Vợ chồng tôi bước vào khi hội trường đã đông nghẹt quan khách. Những người bạn đồng khóa réo tên nhà tôi inh ỏi bằng những câu chào mừng hài hước chẳng khác gì thuở tóc còn xanh. Tôi cũng được các chị đón tiếp vui vẻ. Sau lời chào hỏi là những câu chuyện trao đổi thật hào hứng của chúng tôi với bao tiếng cười ròn rã.
Nhìn quanh, thấy có nhiều người đang tìm chỗ trong khi bàn còn hai ghế trống, tôi kề tai chị Lưu hỏi nhỏ:
– Chỗ này để dành cho ai hả chị?
– Không, “băng bụi đời” của tụi mình đã đủ nhân số rồi.
Khi người MC vừa bước lên sân khấu thì có hai cô gái tiến đến bàn vui vẻ hỏi:
– Chị ơi, bạn em có thể ngồi đây không?
Chị Lưu quay lại rồi nháy mắt với chị Thuyên.
– Chỗ này có người rồi.
Tôi thoáng chút ngạc nhiên vì mới đây chị Lưu đã xác định là nhóm đã đủ người. Nhưng qua thái độ của hai chị tôi đoán có điều gì không ổn. Nhìn nét ỉu xìu trên khuôn mặt cô gái tôi nói khẽ:
– Xin lỗi em.
Cô mím môi cười nhẹ:
– Dạ không sao!
Tôi không ngừng theo dõi hai cái bóng dáng xinh xinh. Sau nhiều vòng đảo tới đảo lui, cuối cùng họ đi lên chiếc bàn phía trên cạnh sân khấu mà tôi đoán là bàn của ban nhạc và ca sĩ.
Các chị đang bắt đầu xì xào về nhân vật vừa xuất hiện. Nhiều câu nói không được thiện cảm thốt ra lại càng gợi trong tôi sự tò mò và chú ý quan sát. Cô gái năng động, nói cười vui vẻ tên Lam Kiều là ca sĩ của ban nhạc. Cô bạn kia có vẻ chừng mực và trầm tĩnh hơn. Cô ngồi lặng lẽ không trò chuyện cùng ai. Với ánh mắt thoáng buồn, thỉnh thoảng cô lại đưa mắt nhìn về phía bàn tôi đang ngồi. Những lúc ấy, tôi vẫy tay chào bằng nụ cười thân thiện, cô cũng đáp lại bằng cái cúi đầu thật nhẹ nhàng, dễ thương. Hành động nhỏ ấy không lọt qua mắt chị Lưu và lập tức tôi được cảnh báo.
– Đó là một cô nàng nguy hiểm.
– Ý chị là sao?
Không chút ngập ngừng, chị kê tai tôi nói nhỏ:
– Nghĩa là… nếu cô ta ngồi ở bàn này thì các ông chồng của tụi mình sẽ siêng năng đến hỏi han vợ nhưng đôi mắt lại đi lạc về hướng khác. Đó là lý do tại sao mình từ chối không muốn cô ngồi chung bàn.
Tôi bật cười:
– Có phải chị đang quan trọng hóa vấn đề không?
– Thật một trăm phần trăm. Cả năm chị mới sang đây họp mặt một lần nhưng tụi mình thì cứ vài tháng lại có những cuộc gặp gỡ như thế này. Chuyện xảy ra nhiều lần nên các bà phải đề cao cảnh giác.
Tôi nhíu mày:
– Vậy là lỗi ở các ông nhà mình chứ đâu phải lỗi của cô ấy.
– Ừ thì… tại…
– Tại cô ấy đẹp?
Chị Lưu gật gù:
– Điều đó đúng, nhất là đôi mắt buồn buồn của cô ta như thu hút người đối diện thì làm sao các bà vợ không lo vì cô ta đang là góa phụ còn xuân mà.
– Ồ, thì ra cô nàng bị kỳ thị, bị cắt đứt mọi sự giao tiếp chỉ vì ngoại hình và hoàn cảnh bất hạnh.
Chị Lưu cười ngượng ngùng:
– Ùm… đó chỉ là phương cách đề phòng thôi chứ đâu có nghiêm trọng như chị nghĩ.
Và chị tiếp tục nói. Nói những điều đang là ảo chứ chưa phải là thực để biện hộ cho việc chị làm.
Tôi chán nản quay sang trái rồi quay sang phải. Chịu đựng đến 2 tiếng đồng hồ sau tôi mới khều nhẹ chị, chỉ tay về phía phòng vệ sinh và bước đi nhanh sau cái thở phào nhẹ nhõm.
