main billboard

 

Ở tuổi 13, cô trở thành cánh tay đắc lực của Mạ cô, phụ giúp Mạ trông coi quán cà phê. Thuở đó, cô chưa hề có chút dáng dấp của nhân vật “nàng” trong bài thơ Tuổi Mười Ba của Nguyên Sa. Cô cũng chưa được phép đọc báo Tuổi Ngọc. Cô mê mẩn chúi đầu, chúi mũi vào báo Thiếu Nhi và Tuổi Hoa. Cô vương vương buồn, rươm rướm nước mắt, khi đọc Chiếc Lá Thuộc Bài của Nguyễn Thái Hải. Cô hồi hộp, tim đập thình thịch, lúc đọc Pho Tượng Rồng Vàng của Hoàng Đăng Cấp. Vậy thôi. Cô thuần là một đứa con nít, biết cộng trừ nhân chia nhanh nhảu, để giúp Mạ ngồi thâu tiền cà phê ở quầy. Thật ra, cô có 2 người chị thuộc hàng giai nhân, đủ tiêu chuẩn làm say mê bao gã thiếu niên đa tình*. Nhưng hai chị đang bận rộn những năm cuối của trung học. Bởi thế, văn nhân tài tử đến quán cà phê, ít khi thấy 2 bóng hồng, dù chỉ thấp thoáng. Mà chỉ thấy con bé lấp ló sau quầy, mắt chăm chú đọc những tờ giấy ghi đặt các thức uống, hoặc hý hoáy trên mấy hóa đơn tính tiền.

Chuyện bưng dọn có nhiều người phụ giúp. Cho nên, việc ngồi quầy tính tiền của cô xem ra khá nhàn nhã. Quán mở cửa từ 6 giờ chiều. Cho đến 8 giờ tối, quán lưa thưa khách. Cô tương đối rảnh rỗi, có thể đọc vội vài trang sách. Ờ, có cuốn Chiếc Bẫy Kỳ Nhông của Thụy Ý vừa về tuần này, cô không thể chờ được nữa. Cô nôn nao lật vội cuốn sách vẫn còn thơm mùi giấy mới, mùi mực in. Có người khách đầu tiên đến, ngồi bàn số một, bàn ở ngoài cùng, sát hàng rào bông giấy.

Chị Mến ra tiếp, trở vào, nói với cô: “Bữa ni lại có anh nớ mở hàng”. Chị đưa cho cô tờ giấy nhỏ, do khách ghi thức uống mình muốn đặt. Cô nhìn tờ giấy: 1 ly cà phê đen. Nét chữ thật đẹp, thật lả lướt. Cô đã quen nét chữ. Đó là anh láng giềng. Ở bên kia đường, chênh chếch với quán cà phê của gia đình cô. Trong con mắt của cô, anh là người lớn, rất lớn. Anh có vẻ cao to và chững chạc hơn ông anh kế của cô nhiều. Về sau, cô biết thêm, anh ở cùng nhà với 2 người em gái. Một người trang lứa với chị của cô, một người ngang lớp em gái cô. Anh hay đến sớm, ngồi nhâm nhi cà phê một mình. Sau đó, thêm vài bạn bè kéo ghế ngồi chung với anh ở bàn số một, bên cạnh chậu mai tứ quý. Có khi anh đến lúc quán còn vắng, anh không đặt thức uống, chỉ xin ngồi nghe nhạc. Anh yêu cầu bài Như Cánh Vạc Bay. Mạ cô đã đôi lần gặp anh, có cảm tình với cậu thanh niên hàng xóm hiền lành. Mạ kêu chị Mến đem cho anh bình trà. Anh uống trà, nghe thêm vài bản nhạc rồi lặng lẽ về, trước giờ quán cà phê chộn rộn, xôn xao khách hàng vào ra. Không hiểu vì lẽ gì, thấy anh, cô lại liên tưởng đến hình bìa của cuốn sách bày bán trên nhà sách của gia đình cô. Cuốn Chân Dung Chàng Nghệ Sĩ Trẻ (A Portrait of the Artist as a Young Man) của James Joyce. Cô chưa đọc cuốn sách này, nên không biết nội dung cuốn sách. Bởi, cô vẫn tuân theo luật bất thành văn của Ba Mạ cô. Nếu sách dịch, chỉ được đọc những sách ở tủ giữa, những cuốn như Tâm Hồn Cao Thượng, Vô Gia Đình… Thật lạ, sau này, nhắc đến anh, nhỏ em kế của cô cũng có ấn tượng như cô về anh nghệ sĩ. Đã mấy chục năm qua, mà hai chị em cô vẫn còn tưởng như thấy được hình bìa của cuốn sách trên kệ tủ.

