năm qua,vị cố vấn này của ĐGM Du Maine, cùng với tay chân của Ngài đã gây ra bao nhiêu tang tóc, lầm lỗi, đau khổ cho ĐGM, cho giáo dân và cho Giáo Hội:

- Cảnh chó săn và cảnh sát đứng chung quanh nhà thờ để ngăn cản giáo dân, và trong nhà thờ cảnh sát võ trang đứng quay lưng lên bàn thờ và mặt lầm lì nhìn giáo dân trừng trừng là một cảnh tượng ghê tởm nhất trong Giáo Hội.

- Việc cảnh sát và “ma sơ” khám xét giáo dân truớc khi cho phép họ vào nhà thờ là một việc ngang ngược nhất trong Giáo Hội.

- Việc ĐGM ra vạ tuyệt thông rồi lại phải giải vạ tuyệt thông cho hai ông Thiện, Bài vô điều kiện là một việc kỳ lạ nhất trong Giáo Hội.

- Việc bắt hai cha phó và khoá cửa Nhà Tạm là một việc ác nghiệt nhất trong Giáo Hội.

- Sự cấm lễ, cấm các phép Bí Tích là một hành động thoái hoá nhất trong Giáo Hội.

- Những lời nói của Cha Sở Nhà Thờ Chánh Toà đe doạ đuổi giáo dân Việt Nam ra khỏi nhà thờ trong Lễ Chúa Nhật là những lời tệ hại nhất trong Giáo Hội.

- Việc LM. Tổng Quản Sullivan cấm các Linh Mục Việt Nam không được đến làm lễ cho giáo dân Việt Nam là việc đê tiện nhất trong Giáo Hội.

Rồi đây trong những tháng sắp tới, khi Toà Giám Mục đến tháo gỡ một vài ảnh tượng – nếu có – trong lúc giáo dân đang đọc kinh cầu nguyện trước những ảnh tượng đó thì đó sẽ là một cử chỉ ô nhục nhất trong Giáo Hội. Các báo chí, đài TV, các cơ quan truyền thông sẽ thu hình loan tin cho khắp thế giới đều thấy lòng sắt đá, nghiệt ngã, nhỏ nhen của chủ chiên cố tình chèn ép con chiên. Thế giới sẽ nghĩ gì về ĐGM Du Maine? Thế giới sẽ thấy rõ là giáodân VN bịkỳ thị, ngược đãi.

Rồi đây trong tương lai có thể ta còn bị chèn ép,đàn áp nữa. Bề Trên đã phạm những lầm lỗi kể trên là vì Bề Trên dùng những người cố vấn xấu (bad advisors, nguyên văn tiếng Anh của Cha John Rebold nói với cụ Nguyễn Đức Hiệp) có những cái nhìn rất hạn hẹp, những ý nghĩ rất nông cạn. Họ chỉ cậy vào quyền lực mà không biết nhìn xa trông rộng để có thể thấy được những hậu quả tai hại có thể xảy ra cho Bề Trên. Những cố vấn xấu này chưa học được những bài học quá đắt trong quá khứ!

Cuộc tranh đấu của ta bắt đầu bước sang giai đoạn mới. Chúng ta vẫn một mực kiên trì, đoàn kết tranh đấu trong lẽ phải và phẩm giá của ta. ĐGM Du Maine có quyền lực, nhưng chúng ta có lẽ phải. Lịch sử cổ kim đã cho ta thấy rằng quyền lực chỉ có thể đàn áp lẽ phải nhất thời mà thôi. Cuối cùng, lẽ phải bao giờ cũng đem lại thắng lợi tốt đẹp lâu dài.

Monterey, ngày 8 tháng 9 năm 1988

69-  ÁNH SÁNG Ở CUỐI ĐƯỜNG HẦM

Không ai có thể ngờ được rằng đến nay biến cố San Jose vẫn chưa giải quyết xong. Tuy vậy, ta được phấn khởi vì thấy tình hình càng ngày càng sáng sủa hơn như câu người Mỹ thường nói: Ánh sáng ở cuối đường hầm (The light at the at of the tunnel).

