BỘ LUẬT THƯƠNG MẠI
SẮC LUẬT số 029 –TT- SLU ngày 20 tháng chạp năm 1972 ban hành Bộ Luật thương mại.
TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA
Chiếu Hiến pháp Việt nam Cộng hoà ngày mồng 1 tháng tư năm 1967;
Chiếu sắc lệnh số 394 –TT-SL ngày mồng 1 tháng chín năm 1969 và các văn kiện kế tiếp ấn định thành phần Chánh phủ;
Chiếu Luật số 005 – 72 ngày 28 tháng sáu năm 1972 ủy quyền cho Tổng thống quyết định và ban hành bằng sắc luật các biện pháp cần thiết trong các lãnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, tài chánh;
Sau khi hội đồng Tổng trưởng đã thảo luận.
SẮC LUẬT:
Điều duy nhất – Nay ban hành Bộ Luật Thương Mại gồm quyển I, quyển II, quyển III, quyển IV, quyển V, và điều khoản chung, đính kèm.
Sắc luật này được đăng vào Công báo Việt nam Cộng hòa.
Sài gòn, ngày 20 tháng chạp năm 1972
NGUYỄN VĂN THIỆU
QUYỂN THỨ NHỨT
ĐIỀU KHOẢN TỔNG QUÁT
Các nhà buôn - Nhiệm vụ của các nhà buôn
Các cửa hàng thương mại
Điều thứ nhứt - Luật thương mại chi phối những hành vi thương mại và nghề nghiệp thương gia.
Thương gia là những người làm những hành vi thuương mại cho chính mình và lấy những hành vi ấy làm nghề nghiệp thường xuyên của mình.
CHƯƠNG THỨ NHỨT
CÁC NHÀ BUÔN
Điều thứ 2 - Mọi người đều được quyền làm thương mại, trừ phi có luật đặc biệt hạn chế quyền này.
Điều thứ 3 - Muốn làm thương mại phải có đầy đủ năng lực pháp lý.
Điều thứ 4 - Vị thành niên trai hay gái chỉ được tự mình làm thương mại nếu:
1) đã đủ 18 tuổi.
2) được thoát quyền;
3) được người cha cho phép làm thương mại, và nếu người cha đã tạ thế, thất tung, bị cấm quyền, bị mất phụ quyền hay không sử hành được phụ quyền, sẽ do người mẹ cho phép; và nếu cả cha lẫn mẹ đều không còn hoặc không phát biểu được ý kiến thì do quyết định của hội đồng gia tộc được toà sơ thẩm phê;
4) Giấy cho phép và văn thư thoát quyền đã được công bố trên sổ thương mại để tại phòng lục sự toà án, nơi vị thành niên sử hành nghề.
Điều thứ 5 - Người thủ hộ có thể nhân danh vị thành niên tiếp tục khai thác một cửa hàng thương mại trong di sản mà vị thành niên được hưởng, nếu được hội đồng gia tộc cho phép với sự chuẩn phê của toà án. Sự cho phép và chuẩn phê đều phải được công bố vào sổ thương mại.
Điều thứ 6 - Vị thành niên, được phép tự làm thương mại, hay thủ hộ được phép làm thương mại cho vị thành niên, như nói ở các điều trên, có thể thế chấp hay để đương các bất động sản cho vị thành niên đứng tên làm chủ, nếu cần cho việc thương mại.
Song muốn bán các bất động sản, thì phải theo các thủ tục do bộ Dân luật quy định.
Điều thứ 7 - Người đàn bà có chồng có quyền làm thương mại cho riêng mình, trừ phi người chồng phản kháng.
Điều thứ 8 - Nếu người chồng muốn phản kháng thì phải tống đạt sự phản kháng này cho người vợ và cho chánh lục sự toà sơ thẩm nơi người vợ hành nghề để chánh lục sự ghi sự phản kháng vào sổ thương mại.
Người vợ có thể xin chánh toà sơ thẩm sở tại giải trừ sự phản kháng nầy bằng một mệnh lệnh phê đơn, sau khi đã nghe người chồng trần tình.
Mệnh lệnh này có thể bị kháng cáo.
Nếu sự phản kháng được giải trừ, sự giải trừ sẽ được tống đạt cho chánh lục sự toà sơ thẩm để cũng ghi vào sổ thương mại.
Điều thứ 9 - Nếu sự phản kháng được giải trừ, mọi hành vi của người vợ đã làm kể từ ngày phản kháng đều hữu hiệu. Nếu sự phản kháng được chấp nhận, hay nếu người vợ không xin giải trừ, mọi hành vi của người vợ làm từ khi có sự phản kháng của người chồng đều không đối kháng được với người này, nhưng với điều kiện là khi lập ước với người vợ, người đệ tam đã được biết rõ có sự phản kháng của người chồng.
Điều thứ 10 – Người đàn bà có chồng sẽ không coi là thương gia, nếu chỉ giúp việc buôn bán cho chồng, chứ không hành nghề riêng biệt.
Điều thứ 11 – Người đàn bà thương gia được làm mọi hành vi cần thiết cho sự buôn bán của mình, kể cả những hành vi tiêu thất những tài sản riêng của mình.
Tất cả các sự cam kết của người đàn bà thương gia đều có hiệu lực không những kết buộc người đàn bà mà kết buộc cả người chồng trong chế độ cộng đồng tài sản.
Tuy nhiên, nếu người vợ hành nghề thương mại do sự cho phép của tòa án, những sự cam kết của người vợ sẽ không có hiệu lực đối với các tài sản riêng của người chồng.
Trong trường hợp hai vợ chồng kết hôn theo chế độ không phải chế độ cộng đồng tài sản, người chồng không bị kết buộc bởi các món nợ của người vợ thương gia.
Điều thứ 12 – Những người bị cấm quyền do luật pháp hay do án văn đều không có pháp năng để làm thương mại.
Người giám hộ cũng không có quyền thay mặt cho những người đó để làm thương mại.
CHƯƠNG THỨ II
NHIỆM VỤ CỦA NHÀ BUÔN
TIẾT I
CÁC SỔ SÁCH CỦA NHÀ BUÔN
ể Bất luận thể nhân hay pháp nhân có tư cách là nhà buôn đều phải giử một cuốn sổ nhựt ký ghi chép những nghiệp vụ của doanh nghiệp và những sự chi thâu trong ngày. Sổ này có thể ghi chép từng ngày hoặc tổng kết từng tháng với điều kiện phải có đủ chứng từ lưu trữ.
Điều thứ 14 – Các nhà buôn, thể nhân hay pháp nhân, cũng phải dán vào một cuốn sổ để lưu trữ các thư từ nhận được về việc buôn bán của mình và các bổn sao thư từ gửi đi.
Điều thứ 15 – Ngoài ra, mỗi năm phải làm một bảng toàn kê các tiêu sản và tích sản của doanh nghiệp cùng kết toán các chương mục để lập thành một bảng đối kê và bảng chương mục lời lỗ.
Bảng đối kê và bảng chương mục lời lỗ phải được chép vào một cuốn sổ gọi là sổ toàn kê.
Điều thứ 16 – Sổ nhựt ký, sổ thư từ và sổ toàn kê, trước khi dùng, phải trình chánh án tòa sơ thẩm tại quản hạt nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để được phê duyệt và đánh số trang.
Trong khi dùng, phải theo thứ tự ngày tháng, không được bỏ trống chổ nào, biên ra ngoài lề hay tẩy xóa.
Điều thứ 17 – Các cuốn sổ nói ở các điều 13, 14 và 15 phải được lưu trữ trong 10 năm.
Điều thứ 18 – Các cuốn sổ nhà buôn được giữ hợp lệ có thể dùng làm bằng chứng giữa các nhà buôn với nhau về công việc mua bán.
Điều thứ 19 – Tòa có quyền buộc thương gia đương sự hoặc trích sao sổ sách thương mại của mình về những phần có liên quan đến vụ kiện, hoặc xuất trình sổ sách để tòa tự xem xét và quyền trích sao những phần liên hệ cần thiết cho việc xét xử.
Sổ sách chỉ có thể được thông tri toàn bộ cho đối phương trong những vụ kiện về di sản, về tài sản cộng đồng, phân chia tài sản hội và về khánh tận.
TIẾT II
VIỆC GHI TÊN VÀO SỔ THƯƠNG MẠI
Điều thứ 20 – Đều phải được ghi tên vào sổ thương mại, trong các điều kiện định ở các điều kế tiếp:
1) Bất luận thể nhân nào, không phân biệt quốc tịch, có tư cách là thương gia theo định nghĩa của luật Việt nam, và hoạt động thương mại ở trên lãnh thổ Việt nam.
2) Bất luận pháp nhân nào ,không phân biệt quốc tịch, thành lập dưới hình thức thương mại hoặc với mục đích để làm thương mại, có trụ sở tại Việt nam, hoặc có tại Việt nam một chi nhánh, phân cục hay bất cứ doanh sở hoạt động nào.
Điều thứ 21 – Các cơ quan công lập có tính cách kỹ nghệ hay thương mại và được tự trị tài chánh cũng phải ghi tên vào sổ thương mại.
Điều thứ 22 – Sổ thương mại gồm có:
1) Sổ trung ương,
2) Các sổ địa phương.
Các sổ địa phương được giử tại phòng lục sự mỗi tòa sơ thẩm bởi chánh lục sự và dưới sự kiểm soát của chánh án hoặc một thẩm phán được chỉ định bởi chánh án.
Sổ trung ương được giữ tại Bộ kinh tế theo thể thức định ở điều 29 dưới đây.
Điều thứ 23 – Việc ghi tên được làm tại phòng lục sự tòa sơ thẩm nơi nhà buôn có doanh sở chánh. Nếu nhà buôn là một pháp nhân, việc ghi tên sẽ làm tại phòng lục sự tòa sơ thẩm nơi hội sở.
Trong trường hợp một nhà buôn, thể nhân hay pháp nhân, có nhiều doanh sở chánh, chi nhánh hay phân cục ở tại nhiều nơi khác nhau, việc ghi tên phải làm cả ở phòng lục sự tòa sơ thẩm nơi có các doanh sở phụ, chi nhánh hay phân cục.
