QUYỂN THỨ BA
NHỮNG HÀNH VI THƯƠNG MẠI
CHƯƠNG THỨ NHỨT
CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều thứ 340 – Hành vi thương mại là những hành vi chế tạo, lưu chuyển, trung gian có mục đích kiếm lời trực tiếp hay gián tiếp, trừ những ngoại lệ do Bộ luật này hoặc các luật lệ đặc biệt quy định.
Điều thứ 341 – Các hành vi pháp lý có tính cách thương mại hoặc vì bản chất hoặc vì hình thức hay vì phụ thuộc vào thương nghiệp.
Điều thứ 342 - Được xem như hành vi thương mại với tính cách chỉ dẫn:
- sự khai thác hầm mỏ và nguyên liệu,
- sự chế tạo và biến chế mọi sản phẩm kỹ nghệ,
- sự mua để bán lại và cho thuê các tài vật và hàng hoá bất cứ loại gì,
- các nghiệp vụ ký kho và tồn trữ hàng hoá,
- mọi việc chuyên chở hành khách, tài vật và hàng hoá,
- các nghiệp vụ bảo hiểm dưới mọi hình thức,
- các nghiệp vụ hối đoái, ngân hàng, giao dịch chứng khoán,
- các nghiệp vụ trung gian, trọng mãi, đại diện, đại lý thương mại,
- các doanh nghiệp cung cấp vật liệu, dịch vụ xây cất, giải trí công cộng, xuất bản, truyền tin, truyền hình.
Điều thứ 343 – Cũng được xem như hành vi thương mại:
- việc đóng thuyền tầu và phi cơ,
- sự chuyên chở hàng hải và hàng không,
- mua bán hay thuê mướn thuyền tầu, phi cơ để dùng trong sự giao thông quốc nội hay quốc ngoại,
- mọi khế ước thủy vận và không vận.
Điều thứ 344 - Sự phát hành hối phiếu bất kể trong trường hợp nào đều là một hành vi thương mại.
Điều thứ 345 – Có tính cách thương mại, mọi hoạt động và hành vi pháp lý phụ thuộc vào thương nghiệp.
Được coi như có tính cách thương mại phụ thuộc vào thương nghiệp, trừ bằng chứng tương phản, mọi hành vi pháp lý của thương gia.
Điều thứ 346 – Không có tính cách thương mại, các hành vi pháp lý:
- thuộc những nghề tự do, trừ phi đương sự khai thác một cơ sở với mục đích doanh lợi.
- thuộc tiểu công nghệ, trừ phi có luật lệ đặc biệt định khác.
- thuộc nông nghiệp, trong trường hợp đương sự chỉ chế biến và bán các sản phẩm của mình.
Điều thứ 347 - Trừ phi luật định khác, những khế ước thương mại có thể được dẫn chứng bằng mọi phương cách.
Điều thứ 348 – Các nghĩa vụ phát sinh do các hành vi thương mại bị thời tiêu sau 10 năm. Giữa một thương gia và một người dân sự, thời tiêu trên chỉ áp dụng cho tố quyền của thương gia.
CHƯƠNG THỨ II
VỀ GIAO KÈO MUA VÀ BÁN
Điều thứ 349 – Mua với dụng ý bán lại để kiếm lời, là việc mua bán có tính cách thương mại.
Điều thứ 350 - Người bán có thể đề cung bằng mọi phương pháp như quảng cáo, trưng bày v.v…và đề cung nầy bó buộc thương gia khi hàng hoá còn trong tay.
Điều thứ 351 - Người mua có thể minh thị nhận mua và nếu nhận bằng thư tín thì hợp đồng được kể như thành lập tại nơi và lúc thơ nhận mua được gởi đi, căn cứ vào con dấu nhà bưu điện hoặc bằng chứng nào khác.
Nếu người được hưởng sự đề cung im lặng thì không phải là thuận nhận, nhưng đã nhận điều khoản chính mà im lặng về các điều khoản phụ, tức là nhận các điều khoản nầy.
Điều thứ 352 - Sự mua bán được chứng nhận bằng:
- công chứng thư,
- tư chứng thư,
- biên lục của các trọng mãi được các đương sự ký nhận,
- hóa đơn được chấp nhận,
- thư tín,
- sổ sách thương mại của các đương sự,
- nhân chứng trong trường hợp được toà chấp nhận.
Điều thứ 353 - Nếu đã có giao ước mà người bán không giao hàng thì người mua, sau khi đốc thúc vô hiệu bằng văn thư ngoại tư pháp, có thể mua một số hàng cùng loại để thay thế, và xin toà buộc người bán phải chịu phí tổn cùng giá sai biệt.
Điều thứ 354 - Nếu người mua hàng không trả tiền, người bán có quyền lưu trì hàng, và nếu đã giao hàng cho người mua thì người bán có ưu quyền trên món hàng này.
Điều thứ 355 - Nếu người mua không chịu hay không thể lấy hàng đi thì, sau khi đốc thúc vô hiệu bằng văn thư ngoại tư pháp, người bán có thể đem hàng ký thác tại một thương khố, mọi phí tổn do người mua phải chịu. Sau đó, người bán cũng phải bằng văn thư ngoại tư pháp, cho người mua biết.
Nếu hàng hoá thuộc loại dễ hư hao thì người bán có quyền xin chánh án Toà Sơ thẩm ra án lệnh cho phép phát mại, tiền bán trừ phí tổn phải được nạp tại quỹ cung thác và trữ kim.
Điều thứ 356 – Khi nhận hàng, người mua phải xem có đúng phẩm, đúng lượng không để kịp thời phản kháng.
Trong trường hợp có hà tì ẩn nặc, người mua phải phản kháng trong thờI hạn 3 tháng kể từ ngày hay biết. Tuy nhiên, người mua không có quyền xin tiêu hủy khế ước, mà chỉ có thể xin giảm giá hoặc xin hoàn lại một phần số tiền đã trả.
CHƯƠNG THỨ III
VỀ KHẾ ƯỚC TRỌNG MÃI
Điều thứ 357 - Khế ước trọng mãi là một khế ước theo đó người trọng mãi cam kết tìm một người để liên lạc với một người khác hầu đi đến chỗ ký kết một khế ước giữa hai người này.
Điều thứ 358 – Thù lao đã thỏa hiệp người trọng mãi được thủ đắc ngay khi khế ước do y làm trung gian được ký kết.
Nếu đã định trước rằng phí tổn của người trọng mãi sẽ được hoàn lại, thì người trọng mãi có quyền đòi, mặc dầu khế ước không thành tựu.
CHƯƠNG THỨ IV
VỀ KHẾ ƯỚC NHA BẢO
Điều thứ 359 - Khế ước nha bảo là một khế ước do đó người gọi là nha viên nhận đứng tên mình làm một hành vi cho người khác gọi là nha ủy.
Điều thứ 360 - Để bảo đảm mọi số tiền đã cho vay, hay ứng trước hay đã trả, dù là trước khi nhận được hàng hay là trong khi hàng ở trong tay mình, nha viên đứng tên mua hay đứng tên bán, đều có ưu quyền trên giá trị các hàng hoá đang được gởi cho mình hay đã do mình chấp giữ rồi.
Trái quyền đặc ưu của nha viên gồm cả vốn, lời, hoa hồng và phí tổn.
Nếu bán và giao hàng hoá thay cho nha ủy thì nha viên có quuyền lấy lại giá ngạch trái quyền của y trên số tiền bán trước các trái chủ của nha uỷ.
Điều thứ 361 – Ưu quyền này chỉ tồn tại khi mà các hàng hoá còn ở trong tay nha viên hay một người khác giữ hộ.
Được coi như ở trong tay nha viên :
1) hàng hoá thuộc quyền sử dụng của nha viên tại quan thuế, tại kho hàng công cộng hay kho của nha viên, hoặc khi được nha viên chuyên chở bằng phương tiện riêng.
2) hàng hoá tuy chưa tới tay nhưng nha viên đã nhận được tải hoá đơn hay chứng thư vận tải.
3) khi nha viên đã gởi hàng đi nhưng chưa tới tay người nhận mà vẫn còn giữ tải hoá đơn hoặc chứng thư vận tải.
Điều thứ 362 – Khi nha viên nhờ một nha viên khác thay thế, người này chỉ được ưu quyền nói ở điều 360 và 361 về những số tiền mà người nha ủy có thể còn thiếu lại.
Điều thứ 363 - Trừ phi được minh thị cho phép, nha viên không được là đối ước của nha ủy trong hợp đồng phải thực hiện.
Điều thứ 364 – Nha viên phải cho nha ủy biết tên người thứ ủy của nha viên.
Nha ủy có tố quyền trực tiếp đối với những người nầy về những thiệt hại gây ra do sự không thi hành, hoặc thi hành khiếm khuyết hay trễ nải hợp đồng nha viên phải được gọi dự sự.
Điều thứ 365 - Nếu khế ước nha bảo có điều khoản bảo lãnh thì nha viên phải liên đới với đệ tam nhân để bảo đảm đối với nha ủy về việc thi hành khế ước ký kết giữa nha ủy và đệ tam nhân.
Hiệu lực của sự bảo lãnh có thể được hạn chế trong khế ước.
CHƯƠNG THỨ V
VỀ KHẾ ƯỚC CHUYÊN CHỞ
VÀ KHẾ ƯỚC NHA BẢO CHUYÊN CHỞ
Điều thứ 366 – Khế ước chuyên chở là một giao ước hữu thường, theo đó một người cam kết chuyển vận người hay vật đến một nơi chỉ định.
Điều thứ 367 - Khế ước nha bảo chuyên chở là một giao ước hữu thường, theo đó, nhân danh chính mình hoặc nhân danh nha ủy hay đệ tam nhân, một người cam kết đứng mướn chuyển vận người hay vật, và làm luôn các tác vụ liên quan đến sự chuyên chở nầy.
Điều thứ 368 - Khế ước chuyên chở và khế ước nha bảo chuyên chở chỉ được thành tựu do sự ưng thuận của các đương sự.
TIẾT I
VỀ SỰ CHUYÊN CHỞ ĐỒ VẬT
Điều thứ 369 - Người nhận hàng có minh thị hay mặc nhiên ưng thuận khế ước chuyên chở thì mới phải thi hành các trách vụ phát sinh do khế ước.
Điều thứ 370 - Chứng thư chuyên chở có thể được phát chiếu lệnh, nếu người gởi và người nhận hàng đều thỏa thuận.
Điều thứ 371 - Người gởi hàng phải trả cước phí về vật được chuyên chở.
Trong trường hợp hàng gởi theo thể thức cước phí trả sau, thì người gởi hàng vẫn phải chịu trách nhiệm nếu người nhận hàng không trả.
Điều thứ 372 - Người gởi phải ghi tên họ và địa chỉ người nhận, nơi giao hàng, số lượng đồ vật được chuyên chở. Người gởi phải chịu trách nhiệm đối với người chuyên chở và người nhận về các thiệt hại xảy ra do sự thiếu sót các điểm ghi trên.
Điều thứ 373 - Nếu hàng còn trong tay người chuyên chở thì người gởi có quyền đổi tên người nhận, hoặc lấy hàng lại, nhưng phải hoàn lại các số tiền người chuyên chở đã ứng ra, và bồi thường các sự thiệt hại gây ra do việc lấy hàng lại.
Tuy nhiên, người gởi không còn quyền nói trên :
1) nếu người nhận hàng đã nhận được chứng thư chuyên chở.
2) khi hàng đã được chở đến nơi chỉ định và người nhận hàng đã yêu cầu được giao.
Điều thứ 374 - Nếu hàng chuyên chở cần được bao gói thì người gởi phải bao gói cách nào để khỏi mất mát, hư hỏng và làm thiệt hại lây đến người, vật dụng và hàng hoá khác cùng được chuyên chở chung.
Người gởi chịu trách nhiệm về các sự thiệt hại do sự bao gói không cẩn thận gây nên.
Tuy nhiên, nếu người chuyên chở biết rằng các hàng hoá không được bao gói hay không được bao gói kỹ càng mà vẫn nhận, thì người chuyên chở phải chịu trách nhiệm.
Các khuyết điểm về sự bao gói hàng chuyên chở không bao giờ miễn cho người chuyên chở các trách vụ phát sinh do các hợp đồng chuyên chở khác.
Điều thứ 375 - Nếu hàng được chuyên chở không buộc giao tận nhà, thì người chuyên chở phải báo ngay cho người nhận biết lúc nào người nầy có thể nhận hàng.
Điều thứ 376 – Trong trường hợp chứng thư chuyên chở chiếu lệnh có chỉ định một đệ tam nhân để nhận báo thị hàng đã tới, thì người chuyên chở phải báo thị cho người này dù hàng có buộc giao tận nhà hay không.
Điều thứ 377 - Trừ những trường hợp ghi ở điều 384, nếu hàng không giao được thì người chuyên chở phải báo cho người gởi biết, và chờ chỉ thị của người này. Tuy nhiên, người chuyên chở có thể đem hàng ký kho, và nếu hàng có thể bị hư hỏng trước khi có chỉ thị, thì có thể xin phát mại.
Điều thứ 378 - Người chuyên chở có thể được miễn trách toàn phần hay một phần về sự không thi hành hoặc thi hành sai lầm, khiếm khuyết hay chậm trễ trách vụ của mình, nếu chứng minh được trường hợp bất khả kháng, hà tì bản chất của hàng chuyên chở, hoặc lỗi của người gởi hay người nhận.
