Home Văn Học Khảo Luận Vẻ đẹp mới trong thơ lục bát

Vẻ đẹp mới trong thơ lục bát PDF Print E-mail
Tác Giả: Hà Quảng   
Thứ Năm, 22 Tháng 1 Năm 2009 22:25

Nói đến thơ 6-8, người ta thường nghĩ đến một sản phẩm văn hóa tinh thần độc đáo của dân Việt. Nó có một vẻ đẹp giản dị nền nã không phai tàn theo thời gian. Thời nào, nơi nào có người dân Việt sinh sống là nó được yêu thích và tôn vinh. Nó có biến đổi theo năm tháng nhưng những cốt tính của nó không phai mờ.Cho dù trải hàng trăm năm cuộc sống bây giờ so với thời trước đã bề bộn hơn nhiều và tâm trạng con người đổi thay  nhiều thì thơ 6-8 vẫn biến hóa , để thể hiện được những thay đổi đó một cách sinh động,uyển chuyển. 

  Thờì cổ điển thì lục bát đã có nhiều đỉnh cao mà tót vời là Truyện Kiều ( Nguyễn Du), thờì hiện đại ở Băc có Nguyễn Bính , Tố Hữu, Huy Cận…, ở Nam có Nguyên Sa, Bùi Giáng… , thời đương đại có Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Nguyễn Trọng Tạo…, các thế hệ kế tiếp sau này thì trong nước cũng như hải ngoại rất đông, hầu như tác giả trẻ nào cũng tự thử thách mình với đôi bài lục bát tân kỳ… 

  Đọc những bài lục bát thế này : 

    lá ngô lay ở bờ sông
bờ sông vẫn gió người không thấy về

xin người hãy trở về quê
một lần cuối… một lần về cuối thôi

về thương lại bến sông trôi
   về buồn lại đã một đời tóc xanh

lệ xin giọt cuối để dành
trên phần mộ mẹ nương hình bóng cha

( Trúc Thông -Bờ sông vẫn gió) 

dẫu khó tính mấy chắc cũng phải xem là khá hấp dẫn, có tìm tòi! 

 Và những bài như:

nằm trên mái lá nghỉ ngơi
bi hoan ngay dưới gầm trời là ta

một con chim lượn qua à
thì giờ ở dưới trời và con chim

một con kim kỉm kìm kim...
một con đom đóm đi tìm gì rơi
...               

(Nguyễn Thế Hoàng Linh) 

chắc không thể không thốt lên lời thích thú vì nó tạo được một cảm nhận  mới lạ trong tâm thức người đọc! Đi vào khảo sát kỹ ta thấy, các bài thơ lục bát của các tác giả trẻ thời nay quả có nhiều khác trước . 

Thơ hay ở “tứ” ( vấn đề này các nhà thơ Phương Đông thường hay nói đến). Tuy có sự đóng góp của nhiều yếu tố, nhưng điều khá rõ ta thấy thơ 6 - 8 hiện nay nhiều bài len đứng được vào vị trí các bài thơ hiện đại hay là nhờ nắm được yêu cầu này - có tứ lạ!. 

Thơ 6-8 cũ phương thức cấu tứ chính là theo lối giải bày, bộc lộ trực tiếp sự diễn biến tâm trạng tác giả. Thơ 6 - 8 bây giờ có các phương thức cấu tứ đa dạng hơn và trong các lập tứ mới, yếu tố trí tuệ được gia tăng! Tứ thơ có khi là sự giải bày tình cảm trực tiếp, có khi chỉ là một sự gợi ý nêu vấn đề, có khi lại là một tự sự minh hoạ bằng chuyện kể v.v…Các yếu tố hư ảo , vô thức cũng được gia tăng trong việc lập tứ  và từ đó đưa đến một hệ quả “tính chất cá biệt” trong thơ 6 - 8 hiện đại rõ rệt hơn, đa dạng hơn, tác động thẩm mỹ vào tâm hồn người đọc dồi dào hơn.  

