Chơi chữ PDF Print E-mail
Tác Giả: Lãng Nhân   
Thứ Hai, 19 Tháng 1 Năm 2009 04:35

1. Khoảng Trên Dừng Bút.

"Nghề chơi cũng lắm công phu", huống hồ chơi... chữ!

Chơi chữ cần có những yếu tố không phải ai cũng gom được đủ: có học đã đành, nhưng lại còn phải có tài.

Học có hàm súc, mới biết dùng chữ cho rành rẽ, dùng điển cho đích đáng, khiến câu văn ít lời mà nhiều ý; tài có mẫn tiệp, mới lĩnh hội được mau lẹ những nét trội trong một cảnh huống, và diễn xuất ra một cách nhanh chóng đột ngột, hồ như là tự nhiên.

Trong văn chương ta, có nhiều lối chơi: thơ, phú, câu đối, tập Kiều, xử dụng lối nào là tùy theo tình, theo cảnh, theo cách cấu tứ mà phô diễn ra cho phù hợp với nguồn cảm hứng trong giờ phút đó của nhà văn.

Cái thú chơi chữ của nhà nho khi xưa, chúng tôi đã chép lại ít nhiều trong tập "Giai Thoại Làng Nho" khởi từ thế kỷ XIV (đời nhà Trần) đến đầu thế kỷ nàỵ

Từ đầu thế kỷ đến nay, lối chơi chữ bằng Hán văn tế nhị và uyên áo dần dần trở nên thưa thớt, nhường chỗ cho lối chơi chữ bằng quốc văn, cũng tế nhị không kém nhưng đỡ công phu hơn vì ít xử dụng đến kho điển tích. Đến cái buổi mưa Âu gió Mỹ thì thi phú gặp nhiều khó khăn, người ta chơi chữ một cách dễ dãi hơn, nhưng bao giơcùng rí rỏm, hóm hỉnh. Là vì năng khiếu trào lộng của dân tộc là một thiên tư không bao giờ mất được: nếu nó không diễn xuất bằng lối khác, tùy theo hoàn cảnh, tùy theo những chất liệu mà hoàn cảnh cung cấp cho.

Trong lúc tiêu nhàn khiển muộn, ta thường dùng văn chương để di dưỡng tính tình. Hoặc làm câu đối dán cửa dán phòng khách, dán vườn hoa, để tỏ chí hướng, hoặc họp bạn uống rượu ngâm thơ, hoặc làm hát cho ả đào phả vào đàn phách, hoặc chỉ nói lên vài câu bông lơn bóng bảy về một đề tài thời sự, khiến cho khiếu rào lộng bị kích thích, rồi trong những chuỗi cười ròn rã, có khi nảy ra một đôi phút xuất thần mà thành "nhả ngọc phun châu".

Loại thời sự hay được làm đầu đề cho cuộc chơi chữ, là những dịp khánh điếụ Khánh thành, ăn khao hay đưa đám, là những dịp lên tiếng phẩm bình.

Phẩm bình phần nhiều vì công nghĩa, nhưng cũng đôi khi không khỏi đi vào chỗ hẹp hòi câu chấp, hoặc quá nữa, đến chỗ bới móc xỏ xiên; song bao giờ cũng có ý vị về văn chương, vì nếu không có uy thế của văn chương bao trùm lời nói, lời nói sẽ thành tục tằn bỉ ổi, không còn gì lý thú.

Trong cuốn này, lẽ ra chúng tôi chỉ lục những thi văn chưa từng đăng trong các sách báọ Nhưng có nhiều thi văn tuy đã được công bố sâu rộng song không kèm lời chú thích đầy đủ về trường hợp và hoàn cảnh đã làm nảy ra câu văn, khiến người đọc khó thấy dụng tâm của tác giả, khó thưởng thức hết được chỗ tế nhị của tác phẩm. Cho nên không nề sự thấy biết ít oi, chúng tôi mạn phép theo chỗ học hỏi được mà nói ra tình tiết một đôi bài.

Lần in thứ ba này, chúng tôi theo ý số đông độc giả, xếp thành từng loại, để dễ bề tra cứụ Và cố sưu tầm thêm những cuộc chơi chữ có thú vị, vì chúng tôi cho đó cũng là một cách chứng tỏ rằng tiếng nước nhà không phải không có rất nhiều những lộng ngữ mà ta thường lấy làm khoái trá khi đọc thấy trong tiếng Anh, tiếng Pháp.