Nhớ lại trước đây hơn hai năm tôi đã có mặt tại buổi lễ chiều ngày 20-7-86 ở Trung Tâm Họ Đạo. Theo chương trình đã định, ĐGM Du Maine cũng sẽ đến dự buổi lễ đó để chứng kiến cảnh giáo dân tỏ lòng tri ân và tiễn chân Cha Tịnh; nhưng cuối cùng chẳng những Ngài đã không đến mà còn cấm cả Cha Tịnh đến nữa, vì Ngài được “báo cáo” là giáo dân sẽ biểu tình. Thánh Lễ chiều hôm đó do ba Cha: Cha Chính, Cha Đỉnh, Cha Hoan đồng tế đã diễn ra rất yên lành. Sau đó, cuộc tranh đấu cho hai thỉnh nguyện được phát động. Tình hình thật là rối ren. Đen tối nhất là khi Đức Giám Mục ra vạ tuyệt thông cho hai ông Thiện và Bài. Khi hai ông bị vạ tuyệt thông thì  hơn ba ngàn giáo dân cùng ký tên trong một bức thư trình bày với Đức Giám Mục là hai ông chỉ đại diện làm theo ý muốn của họ mà thôi. Vậy nếu Đức Giám Mục ra vạ cho hai ông thì họ cũng xin Ngài ra vạ cho họ nữa.

Có người đã coi đó là hành động dại dột của giáo dân vì nghĩ rằng nếu Đức Giám Mục ra vạ tuyệt thông luôn cho hơn ba ngàn giáo dân thì có phải họ cũng bị nguy hiểm không. Theo tôi, việc làm này của giáo dân thật là tuyệt diệu, vì nó chứng tỏ lòng cương quyết, tình đoàn kết và bản tính bất khuất của người dân Việt trước bất cứ sự đàn áp, bất công nào. Giáo dân đã biết rõ tỏ tường rằng nếu Đức Giám Mục ỷ quyền ra vạ cho hơn ba ngàn giáo dân này thì họ vẫn có quyền kháng án lên Toà Thánh Vatican; và việc làm vô lý này của Đức Giám Mục chắc chắn sẽ làm xúc động cả Giáo Hội toàn cầu và nhất định là lầm lỗi trầm trọng này sẽ làm cho tình trạng của Đức Giám Mục Du Maine không còn giống như hiện nay nữa. May mà Đức Giám Mục đã tránh được lỗi lầm này vì rốt cuộc Ngài đã phải giải vạ cho hai ông Thiện, Bài vô điều kiện. Từ đó, tình hình tuy căng thẳng nhưng không đen tối như trước nữa. Ta thấy về phía Đức Giám Mục đã có những thay đổi từ từ. Sau đây là những nét chính:

1. Trước hết, ai cũng nhận thấy rằng theo tinh thần bức thư của Đức Giám Mục đề ngày 31-5-84 thì chính sách mục vụ của Ngài là đồng hoá giáo dân Việt Nam vào các giáo xứ Mỹ.

2. Sáu tháng sau khi cuộc tranh đấu bắt đầu, Đức Giám Mục đã tuyên bố với phóng viên báo San Jose Mercury News ngày 25-1-87 là Ngài không có ý định đồng hoá giáo dân Việt Nam vào các giáo xứ Mỹ. Nhưng Ngài có nói thêm rằng Giáo Xứ Thể Nhân đòi hỏi giáo dân phải tự túc được các cơ sở và phải có nguồn tài chánh. Tuy lúc đó, Ngài chưa chấp thuận cho Giáo Xứ Thể Nhân, nhưng lời tuyên bố trên đã tỏ ra có sự thay đổi trong chính sách mục vụ của Ngài đối với giáo dân Việt Nam.

3. Trước kia, Cha Tổng Quản Sullivan nói với ông Bài trên TV rằng giáo dân phải có tiền triệu ngay để sửa sang hoặc mua cơ sở khang trang hơn rồi mới có thể xin Giáo Xứ Thể Nhân được. Nhưng bây giờ, trong bản tin của giáo phận ngày 1-8-88, Cha Sullivan nói lại là “giáo dân sẽ tiến hành ngay việc tìm mua một cơ sở khác cho Họ Đạo Công Giáo Việt Nam”.

4. Trong bức thư ngày 6-8-88, Cha Dương khẳng định với các giáo dân rằng: “Đức Giám Mục muốn chúng ta có một cơ sở khang trang hơn, và từ đó Họ Đạo sẽ trở thành một Giáo Xứ Thể Nhân”.

