Một thời son sắt |
Tác Giả: Nguyễn Xuân Nghĩa | |||
Thứ Ba, 03 Tháng 2 Năm 2009 09:02 | |||
Obama giữa chính trường, thị trường và chiến trường...
Ðược ém sâu trong kế hoạch kích thích kinh tế vừa do Hạ Viện Hoa Kỳ biểu quyết hôm Thứ Tư 30 là một điều khoản làm thế giới khó chịu. Ðó là điều kiện “chỉ mua hàng Mỹ”, một biến cố gây tranh luận tới tận Thụy Sĩ, tại Thượng Ðỉnh Kinh Tế Toàn Cầu WEF họp ở Davos vào tuần qua.
Người ta nói đến Tổng thống Barack Obama như một Herbert Hoover.
Hoover là vị tổng thống đã chứng kiến cuộc tổng khủng hoảng 1929-1933, và cùng người kế nhiệm là Franklin Roosevelt đã góp phần kéo dài khủng hoảng thành cơn chấn động toàn cầu. Trước khi ra đi, năm 1933 đó, Hoover ký đạo luật “Buy American Act” để định rằng chính phủ Mỹ chỉ được mua sản phẩm Mỹ. Trước đấy, năm 1930, Hoa Kỳ cũng ban hành đạo luật Smoot-Hawley Tariff Act rất nổi tiếng nhằm nâng quan thuế biểu đánh trên hàng hóa nhập nội vào Mỹ. Nổi tiếng vì gây họa cho mọi người.
Giữa cơn khủng hoảng vì thị trường chứng khoán sụp đổ năm 1929, Hoa Kỳ có phản ứng bảo hộ mậu dịch - protectionism - nhằm bảo vệ quyền lợi và công ăn việc làm của công nhân viên Mỹ. Rất chính đáng về chính trị mà tai hại về kinh tế vì quy luật “hậu quả bất lường”: các nước khác bèn trả đũa theo kiểu “thiên địa đồng thọ”. Và đồng tử, vì cùng chết chùm với nhau, khiến cho khủng hoảng lan rộng và kéo dài, trở thành một nguyên nhân của Thế Chiến II...
Tuần qua, Hoa Kỳ vừa tái diễn thành tích ấy.
Một tu chính án được Ủy Ban Chuẩn Chi Ngân Sách Hạ Viện luồn vào đạo luật ban hành kế hoạch kích cầu kinh tế: các dự án xây dựng hay tu bổ hạ tầng chỉ được dùng sắt thép Mỹ. Ðây là một đổi mới của đạo luật “Buy American Act” thời Hoover. Tìm ra chi tiết ấy trong 647 trang của kế hoạch kích thích kinh tế, thế giới mới nhớ đến việc Obama đã khẳng định nhiều lần khi tranh cử là “sẽ bảo vệ việc làm của dân Mỹ”.
Quốc hội khóa 111 trong tay đảng Dân Chủ hoan hỷ ủng hộ quan điểm ấy vì là Quốc hội có chủ trương bảo hộ mậu dịch mãnh liệt nhất từ nhiều thập niên. Do đó, kế hoạch kích cầu trị giá 819 tỷ mới có một vài điều khoản thực tế là kỳ thị hàng ngoại và gieo họa cho kinh tế. Cần nhắc lại là năm 2002, Tổng Thống Bush đã dại dột ký sắc lệnh bảo vệ kỹ nghệ thép Mỹ - nơi thu dụng chừng 187 ngàn nhân công - khiến 200 ngàn người mất việc trong các ngành phải sử dụng thép! “Hậu quả bất lường” là như vậy! Tiếp tục duy trì chánh sách ấy thì nên gọi là bất gì?
Về kinh tế bên trong, nâng đỡ kỹ nghệ thép của Mỹ là gây thiệt hại cho mọi ngành kỹ nghệ Mỹ phải dùng thép, từ ráp chế xe hơi máy cầy, tới sản xuất tủ lạnh, vòi nước trong bếp, vòi tắm trong bồn, v.v...! Về thương mại với bên ngoài, Mỹ bị quy tội cạnh tranh bất chính và bị trả đũa.
Tại Thượng Ðỉnh Davos, đồng minh khắng khít nhất của Hoa Kỳ tại Âu Châu là Thủ Tướng Gordon Brown của Anhchỉ còn biết giơ tay than trời! Ông là người nhiệt thành ủng hộ Barack Obama và bây giờ đang là thiểu số tuyệt đối, đơn côi bênh Mỹ một mình, khi Liên Hiệp Âu Châu chuẩn bị trả đòn biện pháp bảo hộ của Mỹ.
Ở ngay giữa một vụ khủng hoảng khiến dân Âu Châu, kể cả tại Liên Bang Nga, biểu tình kể khổ và tố khổ chính phủ, người ta đang chờ đợi một cuộc chiến mậu dịch có thể bùng nổ giữa Hoa Kỳ với Liên Âu, với Trung Quốc, với thế giới còn lại, từ Ấn Ðộ tới Brazil, Colombia, Nam Hàn, Peru... Chả cái dại này giống dại nào?