Bảo Huân
o O o
Ra khỏi cánh cửa bên hông nhà hàng chúng tôi ngồi xuống chiếc bàn nhỏ ẩn mình dưới tàn cây lớn với những chùm đèn đang tỏa ánh sáng màu xanh nhẹ nhàng, thanh thoát. Tôi kêu lên thích thú khi được đứng giữa bầu không khí yên tịnh, tách rời khỏi những âm thanh ồn ào, chát chúa phía bên trong. Lam Kiều kéo ghế mời:
– Nếu chị muốn thư giãn thì nơi đây tạm gọi là lý tưởng.
– Tuyệt vời. Cám ơn và hân hạnh được biết hai em.
Diệu Như mỉm cười. Nụ cười duyên dáng giữa đôi môi xinh xắn, quyến rũ.
– Còn đối với em đây là niềm vui bất ngờ khi được gặp chị trong khung cảnh đặc biệt này.
Tôi nghiêng đầu nhìn Như:
– Hữu duyên thiên lý năng tương ngộ.
– Dạ, cái duyên thật dễ thương và quý báu.
Quay sang Lam Kiều, Như nói tiếp bằng giọng hớn hở:
– Thiệt tình, hồi nãy vì thương Kiều mà Như ráng đi, chứ chưa đến đây mình đã đoán được những gì sẽ phải đối diện. Kiều nói “đi cho vui” chứ thật ra…
Kiều xua tay:
– Thôi… thôi… dẹp bỏ cái suy nghĩ tiêu cực, cũ xì của bồ đi. Chẳng lẽ vì những điều người ta nghĩ không đúng về mình mà cứ như con ốc, suốt ngày rút mình trong cái vỏ cứng ngắc.
Quay sang tôi, Kiều tía lia:
– Chị nè, nhìn ánh mắt của chị là em có thể đoán được chị hiểu phần nào câu chuyện.
Hất mặt về phía phòng tiệc, Lam Kiều tiếp:
– Dễ gì mấy bà chằn đó tha cho tụi em. Trước kia cũng đã từng quen biết nhau, chuyện trò vui vẻ nhưng từ khi Như trở thành phụ nữ độc thân thì tức khắc nàng bị các bà xa lánh. Nói thật, tụi em đâu có mất giá đến nỗi dễ dàng trở thành người thứ ba mà các bà cứ chằm chằm nhìn vào tụi em bằng thái độ phòng thủ. Nhỏ Như lúc nào cũng sợ sệt e dè. Muốn ăn mặc đẹp cũng sợ người ta nói, muốn cười đùa thoải mái cũng sợ tiếng khen chê. Lúc nào cũng “giờ mang tiếng độc thân, không có chồng bên cạnh nên phải ý tứ”. Ý tứ gì chứ, em cũng độc thân vậy mà em đâu có ngại ngùng, khép nép như nhỏ này. Ha! ha! độc thân không phải là ế mà là đang chờ người tử tế để yêu, đúng không chị? Em thích đời sống độc thân vì em được tự do, không bị ràng buộc bởi mối quan hệ nào. Muốn ăn, muốn ngủ lúc nào cũng được và nhất là không phải đau, không phải buồn vì một người đàn ông.
– Kiều ơi, kiểu độc thân của Kiều và Như hoàn toàn khác nhau.
– Khác chỗ nào, sao bồ cứ suy nghĩ viển vông, tự làm khổ mình.
Diệu Như vuốt nhẹ mái tóc, nhìn tôi với ánh mắt thăm thẳm và nụ cười buồn tênh:
– Khác nhau ở chỗ Kiều chưa bao giờ có gia đình, còn Như thì đã từng có chồng nên người ta nghĩ Như sẵn sàng sống buông thả, sẵn sàng dấn thân vào những cuộc phiêu lưu tình cảm mà không cần biết đến hậu quả. Chị biết không, lần đầu tiên em đi cùng Kiều đến những chỗ như thế này sau 2 năm giấu mình trong căn nhà hiu quạnh, mọi người nhìn em rất lạ. Cái nhìn kèm theo những tiếng xì xầm to nhỏ làm em nhớ đến những cô bạn thân đã ở bên cạnh an ủi, vỗ về trong lúc em lao đao, thê thảm nhất, giờ cũng từ từ dang xa em khi thấy chồng họ, người đã từng giao du mật thiết với vợ chồng em, nhiệt tình giúp đỡ những việc cần thiết mà em không thể tự làm được. Có lẽ ngay lúc chồng em vừa nằm xuống, họ thật lòng xót thương em trong hoàn cảnh bơ vơ không người nương tựa. Nhưng khi em bắt đầu vượt qua hoàn cảnh nghiệt ngã, bắt đầu mạnh mẽ hơn để đứng lên tiếp tục sống và cố gắng tạo niềm vui cho mình, thì người phụ nữ góa bụa này bỗng trở nên nguy hiểm cho cái hạnh phúc họ đang có. Ngay cả ông anh chồng của em cũng bị vợ ngăn cản mỗi khi em nhờ anh ấy giúp việc gì dù nhỏ hay lớn … Em thật sự ngỡ ngàng và tủi thân, vì trong phút chốc bị mọi người đẩy ra khỏi mối quan hệ đã từng có khi chồng em còn sống, để tự đó em nhận biết đâu là nơi em nên đến và đâu là nơi em phải tránh xa. Đến nỗi khi chạm mặt các anh, em cũng vội vàng lẩn tránh không dám chào hỏi. Nhưng khi em thu mình trong một góc vắng mỗi khi phải tham dự một bữa tiệc nào đó thì lại bị cho là kiêu ngạo. Từ ngày mất chồng, em mất luôn cả bạn bè và người thân. Chị ơi, em phải sống sao cho đúng đây?
