Home Văn Học Khảo Luận Phúc trong Ngũ Phúc

Phúc trong Ngũ Phúc PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phụng   
Chúa Nhật, 25 Tháng 1 Năm 2009 11:08

Phúc

 Chữ Phúc tiêu biểu cho may mắn sung sướng, thường dùng trong từ ngữ hạnh phúc. Người Á Đông, từ lâu đã có nhiều hình tượng biểu thị chữ phúc, mà ngày nay người ta còn thấy trong nhiều vật trang trí, trong kiến trúc, và cả trên y phục. Từ đời nhà Minh (1368-1644), người ta thường khắc trên cánh cửa chính một chữ phúc lớn như để đón đợi hạnh phúc tới nhà, đúng như lời cầu mong của người Trung Quốc: 福 星 高 詔, phúc tinh cao chiếu, nghĩa là sao phúc từng cao chiếu xuống hay câu: 多 福 多 壽 , đa phúc đa thọ, nghĩa là nhiều may nhiều tuổi thọ, thường dùng để chúc nhau. Ngoài hình con giơi tượng trưng cho chữ phúc, người ta còn dùng trái phật thủ hay tranh ảnh vị phúc thần và vị môn thần dán trên cửa hay khắc trên mặt cửa vào đình chùa dinh thự.


 Chữ phúc treo (ngược) trước cửa
Nguồn: foreigners-in- china.com

Ngày Tết nguyên đán, người Trung Quốc có tục treo thuận hoặc treo ngược chữ Phúc ở trên cửa. Có hai truyện truyền kỳ giải thích truyện này. Truyện thứ nhất là một truyện từ đời nhà Minh (1368-1644) về chữ phúc viết thuận. Một hôm Minh Thái Tổ, Chu Nguyên Chương, vi hành tới một thị trấn nhỏ. Nhà vua thấy một đám đông người cười rỡn bên một bức họa. Tới gần, nhà vua thấy đó là một bức vẽ một bà già có bàn chân lớn quá khổ, tay ôm một trái dưa hấu. Nhà vua nhận ra bà già này chính là hoàng hậu. Nổi giận, nhà vua sai quân hầu theo dõi từng ngưòi trong đám người hỗn sược này về tận nhà, và viết chữ phúc trên cửa, để ngày mai nhà vua sẻ phái quân tời bắt. Trở về hoàng cung, nhà vua kể lại truyện này cho hoàng hậu nghe. Hoàng hậu vốn sẵn từ tâm, bà khẩn sai quân hầu hỏa tốc tới thị trấn này viết chữ phúc trên cửa mọi nhà dân. Sáng mai quan quân tới sau, không còn cách nào nhận ra được những ai là kẻ bị nhà vua cho lệnh tới bắt. Từ đó, người ta tin rằng chữ phúc, viết có thể dùng làm bùa hộ mạng cho mọi người.

Truyện thứ hai là truyền thoại từ đời nhà Thanh (1661-1911) về chữ phúc viết hay treo ngược. Chiều ba mươi tết, quan phủ lý của thái từ Cung Thân, cho lệnh treo chữ phúc trên cửa những chính ra vào đông cung. Có một tên lính hầu không biết chữ, treo ngược chữ Phúc. Thái từ nhìn thấy, nổi giận định trừng phạt tên lính hầu này. Quan phủ lý vốn là người giầu từ tâm, liền nghĩ ra cách gỡ tội cho tên lính hầu. Quan còn biết lòng thái tử khao khát may mắn để sớm lên ngôi báu. Ngài tâu thái tử: chữ phúc treo ngược là chữ phúc đảo, 倒, theo tiếng Trung Quốc đồng âm với chữ đáo 到, nghĩa là tới. Vậy chữ phúc treo ngược là điềm báo phúc đang tới. Thái tử hài lòng, không những không trừng phạt tên lính hầu mà còn trọng thưởng qua phủ lý và ban cho mỗi tên lính hầu năm lạng bạc. Quả là phúc đã tới với đám người này trong đêm trừ tịch đó.

Người Đông Á thường bày một bộ tam đa: phúc lộc thọ và hỷ. Theo truyền thuyết ba vị này vốn là ba vị phúc tinh, nguyên là ba ngôi sao trên trời. Giáng xuống trần gian vị phúc thần này hiện hình như một vị quan to, khuôn mặt phúc hậu, vận triều phục, tay cầm hốt ngà hay bế một đứa nhỏ kháu khỉnh.