Nhưng chỉ hiềm Nôm na câu được câu chăng, thôi thì cũng gọi là Đỡ khi buồn bã, lại dâng một cười (1).

Dâng một cười, không phải lấy cái nghĩa khiêm nhường của họ Cao, tự chê văn mình có chỗ vụng về chẳng bõ mua cười; dâng một cười đây là dâng lên độc giả một trận cười chung, vì văn thơ chép lại, đau buồn có, uất hận cũng có, nhưng phần nhiều chúng tôi chú rtọng hơn vào những lối châm biếm trào lộng đã dùng làm con đường giải thoát cho lòng công phẫn của mọi người.

Thi sĩ la tinh Santeul xưa đã thích nghĩa cho lối hài kịch là: cười cợt mà sửa lại phong hóa (castigat ridendo mores). Chúng tôi tin rằng lấy cái cười mà sửa lại phong hóa, nhiều khi hữu hiệu hơn dùng rìu búa, nên đã lọc lấy, theo quan điểm của Bergson, những cái cười có tính cách xã hội: các lớp sóng xã hội hàng ngày dồn dập xô đẩy nhau, kèn cựa chống đối nhau, nếu trong sự va chạm ấy có nổi lên một ít bọt trắng ngần, ấy là cái cười ý nghĩa; cái cười cũng như bọt biển, có muối mặn bên trong.

Kẻ bị cười có khi thản nhiên chứng nào tật ấy, có khi tức bực chau mày nghiến răng; ít ai nghe cười mà biết cảm ơn người đã nói điều phải.

Nhưng đối với xã hội thì cái cười ấy là sự cởi mở, cởi mở một cách nhẹ nhàng duyên dáng. Người được cười, lại là số đông, cũng nhân đó tự giới ý cho mình và tránh những hành động có thể khiến chính mình đứng ra làm trò cười để tiếng về sau.

Đó là cái phầ n thưởng trả cho những người đương thời đã chẳng ngại thù hằn, có khi chẳng nề nguy hiểm, làm ra thơ văn lưu lại cho chúng ta một vài tiếng cười mặn mà, chua chát.

Bởi vậy chúng tôi mới Mảnh tiên kể hết xa gần, và ước mong rằng bạn cùng chúng tôi sẽ chung một mối hoài cảm

Phấn thừa hương cũ bội phần xót xa...

Saigon, 1970

(1) - Cao Bá Nhạ - Tự tình khúc.


2. Chương I

Tặng Anh và chị Công Kiên để ghi những phút cùng lục soát trí nhớ, tìm lại lối tiêu khiển của người xưa.
L.N.

HOÀNH PHI, TRƯỚNG.

Hai chữ, hoặc ba, bốn chữ đề trên cống hay treo ở phòng khách, viết ngang gọi là hoành phi, hay tắt là hoành, viết dọc gọi là trướng .

Hoành hay trướng để mừng hay phúng, ngoài những câu tâng bốc hoặc tiếc thương bằng sáo ngữ như Phúc như Đông hải, Hạc giá tiên du, nếu sự chủ có những tình tiếc éo le, có thể làm đề tài cho những người đàm tiếu hoặc bới móc, thì những tay chơi chữ hay dùng điển tích sâu xa, hoặc lối nói lái hiểm hóc, để chế diễu một cách kín đáo.

Có khi không viết ra trướng hay hoành, chỉ thốt ra trong lúc trà dư tửu hậu, cũng thành những câu có ý vị được người ta truyền tụng.

Như trước khi có hạng thông ngôn chính ngạch được bổ ra làm quan, đã có một hạng thông ngôn ngạch ... phụ được xuất chính: ấy là những ông chỉ biết nói mà không biết viết, sở dĩ được chiều chuộng là vì đã sống thân cận trong bếp nước hay phòng ngủ của người Pháp ngay từ buổi đầu gặp gỡ.

Thấy hạng này sau được mến chuộng quá lối, có người được ra làm cha mẹ dân, những vị quan xuất thân khoa mục lấy làm một sự sỉ nhục, nên có ông đã gọi lái họ là bọn: QUẦN THẦN

Quần thần là bày tôi, bày tôi là... bồi Tây.