Việc ghi tên phả được làm trong thời hạn một tháng trước khi bắt đầu hoạt động.
Điều thứ 24 – Đơn xin ghi tên phải được gởi cho chánh lục sự tòa sơ thẩm. Trong đơn, đương sự phải khai trình tên họ, quốc tịch, thân trạng, năng lực, chế độ hôn sản, thương hiệu của mình cũng như các chi tiết về các cửa hàng hay doanh nghiệp mà mình khai thác, nói chung mọi yếu tố về tình trạng pháp lý và sự hoạt động thương mại của mình mà các đệ tam nhân cần biết.
Điều thứ 25 – Về những doanh nghiệp mà luật pháp có dự định những thể thức gì đặc biệt khác trước khi được mở doanh nghiệp, đương đơn phải chứng minh là đã thi hành đầy đủ các thể thức này.
Ngoài ra, nếu đương đơn định khai thác một doanh nghiệp sẳn có, thì phải xuất trình giấy chứng minh:
1) Sự chuyển nhượng hợp lệ doanh nghiệp này.
2) Tư cách đứng ra khai thác doanh nghiệp đó.
Điều thứ 26 – Chánh lục sự nhận được đơn xin ghi tên phải kiểm soát xem trong đơn có đầy đủ các điều phải khai trình và đơn có được kèm theo các văn kiện chứng minh cần thiết không.
Nếu không, chánh lục sự phải buộc đương đơn bổ túc đơn, cũng như xuất trình các văn kiện thiếu xót.
Mọi sự tranh chấp giữa chánh lục sự và đương đơn về sự ghi tên, sẽ do chanh án tòa hay thẩm phán được chỉ định giải quyết bằng một án lệnh thường. Đương đơn có thể xin kháng cáo án lệnh này.
Điều thứ 27 – Sau khi đã ghi tên, nếu có sự thay đổi gì về doanh nghiệp hay về tình trạng pháp lý của mình khiến phải sửa đổi các điều đã khai trình, thì nhà buôn, thể nhân cũng như pháp nhân, phải khai sự thay đổi này cho chánh lục sự để ghi vào sổ. Thời hạn khai trễ nhứt là một tháng sau khi có sự thay đổi.
Thể thức khai cũng làm theo như ở điều 25.
Điều thứ 28 – Nhà buôn, thể nhân hay pháp nhân, đã ghi tên, nếu thôi hành nghề, bất cứ vì một lý do gì, cũng phải khai trình việc này cho chánh lục sự để gạch tên mình trong sổ. Thời hạn khai trễ nhứt là một tháng sau khi thôi hành nghề hay giải tán công ty.
Thể thức khai cũng làm theo như ở điều 25.
Điều thứ 29 – Chánh lục sự mỗi tòa trong thời hạn một tháng, sau ghi tên nhà buôn vào sổ địa phương phải gởi một bản trích lục các lời khai trình đã nhận được lên Bộ kinh tế để ghi vào sổ trung ương.
Mỗi khi có sự thay đổi trong các lời khai trình, chánh lục sự cũng phải gởi lên Bộ kinh tế một bản trích lục lời khai xin sửa đổi, trong thời hạn nói trên.
Điều thứ 30 – Bất luận nhà buôn nào, thể nhân hay pháp nhân, có ghi tên trên sổ thương mại, đều phải ghi rõ trên các hóa đơn, phiếu giao hàng hay đặt hàng, giấy quảng cáo, cũng như trên tất cả các thư từ của mình, sổ đăng tịch thương bạ của mình và chỉ rõ nơi tòa án mà thương gia đó đã khai xin ghi tên.
Mọi sự vi phạm điều này sẽ bị phạt vạ từ 1.000$ đến 10.000$.
Điều thứ 31 – Sẽ bị phạt tù từ mười một ngày đến sáu tháng và bị phạt vạ từ 3.000$ đến 30.000$ hay là một trong hai hình phạt nói trên, thương gia nào, bất luận thể nhân hay pháp nhân, phải khai trình để ghi tên, để sửa đổi hay bổ túc các lời ghi trước, hoặc để gạch bỏ sự ghi tên, mà đã không làm các việc này trong thời hạn đã định.
Nếu thương gia là một pháp nhân, thì người quản lý hay quản trị viên công ty, sẽ bị truy tố và chịu hình phạt. Trong trường hợp một chi nhánh hay phân cục, giám đốc chi nhánh hay phân cục sẽ bị truy tố và chịu hình phạt.
Sự truy tố sẽ do yêu cầu của chánh án hay thẩm phán được chỉ định để kiểm soát sổ thương mại.
Tòa án tuyên hình phạt sẽ buộc nhà buôn vi phạm phải thực hiện việc khai trình trong thời hạn một tháng kể từ ngày tuyên án. Quá thời hạn trên, nếu bất tuân, đương sự có thể bị phạt một lần nữa.
Ngoài ra, tòa án tuyên hình phạt có thể truyền đóng cửa doanh nghiệp, hay chi nhánh, phân cục doanh nghiệp đó, cho tới khi nào các thể thức phải làm đã được thi hành xong.
Điều thứ 32 – Sẽ bị phạt tù từ một tháng đến sáu tháng và bị phạt vạ từ 5.000$ đến 50.000$ hay là một trong hai hình phạt nói trên, thương gia nào, bất luận thể nhân hay pháp nhân, để xin ghi tên, gạch tên, hay xin sửa đổi các điều đã ghi trong sổ, đã cố tình khai những điều không đúng sự thật.
Nếu thương gia là một pháp nhân thì người quản lý hay quản trị viên công ty sẽ bị truy tố và chịu hình phạt. Trong trường hợp một chi nhánh hay phân cục, giám đốc chi nhánh hay phân cục sẽ bị truy tố và chịu hình phạt.
Sự truy tố sẽ do yêu cầu của chánh án hay thẩm phán được chỉ định để kiểm soát sổ thương mại.
Tòa tuyên phạt sẽ truyền cho cho sửa lại trong sổ thương mại các điều đã khai sai.
Ngoài ra, tòa án còn có thể tuyên bố thương gia vi phạm mất quyền ứng cử và bầu cử vào phòng thương mại.
Điều thứ 33 – Thương gia, thể nhân hay pháp nhân, chỉ có thể đem đối kháng được với đệ tam nhân giao thiệp thương mại với mình những việc liên quan đến tình trạng pháp lý của mình nếu các việc này đã được khia trình hợp lệ và ghi vào sổ thương mại theo các điều kiện đã nói ở các điều trên.
Thương gia, thể nhân hay pháp nhân, đã bán cửa hàng của mình hay cho thuê cửa hàng, chỉ có thể viện dẫn sự chuyển nhượng hay sự cho thuê để giải trừ trách nhiệm về các sự kết ước của người kế quyền kể từ ngày sự chuyển nhượng hay cho thuê được công bố vào sổ thương mại.
Tuy nhiên, thương gia có thể đem đối kháng với người đệ tam những sự kiện không đăng ký nếu có bằng chứng là người đệ tam đã hay biết.
Điều thứ 34 – Những văn kiện lập quy sẽ được ban hành để ấn định, chiếu theo các điều khoản trên, hình thức của các sổ thương mại, các điều kiện và cách thức làm đơn để xin ghi tên, các điều phải khai trình khi xin ghi tên, các sự thay đổi phải khai lại, các văn kiện chứng minh phải được nạp theo đơn, và cách thức khai trình để ghi tên về các chi nhánh, phân cục hay doanh nghiệp phụ.
Những văn kiện lập quy đó cũng sẽ định cách thức làm sổ, giữ sổ cùng kiểm soát sổ và các điều ghi trong sổ.
Ngoài ra, các văn kiện lập quy đó cũng sẽ định cách thức và điều kiện cho phép công chúng được xem các sổ thương mại hay xin các trích lục cần thiết.
Những văn kiện lập quy nói trên có thể dự định một vài trường hợp mà thương gia được miễn khỏi phải ghi tên vào sổ thương mại.
Điều thứ 35 – Sắc lệnh ngày 8-7-1927 sửa đổi bởi sắc lệnh ngày 20-7-1939 và các nghị định kế tiếp được tiếp tục áp dụng cho đến khi ban hành những văn kiện lập quy nói trên.
TIẾT III
VỀ SỰ CÔNG BỐ HÔN THÚ VÀ HÔN ƯỚC
Điều thứ 36 – Nhà buôn đương buôn bán mà lập gia đình, phải công bố hôn thú và hôn ước nếu có vào sổ thương mại.
Chưởng khế hay viên chức lập hôn ước cho hai vợ chồng, trong đó có một người là thương gia, có nhiệm vụ phải gởi một bản trích lục hôn ước tới phòng lục sự tòa án có thẩm quyền để ghi vào sổ thương mại.
Trong trích lục này phải nói rõ chế độ hôn sản của hai vợ chồng.
Thời gian gởi là một tháng kể từ ngày lập hôn ước.
Điều thứ 37 – Người nào có gia đình rồi mà nay muốn làm thương mại, hay tới hành nghề buôn bán trong một quản hạt khác nơi quản hạt tòa án đã ký nạp trích lục hôn ước, phải nạp tại phòng lục sự tòa án có thẩm quyền một bản trích lục hôn ước của mình để ghi vào sổ thương mại.
Điều thứ 38 – Người đàn bà thương gia có chồng hay người vợ của một thương gia, xin biệt sản với chồng phải xin ghi đơn khởi tố vào sổ thương mại.
Trong trường hợp trên, tờ khai phải được nạp tại phòng lục sự trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày vào đơn. Tòa chỉ có thể tuyên án biệt sản nếu đơn khởi tố đã được ghi hợp lệ vào sổ thương mại, bằng không bản án sẽ vô hiệu.
Các bản án chấp nhận hay bác bỏ đơn xin biệt còn cũng phải được ghi vào sổ thương mại trong thời hạn đã định tại điều 27, do lời khai của đương sự.
Điều thứ 39 - Người vợ hay người chồng thương gia có án nhứt định tuyên bố tiêu hôn, ly thân hay ly hôn cũng phải làm tờ khai xin ghi án vào sổ thương mại.