 Phúc Lộc Thọ
Nguồn: huequay.net
 

Theo sách Tam Giáo Nguyên Lưu Sưu Thần Đại Toàn, Phúc Thần là một nhân vật có thật, tên là Dương Thành, người đất Đạo Châu, thuộc Hồ Nam. Dưới triều Hán Vũ Đế, nhà vua ra lệnh bắt nhưng ngưòi lùn về cung làm nô lệ, để hầu hạ làm vui cho nhà vua. Lệnh này khiến gia đình ngưòi lùn oán thán. Dương Thành dâng biểu xin tha cho những người lùn này, vì họ cũng là thần dân như mọi người khác, chứ không phải sinh ra để làm nô lệ. Hán Vũ Đế, nghe theo lời tâu bãi bỏ lệ bắt người lùn làm nô lệ. Gia đình người lùn biết ơn Dương Thành, đả giúp cho gia đình họ được đoàn tụ, họ bèn tôn làm Phúc Thần. Tục này lan tràn khắp Trung Quốc, và lưu truyền tới ngày nay. Tới đời nhà Đường, nhà thơ Bạch Cư Dị, sáng tác áng thơ Đạo Châu Dân 道 州 民 ca tụng công nghiệp này của Duơng Thành.

Có truyền thuyết khác kể là, theo lời Trương Đạo Lăng, một đạo sĩ sáng lập ra Huyền Lão, người đời Đông Hán thì Phúc Thần là một trong tam quan. Tam quan gồm có Thiên Quan Tứ Phúc, Địa Quan Xá Tội, và Thủy Quan Giải Nguy. Địa quan xá tôi xét việc tha tội cho người chết; Thủy quan giảm tội giảm tội cho nguời chết. Thiên Quan Tứ Phúc là vị quan trên trời, coi việc ban phúc cho ngưòi còn sống, nên được người người trông đợi và chọn làm phúc thần.

Cửa ngoài nhiều đền đài dinh thự lón thường trạm hình hai vị môn thần. Tục này có từ đời nhà Hán (25-220) với mục đích xua đuổi tà thần, phụ trì cho người sống sau cánh cửa. Lúc ban đầu hình tượng môn thần thường tạc trên gỗ cây đào, và treo trên cánh cửa. Sang tới đời nhà Tống (960-1279) người ta vẽ hình môn thần trên giấy hồng điều dán lên của, và tục này con truyền tới ngày nay, trong dịp tết nguyên đán.
Truyền thoại kể rằng vua Thái Tông nhà Đường (618-907) thường thấy qủy sứ hiện hình chạy trong cung, phá giấc ngủ của vua. Các quan trong triều ai nấy đều lo lắng cho long thể. Có hai võ tướng, tên là Tần Quỳnh và Uý Trì Cung, (có nơi chép là Trần Thúc Bảo và Uý Trì Kính Đức), không biết sợ ma qủy, tình nguyện canh giữ trắng đêm. Sau mấy đêm liền ngủ được yên giấc, nhà vua ca ngợi lòng dũng cảm của hai vị tướng. Thửa biết là không thể nào hai vị vũ tướng đó có thể mãi mải thức trắng đêm như vậy được, nhà vua sai người vẽ hình hai vị tướng, đũ cả giáp dầy gươm dài treo ngoài cửa cung. Ma qủy cũng không tới phá giấc ngủ của nhà vua nữa. Thần dân biết truyện theo gương họa hình hai vị môn thần này để giữ an ninh cho toàn gia.


 Môn thần: hai võ tướng nhà Đường, Tần Quỳnh và Uý Trì Cung (Qin Qiong và Yu-chi Gong)
Nguồn: foreigners-in- china.com

Đằng khác, theo Sơn Hải Kinh, trên núi Độ Sóc, ngài biển Đông, có một cây đào sống đã cả ngàn năm cành lá xum xuê kết thành cổng Quỷ Môn, thường thường qủy sứ phải đi qua cái cổng đó mới lên tới trần gian gieo rắc tội lỗi. Ngọc Hoàng Thưọng đế sai anh em Thần Trà và Úc Điệp canh gác cổng này không cho qủy dữ lọt qua. Có qủy dữ nào cố tình trái mệnh thì Ngọc Hoàng cho phép hai anh em môn thần bắt trói và ném cho cọp trên đỉnh núi ăn thịt. Lại cho tạc hình tưọng hai vị môn thần treo trên cánh cồng qủy môn: ảnh tượng Úc Điệp treo bên trái, ảnh tượng Thần Trà bên phải, để trừ tà ma.

