- Written by: Du Uyên
Sự khác nhau giữa văn hóa, xã hội, con người giữa hai miền Bắc-Nam trong nước từ ngàn xưa tới ngày nay vẫn rõ rệt, vì vậy mà tranh cãi giữa hai “thế lực” Bắc-Nam chưa bao giờ ngưng. Có điều phe Nam kỳ thường đông hơn vì trong phe này có nhiều người Bắc sống lâu trong Nam (thậm chí không muốn về Bắc sống) hoặc không thích cách miền Bắc “tiến hóa”.
Bảo Huân
Gốc của tựa đề bài viết (Ăn năn – mặc kệ) được tôi nghĩ ra khi đọc được câu “ăn Bắc mặc Nam” (tôi chú ý câu “ăn Bắc mặc Nam” vì câu này đang là đầu đề gây tranh cãi trên mạng xã hội trong nước gần đây). Nói “ăn năn – mặc kệ” là vì riêng tôi thấy trên mạng xã hội một phần đông người miền Bắc ngày nay hay mặc cảm nên hay đi gây sự, vì vậy mà nên ăn năn thay vì ăn … phở. Bởi đa phần các bài viết về phở (cụ thể là phở ở miền Nam) đều được viết bởi người Bắc và toàn là chê, bỉ bôi “phở này chả chuẩn vị phở Bắc”. Người miền Nam thì thích mặc kệ hơn là mặc cả, mặc cảm, bởi vậy ngoài việc hơi hờn phở ngoài Bắc hơi nhiều “mì chính” (bột ngọt) và cách phục vụ chưa được thân thiện như miền Nam, thì đa số người Nam khi ăn phở ở miền Bắc hay ăn phở Bắc ở Nam xong đều trả tiền, rồi … về, không ai ngồi biên bài viết chê “phở này chả chuẩn vị phở Nam”.
Cũng nhờ có những tranh cãi mới về việc ăn phở, tôi cũng biết được câu gốc sâu xa của câu “ăn Bắc mặc Nam” là “ăn Bắc, mặc Kinh” – có người giải Bắc là vùng Kinh Bắc, tức là Bắc Ninh, còn Kinh là Kinh thành, Kinh đô Thăng Long còn gọi là Kẻ Chợ, họ giải thích, người vùng Kinh Bắc (Bắc) ăn uống ngon, còn người ở Kinh đô (Thăng Long, Kẻ Chợ) thì mặc đẹp. Có người lại đồn rằng Bắc đây là miền Bắc, còn Kinh là Kinh đô nhưng là Kinh đô xứ Huế, và đại khái cũng giải thích là người miền Bắc nấu nướng ăn uống thường ngon, còn người ở Kinh đô Huế thì thường mặc đẹp… Tóm lại là ban đầu, câu trên không có chút Nam kỳ nào.
Về ý nghĩa: Có người cho là câu “ăn Bắc mặc Nam” là khen người Bắc giỏi trong việc ăn uống, bày mâm cao cỗ đầy đẹp mắt, còn người Nam ăn uống xuề xòa, dễ dàng. Khen người Nam ăn mặc bắt kịp xu hướng, người Bắc chỉ có nón cối, vét tông, đầm thun tàu … Tuy nhiên, cũng có người nói “ăn Bắc mặc Nam” để phê phán ẩn ý, chê người Bắc thì ăn uống cầu kỳ kiểu cách, mâm cao cỗ đầy trước mặt bàn dân thiên hạ trọng sĩ diện, có khi đóng cửa lại ăn rau luộc chấm mắm. Trong khi người Nam ăn đơn giản, nghe như hoang dã như nướng trui, nướng mọi, rau sống, cá kho … Về mặc, chê người Nam ỷ thổ nhưỡng ôn hoà nên ăn mặc phóng khoáng, trong khi miền Bắc váy đụp nâu sồng che chắn kín kẽ vì sợ bắt bẻ lễ nghi … Nói chung đừng ăn kiểu cách như người Bắc, đừng mặc lộ liễu như người Nam.
Phở Bắc thường nhiều hành, không có rau sống giá trụng – Nguồn hình: Hà Nhật Tân
Tác giả phuongngugia viết:“…
Xứ Nam kỳ là vùng đất bảo hộ, cách sinh hoạt của người Nam vốn chưa căn bản hình thành cái riêng nên lai tạp nhiều bởi lối sống của các vùng miền khác, nhất là bị ảnh hưởng bởi các chú chệt cùng bầu đoàn thê tử tha hương…
Xứ Bắc kỳ (TONKIN) thì bị ảnh hưởng lễ giáo nên cách sinh hoạt nhất là trang phục của phụ nữ hầu hết đều mang bản sắc truyền thống. Xã hội xứ Nam kỳ (Cochinchina) thì có vẻ giống như các vùng đất thuộc địa khác, vì Saigon có quá đông người nhiều quốc tịch nhập cư, đông nhứt là người Hoa từng sinh sống có khi đã vài đời nên tui thấy Saigon hồi đầu thế kỷ 20 giống như thành phố Thượng Hải của Trung Hoa.