Thời hạn khai là thời hạn định tại điều 27.
Điều thứ 40 – Trong trường hợp hai vợ chồng mà một người là thương gia tái lập khối cộng đồng tài sản đã bị giải tán vì biệt sản, sự tái lập này cũng phải được kê khai để ghi vào sổ thương mại.
Chưởng khế lập chứng thư tái lập có nhiệm vụ phải gửi một trích lục chứng thư nói trên tới phòng lục sự tòa án có thẩm quyền để ghi vào sổ thương mại.
Thời hạn là một tháng kể từ ngày lập chứng thư.
Điều thứ 41 - Sẽ bị hình phạt đã định ở các điều 30 và 31 người vợ hay ngườI chồng thương gia vi phạm các điều kể trên.
Chưởng khế hay viên chức hộ tịch có nhiệm vụ khai trình chiếu các điều khoản kể trên, mà không làm hay không làm trong thời hạn, sẽ bị phạt số tiền vạ dân sự từ 1.000$ đến 4.000$ chưa kể những trừng phạt về kỷ luật.
Ngoài ra, các hôn khế, án văn và chứng thư đã nói ở trên, nếu không công bố, sẽ không đem đối kháng được với đệ tam nhân .
CHƯƠNG THỨ III
CÁC CỬA HÀNG THƯƠNG MẠI
Điều thứ 42 - Cửa hàng thương mại gồm toàn thể các tài vật, động sản hợp thành một khối đem sung dụng vào một hoạt động thương mại.
Cửa hàng thương mại gồm có khách hàng là yếu tố chính và, trừ phi có điều khoản trái lại, tất cả những tài vật khác cần thiết cho sự khai thác cửa hàng, như bảng hiệu, thương hiệu, quyền thuê mướn, dụng cụ, khí cụ, hàng hóa, giấy phép, bằng sáng chế, nhản hiệu chế tạo, hình vẻ và kiểu mẫu, quyền sở hữu văn nghệ và mỹ thuật.
Điều thứ 43 - Cửa hàng thương mại có tính chất một động sản vô hình.
Điều thứ 44 – Các sự mua bán, cầm cố, thuê mướn cửa hàng thương mại được chi phối bởi các điều khoản của Dân luật. Ngoài ra cũng phải tuân theo các điều kiện nói ở các điều luật sau đây.
TIẾT I
VIỆC MUA BÁN CỬA HÀNG THƯƠNG MẠI
PHỤ TIẾT I
ĐIỀU KIỆN MUA BÁN
Điều thứ 45 - Việc mua bán cửa hàng thương mại có tính cách thương mại đối với người bán cũng như đối với người mua.
Điều thứ 46 - Mọi việc mua bán hay hứa mua bán cửa hàng thương mại, có điều kiện hay không có điều kiện, cũng như việc hùn cửa hàng vào công ty, đều phải được làm bằng giấy tờ, công chứng thư hay tư chứng thư có trước bạ.
Điều thứ 47 – Trong chứng thư, các đương sự phải chỉ định rõ những yếu tố đem bán.
Nếu không có sự chỉ định rõ thì đối tượng việc đoạn mại chỉ có bảng hiệu, thương hiệu, quyền thuê mướn và khách hàng mà thôi.
Sẽ không được coi là có sự đoạn mại cửa hàng, nếu việc đoạn mại chỉ gồm có hàng hóa hay dụng cụ, hay một trong những yếu tố vô hình không phải là khách hàng.
Điều thứ 48 – Trong chứng thư, các đương sự cũng phải khai rõ giá bán của từng yếu tố một: giá bán các yếu tố vô hình, giá bán các hàng hóa và giá bán các dụng cụ.
Điều thứ 49 – Trong chứng thư chủ bán phải khai:
1) Tên họ của chủ bán trước, ngày tháng lập chứng thư do đó mình đã mua được cửa hàng, tính chất của chứng thư này và giá mua các yếu tố vô hình, hàng hóa và dụng cụ.
2) Các ưu quyền và diễn áp mà cửa hàng phải chịu.
3) Số thương vụ mà chủ bán đã thực hiện được mỗi năm về ba năm khai thác chót vừa qua, hay là từ ngày thủ đắc, nếu người bán khai thác chưa được ba năm.
4) Số lợi tức thương mại đã thực hiện được trong thời gian nói trên.
5) Giao kèo thuê mướn nơi đặt cửa hàng, ngày tháng lập giao kèo, thời hạn hưởng dụng, tên họ và địa chỉ người chủ bất động sản hay là của người sang nhượng giao kèo, nếu có.
Nếu trong chứng thư, các yếu tố ghi trên bị bỏ xót không khai, chủ mua có thể, nếu muốn, xin hủy bỏ chứng thư đoạn mại trong thời hạn một năm kể từ ngày lập chứng thư.
Điều thứ 50 - Mặc dầu có kết ước trái lại, người bán vẫn phải chịu sự đảm bảo đối với người mua theo các điều kiện do Bộ dân luật qui định về các lời khai của mình, trong trường hợp các lời khai này không được xác thật.
Điều thứ 51 - Tố quyền do nơi điều trên phải được sử hành bởi người mua trong thời hạn một năm kể từ ngày chiếm hữu cửa hàng.
Điều thứ 52 – Vào ngày đoạn mại, người bán và người mua phải cùng phê duyệt tất cả các sổ sách kế toán về cửa hàng thuộc ba năm trước ngày đoạn mại, hoặc thuộc thời gian mà người bán làm chủ cửa hàng, nếu cửa hàng mua chưa được ba năm.
Chủ bán và chủ mua cũng phải làm một tờ kê khai các sổ sách nói trên. Tờ khai nầy phải làm thành hai bổn, cả hai bên đồng ký và mỗi bên giữ một bổn.
Chủ bán phải giữ các sổ sách trên và để sổ sách này cho chủ mua sử dụng trong thời hạn mười năm, kể từ ngày chủ mua hưởng dụng cửa hàng.
Mọi giao ước trái ngược với điều này đều coi như vô giá trị.
PHỤ TIẾT II
VỀ ĐẶC QUYỀN VÀ TỐ QUYỀN XIN GIẢI TIÊU ĐOẠN MẠI
CỦA NGƯỜI BÁN CỬA HÀNG
Điều thứ 53 - Người bán cửa hàng chưa trả tiền hoặc cho người mua chịu một phần tiền, được hưởng đặc quyền lấy nợ trên cửa hàng đem bán, ngoài tố quyền xin giảI tiêu việc đoạn mại định bởi Dân luật.
Điều thứ 54 - Người bán chỉ có đặc quyền nếu đặc quyền đó được đăng ký vào một cuốn sổ giữ tại phòng lục sự toà sơ thẩm, nơi cửa hàng được khai thác.
Việc đăng ký phải được làm trong một thời hạn là mười lăm ngày kể từ ngày làm giấy đoạn mại, bằng không thì vô hiệu. Sự vô hiệu nầy có thể được nêu lên bởi bất cứ đương sự nào , kể cả con nợ. Việc đăng ký làm trong thời hạn loại trừ tất cả các đăng ký khác được làm trong thời hạn đó do nơi người mua. Việc đăng ký nầy đối kháng được với sự khánh tận và sự thanh toán tư pháp của người mua.
Điều thứ 55 - Đặc quyền sẽ chỉ sử dụng trên những yếu tố được chỉ định trong chứng thư đoạn mại và trong đơn xin đăng ký.
Trong trường hợp không có sự chỉ định rõ, thì đặc quyền sẽ sử dụng trên bảng hiệu, thương hiệu, quyền thuê mướn, mối hàng và khách hàng.
Điều thứ 56 - Đặc quyền của người bán cửa hàng không có tính cách bất khả phân. Đặc quyền đó không đảm bảo giá bán của toàn thể cửa hàng mà bảo đảm giá bán của mỗi yếu tố một, hay số còn thiếu trong giá bán của mỗi yếu tố đó.
Sau khi cửa hàng được đem bán lại đặc quyền sẽ thi hành riêng biệt trên giá tiền thâu được về mỗi yếu tố của cửa hàng.
Nếu khi đem bán lại, cửa hàng có thêm một hay nhiều yếu tố mới , các yếu tố này sẽ không chịu sự đặc quyền và sẽ có một sự tách khoản giá bán được đem phân chia.
Điều thứ 57 – Trong trường hợp giá bán được người mua trả dần , thì những số tiền trả dần sẽ được đem trừ vào các hàng hoá trước tiên, rồi sau đó vào giá các dụng cụ và sau chót vào giá các yếu tố vô hình.
Mọi ước khoản trái ngược lại với điều nầy đều coi như vô hiệu.
Điều thứ 58 - Tố quyền xin giải tiêu việc đoạn mại của người bán muốn phát sinh hiệu lực phải được ghi và minh bạch dành giữ trong đơn xin đăng ký đặc quyền nói ở điều 54 trên.
Tố quyền này không thể đem xử hành làm thiệt cho đệ tam nhân, nếu đặc quyền vô giá trị hay đã bị tiêu diệt.
Tố quyền xin giải tiêu sự đoạn mại cũng hạn chế, như đặc quyền vào những yếu tố nào đã đem bán mà thôi.
Điều thứ 59 - Người bán sử dụng tố quyền xin giải tiêu việc đoạn mại phải tống đạt đơn khởi tố cho các trái chủ có đăng ký trên cửa hàng. Việc tống đạt nầy sẽ làm bằng văn thư ngoại tư pháp nơi trú quán mà các trái chủ đã tuyển định trong đơn xin đăng ký của họ.
Bản án chỉ được tuyên đọc sau thời hạn một tháng kể từ ngày tống đạt.
Điều thứ 60 – Trong trường hợp văn tự đoạn mại có giao ước rằng nếu người mua không trả tiền thì việc đoạn mại đương nhiên giải tiên, hoặc trong trường hợp mà giữa người mua và người bán có một sự thỏa thuận để giải tiêu việc mua bán, sự giải tiêu cũng phải được tống đạt bằng văn thư ngoại tư pháp cho các chủ nợ có đăng ký tại nơi trú quán tuyển định của họ. Sự giải tiêu nầy chỉ trở thành nhất định sau thời hạn một tháng kể từ ngày tống đạt.