Điều thứ 379 - Kể từ lúc nhận hàng, người chuyên chở phải chịu trách nhiệm nếu hàng bị mất tất cả, hoặc một phần, hoặc bị hư hỏng.
Điều thứ 380 - Nếu có nhiều người chuyên chở liên tiếp dự vào việc thi hành một khế ước chuyên chở:
1) người chuyên chở thứ nhất và người cuối cùng phải liên đới chịu trách nhiệm đối với người gởi và người nhận hàng về toàn thể sự chuyên chở, coi như mỗi người đã thi hành toàn bộ sự chuyên chở.
2) mỗi người chuyên chở trung gian phải chịu trách nhiệm về sự tổn hại xảy ra, trong đoạn đường chuyên chở của mình, đối với người gởi và người nhận hàng, cũng như đối với người chuyên chở thứ nhất và cuối cùng.
Nếu không thể ấn định được sự tổn hại xảy ra trong đoạn đường nào, thì người chuyên chở nào đã bồi thường thiệt hại có thể đòi các người kia phải trả theo tỷ lệ đoạn đường của họ; phần của những người vô tự lực cũng do những kia gánh chịu theo tỷ lệ trên.
Điều thứ 381 - Đối với những hàng do bản chất thường hao ngót vì chuyên chở, người chuyên chở chỉ chịu trách nhiệm về phần hao ngót quá mức thường được tục lệ chấp nhận.
Khi hàng chuyên chở do một chứng thư duy nhất nhưng được chia thành nhiều lô hay kiện, sự hao ngót phải tính cho từng lô hay từng kiện, nếu trọng lượng của từng lô, từng kiện đã được ghi trên chứng thư chuyên chở, hoặc có thể xác định bằng cách nào khác.
Điều thứ 382 - Trừ phi chính mình hay người thụ ủy phạm lỗi dụng ý hay phạm lỗi nặng, người chuyên chở có thể, bằng một điều khoản viết, cho người gởi biết:
1) giới hạn trách nhiệm của mình khi hàng bị mất hay bị hư hại, với điều kiện là bồi khoản dự liệu không kém xa giá trị thật của hàng bị tiêu thất đến nổi bồi khoản hoá hư hỏng.
2) được miễn trách toàn phần hoặc một phần vì lý do giao hàng trễ.
Điều thứ 383 - Sẽ coi như vô hiệu mọi điều khoản do đó người chuyên chở tự miễn hoàn toàn trách nhiệm cho mình khi hàng hoá bị mất tất cả hay một phần, hoặc khi hàng bị hư hại.
Điều thứ 384 – Khi có tranh chấp về sự thành lập hay thi hành khế ước chuyên chở, hoặc có rắc rối xảy ra trong hay nhân khi chuyên chở, thì tình trạng cửa hàng được chuyên chở hayđược giao để chuyên chở, sẽ do một hay nhiều giám định viên nhận xét; giám định viên có thể được chỉ định bằng án lệnh của chánh án; khi thi hành giám định, mọi đương sự liên hệ phải được thông báo để tham dự.
Toà có thể truyền cung thác số hàng và cho đem ký gởi vào tổng hoá khố. Toà cũng có thể cho đem bán một phần hàng đủ để trả các chi phí chuyên chở và chi phí khác cho đương sự nào đã xuất ra.
Điều thứ 385 – Trong trường hợp hàng bị hư hại hay mất một phần, người nhận phải phản kháng với người chuyên chở bằng văn thư ngoại tư pháp hoặc thư bảo đảm có nêu lý do, trong thời hạn 8 ngày tròn, không kể ngày lễ, kể từ khi nhận hàng; quá thời hạn trên, mọi tố quyền chống người chuyên chở sẽ bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, sự phản kháng dẫu dưới hình thức khác, cũng có giá trị nếu chứng minh được rằng người chuyên chở đã có nhận được sự phản kháng trong thời hạn nói trên.
Nếu trước khi nhận hàng hoặc trong hạn tám ngày kể từ khi nhận hàng, một đương sự xin giám định như dự liệu ở điều 384 thì đơn xin giám định có giá trị như sự phản kháng mà không phải tuân theo các thể thức nói ở đoạn 1.
Thời hạn để sử hành mỗi tố quyền phản hoàn là ba tháng và khởi lưu kể từ ngày người được bảo đảm nhận được trát đòi ra toà.
TIẾT II
VỀ SỰ CHUYÊN CHỞ HÀNH KHÁCH
Điều thứ 386 - Người lãnh chuyên chở cam kết đưa hành khách an toàn đến nơi đã định, theo những điều kiện dự liệu trong hợp đồng.
Điều thứ 387 - Người chuyên chở được miễn tất cả hay một phần trách nhiệm về sự không thi hành, thi hành sai lầm, khiếm khuyết hay chậm trễ trách vụ của mình, nếu chứng minh được trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi của người hành khách.
Điều thứ 388 - Người chuyên chở, kể từ lúc người hành khách lên xe, tàu, phải chịu trách nhiệm về những tổn hại thân thể xảy ra cho người nầy.
Điều thứ 389 - Mọi điều khoản miễn trách toàn phần hay một phần cho người chuyên chở về sự thiệt hại cho thân thể của người hành khách, đều vô hiệu.
Điều thứ 390 – Do một điều khoản viết, người chuyên chở có thể được miễn một phần hay tất cả trách nhiệm về sự chậm trễ trong việc chuyên chở, hay về sự thiệt hại không thuộc về thân thể, gây ra cho hành khách, trừ phi người chuyên chở hoặc thừa sai phạm lỗi dụng ý hay phạm lỗi nặng.
Điều thứ 391 - Người chuyên chở không phải trông coi các hành lý xách tay của hành khách.
Điều thứ 392 - Sự chuyên chở các hành lý ký gởi cho người chuyên chở được quy định bởi các điều 377, 378, 379 và 391 nói trên.
TIẾT III
VỀ KHẾ ƯỚC NHA BẢO CHUYÊN CHỞ
Điều thứ 393 – Nha viên chuyên chở có ưu quyền ấn định ở điều 360 và 361 ngay cả khi y không hành động nhân danh mình.
Điều thứ 394 – Nha viên có thể được miễn trách toàn phần hay một phần về sự không thi hành hay thi hành sai lầm, khiếm khuyết hoặc chậm trễ trách vụ của mình, nếu chứng minh được rằng có trường hợp bất khả kháng, có hà tì về bản chất của vật chuyên chở, hoặc lỗi của người nha ủy hay người nhận hàng.
Điều thứ 395 - Kể từ lúc nhận hàng để chuyên chở, nha viên phải chịu trách nhiệm nếu hàng bị mất tất cả hay một phần, bị hư hại hay bị giao chậm trễ.
Điều thứ 396 - Trừ phi chính mình hay thừa sai, hoặc người chuyên chở hay thừa sai của người nầy phạm tội dụng ý hay phạm lỗi nặng, nha viên có thể được miễn tất cả hay một phần trách nhiệm bằng một điều khoản minh thị.
Điều thứ 397 - Người gởi hàng hay hành khách có thể khởi tố trực tiếp người chuyên chở đòi bồi thường sự thiệt hại do việc không thi hành, thi hành sai lầm, khiếm khuyết hay chậm trễ khế ước chuyên chở gây ra, nha viên phải được đòi dự sự.
Người chuyên chở có thể khởi tố trực tiếp nha ủy để đòi bồi thường về mọi sự thiệt hại do việc thi hành khế ước chuyên chở gây ra.
TIẾT IV
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều thứ 398 - Được coi như điều khoản miễn trách theo sự dự liệu bởi điều 382, 390, 396, điều khoản trực tiếp hay gián tiếp để người gởi, người nhận , hành khách, hay nha ủy đảm nhiệm việc bảo hiểm tất cả hay một phần trách nhiệm của người chuyên chở hay nha viên.
Điều thứ 399 – Trong trường hợp tiêu quyền quy định bởi các điều 385, 401 và 402 trái chủ không còn đòi được quyền của mình, dù bằng cách hành sử tố quyền, hay thỉnh cầu phản tố, hay bằng cách nêu khước biện.
Điều thứ 400 – Coi như vô hiệu mọi ước koản với mục đích tránh sự áp dụng :
1) Các điều 372, 374 § 3, 380 § 1, 381, 383, 385, 389, 401, 402.
2) Các điều 379, 386, 388, 395, ngoại trừ trong giới hạn được các điều 382, 390, 396 cho phép.
Toà án có thể tuyên phán những sự vô hiệu khác nếu có vi phạm những điều khoản căn bản.
Điều thứ 401 - Tất cả các tố quyền phát sinh do khế ước chuyên chở hàng hoá và khế ước nha bảo chuyên chở hàng hoá, đếu được thời tiêu sau một năm.
Thời hạn nầy được kể, trong trường hợp hàng bị mất toàn thể, từ ngày mà hàng đáng lẽ được giao, và trong tất cả các trường hợp khác, từ ngày mà hàng được giao hoặc đề cung giao cho người nhận.
Điều thứ 402 – Các tố quyền phát sinh do khế ước chuyên chở người và khế ước nha bảo chuyên chở người bị thời tiêu theo thường luật.
CHƯƠNG THỨ VI
VỀ KHẾ ƯỚC THẾ CHẤP THƯƠNG MẠI
Điều thứ 403 - Khế ước thế chấp thương mại là một khế ước do một người thương gia hay không , lập ra để bảo đảm cho một hành vi thương mại.
Điều thứ 404 - Khế ước thế chấp thương mại được chứng minh đối với đệ tam nhân cũng như đối với đương sự kết ước, theo điều 352 của bộ luật nầy.
Đối với các giá khoán có thể được nhượng dịch, sự thế chấp được thiết lập:
- Về các chứng khoán vô danh , bằng cách chuyển giao sự chấp hữu cho trái chủ thế chấp, cũng như đối với các động sản hữu hình.
- Về các chứng khoán ký danh bằng cách ghi sự thế chấp vào sổ sách của công ty hay cơ quan liên hệ, các chứng khoán cũng phải được giao cho trái chủ thế chấp.
- Về các văn tự nợ thường, sự thế chấp phải được cáo tri cho người ký nợ.
Nếu là thế chấp thương phiếu, trái chủ thế chấp được lãnh tiền khi đáo hạn.
Điều thứ 405 – Ưu quyền của trái chủ thế chấp trên vật thế chấp chỉ tồn tại khi đồ vật này đã được giao và còn trong tay trái chủ thế chấp, hoặc còn trong tay một đệ tam nhân đã được các đương sự thoả thuận giao giữ.
Trái chủ được coi như chấp hữu hàng hoá khi hàng nầy thuộc quyền sử dụng của trái chủ, tại nha quan thuế hay trong một kho công cộng, hay tại kho tàu của trái chủ hoặc nếu hàng chưa tới tay, trái chủ đã nhận được tải hoá đơn.
Điều thứ 406 – Khi trái khoản đáo hạn mà không được trả thì trái chủ thế chấp có thể đem phát mãi vật thế chấp 8 ngày tròn sau khi đã cáo tri bằng văn thư ngoại tư pháp cho con nợ, và người đệ tam cho mượn vật thế chấp, nếu có.
Sự phát mại nầy phải theo thể thức phát mại công khai do một công lại được chánh án chỉ định.
Trái chủ thế chấp có ưu quyền trên số tiền bán.
Điều thứ 407 - Mọi điều khoản cho phép trái chủ thế chấp trở thành sở hữu chủ vật thế chấp mà không tuân theo thể thức nói trên, đều vô hiệu.
CHƯƠNG THỨ VII
NHỮNG THƯƠNG PHIẾU
TIẾT I
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều thứ 408 – Thương phiếu là một thứ phiếu có thể chuyển dịch được, dùng để xác nhận cho người cầm phiếu một trái quyền ngắn hạn.
Điều thứ 409 - Hối phiếu, lệnh phiếu và chi phiếu đều là thương phiếu.
Hối phiếu bao giờ cũng có tính cách thương mại.
Lệnh phiếu và chi phiếu chỉ có tính cách thương mại, nếu do một thương gia làm ra vì nhu cầu thương mại, ngoài ra đều có tính cách dân sự.
TIẾT II
HỐI PHIẾU
Điều thứ 410 - Hối phiếu là một tấm phiếu do người phát lệnh đưa cho người thụ hưởng để người này “hay người khác theo lệnh của người thụ hưởng” được quyền đòi người thụ lệnh phải trả một khoản tiền vào một ngày nhất định.
PHỤ TIẾT I
ĐIỀU KIỆN VỀ HÌNH THỨC
Điều thứ 411 - Hối phiếu phải ghi rõ:
1) Danh từ “hối phiếu” trên văn thư; làm hối phiếu theo ngôn ngữ nào thì danh từ “hối phiếu” cũng theo ngôn ngữ ấy;
2) Lệnh buộc vô điều kiện trả một khoản tiền nhất định;
3) Tên họ người thụ lệnh tức là người phải trả tiền;
4) Kỳ hạn trả tiền;
5) Nơi trả tiền;
6) Tên họ người nhận tiền hay cho phép người khác nhận tiền;
7) Nơi và ngày tháng làm ra hối phiếu;
8) Phải có chữ ký tay của người phát lệnh.