* * *

Một ông phú hộ làm ngôi nhà mới, mở tiệc ăn mừng. Yên Đổ cho hai chữ “Đại Hạ”

Đại hạ là nhà tọ Nhưng thay vì viết hạ là nhà, cụ lại viết chữ hạ là mùa hè, mùa hè to là nghĩa gì? Sau cụ mới giải thích cho người thân cận:

Đại hạ là hè to, hè to lái lại là tò he: tòhe tí hỏi, là tiếng kèn đám ma.

Hỏi ra thì ông phú hộ này xưa kia quả có làm qua nghề thợ kèn ...

*

Một ông phú hộ khác, giầu rồi tất nhiên lại muốn sang, nhân thấy quan tỉnh là tay đại khoa có tiếng văn hay chữ tốt, liền khẩn khoản đến xin mấy chữ về khắc vào bức hoành treo chỗ ngồi chơi để tỏ rằng mình giao du với hàng quyền quý. Quan biết ý, muốn nhân dịp diễu chơi, bèn sai trải giấy, mài mực, rồi cất bút đề cho ba chữ đại tự: PHÚC ĐẠI LAI.

Không ai hiểu lấy ở điển nào, ai cũng khen là tay đại khoa có khác, học rộng đến nỗi có ba chữ rất thông thường mà cũng không ai biết nổi xuất xứ.

Sau có người chợt tỉnh ra, mới hay cái dụng tâm của tác giả: Phúc đại lai, nghĩa đen là phúc lớn lại, phúc lớn lại nói lái lại là phúc lái lợn. Thì chủ nhân ông đây vốn chả xuất thân làm cái nghề... buôn heo!

*

Một ông người làng Động Trung, tỉnh Thái Bình, mở tiệc mừng thọ. Có người đem lại tặng bức hoành khắc ba chữ: Động Trung xuân

Chủ nhân treo lên được vài hôm, bỗng bảo gia đình đem xuống đem chẻ ra thành củi.

Thì ra Động trung xuân, tuy có nghĩa làng Động trung vẻ xuân tươi tốt mãi, thật hợp với lời chúc thọ, nhưng trong bài thơ Thiên thai có câu:

Vãng vãng kê minh nham hạ nguyệt
Thần thần khuyển phệ động trung xuân (1)

thì ba chữ động trung xuân đứng sau hai chữ khuyên phệ. Chủ nhân trước kia đã từng mở cửa hàng "mộc tồn", nay bị móc cái sự mình vẫn muốn quên đi từ lâu, nên giận cá mà cho chặt thớt.

*

Vũ duy Thanh lúc đi học, nghèo rớt mồng tơị Khi đỗ bảng nhãn, được bổ vào "tập hiền viện", ông viết trên cổng nhà ba chữ: Cửu thiên khế.

Chử Thiên Khế (chín nghìn bạn), lấy tích Lý Đạo Tái, đời trần, lúc hàn vi không ai ngó tới, đỗ trạng rồi thì bạn bè ở đâu kéo đến ầm ầm, nên đã than vãn:

Khi xưa thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ trạng, chín nghìn anh em!

*

Vùng Hà đông có một ông chánh tổng làm việc đã lâu năm mà không chịu từ về, để nhường chỗ cho người khác. Một viên phó tổng chỉ lăm le thay thế, mà đợi mãi không thấy ông rút lui, nên đã tặng ông ba chữ: Tư vô tà.

Nghĩa chính thì là thơ Kinh Thi khen người quân tử không có ý nghĩa nào thiên lệch.

Nhưng ông Chánh Tổng đâu có hiểu rằng người ta đã diễu mình: Ta vô từ!

*

Ở Hà thành, ai cũng biết phố Sinh từ: sở dĩ có phố Sinh từ, là vì trong phố ấy có đền Sinh từ, nơi thờ sống Nguyễn Hữu Độ, lúc đó làm kinh lược Bắc Kỳ.

Trên bàn thờ có treo bức hoành đề ba chữ: Sinh sự chi.

Nghĩa là: thờ ông lúc còn sống.

Song nếu lấy theo tiếng nôm thì Sinh sự chi lại là vẽ sự ra làm gì! có ý mỉa những người đã nịnh hót bề trên bày ra cái trò làm sinh từ, tốn cho quỹ, khổ cho dân.