Điều thứ 61 – Trong trường hợp sự đoạn mại cửa hàng bị giải tiêu hoặc do sự thỏa thuận giữa hai bên đương sự, hoặc bởi toà án, người bán phải lấy về toàn thể các yếu tố đã bán, kể cả những yếu tố nào trên đó người bán đã hết đặc quyền, cũng như không còn quyền xin giải tiêu.
Sẽ có một cuộc giám định đối tịch bởi một giám định viên được chỉ định hoặc bởi toà án, hoặc do sự thỏa thuận giữa hai bên đương sự, để trị giá hàng hóa và dụng cụ của cửa hàng, vào ngày cửa hàng được lấy về.
Trên giá đã định cho mỗi yếu tố nói trên, người bán sẽ khấu trừ số nợ mà mình được ưu tiên đòi về mỗi yếu tố đó. Số còn lại, nếu có, sẽ được người bán giữ lại để làm đảm bảo cho các trái chủ đăng ký và nếu không có các trái chủ đăng ký thì cho các trái chủ thường.
Điều thứ 62 – Trong trường hợp cửa hàng bị đem bán phát mại công khai, hoặc do lời yêu cầu của một quản tài khánh tận, hay của bất cứ thanh toán viên hay quản trị viên tư pháp nào, hoặc do lời xin trước toà của bất cứ người nào có quyền , thì việc phát mại phải được tống đạt bằng văn thư ngoại tư pháp cho các người bán trước, tại nơi trú quán mà các người nầy đã tuyển định trong lời khai xin đăng ký của họ. Trong tống đạt, người đứng ra truy tố phát mại sẽ bảo cho các người bán trước biết rằng nếu các người nầy không thi hành tố quyền xin giải tiêu trong thời hạn một tháng kể từ ngày tống đạt, thì họ sẽ mất quyền sử dụng tố quyền đó đối với người đấu giá được.
Điều thứ 63 - Điều 971 của bộ luật thương mại sẽ không áp dụng đối với quyền ưu tiên cũng như đối với tố quyền xin giải tiêu của người bán cửa hàng thương mại.
Điều thứ 64 – Trong trường hợp sự đoạn mại của cửa hàng thương mại bị giải tiêu, hoặc do sự thỏa thuận giữa hai bên đương sự, hoặc bởi do toà án, người nào xin được giải tiêu này phải công bố trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày sự giải tiêu trở thành nhất định.
Việc công bố này cũng làm theo các điều kiện về thể thức của việc công bố sự đoạn mại.
PHỤ TIẾT III
VỀ VIỆC CÔNG BỐ SỰ MUA BÁN CỬA HÀNG
VÀ CÁC SỰ NGĂN CHẶN SỐ TIỀN MUA
Điều thứ 65 - Mọi việc mua bán cửa hàng thương mại, được làm dù với điều kiện hay hình thức một giao kèo khác, kể cả những việc nhận cửa hàng do tương phân hay cạnh mại đều phải được công bố, do sự mẫn các của người thủ đắc trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày lập giấy tờ, dưới hình thức một trích lục hay bố cáo trong một tờ báo có quyền đăng bố cáo pháp định thuộc quản hạt toà thượng thẩm mà toà sơ thẩm nơi cửa hang tọa lạc trực thuộc.
Điều thứ 66 – Trong trích lục, hay bố cáo làm theo điều trên, người thủ đắc cửa hàng phải công bố ngày tháng của chứng thư thủ đắc, nhựt kỳ trước bạ của chứng thư cũng như tố, quyền và cơ quan đã thâu tiền trước bạ, tên, họ và địa chỉ của người chủ cũ và chủ mới của cửa hàng, tính chất và nơi tọa lạc cửa hàng, giá mua cửa hàng, kể cả các trách vụ.
Ngoài ra, trong trích lục hay bố cáo, người thủ đắc cũng phải cho biết thời hạn luật định để ngăn chặn tiền bán cửa hàng, và nơi mình tuyển định trú quán trong quản hạt toà án nơi tọa lạc cửa hàng.
Mọi trích lục hay bố cáo không làm theo đúng các điều khoản trên đều coi như vô hiệu.
Điều thứ 67 - Việc công bố nói ở điều 65 trên sẽ được lập lại trong thời hạn từ tám đến mười lăm ngày, sau ngày công bố lần thứ nhất.
Điều thứ 68 - Trể nhứt là trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày có sự công bố lần thứ nhì, mọi trái chủ của người chủ bán, dù trái quyền đáo hạn hay chưa đáo hạn cũng vậy, đều có thể ngăn chặn không cho trả giá tiền mua hàng. Sự ngăn chặn này sẽ được làm bằng văn thư ngoại tư pháp, tại nơi tuyển định trú quán của người mua.
Sự ngăn chặn muốn có hiệu lực phải cho biết rõ số ngạch và nguyên do của trái quyền, và nơi mà trái chủ đã tuyển định trú quán trong quản hạt toà án nơi cửa hàng tọa lạc.
Tuy nhiên, người chủ nhà chỉ có quyền ngăn chặn để đòi các số tiền thuê đã đáo hạn mà thôi, chứ không thể ngăn chặn để đòi số tiền thuê chưa đáo kỳ.
Mọi kết ước trái lại đều coi như vô hiệu.
Điều thứ 69 - Mọi sự sai áp chế chỉ, mọ sự phó nhượng tương thuận toàn thể hay một phần giá bán, đều không đối kháng được với các trái chủ đã ngăn chặn trong thời hạn.
Điều thứ 70 – Trong trường hợp có sự ngăn cản việc trả giá mua, người chủ bán có thể bất luận trong giai đoạn tố tụng nào, sau thời hạn mười lăm ngày nói ở điều 68, khởi tố người mua và các trái chủ đã ngăn chặn ra trước toà khẩn cấp để xin toà cho phép thâu nhận giá bán, mặc dầu có sự ngăn chặn, với điều kiện là phải ký quỹ tại quỹ cung thác và trữ kim hay tại nơi tay một đệ tam nhân được chỉ định, một số tiền do toà khẩn cấp định, đủ để lâm thời trả các số nợ được các người bán nhìn nhận hay bị tòa lên án phải trả cho các trái chủ đã ngăn chặn.
Số tiền ký quỹ nói trên sẽ được dành riêng trong tay người đệ tam nhân , trì chủ, để bảo đảm các trái quyền của các trái chủ đã ngăn chặn. Các trái chủ đã ngăn chặn sẽ có đặc quyền trên số tiền ký quỹ. Đặc quyền nầy lọai trừ tất cả các đặc quyền khác trên số tiền đã ký quỹ.
Kể từ ngày mà án lệnh khẩn cấp được thi hành, người mua cửa hàng sẽ được giải trách và các hiệu quả của sự ngăn chặn sẽ được chuyển qua cho người đệ tam trì thủ.
Điều thứ 71 - Thẩm phán xử về khẩn cấp chỉ chuẩn chấp đơn khởi tố xin ký quỹ nếu người mua xác nhận dưới sự trách nhiệm riêng của mình là không có những trái chủ ngăn chặn nào khác, ngoài những trái chủ ngăn chặn mà người bán đã khai trước toà. Lời khai của người mua sẽ được toà khẩn cấp ghi nhận trong án lệnh.
Dầu thi hành đúng án lệnh, người mua nếu khai sai, vẫn phải chịu trách nhiệm với số tiền mua đối với các trái chủ đã ngăn chặn trước khi có án lệnh mà bị bỏ sót.
Các trái chủ bị bỏ sót nầy cũng có quyền phủ nhận đặc quyền trên số tiền ký quỹ của các trái chủ mà người bán đã khởi tố ra trước toà khẩn cấp, coi như không đối kháng được với họ.
Điều thứ 72 - Nếu sự ngăn chặn của các trái chủ không có chứng thư mà cũng không có nguyên nhân, hay là vô hiệu về hình thức, thì người bán có thể khởi tố xin toà khẩn cấp cho phép được lấy về số tiền đã bán dù có sự ngăn chặn.
Điều thứ 73 - Người mua, nếu không làm các sự công bố theo các thể thức đã định, hoặc trả tiền cho người bán trước khi thời hạn mười lăm ngày đã mãn, sẽ không được giải trừ về giá mua đối với các đệ tam nhân.
Điều thứ 74 - Nếu việc chuyển nhượng cửa hang gồm có cả các chi nhánh ở nhiều nơi khác nhau thì việc đăng ký và công bố nói ở các điều 54 và 65 phải được làm cả ở tại mỗi quản hạt mà các chi nhánh đó tọa lạc.
Thời hạn đăng ký và công bố là mười lăm ngày.
Trong công bố, người mua chỉ cần cho biết rõ nơi tuyển định trú quán trong quản hạt toà án nơi tọa lạc doanh nghiệp chánh.
Điều thứ 75 - Nếu chỉ chuyển nhượng chi nhánh cửa hàng mà thôi, thì việc đăng ký và công bố nói ở các điều 54 và 65 phải được làm tại quản hạt toà án nơi tọa lạc doanh nghiệp chánh và tại quản hạt toà án nơi tọa lạc chi nhánh đem bán.
Thời hạn đăng ký và công bố cũng là mười lăm ngày.
Trong công bố người mua phải cho biết rõ nơi mình đã tuyển định trú quán trong quản hạt toà án nơi tọa lạc doanh nghiệp chánh và trong quản hạt toà án nơi tọa lạc chi nhánh đem bán.
PHỤ TIẾT IV
VỀ QUYỀN CỦA CÁC TRÁI CHỦ ĐĂNG KÝ
VÀ NGĂN CHẶN XIN TĂNG GIÁ CẠNH MẠI
Điều thứ 76 – Trong một thời hạn hai mươi ngày sau ngày công bố lần thứ nhì, người mua phải để tại nơi mình tuyển định trú quán một bản toàn sao hay một bản chánh tờ đoạn mại, để các trái chủ có đăng ký hay ngăn chặn tham khảo, nhưng không được đem đi nơi khác.