Chúng ta sung sướng thấy rằng chính sách mục vụ của Đức Giám Mục đã thay đổi (1) từ chỗ đồng hoá giáo dân vào giáo xứ Mỹ đến chỗ “đoan hứa” cho giáo dân được có Giáo Xứ Thể Nhân và (2) từ chỗ bắt giáo dân phải có tiền triệu ngay để có cơ sở khang trang hơn trước khi xin Giáo Xứ Thể Nhân đến chỗ giáo phận sẽ tiến hành ngay việc tìm mua một cơ sở khác cho Họ Đạo Công Giáo Việt Nam . . .”

Bây giờ vấn đề đặt ra ở đây là: Cha Dương đã được Đức Giám Mục uỷ quyền phải “nhanh chóng” khởi sự công việc xây dựng cơ sở mới (đọc “Lời chú thích quan trọng” trong bản dịch tiếng Việt Bản Tin của Toà Giám Mục ngày 1-8-88) Liệu Cha Dương có làm nổi công việc này không? Chúng ta cầu chúc Ngài làm được việc này, nhưng trên thực tế, ta thấy là Ngài không làm nổi vi thiếu tài năng lẫn tài chánh. Vậy nếu Ngài không làm nổi một cách “nhanh chóng” như Đức Giám Mục muốn thì sao. Không lẽ cứ để tình hình kéo dài mãi như thế này, từ năm này qua năm khác? Làm sao Đức Giám Mục và giáo dân chịu để cho Ngài kéo dài mãi sự bất an này, vì nó gây thiệt hại cho sự giữ đạo của giáo dân và là cho tiếng tăm của Đức Giám Mục càng ngày càng xuống dốc.

Theo lẽ thường tình, khi một viên chức không làm nổi việc đã được uỷ nhiệm thì phải từ chức, cho người khác lên thay thế để tiến hành công việc chung.Việc gì cũng phải có hạn định. Xem ngay như việc giáo dân chuộc lại Trung Tâm, Đức Giám Mục cũng đòi là trong vòng 105 ngày kể từ ngày 8-8-88 giáo dân phải trả trước cho Đức Giám Mục 175.000 đô la; nếu không, sẽ phải rời khỏi Trung Tâm. Vậy nếu Cha Dương không làm nổi công việc được Đức Giám Mục uỷ thác trong một thời gian nào đó thì theo lẽ thường Ngài cũng phải rời khỏi chức vụ Chánh Xứ.

Việc bổ nhiệm Cha Dương, ngay từ đầu, là một sai lầm nghiêm trọng và vì không sửa chữa ngay mà cứ cố tình bênh vực sự sai lầm nên càng ngày hậu quả càng tai hại. Cứ xem vụ Tom Hayden. Khi bị sinh viên VN phản đối kịch liệt, Ban Giám Đốc Đại Học Cộng Đồng San Jose đã khôn ngoan sửa chữa lầm lỗi đó ngay nên mọi sự được an hoà. Có ai chê cười Ban Giám Đốc đâu. Ngược lại, họ chỉ khen ngợi tài lãnh đạo của Ban Giám Đốc mà thôi. Người ta chỉ có thể nghĩ được một lý do làm cho Đức Giám Mục cố tình giữ lập trường của Ngài trong việc bổ nhiệm Cha Dương. Đó là tự ái của Ngài quá cao, và Ngài làm tưởng rằng một khi tự ái của Ngài bị tổn thương thì uy quyền của Ngài cũng bị suy giảm? Vậy phải làm gì để tự ái của Ngài khỏi bị tổn thương và uy quyền của Ngài khỏi bị suy giảm? Theo tôi nghĩ, có hai cách sau đây:

1. Theo thông lệ, một khi có sự cố xúc phạm xảy ra thì một lời xin lỗi có thể làm cho mọi sự trở lại bình thường. Nếu Đức Giám Mục nghĩ rằng giáo dân đã xúc phạm đến Ngài và phải xin lỗi Ngài rồi Ngài sẽ chấp thuận cho hai thỉnh nguyện thì tôi tin là giáo dân sẽ xin lỗi Ngài ngay. Việc chấp nhận cho Giáo Xứ Thể Nhân còn khó khăn gấp bội mà Ngài còn thay đổi được, huống chi là việc bổ nhiệm Cha Dương trong chức vụ Chánh Xứ.