Chưa chắc! Còn nhiều chuyện dại hơn...
Nhìn từ bên trong, Tổng Thống Barack Obama không kiềm chế được Quốc Hội khi để Hạ Viện gài vào trong kế hoạch kích thích kinh tế nhiều chương trình không kích thích được gì mà chỉ khiến đối lập nổi đóa, làm 117 dân biểu Cộng Hòa đều bỏ phiếu chống, cùng 11 dân biểu Dân Chủ. Ước mơ hợp tác lưỡng đảng để thay đổi nếp sinh hoạt mị dân đầy ô nhiễm của thủ đô, ước mơ ấy của Obama chỉ là giấc mơ. Người ta còn e rằng dù đã có ban tham mưu kinh tế khá trung dung của thời Bill Clinton, Obama đích thực vẫn là bao cấp, bảo hộ và sẵn sàng tăng chi, xài tiền thuế của dân và gọi là “đầu tư” để... cải tạo xã hội, khí trời - và mua phiếu cho kỳ tới.
Ðấy là chuyện bên trong, thật kém vui cho một tuần trăng mật kéo dài được đúng một tuần! Mới chỉ một tuần, người ta đã bình luận là Obama hơi giống... Jimmy Carter, bao cấp về đối nội và ngây thơ về đối ngoại. Lời bình luận ấy xuất phát từ đảng Dân Chủ, từ thành phần năm ngoái đã ủng hộ Nghị Sĩ Hillary Clinton.
Nhìn từ bên ngoài, tình hình còn gay go hơn vậy.
Hãy nói về bối cảnh trước. Chính quyền mới của Barack Obama đang phải đối phó với một trận chiến quân sự tại A Phú Hãn, một trận chiến chính trị với Liên Bang Nga, và một trận chiến kinh tế với một thị trường mất niềm tin và rất nhiều phản ứng kinh tế tai hại đang dội ngược vào chính trường. Cuộc bầu cử mỹ mãn tại Iraq vào ngày Thứ Bảy 30 chỉ thỏa mãn được tinh thần của một người về hưu là ông Bush. Những khó khăn với các đồng minh hay đối tác kinh tế thì còn nguyên.
Liên Bang Nga bắt đầu nếm mùi khủng hoảng, từ hối đoái về tới ngân sách nhưng vẫn còn chừng 400 tỷ Mỹ kim dự trữ để vượt cơn sóng dữ. Nhưng, từ Tháng Tám năm ngoái tại Georgia tới đầu năm nay tại Ukraine, Thủ Tướng Vladimir Putin đã công khai nhấn tới và thách thức khả năng chống đỡ của Hoa Kỳ - mà không gặp một sự kháng cự đáng kể.
Trong khi ấy, hàng rào phòng thủ của Âu Châu bắt đầu rung chuyển - và sẽ tơi tả. Liên Bbang Ðức của Thủ Tướng Angela Merkel thì chủ hòa và thỏa hiệp với Nga, Cộng hòa Pháp của Tổng Thống Nicolas Sarkozy thì gây chuyển động không khí để cho thấy tư thế của Pháp.
Chủ tịch của Âu Châu trong sáu tháng đầu năm, Cộng Hòa Tiệp thì... bần thần nghĩ lại vì ở ngay tuyến đầu và đang thấy sức ép rất nặng của Nga trước sự ơ hờ của chính quyền Obama. Chính phủ Tiệp vừa đình hoãn việc biểu quyết Hiệp Ðịnh Lisbone, văn kiện sẽ trở thành hiến pháp Âu Châu. Lý do chính thức và chính đáng được thông báo là vì Tiệp không biết sẽ đứng ở đâu!
Chỉ vì Hoa Kỳ thời Bush đã quyết định sẽ thiết lập hệ thống phòng thủ chiến lược - lá chắn ngăn chặn hỏa tiễn để bảo vệ Âu Châu - tại Ba Lan và Tiệp. Hoa Kỳ thời Obama thì đòi bãi bỏ hệ thống ấy. Liên Bang Nga thì cho rằng hệ thống phòng thủ là sự khiêu khích. Các nước Âu Châu còn lại thì đang bị khủng hoảng kinh tế tài chánh, hết thiết tha với việc mở rộng NATO cho hai quốc gia đang nằm trên cái thớt của Nga là Georgia và Ukraine, và chưa biết sẽ bỏ ai cứu ai.
Trong hoàn cảnh đó, Cộng Hòa Tiệp muốn biết là Hoa Kỳ sẽ bảo vệ các nước Ðông Âu tới cỡ nào và mình nên hội nhập vào Âu Châu tới đâu thì khỏi mang họa.
Khi bức tường Bá Linh bị đập vụn 20 năm trước, không ai ngờ là Ðông Âu dân chủ sẽ lao đao như vậy, Tây Âu thì nhu nhược như vậy, và Hoa Kỳ lại ngơ ngác bất định như vậy! Ðúng lúc ấy, Quốc Hội Mỹ dõng dạc ra lệnh “Phải mua hàng Mỹ!” trước sự gật gù của vị tổng thống đã thổi lên giấc mơ thắt chặt quan hệ chiến lược giữa Hoa Kỳ và Âu Châu!