chang nghe si

Bảo Huân

Thuở đó, khách hàng quán cà phê của nhà cô hình như ai tâm hồn cũng lai láng thơ văn. Các anh lớn, có lẽ đa số đang những năm cuối của trung học. Cô nghe loáng thoáng, ban C là ban văn chương thi phú. Cô đang học lớp 7, chưa có khái niệm rõ rệt về cách chia ban của trung học đệ nhị cấp. Cô nghĩ, anh giống nghệ sĩ quá, chắc là anh theo ban C. Một hôm, chị Mến nói: “Anh nớ nhờ chị đưa cho em cái ni.” Chị đưa cô tờ giấy nhỏ, gấp đôi. Còn sớm, vắng khách, cô nhẩn nha mở tờ giấy đọc:

Biết tóc em có mượt,

Biết mắt em có nâu,

Bởi nào dám nhìn sâu,

Ta e em sớm sầu.

Chữ viết của anh đẹp quá, mấy câu thơ trên tờ giấy nhỏ trông như một bức họa. Cô hiểu những từ, những ngữ trong bài thơ. Nhưng có lẽ cô còn quá nhỏ để thấm ý thơ. Cô thấy vui, định gặp anh nói lời cám ơn. Nhìn ra bàn số một trống trơn. Anh đã rời quán, có lẽ đang băng qua đường – đại lộ Quang Trung – về nhà, ôn bài vở cho kỳ thi tú tài sắp tới. Cô cất bài thơ của anh trong hộc tủ, rồi cô quên khuấy đi.

Anh nghệ sĩ vẫn đến quán cà phê vào giờ sớm. Quán đang để nhạc hòa tấu. Cô nhờ ông anh cô thay cuộn băng nhạc Tứ Quý vào máy. Cô nghĩ, anh nghệ sĩ có lẽ rất thích giọng ca Lệ Thu, Duy Trác. Cô được thảnh thơi với việc ngồi quầy cà phê hơn 2 năm. Cơn lốc 1975 đã dữ dội thay đổi nhịp sống gia đình cô. Ba cô đi “học tập”. Hai chị lớn vào Sài Gòn. Mạ cô buộc lòng phải cho những người phụ giúp trong nhà nghỉ việc, vì sợ mang tiếng “tư bản”. Mấy Mạ con phải tự xoay sở, lo toan mọi việc của quán cà phê. Cô không còn thong dong ngồi ở quầy đọc truyện giờ sớm. Cô và nhóc em trai lo việc “ngoại giao” đằng trước. Mạ cô và mấy đứa em khác lo việc “nội vụ” đàng sau. “Két” cà phê chẳng có ai ngồi. Vì 2 chị em bận tíu tít, lo bưng dọn lẫn tính tiền. Hai chị em như những vận động viên chạy ma-ra-tông, khuôn viên của quán cà phê là sân vận động. Mấy tháng đầu sau đổi đời, quán không có nhạc. Vì gia đình cô không dám mở nhạc vàng, mà nhà lại chẳng có nhạc xanh, nhạc đỏ của thời cuộc. Dầu vậy, anh nghệ sĩ vẫn thường xuyên có mặt.