Cũng trong thời hạn trên, các trái chủ có đăng ký và các trái chủ đã ngăn chặn trong thời hạn mười lăm ngày định ở điều 68, có thể tới nơi trú quán đã tuyển định để xem tờ bán và các chứng thư ngăn chặn, và nếu thấy là giá bán không đủ để trả hết các trái chủ có đăng ký và các trái chủ đã xuất hiện bằng sự ngăn chặn trong thời kỳ mười lăm ngày sau ngày công bố lần thứ nhì, thì có quyền xin tăng giá cạnh mại một phần sáu giá bán chánh của cửa hàng, không tính giá các dụng cụ và hàng hoá.
Việc xin tăng giá cạnh mại nầy sẽ được làm theo thủ tục nói ở các điều 116 và kế tiếp dưới đây.
Điều thứ 77 - Việc tăng giá cạnh mại một phần sáu nói ở trên sẽ không được chấp nhận, nếu cửa hàng đem bán dưới hình thức đấu giá công khai, y theo điều 116 dưới đây, hoặc vì có sự phát mại tài phán, hoặc do lời yêu cầu của một quản tài khánh tận, thanh toán viên, quản trị viên, tư pháp hay cộng chủ vị phân của cửa hàng.
Điều thứ 78 - Chưởng khế được đề cử để thi hành việc phát mại, sau khi có sự tăng giá cạnh mại, sẽ chỉ chấp nhận cho bỏ giá những người nào mà chưởng khế đó biết rõ là có tư lực, hoặc những người nào đã ký quỹ nơi phòng chưởng khế hoặc tại quỹ cung thác và trữ kim một số tiền không dưới phân nửa tổng số giá bán lần thứ nhứt, cộng thêm phần trăm xin tăng để cạnh mại. Nếu trong kỳ bán lần thứ nhứt, người bán cho người mua chịu một phần tiền, thì người muốn cạnh mại phải ký quỹ một số tiền không được dưới phần giá trả ngay, cộng thêm phần xin tăng để cạnh mại.
Số tiền mà người muốn cạnh mại ký quỹ sẽ dành riêng để bảo đảm cho việc trả giá mua.
Điều thứ 79 - Việc phát mại, sau khi có xin tăng giá cạnh mại 1/6, sẽ được làm theo các điều kiện và kỳ hạn của việc đoạn mại thỏa thuận bị tố giá dự liệu ở các điều 116 và kế tiếp.
Điều thứ 80 - Người mua cửa hàng bị truất đoạt, vì có sự tăng giá cạnh mại, sẽ phải, dưới sự trách nhiệm của mình, trao lại tất cả các chứng thư ngăn chặn mà mình đã nhận được, cho người mua đấu giá được, trong thời hạn tám ngày, kể từ ngày đấu giá, trừ phi người mua cửa hàng khai trước đấu giá về các sự ngăn chặn nầy rồi và lời khai đã có ghi trong điều kiện sách.
Người mua đấu giá được cửa hàng sẽ cấp biên nhận cho người mua trước, và hiệu lực của các sự ngăn chặn sẽ chuyển sang số tiền đấu giá.
TIẾT II
SỰ THẾ CHẤP CỬA HÀNG THƯƠNG MẠI
Điều thứ 81 - Cửa hàng thương mại có thể được đem thế chấp, không bắt buộc phải theo các thể thức hay điều kiện nào khác, ngoài các điều kiện và thể thức định ở các điều sau.
Việc thế chấp cửa hàng không cho người trái chủ thế chấp quyền lấy cửa hàng làm của riêng để trừ nợ.
Điều thứ 82 – Đương nhiên được gồm vào việc thế chấp, như là thuộc về cửa hàng: bảng hiệu, thương hiệu, quyền thuê mướn, khách hàng và mối hàng.
Điều thứ 83 – Trong chứng thư thế chấp, các đương sự có thể minh định rằng việc thế chấp sẽ gồm có cả:
1) Đồ đạc, dụng cụ và khí cụ, ngay cả trong trường hợp mà cửa hàng được khai thác trong một bất động sản do người đem thế chấp làm chủ.
2) Các bằng sáng chế, các giấy phép, các nhãn hiệu chế tạo và thương mại, các hình vẽ và kiểu mẫu kỹ nghệ và nói chung các quyền sở hữu kỹ nghệ, văn nghệ và mỹ nghệ tùy thuộc vào cửa hàng.
Điều thứ 84 - Việc thế chấp cửa hàng thương mại phải được làm bằng công chứng hay tư chứng thư có trước bạ.
Trong chứng thư, người chủ cửa hàng đem thế chấp phải cho biết rõ cội rễ quyền sở hữu cửa hàng, ngày tháng giao kèo thuê mướn, số trước bạ của giao kèo cũng như tên, họ và địa chỉ của người chủ bất động sản, thời hạn giao kèo, giá mướn và các điều kiện thiết yếu của giao kèo.
Điều thứ 85 - Việc thế chấp phải được đăng ký vào một cuốn sổ công khai giữ tại phòng lục sự toà sơ thẩm nơi cửa hàng được khai thác. Trái chủ thế chấp chỉ có được đặc quyền nếu việc thế chấp được đăng ký.
Nếu việc thế chấp gồm cả một hay nhiều chi nhánh ở tại nhiều nơi khác nhau , thì việc đăng ký phải được làm cả ở tại phòng lục sự toà sơ thẩm quản hạt nơi mỗi chi nhánh đem thế chấp tọa lạc.
Nếu đối tượng của việc thế chấp chỉ là chi nhánh thôi, thì việc đăng ký cũng phải được làm vừa ở tại phòng lục sự toà sơ thẩm nơi cửa hàng chính được khai thác, vừa ở phòng lục sự toà sơ thẩm nơi chi nhánh đem thế chấp tọa lạc.
Điều thứ 86 - Việc đăng ký nói ở điều trên phải được làm trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày lập chứng thư thế chấp, bằng không thì vô hiệu.
Sự vô hiệu nầy có thể được nêu lên bởi bất cứ đương sự nào, kể cả con nợ.
Điều thứ 87 – Trong trường hợp có khánh tận hay thanh toán tư pháp, các điều 873, 874 và 875 của bộ luật nầy sẽ áp dụng cho việc thế chấp cửa hàng thương mại.
Điều thứ 88 - Nếu cửa hàng có nhiều trái chủ thế chấp, thứ bậc giữa các người này sẽ được định theo nhựt kỳ đăng ký của họ.
Những trái chủ đăng ký cùng ngày sẽ được xếp đồng hạng và dự chia theo tỷ lệ số nợ.
TIẾT III
CÁC ĐIỀU KHOẢN CHUNG CHO VIỆC ĐOẠN MẠI VÀ THẾ CHẤP CỬA HÀNG THƯƠNG MẠI
PHỤ TIẾT I
VỀ CÁC THỦ TỤC VÀ THỂ THỨC ĐĂNG KÝ
Điều thứ 89 - Để đăng ký đặc quyền, chủ bán cửa hàng hay trái chủ thế chấp, hoặc tự mình, hoặc do một người đệ tam, phải xuất trình chứng thư đoạn mại hay chứng thư thế chấp tại phòng lục sự toà án có thẩm quyền.
Nếu chứng thư nói trên là công chứng thư, đương sự phải xuất trình một bản toàn sao; nếu là tư chứng thư, phải xuất trình một bản chánh. Bản chánh của tư chứng thư nầy sẽ được lưu trữ tại phòng lục sự.
Điều thứ 90 – Cùng với việc xuất trình nói trên, chủ bán cửa hàng hay trái chủ thế chấp phải lập và nạp hai tờ phiếu trên đó có ghi:
1) Tên họ và địa chỉ của người bán và người mua, hay của chủ nợ và con nợ cũng như tên họ và địa chỉ của người sở hữu chủ cửa hàng, nếu người này là một đệ tam nhân; nghề nghiệp của tất cả nếu có.
2) Nhựt kỳ và tính chất của chứng thư.
3) Giá bán, được lập phân biệt cho công cụ, hàng hóa và các yếu tố vô hình của cửa hàng, cũng như các đảm phụ đã được định giá nếu có; hay nghạch số của trái quyền đã ghi trong chứng thư, các điều kiện về tiền lời và về tính cách khả sách của trái quyền.
4) Sự chỉ định cửa hàng và các chi nhánh của cửa hàng này nếu có, với sự chỉ dẫn minh bạch các yếu tố cấu thành cửa hàng và gồm trong việc đoạn mại hay thế chấp, tính chất của các nghiệp vụ của cửa hàng và chi nhánh, nơi cửa hàng và chi nhánh tọa lạc, cùng những chi tiết khác để cho cửa hàng và chi nhánh được xác định rõ.
Ngoài bảng hiệu, thương hiệu, quyền thuê mướn và khách hàng, nếu việc đoạn mại hay thế chấp còn gồm những yếu tố khác nữa thì các yếu tố khác nữa thì các yếu tố này phải được chỉ định minh bạch từng món một.
5) Trú quán mà người bán hay người trái chủ thế chấp đã tuyển định trong quản hạt của toà án nơi cửa hàng tọa lạc.
Điều thứ 91 - Việc bỏ sót không khai trên phiếu một hay nhiều điểm nói ở điều trên sẽ chỉ khiến cho sự đăng ký vô hiệu nếu sự bỏ sót đó gây thiệt hại cho các đệ tam nhân.
Chỉ các người nào bị thiệt hại bởi sự bỏ sót mới có thể viện dẫn sự vô hiệu nầy, và toà án sẽ tùy theo tính chất và mức quan trọng của sự thiệt hại, hoặc hủy bỏ hoặc giảm bớt hiệu lực của sự đăng ký.
Điều thứ 92 – Chánh lục sự sẽ chép vào sổ của mình với các lời ghi trên phiếu và sẽ trao trả lại cho đương sự một tờ, sau khi đã chứng nhận ở dưới tờ đó là sự đăng ký đã được làm rồi.