Bài thơ “Bờ sông vẫn gió” (Trúc Thông) mà chúng tôi trích dẫn trên kia là một minh chứng. Đứng ở bờ sông thấy gió lay lá ngô nhớ mẹ , theo cách nghĩ dân gian thấy hiu hiu gió tưởng là hồn về, tưởng mẹ về nhưng không thấy. Long mong nhớ không nguôi người con xin mẹ về một lần nữa thăm lại những kỷ niệm một thuở. Nuốt giọt lệ nhớ nhung vào lòng , những người con mong gặp lại song thân , đau đáu bên phần mộ người đã khuất. 

Bài thơ rất hay, đã diễn tả được sâu sắc tình cảm của những người con đối với bậc sinh thành đã khuất.Tứ bài thơ hư hư thực thực lãng đảng khói sương .Hiện tại và quá khứ , thực và mộng đan lồng vào nhau cùng với nỗi nhớ thương , mong ước .Bài thơ như giọt lệ long lanh nguyên khối, xúc động sâu sa tâm hồn người đọc! Cái môtip nhớ thương cha mẹ  ta được gặp rất nhiều trong thơ ca nhưng bài thơ này có một hình thức diễn đạt mới mẻ dẫu chủ yếu vẫn sử dụng thể thơ sáu - tám truyền thống nhưng tác giả cách tân nhiều.       

Hay bài: 

mưa sao ướt dột vô tình
mưa tôi ướt chỗ thình lình của em

con mắt toé lửa nghìn đêm
nghìn sau bão lửa cháy thềm hoa ngôn

tặng em cuống lá xanh rờn

con sâu vườn nguyệt bướm hôn mê từ            

 (hoàng xuân sơn   -  mưa sao mưa tôi)      

Bài thơ không chỉ một tầng nghĩa, xoay quanh cái ẩn dụ “mưa tôi”, tác giả thể hiện cái tình yêu say đắm, mãnh liệt nhưng có vài phần ngộ nghĩnh của mình : tặng em/cuống lá xanh rờn/con sâu vườn nguyệt/bướm hôn mê/từ.  

Ngoài việc tạo được tứ lạ, khảo sát kỹ ta thấy hai bài thơ còn có những điểm chung: 

- Bài thơ liền mạch từ đầu đến cuối không phân khổ , phân dòng, phân ngữ

- Toàn bài không có một dấu chấm, dấu phẩy nào hết chỉ có một dấu lặng (…)

- Có nhiều câu tuy 6/8 nhưng vắt dòng, leo thang

- Chữ đầu dòng hoàn toàn không viết hoa

- Nhịp (tiết tấu)  câu thơ tùy biến không cố định,  xen lẫn 2-2 truyền thống với  4-2, 4-3-1,  2-4… 

Chính sự cách tân này đã làm tăng sức tác động thẩm mỹ của bài thơ. Người đọc tiếp nhận được ở bài thơ một âm hưởng vừa xa vời, vừa gần gũi, vừa lạ, vừa quen... Và nói chung viết thơ lục bát như thế này là mới, là cách tân và khá thành công. Sự đổi mới đó là do yêu cầu của cuộc sống, đặc biệt ở thơ ca, do yêu cầu tự bộc lộ của chủ thể trữ tình. 

Sau việc lập tứ, trong số các thành phần tạo nên cái mới của bài thơ thì “từ” là quan trọng nhất . Câu thơ 6 - 8 hiện đại đã biết sử dụng tối đa sự phong phú của ngôn ngữ dân tộc so với các loại thơ cách luật. Nó dung nạp được khá tự nhiên vốn từ vựng thuần dân gian cũng như bác học. Đặc biệt là dung nạp được sinh động hầu hết các biện pháp tu từ thường thấy trong ngôn ngữ dân tộc.  