Tại hội nghị tuần tới ở Munich về chánh sách an ninh (Munich Conference on Security Policy, từ ngày sáu đến tám tháng Hai) các tổng trưởng ngoại giao và quốc phòng của Âu Châu và Liên Bang Nga sẽ lắng nghe lời phát biểu của phái đoàn Hoa Kỳ. Chỉ mong là khi ấy, Phó Tổng Thống Joe Biden sẽ không nói dại - như mọi khi.
Chuyện ly kỳ và kinh hoàng nhất mà đa số dân Mỹ không biết - và giới chính trị còn giấu biến, vì mục tiêu dọa dân để hốt phiếu - là Hoa Kỳ có hy vọng ra khỏi suy trầm sớm hơn mọi xứ khác và thật sự không bị khủng hoảng trong cơ cấu. Khủng hoảng nếu có là trong sự thiếu lương thiện của chính trường. Ngược lại, các quốc gia khác, từ Âu qua Á, đều sẽ điêu đứng rất lâu và rất sâu.
Lý do: là một xã hội thường trực chấp nhận đổi thay - quy luật đào thải và canh tân - Hoa Kỳ có thể vấp ngã nhưng dù có ngã vẫn ngã về phía trước và lồm cồm đứng dậy. Vụ khủng hoảng tài chánh tai hại đã manh nha từ Tháng Chín năm kia và được xử lý từ Tháng Chín năm ngoái. Nhiều đại gia tài chánh đã phá sản nhưng nước Mỹ không bị loạn. Ngược lại, các quốc gia tại Âu Châu và cả Á Châu thì coi trọng sự ổn định, trước nhất là xã hội, nên thường phản ứng chậm, thường là quá chậm. Quán tính ấy càng dễ gây ra khủng hoảng xã hội khi kinh tế sa sút nặng. Chuyện ấy đang xảy ra cho cả chục quốc gia.
Phần kia, với giá dầu thô sụp đổ trong vỏn vẹn có mấy tháng, Liên Bang Nga cũng khó tránh được khủng hoảng, từ xã hội bắt đầu dội lên chính trị. Nhưng Putin vẫn còn chiếm thế thượng phong nhờ cái trớn Georgia từ năm ngoái. Nhìn về dài, Liên Bang Nga không thể tìm lại tư thế xa xưa của Liên Bang Xô Viết, nhưng Putin có thời cơ chừng một năm để chinh phục lại ảnh hưởng đã mất từ biển Baltic xuống vùng Balkan. Ðấy lại là thời điểm Hoa Kỳ muốn thỏa hiệp. Còn Obama thì muốn giải quyết cho xong chuyện A Phú Hãn. Cơ hội bằng vàng cho Liên Bang Nga.
Vì vậy, người ta chờ xem tổng thống mới của Mỹ sẽ làm gì cho chiến trường này, với phương tiện nào? Nếu có tăng quân số gấp đôi thì Hoa Kỳ chỉ có hơn 60 ngàn quân bên 30 ngàn lính của Minh ước NATO. Dù muốn áp dụng chiến lược dồn quân của Bush tại Iraq, Hoa Kỳ không thể kiểm soát được lãnh thổ A Phú Hãn và gây đủ động lượng - momentum - để thỏa hiệp với lực lượng Taliban và diệt sạch hậu cứ của al-Qaeda, như Chính quyền Bush đã thi hành tại Iraq khi vận động được sự hợp tác của các lãnh tụ Sunni.
Ngược lại, việc tìm đường tiếp vận cho liên quân Mỹ-NATO tại A Phú Hãn sẽ gây thêm sức ép với Pakistan và đòi hỏi sự hợp tác của Nga tại Trung Á - hay của Iran, với cái giá rất đắt.
Rốt cuộc thì tám năm sau chiến dịch A Phú Hãn, khủng bố al-Qaeda tàn lụi thành một vang bóng của chiến công 9-11 năm xưa. Nhưng Hoa Kỳ vẫn mắc cạn trong hình thái chiến tranh du kích với lực lượng Taliban tại A Phú Hãn và các tộc trưởng Hồi giáo cực đoan tại vùng biên vực giữa A Phú Hãn và Pakistan.
Khi Mỹ mắc cạn như vậy, các đối thủ không ngồi yên, từ Moscow tới Tehran. Còn các đồng minh thì phập phồng lo lắng. Sau sự thúc thủ của Ukraine vào đầu năm, quyết định của Cộng Hòa Tiệp vào tuần qua là một nhắc nhở...
Nhìn từ bên ngoài, mỗi khi Mỹ có lãnh đạo mới thì đối thủ tìm ra cơ hội và đồng minh đợi chờ sự bội tín. Tu chính án bảo vệ kỹ nghệ thép vừa banh ra sự phũ phàng về thời son sắt của Obama...
|