Điều thứ 412 - Nếu ghi thiếu một trong những khoản nói trên, tờ phiếu làm ra không có giá trị một hối phiếu, trừ các trường hợp kể sau:
Nếu phiếu không ghi kỳ hạn trả tiền thì sẽ coi như một hối phiếu tức phó, nghĩa là người thụ hưởng trình ra thì người thụ lệnh phải trả tiền ngay.
Nếu không ghi rõ nơi trả tiền thì địa điểm ghi bên cạnh tên người thụ lệnh sẽ là nơi trả tiền, và cũng là nơi cư sở của người thụ lệnh.
Nếu không ghi rõ nơi làm ra hối phiếu thì coi như đã làm ở địa điểm ghi bên cạnh tên người phát lệnh.
Điều thứ 413 - Hối phiếu có thể do người phát lệnh làm ra cho chính mình thụ hưởng.
Hối phiếu cũng có thể do người phát lệnh làm ra để chính mình trả.
Hối phiếu cũng có thể do một người làm nhân danh người đệ tam.
Điều thứ 414 - Hối phiếu có thể chỉ định cư sở của một người đệ tam để trả tiền, người này có thể cùng ở một nơi với người thụ lệnh hay ở một nơi khác.
Điều thứ 415 – Trong một hối phiếu tức phó hoặc một hối phiếu được trả tiền sau một thời hạn đưa trình, người phát lệnh có thể ghi điều khoản sinh lời. Trong các loại hối phiếu khác, nếu có ghi điều khoản sinh lời sẽ kể như không có.
Phải ghi rõ phân suất tiền lời, nếu thiếu sẽ kể như không có.
Tiền lời được tính kể từ ngày làm hối phiếu, nếu không ghi rõ ngày nào khác.
Điều thứ 416 - Nếu trong hối phiếu sồ tiền biên bằng số và số tiền biên bằng chữ hoàn toàn sai biệt nhau thì phải căn cứ vào số biên bằng toàn chữ.
Nếu số tiền được viết nhiều lần bằng số hay bằng toàn chữ mà sai biệt nhau thì phải căn cứ vào số nhỏ nhất.
Điều thứ 417 - Hối phiếu do vị thành niên chưa được phép làm thương mại hoặc do người bị cấm quyền làm ra sẽ vô hiệu đối với họ, trừ trường hợp có bằng cớ rằng họ đã đắc lợi thì phải bồi hoàn.
Trong một hối phiếu, chỉ bị coi là vô hiệu chữ ký của những người vô năng lực để ký hối phiếu, chữ ký giả mạo, chữ ký của những người tưởng tượng hoặc chữ ký bất cứ vì nguyên nhân nào không có hiệu lực ràng buộc người ký, hoặc do người khác đứng tên ký thay; còn các chữ ký khác hợp lệ vẫn có gía trị.
Người nào ký thay cho người khác mà xét ra không có tư cách thụ ủy hay vượt quá quyền hạn sự ủy thác thì chỉ riêng người ấy phải chịu những trách nhiệm về hối phiếu, và nếu đã trả tiền thì sẽ có những quyền lợi của mình mà mình đã tự ý thay mặt.
Điều thứ 418 - Người phát lệnh có nhiệm vụ bảo đảm sự chuẩn nhận và việc trả tiền hối phiếu. Có thể sự miễn bảo đảm việc chuẩn nhận nhưng điều khoản tự miễn bảo đảm trả tiền sẽ coi như không có.
PHỤ TIẾT II
TIỀN DỰ KIM
Điều thứ 419 - Người phát lệnh hay người nào ra lệnh cho người khác làm hối phiếu thay cho mình phải có tiền dự kim trong tay người thụ lệnh.
Tuy làm hối phiếu nhân danh người khác người làm phiếu vẫn phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những người bối thự và đối với người cầm phiếu.
Có tiền dự kim là khi nào vào ngày đáo hạn hối phiếu, người thụ lệnh phải trả cho người phát lệnh hay người ra lệnh phát phiếu, một khoản tiền ít nhất bằng số tiền ghi trong hối phiếu.
Quyền hưởng dự kim đương nhiên lưu chuyển qua tay những người liên tiếp cầm hối phiếu.
Khi người thụ lệnh chuẩn nhận hối phiếu tức là đã có tiền dự kim.
Đối với những người bối thự sự chuẩn nhận là bằng chứng có tiền dự kim.
Dầu cho người thụ lệnh có chuẩn nhận hay không, người phát lệnh phải chứng minh, trong trường hợp bị phủ nhận, rằng người thụ lệnh có tiền dự kim vào ngày đáo hạn hối phiếu; nếu không, người phát lệnh phải chịu trách nhiệm dẫu chứng thư cự tuyệt có làm sau thời hạn ấn định tại điều 451.
PHỤ TIẾT III
SỰ BỐI THỰ HỐI PHIẾU
Điều thứ 420 - Dẫu không ghi điều khoản chiếu lệnh, hối phiếu vẫn có thể lưu hành bằng cách bối thự.
Nếu trong hối phiếu có ghi rằng chỉ được trả cho người thụ hưởng, thì phiếu sẽ không bối thự được, mà chỉ có thể đem đi nhượng theo thể thức và với các hậu quả định bởi dân luật hối phiếu có thể bối thự cho cả người thụ lệnh, dẫu có chuẩn nhận hay không, cho người phát lệnh hay cho bất cứ người nào khác có trách vụ về hối phiếu đó.
Sự bối thự phải vô điều kiện, nếu có ghi điều kiện thì khoản này kể như không có.
Đã bối thự thì phải chuyển thụ toàn thể hối phiếu, không được chuyển thụ một phần , nếu không , sự bối thự sẽ vô hiệu.
Sự bối thự phải ghi rõ vào hối phiếu,hoặc vào mảnh giấy tiếp liền với hối phiếu (tiếp phiếu), và phải có chữ ký của người bối thự.
Người thự có thể không chỉ định tên người thụ hưởng hay chỉ ký tên mình mà thôi. Trong trường hợp sau này, phải ký vào mặt sau hối phiếu hay trên tờ tiếp phiếu.
Sự bối thự vô ký danh có giá trị như bối thự trống, còn gọi là bối thự không bạch.
Điều thứ 421 – Sự bối thự có hậu quả di chuyển quyền lợi cho tờ hối phiếu phát sinh.
Nếu là bối thự trống, người cầm hối phiếu có thể:
1) Ghi tên mình hay tên người khác vào chỗ trống;
2) Bối thự trống lại cho người khác;
3) Giao hối phiếu cho người đệ tam, không ghi thêm gì khác và cũng không bối thự.
Điều thứ 422 – Trừ trường hợp có ước khoản trái lại, người bối thự có trách nhiệm bảo đảm sự chuẩn nhận và việc trả tiền hối phiếu.
Người bối thự có thể cấm người bối hưởng đem bối thự lại cho người khác; trong trường hợp này, người ấy không có trách nhiệm bảo đảm đối với những người được bối hưởng về sau.
Điều thứ 423 – Người giữ hối phiếu được coi như có quyền lợi chân chánh khi nào chứng minh có những sự bối thự liên tiếp, không bị gián đoạn, dầu cho sự bối thự sau cùng là bối thự trống.
Nếu sự bối thự bị gạch bỏ kể như không có.
Khi có sự bối thự kế tiếp một bối thự trống, người ký bối thự sau kể như đã thủ đắc hối phiếu do sự bối thự trống.
Trong trường hợp hối phiếu bị truất đoạt bất cứ vì lý do gì, người cầm phiếu chứng minh được sự thủ đắc như trên không phải trả lại hối phiếu, trừ phi thủ đắc gian tình hay phạm lỗi nặng.
Điều thứ 424 – Những người bị kiện về hối phiếu không có quyền đem đối kháng với người thụ hưởng cầm phiếu cuối cùng những kháng biện mà họ chỉ có thể đem đối kháng riêng với người phát lệnh hay những người thụ hưởng trước trừ trường hợp người cầm phiếu khi thủ đắc hối phiếu này đã tri tình hành động thiệt hại cho người phải trả tiền.
Điều thứ 425 – Trong trường hợp sự bối thự hối phiếu chỉ có tính cách ủy quyền, người được bối thự có thể sử hành tất cả quyền lợi của hối phiếu; nhưng nếu bối thự lại cho người khác, thì sự bối thự chỉ có thể có tính cách ủy quyền.
Trong trường hợp này, những người can trách về hối phiếu chỉ có thể viện dẫn chống lại người cầm phiếu những kháng biện mà có thể đem đối kháng với người bối thự.
Sự ủy quyền trong việc bối thự ủy quyền không bị chấm dứt bởi sự mệnh một hay sự vô năng hậu lai của người ủy quyền.
Trong trường hợp bối thự để thế chấp, người được bối thự có thể sử hành mọi quyền lợi do tờ hối phiếu, nhưng nếu bối thự lại thì sự bối thự chỉ coi như là bối thự ủy quyền.
Những người can trách về hối phiếu không thể viện dẫn chống lại người cầm phiếu những kháng biện mà họ chỉ có thể đối kháng riêng với người bối thự, trừ phi người cầm phiếu, khi nhận phiếu đã tri tình hành động thiệt hại cho người phải trả tiền.
Điều thứ 426 – Sau khi kỳ hạn trả tiền đã qua, người cầm phiếu vẫn có thể đem bối thự; sự bối thự này cũng có hiệu lực như bối thự trước kỳ hạn. Tuy nhiên, nếu sự bối thự thực hiện sau khi đã đòi tiền không được và đã lập chứng thư cự tuyệt, hay bối thự sau khi mãn hạn luật định để lập chứng thư cự tuyệt, thì việc bối thự chỉ có tính cách một việc di nhượng trái quyền theo dân luật.
Trừ trường hợp có bằng cớ trái lại, sự bối thự không ghi ngày tháng được kể như làm trước khi mãn hạn ấn định để lập chứng thư cự tuyệt.
Cấm ghi lùi về ngày trước ngày tháng bối thự, nếu vi phạm sẽ bị tội giả mạo.
PHỤ TIẾT IV
SỰ CHUẨN NHẬN HỐI PHIẾU
Điều thứ 427 - Cho đến ngày đáo hạn, hối phiếu có thể do người thụ hưởng hay người cầm phiếu đem trình cho người thụ lệnh chuẩn nhận tại nơi cư sở của người này.
Khi làm phiếu, người phát lệnh có thể định rằng hối phiếu phải đem trình cho người thụ lệnh để chuẩn nhận, trong một thời hạn nào đó, hoặc không định thời gian.
Người phát lệnh cũng có thể cấm trình phiếu cho người thụ lệnh để chuẩn nhận, trừ trường hợp hối phiếu được trả tiền nơi trú quán một người đệ tam hay được trả nơi nào khác hơn nơi trú quán người thụ lệnh và trường hợp hối phiếu có định một kỳ hạn để trả tiền sau khi đưa trình.
Người phát lệnh cũng có thể định rằng không thể trình hối phiếu để chuẩn nhận trước một thời hạn nào đó.
Mọi người bối thự đều có thể định rằng hối phiếu sẽ phải đem trình để chuẩn nhận trong một thời hạn nào đó hoặc không định thời hạn, trừ trường hợp người phát lệnh đã cấm chuẩn nhận.
Nếu là hối phiếu có định kỳ hạn trả tiền sau khi đưa trình, thì phải đưa trình để chuẩn nhận trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành.
Người phát lệnh có thể định một thời hạn ngắn hơn hay dài hơn. Người bối thự có thể rút ngắn các thời hạn trên.
Điều thứ 428 – Trong trường hợp hối phiếu được tạo ra để thi hành giao ước liên quan đến việc cung cấp hàng hóa giữa thương gia với nhau, và người phát lệnh đã thực thi nghĩa vụ theo giao ước, người thụ lệnh không thể khước từ chuẩn nhận hối phiếu khi hết thời hạn theo các tập quán thương mại để kiểm nhận hàng hóa, nếu không chịu chuẩn nhận sẽ đương nhiên mất quyền hưởng kỳ hạn trả nợ và phải chịu mọi sở phí.
Điều thứ 429 – Khi được xuất trình hối phiếu để chuẩn nhận, người thụ lệnh có thể yêu cầu người cầm phiếu đến tái trình vào ngày hôm sau. Sự từ khước thỉnh cầu nầy chỉ có thể nại dẫn về sau nếu có ghi vào chứng thư cự tuyệt. Người cầm hối phiếu không bắt buộc phải trao tờ phiếu cho người thụ lệnh giữ.
Điều thứ 430 – Sự chuẩn nhận phải được ghi ngay trên hối phiếu và do người thụ lệnh ký, dưới danh từ “chuẩn nhận“ hay một văn từ tương đương.
Nếu người thụ lệnh chỉ ký vào mặt trước tờ hối phiếu thì cũng kể như là đã chuẩn nhận.
Trong trường hợp hối phiếu có thể được lãnh tiền sau một kỳ hạn kể từ ngày đưa trình, hoặc là hối phiếu phải đưa trình để chuẩn nhận trong một thời hạn ước định trước thì chuẩn nhận ngày nào phải ghi đúng ngày đó, trừ phi người cầm phiếu bắt buộc phải lấy ngày trình phiếu làm ngày chuẩn.
Nếu không ghi ngày tháng chuẩn nhận, người cầm hối phiếu muốn bảo vệ quyền lợi của mình đối với người phát lệnh và các người bối thự, sẽ làm một chứng thư cự tuyệt trong thời hạn thích nghi để chứng nhận sự thiếu sót ấy.
Sự chuẩn nhận phải vô điều kiện, nhưng có thể chỉ hạn định vào một phần số tiền thôi.