Điều thứ 93 – Chánh lục sự, khi có chứng minh, sẽ ghi bên lề của các tờ đăng ký, những sự thế quyền, và những sự xóa bỏ một phần hay toàn phần đăng ký.
Các sự thế quyền có thể được làm bằng tư chứng thư có trước bạ.
Điều thứ 94 - Nếu chứng khoán phát sinh trái quyền đăng ký là một chứng khoán có lệnh hành và nếu chứng khoán được chuyển cho người khác bằng cách bối thự, thì đặc quyền cũng đương nhiên được chuyển theo.
Điều thứ 95 - Sự đăng ký sẽ bảo tồn đặc quyền trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày đăng ký. Sự đăng ký sẽ hết hiệu lực nếu không được tái đăng ký trước ngày mãn hạn.
Sự đăng ký sẽ bảo đảm hai năm tiền lời ngang bậc với nợ chánh.
Điều thứ 96 – Các sự đăng ký sẽ được xóa bỏ, hoặc do sự thỏa thuận của các đương sự liên hệ, có năng lực để làm việc này, hoặc chiếu theo một án văn đã trở thành nhứt định.
Chánh lục sự sẽ thực hiện sự xoá bỏ bằng cách ghi vào bên lề trang sổ đã đăng ký.
Chánh lục sự sẽ cấp phát chứng thư xóa bỏ cho các đương sự, nếu họ yêu cầu.
Điều thứ 97 - Nếu không có án văn, thì sự xoá bỏ toàn thể hay một phần chỉ có thể thực hiện bởi chánh lục sự nếu đương sự xuất nạp được một công chứng thư xác nhận sự đồng ý của người chủ nợ, hay của người thụ nhượng được thế quyền hợp lệ.
Điều thứ 98 - Nếu sự xóa bỏ không được chủ nợ chấp thuận, thì con nợ có quyền khởi tố để xin án văn truyền xoá bỏ. Đơn khởi tố sẽ nạp tại toà sơ thẩm nơi sự đăng ký đã làm.
Nếu tố quyền gồm cả việc xin xóa bỏ các sự đăng ký làm trên các chi nhánh tại nhiều quản hạt khác nhau, thì chỉ cần nạp một đơn khởi tố trước toà sơ thẩm nơi đặt doanh nghiệp chánh.
Điều thứ 99 - Bất cứ ai cũng có thể yêu cầu chánh lục sự toà sơ thẩm sở quan cấp phát cho mình, hoặc một bản kê khai các sự đăng ký hiện có trên một cửa hàng, với các sự ghi chú về các sự xoá bỏ một phần các sự thế quyền một phần hay toàn thể, hoặc một chứng thư xác nhận là không có sự đăng ký nào trên cửa hàng, hoặc một chứng thư nói tổng quát rằng cửa hàng đã vướng đăng ký.
Chưởng khế hay viên chức được đề cử đứng ra phát mại một cửa hàng thương mại có thể, nếu thấy cần, yêu cầu chánh lục sự cấp phát bản sao các tư chứng thư đoạn mại vể cửa hàng đem bán gởi tại phòng lục sự.
Chưởng khế cũng có thể xin cấp một bản toàn sao các công chứng thư đoạn mại liên hệ đến cửa hàng đem bán, lưu trữ ở các văn phòng khác.
Điều thứ 100 - Bất cứ trong trường hợp nào, chánh lục sự không được từ chối hay trì hưỡn các sự đăng ký, hoặc từ chối hay trì hưỡn việc cấp phát các bản kê và các chứng thư nói trên.
Chánh lục sự phải chịu trách nhiệm nếu bỏ sót không ghi vào sổ các sự đăng ký được yêu cầu, hay bỏ sót một hay nhiều đăng ký hiện hữu không ghi trong bản kê và các chứng thư cấp phát nói ở điều trên, trừ phi trong trường hợp sau, sự lầm lẫn đã xảy ra là do sự chỉ dẫn thiếu sót không thể quy trách được cho chánh lục sự.
Điều thứ 101 – Khi sự đoạn mại hay chuyển nhượng khác hay thế chấp cửa hàng gồm cả các nhản hiệu chế tạo và thương mại, các hình vẽ hay kiểu mẫu kỹ nghệ, hoặc các bằng sáng chế, thì sự đoạn mại hay thế chấp phải được đăng ký cả ở sở công nghiệp sở hữu trong một thời hạn mười lăm ngày, sau ngày đăng ký việc đoạn mại hay thế chấp tại phòng lục sự. Bằng không, đối với các đệ tam nhân, sự đoạn mại hay thế chấp sẽ coi như vô hiệu, riêng về các nhản hiệu chế tạo và thương mại, các hình vẽ hay kiểu mẫu kỹ nghệ, các bằng sáng chế đem bán hoặc thế chấp.
Các việc đăng ký, xóa bỏ một phần hay toàn phần và sửa đổi các đăng ký tại sở công nghiệp sở hữu, cũng như việc xin cấp phát các bản kê khai các đăng ký tại nơi trên, sẽ được làm theo các thể thức ấn định trong các điều khoản của các luật và bản văn liên hệ nói về bằng sáng chế và nhãn hiệu chế tạo.
Nếu các luật và bản văn trên có ấn định thể thức gì riêng cho các sự chuyển nhượng hay thế chấp bằng sáng chế và nhãn hiệu chế tạo thì cũng phải tuân theo các thể thức này.
Điều thứ 102 - Một văn kiện lập quy sẽ được ban hành để ấn định các sổ đăng ký mà phòng lục sự phải giữ, cách thức làm sổ và giữ sổ, nói chung các thể thức thi hành các điều khoản của phụ tiết nầy.
PHỤ TIẾT II
VỀ CÁC NGƯỜI TRUNG GIAN
Điều thứ 103 – Không được trực tiếp hoặc gián tiếp, dầu với danh nghĩa là thừa sai, làm môi giới, trung gian, cố vấn chuyên nghiệp hay soạn thảo chứng thư trong các việc chuyển nhượng, mua bán, và thế chấp cửa hàng thương mại những người sau đây:
1) Các người đã bị kết án về một trong những tội dự định ở điều 21 luật ngân hàng ngày 24-10-1964.
2) Các người đã bị kết án về một trọng tội thường phạm, hoặc về các tội sau đây: phá sản, trộm, sang đoạt, lường gạt, biển thủ công quỹ, sách thủ tiền bạc, chữ ký, giá khoán, phát hành chi phiếu không tiền bảo chứng, thề gian, làm chứng gian, mua chuộc nhân chứng.
3) Các người đã bị kết án vì toan tính hoặc đồng lỏa phạm các trọng tội và khinh tội nói ở hai khoản trên.
4) Các thương gia bị khánh tận mà chưa được phục quyền.
5) Các cựu nhiệm lại bị bãi chức hay chuyển chức.
6) Các luật sư bị gạch tên trên danh biểu vì kỷ luật.
Điều thứ 104 – Các người nói ở điều trên cũng không được, bất cứ với danh nghĩa nào, làm thụ thác tiền bán cửa hàng thương mại.
Điều thứ 105 – Vi phạm các sự cấm chỉ nói ở hai điều trên, sẽ bị phạt tù từ một tháng đến sáu tháng và phạt vạ từ 50.000$ đến 500.000$
Trong trường hợp tái phạm, các hình phạt sẽ tăng lên gấp đôi.
TIẾT IV
NÓI VỀ QUYỀN CÁC TRÁI CHỦ ĐĂNG KÝ, VIỆC PHÁT MẠI CỬA HÀNG THƯƠNG MẠI
VÀ VỀ VIỆC CHIA TIỀN CHO CÁC TRÁI CHỦ
PHỤ TIẾT I
VỀ QUYỀN CÁC TRÁI CHỦ ĐĂNG KÝ VÀ VỀ VIỆC PHÁT MẠI CỬA HÀNG THƯƠNG MẠI
Điều thứ 106 – Trong trường hợp muốn dời cửa hàng đi nơi khác, người chủ phải cáo tri y định của mình, cũng như nơi tọa lạc cửa hàng, cho các trái chủ đăng ký biết trước ít nhứt là mười lăm ngày bằng văn thư ngoại tư pháp tống đạt tới trú quán tuyển định của các trái chủ, bằng không thì các trái quyền đã đăng ký sẽ đương nhiên khả sách.
Muốn giữ thứ bậc của sự đăng ký, chủ bán và trái chủ thế chấp trong thời hạn muời lăm ngày, kể từ ngày được cáo tri, hay kể từ ngày mà họ được biết cửa hàng đã được dời chỗ, phải xin ghi chú nơi tọa lạc mới vào bên cạnh sự đăng ký đã có; và nếu nơi tọa lạc mới nầy thuộc một quản hạt khác, chủ bán và trái chủ thế chấp phải xin thực hiện tại phòng lục sự toà sơ thẩm nơi quản hạt này một sự đăng ký mới giữ nguyên nhựt kỳ của sự đăng ký cũ, và chỉ rõ nơi tọa lạc mới của cửa hàng.
Trong trường hợp các trái chủ có đăng ký không thi hành các thể thức nói ở khoản trên, họ có thể bị tuyên bố mất đặc quyền, nếu có sự chứng minh rằng do sự sơ xuất của họ, các đệ tam nhân đã bị thiệt hại vì bị lầm tưởng về tình trạng pháp lý của cửa hàng.
Điều thứ 107 - Nếu vì dời đi nơi khác mà cửa hàng bị mất giá, các trái quyền đăng ký có thể do đó trở nên khả sách trừ phi người bán và các chủ nợ thế chấp đã ưng thuận cho dời chỗ.
Đơn xin tuyên bố khả sách trái quyền phải đệ nạp trước toà sơ thẩm nơi tọa lạc cửa hàng.
Điều thứ 108 - Chủ nhà muốn xin giải hiệu giao kèo thuê mứơn bất động sản tại đó cửa hàng đăng ký được thiết lập, phải tống đạt bằng văn thư ngoại tư pháp đơn khởi tố của mình cho các trái chủ đã đăng ký trước, tại nơi trú quán tuyển định khi khai đăng ký. Tòa án chỉ có thể tuyên án sau một tháng, kể từ ngày tống dạt.