Diệu Như nhìn tôi, đôi mắt buồn thấp thoáng sau mái tóc dài buông xõa. Tôi đặt tay lên bàn tay có những ngón thon dài sơn màu tím nhạt:
– Em hãy là chính em và hãy sống theo cách em muốn sống. Kiều nói đúng, em cứ ăn diện theo ý thích và đến những nơi vui chơi mình muốn bằng tất cả sự tự tin. Đừng tự buộc mình vào cái ranh giới mơ hồ mà khắc nghiệt do chính mình đặt ra. Đối với các bạn nam giới, em cứ giữ sự giao tiếp như ngày nào. Lịch sự, vui vẻ nhưng không dễ dãi. Hòa mình vào các sinh hoạt một cách tự nhiên. Không gò bó cũng không phóng túng, phải biết phớt lờ những ánh mắt khắt khe, ngờ vực để sống thoải mái. Chẳng nên để trong lòng những lời phê phán thiếu thiện ý. Chị tin em sẽ vượt qua được, nhất là bên cạnh em còn có cô bạn Lam Kiều. Một Lam Kiều với suy nghĩ tích cực và yêu đời như những bản nhạc vui tươi, sôi động mà cô nàng đã trình diễn trên sân khấu lúc nãy.
– Ha! Ha! cám ơn chị đã tặng em một viên kẹo bọc đường ngọt ngào như em mong muốn.
Ba bàn tay vỗ vào nhau tạo nên âm thanh rộn rã. Tôi nhìn ra sân, lác đác đã có vài mươi người ra về. Sửa lại chiếc khăn choàng trên vai, tôi đứng lên:
– Đến giờ chị em mình phải chia tay rồi. Chắc anh xã chị đang chờ.
Cả ba cùng đi vào phía trong. Khi ngang qua phòng vệ sinh, Lam Kiều hóm hỉnh hỏi:
– Biết đây là đâu không?
Diệu Như lườm nhẹ bạn rồi mắng khẽ:
– Nhỏ này… ba trợn!
– Không có ba trợn chút nào nhe bồ. Nếu tụi mình không vào đây cùng một lúc để có cơ hội bắt chuyện làm quen trong lúc xếp hàng chờ và chợt nhận ra, ủa sao mới trao đổi vài ba câu mà đã nói chuyện với nhau “ăn rơ” quá vậy ta thì làm gì có những giây phút tâm tình ngắn ngủi mà thật ý nghĩa. Cho nên… với tôi, đây là “nơi tình yêu bắt đầu”… Ý tôi muốn nói, nhờ chỗ này mà trong những ngày sắp tới chị đây sẽ là một bờ vai ấm áp mà Như đang cần.
Mắt Như thoáng lóng lánh những hạt nước khiến lòng tôi nao nao.
– Nếu được vậy thì thật may mắn cho em.
Ra đến bãi đậu xe chúng tôi trao nhau những cái ôm trìu mến để thay lời tạm biệt.
Chiếc xe vừa lăn bánh, anh xã tôi đã ngọt giọng bóng gió:
– Lại “3 điều 4 chuyện”. Lại sẽ có một cuộc hẹn hò ra quán để lai rai, bàn luận và lại có một anh chồng sẽ qua loa bữa trưa bằng tô mì gói. Có ai tội nghiệp tui không nè?
Tôi ngả đầu vào vai anh thủ thỉ:
– Cám ơn anh luôn thông cảm và ủng hộ bà vợ lắm điều, nhiều chuyện này.
NB