Mọi sự thay đổi khác về nội dung hối phiếu khi chuẩn nhận được kể như khước từ chuẩn nhận. Tuy nhiên, người chuẩn nhận vẫn bị ràng buộc bởi lời lẽ chuẩn nhận của mình.
Điều thứ 431 – Trong trường hợp người phát lệnh chỉ định trong hối phiếu một nơi trả tiền khác hơn là trú quán người thụ lệnh mà không ghi rõ tên và địa chỉ người đệ tam để trả tiền tại nơi đó thì người thụ lệnh có thể chỉ định người đệ tam này khi chuẩn nhận hối phiếu. Nếu không chỉ định thì người chuẩn nhận coi như chính mình chịu trả tiền tại nơi chỉ định bởi người phát lệnh.
Nếu hối phiếu được trả tiền nơi trú quán người thụ lệnh thì khi chuẩn nhận, người này có thể chỉ định một địa chỉ tại cùng nơi để trả tiền.
Điều thứ 432 – Nếu đã chuẩn nhận, người thụ lệnh phải trả tiền khi hối phiếu đáo hạn.
Trong trường hợp không được trả, người cầm phiếu, dù là người phát lệnh, các tố quyền trực tiếp đối với người thụ lệnh đã chuẩn nhận, để đòi tất cả các khoản có thể đòi được, chiếu các điều 456 và 457 dưới đây.
Điều thứ 433 – Người thụ lệnh đã chuẩn nhận rồi lại bỏ trước khi giao hoàn hối phiếu, thì sự chuẩn nhận kể như bị từ khước. Sự gạch bỏ kể như làm trước khi hoàn cho người cầm phiếu, trừ bằng chứng trái lại.
Tuy nhiên, nếu đã cáo tri bằng văn thư cho người cầm phiếu hay bất cứ một người nào đã ký tên trên phiếu rằng mình đã chuẩn nhận, thì người thụ lệnh bị kết buộc đối với những người này, theo lời lẽ chuẩn nhận của mình.
PHỤ TIẾT V
SỰ BẢO LÃNH HỐI PHIẾU
Điều thứ 434 – Hối phiếu có thể do một người đệ tam hay người ký hối phiếu bảo lãnh một phần hay toàn phần.
Sự bảo lãnh được ghi ngay trong hối phiếu hay tờ tiếp phiếu, hoặc do chứng thư riêng ghi rỏ nơi thực hiện.
Người bảo lãnh phải ghi trên hối phiếu mấy chữ “ nhận bảo lãnh “ hay văn thức tương đương, và ký tên.
Tuy nhiên, chữ ký ở mặt trước hối phiếu của một người không phải là phát lệnh hay thụ lệnh đủ có nghĩa là người ấy nhận bảo lãnh.
Khi bảo lãnh phải ghi rỏ bảo lãnh cho người nào, nếu không ghi thì coi như bảo lãnh cho người phát lệnh.
Người phát lệnh có trách vụ như người mà mình bảo lãnh.
Sự cam kết của người bảo lãnh vẫn có giá trị, dầu cho trái vụ được bảo lãnh có vô hiệu, trừ trường hợp vô hiệu về hình thức.
Sau khi trả tiền, người bảo lãnh hối phiếu được hưởng các quyền lợi do hối phiếu phát sinh đối với người mà mình bảo lãnh và tất cả những người nào có trách vụ về hối phiếu đối với người này.
PHỤ TIẾT VI
KỲ HẠN HỐI PHIẾU
Điều thứ 435 – Khi làm hối phiếu có thể định rằng hối phiếu sẽ được trả tiền:
Ngay khi đưa trình (hối phiếu tức phó);
Hoặc trong một thời hạn nào đó sau khi trình;
Hoặc trong một thời hạn nào đó kể từ ngày phát hành;
Hoặc một ngày nhất định.
Nếu ghi những kỳ hạn nào khác với những kỳ hạn trên, hay ghi nhiều kỳ hạn liên tiếp, hối phiếu sẽ vô hiệu.
Điều thứ 436 – Hối phiếu tức phó phải được trả tiền ngay sau khi đưa trình. Phải đưa trình trong hạn một năm kể từ ngày phát hành. Người phát lệnh có thể định thời hạn ngắn hơn hoặc dài hơn; người bối thự có thể rút ngắn các thời hạn trên.
Người phát lệnh có thể định rằng hối phiếu tức phó không thể đưa trình trước một ngày nào đó và trong trường hợp này thời hạn đưa trình bắt đầu kể từ ngày ấy.
Điều thứ 437 – Nếu là hối phiếu được trả tiền sau một thời hạn nào đó sau khi đưa trình, nhật kỳ chuẩn nhận, hay nhật kỳ của chứng thư cự tuyệt sẽ là khởi điểm để xác định ngày trả tiền.
Trong trường hợp không có lập chứng thư cự tuyệt, sự chuẩn nhận không đề ngày tháng được coi như đã thực hiện đối với người chuẩn nhận, vào ngày cuối cùng của thời hạn dự liệu để đưa trình chuẩn nhận.
Nếu hối phiếu ghi được trả sau một hay nhiều tháng kể từ ngày trình phiếu hay ngày phát hành, thì ngày đáo hạn cũng là ngày ấy của tháng phải trả tiền; nếu không có ngày tương đương thì ngày đáo hạn là ngày cuối cùng trong tháng.
Nếu kỳ hạn có nửa tháng lẻ thì tính các tháng chẳn trước.
Nếu ngày trả tiền được ghi là đầu tháng, giữa tháng hay cuối tháng thì phải được coi là ngày 1, ngày 15 hay ngày cuối cùng của tháng ấy.
Kỳ hạn 8 ngày hay 15 ngày phải kể đủ số ngày, chứ không được tính là một tuần lễ hay hai tuần lễ.
Kỳ hạn nửa tháng phải kể 15 ngày.
Điều thứ 438 – Nếu hối phiếu được trả tiền vào một ngày nhất định tại một nơi dùng thứ lịch khác lịch nơi phát hành hối phiếu, ngày đáo hạn coi như được ấn định theo nơi lịch nơi trả tiền. Trong trường hợp hối phiếu được trả tiền sau một thời hạn kể từ ngày phát hành, tại một nơi dùng lịch khác lịch nơi phát hành hối phiếu, thì ngày phát hành sẽ là ngày tương đương theo lịch nơi trả tiền và kỳ hạn cũng sẽ theo đó mà ấn định.
Thời hạn đưa trình hối phiếu cũng tính theo qui tắc ấn định ở khoản trên.
Khi làm hối phiếu có thể ấn định rõ cách tính thời hạn khác với qui tắc này.
PHỤ TIẾT VII
VIỆC TRẢ TIỀN HỐI PHIẾU
Điều thứ 439 - Nếu hối phiếu phải được trả tiền vào một ngày nhất định hay sau một thời hạn kể từ ngày trình phiếu hay kể từ ngày phát hành thì người cầm phiếu phải xuất trình phiếu để đòi tiền vào ngày đáo hạn hay sau đó trong hai ngày có làm việc.
Sự đưa trình hối phiếu cho một phòng bù trừ coi như đưa trình để được trả tiền.
Điều thứ 440 – Người thụ lệnh khi trả tiền có thể buộc người cầm phiếu giao hối phiếu có chữ ký nhận lãnh tiền.
Dù chỉ được trả một phần tiền người cầm phiếu cũng phải nhận.
Trong trường hợp chỉ trả một phần tiền, người thụ lệnh có thể buộc người thụ hưởng ghi rỏ việc trả này vào hối phiếu và ký nhận.
Trả được phần tiền nào thì các người phát lệnh và bối thự giảm được trách nhiệm đi phần ấy.
Đối với phần còn lại, người cầm phiếu phải lập chứng thư cự tuyệt.
Điều thứ 441 – Người cầm phiếu không thể bị bắt buộc phải nhận tiền trước ngày đáo hạn.
Nếu người thụ lệnh trả tiền trước kỳ hạn thì phải chịu lấy mọi hậu quả, nếu có.
Người nào đã trả tiền phiếu vào ngày đáo hạn thì được giải trách hợp lệ, trừ trường hợp có sự gian trá hay có lỗi nặng.
Người trả tiền phải kiểm soát sự hợp lệ của các việc bối thự liên tiếp, nhưng không buộc phải kiểm soát chữ ký của các người bối thự.
Điều thứ 442 – Nếu hối phiếu ghi trả bằng ngoại tệ không lưu dụng tại nơi trả thì có thể tính ra nội tệ mà trả, theo thời giá vào ngày đã được chỉ định, nếu không chỉ định thời giá ngày nào thì tính theo thời giá vào ngày đáo hạn hối phiếu.
Nếu trả trễ kỳ hạn, người cầm phiếu có thể đòi trả theo thời giá vào ngày đáo hạn hoặc ngày trả tiền.
Tùy theo luật lệ nơi trả tiền mà định thời giá ngoại tệ.
Trong trường hợp hối phiếu được trả bằng một tiền tệ đồng danh song giá trị khác nhau tại nơi phát hành và nơi trả tiền, thì hối phiếu được coi như phải trả bằng tiền tệ nơi trả.
Điều thứ 443 – Nếu người cầm phiếu không xuất trình hối phiếu để được trả tiền vào ngày đáo hạn hay một trong hai ngày có làm việc kế tiếp, bất cứ người nào phải trả tiền hối phiếu cũng có quyền ký thác số tiền vào quỹ cung thác, mọi tổn phí và hậu quả người cầm hối phiếu phải chịu.
Điều thứ 444 – Chỉ trong trường hợp hối phiếu bị thất lạc hay người cầm hối phiếu bị khánh tận, mới có thể ngăn chặn sự trả tiền.
Điều thứ 445 – Nếu hối phiếu bị mất là một bản không được chuẩn nhận, người chủ hối phiếu có thể xuất trình một bản khác để đòi tiền.
Nếu hối phiếu bị mất là bản đã được người thụ lệnh chuẩn nhận thì muốn đòi tiền bằng cách xuất trình một bản khác phải có án lệnh của chánh án và phải có bảo lãnh.
Điều thứ 446 – Người nào làm mất hối phiếu, được chuẩn nhận hay không , mà không xuất trình được bản nào khác, thì chỉ được trả tiền nếu chứng minh được quyền sở hữu bằng giấy tờ, sổ sách và được án lệnh của chánh án cho phép và có bảo lãnh.
Điều thứ 447 – Trong trường hợp đã có đòi như nói ở hai điều trên mà không được trả tiền, người sở hữu chủ hối phiếu bị mất vẫn được giữ nguyên tất cả các quyền lợi của mình nếu có lập chứng thư phản kháng. Chứng thư này phải làm ngay hôm sau ngày đáo hạn hối phiếu bị mất và phải cáo tri cho người phát lệnh và các người bối thự theo thể thức và trong thời hạn ấn định tại điều 453.
Điều thứ 448 – Người chủ hối phiếu bị thất lạc có quyền buộc người bối thự cho mình làm một bản khác và người này sẽ đòi được người bối thự trước bối thự lại, và cứ như thế đi ngược lên cho đến người phát lệnh.
Người làm thất lạc hối phiếu phải chịu sở phí.
Điều thứ 449 – Sự cam kết của người bảo đảm dự liệu ở điều 445 và điều 446 sẽ tiêu diệt sau ba năm nếu trong thời hạn đó không có thưa kiện.
PHỤ TIẾT VIII
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TỐ CẦU
TỐ CẦU VÌ KHÔNG ĐƯỢC TRẢ TIỀN
Điều thứ 450 – Vào ngày đáo hạn, nếu không được trả tiền, người cầm hối phiếu có quyền sử hành những phương pháp tố cầu đối với người phát lệnh, các người bối thự và các người hữu trách khác.
Trước ngày đáo hạn, người cầm phiếu cũng có quyền ấy trong các trường hợp sau đây :
1) Người thụ lệnh từ chối không chịu chuẩn nhận một phần hay toàn thể tấm hối phiếu;
2) Người thụ lệnh dù có chuẩn nhận hay không , bị khánh tận tuy chưa có án văn tuyên nhận.
3) Người phát lệnh bị khánh tận, mà hối phiếu lại không được phép xuất trình cho người thụ lệnh để chuẩn nhận.
Tuy nhiên, các người bảo đảm bị tố cầu trong hai trường hợp 2 và 3 nói trên có thể đệ đơn trong thời ba ngày kể từ ngày bị tố cầu đến chánh án nơi trú quán để xin ân hạn. Nếu xét đơn chánh đáng, chánh án sẽ ra án lịnh ấn định ngày người bảo đảm phải trả, nhưng không được quá hạn kỳ hối phiếu. Án lịnh không thể bị kháng tố hay kháng cáo.
Điều thứ 451 – Nếu người thụ lệnh không chuẩn nhận hối phiếu hay không chịu trả tiền thì người thụ hưởng phải phản kháng bằng chứng thư cự tuyệt vì không chuẩn nhận hay chứng thư cự tuyệt vì không trả tiền.
Chứng thư cự tuyệt vì không chuẩn nhận phải làm trong thời hạn đã định để xuất trình hối phiếu để chuẩn nhận. Nếu ngày trình phiếu lần đầu chiếu điều 429 khoản 1 là ngày cuối cùng của thời hạn, chứng thư cự tuyệt còn có thể lập vào ngày hôm sau.
