Home Tin Tức Bình Luận Có nên né tránh cuộc chiến 30 năm trước?

Có nên né tránh cuộc chiến 30 năm trước? PDF Print E-mail
Tác Giả: Thạch Chi Du và Nguyễn Hoài Thu   
Thứ Bảy, 31 Tháng 1 Năm 2009 13:51

Bài viết riêng cho BBCVietnamese. com
 
Một cựu binh Trung Quốc thăm lại nghĩa trang tử sĩ trong chiến tranh biên giới 1979
 Trong quá trình cải cách mở cửa dựng xây đất nước, dường như vấn đề chiến tranh biên giới Việt Trung là đề tài không nên nhắc tới.

Ngược lại, quan hệ hữu nghị do chủ tịch Hồ Chí Minh và chủ tịch Mao Trạch Đông gây dựng vào những năm 50 của thế kỉ trước thường xuyên được nhắc tới và được coi như cơ sở vững chắc trong quan hệ Việt Trung. Từ khi Trung Quốc và Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao vào những năm 70 có ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, tiếp sau đó hơn 20 năm quan hệ không được yên bình dường như là khoảng thời gian đang bị quên lãng.

Thế nhưng, cải cách mở cửa và quan hệ ngoại giao phải chăng là động lực tiếp tục hướng tới tương lai trong quan hệ 2 nước? Quá khứ đã ra đi và không trở lại, nói đúng hơn chỉ là 1 đoạn trong vòng tuần hoàn của lịch sử, những năm tháng cố tình lãng quên lại xuất hiện. Kỷ niệm 30 năm chiến tranh biên giới Việt Trung, vấn đề này đáng để cho chúng ta cùng suy ngẫm.

Nghiên cứu Trung Quốc ở Việt Nam

Trong 10 năm trở lại đây, khi các học giả phương Tây bắt đầu thảo luận về “Trung quốc là mối đe dọa” hay “Trung Quốc nổi lên như 1 cường quốc” thì các học giả nghiên cứu Trung Quốc ở Việt nam dường như không đề cập tới vấn đề đó.

Nghiên cứu về Trung Quốc có ảnh hưởng thách thức gì đến bá quyền quốc tế hay trật tự quốc tế không phải là vấn đề mà chính phủ Việt Nam yêu cầu các chuyên gia lưu tâm đến, bởi vì đó là vấn đề của các nước lớn. Chính phủ Việt Nam cho rằng chính sách đối ngoại, ngoại thương của Trung Quốc mới là vấn đề cần quan tâm.

Việt nam cùng Trung Quốc đang cố gắng phát triển kinh tế, thực hiện chính sách cải cách mở cửa, vì vậy cái mà Việt Nam cần là kinh nghiệm và bài học của Trung Quốc trong quá trình cải cách mở cửa chứ không coi Trung Quốc là mối đe dọa bên cạnh mình.

Quả thật Trung Quốc lớn mạnh là mối đe dọa lớn của các nước phương Tây.

Nhưng khi bản thân quốc lực Việt Nam chưa mạnh, thì vấn đề Trung Quốc có vai trò gì với trật tự quốc tế và có đe dọa gì với quốc tế dường như quá tầm tay của Việt Nam. Từ xưa đến nay, vương triều Trung Quốc vốn đã to lớn và có ảnh hưởng đến Việt Nam, vì vậy Trung Quốc có lớn đến đâu đi chăng nữa dường như là vấn đề mà các nước lớn khác quan tâm, chứ không nằm trong mối quan tâm của mình.

Cuối năm 2008, Việt Nam và Trung Quốc tuyên bố hoàn tất việc phân giới cắm mốc biên giới trên bộ 
 Việt Nam cũng có khát vọng trở thành con rồng nhỏ châu Á, vì vậy, Việt Nam cùng chia sẻ một ý nghĩ chung với Trung Quốc: nếu Trung Quốc có ý định biến thành cường quốc cũng có nghĩa hai nước Việt Trung đang ở cùng một giai đoạn lịch sử.

Như vậy cảm giác tương trợ giữa hai nước mạnh hơn cảm giác uy hiếp. Việt Nam bắt đầu cải cách muộn hơn Trung Quốc, vì vậy càng có ý nguyện quan sát học hỏi kinh nghiệm của Trung Quốc. Trung Quốc có thành công hay không sẽ là điều mà Việt Nam cần quan tâm chứ không phải đề phòng.