Sự giải hiệu tương thuận giao kèo, hay do một điều khoảng trong giao kèo,
chỉ trở thành nhất định một tháng sau tống đạt bằng văn thư ngoại tư pháp cho các trái chủ đã được đăng ký nơi trú quán tuyển định của họ.
Điều thứ 109 - Bất cứ trái chủ nào sai áp chấp hành con nợ và cả con nợ bị sai áp chấp hành, điều có thể xin toà sơ thẩm nơi toạ lạc cửa hàng, cho phép phát mại toàn thể cửa hàng cùng với các dụng cụ và hàng hoá tuỳ thụôc cửa hàng.
Tòa án, trong bản án, sẽ cử một quản trị viên tạm thời để quản trị cửa hàng nếu cần, định các giá đặt bán, các điều kiện chánh của việc bán, và cử một chưởng khế để lập điều kiện sách và thi hành phát mại.
Toà án thụ lý đơn phải xét xử trong điều kiện một tháng kể từ phiên t òa lần đầu. Án văn tuyên đọc sẽ được kháng tố, và sẽ được thi hành trên nguyên bổn. Án văn nói trên có thể bị kháng cáo và sự kháng cáo sẽ có hiệu lực đình chỉ. Đơn kháng cáo phải làm trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày cáo tri của phòng lực sự. Phòng lục sự phải cáo tri án văn trong hạn 48 giờ sau tuyên án, mặc dầu sau tuyên án các đương sự hay luật sư của họ có mặt hay không. Phúc quyết sẽ không bị kháng tố và sẽ được thi hành trên nguyên bổn.
Điều thứ 110 – Các trái chủ có đăng ký trên cửa hàng chủ bán và trái chủ thế chấp, dù chỉ có trong tay một chứng khoán bằng tư chứng thư, cũng có thể, tám ngày sau một tờ dốc thúc trả tiền tỏ ra vô hiệu quả, cho con nợ và cho người đệ tam trì chủ cửa hàng, nếu có, xin toà án cho phép được phát mại cửa hàng.
Điều thứ 111 - Người đứng truy tố, sẽ đốc thúc bằng văn thư ngoại tư pháp, ít nhứt là mười lăm ngày trước ngày bán, cho người chủ cửa hàng và cho các trái chủ đã đăng ký trước ngày có án văn ra lệnh bán cửa hàng để các đương sự đến xem điều kiện sách và nạp những nhận xét của họ và dự cuộc phát mại, nếu họ thấy cần. Tờ đốc thúc sẽ tống đạt tận nơi trú quán mà các đương sự đã tuyển định trong lời khai đăng ký của họ.
Việc phát mại sẽ được cử hành sớm nhất là mười ngày, sau ngày dán yết thị bán. Trong yết thị sẽ cho biết: tên họ, nghề nghiệp và địa chỉ của người đứng truy tố và của người chủ cửa hàng, án văn chiêu đó việc phát mại được thi hành, trú quán được tuyển định trong quản hạt toà án nơi cửa hàng toạ lạc, những yếu tố của cửa hàng, tính chất nghiệp vụ của hàng, nơi toạ lạc cửa hàng, giá đặt bán các yếu tố, ngày giờ và nơi đấu giá; tên họ và địa chỉ của chưởng khế hay viên chức được chỉ định để thi hành phát mại và giữ điều kiện sách.
Các yết thị này phải được chưởng khế hay viên chức thi hành phát mại cho dán tại nơi cửa chánh bất động sản nơi đặt cửa hàng, tại toà thị sảnh và toà án nơi toạ lạc cửa hàng, và tại văn phòng chưởng chế hay viên chức được chỉ định.
Yết thị trên cũng được cho đăng ít nhứt là mười ngày trước ngày phát mại, trên một tờ báo có quyền đăng những bố cáo pháp định thuộc quản hạt toà thượng thẩm mà toà sơ thầm nơi tọa lạc cửa hàng trực thuộc.
Các sự công bố trên đây sẽ được ghi chú trong vi bằng phát mại.
Mọi sự vô hiệu về thủ tục tiền phát mại phải được nêu ra ít nhứt là tám ngày trước phát mại, bằng không sẽ thất hiệu. Chánh án toà sơ thẩm nơi cửa hàng toạ lạc sẽ xét xử các phương chước vô hiệu trên đây theo thủ tục khẩn cấp. Án lệnh của chánh án không được kháng tố hoặc kháng cáo.
Điều thứ 112 – Toà án thụ lý đơn xin trả một món nợ có liên quan đến cửa hàng thương mại có thể, nếu lên án buộc trả tiền, và nếu người trái chủ yêu cầu, truyền cho phát mại cửa hàng trong một phán quyết chung.
Tòa án có thẩm quyền cho phép là toà sơ thẩm nơi tọa lạc cửa hàng. Toà này sẽ ấn định cho con nợ một thờI hạn sau đó cửa hàng sẽ đem đi phát mạI, nếu nợ không trả, và sẽ phán xử theo thể thức định ở điều 109 khoản 2.
Các điều khoản ở điều 109 khoản chót và điều 111 sẽ áp dụng cho việc phát mại.
Điều thứ 113 – Trong trường hợp người mua đấu giá cửa hàng không thi hành các điều kiện của việc phát mại, cửa hàng sẽ được đem ra bán cuồng dấu, theo các thể thức định ở điều 111.
Người cuồng dấu sẽ phải trả cho các trái chủ của người chủ cửa hàng cũng như cho ngườ chủ cửa hàng, số sai biệt giữa giá mà y đã trả và giá bán được sau khi có cuồng dấu. Nếu giá bán sau khi có cuồng dấu trội hơn, người cuồng dấu không có quyền đòi số dư khoản.
Điều thứ 114 - Bất cứ trái chủ nào định đem phát mại riêng một hay nhiều yếu tố của một cửa hàng bị đăng ký, sau khi sai áp chấp hành, phải tống đạt bằng văn thư ngoại tư pháp việc chấp hành nầy cho các trái chủ nào đã đăng ký quyền lợi của họ ít ra được mười lăm ngày tính đến ngày tống đạt, sẽ tống đạt cho các chủ nợ tại nơi trú quán mà họ đã tuyển định trong lời khai đăng ký. Phải tống đạt ít nhứt là mười ngày trước ngày định đem bán.
Trong thời hạn mười ngày nói trên, bất cứ trái chủ đăng ký nào, dù trái quyền đã đáo hạn hay chưa đáo hạn, đều có thể khởi tố các người liên hệ ra trước toà sơ thẩm nơi cửa hàng tọa lạc để xin tòa án cho đem bán toàn thể cửa hàng, theo lời yêu cầu của người đứng truy tố, hay lời yêu cầu của chính trái chủ đăng ký, và theo như quy định ở các điều 109, 110 và 111 nói trên.
Các dụng cụ và hàng hoá sẽ được đem ra phát mại chung với cửa hàng, nhưng sẽ được đặt giá riêng. Tuy nhiên , toà án có thể, trong bản án cho phát mại, định rằng người nào đấu giá được các yếu tố vô hình sẽ phải lấy các dụng cụ và hàng hoá, theo sự ước lượng của giám định viên.
Trong trường hợp chỉ có một yếu tố của cửa hàng bị đặc quyền đăng ký, sẽ phân định giá cho các yếu tố khác.
Điều thứ 115 - Sẽ không chấp nhận một sự tăng giá cạnh mại nào đối với những sự phát mại được thực hiện trong các trường hợp và theo thể thức định ở các điều 76, 109, 110, 111, 112, 114 và 117 của luật này.
PHỤ TIẾT II
VỀ VIỆC THANH TIÊU CÁC ĐẶC QUYỀN VÀ VỀ QUYỀN XIN TĂNG GIÁ CẠNH MẠI 1/10 CỦA TRÁI CHỦ CÓ ĐẶC QUYỀN
Điều thứ 116 - Đặc quyền của chủ bán trái chủ thế chấp được duy trì trên cửa hàng dù cửa hàng di chuyển qua bất cứ tay ai.
Nếu cửa hàng được chuyển nhượng không phải do đấu giá công khai chiếu theo các điều 76, 109, 110, 112, 114 và 117 của luật này, người thụ đắc muốn tránh sự truy tố của các trái chủ đăng ký, phải tống đạt bằng văn thư ngoại tư pháp cho các người này biết rằng mình sẳn sàng xin trả lập tức bằng tiền mặt tất cả các số nợ đã đăng ký cho tới giá mua của mình không phân biệt nợ khả sách hay chưa khả sách.
Sự tống đạt này sẽ làm trước khi có truy tố, hoặc trong thời hạn mười lăm ngày (15) kể từ ngày nhận được đốc thúc trả tiền, nếu không thì thất hiệu.
Tờ tống đạt sẽ chỉ định cửa hàng một cách chính xác và ghi rõ họ tên, địa chỉ của người chuyển nhượng, giá mua cửa hàng, không kể giá các vật dụng và hàng hoá. Trong trường hợp cửa hàng được chuyển nhượng vô thường hay đổi chác không định giá, tờ tống đạt sẽ phải ghi sự trị giá cửa hàng.
Phải đính theo tờ tống đạt một bảng kê gồm ba cột: cột thứ nhứt ghi các nhựt kỳ các việc đoạn mại và thế chấp trước cùng nhựt kỳ các sự đăng ký hiện hữu, cột thứ hai ghi tên họ và địa chỉ các trái chủ đăng ký; cột thứ ba ghi số nợ đăng ký.
Trong tờ tống đạt, người thủ đắc sẽ tuyển định cư trú trong quản hạt toà sơ thẩm nơi cửa hàng tọa lạc.
Trong trường hợp chứng khoán của người chủ mới gồm nhiều yếu tố, phân tán ở nhiều nơi, có bị đăng ký tất cả hay không, được đem bán chung một giá hay theo giá riêng, thì tờ tống đạt sẽ ghi giá riêng cho mỗi yếu tố, nếu cần , bằng cách phân định một giá riêng cho mỗi yếu tố trong giá chung ghi tại chứng khoán.