*

Ông Ích Khiêm, được cử giữ chức Tiễu phủ sứ, vâng lệnh cầm quân ra Bắc dẹp giặc Lý dương Tài, ở hồ Ba bể, khi trở về qua Hà thành cho lập một ngôi đền thờ những tướng sĩ trận vong. Ông sai người đến xin Yên Đổ mấy chữ để đề ngoài cổng đền, người này kể lể "quan Tiễu muốn làm đền cho lính tôi", ra vẻ tự đắc mình cũng là hàng tướng tá. Yên Đổ cho ba chữ: Tối linh từ.

Ông Tiễu cho là chữ quá ư tầm thường, có biết đâu Yên Đổ đã nói lái: "tối linh là lính tôi" cho bõ ghét cái anh tay sai hách xằng!

*
Khoảng ba mươi năm nay, một ông thợ xẻ, gặp dịp làm nên giàu có, mua được chút phẩm hàm, mở tiệc ăn khaọ Trong những câu đối và hoành phi gửi đến mừng, người ta chú ý nhất đến một bức trướng trên đề ba chữ: Ăn cơm vua.

Ai đọc cũng phải tủm tỉm, nhớ lại câu hát của trẻ nít: "kéo cưa, lừa xẻ, ông thợ nào khỏe thì ăn cơm vua, ông thợ nào thua thì về bú tí..."

Riêng ông hàn mới cũng hiểu như thế - mà không hiểu thì cũng chẳng thiếu gì người sẵn lòng chỉ dùm cho, vì ông có tiền - nhưng ông lại lấy làm hãnh diện treo trướng ngay giữa nhà, ý chừng nghĩ cơm vua không được phép chê, vả chăng... đã mấy ai dám tự hào được là tay thợ khỏe!

*

Ông thợ xẻ được "ăn cơm vua" rồi, lại tậu một sở đồn điền. Đồn điền nằm trên một ngọn đồi, ông cho làm nơi đỉnh đồi một ngôi nhà mát và xin ông Trần Bình (xem dật sự Trần Bình, sẽ post sau) mấy chữ để cổng. Ông Trần viết: Cao cư lư xá.

Ông thợ xẻ lấy làm thú lắm, vì cao cư là ở trên cao, lư xá là nhà nhỏ, thật là vừa kiêu hãnh lại vừa khiêm tốn đúng với ý mình.

Sau có một nhà nho đến bảo nhỏ: nên bỏ mấy chữ ấy đi, vì âm thanh nghe không được nhã. Ông thợ xẻ lẩm bẩm:

- Cao cư lư xá, có gì mà không được nhã? Cao cư lư xá, cao cư lư xá, ờ mà thật nhỉ, nó xỏ lá mình rồi, quân đểu thật!

Chả là Cao cư lư xá nghe na ná như "kéo cưa lừa xẻ"!

*
Một quan lớn đi kinh lý, dân làng làm mấy cổng chào, có dán nhiều câu ca ngợi thịnh đức. Vốn là tay hay chữ, khi kinh lý xong trở về công sảnh, quan nhớ lại những câu đối tán dương, rất lấy làm bằng lòng, duy vì chỉ thắc mắc vì bốn chữ đại tự “Đại điểm quần thần” mà quan thấy viết ở bức hoành trên một cổng chào mé cuối làng.

Đại điểm quần thần: đã đành khi mình đi kinh lý, điểm mặt quần thần là phải, nhưng đây là một vùng nhỏ, làm gì có quần thần? Mà vùng này là vùng văn học chớ không đâu! Hay là có ẩn ý gì đây...

Đương mân mê điếu thuốc lào để suy tưởng, bỗng quan vứt mồi thuốc xuống đất, miệng lẩm bẩm:

-"Láo thật, quân láo thật! Dám chơi lối Trạng Quỳnh với mình".

Thì ra quan vừa chợt hiểu ra: đại điểm là chấm to, chấm to là... chó tâm. Mà quần thần, quan nhớ ra rồi: là bầy tôi, bồi tây. Thật quá ư hỗn sược, vì Tâm lại chính là tên húy của ngài (chó Tâm bồi Tây).