Xuất phát điểm của học giả Việt Nam khi nghiên cứu về Trung Quốc hoàn toàn không giống các học giả phương Tây, bởi lẽ học giả phương Tây lo lắng Trung Quốc có âm mưu tranh bá xưng vương nên nghiên cứu phán đoán từ những biến đổi về tiềm lực kinh tế quốc phòng của Trung Quốc.

Học giả phương Tây quan tâm nhiều tới tư duy chiến lược ngoại giao lớn của Trung Quốc, trong khi học giả Việt Nam chỉ quan tâm và nắm vững những sự việc cụ thể xảy ra với Trung Quốc. Họ cũng không xuất phát từ lý luận hoặc những nguyên tắc trong quan hệ đối ngoại của Trung Quốc, càng không có đủ nguồn lực nghiên cứu toàn diện mọi mặt về quan hệ ngoại giao của Trung Quốc.

Trọng tâm nghiên cứu chủ yếu là Trung Quốc và các nước trong khu vực châu Á, Thái Bình Dương. Có thể từ những nghiên cứu đó có thể giúp Việt Nam tìm ra con đường ngoại giao nhịp nhàng hơn trong khu vực cũng như với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc.

Chưa thỏa đáng

Thế nhưng né tránh nhắc tới vấn đề chiến tranh biên giới Trung Việt dường như hiển hiện rõ là học giả Việt Nam vẫn chưa tìm được con đường thỏa đáng để giải quyết cách nhìn về chiến tranh biên giới Việt Trung.

Nếu như chiến tranh biên giới 30 năm trước cần phải né tránh không nhắc tới mới có thể tiến bước về tương lai, thì có nghĩa là vẫn chưa thể thực sự vượt qua khoảng thời gian đó.
  Học giả Việt Nam vẫn chưa tìm được con đường thỏa đáng để giải quyết cách nhìn về chiến tranh biên giới Việt Trung 
Nhìn về lịch sử, quan hệ chính trị giữa hai nước như thế nào vẫn chưa có được cách nhìn chung. Cũng vì vậy trong quá trình xung đột biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc, người Việt chưa bao giờ đứng cùng chiến tuyến với Trung Quốc. Chiến tranh Trung Pháp vào cuối thế kỉ 19 là ví dụ điển hình cho điều này.

Nếu như việc tích cực phân tích nghiên cứu chiến tranh biên giới Việt Trung có khả năng gợi lại ký ức không tốt đẹp cho hai bên, thì cũng có nghĩa rằng hữu nghị trước mắt của hai bên chỉ là hiện tượng tuần hoàn mang tính tạm thời, trong khi đó sự xung đột trong suốt quá trình lịch sử giữa hai nước trong tương lai có khả năng sẽ lại chi phối quan hệ song phương.

Trong suốt khoảng thời gian dài, mặc dù đã trải qua nhiều thăng trầm lịch sử nhưng cũng có thể dùng câu nói sông liền sông núi liền núi để miêu tả quan hệ láng giềng hữu nghị Việt Trung.

Hồ chủ tịch đã từng viết trong bài thơ năm 1963 miêu tả quan hệ hai nước như sau: “Việt Trung hai nước thắm tình hữu nghị, vừa là bạn bè, vừa là đồng chí”.

Việt Nam luôn coi Trung Quốc là nước lớn. Để duy trì độc lập tự chủ và phát triển đất nước của mình, Việt Nam luôn nhắc nhở Trung Quốc nên xử lí các mối quan hệ theo phong thái của nước lớn và những đoạn trường lịch sử Việt Trung cùng trải qua trong lịch sử.

Vì vậy, làm sao đối mặt quá khứ, lý giải chiến tranh biên giới Trung Việt, để tương lai có thể xử lý hòa thuận mối quan hệ hai nước, là nhiệm vụ tư tưởng không thể thiếu được.

Ông Thạch Chi Du là Giáo sư tại Đại học Quốc gia Đài Loan. Tác phẩm gần đây của ông là Democracy (Made in Taiwan) ('Dân chủ làm tại Đài Loan', Lexington Books, 2008). Nguyễn Hoài Thu đang là Nghiên cứu sinh tiến sỹ, Đại học Trung Sơn, Cao Hùng, Đài Loan.

Trong tháng Hai, BBC sẽ có loạt bài - trên cả phát thanh và trang mạng - đánh dấu 30 năm cuộc chiến biên giới Việt - Trung 1979, nhìn từ nhiều quan điểm khác nhau. Rất mong nhận được những bài bình luận, hồi ức của quý độc giả về sự kiện lịch sử này.