Xã hội phương Tây phát triển thì thời trang ăn mặc của các chân dài mẫu quốc đương nhiên ảnh hưởng lớn đến các bà các cô xứ Cochinchina, dân Nam kỳ vốn không có tục theo lối của dân Bắc kỳ nhuộm răng đen xấu hỉnh, vậy thì đờn bà con gái ra đường đâu cứ phải áo nâu váy chụp, tại sao không áo đầm Tây, sườn xám Thượng Hải khoe đùi khoe đường cong thân thể cho các đấng mày râu điên đảo? Dân vùng đất phương Nam vốn là con cháu những người “đi trước mở đường máu” (Tìm đọc cuốn Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam) xưa, họ vốn ăn ngay nói thẳng, trong cách ăn mặc thì xấu che tốt khoe, xã hội miền Nam khi đó chắc phải hưng thạnh lắm, khi xã hội phát triển thì văn hóa được nâng cao bởi vậy mới xuất hiện các cô đào lừng danh Năm Phỉ, Phùng Há.
Sau năm 1954, trong khi miền Nam vẫn tiếp tục phát triển thì miền Bắc tìm quay về lối xưa xây dựng chủ nghĩa cộng đồng người nguyên thủy, riêng về ăn mặc thì đàn ông buộc phải từ bỏ cà vạt vét tông com pờ lê sang trọng lịch lãm, đàn bà con gái thì bị cấm mặc áo dài tha thướt quốc hồn quốc túy mà tất cả đồng loạt buộc phải chưng diện với duy nhứt bộ đồ đại cán của anh lớn Mao Trạch Đông vĩ đại muôn năm.
Phở Sài Gòn “phóng khoáng” như thời tiết – Nguồn hình: My Nguyen
Năm bảy lăm, dân Saigon mở hé cửa nhà mà lén dòm mấy ảnh nắm tay vợ con từ trong rừng lơ láo rách rưới dơ dáy da xanh lè nghênh ngang ra nắm chánh quyền, họ còn thấy gia đình các cán bộ miền Bắc người ngợm ốm nhách vì thiếu ăn từ Hà Nội dắt díu nhau lôi thôi lếch thếch vô tiếp quản… Thế là chỉ sau thời gian ngắn, “Hòn ngọc Viễn Đông” trở thành cục đất khô cằn sỏi đá.
Vậy đó, theo tui thì câu thành ngữ “Ăn Bắc mặc Nam” phải được hình thành trong bối cảnh xã hội Cochinchina khoảng vài 3 thập niên đầu thế kỷ 20, mong bá tánh vốn người Nam đừng vì thiếu hiểu biết lòe mình lòe người mà tự hào vô căn nữa nghen.” – Hết trích.
Hay như tác giả Hà Nhật Tân: “Mấy rày thấy xôn xao vụ tô phở. Cái ông nhà báo HN gì đó tuyên bố “Hà Nội chỉ cần quán không tên đầu ngõ cũng đủ chất lượng chấp hết Sài Gòn.” Còn ông nhà văn Nguyễn Đình Bổn “đập” lại: “Hà Nội có gì đáng để gọi là ẩm thực đâu? Đói vàng cả mắt. Nay mới no đủ chút cái giọng đã tanh tanh rồi!”.
Phễu tui không bàn về phở. Mà bàn về vụ “ăn Bắc mặc Nam”. Có ý kiến đại khái là phải ăn Bắc, đồ ăn Bắc ngon; nhưng trước 1954, còn sau này thì dở. Đó là một ý kiến vừa đúng vừa sai. Đúng là, đồ ăn ở Bắc đúng là trước đây ngon hơn bây giờ. Cái này có thể giải thích bằng thuyết “hoá thạch văn hoá ngoại biên” của ngành Văn hoá học: văn hoá từ trung tâm, do biến động mà lan toả đến các vùng ngoại biên và “hoá thạch” ở đó. Và văn hoá ẩm thực cũng theo đoàn người di cư, để lại cái trung tâm trống rỗng. Thế nên ở Chợ Lớn vẫn còn nhiều món thời phản Thanh phục Minh, trong khi ở Trung Hoa đại lục nó đã biến mất. Tương tự như thế món bún heo giả cầy đồng bào Bắc 54 lại “chuẩn” hơn ở HN. Đương nhiên cơm tấm ở Cali thì nó đúng vị ban sơ hơn cơm tấm ở TPHCM hiện nay. Bla… bla…
Nam kỳ biết mặc kệ nên luôn phồn vinh, nô nức yến oanh, kinh tế dồi dào… – Nguồn hình: Tiểu Tân/dttc.sggp.org.vn
Thành ra cái món phở cũng không ngoại lệ. Còn gì đáng lưu giữ hơn văn hoá khi bắt buộc phải ly hương? Những đoàn người phải bỏ quê cha đất tổ đó còn gì quý hơn cái văn hoá của họ?