Theo truyền thoại thứ hai, cây đào ngàn năm trên núi Độ Sóc kết trái đào tiên, ai ăn được cũng sống ngàn năm. Ở miệt Đông Bắc núi có tên tướng cưóp độc ác Dã Vương Tử, ttự xưng làm vua và mặc sức bóc lọt dân đen khắp vùng. Một hôm tướng cướp biết truyện đào tiên, sai đàn em đến cướp về cho gã. Nhưng Thần Trà và Ức Điệp dẹp tan bọn côn đồ đó dễ dàng. Dã Vương Tử giận dữ tập họp ba trăm đàn em đương đêm tối trá hình tới vây đánh Thần Trà và Ức Điệp để cướp đào tiên và trả thu cho đồng bọn. Thần Trà và Ức Điệp, thấy xuất hiện bọn qủy sứ mắt biếc tóc đỏ, liền ra tay bắt cả bọn, trói chặt ném cho hổ đói ăn thịt. Chiến thắng của Thần Trà và Úc Điệp vang dội khắp vùng, từ đó người ta tạc hình hai vị môn thần bằng gỗ đào để xua đuổi tà ma nghịch tặc.

Ngoài hình tương phúc thần và các môn thần treo trên hai cánh cửa, ngày đầu xuân người Đông Á thường dán hai bên cửa một đôi câu đối, viết mực tầu trên giấy đỏ, thưòng thưòng mội vế có năm hoặc bẩy chữ, đôi khi dài hơn. Nội dung thường là lời cầu mong được bình an, làm ăn phát tài, trong năm tới, nhưng nhất thiết phài theo đúng luật đối vần đối ý khe khắt. Tục treo câu đối này có từ đời Ngũ Đại (907-960), câu đối thưòng khắc trên gỗ đào. Truyền thoại kể rằng Mạnh Sưởng nước Sở, sai quan hàn lâm học sĩ, làm một đôi câu đối đón xuân, nhưng không được vừa ý, ông tự tay sáng tác và tạc một đôi cho thật hài lòng. Từ đó câu đối đón xuân của nhà nào cũng thường do chính chủ nhân nhà ấy sáng tác. Rồi tại Việt Nam, khi bút sắt thay thế bút lông, có mấy cụ đồ già viết thay những chủ nhà muốn treo câu đối đỏ mà không biết viết. Cũng theo truyền thoại, vua Minh Thái Tổ, đêm trừ tịch thường vi hành đọc câu đối đón xuân để biết rõ dân tình.

Phúc như đông hải mãi trường lưu
Nguồn: photobucket. com
 
 
Ngoài câu đối, người Đông Á còn dùng nhưng bức niên họa dán trưóc của để đón xuân. Từ đới Tống (960-1279) niên họa thường in trên giấy, vẽ những cảnh sinh hoạt ngày đầu năm, hơặc hình ảnh chim muông hoa lá kèm theo nhưng lời chúc tụng, sống lâu giầu bền, con đàn cháu đống ...

Trước kia, người ta dùng vào dịp đầu xuân, những cặp tượng đồng nam đồng nữ, mang tên Đại A Phúc tượng trưng hai đứa trẻ một trai một gái kháu khỉnh. tiêu biểu lời chúc tụng may mắn thêm con thêm cháu trong năm mới. Ngày nay tượng đồng nam đồng nữ trở thành một món quà đám cưới cổ điển mừng cô dâu.

Theo truyền thoại, cặp Đại A Phúc này xuất phát từ vùng núi Tích Huệ tỉnh Giang Tô. Trong núi có một cặp sư tử mầu xanh biếc, chuyên vồ trẻ thơ. Dân tình kinh sơ, lập đàn cầu cứu Ngọc Hoàng. Lời kêu cầu thấu tới tai Ngọc Hoàng. Ngưòi sai một cặp đồng nam đồng nữ, mang tên Đại A Phúc, xuống trần trị cặp sư tử không bắng sức mà bằng mưu mẹo. Cặp Đại A Phúc từ khi thắng đôi sư tử trở thành hai vị thần bảo trợ cho người Trung Quốc.

