Buổi học cuối cùng |
Tác Giả: Trần Bình Nam | |||
Chúa Nhật, 14 Tháng 10 Năm 2012 21:15 | |||
Ngủ dậy trễ, tôi uể oải không muốn đến trường. Thầy Hinh nói hôm nay Thầy kiểm tra về cách giải toán chuyển động mà Thầy đã giảng hôm trước. Tôi dốt toán nên rất sợ buổi học hôm nay. Tôi quyết định bỏ học, vội xách cặp vở chạy băng ra đồng theo các bạn con nhà nghèo, đi tát cá. Hôm nay mát. Bầu trời trong xanh. Hít gió đồng thật thú vị. Chạy qua một cánh rừng tràm, thấp thoáng bên kia bìa rừng một đồn lính Pháp. Mấy ông hạ sĩ quan người Pháp đang tập cho những người lính trẻ Việt Nam đi “một hai”. Nghĩ sự lười biếng trốn học sẽ đưa mình vào đồn lính, tôi bỏ ý định đi tát cá, chạy vội lại trường. Chạy qua trụ sở xã tôi thấy nhiều người dân đang chen nhau đọc một thông cáo dán trong một thùng có lưới sắt. Cái thùng dán thông cáo này là nơi mang đến cho dân trong xã mọi thông tin, thường là không vui. Tin Đức gây chiến bên trời Tây, tin phong trào Văn Thân ngoài miền Trung bị dẹp tan, tin về thuế gạo gia tăng… Tôi tự hỏi “Tin gì nữa đây?” Ông Ân, một nông dân và cậu con 15 tuổi, đang đứng đọc thông cáo nói với tôi: “Đừng vội. Mày đến lớp chưa trễ đâu”. Tưởng ông Ân nói khích tôi, tôi không trả lời, vừa chạy đến lớp vừa thở hỗn hển. Ngày thường lớp học bắt đầu ồn ào, đi ngoài cổng trường đã nghe tiếng ghế xê dịch và tiếng nói chuyện lao xao như một đàn ong vỡ tổ. Thầy Hinh thường nhịp nhịp cây thước lên bàn ra lệnh “Im! Im đi các con” . Tôi tính sẽ lợi dụng sự ồn ào đó để lén vào lớp khỏi bị Thầy mắng. Nhưng hôm nay lớp học im lặng khác thường. Nhìn qua cửa sổ tôi thấy học trò đã ngay ngắn vào chỗ, thầy Hinh kẹp cái thước dưới nách đi qua đi lại nhìn học trò một cách trìu mến. Cứ nghĩ phải mở cửa bước vào lớp tôi run lên. Nhưng, sau khi tôi mở cửa, Thầy Hinh nhìn tôi bằng đôi mắt hiền từ, bảo: “Về chỗ ngồi nhanh đi con. Xuýt nữa thầy bắt đầu buổi học thiếu con”. Tim bớt đập, tôi ngồi quan sát lớp học. Thầy Hinh hôm nay mặc áo dài đen, quần trắng, mang giày da, bộ áo quần thầy chỉ mặc vào dịp thanh tra, phát phần thưởng hay đi dự đám tang. Cuối lớp nơi hàng ghế thường ngày bỏ trống tôi thấy ông Viên, xã trưởng, ông Công, người chạy công văn xã và vài viên chức xã ăn vận chỉnh tề im lặng ngồi, nét mặt ai cũng trầm tư. Tôi đang thắc mắc chưa biết chuyện gì thì thầy Hinh đã kéo ghế ngồi vào bàn thầy giáo, ôn tồn nói với chúng tôi: “Các con! Hôm nay là buổi học cuối cùng bằng Việt ngữ. Chính phủ Pháp từ Ba Lê đã ra lệnh rằng: Ngày mai tất cả trường học ở Nam Kỳ bắt đầu dùng tiếng Pháp làm chuyển ngữ. Thầy sẽ đi. Thầy mới của các con ngày mai sẽ tới. Hôm nay thay vì kiểm tra toán chuyển động thầy giảng cho các con về Truyện Kiều của văn hào Nguyễn Du. Các con ráng nghe vì các con không còn dịp nghe giảng Truyện Kiều ở lớp nữa. Tôi choáng váng.Thì ra hôm nay dân chen chúc xem thông cáo ở xã là vậy. Hôm nay là buổi học bằng Việt ngữ cuối cùng! Tôi bỗng hối tiếc đã bỏ những buổi học chạy theo tổ chim, đầm cá. Tôi hối tiếc thời gian đã mất. Tập văn ghi chép Kiều, ghi chép các giai đoạn lịch sử Việt Nam thường ngày tôi thấy nặng chĩu trên lưng hôm nay tôi cảm thấy quý hiếm như sắp rời xa một người thân. Và thầy Hinh, nghĩ đến Thầy sẽ bỏ chúng tôi ra đi tôi quên hết những hình phạt của Thầy, những chiếc thước nặng nề vào đít mỗi lúc tôi bỏ lớp. Tội nghiệp thầy Hinh! Chính vì hôm nay là buổi học cuối cùng Thầy đã ăn mặc như những ngày vui buồn trong thôn xóm và bây giờ tôi hiểu tại sao các viên chức xã có mặt. Họ không có cơ hội đến lớp học này nữa. Họ đến cũng để tiễn biệt và cám ơn thầy Hinh đã ròng rã 40 năm chăn dắt con cái trong làng xã. Họ đến để một lần cuối giả từ nhiệm vụ đối với triều đình. Đang miên man với những ý nghĩ lộn xộn trong đầu tôi nghe thầy Hinh gọi tên tôi. Thầy