Đối với hối phiếu được trả tiền vào một ngày nhất định hay trong một thời hạn nào đó kể từ ngày phát hành hay kể từ ngày trình phiếu, chứng thư cự tuyệt phải lập nội hai ngày có làm việc sau ngày phải trả. Nếu là hối phiếu tức phó, chứng thư cự tuyệt phải làm theo điều kiện ấn định ở đoạn trên cho chứng thư cự tuyệt vì không chuẩn nhận.
Nếu đã lập chứng thư cự tuyệt vì không chuẩn nhận rồi thì không cần trình hối phiếu để đòi tiền, và không cần lập chứng thư cự tuyệt vì không trả tiền.
Trong trường hợp người thụ lệnh dù có chuẩn nhận hối phiếu hay không mà ngưng trả nợ hay bị sai áp vô hiệu quả, người cầm hối phiếu chỉ có thể sử hành phương pháp tố cầu sau khi đã xuất trình hối phiếu cho người thụ lệnh để đòi tiền và sau khi đã lập chứng thư cự tuyệt.
Trong trường hợp người thụ lệnh dù có chuẩn nhận hối phiếu hay không, bị tuyên án khánh tận cũng như trong trường hợp người phát lệnh bị tuyên án khánh tận, mà hối phiếu lại không được phép xuất trình cho người thụ lệnh để chuẩn nhận, người cầm phiếu chỉ cần xuất trình án văn tuyên bố khánh tận là có thể sử hành phương pháp tố cầu.
Điều thứ 452 – Người cầm phiếu có thể chấp nhận sự trả tiền bằng chi phiếu thường hay bưu chi phiếu.
Nếu thanh toán bằng chi phiếu thường mà chi phiếu không được trả tiền thì phải tống đạt tờ chứng thư cự tuyệt vì không trả tiền chi phiếu đến trú quán nơi trả tiền hối phiếu trong thời hạn ấn định tại điều 524 nói về chi phiếu. Tờ chứng thư cự tuyệt và tờ tống đạt làm chung bằng một truyền phiếu, trừ trường hợp vì thẩm quyền quản hạt phải cần có hai nhiệm lại.
Nếu thanh toán bằng bưu chi phiếu mà bị trung khu bưu phiếu khước từ thì phải tống đạt sự khước từ đến trú quán người phát hành bưu chi phiếu ấy trong hạn tám ngày kể từ ngày phát hành bằng văn thư do thừa phát lại lập.
Nếu ngày cuối cùng của thồi hạn tống đạt nhằm ngày lễ pháp định thì lui lại đến ngày có làm việc tiếp sau. Những ngày lễ ở khoảng giữa phải được tính vào thời hạn. Cũng kể như ngày lễ pháp định những ngày mà theo luật hiện hành không thể đòi tiền và không thể lập chứng thư cự tuyệt.
Người thụ lệnh hối phiếu khi nhận được tống đạt, nếu không chịu trả tiền hối phiếu và sở phí tống đạt cùng sở phí về chứng thư cự tuyệt chi phiếu nếu có, phải hoàn trả hối phiếu cho nhiệm lại hành sự; người này tức thời lập chứng thư cự tuyệt vì không trả tiền.
Nếu người thụ lệnh không chịu hoàn trả hối phiếu, thì sẽ lập chứng thư phản kháng và trong trường hợp ấy, người cầm hối phiếu khỏi phải theo các điều kiện ấn định tại điều 445 và điều 446 nói về hối phiếu bị thất lạc.
Người thụ lệnh không hoàn trả hối phiếu có thể bị trừng phạt về tội bội tín.
Điều thứ 453 – Người cầm hối phiếu bị từ chối chuẩn nhận hay từ chối trả tiền phải cáo tri cho người bối thự cho mình trong thời hạn bốn ngày có làm việc sau ngày lập chứng thư cự tuyệt, hay sau ngày trình phiếu nêu trong hối phiếu có ghi khoản miễn lập chứng thư cự tuyệt.
Trong trường hợp hối phiếu có ghi tên và địa chỉ người phát lệnh, thừa phát lại trong hạn 48 giờ sau khi trước bạ tờ chứng thư cự tuyệt phải thông báo bằng thơ bảo đảm cho người phát lệnh biết lý do sự từ chối trả tiền, nếu không, có thể bị xử bồi thường thiệt hại.
Mỗi người bối thự lại phải cáo tri cho người bối thự trước trong hạn hai ngày có làm việc kể từ ngày nhận được cáo tri, phải ghi rõ tên và địa chỉ những người đã cáo tri trước đó và cứ như thế cho đến khi người tạo phiếu được cáo tri sự cự tuyệt.
Nếu một người ký hối phiếu có người bảo lãnh thì người này cũng phải được cáo tri trong thời hạn nói ở đoạn trên.
Nếu một người bối thự nào không ghi hoặc ghi không rõ địa chỉ thì chỉ cần cáo tri cho người bối thự trước đó.
Sự cáo tri có thể làm bất cứ dưới hình thức nào, cũng có thể chỉ cần gởi trả lại hối phiếu.
Người có trách vụ cáo tri phải chứng minh rằng đã làm trong hạn luật định.
Thời hạn coi như được tôn trọng nếu thơ cáo tri được gởi bảo đảm trong thời hạn.
Người nào không cáo tri trong hạn định như trên sẽ không bị thất quyền, nhưng có thể bị trách nhiệm bồi thường nếu vì sự cẩu thả của mình mà gây thiệt hại cho người khác, tuy nhiên, bồi khoản không được quá ngạch số hối phiếu.
Điều thứ 454 – Người phát lệnh, người bối thự hay người bảo lãnh có thể ghi vào hối phiếu khoản “ miễn lập chứng thư cự tuyệt “, “trả lại miễn phí “ hay một khoản tương đương có ký tên và như vậy, người cầm hối phiếu có thể sử hành phương pháp tố cầu mà khỏi cần lập chứng thư cự tuyệt vi không chuẩn nhận hay không trả tiền.
Mặc dầu có điều khoản miễn lập chứng thư cự tuyệt người cầm phiếu vẫn phải xuất trình hối phiếu trong hạn định và phải cáo tri trong trường hợp cần thiết.
Người nào nại sự bất tôn trọng thời hạn đối với người cầm hối phiếu thì phải dẫn chứng.
Nếu điều khoản miễn lập chứng thư cự tuyệt do người phát lệnh ghi thì điều khoản này có hiệu lực đối với tất cả những người đã ký tên vào hối phiếu. Nếu điều khoản miễn trừ do một người bối thự hay người bảo lãnh ghi chú thì chỉ có hiệu lực đối với họ mà thôi. Nếu đã có khoản miễn trừ do người phát lệnh ghi mà người cầm phiếu vẫn lập chứng thư cự tuyệt thì phải chịu sở phí. Nếu do người bối thự hay người bảo lãnh ghi thì sở phí chứng thư cự tuyệt có thể đòi tất cả các người ký hối phiếu phải chịu.
Điều thứ 455 – Tất cả các người phát lệnh chuẩn nhận,bối thự, bảo lãnh, đều phải liên đới chịu trách nhiệm đối với người cầm phiếu.
Người cầm hối phiếu có thể kiện chung tất cả những người này hoặc chỉ chọn một trong những người ấy mà kiện, không cần phân biệt thứ tự.
Người nào đã trả tiền hối phiếu rồi cũng có quyền kiện như trên.
Sau khi kiện một người rồi, nếu chưa được hoàn trái vẫn có quyền kiện một người khác, dù người này có cam kết sau người bị kiện trước.
Điều thứ 456 – Người cầm hối phiếu được quyền đòi người bị tố cầu:
1) Số tiền ghi trong hối phiếu, với tiền lời nếu có định trước;
2) Tiền lời pháp định kể từ ngày hối phiếu đáo hạn;
3) Tiền phí tổn chứng thư cự tuyệt, cáo tri và các sở phí khác.
Nếu trước ngày hối phiếu đáo hạn thì phải khấu trừ số tiền lời tương đương theo phân suất chiết khấu chánh thức của ngân hàng quốc gia áp dụng vào ngày khởi tố tại nơi trú quán người cầm phiếu.
Điều thứ 457 – Người nào đã trả tiền hối phiếu có quyền đòi các người có trách vụ về hối phiếu:
1) toàn thể số tiền đã trả;
2) tiền lời pháp định kể từ ngày trả;
3) sở phí đã ứng ra.
Điều thứ 458 – Người có trách vụ trả tiền hối phiếu nếu đã bị kiện hay có thể bị kiện, có quyền khi trả tiền, đòi giao hoàn hối phiếu cùng tờ chứng thư cự tuyệt với thanh khoản.
Người bối thự đã trả tiền có thể gạch bỏ sự bối thự của mình và các khoản bối thự về sau.
Điều thứ 459 – Trong trường hợp có tố cầu được sử hành vì hối phiếu chỉ được chuẩn nhận một phần, người nào đã trả số tiền có quyền xin ghi nhận sự trả tiền này trên hối phiếu và cấp biên lai. Người cầm phiếu phải giao cho người đã trả tiền một bản sao có thị thực của tấm phiếu và tờ chứng thư cự tuyệt, để người này có thể sử hành những phương pháp tố cầu về sau.
Điều thứ 460 – Sau khi đã mãn các thời hạn đã định để:
- xuất trình hối phiếu tức phó hay hối phiếu có thời hạn trình phiếu.
- lập chứng thư cự tuyệt vì không chuẩn nhận hoặc vì không trả tiền.
- xuất trình hối phiếu để đòi tiền nếu có điều khoản miễn lập chứng thư cự tuyệt.
Người cầm hối phiếu sẽ bị thất quyền đối với các người bối thự, người phát lệnh và các người khác có trách vụ trả tiền về hối phiếu, ngoại trừ đối với người thụ lệnh đã chuẩn nhận.
Tuy nhiên, chỉ thất quyền đối với người phát lệnh khi người này chứng minh được rằng đã có tiền dự kim vào ngày hối phiếu đáo hạn. Trong trường hợp này, người cầm phiếu chỉ có còn có tố quyền đối với người thụ lệnh.
Nếu không xuất trình hối phiếu để chuẩn nhận trong thời hạn do người phát lệnh đã định, người cầm phiếu sẽ thất quyền khiếu nại về việc không được trả tiền và về việc không được chuẩn nhận, trừ trường hợp người phát lệnh chỉ tự miễn cho mình sự bảo đảm chuẩn nhận mà thôi.
Nếu ước khoản về thời hạn trình phiếu được định khi bối thự thì chỉ có người bối thự được quyền viện dẫn.
Điều thứ 461 – Nếu vì trường hợp bất khả kháng mà không xuất trình hối phiếu hay lập chứng thư cự tuyệt được trong thời hạn bắt buộc, thì thời hạn được gia tăng.
Người cầm phiếu phải cáo tri ngay cho người đã bối thự cho mình biết trường hợp bất khả kháng và phải ghi việc cáo tri có đề ngày tháng và ký tên vào hối phiếu hay tờ tiếp phiếu.
Các điều khoản của điều 453 được áp dụng cho sự cáo tri này.
Sau khi trường hợp bất khả kháng chấm dứt, người cầm phiếu phải xuất trình ngay hối phiếu để chuẩn nhận hay để đòi tiền và lâm thời, lập chứng thư cự tuyệt.
Nếu trường hợp bất khả kháng kéo dài quá 30 ngày sau ngày đáo hạn thì có thể sử dụng những phương pháp tố cầu mà không cần phải trình phiếu và lập chứng thư cự tuyệt nữa.
Đối với hối phiếu tức phó hay hối phiếu được trả tiền sau một thời hạn trình phiếu, thời hạn 30 ngày nói trên được kể từ ngày người cầm phiếu cáo tri cho người bối thự biết trường hợp bất khả kháng, dù cho cáo tri trước ngày mãn hạn trình phiếu cũng vậy, đối với hối phiếu có thời hạn trình phiếu, thời hạn này được tính thêm vào thời hạn 30 ngày.
Không được kể như trường hợp bất khả kháng những hành động cá nhân của người cầm phiếu hay của người được cầm phiếu giao phó cho việc trình phiếu hay lập chứng thư cự tuyệt.
Điều thứ 462 – Người cầm một hối phiếu đã bị cự tuyệt vì không trả tiền có thể xin án lệnh sai áp bảo lưu tài vật của các người phát lệnh, chuẩn nhận, hay bối thự.
CHỨNG THƯ CỰ TUYỆT
Điều thứ 463 – Chứng thư cự tuyệt vì không chuẩn nhận hay không trả tiền sẽ do thừa phát lại làm tại nơi trú quán người thụ lệnh hay trú quán cuối cùng được biết của người này, trú quán của các người được chỉ định trong phiếu để trả tiền, trú quán người đệ tam đã can thiệp để chuẩn nhận hối phiếu; tất cả bằng một chứng thư duy nhất. Trong trường phiếu ghi một trú quán hư ngụy, trước khi lập chứng thư cự tuyệt phải làm biên bản truy tầm địa chỉ đích xác.
Điều thứ 464 – Chứng thư cự tuyệt phải chép nguyên văn tờ hối phiếu, cùng các khoản về sự chuẩn nhận, bối thự, bảo lãnh, chỉ định người trả tiền và ghi sự đốc thúc trả tiền, sự hiện diện hay khiếm diện của người phải trả, lý do từ chối trả tiền, lý do đương sự không thể hay không chịu ký tên.
Điều thứ 465 – Không thể thay thế chứng thư cự tuyệt bằng bất cứ chứng thư nào của người cầm phiếu, trừ trường hợp quy định nơi điều 445 và kế tiếp và điều 452.