2. Đức Giám Mục đã uỷ nhiệm cho Cha Dương phải nhanh chóng xây dựng cơ sở mới là một thách đố có tính cách rõ rệt và quyết định. Vậy nếu Cha Dương không làm nổi thì dĩ nhiên đó là lý do rất chính đáng để Đức Giám Mục thuyên chuyển Cha Dương và bổ nhiệm Cha khác có khả năng làm được việc này. Như vậy tự ái của Đức Giám Mục không bị tổn thương và uy quyền của Ngài cũng không hề bị suy giảm? Vì không lẽ Đức Giám Mục cứ khư khư bênh đỡ một người không có khả năng làm những việc mà Ngài đã uỷ thác cho; vì như vậy là vô lý, là ngoài lẽ phải. Thuyên chuyển người đó là một việc làm rất bình thường và hợp lý.

Thật ra, khi hai thỉnh nguyện của giáo dân được Đức Giám Mục chấp thuận thì tôi vẫn nghĩ rằng còn một công việc khác nữa cũng rất quan trọng. Đó là làm sao đoàn kết được tất cả giáo dân trong tình trạng đang chia rẽ trầm trọng. Không ai là không buồn khi thấy cảnh phân hoá này. Ai cũng ước ao rằng một ngày gần đây tất cả giáo dân sẽ hàn gắn được những rạn nứt để mọi người thương yêu đùm bọc lấy nhau trong việc giữ đạo, thờ phượng Chúa, phục vụ, an ủi Giáo Hội Mẹ Việt Nam, bảo vệ được truyền thống quý báo của dân tộc chẳng những cho thế hệ của ta mà còn cho các thế hệ mai sau của con cháu chúng ta nữa.

Công việc hàn gắn vết thương và đoàn kết tất cả giáo dân thành một khối là một công việc thật khó khăn nhưng rất cao cả mà theo tôi, chỉ có các vị lãnh đạo tinh thần mới đủ khả năng làm được. Các vị lãnh đạo tinh thần nghĩ sao? Đây là một thách đố lớn cho các Ngài.

Monterey, ngày 12-9-1988

70-  LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM

Từ ngày đặc san Đức Tin và tuần báo, nguyệt san, tam cá nguyệt san Tín Hữu đình bản đến nay, giáo dân đã thoát được cái nợ; không phải đọc những bài có lời lẽ tục tĩu, khiếm nhã, vu khống, bịa đặt mơ hồ làm mang tiếng báo chí Công Giáo, thì nay lại thấy xuất hiện trên tờ Chân Lý của Cha Dương mục ‘Niềm tin Với Quê Hương’. Tôi được đọc hai số ngày 21-8-1988 và ngày 4-9-1988, tôi thấy nó vẫn mơ hồ, mâu thuẫn và xuyên tạc như những bài trong Đức Tin và Tín Hữu trước kia. Tôi xin trình bày như sau:

Trong số ngày 21-8-88 Cha Dương tỏ vẻ sung sướng vì “May thay kịp thời, phổ biến hai thông cáo chính thức: Bản tin của Giáo Phận San Jose đề ngày 1-8-88 và bản thông cáo của cha chính xứ đề ngày 6-8-88 để làm sáng tỏ vấn đề và đập tan những cạm bẫy tuyên truyền, rỉ tai, xuyên tạc”. Nếu độc giả có dịp đọc bài ‘Những xuyên tạc chung quanh việc giao hoàn cơ sở Họ Đạo’ CN 54, bài ‘Ngày huy hoàng của Dân Tộc Việt’ và bài ‘Mâu thuẫn và xuyên tạc’ trong CN số 57 thì sẽ thấy rằng chẳng những Cha Dương đã không nên hãnh diện về hai thông cáo đó mà thật ra phải hổ thẹn vì sự mâu thuẫn, xuyên tạc và nông cạn trong thông cáo đó mà những bài kể trên đã vạch ra.

Cha Dương nói là giáo dân tranh đấu “rỉ tai, xuyên tạc”. Tôi muốn hỏi Cha Dương: Giáo dân tranh đấu rỉ tai, xuyên tạc cái gì? Mọi lời nói, mọi việc làm của giáo dân đều  phơi bày rõ rệt trên giây trắng mực đen trong tờ Chính Nghĩa, từ bài bình luận đến tờ thông cáo. Họ nêu đích danh, đích việc của cá nhân mà họ phê bình. Nếu cần, họ cho in hẳn tài liệu trên báo như trường hợp án lệnh của Toà về việc chuộc lại Trung Tâm mà Cha Sullivan và Cha Dương đã xuyên tạc (CN số 54).