bảo tôi đọc một đoạn Kiều. Giở tập văn tôi tự hỏi làm sao tôi có thể đọc trôi chảy mấy vần thơ lục bát kia. Tôi lắp bắp không thành tiếng, cố gắng đứng thẳng mặt cúi gầm, trái tim nặng chĩu. Thầy Hinh từ tốn: “Thầy không mắng con đâu. Sự lúng túng của con đã là một hình phạt cho con. Ngày này qua ngày khác ai cũng tự nhủ: Còn chán thì giờ, ngày mai học muộn gì! Thế rồi con thấy đó, bây giờ muốn học cũng không được quyền học nữa. Còn gì nhục nhã cho bằng người Việt Nam mà không biết Truyện Kiều! Nhưng không phải chỉ một mình con có lỗi. Mọi người đều có phần trách nhiệm của mình. Nhiều gia đình bố mẹ không cho con đi học. Bắt con đi cuốc đất làm thuê đem chút tiền về là tốt. Thầy cũng lắm tội. Khi các con đến thăm Thầy, thay vì giảng bài cho các con Thầy bảo các con đi tưới cây hay nhỗ cỏ vườn hoa cho Thầy. Và mùa cá trê Thầy thường kiếm cớ cho các con nghỉ học để đi câu.” Từ chuyện này qua chuyện khác thầy Hinh nói đến tiếng Việt và Truyện Kiều mà Thầy cho là một ngôn ngữ trong sáng nhất và là những vần thơ trác tuyệt nhất thế giới. Thầy nói chúng ta có bổn phận giữ gìn ngôn ngữ. Một dân tộc bị nô lệ mà vẫn bảo tồn được ngôn ngữ của mình thì vẫn còn cầm chiếc chìa khóa nhà tù trong tay. Rồi Thầy đọc một đoạn Kiều, giảng giải văn phạm, phân tích ngôn từ và ý nghĩa của nó. Thầy Hinh để cả tâm hồn vào đoạn văn như cố đem tàn lực trong buổi học cuối cùng nhồi nhét kiến thức vào đầu óc chúng tôi. Tôi ráng nghe và bỗng thấy thương Thầy và hiểu những điều Thầy nói. Giảng bài xong thầy Hinh bảo chúng tôi nắn nót chép bốn câu Kiều, và ghi chú ở dưới : “Truyện Kiều còn, tiếng Việt còn; tiếng Việt còn, nước Việt còn”. Ngoài sân mấy chiếc cờ tam tài nhỏ tô điểm cho buổi học cuối cùng bay phe phẩy theo gió. Trong lớp im phăng phắc tưởng như có thể nghe được tiếng bút sắt rào rào trên giấy. Trên ngọn cây bên kia sân mấy chú bồ câu đang ghé mỏ gù nhau. Một ý nghĩ khôi hài chợt đến, tôi tự hỏi không biết mấy con bồ câu có hỏi nhau “Từ nay chúng mình có phải gù bằng tiếng Pháp không?” Thỉnh thoảng nhìn lên tôi thấy thầy Hinh ngồi nơi bàn thầy giáo, nét mặt ưu tư lướt nhìn lớp học, sân trường và nhìn chúng tôi đang cắm cúi viết như cố thu vào trí nhớ của Thầy khung cảnh hôm nay. Bốn mươi năm Thầy ở trên gác và dạy học tại lớp học này. Học trò đến rồi đi, thỉnh thoảng có đứa trở lại thăm trường, nhưng thầy vẫn ngồi trong khung cảnh quen thuộc này. Khác chăng bàn ghế qua năm tháng nước gỗ láng hơn, mòn hơn. Các cửa sổ được nới rộng để thêm ánh sáng, ống gíó được đặt để lấy thêm gió vào lớp học mùa hè, nhưng lớp học vẫn vậy. Ngoài kia là sân cỏ, trên gác là nhà ở của Thầy với người con gái trộng tuổi chưa chồng. Vợ thầy mất đã lâu. Lớp học im lặng, Thầy nghe được cả tiếng đóng vali của cô con gái đang chuẩn bị hành lý. Ngày mai Thầy đi sớm, nhường nhà cho Thầy mới. Giảng Kiều xong, thầy Hinh bảo chúng tôi mở sách sử. Thầy giảng về các triều đại Trần, Lê, đánh Nguyên, diệt Minh, và ngừng khá lâu với người anh hùng áo vãi Quang Trung với trận đánh lẫy lừng nơi gò Đống Đa. Ở cuối lớp, ông xã trưởng và các chức sắc xã cũng mang kính đọc sử với chúng tôi. Thầy Hinh vận dụng sức mạnh tinh thần để đi đoạn cuối cuộc đời dạy học của Thầy. Giọng thầy run run vì xúc động làm tôi chỉ muốn khóc. Tôi biết rằng tôi sẽ không bao giờ quên được buổi học cuối cùng hôm nay. Bỗng tiếng chuông chùa sư nữ trong làng ngân vang báo hiệu giờ thọ trai của các ni sư. Ngoài đường một đoàn lính Tây đi tập trở về đồn với tiếng kèn inh ỏi. Thầy Hinh đứng dậy, sửa lại vạt áo Thầy bắt đầu: “Các con … các con …” rồi giọng Thầy tắc trong cổ không phát thành lời. Để nén nước mắt Thầy cầm một viên phấn màu viết lên bảng đen hai chữ “Việt Nam”. Thầy Hinh gục đầu vào tấm bảng đen, khoát tay ra hiệu bảo chúng tôi ra về.
|