Chẳng phải nói, các bạn cũng tưởng tượng được trận lôi đình của bậc thượng quan, và sau đó bao nhiêu chức dịch làng kia đã khốn khổ vì cái chấm to nàỵ

*

Cuối năm 1946, trên đường tản cư, khi qua làng Văn tràng, tỉnh Nam-Định, chúng tôi thấy trên cổng chùa đề bốn chữ: Sắc không, không sắc.

Bốn chữ tuy ý nghĩa uyên áo song là chữ cửa miệng của nhà Phật tử, không có gì đặc biệt, đặc biệt có chăng lá bên giòng lạc khoản đề tên Tam nguyên Yên Đổ.

Chúng tôi lấy làm lạ sao ông Tam-nguyên lại cho bốn chữ thông thường quá như thế, sau có một bạn người làng giảng cho mới hiểu. Nguyên làng này chuyên về nghề mài dao đánh kéo, trong lúc chế tạo người ta thường hay vấn đáp: “Sắc chưả” – “Chưa sắc!”

Bốn chữ "Sắc không, không sắc" dùng chỗ khác thì không có gì đặc sắc nhưng đề vào chùa một làng mài dao, thì lại ngụ một nụ cười hóm hỉnh!

Nụ cười này, giá để ý thì cũng đã nhận ra được phần nào.

Là vì nếu đặt câu hỏi: sao không dùng như lời nói thường "Sắc sắc không không" hoặc "Không không sắc sắc" mà lại đặt chéo là "Sắc không không sắc"? Nếu hỏi thế, ắt đã phải ngợ một dụng ý gì của tác giả.

Ngợ thế thôi, chứ cũng chẳng ai ngợ được rằng ông Tam-nguyên đã dùng chữ sắc theo cái nghĩa đột ngột là sắc bén!

*

Ở một tiệc thọ, người ta đọc thấy bức trướng: Tử-tôn thằng-thằng

Bốn chữ này lấy điển ở chương "Chung-tư" trong kinh Thi (Chu Nam) ý nói lắm con nhiều cháu, khen chủ nhân là nhà có phúc.

Nhưng nếu lục câu thơ "Chung-tư" ra, thì nguyên văn là: "Chung tư vũ, hoăng hoăng hề, nghi nhỉ tử-tôn thằng-thằng hề", đại ý là loài bọ ngựa đoàn kết với nhau, con cháu đông đúc. Sau hai chữ thằng ta nhớ có chữ hề.

Và nếu ta lại biết rằng chủ nhân vốn làm nghề kép hề trên sân khấu, ta sẽ thấy rằng bốn chữ "Tử-tôn thằng-thằng" thực ra lamột lời mỉa: tử-tôn thằng-thằng... hề, con cháu thằng hề rồi cũng lại là thằng hề...

Lời mỉa này chỉ có ý nghĩa ở cái thời xưa với quan niệm cổ hủ "xướng ca vô lại". Bây giờ thì cuộc chơi chữ trên đây trở thành vô nghĩa, vì người ta đã ý thức được công bằng hơn về địa vị người nghệ sĩ.

Âu cũng là một sự tiến bộ đáng mừng của xã hội.

*

Một ông nguyên là phú hào trong làng, trước ra tranh cử lý trưởng không trúng, sau vì sự tình cờ của thời cục được bổ làm quan, rồi cánh buồm được gió, chẳng mấy lúc lên đến tổng đốc, oanh liệt một thờị

Khi mở tiệc thọ, có người thuộc hạ mừng bức hoành khắc bốn chữ: Vạn lý trường thành.

Ví cụ lớn như bức thành vạn lý che chở cho cả tỉnh, lời khen tặng đã trọng vọng và cung kính. Nhưng ai để ý cũng thấy hai chữ giữa là lý trường, và giá cho thêm một nét ngoặc vào chữ trường sẽ thành ra lý-trưởng.

Rõ là cụ lớn tuy ngày nay là "tổng đốc có thừa" nhưng xưa kia chỉ là "lý trưởng chưa đủ".