Điều thứ 466 – “Thừa phát lại phải giao bản sao chứng thư cự tuyệt cho các đương sự và chép lại chứng thư vào một quyển sổ có đánh số trang, được chánh án duyệt ký, nếu bất tuân sẽ phải chịu phí tổn và bồi thường thiệt hại, ngoài ra còn có thể bị trừng phạt về kỷ luật”.
PHÚC HỐI PHIẾU
Điều thứ 467 – Trừ trường hợp có ước khoản trái lại, người có quyền sử hành các phương pháp tố cầu có thể làm một hối phiếu khác gọi là phúc hối phiếu để đòi một trong những người đã bảo đảm cho mình phải trả tiền ngay khi trình phiếu tại nơi trú quán của người này.
Phúc hối phiếu gồm, ngoài các số tiền ấn định tại điều 456 và điều 457, các lệ phí khác và phí niêm.
Nếu phúc hối phiếu do người cầm phiếu phát hành, ngạch số được ấn định theo thời giá một hối phiếu tức phó phát hành tại nơi trả tiền của phiếu nguyên thủy để được trả tiền nơi trú quán của người bảo đảm.
Nếu phúc hối phiếu do người bối thự phát hành, ngạch số được ấn định theo thời giá một hối phiếu tức phó phát hành tại nơi trú quán mà người phát lệnh phúc hối phiếu để được trả tiền nơi trú quán của người bảo đảm.
Điều thứ 468 – Phúc hối phiếu bất khả kiêm thâu. Mỗi người bối thự, cũng như người phát lệnh chỉ có thể phải chịu một lần phúc hối phiếu.
PHỤ TIẾT IX
SỰ CAN THIỆP
Điều thứ 469 – Người phát lệnh, bối thự hay bảo lãnh có thể chỉ định một người để chuẩn nhận hay trả tiền hối phiếu.
Có thể tự ý can thiệp để chuẩn nhận hay trả tiền hối phiếu thay thế bất cứ một người thiếu nợ nào có thể bị kiện.
Người can thiệp có thể là một người đệ tam, người thụ lệnh hay người hữu trách nào khác về hối phiếu, trừ người đã chuẩn nhận.
Người can thiệp phải cáo tri cho người mà mình can thiệp giúp biết hành động của mình trong thời hạn hai ngày có làm việc; nếu bất tuân thời hạn này, sẽ phải chịu trách nhiệm về sự thiệt hại, xảy ra nếu có, nhưng số bồi tổn không được quá ngạch số hối phiếu.
Điều thứ 470 – Sự can thiệp để chuẩn nhận có thể thực hiện trong tất cả các trường hợp hối phiếu là một phiếu phải xin chuẩn nhận mà người cầm phiếu có quyền sử hành tố cầu trước khi hối phiếu đáo hạn.
Nếu hối phiếu có chỉ định một người để chuẩn nhận hay trả tiền, người cầm hối phiếu không được sử hành tố cầu trước khi đáo hạn, đối với người đã ghi sự chỉ định và đối với các người ký phiếu về sau, trừ phi đã trình hối phiếu cho người được chỉ định mà không được chuẩn nhận và nếu sự từ chối chuẩn nhận đã được xác nhận bằng một chứng thư cự tuyệt.
Trong các trường hợp can thiệp khác, người cầm phiếu có thể từ chối sự can thiệp để chuẩn nhận.
Tuy nhiên, nếu đã chấp nhận, người cầm phiếu sẽ mất tố cầu khả dụng trước khi hối phiếu đáo hạn, đối với người được hưởng sự can thiệp cũng như đối với những người ký phiếu về sau.
Sự chuẩn nhận bằng cách can thiệp được ghi vào hối phiếu và do người can thiệp ký tên. Phải biên rõ can thiệp cho ai, nếu không, phải kể như can thiệp cho người phát lệnh.
Người can thiệp để chuẩn nhận bị kết buộc đối với người cầm phiếu và những người bối thự sau người mà y can thiệp giúp, cũng như người này.
Mặc dầu đã có người can thiệp để chuẩn nhận, người được hưởng sự can thiệp và những người bảo đảm cho người này có thể, khi trả các số tiền nói ở điều 456, buộc người cầm phiếu phải giao hối phiếu cùng tờ chứng thư cự tuyệt vối thanh khoản nếu có.
Điều thứ 471 – Sự can thiệp để trả tiền có thể thực hiện trong mọi trường hợp mà người cầm phiếu có quyền sử hành những tố cầu vào ngày hối phiếu đáo hạn hoặc trước ngày đáo hạn.
Người can thiệp phải trả toàn thể số tiền mà đáng lẽ người được hưởng sự can thiệp phải trả.
Phải trả trễ lắm vào ngày hôm sau ngày cuối cùng của thời hạn lập tờ chứng thư cự tuyệt vì không trả tiền.
Điều thứ 472 – Nếu hối phiếu đã được chuẩn nhận bởi những người can thiệp có trú quán tại nơi phải trả tiền hay nếu các người được chỉ định để trả tiền cư ngụ tại nơi đó, người cầm phiếu phải xuất trình hối phiếu cho tất cả các người trên và nếu cần, lập tờ chứng thư cự tuyệt vì không trả tiền, trễ lắm là hôm sau ngày cuối cùng của thời hạn lập chứng thư cự tuyệt.
Nếu người cầm phiếu không lập chứng thư cự tuyệt trong hận trên, người đã chỉ định ai phải trả tiền, người được hưởng sự chuẩn nhận bằng cách can thiệp và các người bối thự về sau, đều được giải trách.
Điều thứ 473 – Nếu đã từ chối sự trả tiền bằng cách can thiệp, người cầm phiếu sẽ mất tố quyền đối với những người đáng lẽ được giải trái vì sự can thiệp.
Điều thứ 474 – Khi trả tiền bằng cách can thiệp phải ghi và ký nhận trên hối phiếu và phải biên rõ người được hưởng sự can thiệp, nếu không, kể như đã trả tiền thay cho người phát lệnh.
Hối phiếu và chứng thư cự tuyệt, nếu có , phải giao cho người can thiệp đã trả tiền.
Điều thứ 475 – Người can thiệp đã trả tiền rồi sẽ thụ hưởng mọi quyền lợi về tờ phiếu đối với người mà mình can thiệp giúp và đối với những người bị kết buộc với người này do tờ phiếu. Tuy nhiên, không thể đem hối phiếu bối thự lại cho ai được.
Nếu đã trả tiền bằng cách can thiệp cho người nào rồi, thì những người bối thự hối phiếu sau người ấy sẽ được giải trái.
Nếu có nhiều người cùng can thiêp ưu tiên sẽ dành cho sự can thiệp nào giải trái nhiều hơn.
Người nào tri tình can thiệp trái với nguyên tắc trên sẽ mất tố quyền đối với những người đáng lẽ được giải trái.
PHỤ TIẾT X
SỰ THÀNH LẬP HỐI PHIẾU
LÀM NHIỀU BẢN – BẢN SAO HỐI PHIẾU
Điều thứ 476 – Hối phiếu có thể lập thành nhiều bản giống y nhau; mỗi bản phải ghi số thứ tự ngay trong chủ văn hối phiếu, nếu không, mỗi bản sẽ được coi như một hối phiếu khác biệt.
Nếu tấm hối phiếu không ghi rõ là phiếu được thành lập một bản duy nhất, người cầm phiếu có thể yêu cầu được cấp nhiều bản, nhưng phải chịu sở phí. Muốn được vậy, phải xin người bối thự của mình lập bản khác, người này phải xin người bối thự trước, và cứ như thế cho đến người phát lệnh. Những người bối thự phải ghi lại khoản bối thự trên các bản mới.
Điều thứ 477 – Sự trả tiền về một trong các bản hối phiếu có hiệu lực giải trái, mặc dầu không có ghi rõ rằng các bản khác hết hiệu lực. Tuy nhiên , nếu đã chuẩn nhận người thụ lệnh vẫn phải bị kết buộc về mỗi bản hối phiếu đã được chuẩn nhận mà không được giao hoàn.
Người bối thự đã chuyển các bản hối phiếu cho những người khác, cũng như các người bối thự kế tiếp bị kết buộc bởi tất cả các bản không được giao hoàn có mang chữ ký của mình.
Điều thứ 478 – Người nào đã gửi một trong các bản hối phiếu đi để được chuẩn nhận, phải ghi trên những bản khác tên họ người hiện đang giữ bản đó. Người này phải giao trả hối phiếu cho người cầm một bản khác có quyền lợi chánh đáng.
Nếu bị từ chối, người cầm phiếu chỉ có thể sử hành tố cầu sau khi đã lập tờ chứng thư cự tuyệt ghi rõ rằng :
1)Bản hối phiếu gửi đi để chuẩn nhận không được giao trả lại mặc dầu có yêu cầu;
2)Đương sự đã không được chuẩn nhận hay trả tiền trên một bản hối phiếu khác.
Điều thứ 479 – Người cầm hối phiếu có quyền sao lại thành nhiều bản.
Bản sao chép phải nguyên văn nội dung bản chính với các khoản bối thự cùng những ghi chú khác.
Bản sao phải ghi rõ là sao đến chổ nào của bản chính.
Bản sao có thể được bối thự và bảo lãnh theo cách thức và hậu quả y như bản chánh.
Điều thứ 480 – Bản sao phải ghi rõ tên người giữ bản chính. Người này phải giao trả hối phiếu cho người cầm bản sao có quyền lợi chánh đáng.
Nếu bị từ chối, người cầm bản sao chỉ có thể sử hành tố cầu đối với những người bối thự hay bảo lãnh tên bản sao, sau khi đã lập tờ chứng thư cự tuyệt rằng bản chính không được giao trả mặc dầu có yêu cầu.
Nếu trên bản chính sau khoản bối thự cuối cùng trước khi làm bản sao, có ghi điều khoản: “kể từ đây sự bối thự chỉ có giá trị trên bản sao “, hay ghi văn thức tương đương , thì sự bối thự thực hiện về sau trên bản chính sẽ vô hiệu.
Điều thứ 481 – Trong trường hợp chính văn hối phiếu bị biến cải, những người ký vào hối phiếu sau khi có sự biến cải bị kết buộc theo lời lẽ bản văn bị biến cải, còn những người ký tên trước đó bị kết buộc theo lời lẽ văn bản nguyên thủy.
PHỤ TIẾT XI
THỜI HIỆU
Điều thứ 482 - Mọi tố quyền phát sinh do hối phiếu, chống người chuẩn nhận, đều bị thời tiêu sau ba năm kể từ ngày hối phiếu đáo hạn.
Các tố quyền của người cầm phiến chống người phát lệnh và những người bối thự bị thời tiêu sau một năm kể từ ngày chứng thư cự tuyệt được lập đúng thời hạn, hay kể từ ngày hối phiếu đáo hạn, nếu hối phiếu có khoản miễn lập chứng thư cự tuyệt.
Các tố quyền của những người bối thự chống đối nhau và chống người phát lệnh bị thời tiêu sau sáu tháng kể từ ngày người bối thự đã trả nợ hay từ ngày người ấy bị kiện.
Nếu đã có sự khởi tố, các thời hiệu chỉ bắt đầu kể từ ngày có hành vi truy tố sau cùng. Các thời hiệu không được áp dụng nếu đã có án văn xử phải trả tiền hay nếu món nợ đã được nhìn nhận trong một chứng thư riêng biệt.
Sự gián đoạn thời hiệu chỉ có thể đem đối kháng với người nào mà mình đã làm một hành vi để gián đoạn.
Tuy nhiên, những người bị gán là thiếu nợ, nếu bị yêu cầu sẽ phải thề rằng họ không còn thiếu nữa; và các goá phụ thừa kế hay kế quyền của họ phải thề mình ngay tình tin rằng không còn thiếu gì nữa hết.
PHỤ TIẾT XII
ĐIỀU KHOẢN TỔNG QUÁT
Điều thứ 483 - Nếu nhật hạn của hối phiếu nhằm vào ngày lễ pháp định thì chỉ có thể đòi tiền ngày có làm việc tiếp sau.
Tất cả các hành vi liên quan đến hối phiếu, như sự xuất trình hối phiếu để chuẩn nhận và chứng thư cự tuyệt, chỉ có thể thực hiện vào ngày có làm việc.
Nếu hành vi phải làm trong một thời hạn nào đó mà ngày cuối cùng là ngày lễ pháp định thì phải lui lại ngày có làm việc tiếp sau.
Những ngày lễ ở khoảng giữa thời hạn phải được tính trong thời hạn.
Điều thứ 484 - Được kể như ngày lễ pháp định những ngày mà theo luật hiện hành không thể đòi tiền và không thể lập chứng thư cự tuyệt.
Điều thứ 485 - Thời hạn pháp định hay ước định không bao gồm ngày khởi điểm của thời hạn.
Không một ân hạn pháp định hay tài phán nào được chấp nhận ngoài trường hợp dự liệu nơi điều 450 và điều 461.
TIẾT III
LỆNH PHIẾU
Điều thứ 486 - Lệnh phiếu là một chứng thư trong đó người ký phát cam kết sẽ phải trả một số tiền nhất định vào một ngày nhất định cho người thụ hưởng ghi trong phiếu hoặc cho một người nào khác theo lệnh của người thụ hưởng.