Hoa quả cũng được dùng làm biểu tượng cho lòng ước mong hạnh phúc cũa người Đông Á. Người ta tin rằng quả bầu nậm, tượng trưng cho trời đất, kiền khôn, chứa đựng tinh khí có khả năng xua đuổi tà ma. Người ta thường treo một trái bầu nậm nhỏ để thay bùa hộ thân, dưới cửa sổ hay cửa ra vào chính, trên đầu giường và trước mặt tài xế lái xe hơi. Theo kinh sách Đạo Giáo, trái bầu nậm, còn gọi là hồ lô, đựng thần dược của Lý Thiết Quài, một trong Bát Tiên Quá Hải.

Chiếc hồ lô đã vào văn học Trung Quốc qua chương 33, truyện thần thoại Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, một tác giả thế kỷ XVI. Truyện kể rằng Tôn ngộ Không biết rằng có bọn tiểu yêu rắp tâm dùng hồ lô để hại mình, liền hóa phép thành một chân nhân đạo Giáo đi gặp bọn tiểu yêu. Bọn nó khoe có một chiếc hồ lô có sức chứa ngàn người; Tôn Ngô Không cho hay chiếc hồ lô của ông, có sức chứa cả trời đất. Bọn tiểu yêu kinh ngạc xin Tôn Ngô Không cho xem phép lạ của hồ lô của ông và nếu quả vậy thì chúng xin nộp chiếc hồ lô của bọn chúng. Tôn Ngộ Không niệm chú, khiến ánh sáng mặt trời mặt trăng và cả tất cả tinh tú trên trời đều tắt ngẩm trong một giờ, khiến bọn tiểu yêu nghĩ là đã bị Tôn Ngộ Không hóa phép bỏ vào hồ lô. Lũ chúng năn nỉ xin nộp hồ lô của bọn chúng để được tha.


 Cầu D(V)ừa Đủ S(o)ài
Nguồn: giadinhonline. vn
 
Ngoài quả bầu nậm, người Trung Quốc còn dùng trái phật thủ (Citrus medica) để tiêu biểu cho hạnh phúc, bợi lẽ chữ Phật 佛 đồng âm vói chữ phúc 福, đọc là fú . Người ta thường bày trái phật thủ cạnh trái đào và trái lựu để tương trưng ba điều ược vọng đầu năm: trái đào tiêu biểu cho tuổi thọ, trái lựu tiêu biểu cho sinh dục, và trái phật thủ là hình ảnh bàn tay đang bắt ấn quyết của nhà Phật. Ba trái để cạnh nhau dường như lời cầu phép Phật cho người già tăng tuổi thọ cho ngưòi trẻ có thêm con. Hình ảnh ba trái này tưong tự như hình ảnh mâm quả của người Việt Nam gồm một trái mãng cầu, một trái đu đủ và một trái soài, biểu thị ý nguyện: cầu vừa đủ s(o)ài.

Hình ảnh thiên nhiên biểu thị ước mong hạnh phúc là hình ảnh những áng mây. Mây, viết theo tiếng Trung Quốc: 雲, đọc là yún đồng âm với chữ 運, đọc là yùn. Đọc theo âm Việt Nam, theo thứ tự là vân nghĩa là mây và vận nghĩa là dịp may. Chữ vân trong từ ngữ tường vân biểu thị đám mây mang may mắn tới cho người chờ đợi hạnh phúc. Đám mây này còn gọi là đám mây năm mầu: ngũ sắc vân, tiêu biểu cho ngũ phúc, tức năm niềm hạnh phúc. Hình ảnh đám mây thường gặp trong những nền trang trí trên tường, hoặc trên nền lụa may quần áo. Hình dạng đám mây gợi nên hình ảnh cây nấm linh chi tiêu biểu cho tuổi thọ bất tử. Mây cũng là nơi thần tiên ngao du như trong từ ngữ đằng vân.