Trong văn chương cổ điển, người ta thường quan niệm: Để diễn tả những cảm xúc cao thượng thì phải viết bằng thơ đường luật, tứ tuyệt… Và thích ứng với các thể thơ này là sử dụng một loại ngôn ngữ trang trọng, đài các, còn thơ 6 - 8 chỉ để miêu tả những sự vật, những cảm xúc bình thường trong sinh hoạt, gắn liền với nó là một loại ngôn ngữ bình dân, nôm na không cần trau chuốt. Ngay cả một số nhà thơ có tiếng, khi để bộc bạch tâm sự sâu kín trắc ẩn của mình cũng đã dùng thơ Đường luật  viết chữ Hán, phần thơ viết chữ Nôm theo thể lục bát là chỉ để bộc bạch các trạng thái sinh hoạt, các khu xử hàng ngày. 

Bởi vậy vốn từ dùng trong trong thơ 6 - 8 truyền thống thường là ngôn ngữ dân gian, mộc mạc, hay sử dụng các hình thức chuyển đổi nghĩa linh hoạt, cũng như các biện pháp ví von cường điệu thường thấy trong lời ăn tiếng nói nhân dân, còn trong thơ đường luật, tứ tuyệt cổ kính trang nghiêm lại hay sử dụng các điển tích, điển cổ, các từ ngữ, biểu tượng luận lý… Ngôn ngữ trong thơ 6 - 8 hiện đại phá bỏ được sự cách biệt đó. Cùng trong một kho từ vựng dân tộc nhưng  có khi thật là mộc mạc dân dã : 

Liêu xiêu từ một đêm vui 
Buồn như vạn kiếp về vùi phôi pha 
Em từ những ngõ hồng hoa 
Ban sơ hồng hạnh phố già rong rêu 
Bàn tay một lũng hai đèo 
Chiều như kỉ niệm eo xèo thoảng rơi
 

       (Ngô Nhân Đước)  

có khi lại rất thâm trầm, cổ kính :  

    Vô tình, tiên nữ hạnh dung/ lạc hồn trong mẹ nên cùng khát khao.
Làn môi, sóng mắt gởi trao/ mình nghêu ngao hát thưở nào chợt nay.
        (Đào Duy An) 

Hay:

… Muốn tan vào cõi vô thường/ Tiếc chưa đi hết con đường mình đi .

…Lâu đài đổ bóng /  Sông trôi / Nghìn thu thu lại trong đôi mắt gầy 

       ( Lê Quốc Hán)

Có những câu thơ như lời nói thường mà vẫn hay:   Ừ thì / Mình đã vờ yêu / Vờ quay quắt nhớ vừa kêu tên thầm ( Tôn Nữ Ngọc Hoa).  Để đáp ứng nhu cầu tiếp cận hoàn toàn với sự đa dạng của đời sống, khi viết thơ 6 - 8 các tác giả còn mạnh dạn dùng cả khẩu ngữ, phương ngữ.  Bùi Giáng trước đây từng có những câu:Mầng răng ra rứa, ví dù /Mầng ri thế nọ tít mù thế kia(Một ngày ) được xem là lạ.Thơ 6 - 8 hiện đại cũng mở rộng cửa cho các tác giả đưa vào hàng loạt biện pháp tu từ mới lạ vừa dân giả vừa cổ kính , thô có lắm mà thanh cũng nhiều. 

Thực ra cái tài tình của ngôn ngữ không do thể loại tạo nên, mà chính là do tác giả. Tuy nhiên trong chừng mực nào đó những thể loại thích hợp có góp phần tạo điều kiện cho nhà thơ rộng tay sử dụng cái chất “mật” ngôn ngữ của mình, làm cho nó có thể “dính” vào tất cả mọi tình thế của đời sống, mọi sắc thái của tình cảm, tạo nên những bức tranh nghệ thuật giàu tính thẩm mỹ tác động sâu xa đến người đọc.. 