Điều thứ 117 – Khi điều 115 không được áp dụng, bất cứ trái chủ nào đều có thể, bằng truyền phiếu của thừa phát lại đứng giá cạnh mại và xin bán cửa hàng này theo cách đấu giá công khai. Trái chủ phải đề cung tố giá thêm một phần mười giá chánh, không tính dụng cụ và hàng hoá và phải chỉ định người bảo lãnh về giá mua và đảm phụ, hoặc phải chứng minh tư lực đầy đủ của mình.
Lời yêu cầu nầy do trái chủ ký tên phải tống đạt cho người mua, cho con nợ, trong thời hạn mười lăm ngày, kể từ ngày người mua tống đạt như nói ở điều 116 trên, bằng không thì thất hiệu. Tờ tống đạt phải triệu hoán các người mua và con nợ ra trước toà sơ thẩm nơi tọa lạc cửa hàng, để toà xét xử về sự hữu hiệu của việc gia tăng cạnh mại, về việc chấp nhận bảo lãnh hay về tư lực của người tố giá, và về sự phát mại. Toà sẽ truyền người mua bị tố giá phải thông tri chứng thư của y và giao kèo thuê mướn hoặc văn tự nhượng giao kèo cho chưởng khế được chỉ định thi hành phát mại.
Thời hạn mười lăm ngày nói trên, sẽ không được gia tăng , vì lý do xa cách giữa trú sở tuyển định và trú sở thật sự của trái chủ đăng ký.
Điều thứ 118 - Kể từ ngày sự tăng giá cạnh mại được tống đạt, người mua chấp hữu cửa hàng sẽ đương nhiên làm quản trị cung thác cửa hàng đó, và sẽ chỉ được thi hành những hành vi quản trị mà thôi. Tuy nhiên, người nào có quyền lợi cũng có thể trong bất cứ giai đoạn tố tụng nào, xin tòa khẩn cấp cử một quản trị viên khác.
Điều thứ 119 – Sau khi sự tăng giá cạnh mại được tống đạt, theo như nói ở các điều từ 76 đến 80 và từ 117 đến 125 mỗi trái chủ ngăn chặn hoặc đăng ký, đều có thể đứng ra thế người tố giá để truy hành phát mại, nếu người này không tiếp tục tố quyền của mình trong tháng có sự tăng giá cạnh mại. Người tố giá không được phép, dù trả số tiền đã bỏ thêm để cạnh mại, bãi nại để hủy bỏ việc phát mại, trừ phi có sự thỏa thuận của tất cả các trái chủ ngăn chặn hoặc đăng ký.
Điều thứ 120 – Các thể thức về thủ tục và về việc phát mại sẽ được thi hành do sự mẫn cán của người tố giá, theo thể lệ định ở các điều 109 khoản 2 và 3 , 111 và 114 khoản 4. Nếu có sự khiếm khuyết của người này, thì sự thi hành sẽ do người mua hay bất cứ trái chủ đăng ký nào đảm trách, rủi ro và phí tổn do người tố giá phải chịu, và người bảo lãnh của người tố giá vẫn phải chịu sự bảo đảm.
Điều thứ 121 – Khi phát mại, nếu không có ai trả giá, thì trái chủ tố giá sẽ được tuyên bố đấu giá được.
Điều thứ 122 - Người đấu giá được phải nhận các dụng cụ và hàng hoá trong tình trạng hiện có khi chấp hữu; một cuộc giám định tương thuận hoặc tư pháp sẽ thực hiện đối tịch giữa người mua bị tố giá, người bán cửa hàng và người mua đấu giá được, để định giá cho dụng cụ và hàng hoá nói trên.
Điều thứ 123 - Người đấu giá được phải trá giá mua, ngoài ra phải hoàn lại cho người mua bị truất hữu các sở phí xác đáng về tờ giao kèo của người nầy cũng như các sở phí về tống đạt, đăng ký và công bố định ở các điều 54, 64, 65 và 66 nói trên.
Điều thứ 124 - Người đấu giá được cũng phải hoàn lại cho kẻ hữu quyền các sở phí đã chi xuất cho việc bán cạnh mại.
Điều thứ 125 - Điều 113 sẽ áp dụng cho phát mại và cạnh mại.
PHỤ TIẾT III
VỀ VIỆC CHIA TIỀN CHO CÁC TRÁI CHỦ
Điều thứ 126 – Khi giá bán cửa hàng thương mại đã trở thành nhứt định, bất luận người nào trì thủ tiền bán cũng phải ký thác vào quỹ cung thác số tiền này; nếu có phần tiền chưa khả sách, thì số tiền đáo hạn đến đâu sẽ ký thác đến đó, kèm theo sự ký thác, người mua phải khai cho quỹ cung thác và gởi cho chánh lục sự toà án nơi cửa hàng tọa lạc bảng kê khai các sự ngăn chặn cùng với các sự đăng ký trên cửa hàng hay yếu tố cửa hàng và các sự di nhượng trái quyền đã tống đạt cho người mua.
Điều thứ 127 – Chánh lục sự nhận được hồ sơ phải làm ngay thủ tục phân chia tiền cho các trái chủ.
Điều thứ 128 - Thủ tục phân chia giá cửa hàng thương mại sẽ làm theo như ấn định trong Bộ dân sự và thương sự tố tụng về sự phân phối tiền phát mại bất động sản.
TIẾT V
VỀ VIỆC HÙN CỬA HÀNG VÀO CÔNG TY
VÀ VIỆC QUẢN LÝ TỰ DO CỬA HÀNG
PHỤ TIẾT I
VỀ VIỆC HÙN CỬA HÀNG VÀO CÔNG TY
Điều thứ 129 - Mọi việc hùn cửa hàng thương mại vào một công ty đương thành lập hay sẳn có đều phải được công bố theo các điều kiện và thể thức đã định ở phụ tiết III, tiết I, chương III quyển 1, cho các đệ tam nhân được biết.
Điều thứ 130 – Trong thời hạn mười lăm ngày kể từ ngày có sự công bố lần thứ nhì, mọi trái chủ không đăng ký của người hùn cửa hàng sẽ phải cho phòng lục sự toà sơ thẩm nơi cửa hàng tọa lạc biết tư cách trái chủ cũng như số tiền mà người hùn thiếu của mình. Chánh lục sự sẽ cấp biên nhận lời khai trên cho trái chủ.
Điều thứ 131 – Trong thời hạn ba mươi ngày, sau thời hạn nói ở điều 130, các hội viên hoặc một trong các hội viên này, có quyền khởi tố xin hủy công ty hay sự hùn cửa hàng vào công ty.
Nếu không có sự khởi tố, hoặc đơn xin hủy không được toà án chấp thuận, thì công ty sẽ phải liên đới với con nợ chánh trả các món nợ đã khai trong thời hạn và được chứng minh.
PHỤ TIẾT II
VỀ VIỆC QUẢN LÝ TỰ DO CỬA HÀNG
Điều thứ 132 - Việc quản lý một phần hay toàn thể một cửa hàng thương mại, với trách nhiệm bản thân của người quản lý, được quy định như sau đây, mặc dầu khế ước quản lý có những ước khoản trái ngược.
Điều thứ 133 - Người quản lý tự do sẽ có tư cách thương gia và phải chịu các trách vụ do đó mà có. Đặc biệt người quản lý tự do phải xin ghi tên vào sổ thương mại, với sự chỉ dẫn tư cách quản lý tự do của mình và tên họ của người thuận cho quản lý.
Điều thứ 134 - Người quản lý tự do cửa hàng cũng phải xin sửa đổi đăng bạ của chính mình trên sổ thương mại, với sự ghi chú minh bạch là cửa hàng được cho quản lý.
Điều thứ 135 - Mọi giao kèo quản lý tự do phải được công bố trễ nhứt là mười lăm ngày, sau ngày ký, bằng một trích lục hay bố cáo trong tờ báo có quyền đăng những bố cáo pháp định.
Điều thứ 136 – Khi sự quản lý tự do chấm dứt, cũng sẽ phải đăng ký và công bố như trên.
Điều thứ 137 – Trên đầu các hoá đơn, thư từ, giấy đặt hàng, tài liệu ngân hàng, sổ giá mục, sổ giao hàng và trên tất cả các văn kiện do người quản lý hay đại diện ký, sẽ bó buộc phải ghi rõ: số đăng bạ tại sổ thương mại toà án nào; tư cách quản lý tự do, tên họ, địa chỉ, số quốc gia danh bộ, số đăng bộ tại sổ thương mại của người cho quản lý, tên , họ, địa chỉ của người này.
Mọi vi phạm khoản trên sẽ bị phạt vạ từ 5.000$00 đến 50.000$00.
Điều thứ 138 – Toà án có thể, tuyên bố các món nợ của người quản lý tự do cửa hàng, liên quan đến cửa hàng này, tức khắc khả sách vào ngày cửa hàng được cho quản lý tự do, nếu toà án xét rằng việc cho quản lý có thể làm nguy hại cho việc truy thu số nợ.
Điều thứ 139 – Đơn xin tuyên bố món nợ khả sách phải được đệ nạp trước tòa sơ thẩm nơi cửa hàng tọa lạc trong thời hạn ba tháng kể từ ngày sự quản lý được công bố trên một tờ báo có quyền đăng bố cáo pháp đình, bằng không thì thất hiệu.
Điều thứ 140 – Cho đến khi sự quản lý tự do được công bố, người cho quản lý phải liên đới với người quản lý chịu trách nhiệm về các món nợ do người này vay để khai thác cửa hàng.
Điều thứ 141 - Điều 139 không áp dụng cho trường hợp các thụ ủy tư pháp để cho quản lý tự do cửa hàng, miễn là họ được phép hợp lệ và đã thi hành đầy đủ các biện pháp công bố luật định.
Điều thứ 142 – Khi sự quản lý tự do chấm dứt, tất cả các món nợ của người quản lý tự do, liên hệ đến việc khai thác cửa hàng, vay trong thời kỳ quản lý sẽ lập tức khả sách.
MỤC LỤC * QUYỂN 2 * QUYỂN 3 * QUYỂN 4 * QUYỂN 5