Cô buồn lo, không biết những ngày trước mặt sẽ tăm tối như thế nào. Tiệm sách của Mạ cô đã bị đóng cửa. Lúc này quán cà phê là nguồn thu nhập duy nhất cho gia đình cô. Cô giấu đâu đó cái tươi tắn của thiếu nữ bước vào tuổi trăng tròn. Máy hát băng nhạc đã phải ngừng hoạt động hẳn. Khách hàng ngồi quán nhìn quanh, thấy những khuôn mặt quen, chắc là “phe ta”, thế là cất giọng, hát cho nhau nghe. Quán bây giờ chỉ còn những màn văn nghệ “tại chỗ” bất ngờ như vậy thôi. Mạ con cô nhiều khi rất hồi hộp, vì sợ tai vách mạch rừng. Nhưng những “tiểu nhạc hội” đã giúp cô đôi phút quên đi được những nhọc nhằn, lo lắng của cuộc sống. Bữa nọ, cô đưa cho anh nghệ sĩ bảng thức uống kèm tờ giấy trắng nhỏ để đặt hàng. Khi cô nhìn vào tờ giấy để biết khách hàng muốn uống gì, thì lại thấy mấy hàng chữ, chứ không phải chỉ ngắn ngủn ghi 1 ly cà phê đen. Cô mân mê tờ giấy có bức tranh thơ:

Có một điều khó nói,

Dễ thương nhất trên đời,

Vì em chưa chịu hỏi,

Nên tôi giữ mình tôi.

Cô chưa kịp xao xuyến đọc đi, đọc lại bài thơ. Tai ương đã ập xuống. Mấy Mạ con cô bị đuổi ra khỏi nhà. Ngôi nhà gia đình cô đã bao năm ở đó, khoảnh vườn phía trước trở thành quán cà phê được 3 cái Tết Nguyên Đán, bỗng nhiên là tài sản của nhân dân. Mấy chị em cô cầm tờ lý lịch đen như mực, không hy vọng gì được bén mảng đến trường. Gia đình cô xuôi Nam, từ giã thị xã nhỏ bé nhưng nhiều kỷ niệm. Sau hai lần di cư, gia đình cô lạc nghiệp ở Âu Châu.

Có lẽ ý nghĩ ngộ nghĩnh của 2 bài thơ ngắn đã đi vào tiềm thức của cô. Thuở tóc còn xanh, hình như cô đã đôi lần “chưa chịu hỏi”, để những điều “khó nói” vẫn mãi “dễ thương nhất trên đời”. Có lẽ nhờ vậy, đến bây giờ, gần 4 thập niên đã qua, cuộc sống của cô vẫn có được nhiều khoảnh khắc hạnh phúc. Cô vẫn giữ được mắt kính nhiệm mầu, tô hồng những giấc mộng ngắn dài của cuộc đời.

Cô được biết, anh nghệ sĩ đã nhiều năm là thầy thuốc mát tay chữa bệnh. Anh cũng là nhạc sĩ có tiếng tăm trong làng văn nghệ.

Dù bao năm không hề liên lạc, dù hình ảnh còn lại trong trí về anh chỉ là đôi nét mờ ảo, mơ hồ, cô vẫn thật xúc động, khi biết tin anh qua đời hôm rằm Trung Thu năm nay.

Đó đây, giới văn nghệ nhắc đến anh với bài hát Màu Xanh Thời Gian. Thân hữu của anh trầm trồ nhạc phẩm Gió Bấc, bản tình ca khởi đầu mối tình vượt thời gian của vợ chồng anh. Anh ra đi để lại bao thương tiếc trong lòng gia đình, bè bạn và rất nhiều tha nhân. Người ta nhớ đến anh là vị bác sĩ từ tâm, quảng đại, là nhạc sĩ tài hoa. Có những giọng ca thời thượng trình bày nhạc phẩm của anh. Trên liên mạng, rất nhiều người ái mộ anh, đã có những chùm thơ, đoản văn viết về anh.

Riêng cô, tưởng nhớ đến anh qua hình ảnh chàng nghệ sĩ. Nghệ sĩ trong tâm hồn chứ không phải nghệ sĩ của màn nhung, đèn màu. Qua anh, cô đã có được ấn tượng thật đẹp về người nghệ sĩ. Anh ra đi khi tuổi đang dần bước vào ngưỡng cửa Sáu Mươi Năm Cuộc Đời. Nhưng trong trí cô, anh vẫn mãi là chàng nghệ sĩ trẻ với tấm lòng nhân ái, với mắt nhìn đầy tin yêu vào cuộc sống.

Cô xin thắp một nén nhang cầu nguyện hương hồn anh sớm về miền vĩnh phúc.

Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt chàng nghệ sĩ trẻ.

HQ

* Lời trích trong nhạc phẩm:

Cô Hàng Cà Phê của nhạc sĩ Canh Thân