Điều thứ 487 - Lệnh phiếu phải ghi rõ :
1)Điều khoản lệnh hành, hoặc danh tự “ Lệnh phiếu” theo ngôn ngữ được dùng trong việc biên thảo tờ phiếu;
2)Sự cam kết vô điều kiện trả một khoản tiền nhất định;
3)Kỳ hạn trả tiền;
4)Nơi trả tiền;
5)Tên họ người nhận tiền hay cho phép người khác nhận tiền;
6)Nơi và ngày tháng làm ra tờ phiếu;
7)Phải có chữ ký tay của người ký phát.
Điều thứ 488 - Chứng thư nào ghi thiếu một trong những khoản nói ở điều trên sẽ không có giá trị một lệnh phiếu, trừ các trường hợp kể sau :
Nếu không ghi kỳ hạn trả tiền thì sẽ được coi như một tức phó phiếu, nghĩa là người thụ hưởng trình ra thì người ký phát phải trả tiền ngay.
Nếu không ghi rõ nơi trả tiền thì được coi như trả tiền nơi lập lệnh phiếu và cũng là nơi trú quán của người ký phát.
Nếu không ghi rõ nơi lập lệnh phiếu thì coi như đã làm nơi địa điểm ghi bên cạnh tên người ký phát.
Điều thứ 489 - Những điều khoản nói về hối phiếu, trừ những khoản nào không tương dung với tính chất lệnh phiếu, sẽ được áp dụng cho lệnh phiếu, như kể sau đây:
Về sự bối thự (từ điều 420 đến điều 426) ;
Về kỳ hạn (từ điều 435 đến điều 438) ;
Về việc trả tiền (từ điều 439 đến điều 449) ;
Về phương pháp tố cầu vì không được trả tiền (từ điều 450 đến điều 458, điều 460, 461, 462) ;
Về chứng thư cự tuyệt (từ điều 463 đến điều 466)
Về phúc hối phiếu (điều 467, 468) ;
Về sự trả tiền (điều 469, 471 đến 475) ;
Về bản sao phiếu (điều 479, 480) ;
Về sự cải biến phiếu (điều 481) ;
Về thời hiệu (điều 482) ;
Về những ngày lễ, cách tính thời hạn và cấm ban ân hạn (điều 483, 484, 485).
Điều thứ 490 – Cũng được áp dụng cho lệnh phiếu các điều khoản về hối phiếu được trả tiền tại trú quán của một người đệ tam, hay nơi nào khác hơn là trú quán người thụ lệnh (điều 414 và điều 430), điều khoản về sự ước định tiền lời (điều 415), về sự ghi chú sai biệt ngạch số tiền phải trả (điều 416), về hiệu lực chữ ký của những người vô năng lực hay vô tư cách thụ ủy hoặc vượt quá quyền hạn người thụ ủy (điều 417).
Điều thứ 491 – Cũng được áp dụng cho lệnh phiếu các điều khoản nói về sự bảo lãnh (điều 434). Trong trường hợp dự liệu ở khoản 5 điều 433, nếu không ghi rõ bảo lãnh cho ai thì kể như bảo lãnh cho người ký phát lệnh phiếu.
Điều thứ 492 - Người ký phát một lệnh phiếu bị kết buộc như người chuẩn nhận một hối phiếu.
Điều thứ 493 - Nếu là lệnh phiếu được trả tiền sau một thời hạn trình phiếu thì phải đưa trình cho người ký phát chiếu khán trong thời hạn ấn định nơi điều 427. Thời hạn trả tiền bắt đầu từ ngày người ký phát ký tên chiếu khán. Nếu người ký phát không chịu ký chiếu khán, người cầm phiếu sẽ nhờ chứng nhận bằng một chứng thư cự tuyệt và thời hạn trả tiền sẽ phát khởi kể từ ngày lập chứng thư cự tuyệt.
TIẾI IV
CHI PHIẾU
Điều thứ 494 – Chi phiếu là một chứng thư do người phát hành đưa cho người thụ hưởng để người này hay một người khác theo lệnh của người thụ hưởng, được quyền đòi người thụ lệnh còn gọi là người thừa phó, - là một nhà ngân hàng hay một doanh nghiệp đồng loại, - phải trả ngay một khoản tiền đã được ký thác cho người thụ hưởng sử dụng.
PHỤ TIẾT I
THỂ LỆ VỀ VIỆC PHÁT HÀNH
CHI PHIẾU
Điều thứ 495 – Chi phiếu phải ghi rõ:
1) Danh từ “chi phiếu” trên văn thư; làm chi phiếu theo nbgôn ngữ nào thì danh từ “chi phiếu” cũng theo ngôn ngữ ấy;
2) Lệnh buộc vô điều kiện trả một khoản tiền nhứt định;
3) Tên họ người thụ lệnh, tức là người phải trả tiền;
4) Nơi trả tiền;
5) Nơi và ngày tháng làm ra cho phiếu;
6) Phải có chữ ký tay của người phát hành.
Điều thứ 496 - Chứng thư nào ghi thiếu một trong những khoản nói ở điều trên sẽ không có giá trị một chi phiếu, trừ các trường hợp kể sau:
Nếu không ghi rõ nơi trả tiền thì địa điểm ghi bên cạnh tên người thụ lệnh sẽ là nơi trả tiền. Nếu bên cạnh tên người thụ lệnh có ghi nhiều địa điểm thì phải trả tiền tại địa điểm ghi đầu tiên.
Nếu không ghi địa điểm nào thì nơi trả tiền sẽ là nơi tọa lạc cơ sở chánh của người thụ lệnh.
Nếu không ghi rõ nơi làm chi phiếu thì coi như đã làm ở địa điểm ghi bên cạnh tên người phát hành.
Điều thứ 497 - Người thụ lệnh bao giờ cũng là một nhà ngân hàng hay một doanh nghiệp đồng loại, theo luật lệ về ngân hàng, tổng nha ngân khố và các trung khu bưu chi phiếu.
Chứng khoán nào phát hành dưới hình thức chi phiếu mà chỉ định một người phải trả tiền khác hơn là những người nói ở trên, không có giá trị như chi phiếu.
Điều thứ 498 - Người phát hành hay người nào ra lệnh cho người khác làm chi phiếu cho mình phải có tiền dự kim trong tay người thụ lệnh ngay từ lúc phát hành chi phiếu để người thụ hưởng có quyền sử dụng.
Tuy nhiên, người nào làm chi phiếu nhân danh người khác chỉ phải chịu trách nhiệm cá nhân đối với những người bối thự và đối với ngườI cầm phiếu mà thôi.
Chỉ người phát hành phải chứng minh trong trường hợp bị phủ nhận rằng vào lúc phát hành chi phiếu đã có dự kim trong tay người thừa phó, nếu không sẽ phải bảo đảm, mặc dầu chứng thư cự tuyệt làm sau thời hạn pháp định.
Điều thứ 499 – Chi phiếu không thể được chuẩn nhận; nếu có ghi khoản chuẩn nhận thì khoản này coi như không có.
Tuy nhiên, người thụ lệnh có thể chiếu khán chi phiếu; sự chiếu khán có hậu quả chứng nhận là có tiền dự kim vào ngày chiếu khán.
Điều thứ 500 - Mặc dầu có điều khoản trái lại, khi người phát hành hay người cầm phiếu yêu cầu, nếu chi phiếu có đủ dự kim, người thụ lệnh phải xác nhận việc nầy và ký tên vào chi phiếu. Chỉ có thể từ chối xác nhận khi nào tiền dự kim không đủ.
Người thụ lệnh xác nhận chi phiếu có trách nhiệm giữ lại tiền dự kim cho người cầm phiếu cho đến hết thời hạn xuất trình chi phiếu, thời hạn nầy sẽ ấn định nơi điều 512 sau.
Điều thứ 501 – Chi phiếu có thể ghi rõ tên người được lãnh tiền, với điều khoản chiếu lệnh hay không, hoặc với điều khoản “không chiếu lệnh” hay điều khoản tương đương.
Cũng có thể ghi là trả cho người cầm phiếu.
Nếu đã ghi tên người được lãnh tiền rồi lại thêm khoản “hay cho người cầm phiếu” hay một khoản tương đương, thì kể như chi phiếu được trả cho người cầm phiếu.
Nếu không ghi gì về người thụ hưởng thì chi phiếu được coi như phải trả cho người cầm phiếu.
Điều thứ 502 – Chi phiếu có thể do người phát hành làm ra cho chính mình được hưởng.
Chi phiếu cũng có thể do một người làm nhân danh người đệ tam.
Không thể làm chi phiếu để chính mình phải trả, trừ trường hợp chi phiếu ký phát giữa các doanh sở khác nhau của một ngân hàng duy nhất và với điều kiện là chi phiếu ấy phải là một chi phiếu ký danh.
Điều thứ 503 - Điều khoản sinh tiền lời nếu ghi vào chi phiếu sẽ kể như không có.
Điều thứ 504 – Chi phiếu có thể trả tiền tại trú quán một người đệ tam, người này có thể ở cùng một nơi với người thụ lệnh hay ở một nơi khác, nhưng với điều kiện là người đệ tam phải là người một nhà ngân hàng hay bưu chi phiếu cuộc.
Điều thứ 505 - Được áp dụng cho chi phiếu các điều 416, 417 (đoạn 3 và 3) nói về hối phiếu.
Điều thứ 506 - Người phát hành phải bảo đảm việc trả tiền chi phiếu. Điều khoản miễn trừ bảo đảm ghi trong phiếu sẽ coi như không có.
PHỤ TIẾT II
SỰ LƯU HÀNH CHI PHIẾU
Điều thứ 507 – Chi phiếu ghi rõ tên người được lãnh tiền, dù có hay không điều khoản chiếu lệnh, có thể đem lưu hành bằng cách bối thự.
Nếu chi phiếu có chỉ danh người được lãnh tiền với điều khoản “không chiếu lệnh” hay một điều khoản tương đương, người cầm phiếu chỉ có thể di nhượng theo thể thức và với các hậu quả định bởi thường luật.
Điều thứ 508 - Những điều khoản nói về sự bối thự hối phiếu (tiết II, phụ tiết III) cũng được áp dụng cho chi phiếu, trừ những khoản nào không tương dung với tính chất chi phiếu, như sẽ nói sau đây.
Điều thứ 509 - Sự bối thự do người thụ lệnh làm sẽ vô hiệu.
Sự bối thự cho người thụ lệnh chỉ có giá trị như một tờ biên nhận, trừ trường hợp người này có nhiều cơ sở mà sự bối thự lợi ích cho một cơ sở khác hơn là cơ sở phải trả tiền.
Người được bối thự sẽ thành sở hữu chủ tiền dự kim.
Sự bối thự một chi phiếu vô danh kết buộc người bối thự theo như các điều khoản nói về những phương pháp tố cầu, nhưng không hoán cải chi phiếu thành chi phiếu có lệnh khoản.
PHỤ TIẾT III
SỰ BẢO LÃNH CHI PHIẾU
Điều thứ 510 – Chi phiếu có thể được bảo lãnh một phần hay toàn phần do một người đệ tam hay bất cứ một ngườI nào có ký tên trên chi phiếu, trừ người thụ lệnh.
Những điều khoản nói về sự bảo lãnh hối phiếu (Tiết II, phụ tiết V) cũng được áp dụng cho chi phiếu.
PHỤ TIẾT IV
VIỆC TRẢ TIỀN CHI PHIẾU
Điều thứ 511 – Chi phiếu đưa trình lúc nào phải được trả tiền ngay lúc ấy. Mọi khoản ghi chú trái với thể lệ này sẽ coi như không có.
Chi phiếu đưa trình trước ngày được ghi là ngày phát hành, được trả tiền vào ngày đưa trình.
Điều thứ 512 - Nếu là chi phiếu phát hành ở Việt nam để được trả tiền tại Việt nam, thì phải đưa trình trong trong hạn tám ngày kể từ ngày được ghi là ngày phát hành trên chi phiếu.
Nếu là chi phiếu được phát hành tại các quốc gia lân cận để trả tiền tại Việt nam thì phải đưa trình trong hạn 20 ngày.
Nếu là chi phiếu phát hành tại một quốc gia ngoài Viễn đông và trả tiền tại Việt nam thì phải đưa trình trong hạn 70 ngày.
Điều thứ 513 – Quá hạn, người thụ lệnh vẫn phải trả tiền nếu có dự kim.
Người phát hành không thể ngăn chặn việc trả tiền, trừ trường hợp chi phiếu đã bị thất lạc hay người cầm phiếu bị tuyên bố khánh tận.
Nếu người phát hành ngăn chận vì lý do khác, tòa khẩn cấp theo đơn xin của người cầm phiếu, sẽ phải truyền giải trừ sự ngăn chận, ngay cả trong trường hợp tòa chánh vụ đã được thụ lý.
Điều thứ 514 – Nếu sau ngày phát hành, người phát hành mệnh một hay trở thành vô năng, chi phiếu vẫn có giá trị.
Điều thứ 515 – Người thụ lệnh khi trả tiền chi phiếu có thể buộc người cầm phiếu giao chi phiếu có chữ ký nhận lãnh tiền.
Người cầm phiếu không thể khước nhận nếu chỉ được trả một phần tiền.
Nếu tiền dự kim ít hơn ngạch số của chi phiếu, người cầm phiếu có quyền đòi người thụ lệnh phải trả đến ngạch số sự kim hiện hữu ấy.