Cha Dương càng ngày càng đi sâu vào con đường sai lầm. Cha liều lĩnh tố cáo ngay cả các bạn Linh Mục Việt Nam. Cha viết: “Một số Linh Mục thiếu hiểu biết, hoặc vì quyền lợi riêng, đã bị những người cầm đầu lợi dụng danh nghĩa làm bung xung lường gạt những người ngây thơ. Thật ra những Linh Mục này, vì mặc cảm tội lỗi hoặc vì sợ hãi, không bao giờ dám công khai bênh vực đường lối tranh đấu bạo động, mà chỉ lén lút làm những hành vi vụng trộm qua mặt Bề Trên”. Một lần nữa Cha Dương đã làm gương xấu cho giáo dân vì Cha đã tỏ ra bất kính đối với các Linh Mục VN. Cha đã gọi những Linh Mục này là “lén lút, có  mặc cảm tội lỗi”. Tôi xin trình bày với Cha Dương những trường hợp sau đây và xin Cha trả lời.

Cha Nguyễn Quang Hiền đã công khai viết thư cho Cha Dương. Hành động này đâu có chi lén lút? Thư Cha Hiền đã đăng trong Chính Nghĩa số 31 (bộ cũ). Lời lẽ trong thư của Cha Hiền rất thành thực, xây dựng đầy tình anh em Linh Mục và rất kính trọng đối với Cha Dương. Nhưng Cha Dương đã làm ngơ những lời tha thiết của Cha Hiền!

Nhiều lần các Cha VN từ xa đến San Jose, lấy tình anh em Linh Mục muốn gặp Cha Dương để thảo luận với Cha điều hơn lẽ thiệt. Các Linh Mục này đâu có lén lút. Nhưng Cha cứ một mực lẩn tránh các Ngài. Chẳng những thế, người của Cha Dương còn viết bài mạt sát các Ngài một cách vô lễ, vì đề nghị của các Ngài không làm vừa lòng Cha Dương và phe nhóm của Cha. Ta thử đọc những hàng chữ sau đây trong Tín Hữu số 25 trang 11, ngày 23-7-1987: “Ngày hôm nay, khi nghe có “voi” xuất hiện tại San Jose, có những khách ở viễn phương (dĩ nhiên là thầy bói) hối hả chạy lại. Các anh rờ phải cái gì chẳng hiểu bèn làm ầm lên rằng: Con voi giống như hai quả Football vậy thôi, giản dị mà!”. Thật là tục tĩu. Người của Cha Dương dám hỗn xược với các Linh Mục VN như thế đó!

Cha Tân, Tổng Tuyên Uý Cộng Đồng, làm lễ công khai ở Trung Tâm được công bố rõ ràng ngày giờ trong thông cáo ‘Sinh hoạt cộng đồng’ trong báo CN. Tuần Phục Sinh được tổ chức trọng thể có thông cáo về các ngày, giờ, các việc phụng vụ cả tuần trong báo CN. Thế mà Cha Dương dám nói là các Linh Mục này lén lút, vụng trộm à? Có ai tin được không?

Cha Dương còn nói là các Linh Mục này có “mặc cảm tội lỗi”. Trời ơi! Cha Dương dám tố cáo các Linh Mục có mặc cảm tội lỗi! Lương tri của Cha Dương đâu rồi? Lòng trí thánh thiện của một Linh Mục ở Cha Dương đâu rồi? Là Linh Mục, vị linh hướng của giáo dân, cho dù ngay với giáo dân Ngài cũng không nên dùng cách ăn nói này, huống chi là với hàng Linh Mục. Tư cách của Cha Dương như vậy thì làm sao giáo dân kính trọng Ngài được.
 Tôi đã nói chuyện với nhiều Cha Việt Nam từ khi xảy ra biến cố tôn giáo San Jose. Chúng tôi nói về nhiều chuyện, nhưng tuyệt nhiên không một Cha nào nói ra lời gì bất kính đối với Cha Dương. Các Ngài chỉ lắc đầu tỏ vẻ không hiểu được tại sao lại có tình trạng kỳ cục này. Càng nói với các Ngài tôi càng khâm phục tư cach và lòng hy sinh chịu đựng của các Ngài. Tôi thầm ao ước Cha dương có được tư cách của các Linh Mục này.

Từ khi có cuộc biến động, chúng ta thấy Cha Trác, Cha Hà, Cha Thiệp có lên tiếng vài lần chống lại giáo dân tranh đấu. Giáo dân đã trả lời lại các Ngài. Nhưng tuyệt nhiên không có một Cha nào, kể cả Cha Trác, Cha Hà, Cha Thiệp lên tiếng bênh vực Cha Dương. Tại sao Cha Dương không nhận thấy điều này. Tại sao Cha Dương không suy gẫm về sự kiện này để rút ra những bài học quý giá rồi rút lui để gỡ bí cho ĐGM, nhường chỗ cho Cha khác có khả năng và được giáo dân kính mến, ủng hộ để đem lại lợi ích cho Giáo Hội, cho giáo dân và cho chính Cha?