Cho nên phở Saigon, hay thậm chí là ở Cali, Paris … ngon hơn ở HN, Nam Định … là có cái lý của nó. Có muốn cũng không bác bỏ được. Ấy là cái đúng, tức là trước 1954 đồ ăn ở Bắc ngon hơn bây giờ. Nhất là sau 30 năm miền Bắc đói vàng mắt (hậu quả của lối quản lý XHCN). Ở một XH mà miếng thịt ôi bằng 2 ngón tay cũng phải xếp hàng – thì lấy đâu ra cái no mà có nền-ẩm-thực-đặc-sắc-như-tuyên-truyền trong gần nửa thế kỷ??!!
Còn nói nó sai là ở chỗ: thật ra, các món HN nói riêng và miền Bắc trước 1954 thì cũng vầy vậy, chẳng có gì đặc sắc. Dân dã thì “cơm tám giò chả” là hết mức. Cỗ bàn thì chỉ vòng đi vòng lại có vài món: xôi gấc, gà luộc, giò chả, nem, miến măng… là cũng “đụng nóc”. Có vào sách vở như “Các món ngon HN” mà nhà văn Vũ Bằng miêu tả thì cũng chỉ là cầu kỳ mà chẳng đặc sắc.
(Người viết bài này là dân Bắc “2 nút”, cũng lăn lóc đủ các tỉnh từ vùng cao đến xứ biển, từ Bắc vào Nam hồi còn làm báo (những năm 2000s), cho nên cũng không đến nỗi ếch ngồi đáy giếng mà viết.)
Riêng ở VN, không chạy xe ở Nam lẫn Bắc (cho an toàn) – Nguồn hình: Facebook
Quay lại vấn đề, thế thì câu “ăn Bắc mặc Nam” là sai sao? Nó đúng. Chỉ là người ta hiểu sai mà thôi.
Đầu tiên là nói về “mặc”. Miền Nam chỉ có 2 mùa, mưa và nắng. Cho nên ăn mặc đơn giản. Suốt năm chỉ cần vài bộ đồ là đủ. Trong khi miền Bắc có 4 mùa, áo quần cũng có tới 4 loại. Áo mùa đông thì không mặc cho mùa hè. Áo mùa thu thì khác với áo mùa xuân. Cho nên miền Bắc về ăn mặc rất phong phú, phương Nam không thể bằng được. Còn ăn? Hãy quên câu “đồ ăn ở Bắc ngon hơn” [miền Nam] đi. Bởi lẽ phương Nam từ khi mở đất đã là nơi hội tụ ít nhất 3 nền ẩm thực lớn nhất nhì thế giới, đó là Việt, Hoa và Khmer. Còn miền Bắc thì không. Từ xưa đã vậy, còn 50 năm gần đây thì đói nghèo (từ 1990 tới nay mới thoát đói thôi). Cho nên đừng so sánh, nó buồn cười. Như vậy, câu “ăn Bắc mặc Nam” là câu chê đó. Ăn Bắc thì là dở, mặc Nam thì là đơn điệu.” – Hết trích.
Cũng là tác giả Hà Nhật Tân, 2 ngày sau: “Ngộ thiệt. Tôi mới viết bài viết vui vui “chê” rằng “ăn Bắc thì là dở, mặc Nam thì là đơn điệu” – thì toàn dân miền ngoài nhảy vô chửi bới, trong khi người ở miền Nam hổng nói gì. Bi nhiêu thôi đã nói lên tất cả. Đừng hỏi tại sao bị kỳ thị.” – Hết trích.
Bản thân Du Uyên đi nhiều chuyện vòng vòng, cóp nhặt lời hay ý cà rỡn mời quý độc giả, chứ xưa giờ chỉ ăn Nam và mặc Nam, cùng lắm là ăn phở và mặc … kệ, không dám chê hay khen ai. Mình người miền Nam, nói giọng Nam, thương người Nam.
DU
- Written by: Vương Trùng Dương