Trên phương diện nhạc điệu mà xét, chúng ta thấy những câu thơ 6 - 8 truyền thống nhạc điệu tuy uyển chuyển nhưng khá ổn định, họa hoằn mới có một vài trường hợp phá cách, găp một câu thơ ngắt nhịp kiểu: “Nửa chừng xuân / thoắt / gẫy cành thiên hương”( Truyện Kiều ) xem như một trường hợp lạ, tài tình. Còn thơ 6 - 8 bây giờ nhạc điệu cực kỳ phong phú. Đọc bất kỳ bài thơ 6 - 8 nào ta cũng thấy được sự đa dạng ở nhạc điệu. Nhạc điệu của thơ được tạo nên chủ yếu bởi 3 yếu tố: nhịp điệu, vần điệu và thanh điệu, thì trong thơ 6 - 8 mới các yếu tố đó được tạo lập, được kết nối, được phối hợp nhiều màu nhiều vẻ.  

Trước hết hãy xét về nhịp điệu (tiết tấu). Nếu trong thơ 6 - 8 cổ điển  tiết tấu thường cấu tạo theo nhịp chẵn, nhịp cân đối phổ biến là nhịp 2 - 2 , thơ 6 - 8 mới ngắt nhịp biến hóa khá tự do .  

    Một mình / ngồi với / một mình

Một mình nhấp chén /

một bình đầy vơi /

Một nguời / ngồi ngắm một người

Một chênh chao bóng /

một cười ngất ngư /

Một thưa /

Một gợi /

Một ừ /

Hết hồi võng lọng…/còn dư…/cái buồn.

( Bùi Ngọc Trình)  

Hay:

minh triết đỏ rạn bờ môi

nói?

không. không nói

triệu lời vô ngôn

lặng-yên-thở-cái-dập-dồn

là minh triết

ở độ cồn mây mưa

nóng,

ừ thì nóng. ban trưa

chẩy dài thân tượng

xuống thua được này

có gì đâu?

à! bàn tay

minh triết ở giữa ban ngày

mê mê            

  ( hoàng  xuân sơn ) 

Bao nhiêu câu thơ là bấy nhiêu kiểu ngắt nhịp.  Nhạc cảm của đoạn thơ đọc lên thật sinh động luôn thay đổi biến hoá. Đó là nhạc của thơ, mà cũng chính là nhạc lòng của tác giả  vậy. 

Luật bằng trắc của thơ 6 - 8 truyền thống tuy không chặt chẽ bằng các thể thơ luật khác như Đường luật hay song thất nhưng cũng đã tương đối ổn định và cũng khá dồi dào về  thanh điệu. Trong thể thơ 6 - 8 mới   các luật  tắc cũ bị phá vỡ để vươn tới một sự thể hiện bất ngờ mới lạ. 

cửa chiều khép muộn cơn mưa

cánh dơi chập choạng chở mùa về đâu

thời gian chuỗi chuông không màu

ngân nga qua những nông sâu khôn dò                

(Mường Mán) 

Khổ thơ trên có sự phân bố các âm  bằng, trắc không theo quy luật chung . Đặc biệt  hai dòng  thơ cuối khổ chỉ hai âm trắc trên mười hai (12) âm bằng, nhạc điệu câu thơ lâng lâng, diễn tả một tâm trạng lững lờ khó tả. Sự phá vỡ này tạo nên những trường hợp biến thể của lục bát, nhằm diễn đạt đắc địa một nội dung hay thoả mãn một yêu cầu thẩm mỹ nào đó.  

Trong thơ 6 - 8 “vần” là yếu tố hoà âm không kém phần quan trọng. Thơ 6 - 8 truyền thống sử dụng hai loại: vần lưng, vần chân. Hai vần này luân phiên xen kẽ tạo một thể liên kết cho toàn bài. Xét tính chất nhạc điệu thì hai loại vần này bố trí trong từng câu thơ, dòng thơ làm số tiếng hiệp vần ở thơ 6-8 đạt một số tương đối khá lớn, nhạc điệu từ đó cũng được gia tăng.Xét tính dân tộc thì “vần lưng” là yếu tố thể hiện đặc trưng của thi luật dân tộc ta, đã tạo cho những thể thơ riêng mà trong một giai đoạn dài đóng vai trò những phương thức biểu hiện quan trọng. Để gia tăng nhạc tính, tạo được những hình tượng âm thanh, gây ấn tượng cho người đọc, thơ 6 - 8 hiện đại ngoài những vần lưng, vần chân (tạm gọi là vần liên kết) còn đưa thêm vào những vần phụ (vần gợi tả) trong cơ cấu từng dòng thơ, làm tăng tỷ số các tiếng hiệp vần lên rất nhiều. 