Trong mục ‘Niềm tin Với Quê Hương’ ngày 4-9-88 Cha Dương viết: “Trong Hội Thánh, không bao giờ có tuyên truyền rỉ tai để nuôi căm thù, đố kỵ và tranh đấu, nhưng luôn luôn ôn hoà, nhường nhịn, tìm hiểu, đối thoại, chia sẻ và vâng theo lề luật của Chúa và Giáo Hội”. Những lời Cha Dương viết trên đây rất đẹp đẽ. Nhưng ta thấy là Cha và phe nhóm của Cha toàn làm ngược lại. Xin Cha Dương đọc lại những số Đức Tin và Tín Hữu thì Cha thấy là căm thù tràn ngập trong đó, chế diễu một cách độc ác cả những em bé tật nguyền, bịa đặt đầy rẫy. Đâu là ôn hoà? Đâu là nhường nhịn?

Tôi được nghe kể lại rằng dịp Cha Tịnh được Toà Án gọi về San Jose từ Tây Đức để ra toà làm nhân chứng cho vụ xử chủ quyền Trung Tâm, Cha đã bị người của Cha Dương chửi rủa thậm tệ ở cuối nhà thờ Saint Victor, San Jose. Họ tố Cha Tịnh là “tên đội nón cối”. Họ gọi Cha Tịnh là “nó”, là “thằng đó”, là “tên đó”. Khi bị chửi rủa, Cha Tịnh vẫn một mực khiêm nhường đứng yên để cho họ chửi thì họ lại xỉ vả là : “chửi vào mặt nó như vậy mà nó cứ trơ trơ cái mặt ra”. Bị chửi xong, Cha Tịnh vào xe thì họ tiến lại gần xe, giơ nắm tay lên và hô: “Đả đảo Nguyễn Văn Tịnh”. Người khác hùa theo thét lên: “Đả đảo!” như kiểu cộng sản tố khổ. Cha Dương muốn kiểm chứng thì cứ hỏi giáo dân, ai cũng biết. Nếu Cha còn hoài nghi thì tôi sẽ nói thêm chi tiết nữa cho Cha biết. Cha Dương có thấy phe nhóm của Cha “nuôi căm thù” không? Đáng lẽ tôi không nên kể lại chuyện bỉ ổi này vì biết là Cha Tịnh đã bị oan ức, đau khổ nhiều rồi. Nhưng khi thấy nhóm Cha Dương viết lách, ăn nói trơ trẽn và hành động ngang ngược thì bất đắc dĩ phải nói ra để mọi người thấy bộ mặt đạo đức giả hình của phe nhóm Cha Dương.

 Cha Dương còn nói là trong Hội Thánh luôn luôn “tìm hiểu, đối thoại”. Lời lẽ của Cha đẹp đẽ và quý giá biết bao! Nhưng khổ một điều là khi các Linh Mục Việt Nam và giáo dân tranh đấu muôn đối thoại với Cha thì Cha chỉ tìm cách lẩn tránh. Như vậy làm sao đối thoại được. Tôi không hiểu khi viết những chữ đó Cha Dương có thấy mình giả dối không? Nói một đàng làm một nẻo có đáng tin không? Đáng khen hay đáng chê? Tôi xin nhắc lại lời yêu cầu là Cha Dương và phe nhóm của Cha hãy ra gặp giáo dân để “đối thoại” như Cha đã tuyên bố rằng đó là cách làm việc của Hội Thánh. Nếu Cha không ra đối thoại thì ai cũng thấy là Cha sợ sệt, sai quấy, và vì vậy Cha chỉ biết nói mà không dám làm.

Càng ngày ta càng thấy rõ những khuyết điểm nghiêm trọng của Cha Dương. Tôi phải kết luận là những điều giảng dạy của Cha Dương trên đây đã được giáo dân tranh đấu áp dụng, còn Cha và phe nhóm của Cha thì làm ngược lại những lời giảng dạy của chính Cha. Như vậy, làm sao có thể tin những lời nói của Cha Dương được?

Monterey, ngày 16-9-1088

Trở về  MỤC LỤC   *   Phần 8