Nếu chỉ trả một phần tiền, người thụ lệnh có thể buộc người thụ hưởng ghi rõ việc trả tiền này vào chi phiếu và làm giấy ký nhận.
Trả được phần nào tiền, thì người phát lệnh và bối thự giảm được trách nhiệm đi phần ấy.
Đối với phần còn lại, người cầm phiếu phải lập chứng thư cự tuyệt.
Điều thứ 516 – Nếu một chi phiếu không bị ngăn cản, người nào trả tiền được ức đoán là được giải nhiệm hữu hiệu.
Người thụ lệnh phải kiểm soát xem chi phiếu có hợp lệ không , nhất là chữ ký của người phát hành, phải kiểm soát căn cước của người thụ hưởng.
Nếu phiếu đã được bối thự, phải xem những sự bối thự có liên tiếp không, nhưng không cần kiểm soát chữ ký của những người bối thự.
Nếu là phiếu vô ký danh thì ai đưa trình phải trả tiền cho người ấy.
Điều thứ 517 – Chi phiếu có thể được làm thành nhiều bản. Nếu mất một bản, có thể trình bản khác để lãnh tiền.
Người nào làm mất chi phiếu mà không xuất trình được bản nào khác thì chỉ được trả tiền nếu chứng minh được quyền sở hữu bằng giấy tờ, sổ sách, và được án lệnh của chánh án cho phép và có bảo lãnh.
Điều thứ 518 – Sự cam kết của người bảo lãnh trong trường hợp chi phiếu bị thất lạc sẽ tiêu diệt sau sáu tháng nếu trong thời gian ấy không có sự khiếu nại hay truy tố.
Điều thứ 519 – Các điều khoản nói về sự trả tiền hối phiếu cũng được áp dụng cho chi phiếu; điều 439 đoạn 2, 442, 447, 448.
PHỤ TIẾT V
CHI PHIẾU CÓ GẠCH
Điều thứ 520 – Chi phiếu có gạch là một thứ chi phiếu trên mặt có gạch hai gạch song song. Đặc tính của chi phiếu này là chỉ có thể trả tiền cho một nhà ngân hàng hay một khách hàng của ngân hàng ấy.
Điều thứ 521 – Chi phiếu có thể do người phát hành hay người cầm phiếu gạch theo hai cách:
1) Nếu chỉ gạch hai gạch mà không biên rõ nhà ngân hàng nào, thì là gạch không tên.
2) Nếu gạch hai gạch rồi lại biên tên một nhà ngân hàng vào giữa, thì là gạch có tên.
Tên ngân hàng phải biên đích xác, nếu chỉ biên “ngân hàng” mà không rõ ngân hàng nào, thì kể như gạch không tên.
Gạch không tên có thể đổi thành gạch có tên. Trái lại gạch có tên không thể xóa đi để được đổi thành gạch không tên.
Sự xóa bỏ gạch hay tên nhà ngân hàng đã chỉ định kể như không có.
Điều thứ 522 - Nếu là gạch không tên, chi phiếu chỉ có thể trả tiền cho một nhà ngân hàng hay một khách hàng của nhà ngân hàng.
Nếu là gạch có tên thì chỉ nhà ngân hàng đã có ghi tên giữa hai gạch có quyền lãnh tiền, và nếu ngân hàng này thụ lệnh thì chi phiếu chỉ được trả tiền cho khách hàng của ngân hàng ấy mà thôi. Tuy nhiên, nhà ngân hàng được chỉ định có thể nhờ một ngân hàng khác lãnh tiền.
Một ngân hàng chỉ được nhận chi phiếu có gạch của một khách hàng của mình hay một ngân hàng khác. Ngoài ra không được lãnh tiền cho một người nào khác.
Nếu trên chi phiếu có nhiều gạch có tên, người thụ lệnh chỉ có thể trả tiền trong trường hợp chỉ gạch có hai lần mà một lần để thâu tiền do phòng bù trừ.
Người thụ lệnh hay nhà ngân hàng nào không tôn trọng các điều khoản nói trên phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho tới mức ngạch số của chi phiếu.
PHỤ TIẾT VI
NHỮNG PHƯƠNG PHÁP TỐ CẦU
Điều thứ 523 - Người cầm chi phiếu có thể sử hành những phương pháp tố cầu đối với người phát lệnh, các người bối thự và các người hữu trách khác, nếu không được trả tiền khi xuất trình chi phiếu trong thời hạn luật định và sau khi đã lập chứng thư cự tuyệt.
Điều thứ 524 - Chứng thư cự tuyệt phải được lập trong thời hạn ấn định để xuất trình chi phiếu.
Nếu xuất trình chi phiếu vào ngày cuối cùng của thời hạn thì chứng thư cự tuyệt có thể làm vào ngày có làm việc sau đó.
Điều thứ 525 – Các điều 453 và 454 về việc cáo tri và miễn lập chứng thư cự tuyệt về hối phiếu cũng áp dụng cho chi phiếu.
Điều thứ 526 - Tất cả những người bị kết buộc do chi phiếu có trách nhiệm liên đới đối với người cầm chi phiếu, theo như điều 455 qui định về hối phiếu.
Điều thứ 527 - Người cầm chi phiếu có quyền đòi người bị tố cầu:
1) Số tiền ghi trong chi phiếu không được trả;
2) Tiền lời pháp định kể từ ngày trình phiếu;
3) Sở phí về chứng thư cự tuyệt, các việc cáo tri và các sở phí khác nếu có.
Điều thứ 527 - Điều 457, 458, 461 về hối phiếu cũng được áp dụng cho chi phiếu.
PHỤ TIẾT VII
SỰ THÀNH LẬP CHI PHIẾU
LÀM NHIỀU BẢN
Điều thứ 529 - Trừ chi phiếu vô ký danh, các chi phiếu khác phát hành tại một xứ để được trả tiền tại xứ khác, có thể lập thành nhiều bản giống y nhau; mỗi bản phải ghi số thứ tự ngay trong chính văn chi phiếu, nếu không, mỗi bản sẽ được coi như một chi phiếu khác biệt.
Điều thứ 530 - Sự trả tiền về một trong các bản chi phiếu có hiệu lực giải trái, mặc dầu không có ghi rõ rằng các văn bản khác hết hiệu lực.
Người bối thự đã chuyển các bản chi phiếu cho nhiều người khác, cũng như các người bối thự kế tiếp, bị kết buộc bởi tất cả những bản không được giao hoàn có mang chữ ký của mình.
Điều thứ 531 - Điều 481 nói về sự biến cải hối phiếu cũng áp dụng cho chi phiếu.
PHỤ TIẾT VIII
THỜI HIỆU
Điều thứ 532 - Tố quyền của người cầm chi phiếu đối với người phát hành, các người bối thự và các người hữu trách khác, bị thời tiêu sau sáu tháng kể từ ngày mãn hạn xuất trình chi phiếu.
Tố quyền của những người có trách vụ trả tiền chi phiếu chống đối nhau, bị thời tiêu sau sáu tháng kể từ ngày người có trách vụ đã trả tiền hay từ ngày người ấy bị kiện.
Tố quyền của người cầm phiếu đối với người thụ lệnh bị thời tiêu sau ba năm kể từ ngày mãn hạn xuất trình chi phiếu.
Tuy nhiên, trong trường hợp thất quyền tố cầu hoặc thời tiêu, người cầm phiếu vẫn có quyền hành sử tố quyền đối với người phát hành không có tiền dự kim hay đối với các hữu trách đắc lợi vô nguyên nhân.
Điều thứ 533 - Thời hiệu có thể bị gián đoạn theo như đã qui định nơi điều 482 nói về hối phiếu.
PHỤ TIẾT IX
CHỨNG THƯ CỰ TUYỆT
Điều thứ 534 - Chứng thư cự tuyệt do thừa phát lại lập tại nơi trú quán của người phải trả tiền hay nơi cư sở cuối cùng được biết của người này. Trong trường hợp ghi trú quán hư ngụy, trước khi lập chứng thư cự tuyệt phải làm biên bản sưu tầm địa chỉ đích xác.
Điều thứ 535 - Những điều khoản nói về chứng thư cự tuyệt liên quan đến hối phiếu, cũng được áp dụng cho chi phiếu trừ khoản nào không tương dung với tính chất chi phiếu.
PHỤ TIẾT X
ĐIỀU KHOẢN TỔNG QUÁT
VÀ HÌNH PHẠT
Điều thứ 536 – Trong các điều khoản nói về chi phiếu, danh từ “ nhà ngân hàng” bao gồm luôn cả những người và cơ sở mà luật lệ đồng hoá với nhà ngân hàng.
Điều thứ 537 - Sự xuất trình chi phiếu và chứng thư cự tuyệt chỉ có thể thực hiện vào một ngày có làm việc.
Nếu ngày cuối cùng của thời hạn luật định để làm một hành vi nào liên quan đến chi phiếu, như sự xuất trình chi phiếu hay việc lập chứng thư cự tuyệt, là ngày lễ pháp định, thì thời hạn được lui lại ngày có làm việc tiếp sau. Những ngày lễ ở khoảng giữa thời hạn phải được tính trong thời hạn.
Cũng được kể như ngày lễ pháp định những ngày mà theo luật hiện hành không thể đòi tiền và không thể lập chứng thư cự tuyệt.
Điều thứ 538 - Mọi thời hạn dự liệu về chi phiếu không bao gồm ngày khởi điểm của thời hạn.
Điều thứ 539 – Không thể được hưởng ân hạn pháp định hay tài phán, ngoại trừ trường hợp bất khả kháng như nói ở điều 461 về hối phiếu.
Điều thứ 540 – Không có sự thế cải trái quyền khi chủ nợ chỉ mới nhận một chi phiếu để lấy nợ. Trái quyền nguyên thủy vẫn tồn tại với tất cả các bảo đảm liên hệ, cho đến khi chi phiếu được trả tiền.
Điều thứ 541 - Người cầm một chi phiếu đã làm cự tuyệt có thể xin án lệnh sai áp bảo lưu tài vật của các người phát hành và bối thự.
Điều thứ 542 - Người ký phát một chi phiếu không ghi nơi phát hành hay không ghi ngày tháng, hợăc ghi ngày tháng giả mạo, hay phát hành một chi phiếu mà người thụ lệnh không phải là một nhà ngân hàng, sẽ bị phạt vạ thuế bằng 6 phần 100 số tiền ghi trong chi phiếu, nhưng số tiền phạt vạ không được quá ba ngàn đồng (3.000$00).
Người nào phát hành một chi phiếu không có tiền dự trữ khả dụng cũng bị phạt như nói ở đoạn trên.
Nếu số tiền dự trữ ít hơn số tiền ghi trong chi phiếu, thì số tiền phạt vạ thuế sẽ tính theo số sai biệt giữa số tiền dự trữ và giá ngạch chi phiếu.
Điều thứ 543 – Nhà ngân hàng nào cấp cho trái chủ của mình những mẫu chi phiếu để trống, được trả tiền tại quỹ của ngân hàng, phải ghi rõ trên mỗi tờ tên họ người được cấp phát, bằng không, sẽ bị phạt vạ thuế ba ngàn đồng về mỗi vi phạm.
Nhà ngân hàng nào có tiền trữ kim và mặc dầu không có sự ngăn cản nào, lại từ chối trả tiền một chi phiếu được xuất trình hợp lệ, phải chịu trách nhiệm bồi thường về sự thiệt hại gây cho người phát hành, vì không thi hành lệnh trả tiền cũng như làm tổn thương đến uy tín của khách hàng.
Điều thứ 544 - Sẽ bị hình phạt của tội lường gạt, như qui định trong Bộ hình luật, nhưng tiền vạ không được dưới giá ngạch chi phiếu hay số trữ kim đã thiếu:
1) Người nào đã gian ý phát hành một chi phiếu không tiền dự trữ khả dụng hay với một số trữ kim ít hơn giá ngạch chi phiếu, hoặc sau khi phát hành, rút toàn phần hay một phần số trữ kim, hoặc cấm người thụ lệnh trả tiền chi phiếu.
2) Người nào đã tri tình nhận một chi phiếu phát hành trong những điều kiện nói ở đoạn trên.
Sẽ bị hình phạt theo tội lường gạt, như qui định trong Bộ hình luật, nhưng tiền phạt vạ không được dưới giá ngạch chi phiếu:
1) Người nào ngụy tạo hay biến cải một chi phiếu.
2) Người nào tri tình nhận một chi phiếu ngụy tạo hay biến cải.
Điều thứ 545 - Nếu tái phạm, sẽ phải bị tuyên cấm chỉ sử hành toàn thể hay một phần các quyền công dân, dân sự và gia đình.
Điều thứ 546 - Tất cả các vi phạm nói trên được kể như một tội đồng loại về phương diện tái phạm.
Điều thứ 547 – Nhân khi người phát lệnh bị truy tố về hình sự, người thụ hưởng đứng dân sự nguyên cáo có thể xin trước toà hình được bồi hoàn số tiền ghi trong chi phiếu và tiền thiệt hại khác nếu có. Tuy nhiên, người thụ hưởng nếu muốn có thể kiện đòi nợ trước toà dân sự thay vì trước toà hình sự.
Điều thứ 548 - Người thụ lệnh tri tình ghi số tiền dự kim dưới số tiền dự trữ thực sự sẽ bị phạt vạ từ 10.000$ đến 100.000$.
MỤC LỤC * QUYỂN 1 * QUYỂN 2 * QUYỂN 4 * QUYỂN 5