…Muôn nghìn lá mỏng chiêm bao

Cỏ ơi hương tự  phương nào bay lên  

 (Vũ Xuân Hoát) 

Tỷ số của tiếng hiệp vần bình thường chỉ có hai tiếng trên hai dòng thơ (2/2) , ở đây ( cả vần chính liên kết lẫn vần phụ gợi tả ) là bốn tiếng trên hai dòng thơ (4/2). Như vậy ta thấy rõ, biết cách sử dụng các vần phụ gợi tả sẽ tăng mức độ hoà âm của câu thơ lên, và nhạc tính nhờ đó cũng thêm đa dạng phong phú. 

Cũng cần lưu ý một điểm về mối quan hệ giữa câu thơ lục bát , dòng thơ và khổ thơ. Thơ 6 - 8 truyền thống thường một câu thơ bao gồm hai dòng,một dòng 6 và một dòng 8 (chữ). Trong thơ 6 - 8 hiện nay sự tương đồng đó bị phá vỡ thường xuyên có khi câu thơ là một dòng 6 hay dòng 8 thậm chí nửa dòng, hay vài chữ.  

      Vờ hôn, đánh thức đam mê. 

  Vờ tiếc nuối. Vờ tái tê. Cứ vờ.

           (Tôn Nữ Ngọc Hoa) 

Ở nhiều bài thơ có khi câu thơ lại gồm 3 đến 4 dòng ,có khi  lại trùng ngay với cả một khổ thơ.  

 Để thơ ca tiến gần đến cuộc sống, xét về chữ viết, các tác giả cũng thay đổi cách viết,có khi  không còn viết hoa đầu dòng nữa để tạo nên sự liền mạch của cả khổ thơ.Bằng tai nghe, đoạn thơ đi liền như một nhịp thở, bằng mắt nhìn nó như một dàn đông ca thay áo mới tươi vui, trẻ trung! 

Thơ lục bát vẫn đang trên con đường tìm tòi và cải biến.Cái gì hợp lý sẽ tồn tại, vấn đề là chúng ta những người yêu Thơ hãy mở rộng vòng tay đón đợi những tìm tòi chân thật , say mê và hữu dụng .Đôi khi đời rất buồn tác giả muốn giã từ nỗi buồn  như muốn « giã từ lục bát », nhưng chính  nỗi- buồn-lục – bát  lại níu kéo tác giả lại làm cho nó giàu có hơn :  

này câu lục bát hư hao

ta còn một chút chiêm bao tặng người

ta còn hai cánh tay lười

bó chơi từng bó tháng ngày lao đao 

này câu lục bát hư hao

nằm mơ ta thấy hái rau sân chùa

cạo đầu quên chuyện được thua

nghe trong xương thịt bốn mùa qua mau 

               ( Chân Phương) 

Chúng tôi đã thử khái quát một số nét đổi mới ở thể lục bát đương đại phần lớn trong thơ các tác giả trẻ ở trong nước cũng như hải ngoại. Cùng đi vào quỹ đạo đổi mới  nhưng có bài thành công  đậu lại được trong tâm trí người đọc, lại có bài  thì trôi đi nhanh chóng. Ở những bài thành công tác giả đã có những cách tân làm trẻ , làm mới ,làm đẹp thêm cho thể tài truyền thống này . Cái mới của hình thức nghệ thuật nói chung quả thật có ý nghĩa . Những cách tân về thể thơ này làm chúng tôi liên tưởng đến một nhận xét khá dí dỏm  của một nhà văn thế kỷ trước: Ngôn ngữ nói riêng và Hình thức nghệ thuật nói chung trong tay nhà văn như viên đạn lên nòng , bắn đi phải đến một mục tiêu nào đó chứ không phải hú họa để có tiếng nổ cho vui tai./.