*
Vùng Nam-Hạ, hồi xưa có một ông buôn đồ cổ, sưu tầm được nhiều bộ ấm chén rất quý. Theo đòi vả cũng ít nhiều bút nghiên, song học đã sôi kinh nhưng chửa chín... May gặp lúc Cognacq, tuy chỉ là giám đốc y tế nhưng có quyền to lại sành đồ cổ, ông mượn người đánh tiếng, rồi khi cái bát Khang-hy, khi đôi bình Ung-chính, chẳng bao lâu ông được tự do ra vào chốn quyền môn. Ông được ân sủng đến nỗi một ngày kia có nghị định bổ đi tri huyện miền trung du. Tuy ông đã được đi làm quan, nhưng vì không đổ đạt gì, nên đám sĩ phu có người gọi mỉa ông là "huyện chén", do đó thành tên gọi thường ngàỵ

Làm quan được vài năm, ông bị chứng sốt rét ngã nước mà bỏ mình. Khi đưa linh cửu về an táng ở thành Nam, một ông bạn nhà nho viếng bốn chữ:

Tống Quân Nam-phố (tiễn đưa ông ở Nam-phố)

Ai đọc cũng phải chịu là hay, vì lấy chữ sẵn trong Sở-từ nói lên được lòng tha thiết tiễn bạn, lại màu được chữ Nam-phố với thành Nam.

Mãi sau mới có người vạch ra cái ẩn ý của người viếng. Bốn chữ này không hammột ý gì tiễn đưa mến tiếc, chỉ là móc cái chỗ xuất thân của ông huyện: thì trong bộ đồ chè nào chẳng có một chén tống và bốn chén quân, mà ông huyện nhà ta vốn lại có tên huyện chén ở khắp phố thành Nam!

*

Lại một ông quan khác, xuất thân đường tây học, vừa gặp ngay lúc Pháp cho một lớp thông ngôn đầu tiên ra xuất chính, nên được bổ làm quan, leo nhanh đến chức án sát. Rồi được cử vào phái bộ dự cuộc đấu xảo bên Pháp. Bất đồ ở Pháp được mấy tháng ông nhuốm bệnh và từ trần. Thi hài được đem ướp thuốc, nhập quan, cho xuống tàu chở về bản quốc.

Đám ma hết sức trọng thể. Trong những bức trướng, người ta đọc thấy ở một bức bốn chữ: Tâm tồn mẫu quốc.

Nếu lấy điển ra mà cắt nghĩa, thì "thân tại giang hồ, tâm tồn quân quốc (hay mẫu quốc) là đi làm quan nơi sông hồ xa xôi mà lòng vẫn hướng về vua về nước, tức là lúc nào cũng nghĩ đến non sông xã tắc. Màcho dẫu có cố ý dùng chữ "mẫu quốc" để chê ông là thân Pháp đi nữa, thì cái dụng ý cũng nông cạn, ai đọc mà chẳng nhận ra ngay lời chế diễu!

Nhưng cái dụng ý kia chính thực là sâu hiểm lắm: chữ "tâm" đây dùng theo nghĩa đen, tức là bộ lòng. Thì khi đem xác về, muốn tránh sự nguy hại cho vệ sinh chung, luật pháp buộc phải ướp xác, mà ướp xác tất phải moi hết ngũ tạng bỏ đị Như vậy, "tâm hồn mẫu quốc" có nghĩa là lòng hướng về vua nước, hay là về nước Pháp, mà lại cũng có nghĩa là để lại bộ lòng bên nước Pháp. Đối với nhà nho, di thể phải giữ cho toàn mới tròn đạo hiếu, thì cái chết không toàn này, ít ra cũng là một sự ... bất hiếụ Huống chi, xu phụ nước Pháp bằng lời nói việc làm chưa đủ hay sao, còn đem cả bộ lòng gửi lại, sự trung thành thật đã quá mức.

Lời mỉa thật ra không khỏi thiên vị, vì lúc tâm hồn mẫu quốc, ông án đã hai tay buông xuôi, đâu còn hay nông nỗi ... đoạn trường!

*

Một ông quản ca làm nhà mớị Ngoài cổng không biết đề thế nào cho hay, ông đến xin chữ nhà nho Đông-giang. Cụ cho ngay: Tu tựu đào nguyên.

Rút trong câu thơ Thiên Thai:

Bất tri thử địa quy hà xứ
Tu tựu đào nguyên vấn chủ nhân

Nơi đây chẳng biết về đâu tá?
Hãy tới Đào nguyên hỏi chủ nhân

Ông chủ nguồn đào, là ông quản ca, chứ còn ai vào đây nữa mà có thể biết rạch ròi hơn về xóm chị em!

(1) Văng vẳng bên non gà gáy nguyệt
Oang oang trước động chó chào xuân.