Hạnh phúc mong đợi thường còn được tiêu biểu bởi một linh vật, tỷ như hình con rồng. Rồng đứng đầu tứ linh: long, ly, quy và phượng. Thời thượng cổ người ta cầu Long Vương để có mưa đủ nước trồng trọt. Rồng là linh vật lúc ẩn lúc hiện, lúc ở đáy nước lúc ở mây cao, lúc phun lửa lúc nhả mây. Giới cổ tự học cho biết là chữ long 龍 có từ đời nhà Thương, trước công nguyên gần ba ngàn năm, khắc trên những mu rùa dùng vào việc bói toán. Rồi trải qua nhiều triều đại, rồng là biểu tượng của đế quyền. Hình ảnh con rồng dành riêng cho hoàng đế qua nhưng danh từ như long sàng là giường vua, ngôi rồng là ngai vua, long bào là áo vua, long thể là mình vua ... Rồng hiện ra là điềm báo có qúy nhân giáng thế: tương truyền à có rồng hiện ra trước khi Khổng Khâu ra đời. Sử Việt Nam cho biết có rồng hiện ra khi vua nhà Lý thiên đô nên đặt tên kinh đô mới là Thăng Long. Trung Quốc có tục múa đầu rồng, gọi là long vũ, trong các kỳ lễ hội cầu mưa khi hạn hán, thường tổ chức vào dịp đầu năm dể cầu phước lộc cùng xua đuổi tà ma.


 
Tranh Đông Hồ
Nguồn: smoothtrader. com

Từ đời Tam Quốc (220-265) ngoài múa rồng còn có múa sư tử trong các kỳ hội hè của dân gian. Tục này lan sang Việt Nam: trong dịp lễ Trung Thu vào tuần trăng tròn tháng tám âm lịch cũng thường có múa rồng và múa sư tử. Theo phân tích của Trần Văn Khê trong một buổi thuyết trình, truyện múa rồng tại Trung Quốc và Việt Nam, tuy nhìn bề ngoài chẳng mấy khác nhau, nhưng ý nghĩa khác hẳn nhau. Tại Trung Quốc thì đó là một cuộc đấu sức giữa ngưòi và rồng hay sư tử. Tại Việt Nam thì đó là hoạt cảnh rồng mẹ âu yếm rồng con.

Sau linh vật, người Đông Á còn dùng bình để cắm hoa trang trí tiêu biểu cho ưóc mong được hạnh phúc nhân dịp đầu năm. Người Việt Nam thường dùng một chiếc bình lớm cắm một cành hoa đào hay một cành hoa mai vàng. Chữ bình 瓶 (là cái lọ) đồng âm với chữ 平 trong từ ngữ bình an. Tặng nhau một bình hoa là chúc nhau đưọc bình an vô sự. Mang bình hoa tặng ngưòi ốm là chúc người ốm mau bình phục. Trong ba ngày tết, người Trung Quốc nếu lỡ tay đánh vỡ bát đĩa, thường nói câu sui sui ping an, 歲 歲 平 安, nghĩa là bình an năm này năm khác. Tục này dường trái với tục người Việt Nam, đầu năm đánh vỡ bát đĩa coi là điềm sấu sợ rông cả năm.

Trở lại truyện dùng hình tượng con giơi để tiêu biểu chữ phúc, người ta còn dùng hình hai con giơi, mầu đỏ tạo nên hình tượng song phúc 雙 福. Hình con giơi ngậm đồng tiền cũng là một cách chơi chữ của người Trung Quốc.

ngũ phúc phủng thọ
Nguồn: blog.sina.com. cn


Hình tưọng này gợi ý thành bốn chữ: phúc tại nhãn tiền, 福 在 眼 前, nghĩa là phúc thấy trước mắt. Con giơi còn là biểu tượng chữ thọ. Sách thuốc Bản Thảo Cương Mục, 本 草 綱 目, xuất hiện từ thế kỷ thứ XVI, cho biết là giơi là giống vật có đời sống rất dài, máu giơi, mật giơi và cả cánh giơi đều có dược tính chữa bệnh mắt già và kéo dài tuổi thọ. Hình tượng năm con giơi đậu quanh chữ thọ quen gọi là ngũ phúc phủng thọ 五 福 捧 壽 là hình tượng rất thông dụng để chúc phúc thọ.

Hình tượng cầu phúc quen biết với mọi ngưòi quen đi ăn tiệm Trung Quốc là chiếc, 籤 語 餅, thiêm ngữ bỉnh, quen gọi là fortune cookie thường dùng làm đồ tráng miệng. Trong lòng bánh có một thẻ giấy đoán thời vận của người ăn bánh. Tục này không phải do người tại Hoa Lục phát minh, mà do một người Trung Quốc mở tiệm ăn tại San Francisco, California tìm ra vào khoảng năm 1920.